thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những gì viết trong gió [II]
(Diễm Châu dịch)
 

BÀI THƠ CŨNG LÀ MỘT KHU RỪNG

 
— không phải là cả một khu rừng   
mà là một khu rừng bé tí tẹo
thực ra ấy chỉ là một cái cây
thực ra ấy chỉ là gió trong cây
nhưng ai sẽ viết ra điều ấy
vào ngày phán xét cuối cùng?
 
Hôm nay một cái cây là  
một vật gì để nấp đằng sau 
hay để tự treo cổ
hay để bị hạ sát gần đó.
Một cái cây đầy mưa cũng như máu
và cả một cái cây đầy
tuyết nữa.
 
Một cái cây và một cái cây  
và thêm ba cái cây. Ở đó, có một lần,
một con chim tới
rót đầy cái cây của tôi
bằng tiếng hót
rồi tuyết tới.
 
Những cái cây, những cái cây
có vô vàn vô số những cây
— cây làm sườn nhà, cây làm cột chống đỡ, cây để cắt đẽo, cả một đạo binh
— đạo binh lớn*
tập hợp với tiếng kèn quân dưới một thời của phía nam
kể từ Vladivostok và khắp chung quanh địa cầu
cho tới mãi Kirkenaer.
Tiếng chim chiêm chiếp, tuyết mùa đông
— chúng ta có thể dõi theo một vết chân nai  
từ cây này qua cây khác  
nơi chúng ta có thể tự treo cổ,  
hay có thể bị hạ sát gần đó.
 
------------------------------------------
* Nguyên tác ở đây bằng Pháp văn: «la grande armée». (người dịch)
 
 

CÓ KẺ*

 
Có kẻ  
trèo ra khỏi cuộc đời chúng ta, có kẻ
tự tiện bước vào
cuộc đời chúng ta và ngồi xuống,
có kẻ
lạnh nhạt bước qua, có kẻ
tặng em một bông hồng,
sắm một chiếc xe mới,
có kẻ
rất gần gũi với em, có kẻ
em đã quên,
có kẻ, có kẻ
là chính bản thân em,
có kẻ em chưa từng thấy, có kẻ
đang ăn măng tây, có kẻ
là con trẻ,
có kẻ đang trèo lên mái,
ngồi tại bàn,
nằm trên võng, thả bộ với một cây dù
đỏ,
có kẻ đang nhìn em,
có kẻ chả bao giờ để ý tới em, có kẻ
muốn nắm tay em, có kẻ
đã chết đêm nay,
có kẻ là người khác, có kẻ là em, có kẻ
không phải em,
có kẻ chính là em.
 
-------------------------------------------------
* Nguyên tác: «Noen» có thể hiểu cả số nhiều lẫn số ít. (người dịch)
 
trích Những hàng tựa lớn, 1969
 

HỒI CHUÔNG NGUYỆN*

 
Những phép mầu diễn đi diễn lại  
không còn là phép mầu,  
chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành vô hiệu như những khuôn mặt trên một chuyến xe buýt  
hay dòng sông băng giá của ánh sao
lặng lờ trôi trên mái nhà anh vào lúc ban đêm
và sẽ tiếp tục trôi khi anh đã chết và bận tâm với những chuyện khác.
Anh biết được gì về tất cả những chuyện này. Thứ ánh sáng xưa cũ 
mà anh thấy trên kia, không thay đổi và phát lân quang,
có lẽ là tinh dịch của thế giới, dòng hạt mầm của Thượng đế  
và trái đất mà anh đang đứng trên là cái tế bào 
cái tế bào duy nhất, cái tế bào được biệt đãi
với bọc sinh sản, tiếng kêu của sinh nở.
«— Kìa Người đã đoái nhìn phận hèn của tôi tớ gái Người; 
kể từ đây mọi thế hệ sẽ khen tôi là có phước.»**
 
Nhưng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ chết và điều thiết yếu là nắm chặt lấy mọi sự   
chiếc xe người vợ cái máy xén cỏ và đừng để mình chìm đắm
trong những suy tưởng khiến anh trở thành kỳ dị. Chúng ta hết thảy đều có những vấn đề riêng của chúng ta.
Nhưng lâu lâu chắc chắn chúng ta cũng có thể tự hỏi 
chuyện gì đang thực sự diễn ra ở nơi đây.
Là vì, dẫu sao chăng nữa chúng ta cũng phải tin ở một điều gì. Những chuyện cũ  
hay chuyện mới. Thiên niên kỷ hoàng kim hay 
Đẩu số của anh.
 
Tốt hơn cả là đừng buồn để ý. Vì chẳng bao lâu nữa một điều gì đó sẽ có thể xảy ra.
Và điều thiết yếu là chụp bắt tất cả   
như kẻ trộm vẫn nói  
khi tình cờ không có ai ở trong nhà
và chỉ có một vầng mặt trời cũ kỹ
và một vành trăng mù lòa từ khi mới sinh đứng canh.
 
--------------------------------------------
* Nguyên tác: «Angelus», chữ khởi đầu trong câu Tin mừng Luca I:28 «Thiên thần Chúa báo tin cho bà Maria… »; còn có nghĩa là «Hồi chuông nguyện» để tưởng nhớ phép mầu này.
** Câu này trong bài « Magnificat »: lời của Đức bà Maria, trích từ Luca I:48. Xin xem thêm Samuel I:11 trong Cựu ước. (người dịch)
 
 

HẬU TỪ

 
Cho «Bình minh», một bức khắc đồng của Anne Lise Knoff
 
Mặt trời-gần, mặt trời-xa,
trái đất đi không người lái trong không gian  
chĩu nặng những trẻ em và chim chóc,
những lùm bụi trong rừng, những mảnh mây và những ngọn gió trong như thủy tinh
lặng lẽ và ở bên kia những khoảng rộng
còn đẹp hơn cả tắm màn sương của đêm tối
trên biển-dậy sóng. Những bờ biển
Barbados hay vùng quần đảo Hebrides.
 
Ở nơi những ý kiến luôn luôn mâu thuẫn
của thời đại, những cuộc tuần hành phản kháng chỉ thành công một nửa,
những lời kinh cầu không bao giờ hoặc chỉ được chuẩn nhận một phần
chẳng đi tới đâu, ở nơi những hy vọng của chúng ta
được cứu thoát khỏi những lò lửa rực cháy để
lại bị dằn xuống trong những nhu cầu rên xiết thường nhật.
Cho đến khi chúng vùng dậy sáng rực trời 
hướng tới những chòm sao Bắc cực và Mục phu
và buổi sáng thu thập những đóa hồng
có lẽ ở ngoài cái chết, màu trắng cẩm thạch.
— Là vì có những kẻ tin ở hy vọng
bất chấp mọi lý lẽ,
tin ở sự sống giữa không gian của cái chết, tin ở
ngôi sao ngoan cường của nó.
 
trích Coi chừng cửa—Cửa đóng lại, 1972
 

QUAY ĐỀU

 
Trong thành phố của kỹ thuật  
nơi hết thảy mọi người quay thật đều như trên những vòng bánh  
khiến họ có thể hài lòng vì tiến mau  
và kiếm ra thật nhiều tiền khiến họ có thể mua tất cả mọi thứ  
không một ai còn biết ai khác nữa 
bởi họ khộng có ngày giờ  
bởi họ phải quay đều trên những vòng bánh  
và mua những thức vui vui
khiến họ có thể hài lòng vì tiến mau
khiến mọi trẻ em phải tự mình chăm sóc lấy mình
và mọi người già phải đi nằm và chết
bởi không một ai còn có ngày giờ và không một ai biết tới những ý kiến sống động
bởi đây là chuyện phải quên đi, đây là chuyện phải hài lòng vì tiến mau
trong lúc đèn hiệu ngoài đường bật qua màu đỏ và bật qua màu xanh
hết thảy quay đều trên những vòng bánh
quay đều
và quay tròn quay tròn
v.v. và v.v.
 
 

RA LỐI NÀY

 
Nhửng buồng thang máy trong những thành phố lớn 
lướt đi suốt ngày như những ống bơm đang lao động.
Từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên  
lầu 13, 14, 15, 16 và băng nhận nút 
cú nòng thụt lặng lẽ và những thay đổi áp lực không khí
cảm thấy như một tiếng ù chậm rãi trong tai;
lằu 12, 11, 10, 9, 8, 7 bảng đỏ và nhận nút băng.
 
Chúng đẩy anh lên và buông anh rơi xuống lại,
từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới tùy anh thích,
những trông đợi, áp lực động mạch, thất vọng và khiếp đảm,
lầu 6, 5, 4, 3, 2, 1
và băng nhận nút,
chấm dứt, ra lối này.
 
 

XA LỘ

 
Chiếc roi da đen của giải nhựa đường vun vút qua một khung cảnh trần trụi
nơi những vừng trán rừng gầy gò hàng hàng tiến lên đối địch
— rồi biến đi ở phía sau và không còn đó nữa.
 
Những khoảng cách nện lên kính chắn gió. Một đám mây trắng chìa
bàn tay và ra hiệu
— biến đi ở phía sau và không còn đó nữa.
 
Những đại thánh đường và những quả chuông ở xa trồi lên như những gì còn lại
của một sợi thép gai cũ kỹ
— biến đi ở phía sau và không còn đó nữa.
 
Những con đường chạy tới trời, nhưng ấy chỉ là lừa gạt. Mùa hè
và mùa thu, mùa đông và mùa xuân
— biến đi và không còn đó nữa.
 
Mọi tốc độ đều là một cuộc chạy trốn. Anh bỏ trốn từ đâu? Những hy vọng của anh,
nỗi lo ngại của anh
— biến đi và không còn đó nữa.
 
Bởi đêm tối bỗng đột ngột tới, sự kỳ diệu của thế giới, chính anh
— anh biến đi ở phía sau và không còn đó nữa.
 
 

RỪNG ĂNG-TEN

 
Trên những mái nhà của các thành phố, có những cánh đồng lớn.
Ấy là nơi im lặng đã trườn tới,  
bởi trên các đường phố không còn chỗ cho im lặng.
Thế là đến lượt rừng theo chân im lặng.
Rừng phải ở nơi nào im lặng bao trùm.
Cây thêm vào cây thành những lùm bụi dị kỳ.
Thực ra chúng cũng không lớn lên được mấy, là vì đất nơi đây quá cứng.
Thế nên đây chỉ là một cánh rừng thưa, một cành về phía đông,
và một cành về phía tây. Cho đến khi những thứ ấy tựa như những cây thập tự. Một khu rừng
những cây thập tự. Và gió thầm hỏi
— Ai yên nghỉ nơi đây
trong những nấm mộ sâu này?
 
 

TỪ CON SẺ VÀ TỪ CON QUẠ KHOANG…

 
Từ con sẻ và từ con quạ khoang 
chúng tôi đã tới,  
 
từ cơn mưa và ẩm ướt, từ đầm lầy   
và từ bìa rừng, từ những chốn nghèo nàn,  
từ những căn nhà đen tối, từ rơm rạ và từ cỏ khô 
chúng tôi đã tới,   
 
từ ruột cá và từ tiếng ì ầm của biển,  
từ chuồng súc vật và từ rầm gác thượng của chuồng thú,  
từ những tiếng ầm ầm của giông bão, từ tuyết trong rừng  
chúng tôi đã tới, 
 
từ những thức ăn hẩm hiu, từ những chân trời bít kín, từ những đêm thèm khát  
chúng tôi đã tới, 
 
từ những tâm hồn phơi trần và từ những ánh sáng Bắc cực,  
từ những nỗi quạnh hiu to lớn đổi lấy những lồng thang máy,  
những hơi khí cay chua và những hành lang lặng lẽ  
chúng tôi đã tới,
 
đổi lấy những chiếc xe đẩy hàng ở chợ, nhựa đường màu xám và những vành tai điếc
chúng tôi đã tới,
 
đổi lấy những căn nhà khác và những âu lo muộn phiền mới
chúng tôi đã tới,
 
đổi lấy một cuộc khởi hành mới
chúng tôi đã tới...
 
 

GỬI TRÁI ĐẤT (VỚI LỜI CHÀO BẰNG HỮU)

 
Này Trái đất, hãy lắng nghe đôi chút, chúng ta có đôi điều muốn nói với mi,
— không phải là vì chúng ta có điều gì không vừa ý ở đây, đây là một chốn xinh đẹp, 
có đủ nước, và không gian và khí trời dưới mái nhà, 
chúng ta vùi mầm hạt dưới đất và chẳng mấy chốc vàng của chúng sẽ rì rào trên những cánh đồng.
Bởi chúng ta đã nhận được hầu như tất cả từ mi, 
nào dầu lửa và biển tươi mát, nào len ấm vào mùa đông 
nhưng chúng ta không còn được yên nghỉ ở nơi đây.
Có điều gì đó đã khiến chúng ta lạc hướng  
và chúng ta xoay vỏng tròn và chúng ta lo sợ mỗi ngày  
về tất cả những gì có thể xẩy ra.
Đó là lý do tại sao chúng ta hỏi mi lúc này: mi đã làm gì các sườn núi  
và biển?
Mi làm sao để lúc nào cũng giữ được cân bằng với chính bản thân mi,
lúc nào cũng vững vàng ổn định. Mi theo đuổi quỹ đạo của mi trong không gian  
không nhầm lẫn, không đi lệch chút nào,
lặng lẽ, chỉ có một mình sau ngần ấy quang niên của vĩnh cửu,
chỉ có tiếng thì thầm êm dịu của biển đi kèm
và tiếng gió băng qua rừng đôi lúc.
Mi luân chuyển nắng và gió và mùa xuân tới vào giờ đã định.
Tất cả những tính toán của mi đều đúng, tất cả những mô thức và hình thái của mi 
đều trong trẻo như những tinh thể pha lê.
Đó là lý do tại sao chúng ta tới hỏi mi
mi đã làm cách nào.
 
Bởi thế là cũng đã lâu chúng ta cư ngụ nơi mi trong niềm vui và nỗi muộn phiền 
và chúng ta đã nhận được từ mi những gì chúng ta cần tới 
ngoại trừ điều duy nhất này — sự cân bằng và bền bỉ,
sự bình thản không thể nào lay chuyển được của mi.
Phải, chính mi mi cũng thấy rõ là chúng ta đã ra sao,
chúng ta đã biến đổi thế nào sự sống thành cái chết ở khắp nơi mà chúng ta đi qua,
— những nhà máy làm việc ngày đêm chế tạo những vũ khí tuyệt diệt
trong lúc biết bao triệu người trong chúng ta vẫn sống như thú vật, trong đói khát và cùng khốn.
 
Những khu nhà ổ chuột ở phía đông và ở phía tây tăng trưởng như một căn bệnh  
và lúc này chúng đã vây bọc các thành phố lớn như một lớp vỏ cứng,
điều ấy chính mi mi cũng đã thấy rõ và chúng ta không thể nào chận lại
mà không có những dòng thác tàn sát, những địa ngục máu.
 
Mi kẻ dẫn đưa các băng đảo ra khơi, tới một vùng biển độ lượng hơn, 
mi kẻ đã khiến kế tiếp nhau trong lặng lẽ mùa hè và mùa thu, mỗi mùa vào giờ của nó,
mi kẻ đã làm trào vọt mùa xuân như những ngọn suối xanh sau cơn tuyết,
— hãy cho chúng ta mượn đôi chút sự cân bằng của mi, sự bình thản của mi,
như khi đêm trở thành ngày và khi thời tiết xấu rời xa trên những ngọn đồi, 
mi cần phải giúp đỡ chúng ta vực dậy nhà cửa 
đang đe dọa sụp đổ và đè bẹp chúng ta hết thảy.
 
Chúng ta tin chắc rằng mi rồi sẽ tiếc nuối chúng ta. Nơi đây có lẽ sẽ trở nên lặng lẽ.
Lạ xa và không một tiếng động trong lúc những cánh đồng mọc lên 
và hết mọi vùng biển đều trống rỗng.
— Và ban đêm mi sẽ nói gì với tất cả các vì sao 
khi chúng tới chen chúc quanh mi 
với những con mắt lạnh lùng của các vị giáo sư lấp lánh 
sau những tròng mắt kiếng nghiêm nghị:
— thế nào, tới đâu rồi cái lồng ấp của chúng ta.
Cuộc thử nghiệm đã thất bại rồi ư?
 
 

BÀI TẬP HÔ HẤP

 
Nếu như anh đi tới khá xa
anh có thể thấy mặt trời chỉ như một tia lửa 
trong một dàn hỏa ngùn ngụt
nếu như anh đi tới khá xa.
 
Nếu như anh đi tới khá xa 
anh có thể thấy vòng bánh xe của Ngân hà  
chạy vụt qua trên những nẻo đường của đêm tối
nếu như anh đi tới khá xa.
 
Nếu như anh đi tới khá xa   
anh có thể thấy chính Vũ trụ 
tất cả các tỉ quang niên của thời gian gộp lại, 
như một ánh mờ cô độc xa xăm  
không kém gì ngôi sao của đêm tháng Sáu 
nếu như anh đi tới khá xa.
 
Thế tuy nhiên, bạn ơi, nếu như bạn đi tới khá xa 
bạn cũng mới chỉ ở phút khởi đầu  
của chính bạn.
 
 

NHỮNG VỊNH NHỎ VÀO THÁNG TÁM

 
Vào cuối tháng Tám khi gió lặng 
biển lớn tiến vào để nghỉ ngơi đôi chút
về phía Bringa và Beiteln và Brattabroti, mỏi mệt vì là biển
không thôi và bão táp và tiếng thét gào của sóng không thôi.
Biển thận trọng mở từng cánh cửa
của hết căn buồng này tới căn buồng khác 
cho đến khi tới một bãi biển,
một đống đá lở màu xám, cho đến khi tới một tiếng thác đổ 
và nằm dài ra đó để ngạc nhiên thích thú 
vì tất cả những gì mình chưa từng thấy    
và chưa bao giờ hiểu. Biển
kẻ đến từ những cơn bão táp và kẻ biết thế nào là cái chết  
và thế nào là náo động muôn đời
bắt gặp một viên sỏi nhỏ trên bãi biển,  
vươn một ngón tay và lăn nó đi  
không thôi. Tấm gương 
nhường chỗ cho tấm gương. Ngày  
nhường chỗ cho đêm tối. Những sườn núi,  
những triền dốc và cây cối của chúng  
trĩu nặng quả.
Trán chạm trán, cánh tay tựa cánh tay.
Cuối tháng Tám. Xanh lục, đôi khi vàng ánh. Và đỏ  
như một làn má ngủ thiu thiu.
 
 

NHỮNG CHỮ MÙ LÒA

 
— là những chữ mà những người tình nói với da thịt
trong khoảng đêm mà không một ý nghĩ nào hình thành.
 
— là những chữ mà kẻ hấp hối tạo nên trong cổ họng
và sẽ không bao giờ thốt ra được vì những ngọn nến đã tắt.
 
— là những chữ mà thai nhi nói trong khi mơ
tới những âm thanh nó không thể nghe thấy và những màu sắc nó không biết.
 
— là những chữ mà gió nói với cây và những nỗi muộn phiền
nói với tim ta.
 
— là những chữ đã có trước khi các chữ sinh ra,
những chữ làm thành trái đất
và các vì sao phát ra dưới dạng ánh sáng
trong hơi thở ngàn đời.
 
 

CÁT

 
Có một tổng số chính xác cho mọi hạt cát trên trái đất, 
cũng như cho các thế giới sáng sao trên đầu chúng ta
(giả thiết là đôi bên cùng một số lượng), nếu chúng ta biết được, 
nhưng có điều quan trọng hơn, ấy là biết rằng số những hạt cát  
vẫn tăng lên đều đặn và các sa mạc ngày một lớn hơn. Một vệt
tím đã hòa vào sắc hồng của buổi chiều tà.
 
Cát thời trắng như sữa và mềm  
như một cung đàn vĩ cầm lướt qua.
Cát hôn bàn chân em  
và chảy ri rỉ trên lòng bàn tay em như nước trong.
Tại Bir el Daharrem những ngọn đồi và thung lũng làm bằng đồng thau.
Tại Thebes và Asmara những thành phố chết nằm dưới cát.
 
Cát là những ngọn núi bị nghiền nát và tro của hết mọi sự từng hiện hữu.
Những đụn cát băng qua các xứ nóng như những vạch lửa.
Cát bao phủ các hành tinh. Ánh trăng là phản ánh nơi cát.
Cát là sự vật cuối cùng trên trái đất.
Thời gian đang ngủ.
 
 

LỊCH SỬ ĐÁ

 
— được thuật lại muộn màng
vì có quá nhiều
và quá nặng
như những vách tường của tháp Babel
và không có một ai có thể cho ta hay tên tuổi
của những kẻ đã tháo gỡ những ngọn núi xuống
và dựng lại thành những pháo đài,
những ngục tối và những ngọn tháp.
 
Thế giới cứng ngắc với những ông chủ 
và nặng nề với cung điện của các sa-hoàng.
Những lũy thành bị bỏ lại như những lớp vỏ cứng,  
những hầm đá như những vết sẹo.
 
Là vì sự lo sợ cái chết ở khắp mọi nơi 
và sự thống trị áp bức của các ông chủ ở khắp mọi nơi
và trái tim con người không bao giờ ngừng đập
— búa trên đá, búa trên đá
bao lâu còn thời gian.
 
trích Bài tập hô hấp, 1975
 

BÀI THƠ TRUYỀN THÔNG

 
Tất cả những điều ấy dĩ nhiên là chúng ta phải nhồi nhét vào con mắt lúc này. 
Tất cả những sấm sét của màu sắc, những tiếng kêu đau đớn và những tiếng hét.
Một ngọn Niagara không cùng của mực in. Mỗi ngày — mỗi ngày.
Những dòng Nile ngập lụt những suy tưởng nửa vời. Hãy theo kịp. Hãy dành chỗ.
Nhồi nhét vô, còn nhiều nữa đang tới. Vứt những gì đã cũ đi.
Vứt ra hết. Cái gì mới quan trọng hơn. Hãy đuổi kịp  
thời đại. Và điều đó có nghĩa là LÚC NÀY.
 
Hãy nhét nó vào con mắt. Xúc nó vô đây. Vô cả đây.
Ép nó lại thành những khẩu hiệu lẹ làng. Không còn chỗ   
cho những giải thích dài dòng nữa—những suy tư.— Liệng chúng ra.
Lúc này mi đã có một con mắt thứ ba, hiểu chưa, 
thế nên lúc này mi có thể thấy toàn thế giới — hay hầu như thế.
(Dầu sao thì màu sắc cũng đẹp — có lẽ chưa hoàn hảo,
nhưng cũng gần rồi.)
 
Nhìn và biết hầu hết mọi sự —
có lẽ chỉ có một Đức Chúa mới làm được điều ấy (vào thời của ngài).
Nhưng điều đó có làm ngài hạnh phúc không? Không thấy ai bình luận.
Là vì chúng ta những kẻ sống lúc này chả bao giờ còn được hạnh phúc thật sự nữa.
Không như con trẻ, hay bông huệ ngoài đồng, hay tiếng hót sơn ca.
Là vì những gì chúng ta đã nhìn và nghe thấy chả bao giờ bỏ đi nữa.
Sấm và sét. Chúng ta đã tọng đầy hết ngày lại ngày 
như bằng những cái máy nhét thức ăn cho đầu óc chẳng khác nào bầy gà, được ép chặt 
trong những chuồng gà của chúng ta.— Chỉ việc mở rộng và nó tới.
Và không một ai được phép chối từ. Công việc của anh là ngồi đấy.
— — —
 
Bên ngoài hôm nay trời gió. Hồ Mjøsa xóa trắng.
Hãy ngồi lại đây mà ngắm tuyết, và gió  
đang viết trên tuyết bằng thứ mực vô hình.
Hãy hít thở một lát. Nhưng đừng quá lâu. Anh được phép 
hạnh phúc. Nhưng chỉ với những vật nho nhỏ, nho nhỏ.
Và đừng bỏ chạy vô rừng. Chúng tôi sẽ tìm thấy anh.
 
Nhưng thực ra chúng ta vẫn còn có thể nghĩ suy được (trong lúc đôi mắt chúng ta nhai và nuốt)  
rằng có điều gì đó họ che giấu chúng ta. Có điều gì đó họ vẫn chưa biết.
Bên kia những âm thanh và ánh sáng. Những sự thật    
ở bên kia những sự thật.
Như những điều gió viết trên tuyết. Là vì bên dưới lớp tuyết đất  
vẫn nằm chờ đợi. Đầy những mầm non. Đầy hy vọng. Phải chăng đất còn biết    
hơn cả chúng ta?
 
 

GỬI EM

 
Thời gian trôi đi (chứ nó còn làm gì hơn được nữa).
Một hôm em nghe tiếng nó gõ cửa.
Nó đã gõ cửa nhà chúng ta, 
nhưng tôi không mở.
Lần này không.
 
Em biết,
tôi vẫn thường dừng lại đôi chút và ngắm em,
như vào buổi sáng trước tấm gương ở đó
khi em chải đầu, có tiếng rạn
vỡ, như tuyết trên núi vào mùa Phục sinh
và em nghiêng mình tới đôi chút (tôi thấy thật rõ)
— Lại một vết nhăn nào chắc?
— Không, không phải thế đâu. Đối với tôi
em vẫn trẻ.
Em vẫn đầy nhựa sống, như rừng. Một lùm cây
 
đầy chim chóc. Chúng vẫn hót.
Có lẽ mùa thu này có dịu hơn đôi chút, thế tuy nhiên.
— Không một ngày nào không một tiếng cười trong cổ họng
hay một động chạm chậm rãi của bàn tay.
 
Tới một lúc nào đó  
tôi sẽ phải nắm lấy nó chặt hơn nữa, 
là vì, em biết, chúng ta sắp sửa sẽ đi xa,
và không còn chung một thuyền.
 
Có ai đó đã gõ cửa nhà chúng ta, nhưng lại bỏ đi.
Chắc chắn đây
là điều duy nhất mà chúng ta chẳng bao giờ
muốn nói tới.
 
 

LUẬT NÚI

 
Ấy là tuyết mỏng 
thứ đã rơi đêm nay,
thứ ấy, họ bảo, thật nguy hiểm.
Bên dưới nó là một lớp đá băng 
làm bằng tuyết cũ, đã cứng. Thứ ấy  
thường phát động những cơn tuyết lở lớn
— những cơn tuyết lở quét sạch mọi người đi.
 
Tuyết mới, mỏng, dòn  
đã rơi đêm nay,   
thế nên chớ bước hụt một bước.
Hãy nhớ tới tuyết cũ, 
lớp vỏ cứng dai dẳng đang nằm đó chờ đợi.
Thế nên hãy tránh xa sườn núi dốc.
Nó có thể khởi sự như một tiếng sấm nổ  
và kết thúc như một lưỡi hái lóe sáng.
 
 

NHỮNG TIẾNG CHUÔNG TỪ ASSISI

 
Hãy nghe những tiếng chuông dòn dã từ Assisi* vào lúc rạng ngày.
Chúng bay đi như chim, tắp tít những tầng trời cao bên trên Umbria**.
«Chúng ta sẽ tìm ra họ—Chúng ta sẽ tìm ra họ—Chúng ta sẽ tìm ra họ.»
 
Hãy nghe những nốt chuông từ Assisi vào lúc chiều muộn  
khi chúng trở lại như những bầy chim mỏi mệt:
«Chúng ta không sao tìm ra họ—Chúng ta không sao tìm ra họ—Chúng ta không sao tìm ra họ.»
 
—KHÔNG MỘT người nào chịu hiến áo mình cho chúng ta.
—KHÔNG MỘT người nào chịu buông thanh kiếm của y xuống.
 
--------------------------------------------------
* Assisi hay Assise, quê hương của thánh François d’Assise, người sáng lập dòng Tiểu đệ, là một thị trấn ở tỉnh Pérouse, miền Trung nước Ý. Assisi nằm trên một cao nguyên. Khi chim từ đó bay ra thì đã ở thật cao đối với những cánh đồng chung quanh.
** Umbria hay Ombrie: một vùng ở miền Trung nước Ý, bao gồm hai tỉnh Pérouse và Terni. (người dịch)
 
trích Hãy nghĩ tới một điều gì khác, 1979
 

VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG CÂY CẦU

 
Bằng thép hay bằng đá.
Đây những vòng cung đơn giản của những nhịp cầu
chạm trổ trong thiên nhiên
như những cánh cửa hướng tới bình yên.
 
Verrazano, Narrow Bridge, Bosphore,
Cầu sông Rhin, những nhịp cầu
Sotra và Sortland, Golden Gate,
lấp lánh như châu báu, những tràng hoa, 
những đường ren phóng qua không trung:
bàn tay tôi trong tay em. Hãy băng qua, hãy tới coi.
 
Cầu vồng nói: Các người hãy nhìn ta. Ta là một cây cầu.
Ta là một dấu hiệu trên trời. Các người hãy xây dựng những cây cầu.
Hãy nghiêng mình. Hãy nâng những cánh tay lên thành một vòng cầu.
Các người hãy đoàn kết lại. Hãy bẻ gẫy xiềng xích. Hãy xây dựng.
 
Em hãy coi những cột thép và những vòng thép lao mình lên những đám mây: một cây cầu.
Em hãy nghe gió rít trên những đường dây cáp: một cây cầu.
Hai con người gặp nhau. Những khuôn mặt đỏ bừng: một cây cầu.
Một lời mà ta nói. Sự dâng hiến bản thân, sự bình yên: một cây cầu.
 
 

NHỮNG Ý NGHĨ BÊN HỒ SJODAL

 
Phải chăng âm kèn lur* của tất cả những thác nước này 
ngày xưa đã dạy cho các thi sĩ ở Bắc Âu ca hát, 
phát sinh những lời của Hávamál và ma quái trong chuyện cổ?
 
Trong tất cả các xứ mà tôi biết  
không đâu nghe tiếng kèn săn và hạc cầm nhiều như thế.
Trong hết mọi thung lũng, trút xuống từ hết mọi đỉnh núi,  
vang vang trong màng tai em  
nước reo ca, kêu gọi em,  
đẩy em tới những giấc mơ.
 
Lúc này, phần lớn nước chảy trong những lòng cống  
và thất thoát đi nhiều, nhưng nước phải mất đi vậy thôi 
như cũng cần phải mất đi như thế từ em và từ tôi:  
một phần cần phải được chế ngự và trở thành sức mạnh và tinh thần,  nhưng một phần cũng cần phải chạy thong dong  
tựa như tiếng hát của hồ Gjende đang đổ vào đây  
và vào máu chúng ta,
và làm trẻ lại thế giới?
 
--------------------------------------------
* thứ còi săn bằng đồng thau của người Scandavia xưa. (người dịch)
 
trích Mở đêm, 1984
 

KIM, CHỈ VÀ SỢI

 
Hàng ren xưa thường có vẻ trắng trong vô tội  
như cơn tuyết tới sớm 
hay giá băng trên những cành cây khô.
Những món hàng Gobelin* hoa lá đưa ta ra một khu vườn  
nơi mùa thu đã tới. Chúng dệt bằng những bông hồng đã chết  
và cỏ úa.
Xuyên qua mọi thời có một sợi chỉ 
ra sức cột mọi sự lại với nhau, 
chụp bắt một giấc mơ, nhưng giấc mơ vuột thoát.
 
Những mũi kim mỏng mảnh, những ngón tay thoăn thoắt, những chiếc cổ cúi xuống.
Những thời gian chờ đợi. Những đứa con đi chiến trận chưa về. Hết mọi sự ta tưởng tượng  
mà chẳng bao giờ xẩy ra.
 
Một buổi sáng có một vết mờ đo đỏ trên má anh.
Từ chiếc gối tới. Một nét chữ nho nhỏ  
mà ai kia đã khâu vào đó với mẩu sợi đã phai màu.
 
------------------------------------------------------
* hàng dệt, lấy tên nhà dệt Gobelin của Pháp, nổi tiếng từ thế kỷ XV. (người dịch)
 
 
Đã đăng:
 
-----------------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
ROLF JACOBSEN (1907-1994) là một nhà thơ lớn của Na-uy, suốt đời hành nghề ký giả cho báo chí tỉnh lẻ. Ông sinh tại Oslo ngày 8. 3. 1907 và được nhìn nhận như người phát khởi trường phái «hiện đại» ở Na-uy với hai tập thơ in năm 1933 và 1935. Trong số những nguồn ảnh hưởng của Rolf Jacobsen, người ta thường nhắc tới nhà thơ Hoa-kỳ Carl Sandburg.
 
Năm lên sáu, Jacobsen cùng với cha mẹ cư ngụ tại Asnes. Đến năm 1920, ông trở lại Oslo học đại học ở đây 5 năm (không đỗ đạt gì cả). Ông đi lính (6 tuần) vào năm 1927. Ông trở về Asnes vào năm 1934 để chăm sóc cha. Sáu năm sau, ông lập gia đình với bà Petra Tendø; hai ông bà được hai người con trai.
 
Sau thế chiến gia đình định cư ở Hamar về phía bắc Oslo. Hai ông bà cư  ngụ trong một ngôi nhà cây cũ gần hồ Mjøsa và đường xe lửa. Năm 1950 Jacobsen «trở lại» đạo Thiên chúa (La-mã); một năm sau, ông trở lại với thơ và từ đó, đã lần lượt cho in thêm khoảng trên mười thi phẩm nữa...
 
Cùng với nhà thơ đồng thời với ông là Olav H. Hauge, Jacobsen thường được coi như một bậc thày của thơ Na-uy. Ông cũng được vinh dự là thành viên Hàn lâm viện Ngôn ngữ và Văn chương Na-uy. Năm 1968, ông được tặng giải thưởng Doubloug; và năm 1989, Hàn lâm viện Thụy-điển tặng ông Giải thưởng Lớn của Hội đồng Bắc Âu.
 
Rolf Jacobsen mất ngày 20. 2. 1994, khoảng chín năm sau bà vợ ông. Jacobsen đã dành tập thơ chót của ông (1995), với những bài rất dịu dàng thương mến, cho cuộc chung sống với bà...
 
Các bài thơ dịch ở trên trích từ hầu hết các thi phẩm của Rolf Jacobsen và dựa theo các bản Anh văn (sách song ngữ) của Roger Greenwald (1985) và Pháp văn của Olivier Gouchet (1991). Xin mời bạn đọc xem thêm bài đã đăng trên Tiền Vệ: «Rolf Jacobsen, một nhà thơ lớn của Na-uy».
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021