thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hài cú Xuân
 
Bản Việt ngữ của Nguyễn Đăng Thường
 
 
Mến tặng độc giả Tiền Vệ những cảm nghĩ về mùa Xuân của người xưa, có thể đã lỗi thời vì chúng là âm vọng từ một thế giới nhân cách hoá tối đa? [NĐT]
 
 
 
Kamata No Baien (Vườn đào ở Kamata)
Tranh Ando Hiroshige (1797-1858).
 
 
_____________
 
 
Xuân này trong căn lều của ta —
chả có gì cả
mà lại có tất cả!
 
Yamaguchi Sodô
 
*
 
 
Mùa xuân báo rằng
ta đã bốn ba[1]
nhưng ta và bát cơm trắng vẫn còn đây mà!
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Ta rửa chân
thùng nước chảy
như mùa xuân!
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Mùa xuân đầu tiên —
mưa ngọc
trên những cành còn trụi lá
 
Takahama Kyoshi
 
*
 
 
Một gói dược thảo
trên giường bệnh của ta
mùa xuân đang hồi sinh
 
Masaoka Shiki
 
*
 
 
Nỗi cô đơn
cái lạnh của mùa xuân
chả có gì khác nữa
 
Uemura Sengyo
 
*
 
 
Sáng mùa xuân —
chiếc bóng ta cũng vậy
tràn đầy sinh lực!
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Sáng nay
mặt trời đã loé lên
từ một cái đầu cá mòi[2]
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Ngày xuân —
chỉ có một vũng nước
cầm chân hoàng hôn
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Sự ấm áp của mùa xuân —
cái mùi hương tóc ấy
trong chiếc cầu thang máy!
 
Imazumi Ugai
 
*
 
 
Trên cát của bãi bờ
ở mỗi vết chân
xuân nằm duỗi
 
Masaoka Shiki
 
*
 
 
Một mình chỉ một mình ta thôi
đang mài giũa thơ
trong ánh ngày lưu luyến[3]
 
Takahama Kyoshi
 
*
 
 
Không một nhịp cầu —
ngày nằm xuống
trên những dòng nước xuân
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Dọc theo con sông
ta chẳng thấy một cây cầu
ngày hôm nay bất tận
 
Masaoka Shiki
 
*
 
 
Khi ta hoá lão —
chiều dài của ngày
cũng là nguồn lệ
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Thuyền và bến
tương ứng nhau
trong chiều dài của ngày
 
Masaoka Shihi
 
*
 
 
Đêm xuân —
từ cây nến này đến cây nến kia
ngọn lửa di chuyển[4]
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Sự êm ả của mùa xuân —
nơi biên giới của sự vật
sắc trời
 
Iida Dakotsu
 
*
 
 
Trong núi tháng tư
những xác chôn vùi —
phù du!
 
Takahama Kyoshi
 
*
 
 
Mùa xuân ra đi
ngập ngừng
giữa những gốc anh đào cuối cùng
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Mùa xuân bỏ đi
bên cây ngải hương
những khúc xương người
 
Seifu-ni
 
*
 
 
Tiễn xuân lên đường
chim vang ca —
cá khóc
 
Matsua Basho
 
*
 
 
Tặng mảnh trăng chiều
tiếng con rái cá
dâng cá
 
Yoshida Tôyô
 
*
 
 
Tuổi của Hằng Nga?
mười ba —
hay là xấp xỉ!
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Buồm trăng —
một chú ếch
khua nước và khuấy trời
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Nơi giang đầu
tiếng lưới quăng
dưới trăng mờ
 
Tan Taigi
 
*
 
 
Dưới bóng trăng
bóng hoa
bóng đàn bà!
 
Natsume Sôseki
 
*
 
 
Gặp buổi sương mù
tiên nữ trên trời
có buồn không nhỉ?
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Trên thảm cỏ
uể oải rơi
sương mù của cái nóng
 
Natsume Sôseki
 
*
 
 
Trong sương mù của mùa xuân
vòng bay trắng
của một côn trùng vô danh
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Trong sương khói của cái nóng
vài lỗ nhỏ trên mặt đất
của chiếc gậy đi lên đền
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Sự êm ả của gió
trong màu xanh của nghìn ngọn đồi
một ngôi đền lẻ loi
 
Masaoka Shihi
 
*
 
 
Mưa xuân
ngoài cổng
con vịt bước thấp bước cao
 
Kobayashi Issa
 
*
 
 
Trên mặt nước
những vòng lụa —
mưa xuân
 
Ryôkan
 
*
 
 
Mưa xuân —
ao và sông
hoà hợp
 
Yosa Buson
 
*
 
 
Trên vai
tượng Phật lớn
tuyết đã tan
 
Masaoka Shiki
 
*
 
 
Dưới chân núi
trong ánh nắng bao dung
một hàng mộ
 
Taneda Santôka
 
*
 
 
Bước trên cỏ xanh
ta đạp
một tảng mây
 
Kawabata Bôsha
 
*
 
 
Líu lo không ngừng
buổi sáng hôm nay
trong cánh rừng ngả màu lam
 
Ozaki Hôsai
 
 
---------------
Nguồn: Haiku: Anthologie du poème court japonais, Corinne Arlan và Zéno Bianu tuyển chọn, chuyển dịch, và giới thiệu (Paris: Poésie / Gallimard, 2002).
_________________________
Chú thích của Corinne Arlan và Zéno Bianu:

[1]Đối với người Nhật, bốn mươi là cái tuổi của hiểm nguy, vì trong Nhật ngữ "tư" (bốn) và "tử" (chết) là hai từ đồng âm.

[2]Trong nguyên bản, đầu cá mòi được vẽ hướng lên trời. Khi vẽ chữ này, Buson — nhà hoạ sĩ — đã tìm về cội nguồn của hoa tự Nhật, bởi vì lúc khởi thủy các chữ [Tàu, Nhật] là những hình vẽ [biểu tượng] dựa trên những hình ảnh thực tế được cách điệu.

[3]Bài "tử thi" (thơ về cái chết) này của Kyoshi đã phơi bày nỗi xót xa của thi nhân. Nó ám chỉ hai thi hữu rất thân của Kyoshi đã mất sớm: Masaoka Shiki (người thầy) và Kawahigashi Hekigotô mà Kyoshi đã có những liên hệ vừa thân mật vừa đối nghịch.

[4]Ngọn lửa này cũng là ngọn lửa của ý thức liên tục chuyển truyền khi hoá kiếp.
 
Yamaguchi Sodô (1642-1716)
Kobayashi Issa (1763-1827)
Yosa Buson (1716-1783)
Takahama Kyoshi (1874-1959)
Masaoka Shiki (1867-1902)
Uemura Sengyo (1921-1996)
Yosa Buson (1716-1783)
Imazumi Ugai (1883-1951)
Iida Dakotsu (1885-1962)
Seifu-ni (Enomoto Seifujo, 1732-1814)
Matsua Bashô (1644-1694)
Yoshida Tôyô (1892-1956)
Tan Taigi (1709-1771)
Natsume Sôseki (1865-1915)
Ryôkan (1758-1831)
Taneda Santôka (1882-1940)
Kawabata Bôsha (1900-1941)
Ozaki Hôsai (1885-1926)
 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021