thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ký tại La Habana
(bản dịch Diễm Châu)
 
Lời người dịch:
RAÚL RIVERO là một nhà thơ Cuba, đã được tặng nhiều giải thưởng văn chương. Các tập thơ gần nhất của ông thường được nhắc tới: Firmado en La Habana, nxb. SIBI, 4732, Southwest 75th Avenue, Miami, Florida 33155, USA (Bản Pháp văn của Fanchita và François Maspéro: Signé à la Havane, La Découverte/ Reporters sans frontières, Paris, 1998; bản dịch Diễm Châu: Ký tại La Habana, Tủ sách «tư liệu thơ», Trình Bầy, 1999) và Mandat de perquisition, bản dịch Jacobo Machover, nxb. Al Dante, 2003.
      Ông cũng là một nhà báo, từng là phóng viên của hãng thông tấn Prensa Latina tại Mạc-tư-khoa. Năm 1985, ông rời bỏ báo chí chính thức để lập một hãng thông tấn độc lập: CubaPress. Năm 1991, ông ký tên trong một tuyên ngôn của các nhà trí thức Cu-ba mà báo chí bản xứ gọi là «LÁ THƯ CỦA MƯỜI NGƯỜI»*, đòi hỏi tuyển cử tự do cho nước ông. Ông là người duy nhất trong mười người đó hiện còn ở lại Cuba, bất chấp những áp lực, đe dọa và sách nhiễu. Cách đây mấy năm Raúl Rivero bị bắt giữ và lên án 20 năm tù. Ngày chót tháng 11.2004, có tin cho hay Raúl Rivero đã được nhà cầm quyền Cuba “phóng thích”.
      Thơ Raúl Rivero được giới thiệu đều đặn với bạn đọc Tiền Vệ. Nhân biến cố mới (đối với Raúl Rivero), tôi hân hạnh được gửi tới bạn đọc trọn vẹn (những bài còn lại trong) Ký tại la Habana của Rául Rivero. Cũng xin mời bạn đọc xem thêm bài Christine Ockrent phỏng vấn Raúl Rivero đăng song song trên Tiền Vệ.
 
-------------------------
* «LÁ THƯ CỦA MƯỜI NGƯỜI»: Tháng Năm 1991, một số nhà trí thức Cu-ba đã ký tên chung trong một bản tuyên ngôn, yêu cầu nhà cầm quyền thi hành những biện pháp dân chủ hóa, trong đó có tuyển cử tự do. Báo chí Cu-ba đã đổi tuyên ngôn này thành «lá thư của mười người», dựa trên mười người ký tên đầu tiên. Trong số này, tuy nhiên, đã có tới chín người phải bỏ xứ, nhiều người - sau khi đã nếm mùi các.. đại học cách mạng; người duy nhất còn ở lại Cu-ba: nhà thơ kiêm nhà báo Raúl Rivero.
 
_________________________________
 
RAÚL RIVERO
KÝ TẠI LA HABANA
 
Tặng mẹ tôi
Tặng các con gái tôi, Cristina và Mariakarla
 

BƯU THIẾP

 
Hỡi đêm bao la, thế giới đã chờ đợi mi và đang dò xét mi
từ bóng tối của mi sẽ nảy sinh một cuộc phiêu lưu mới
tháng chạp từ hành trình trong hồn ta trở lại không còn sinh khí
ánh ngày bước vào đây không bao giờ chói lòa
ta có đó để trộn bài
vừa sáng suốt vừa mù lòa trong ngôi nhà mù lòa này
ta đánh cắp sự dịu dàng thân ái của đứa trẻ ngày trước đã là ta và lúc này ta giết chết
ta nghe xướng tên ta ở đâu đó trên thế giới.
 
 

CẢI TRANG

 
Tôi đã ưa bộ đồ chú hề, nó trong trắng và ấm.
 
(Tôi không ưa lắm trái Bóng bàn trên mũi
và hàng cúc đỏ trên ngực.)
 
Tôi đã khoác áo quần kẻ tình si
nhưng nó chật chội và khó mang.
 
(Phụ nữ đã làm vấy dơ của tôi phía trên
bằng nước sốt cà-chua.)
 
Tôi đã thử bộ đồ người tù
và cả bộ đồ người công an nữa.
 
Với bộ đồ Con Thú tôi thành công quá cỡ.
 
(Người Đẹp đối thoại với tôi đã trở thành một nữ minh tinh.)
 
Những bộ đồ người con, người cha, người bình thường thẳng thắn
tôi đã sử dụng không phân biệt.
 
Với những bộ đồ kẻ ly khai, kẻ phản bội, kẻ nghiền rượu
tôi đã kín đáo hơn và mau chóng bị quên đi.
 
Bộ đồ kế tiếp sẽ là gì
rồi đây ta sẽ rõ!
 
 

NGÔI SAO 555

                   Cho Miguelito và Christina
 
Rốt cuộc là mi đã nắm được ta
hệt như mi đã muốn.
 
Ta là số 22
của buổi xế trưa
tại Sở Di trú
đường Ngôi Sao
khu trung tâm-Habana.
 
Ta mang cái vẻ mặt di dân
nghĩa là
cái vẻ của mọi người
thêm vào đó một thứ cao ngạo,
thờ ơ, buông thả, mỏi mệt,
lợm giọng và buồn bã.
 
Ta nhìn thành phố này
như thể cảnh hoang tàn và đổ nát
đã không hủy hoại cùng với chúng
những mối tình và mơ ước của ta,
như thể lớp bụi đen bao trùm nó
không phải là lớp đất phủ trên nấm mồ tạm của ta.
 
Lúc này ta hệt như mi đã muốn,
ta làm bộ kẻ cứng rắn,
điên khùng, rửng rưng,
đắc thắng kẻ biết
rằng bên kia biển may mắn đang chờ hắn.
 
Lúc này ta đứng
và ta nhìn một công viên
nơi Teresa đã chờ ta một buổi tối
và ấy cũng thể nàng không ở cùng ta.
 
Nhưng hết thảy đều ở cùng ta
là vì thực ra ta đang nghĩ
tới cơn mưa đầu tiên sẽ đổ xuống
khi ta đi rồi.
 
Ta không nghĩ tới những gì mi buộc ta để lại
mà nghĩ tới tất cả những gì sẽ từ bỏ ta.
 
Không nghĩ tới cái sự thật phũ phàng
của hàng dài những người nam nữ
bị cũng một cái chế độ bàn giấy tàn nhẫn,
cũng một cái điên rồ ích kỷ
đã tịch thu đời họ
triệu tới cho thảm kịch.
 
Ta đứng đó một bàn tay nắm
tấm phiếu có ghi số của ta
và bàn tay kia thong dong
số mệnh ta treo trên cây viết (Big Metal Point)
bàn tay kia sẽ nguệch ngoạc tên ta
trên trang sổ thông hành
ở đó đã ghi
một cách tự động
một lát khác, chắc chắn là lát chót,
lát cuối cùng của đời ta.
 
Lúc này ta trở thành, và mi thừa biết,
đúng như mi đã muốn ta như thế,
nhưng trước khi ra đi
ta chỉ mong ước
rằng, ít ra là một lần, chỉ một lần trong suốt ba mươi tư năm,
mi đừng bày đặt với ta,
và mi cho ta hay phải chăng chuyện có thật
là con Sói Lớn Ác độc đã không ăn thịt
Ba con Heo Nhỏ.
 
 

TRỞ LẠI, CÓ THỂ ĐƯỢC CHĂNG?

 
Khi tôi không còn tới nữa
Barbra Streisand nàng có vẫn còn hát
Touch me?
 
Khi tôi không còn đó nữa
cái dĩa hát Vivaldi
có còn trệch vòng xoay
và ngôi nhà của em có vẫn hoài không thay đổi?
 
Những trang đề tặng trên những cuốn sách của tôi
có bị xé đi?
 
Làn khói trên cái tách xanh lơ
có vẫn là khói của cà-phê
hay là của cô quạnh,
không một bàn tay để mơn man quai tách
không một hàm răng để gặm mép viền?
 
Có trở thành mong manh, cay đắng và bị canh chừng,
cái thế giới đóng kín mà vì nó chúng ta đã tranh đấu?
 
Nếu tôi không tới thăm em
em có vẫn còn trên lan-can
với lũ chim
mà em đã đoạt lấy của cội cây?
 
Nước hoa Cologne
có bừng cháy trên một khuôn mặt khác
và kem cạo râu
có lại trở thành vô ích?
 
Này em, khi tôi không còn tới nữa,
những điếu thuốc của em có hắt hiu, rồi tắt,
và con chó dại khờ, vô dụng, tiếng kêu nhỏ yếu
có lại trở lại thiêm thiếp trên chiếc tủ ngăn?
 
Nếu tôi không tới thăm em,
có còn những ổ bánh nhỏ
để đón chào bình minh
và cà-phê để thắp sáng một ngày?
 
Có còn những kỷ niệm?
Cái chuông nhỏ ngoài cửa
có làm em sửng sốt?
 
Sẽ có chăng, khi tôi không còn đó nữa,
một bóng ma dịu dàng,
một bóng ma yêu dấu
và dịu dàng, nếu tôi không trở lại?
 
 

BÀI HỌC I

             Với sự hỗ trợ của Dylan Thomas
 
Hỡi mối tình đầu muộn màng
mối tình đầu muộn màng tới
khi mọi điều thất vọng đã dồn ta đến bước đường cùng như một loài dã thú
khi chúng đã bao vây cảm tính của ta
khi những trông đợi của ta đã bỏ đi
khi ta đã nhượng lại tim ta không đảm bảo
cho những nỗi đơn độc
cho những điều cay đắng
và cho những hoài nghi.
 
Hỡi mối tình đầu muộn màng
tại sao mi tới lúc này
tại sao mi lại đem niềm vui của mi tới ngự trị
ở chốn bị một bóng tối đắng cay vây hãm này
trong lúc ngoài cửa nhà ta
trời đã tối thui,
trên giường ta bừa bộn
ta không còn chỗ cho một thiên thần
cũng chẳng còn chỗ cho một người con gái điên cuồng như chim chóc.
Hỡi mối tình đầu chân thật
đã đòi ta cho em một bài học,
một bản đồ thế giới, một ám hiệu, một chỉ dẫn
hoàn toàn mới về con đường phải theo.
Ta đã quên hết về địa lý
ta chỉ còn những câu chuyện nhạt phai để hiến em
ta chỉ còn, để cho em những phương dược khẩn cấp, 
những liều thuốc ngủ mà ta đã tìm được trên bước đường lang thang
và thông quá những chòm sao.
 
Hỡi mối tình đầu chính thức
không phải lỗi tại em nếu em tới quá muộn màng.
 
Nơi đây yên nghỉ những dự định yêu đương vụn vỡ
mà ta đã nuôi dưỡng trong dự định lâu dài của đời ta
ở đó trong trọn vẹn cái chết này
lóe lên những ánh mờ
em hãy lấy những gì em muốn
hãy đem đi những gì có thể hữu ích cho em
hãy bỏ trốn dòng sông của những thất bại này
hãy tự giải thoát mọi điều dối trá
hãy để lại cho ta một chút tình thương mến, một chút gì để tiếp tục sống
hãy tắm gội trên những dòng nước đục này
và hãy phóng ngọn lửa của em tới các vì tinh tú
trên đường tìm kiếm mối tình đầu của em
trước khi đã quá muộn.
 
 

BÀI CA

 
Marta đã ra ngoài bờ sông
và rửa trái tim nàng ở đó
nhưng khi nào nàng ra biển
phải chăng nàng sẽ rửa tim ta?
 
Ta đã ở ngoài bờ sông với Marta
và đã thấy trái tim nàng hoàn toàn không che đậy
ta đã rửa trái tim ấy hết sức có thể được
nhưng liệu nàng sẽ có thể rửa ráy trái tim ta?
 
Marta không thể rửa
tim ta ở ngoài sông
hay ở trên trời
hay ngoài biển cả.
 
 

CHĂM CHÚ TỚI CON NGƯỜI

 
Xưa lắm rồi ngôi nhà này
kẻ xây dựng nó đã chết ở đó:
ấy là một di dân không tên tuổi
không chịu rời khỏi nó
và thường đánh thức tôi dậy từ tinh mơ
bằng cách xô cửa đánh ầm và nguyền rủa
ngoài hành lang.
 
Cha tôi đã chết ở đây
trên chiếc giường ấy
ông phải chịu vậy thôi
ông không còn lấy một buồng phổi
ông vô tín ngưỡng và bị nóng lạnh
ông chắc chắn cái gì cũng chỉ là tạm bợ.
 
Và mọi sự là thế
bởi cuộc đời chúng ta
chẳng phải một chiếc bóng thoáng qua?
 
Xưa lắm rồi ngôi nhà này
xưa đến nỗi một Đội người Nhà nước
tới chống đỡ nó thật chu đáo hằng năm
và cũng bởi thế mà vào những ngày kỷ niệm
vào những biến cố quan trọng
những buổi lễ Cách mạng
một Đội khác tới
trang trí những cột chống
bằng những khẩu hiệu quyết liệt
và những biểu ngữ thật hân hoan.
 
 

MÁ LÀM ĂN VỚI NHÀ NƯỚC

 
Mẹ tôi đã đi trao đổi tất cả những gì bà có.
 
Bà gói ghém những món đồ kỷ niệm
trong lớp nhung.
 
Những chiếc nhẫn của bà được kỳ cọ bằng tro
để mừng ngày 24 tháng Hai.
 
Đôi bông tai của bà đã từng rọi sáng
hội Liceo
trong những buổi khiêu vũ ngày 20 tháng Năm.
 
Một cái trâm mạ vàng
có hình con bọ cạp
với một viên ngọc lam.
 
Bà đã mang tới tráp bảo vật quí báu của bảy mươi năm đời bà
và để đổi lại
người ta đã tịch thu của bà một máy nghe đài hiệu Zenith
có một băng tần
chế tạo tại Michigan
vào mùa xuân năm 1941.
 
 

BÀI CA VÀ LÒNG TÔN KÍNH

 
Làn ánh sáng bừng cháy trong mắt em
sẽ không dành cho tôi
nhưng tôi ca ngợi nó.
 
Tôi đặt nó vào những bài thơ tôi
để nó soi sáng những bài thơ ấy
để những đôi mắt khác sáng ngời
và nhìn thấy
làn ánh sáng bừng cháy trong mắt em.
 
 

BÀI TẬP SỐ 1 KHÔNG DƯƠNG CẦM HOẶC LỤC HUYỀN CẦM

 
Tôi si tình một tấm gương soi
một đám mây, chiếc bóng của tôi, và một màu sáng chói
tôi đã giữ lại chiếc nón của ông già ấy
cùng với sợi dây chuyền bằng vàng của ông và trái roi.*
 
Tôi muốn nói viên ngọc của ông nhưng âm vận
buộc tôi phải tuân theo luật của nó, và tôi thú nhận
tội lỗi, tôi si mê một cây ghi-ta bể
và cô em họ yêu quí.
 
Tôi ưa cây leo, mọi giống
những ngọn núi cứu độ âm u rủ bóng
mỗi khi có thể được tôi dửng dưng lạnh lùng
và trên những đồng cỏ là một ánh lửa ma trơi thật hãi hùng.
 
Tôi đã du hành trên những áng mây êm trôi
trên những đường rầy mịt mờ hơi mỹ tửu
Và tôi biết rằng các vị công chức rất thích thú
dòng máu đào mục nát của tôi.
 
Tôi ghét khúc tuyệt tác **
bọn thoái hóa đi câu
là vì tôi biết rằng trong văn phòng em em có
tấm ảnh chụp của tôi bị những mũi tên lỗ chỗ ghim sâu.
 
Tôi khinh thị tín điều và thế mạt luận
những bài diễn văn trống rỗng và sự buồn chán
tôi đã thấy trong một khối cầu bằng pha lê
có những người ăn sống nuốt tươi những bài thơ.
 
Bị đắm đuối nơi hốc rỗng ngang thắt lưng
bên bờ lỗ rốn
ngày mai tôi sẽ chết trên tấm áo nàng
trong giấc mơ bồn chồn của một người bạn.
 
Tôi ủng hộ những vụ cương lên
thói giao cấu bất thường của súc vật
sự vô tội trong tù ngục
những vũ khúc bô-lê-rô và âm nhạc buồn.
 
Tôi đã giết những con cút rất dè giữ
mùi yếm thắm tôi tôn thờ
tôi thù ghét những cô giáo đỏ
những đứa trẻ con nhà quyền thế, những kẻ dại khờ.
 
Tôi lớn tiếng cho hay tôi về phe đêm tối
đêm của hội hè và của những phản bội
tôi đã phóng xe say như chết
với cô gái mà tôi yêu trên hết.
 
Hôm qua tôi đã chích vào mình tự tử
để ở lại đó trên con đường
tôi có một chiếc ly bằng pha-lê rất trong
quà biếu của mẹ một bà phù thủy đó.
 
-----------------
* «trái lê» trong bản Pháp văn!
** le chant du cygne (khúc hát thiên nga).
Bài này, tác giả đã cố tình làm thơ có vận, người dịch chỉ bắt chước phần nào, vì không muốn thay tất cả những trái lê bằng.. trái roi! (người dịch)
 
 

MƯA SẮP TỚI

 
Con đang chơi, Mẹ à, con đang chơi
và giờ đây con sẽ không bỏ cuộc
để ở lại một mình trong đêm tối này.
 
Không Thượng đế, không tôn giáo
trên bãi chiến trường đây
nơi người ta đã thổi kèn tiến công
từ buổi rạng ngày
khi kẻ thù hí hửng chuẩn bị cho tôi bữa điểm tâm
và lúc này men lại gần chúc tôi ngon giấc.
 
Em thấy đó, hỡi Thơ, tôi đang chơi
tôi ở đây, thành khẩn và thiếu tất cả,
đầy hãi sợ, rã rời
ra sức trút bỏ thật mau
bộ đồ người Chăn bò Cô độc
khiến tôi ngạt thở
và để tôi không đủ sức tự vệ trước các nhà nhiếp ảnh.
 
Tôi đã trở lại như vẫn thế
hầu như vẫn thế
là vì, quả thật,
tôi chỉ nhớ tới em
khi trời không còn mưa,
và đã có nhiều hạn hán
ở miền này.
 
Tôi đã trở lại là vì tôi biết
rằng em không thể tạo ra mưa.
Nhưng em nói với tôi về ẩm thấp
và tôi đã trở lại vì rằng với em tôi lại gặp
tiết trời loan báo mưa sắp tới.
 
 

LIÊN TẤU KHÚC DƯỚI DẠNG NHẪN NHỤC

 
Tôi đã bỏ mất mười năm của đời tôi
để chờ đợi những người đàn bà đã từng sống với tôi.
 
Tôi bị đau gan,
bởi khăng khăng muốn quên đi những lần thất bại
và mang một giấy thông hành phổ biến của kẻ nghiền rượu
tấm giấy chăng một mạng nhện trước những đôi mắt sắc
của những người đọc thơ tôi.
 
Đồng lương người cạo giấy bất lực của tôi
đã phừng cháy trong cả ngàn đêm của những nụ hôn cuồng nhiệt
với những cô gái không quen biết tôi
và cũng chẳng muốn quen biết tôi.
 
Vì đã ăn tối với một mệnh phụ ưa chuộng nước hoa
tôi có cái khái niệm thê thảm
về mùi hương của Nina Ricci nồng đặm
về cái sắc Bình minh tận cùng của Coco Chanel.
 
Vì si tình một nữ công nhân viên trẻ trung nọ
và đã tặng hoa cho nàng
tôi đã mất những chức vụ đáng kể
trong những cơ quan Nhà nước
và giành được những mối ngờ
của một vài cấp Đảng.
 
Những nhân vật công cộng có thế lực
đã gạch bỏ tên tôi trên sổ nhật chú
và tôi không có trong danh sách các ứng viên đáng được huy chương,
vinh dự hay tưởng thưởng.
 
Tôi đã từ khước tới thăm một người hấp hối
để theo đuổi một người đàn bà khinh bỉ tôi.
 
Một buổi sáng tôi đã bán mấy chiếc sơ-mi
để mời đi câu-lạc-bộ (và kế đó tới khách sạn)
cái cô nọ yêu một người nước ngoài.
 
Chúa nhật, thay vì đưa các con gái tôi đi sở thú,
tôi đã bỏ ngày giờ viết những câu thơ hàng mã.
 
Có một lần tôi đã mua hoa để đi thăm mộ
và đã đem tặng cho một cô Carmen kia
người đã rời khỏi xứ.
 
Ở nhà trường tôi trốn các môn địa lý
phép lịch sự, lịch sử, tôn giáo,
đạo đức và thể dục
để viết thư cho em
và chép lại những bài thơ của tôi vào cuốn sổ của Nancy
nó đã lớn tiếng đọc những bài ấy trong những giờ ra chơi
trong lúc nhạo cười, con bé thật nham hiểm,
trong cầu tiêu của bọn con gái.
 
Tôi đã tặng một cơn ứ máu
cho trái tim tôi, trái tim xinh đẹp, vô tội, cần cù,
trong những cuộc đấu tranh ngoạn mục
với những nỗi đớn đau khổ não ham chuộng.
 
Lúc này, hoàn toàn chín chắn,
tôi ngẫm nghĩ.
 
Ngày mai nhất định tôi sẽ bắt đầu sống
như người ta phải sống tuổi già của mình
nghĩa là tôi sẽ sống
như tôi đã sống.
 
 

BÀI THƠ MÙA

                       Tặng Mashena ở Varsovie và Maya ở Athènes
 
Mọi sự thật là lạ lùng mùa thu này.
 
Hoa hồng lớn thật lớn và có
xu hướng muốn tự sát.
 
Hết thảy những người chơi vĩ cầm trên đường xe điện ngầm
ôm chó và đàn của họ
khóc.
 
Tôi sống hồi kết cục của mình mỗi ngày
là vì nơi những viện bảo tàng và các phòng tranh
tôi thấy mình bị các vị giám mục đẫy đà
những người chiến binh sững lại vào đúng lúc họ chết
những con ngựa nát bươm đau đớn vì nỗi đau
mà khoa hóa học lạ xa với tình cảm này rải ra
bất thần gây hấn.
 
Thật là kỳ dị mùa thu này
mùa mà những dòng sông băng qua
êm đềm và giá buốt
rửng rưng với lưỡi câu của tôi
chở chuyên những tàu buồm và thuyền nhỏ
theo đuổi những con đường khác
và tệ hơn nữa đến từ những bến bờ
nơi tôi không có chỗ đậu
nơi tôi không có tình yêu
nơi tôi không có âm nhạc
đợi chờ tôi.
 
Ấy đó mùa dị kỳ
đang đi qua đời tôi
không em, không ca khúc, không gì hết
là vì vẻ đẹp, khi ở xa,
là vô ích.
 
 

NHỮNG CÂU HỎI

 
Tại sao, Adelaïde hỡi, tôi lại phải chết
ở chốn rừng rậm này
nơi tôi đã tự tay nuôi
bầy dã thú
nơi tiếng tôi sẽ hòa nhập cùng những tiếng khác
trong buổi hòa âm ghê rợn của đường phố.
 
Tại sao ở chốn này nơi chúng tôi đã muốn có cây cối
và nơi đã chỉ mọc lên những giây leo,
nơi chúng tôi đã mơ tới những dòng sông lớn
và nơi chúng tôi đã thức dậy yếu đau
trong bùn lầy.
 
Ở chốn này nơi chúng tôi đã tới,
như trẻ thơ, kẻ vô tội, người khờ dại
và nơi người ta đã gài bẫy,
một bãi lầy phủ bằng giấy bóng kính
mà chúng tôi đã vừa xé ra vừa cảm tạ
những kẻ xảo quyệt đã đặt nó.
 
Tại sao tôi lại phải chết ở đây
đây không phải tổ quốc tôi
đây chỉ là những đổ nát của một xứ
mà tôi không rõ lắm.
 
 

KHÔNG, TÔI KHÔNG KHÓC

 
Màn sương mù này màn sương mù thực sự này
không ở trên đôi mắt kính của tôi
hay trong không khí ẩm ướt nơi tôi viết
nó hoàn toàn ở trong đôi mắt
tôi sử dụng để nhìn nó.
 
Và giấc mơ này thật mịt mù
vẫn một giấc mơ ấy
nơi tôi bị một con chó ngốn ngấu đôi bàn tay
hay một giấc mơ nọ nơi tôi chờ một chuyến tàu điện
mà biết rằng nó sẽ chẳng chạy qua
hay lại nữa giấc mơ thực sự
giấc mộng đẹp đầy đau thương
nơi tôi ở ngoài biển
và những lớp sóng phủ trùm lên tôi đều là cát
sự bất động là do nước
sự trong suốt đến bởi trời
và hiểm nguy đến từ thời gian tôi cần phải ngủ.
 
Đã bao năm
tôi sống với màn sương mù ấy
mà nước mắt thật vô tội
khiến lúc này nó trở thành màn sương mù thực sự
gần như êm dịu che mờ
đôi tròng kính nơi sự khiếp nhược của tôi
sẽ tìm được chỗ trú ẩn qua đêm tối.
 
Sương mai, làn nước xa xăm
đã giúp tôi tạo nên
cái hình ảnh lạ thường
nơi tôi che giấu
những con người tôi rất có thể trở thành
và những bóng ma của họ.
 
Tấm kính mà máu và các động mạch
sẽ đập vỡ ngay một lần vào một buổi sáng nào đó.
Sương mờ, sương mù, lời ta thán
nước, khúc nhạc dạo của luồng hơi bốc lên
nơi chúng ta sẽ ra đi.
 
 

NHỮNG CHUYẾN ĐI VÀ TIỀN BẠC

 
Phải, Bà ơi, cháu đã yêu
cái áo pull trắng ấy, rẻ tiền
và thủng lỗ
mà Ba Vua* đã để lại cho cháu trong nhà bà.
 
Cháu đã yêu cây mận
những bông lan trên tấm vách 
cây xanh với những trái lựu
và những lời bà
ngọt ngào
cháu đã yêu chúng như những chiếc gối của bà
hoàn toàn êm ái
và chiếc giường nơi mình bơi thuyền
thay vì ngủ.
 
Ánh mặt trời mà ta đã đi tìm kiếm
và ta đã thấm hút
và những chuyến đi dài dặc này
những chuyến đi đã dẫn tới nhà tù hay nghĩa địa.
 
Tiền bạc của bà
những đồng tiền ngày nay không còn giá trị:
hai cái hôn nếu cháu ngủ ngoan
ba nếu cháu dậy sớm
năm nếu cháu làm việc
nếu cháu thuộc bài và nếu cháu biết chăm sóc những chiếc áo sơ-mi của cháu.
 
Cháu đã yêu tất cả, Bà ơi
ngày nay cháu biết
rằng cháu sống không có áo
rằng cháu không còn tin ở Ba Vua
rằng cháu chẳng còn cả những trái mận, lẫn hoa lan, hoặc những trái lựu.
 
Ngày nay cháu chẳng còn
những lời ngọt ngào của bà
cũng chẳng còn sự êm ái
của những chiếc gối của bà
và cháu là một kẻ đắm thuyền trên mọi chiếc giường
- đơn độc và không tiền bạc của bà -
ngày nay khi mọi chuyến đi mà cháu còn phải làm
vẫn còn và bao giờ cũng dẫn tới nhà tù
hay nghĩa địa.
 
-------------------------------------------
* Theo Phúc âm của Matthêu, khi chúa Giê-su ra đời ở Bê-lem, xứ Giu-đê, thời có ba đạo sĩ từ phương Đông đem tặng phẩm tìm tới bái yết. Các vị này, bên đạo Chúa quen gọi là «Ba Vua». (người dịch)
 
 

VỀ CƠM BÁNH VÀ TRÒ XIẾC

 
Tôi đã rửa ráy cho cha tôi
tôi đã mặc quần áo cho người
và lúc này tôi mua cho người
món đồ ngọt «râu ông lão»* và sô-cô-la
để đưa người đi coi xiếc.
 
Mất công người mới lên bảy
người chả sợ sư tử
người chẳng thèm biết tới ngựa
người bất cần những kẻ nhào lộn leo giây
nhưng người thật khiếp đảm
trước bầu đoàn mấy anh hề.
 
Hỡi các con gái của ta:
khi nào các con biết rằng ta đã chết
khi nào các con mơ đưa ta đi coi xiếc
hãy mơ tới ta
như bản thân ta ta đã mơ tới cha ta!
 
-----------------------------
* tạm dịch «barbe à papa»! (người dịch)
 
 

GIẾT MỘT NHÀ THƠ

 
Đẹp lắm cái chết của một nhà thơ.
 
Những góa phụ thành kính nhất của ông gợi lại kỷ niệm về ông
có nhiều hoa và vòng hoa chính thức
và bạn bè các quán rượu
nói về ông trước những quầy hàng quen thuộc
trong những hơi rhum âu sầu tỏa rộng.
 
Thật là hoàn hảo cái chết của một nhà thơ
bởi chúng ta có thể gợi lại ông
trong lúc đọc những diễn từ thơ mộng
nơi ta dìm ngập trong một thứ mực của người công chứng
những thói tật khả ố khuấy nhiễu những kẻ kia.
 
Một nhà thơ chết cho phép ta nhìn tới
những điều gớm ghiếc của y với sự nhân nhượng:
người ta tha thứ cho y những điều tai tiếng công khai
sự mê đắm của y đối với những máy bay xếp thành đội ngũ
việc y bỏ rơi con cái
sự chung thủy của y đối với rượu chè
và thiên khiếu kẻ bất lực của y.
 
Một vài điều bất kính người ta dành cho y
trở thành những lỗi nhỏ nhẹ nhàng
và những hồ nghi của y, những sa sẩy của y, những cơn bão tố,
những ngờ vực, bóng mờ, bóng tối,
hết thảy đều ra đi cùng với y trong cỗ áo quan
đeo vào chiếc kim cài cà-vạt của y.
 
Thật là tuyệt diệu cái chết của một nhà thơ.
 
Lập tức xuất hiện những chứng từ
do một kẻ thù nghịch thâm kín thảo ra
và các viên giám đốc khốn khổ của các tạp chí
chắc chắn đảm bảo được số báo sắp tới.
 
Và thế rồi chúng ta có một cái tên mới
để tạo ra một giải thưởng văn chương
và một ngày kỷ niệm mới để có bài cho báo chí.
 
Một thiếu phụ tỉnh lẻ
nhan sắc đã tàn phai và vườn tược không có
đặt một vài vần thơ dở
vào cái hộp âm nhạc
và khóc ngày thứ Sáu như chưa từng thấy
về số mệnh của vai nữ chính
trong cuốn phim truyện từng kỳ trên truyền hình.
 
Thế nhưng quả thực là tuyệt vời cái chết của một nhà thơ
bởi cái chết của y là một cuộc phục kích ái tình ở trần thế.
Khi một nhà thơ chết
bao giờ cũng có một ai đó vui mừng
ở một nơi mà thương mến bỏ rơi không nhòm ngó.
Thật là cần yếu cái chết của một nhà thơ
bởi những bài ca ngợi tổ quốc của y có thể bay đi
và những bài thơ y đã viết cho những người đàn bà của y
vượt thoát khỏi tác quyền.
 
Cố nhiên là chuyện trở thành khó khăn hơn nhiều
khi phải giã từ một cách giản dị những bông hồng ướp khô
khi phải dạo chơi nơi vườn thú
khi phải ngắt những bông cúc
khi phải lượm những mảnh thủy tinh
khi phải nhìn ngắm mình nơi những tấm gương
khi phải che giấu trong những ngăn kéo
hay trong những kẽ hở khác
những mối tình bị đoạt mất.
 
Thế nhưng một nhà thơ chết, bao giờ cũng hơn.
 
Còn lại với chúng ta là toàn bộ thi ca của y
và chúng ta thoát khỏi cảnh va chạm hằng ngày
khi phải sống với một người
yêu cuộc sống một cách thảm hại.
 
Một người không yêu cái chết,
ngay cả trong thơ.
 
 

THẲNG THẮN VÀ ĐỒI TRỤY

 
Tôi vô tội. Kẻ có tội chính là bàn tay tôi
luôn luôn trong bùn nhơ và thân tình dễ dãi
(xúc cảm hời hợt của khoảnh khắc).
 
Luôn luôn trong điều phù phiếm.
 
Nói tới sự ngọt ngào hay đắng cay
ẩm thấp hay lạnh lẽo.
 
Phải chính nó, tự lập, phô bày quyền lực
và cái đam mê phơi mình trần trụi.
 
Chính nó, kẻ làm hư hỏng, hàm hồ trong những điều khám phá,
không đủ khả năng phân biệt
giữa một hành vi hối lỗi, một dấu thánh giá
và một cử chỉ tục tằn, kiên trì, lì lợm, đầy nhục cảm.
 
Ôi! bàn tay tôi
bàn tay đồi trụy, sỗ sàng, buồn rầu, thê thảm.
Và vuột thoát nhờ sự thú nhận này.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021