thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ
(Thủy Trúc dịch)

 

Khi thày phù thủy truyền thông với thế giới của vị thần linh-tổ tiên ông, ông không bắt chước con chim, sự say sưa của ông không khiến ông nhái lại con thú: ông chính là con chim.

Trong một bài thơ như "Cánh ó", cuộc đối thoại với con chim đã được thiết lập khi người đọc bước vào bài thơ. Trong bài "Tia chớp", sự hòa nhập của nhà thơ với hiện tượng của trời này đã được thực hiện từ lâu, tự nhiên, không thể giản lược.'Ta vui vẻ lướt nhanh / trên những cánh rừng, lầm lì. / Ta không nghe, / kẻ đang nói không nghe.'

Ai, tia chớp? Nhà thơ?

Một thứ thơ trong đó những cử chỉ cổ xưa nhất hòa lẫn với một bút pháp dứt khoát là tân thời. Thế nhưng ai có thể nói đâu là nơi cái tân thời chấm dứt, và đâu là nơi cái cổ xưa xâm nhập? Những tiết điệu vấp váp, đột ngột, gần như giật giật từ chập, những lược từ này, những lối nói giản tiệp tự hạn định vào việc gọi tên, lại chẳng phải thuộc về thơ của thế kỷ này ngang với những câu thần chú mầu nhiệm, những nghi thức huyền bí, tiền sử (và tiền-văn chương), những lời khẩn nguyện của nhà phù thủy đấy ư?

Này đây một nhà thơ-và-một con người đang tìm kiếm bản thân, đang ra sức định vị cho mình trong sáng tạo, tìm lại ý nghĩa của mình trong vũ trụ:'Tôi sẽ hỏi người: / Tên tôi là gì? / Tôi đang ở đâu? / Tôi còn ở lại đây / bao lâu nữa?' ("Lang thang trên bãi biển").

 

Còn thường thấy hơn cả sự hỏi han này: mệnh lệnh cách. Ấy là một thứ thơ đưa ra những mệnh lệnh, điều khiển sự vật, nhưng – cử chỉ nghịch lý nơi kiêu hãnh và khiêm nhường cùng tham dự – để tuân phục sự vật hơn, tuân phục sự khôn ngoan của cỏ và của nước. Sự tuân phục tuyệt vời, sự học tập sinh tử...

Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ,
dạy ta chết và lắng nghe,
thật lâu, hãy dạy ta nói, hỡi đá.
Hãy dạy ta tồn tại, nước ơi,
và mi, gió, đừng hỏi han ta gì hết.
                                                 ("Đồng bằng")

Biết bao là mệnh lệnh trong những bài thơ này! Những bài thơ không thể suy tưởng được nếu thiếu cuộc đối thoại liên lỉ này với tất cả những gì bao quanh và tất cả những gì tạo lập con người-nhà thơ:'Hỡi hơi thở, / hãy mang ta theo. / Hỡi bóng đêm, / hãy nói cùng đôi tay này.' ("Cô thủy thần"). Và lại trong bài "Cánh ó": 'Hãy vọt ra ngoài giấc ngủ, / hỡi mũi tên.' Hoặc, nói với "Giếng nước Lituanie": 'Hãy cho ta uống đất.'

Sarmatia—ấy là cái tên mà các nhà sử học và địa lý đã dành cho một miền xa lạ đối với họ và bởi đó còn huyền bí nữa: miền đất ở bên kia sông Vistule và rặng núi Carpates. Thời ở Sarmatie (Sarmatische Zeit)— tập thơ đầu tiên của Johannes Bobrowski, năm 1961, mang tựa đề như thế đó. Và tập thứ nhì, năm 1962: Xứ bóng Những dòng sông (Schattenland Ströme). Quả thật, cái phong cảnh thần thoại này có những dòng sông lớn chảy qua, thật sống động và làm sống động những gì nảy đập trong thứ thơ này.

Johannes Bobrowski sinh ngày 9 tháng Tư 1917 tại Tilsit, ở biên cảnh của vùng Đông-Phổ, và đã sống trải tuổi thanh xuân trên đôi bờ dòng Memel (ngày nay, người Nga gọi là Niemen). Chính nhà thơ đã nhấn mạnh tới đôi bờ (Đức và Lituanie) này và tới sự gần gụi của nhiều sắc dân khác nhau ở miền đất này: dân Lituanie, Đức, Ba-lan, Nga và Do-thái. Ở đây, người Đức có những tên Ba-lan, và người Ba-lan mang những tên Đức, như sau này ông sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết Máy xay gió ở Levine, năm 1964 (được dịch sang Pháp văn năm 1966).

Ông lui tới trường trung học Königsberg, theo học lịch sử nghệ thuật ở Berlin và tham gia cuộc đối kháng của người Thiên chúa giáo chống quốc xã ("Bekennende Kirche"). Là binh nhì trong quân đội Đức vào thời chiến tranh, ông bị chuyển qua Nga. Ấy chính là phong cảnh Nga chung quanh hồ Ilmen đã gợi hứng cho những bài thơ đầu tiên của ông, vào năm 1941. Cho tới năm 1949 ông là tù binh chiến tranh ở Liên Sô. Sau khi được phóng thích, ông ngụ tại Đông-Berlin và làm việc với tư cách người đọc và tuyển lựa bản thảo cho một nhà xuất bản cho tới ngày ông mất sớm, ngày 2 tháng Chín 1965.

Nếu ta cảm thấy mình nghiêng về chuyện coi ông như nhà thơ "Nga nhất" trong các nhà thơ Đức, nếu ta thấy luân phiên thay đổi, trong thơ ông, những "mô-típ" Lituanie, Lettonie và Ba-lan cùng với những lời tôn kính thế giới Do-thái (trong tập này, các bài: "Quê hương của họa sĩ Chagall", "Esther", "Hương mộc đương hoa") – ta sẽ có thể thấy trước cái hoạch định của một nhà thơ mà tác phẩm không biết mỏi mệt phủ nhận những biên giới giữa các dân tộc ấy và phác thảo một tín điệp cảm thông lẫn nhau – tóm lại, một tín điệp của tình bằng hữu, và của một niềm trông đợi luôn luôn vững chãi bất chấp mọi thất vọng lịch sử (mà Bobrowski thừa rõ). Đây là đoạn chót bài "Phương Đông":

Nhưng chúng tôi quen biết nhau thật dễ.
Những lời nói của chúng tôi
thảy đều từ một cơ sở mà lên.
Và trong trông đợi vĩnh viễn
cư ngụ con tim của chúng tôi.

Có cần phải nhấn mạnh rằng thứ thơ tân-và-cổ thời này đồng thời cũng là một thứ thơ nhân bản và đạo đức phi thường. Một thứ thơ cam kết đối thoại, một thứ thơ tìm kiếm người đối thoại, và điều này không phải chỉ trong những bài thơ tình của Bobrowski – những bài không còn hoài nghi gì được kể trong những bài đẹp nhất hay nhất của thơ Đức hiện đại. ("Với tiếng em", "Này đây", "Bài thơ tình", v.v.) – không phải chỉ trong những bài ấy mà chữ Anh/Em, kẻ khác, người đối diện thấy mình được kêu gọi một cách nồng nhiệt. Ta hãy nhớ lại rằng trong bài "Dạ khúc" con người tìm thấy ánh sáng bên trên đầu mình (mặt trời) cũng như trong con mắt kẻ khác.'Thế nên hắn học hát', phần kế tiếp của bài thơ nói. Và Lời (trong bài thơ cùng tựa đề) 'với cửa miệng mỏi mệt' thế nhưng sẽ không biết mỏi mệt 'qua con đường không cùng' này, con đường dẫn 'tới ngôi nhà của người kế cận'.

Ấy cũng là một thứ thơ của những điều nghịch lý sinh tử, của những liên tưởng đối chọi và tươi mát nơi ánh sáng mang đầu một con chim trĩ, nơi một tiếng nước khoét sâu những chiếc tổ trong bộ lông chim của im lặng, và nơi cơn bão đêm cắn một lưỡi dao hạnh phúc giữa hai hàm răng. Như thể nó tìm kiếm sự tươi mát và sinh lực của mình trong tất cả những điều trái nghịch, trong lửa cũng như trong tuyết ("Lửa và tuyết").

Chăm chú biết bao, trong những bài thơ này, đối với tất cả những gì đang sống! Đối với hơi thở đang sống và làm cho sống động, dẫu là ở những nơi ẩn khuất nhất:'Dòng sông, với những loài thú của mình, / thở' ("Với tiếng em"). Sau khi đã tìm thấy cái hơi thở sinh tử này, và cả đến nơi những dòng sông, sau khi đã nhận thấy làn ánh sáng này trong con mắt kẻ khác (và là làn ánh sáng khiến ta hát lên), sau khi đã ngợi ca các tác phẩm của biết bao người đi trước và bằng hữu trong quá khứ (mà công trạng chính là ở chỗ cứu thoát cảnh hỗn mang trong thời gian một hơi thở, như Bobrowski quả quyết trong bài "Sappho") – nhà thơ dành được cái tự do đặt câu hỏi chót của mình (trong bài thơ về Gauguin): 'Cái chết, / làm sao còn đáng kể?'

 

---------------------------

Ghi chú của người dịch:

RALPH DUTLI, sinh năm 1954, là một nhà thơ, dịch giả và người viết tiểu luận người Thụy-sĩ, sống tại Paris, Pháp. Ông là tác giả hai cuốn sách về thi hào Nga Ossip Mandelstam mà tác phẩm đã được ông phiên dịch sang tiếng Đức.

Bài trên là bài mở đầu một tuyển tập thơ của Johannes Bobrowski, nhan đề: Ce qui vit encore, sách song ngữ (Orphée / La Différence, Paris, 1993), do Ralph Dutli và Antoine Jaccottet phiên dịch, viết tựa và bạt. Xin mời bạn đọc xem "Dạ khúc và những bài thơ khác" của Johannes Bobrowski đăng song song trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021