thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ ĐÔNG ĐỨC: VÀ HAI VẦN NHỚ NHUNG [II]
Bản dịch Thủy Trúc & Diễm Châu
TỰA
 
Những gì tôi chưa sống sẽ mãi mãi làm tôi nhớ.
VOLKER BRAUN
 
Tập thơ nhỏ này chủ yếu dựa trên cuốn Mười bảy nhà thơ của Cộng hòa Dân chủ Đức do Andrée Barret, Jean Paul Barbe, Henri Deluy, Alain Lance và Lionel Richard dịch sang Pháp văn, Henri Deluy và Paul Wiens viết tựa (Dix-sept poètes de la R.D.A., nxb Pierre Jean Oswald, Paris 1967.) Chúng tôi đã lược bớt hai tác giả và một số bài quá dài và thêm một bài của Wolf Biermann do Henri Deluy dịch và đăng trên tạp chí thơ action poétique số 39, 1968 và một số bài mới của Volker Braun trong tập Cây cầu chữ chi do Alain Lance dịch (nxb Les Cahiers de Royaumont, 1990), một số bài của Reiner Kunze và Bertolt Brecht,.. Tựa đề của toàn tập mượn từ một bài thơ của Hanns Cibulka («Hai vần»), vì các nhà thơ Đông Đức ở đây cho chúng tôi cái cảm tưởng: họ cùng chia sẻ một tâm sự!...
 
Theo những khẳng định của Paul Wiens, các nhà thơ Đông Đức không phải là những kẻ «ngây thơ» về chính trị; họ yêu mến triết lý; ưa thích dụ ngôn; thơ của họ cũng có mục tiêu: «chân lý thực tiễn»; và họ thường nghi ngại những gì êm dịu ngọt ngào (tiếng hát) và bồng bột sôi động (sự tán dương). Cũng theo Paul Wiens, ở phần đất nước mang tên CHDCĐ, cả một thế hệ nhà thơ Đức đã chia sẻ một giấc mơ: giấc mơ giải phóng. Và ngay từ những năm 60, «giấc mơ ấy đã chấm dứt». «Các nhà thơ vùng vẫy giữa đời sống, trong bất an. Họ không còn tin tưởng. Họ nghi ngờ. Họ tìm kiếm. Họ lao động. Họ kêu gào và hy vọng...» Thế tuy nhiên, tất cả đều vẫn mang nặng «hai vần» mà Hanns Cibulka đã nói: - Đức quốc...
Những gì các nhà thơ của (cựu) Đông Đức đã gặp phải trong đời sống ở xứ họ - những hoàn cảnh thật đặc biệt sau chiến tranh - đã tạo cho thơ họ một màu sắc, một giọng điệu riêng biệt, một sự «căng thẳng» hầu như thường trực. Họ là những nhà thơ «dấn thân» nhưng sự dấn thân của họ, trong khung cảnh tranh đua giữa hai miền, không phải là mù quáng, hay ít nhất cũng không hoàn toàn một chiều. Tính chiến đấu của thơ họ cũng như những thất bại của những kẻ đầy thiện chí này đã để lại những âm hưởng thật chua xót, đau đớn nữa...
 
Một điều đáng ghi nhận ở đây: cái căng thẳng của hoàn cảnh cũng như chiến đấu tính của thơ Đông Đức rõ ràng là mang tính thời đại, nhưng những gì họ viết, lúc này, vẫn không phải là hoàn toàn «lạc điệu». Nhiều người trong họ vẫn tồn tại như những nhà thơ lẫy lừng của một Đức quốc thống nhất, không như số phận «hẩm hiu» của những nhà thơ ở một xứ khác tương tự trên thế giới...
 
Sau hết, nói đến thơ Đông Đức mà không nhắc tới Bertolt Brecht là một thiếu sót lớn. Nhưng từ trước khi có những danh xưng phân biệt, thơ Bertolt Brecht đã là của Đức quốc. Khối lượng và phẩm chất của thơ Brecht thật quan trọng. Tầm ảnh hưởng của thơ ông cũng đã vượt ra ngoài biên giới Âu châu từ lâu. Một vài bài lượm lặt ở đây như một phần phụ lục thật không hề đủ, dù chỉ là để phản ảnh một vài nét trội vượt trong thơ ông. Cùng với một số nhà nghiên cứu, tôi cho rằng sự nghiệp thi ca của Brecht còn vượt xa các kịch bản đã hết sức bộn bề của ông. Thơ Bertolt Brecht rất xứng đáng những công trình nghiên cứu và phiên dịch riêng biệt sau. Thật đáng tiếc là một số tên tuổi, như Peter Huchel, Sarah Kirsch,... do khung khổ hạn hẹp và khả năng riêng của người dịch, cũng đã thiếu trong tập sách nhỏ này.   (TT.)
 
Ghi chú của Diễm Châu:
Trên đây là lời tựa của Thủy Trúc viết năm 1995 cho Tuyển tập Thơ Đông Đức mang tựa: và hai vần nhớ nhung của chúng tôi. Phần lớn các tác giả và các bài là do Thủy Trúc lựa và dịch; theo ý anh, tôi dịch thêm một số bài trích từ các sách khác, và đã cho đăng lẻ tẻ trên Tiền Vệ. Nay anh đã mất, vì bạo bệnh (2005) nên tôi đề nghị Tiền Vệ cho in trọn vẹn tuyển tập này để tưởng nhớ anh và cũng để bạn đọc có ngay một lần các tác giả mà anh yêu mến. (DC., 2006)
 
 
BERTOLT BRECHT (1898-1956)
 
Kỳ trước: [I]
 
THƠ ĐÔNG ĐỨC:
VÀ HAI VẦN NHỚ NHUNG [II]
 
 
UWE GRESSMANN
(1933)
 
ĐI NẰM
 
Khi tôi lên giây chiếc đồng hồ báo thức,
tôi là một chiếc khăn mùi-xoa
và hoàn toàn nhầu nát,
như thể tôi bực bội với ý nghĩ: mai lại bốn giờ.
 
Nhưng rồi tôi rơi từ áo quần
xuống chăn mền
và chẳng còn thấy đâu nữa.
 
 
TRƯỚC GIẤC NGỦ
 
Tôi là một căn buồng tối và tôi nhìn thấy tối đen.
 
Ở bên cạnh tôi hay bên trên tôi cư ngụ con người phản kháng.
Đôi khi tôi nghe tiếng anh ta,
Tôi nghe cả đường phố nữa, đường phố ì ầm với tiếng xe hơi xa xa.
 
Và ở phía bên kia hãy còn ánh sáng,
một vết mờ trên bức vách,
khép lại như những hàng mi.
 
Mỏi mệt.
 
UWE GRESSMANN sinh năm 1933 tại Berlin. Tự học. Làm công trong một trung tâm phân phối thực phẩm. Được biết tới nhiều qua các tạp chí văn nghệ. Mới xuất bản được một tập thơ (Mitteldeutscher Verlag). Giọng thơ thân thuộc, rút cảm hứng từ cuộc sống thường ngày. (ND.)
 
_____________
 
RAINER KIRSCH
(1934)
 
GỬI CÁC BẠN TÔI, NHỮNG ĐỒNG CHÍ GIÀ
 
Khi các đồng chí lấy làm tiếc sự nóng nảy mà chúng tôi biểu lộ
Và bảo chúng tôi rằng chúng tôi lúc này đời sống đã dễ dàng hơn
Bởi chúng tôi nằm trên giường chiếu đã được dọn sẵn,
Bởi các đồng chí đã xây cất nhà cửa cho chúng tôi
 
Căm thù cho đúng ngày nay quả là có khó khăn hơn
Và cũng khó khăn hơn khi phải phân biệt thật rõ rệt những chiến tuyến nơi bằng hữu
Và không lẩn tránh những kẻ gây phiền nhiễu
Và không để lạnh nhạt bước vào con tim
 
Bởi những mùa hạnh phúc, người ta thật dễ mơ tưởng tới
Nhưng hạnh phúc ở xứ này quả là khó khăn
Chúng ta phải yêu mến những gì là hôm qua một cách khác
Và với một hiểu biết sắc bén hơn
 
Không được ngụy tạo tên tuổi những giấc mơ
Và phải biết tất cả sức nặng của sự thật.
 
REINER KIRSCH sinh năm 1934 tại Saxe. Học tại Viện văn học Leipzig. Cũng làm việc cho đài phát thanh. Một tập thơ chung với vợ ông là Sarah Kirsch (Mitteldeutscher Verlag). Một tuyển tập thơ ông cũng được in ở Tây Đức. Có những nhà phê bình nhận định rằng: cũng như Karl Mickel, ông là «một trong những nhà thơ trẻ có năng khiếu nhất» [vào thời ấy]. (ND.)
 
_____________
 
KARL MICKEL
(1935)
 
CHIỀU BÊN SÔNG
 
Dòng sông đem theo ngày và đem theo đêm.
Một con đường nhỏ hẹp như một lát dao
Tách rừng khỏi phản ánh, thật tàn nhẫn.
Gió, kẻ biết tới mạnh yếu,
Ngủ với lũ chim trên những cành cây trong rừng.
 
Nếu như lúc này anh bảo: xin anh, xin anh vẫn cứ nói,
Thời tôi sẽ nói: đường thì nhỏ hẹp và gian khổ,
Rừng thì câm nín, và sông thì ướt.
Thế nhưng nếu anh hỏi, tại sao khắp chung quanh không có gì động đậy,
Thời tôi sẽ quay đi mà suy nghĩ, bởi bổn phận tôi phải thế:
 
Ngay như không còn một cơn gió nào lay động rừng của chúng ta nữa,
Rừng vẫn lay động. Anh hãy nhìn rừng trên sông.
 
KARL MICKEL sinh năm 1935 tại Dresden. Học kinh tế. Hoạt động văn nghệ và dịch thuật. Đã đăng một vài bài văn xuôi trên các tạp chí. Đã in hai tập thơ ở nhà xuất bản Aufbau. Tập Vita mea nova của ông được các nhà tiền phong coi như «rất đáng chú ý». (ND.)
 
_____________
 
WOLF BIERMANN
(1936)
 
SÁNG SỚM
 
Sáng nay, khi tôi còn nằm trên giường thoải mái
có tiếng chuông thô bạo khiến tôi vùng dậy.
Giận dữ và đi chân không tôi chạy ra mở cửa
cho đứa con trai tôi,
bởi hôm nay là chủ nhật,
đã đi kiếm sữa thật sớm.
 
Những kẻ tới quá sớm thường
không được đời coi trọng.
Nhưng sữa họ đem tới thời người ta uống lúc sau.
 
 
QUẠ
 
Tấm vải liệm đen bầy quạ cất lên
trên trời chiều nhợt nhạt rồi, hỡi ôi!
hằng ngàn mụ phù thủy ma quái rúc rỉa
con mắt đỏ của trời.
 
Này quạ, mi bay về đâu thế?
— Về nơi hết thảy đều bay tới, những cánh đồng, những cánh đồng.
 
Này quạ, mi nghỉ mệt nơi đâu?
— Nơi hết thảy đều nghỉ mệt, trong cây, trong cây.
 
Này quạ, khi nào thời mi kêu to đến thế?
— Khi hết thảy đều kêu, ta kêu.
 
Này quạ, khi nào thời mi ngốn ngấu hạt mầm?
— Khi người ta gieo hạt.
 
Này quạ, khi nào thời mi chết đơn độc?
— Khi hết thảy đều chết, trong tuyết, trong tuyết.
 
Ấy đó tấm vải liệm đen bầy quạ cất lên
trên trời chiều nhợt nhạt rồi, hỡi ôi!
hằng ngàn mụ phù thủy ma quái rúc rỉa
con mắt đỏ máu của trời.
 
Những điều như thế, hỡi các đồng chí, tôi đã thấy rất thường những ngày này.
 
 
GỬI CÁC ĐỒNG CHÍ GIÀ
 
1
Hãy nhìn tôi, hỡi các đồng chí
Với đôi mắt của các đồng chí mỏi mệt
Với đôi mắt của các đồng chí chai cứng
Hiền từ
Các đồng chí thấy tôi không hài lòng với thời đại
Mà các đồng chí để lại cho tôi.
 
Bằng những từ xưa cũ các đồng chí nói
Tới những thắng lợi đẫm máu của giai cấp chúng ta
Bằng đôi tay già nua các đồng chí chỉ ra kho khí giới
Của những trận chiến đẫm máu. Đầy ganh tị
Tôi nghe những mẩu chuyện về những khổ đau của các đồng chí
Về hạnh phúc được chiến đấu sau những hàng thép gai
Thế nhưng tôi vẫn KHÔNG hạnh phúc
Tôi không hài lòng với trật tự mới.
 
Còn các đồng chí thất vọng
Sững sờ
Bị thương tổn
Chua chát vì biết bao là vô ơn ấy
Ngượng ngùng các đồng chí đưa tay lên mái tóc hoa râm.
 
2
HIỆN TẠI, đối với các đồng chí là
Cái mục tiêu ngọt ngào êm dịu của hết thảy những năm cay đắng ấy
Đối với tôi chỉ là bước khởi đầu đắng cay, kêu gào
Thay đổi. Nóng lòng
Tôi lao vào những cuộc đấu tranh giai cấp, mới
Những cuộc đấu tranh không còn để lại một bãi chiến ngổn ngang những thây người
Nhưng lại tạo ra một bãi hoang vu của những đớn đau.
 
3
Chao ôi, bao nhiêu là trái ngọt vẫn rơi
Vào lòng chúng tôi
Và cả trên đầu nữa.
 
Chao ôi, đối với đêm tân hôn với thời đại mới
Chao ôi, đối với sự kết hợp to lớn ấy
Và đối với cả nỗi sầu tình sâu thẳm
Con tim chúng tôi hãy còn yếu và
Còn yếu nữa là ngang hông chúng tôi.
 
Bởi thế mà hơn một chàng trai trẻ mảnh khảnh
Bị người đàn bà xinh đẹp to lớn ấy đè bẹp
Trong những đêm tình ái sáng rỡ. Phải
Cần phải có những người khổng lồ của can trường và hoan lạc
Và những người khổng lồ của đớn đau
Những người khổng lồ của nghị lực. Và trái tim tôi:
Đỏ
Nhợt nhạt
Đầy oán thù
Đầy tình ái
Hỡi các đồng chí, ấy là trái tim của các đồng chí!
Phải, ấy chỉ là trái tim mà các đồng chí đã cho tôi!
 
Bởi thế, với sự nôn nóng của tôi
Đừng nóng lòng, hỡi các đồng chí, những người kỳ cựu!
Hãy kiên nhẫn
Đối với tôi, kiên nhẫn là một con điếm của hèn nhát
Nó mày tao chi tớ với biếng lười
Nó dọn ổ cho tội ác.
Nhưng đối với các đồng chí, kiên nhẫn lại làm vinh dự
Hãy kết thúc tốt sự nghiệp của các đồng chí
Trong lúc để chúng tôi
Bắt đầu một cuộc khởi hành mới!
 
 
 
BỐN TOAN TÍNH RẤT KHÁC NHAU, ĐỂ NÓI BẰNG MỘT CÁCH MỚI VỚI CÁC ĐỒNG CHÍ GIÀ
 
                                            Gửi những người cộng sản
                                            Lou và Ernst Fisher
                                            với sự ngưỡng mộ
 
TOAN TÍNH THỨ NHẤT
 
Hỡi các đồng chí, các đồng chí già, mang những vết sẹo đẫm máu như những huy chương
Của người nô lệ thần thánh Spartakus, các đồng chí cũng bị mù quáng
Vì cái viễn ảnh ngoan cố này, cái viễn ảnh của các nông dân bị mù quáng,
 
Héo hon tàn tạ trong những nhà máy của khốn cùng,
Bị nghiền nát trước Madrid, là nạn nhân của những đầm lầy,
Bị thiêu trắng trong các lò thiêu ở Auschwitz,
Bị lật nhào vì chuyến xe điên cuồng của gã đánh xe râu rậm Stalin
Hỡi các đồng chí, một lời thẳng thắn. Chúng tôi xin được nói
 
                      Sao?
                      Không có thì giờ?
                      Tiếp tân chính thức?
                      Xe đang đợi?
                      Chúng tôi cũng đang chờ
 
 
TOAN TÍNH THỨ NHÌ
 
Bởi chúng tôi cũng vẫn chống lại các đồng chí
Trong kính cẩn, sợ sệt và thù oán nữa
Các đồng chí gạt bỏ chúng tôi như lũ trẻ hay như những kẻ thù!
Giá chúng tôi chỉ là những người da đen, những nhà trồng tỉa, những người Cơ đốc giáo,
Những kẻ mang ngoại tệ, các chuyên viên, những nhà thể thao
Hẳn các đồng chí đã giấu kín chúng tôi từ lâu ở trong tim
Cả đến Nhà thờ nữa cũng chỉ hạ thủ những kẻ theo tà thuyết
Bằng oán thù mù quáng, những đòn tra tấn, những giàn hỏa.
Các đồng chí, những kẻ tóc hoa râm! Trẻ, già! Các đồng chí, những kẻ sắt đá không thể nào lay chuyển!
Hỡi các đồng chí, các đồng chí có còn nhận biết chúng tôi chăng?
 
                      Sao?
                      Không có thì giờ?
                      Tiếp tân chính thức?
                      Xe đang đợi?
                      Chúng tôi cũng đang chờ
 
 
TOAN TÍNH THỨ BA
 
A, các đồng chí, những người bạn, già nua vì tuổi tác
Nhưng tâm hồn vẫn trẻ, các đồng chí thật xứng đáng
Với sự trọng kính vô hạn của chúng tôi. Các đồng chí luôn luôn nóng bỏng
Một đam mê tươi đẹp hơn vì chính nghĩa của chúng ta
Sự già cỗi, sự phù phiếm ẩn diện
Quả là xa đối với các đồng chí khiến chúng tôi thật gần gụi
Các đồng chí, những người thật vất vả cực nhọc trong những năm đầu
Vừa thoát khỏi địa ngục Hitler
Không có thì giờ để trau giồi văn hóa, để yêu đương và hưởng thụ
Đã cho chúng tôi cơm bánh và sách vở — hãy lắng nghe chúng tôi!
 
                      Sao?
                      Không có thì giờ?
                      Tiếp tân chính thức?
                      Xe đang đợi?
                      Xin hãy chờ chút đã:
 
 
THỨ TƯ
 
Các đồng chí, những chiếc thùng đã cạn, bất lực!
Các đồng chí lúc nào cũng muốn, bởi tràn trề quyền bính,
Phối hợp nhân dân với dùi cui?
Là những lăng miếu lịch sử của những gì đã từng là những ngày vĩ đại
Nhăn nhúm trong đá, như những pho tượng lang thang nguy hiểm
Các đồng chí lảo đảo trong các thành phố của chúng ta, bao quanh
Bằng những kẻ tán tụng nhiệt liệt, những tên chỉ điểm và những điệu kèn ầm ĩ,
Những gái tân mắc bệnh giang mai đu đưa bình hương
Nhân dân hồ hởi sắp thành hàng đứng im. — Lố bịch
Và hiểm nguy, đối với chúng tôi các đồng chí đã trở thành thế đó
 
                      Sao?
                      Chúng tôi bị bắt giữ?
                      Xe đang đợi?
                      Phải phải
                      Đã tới lượt chúng tôi, lượt thật dài lâu
                      Vậy thời ta còn chờ gì nữa!
 
                                                                                    Tháng Giêng 65
 
WOLF BIERMANN, nhà thơ và nhạc sĩ, tác giả Cây đàn bằng thép gai. Sinh ngày 15. 11. 1936 tại Hamburg, là con của một gia đình công nhân cộng sản. Rời Tây Đức qua Đông Đức năm 1953. Học toán, kinh tế chính trị và triết lý. Khởi sự viết những ca khúc chính trị. có tính cách phê phán. Năm 1976, được phép qua Tây Đức trình diễn ca khúc rồi bị nhà cầm quyền Đông Đức không cho trở lại nữa. Từ đấy cư ngụ tại Hamburg. Trong số các tác phẩm của ông có một ca khúc về Việt nam. Xin xem thêm về Wolf Biermann trên Tiền Vệ. (ND.)
 
_____________
 
VOLKER BRAUN
(1939)
 
CHO R.
 
1
Anh không phải là một kẻ hiếu chiến, một người nô lệ đồng lương, một viên ký lục của các tổ hợp độc quyền
Và anh còn biết tới đấu tranh, buồn phiền và khổ não
Anh sống giữa chúng ta. Tên anh mọi người đều biết
Đây là một người lẻ loi, một người mang một cái tên
Liệu ta có được quyền nói tới một người không nhỉ?
 
Anh có một trái tim, như những người tình si thường vẽ
Hai vòng cung tròn đầy, rốt cuộc gặp nhau:
Một vòng cung tràn đầy khoan khoái, và một vòng cung tràn đầy nóng nảy
Nhưng chúng ta vẫn bảo: ồn ào quá,
Cái cơ bắp trống rỗng tầm thường này!
 
Và chúng ta chỉ muốn nghe tiếng búa đập chứ không phải tiếng đập của con tim
Hoặc chúng ta muốn cả hai vang dội thật đồng bộ
Chúng ta không muốn hiểu tiếng ồn ào mau lẹ hơn của con tim
 
Và trái tim anh đã phải chịu buồn phiền, đấu tranh, khổ não
Ở giữa chúng ta, tên anh chúng ta đều biết cả
 
Và khi tiếng ồn ào của trái tim anh yếu đi,
Lại phải trao nó cho các y sĩ chăm sóc,
Cái cơ bắp trống rỗng tầm thường này
 
2
Nhưng một người có được quyền
Lênh đênh một mình trên một con thuyền vui thú?
Nhưng một người có được quyền
Phất phơ trên cột buồm bồn chồn nóng nảy của y?
Nhưng một người có được quyền
Lạc đường?
 
3
Ở đây?
 
 
CHIA LY
 
Ngày mai tôi sẽ từ đám mây em bước xuống
Để em lại trên trời trôi giạt xa hơn
Vĩnh biệt làn ngực em nếu gió còn cho phép
Và quay đi, không chờ những giọt nước mắt em
 
A, em sẽ trôi thật cao, thật êm
Và sẽ là một cơn mưa mỏi mệt vào ngày đầu tiên
Và chốn em nằm sẽ sụp xuống như một cơn tuyết lạnh
Và tiếng em cười, trong như mưa đá, sẽ tới mãi tận tôi
 
Và hơn một lần tôi vẫn ngước nhìn lên
Phải chăng ở nơi em không còn lấy một góc niềm vui xanh?
Chỉ khi tôi thoáng thấy nỗi đau buồn của em trong cơn giông tố
Tôi mới tự hỏi: phải chăng mình đã ở lại hoàn toàn vô ích bên em?
 
 
NHỮNG BÀI THƠ CỦA CHÚNG TA
 
Hãy để họ hái những câu thơ của họ và bó lại từng bó dành cho những ngọn lửa vinh quang sau cuộc đời này!
Hãy để họ ghép những vần hoa mỹ như những dấu chỉ đường trên đồng cỏ hoang ngôn từ của họ!
Những bài thơ của chúng ta là những ống thoát hơi trong mạng khai thông những luyến tiếc.
Những bài thơ của chúng ta là những đường điện báo, rung động không cùng, đầy điện
Những bài thơ của chúng ta nảy sinh như cây cối với cả ngàn chiếc rễ ở những nơi ẩn giấu quanh quất của địa cầu già nua và chẽ ra cả ngàn viễn ảnh.
Những bài thơ của chúng ta phải chỉ cho chúng ta những đồng cỏ xanh dưới những nhịp cầu suy tưởng.
Những bài thơ của chúng ta phải thu lượm dưới vòm trời những giấc mơ của đêm tối.
Những bài thơ của chúng ta phải xua đuổi sự rùng mình hãi sợ ra khỏi thịt da.
Những bài thơ của chúng ta phải bọc sắt các lồng ngực bằng chính mặt trời.
 
 
CÂY CẦU CHỮ CHI (trích)
 
ĐỒNG LẦY
 
Những con người nhỏ bé này những con người của Kế hoạch
Được nguệch ngoạc ra thật độc đoán
Hết năm này đến năm nọ
Trong cam chịu
Dai dẳng tối đen hôi hám khôn dò.
 
 
NGƯỜI THỢ NỀ ĐƯỜNG STALIN
 
Dưới những mảng bê-tông
Tôi bắt gặp một người thợ nề. Anh thuộc
Giai cấp đã chìm nghỉm
Biết xây một bức tường thật thẳng và
Biết nổi dậy. Trong mơ
Ướt đẫm mồ hôi
Tôi đưa anh trở về giàn gióng
Của một khởi sự.
 
 
BÀI HỌC ÂU Á
 
Khi dựng lũy Trường thành
Bách tính bắt đầu thiên cư.
 
 
NÔNG DÂN VỚI CON BÒ
 
Bẩm ngài
Ngài bậy ra đầy một chuồng
Những c. Sức ngài
Không còn mang lại cho con được gì. Lúc này
Con hạ ngài
Đổi lấy cái máy kéo.
 
 
NHỮNG CHIẾN BINH BẰNG ĐẤT SÉT
 
Khi quân Tần
Từ hào sâu vọt lên
Sau 2000 năm
Suy nghĩ kỹ
Thế giới đã bắt đầu
Gỡ bỏ vũ khí.
 
 
NHỮNG CHIẾN BINH BẰNG ĐẤT SÉT 2
 
Tiến ra từ những hầm trú
Dưới quảng trường Thiên An
Những chiến xa bọc sắt lao thẳng
Vào đám đông
Thao dượt cổ sơ
Của Đảng cổ sơ.
 
 
SỞ HỮU CỦA TÔI
 
Tôi hãy còn đó và xứ sở của tôi đi về phương tây.
CHIẾN TRANH CHO NHÀ LÁ, BÌNH AN CHO LÂU ĐÀI!
Tôi đã tống nó ra cửa như người ta đối xử với một tên vô lại.
Nó bán hạ giá ngoài đường cho bất kỳ ai những món trang sức khổ hạnh của mình.
Mùa hè của thèm khát kế tiếp mùa đông.
Và trước trọn vẹn văn bản của tôi lúc này không ai còn hiểu gì hết nữa.
Người ta bảo tôi đi coi nơi hồ tiêu mọc.
Người ta giật mất của tôi những gì tôi chưa bao giờ sở hữu.
Những gì tôi chưa sống sẽ mãi mãi làm tôi nhớ.
Như một cạm bẫy trên đường: hy vọng đã tươi rói.
Sở hữu của tôi, lúc này nó nằm đây trong móng vuốt các người.
Bao giờ tôi sẽ lại nói của tôi khi muốn nói của hết thảy mọi người
 
VOLKER BRAUN, nhà thơ của (cựu) Đông Đức, sinh năm 1939 tại Dresden, sống ở Đông Berlin. Học triết lý và từng làm trợ tá cho đoàn Berliner Ensemble. Thơ in ở cả Đông lẫn Tây Đức. Từ 1985-90 đã có 6 tập thơ. Các bài trích Cây cầu chữ chi (1988-89) đã đăng trên tờ Neue Deutsche Literatur, số tháng 1. 1990; dịch theo bản Pháp văn của Alain Lance. Xin xem thêm về Volker Braun trên Tiền Vệ. (ND.)
 
_____________
 
BERND JENTZSCH
(1940)
 
CÂY XANH CHẾT TRONG CHÚNG TA
 
Những cây xanh với thân cây đen
đã lớn lên trong chúng ta và chết trong chúng ta.
 
Những nguyên tố của đất, lân tinh và lưu huỳnh,
đã rơi xuống từ những đám mây ngày và đêm.
 
Những hồi còi hụ đã xẻ những hầm trú ẩn trong giấc ngủ,
một ánh đèn bấm đã là ngôi sao hôm.
 
Chúng ta dã mang áo khoác chất chồng lên nhau.
Những ánh mắt lướt lên cao, ở đó cũng bay những con sáo sậu.
 
Những thành phố lớn với những mái tóc đen
không hề giống những thành phố trong sách hình.
 
Những kẻ chúng ta kêu bằng cha già đã chẳng giải thích gì hết.
Tiếng nói của họ im lìm dưới những mệnh lệnh và tuyết.
 
Trong khu rừng những đường phố chết và trong những chùm lá
của những đàn chim bay chúng ta đã thức dậy quá đột ngột.
 
Những kẻ lẽ ra có thể trở thành những người bạn đồng hành với chúng ta
đã chẳng còn da trên mặt.
 
Chúng ta tìm kiếm da các bạn đồng hành của chúng ta
trên khuôn mặt những kẻ còn sống.
 
Phẫn nộ ngụ trong chúng ta, và hy vọng cũng có đó,
khi chúng ta nghĩ đến những cây xanh.
 
 
NỘI DUNG CHO BÀI THƠ
 
Người họa sĩ Nào đó họa hình con người
mà thủ cấp lăn lăn trong tay chiếc áo khoác
(lại một lần nữa ông nghĩ tới Guernica).
Ai sẽ đưa ngón tay lên và thấy thiếu tích cực?
 
 
PHỤC TÒNG
 
Để mừng mi tới, ta đã trồng cỏ xanh tươi.
Để dành cho tóc mi, ta đã hái những giải mây trên trời.
Để mi bơi lội,
ta đã hốt những tảng đá khỏi dòng sông.
Ta chăng những biểu ngữ mừng vui hồ hởi trên xa lộ:
Mi là thành quả bầu cử của ta.
Vì mi mà ganh tị với ta
những ông tổng thống thất cử của mọi xứ.
 
 
MẨU THỜI SỰ
 
Mưa giam giữ chúng ta
trong chiếc lồng không có cửa.
 
Thế là tôi lại mọc cánh, cánh
bao phủ em.
 
Tôi là con họa mi,
tôi hót xanh bầu trời.
 
BERND JENTZSCH sinh năm 1940 tại Saxe. Học Đức ngữ và Lịch sử nghệ thuật tại Iéna. Là người đọc sách trong một nhà xuất bản. Đã xuất bản hai tập thơ (Mitteldeutscher Verlag). (ND.)
 
_____________
 
BERTOLT BRECHT
(1898-1956)
 
CUỘC DI CƯ CỦA CÁC NHÀ THƠ
 
Homère không có nơi ở
Và Dante phải lìa bỏ nơi ở của mình.
Lý Bạch và Đỗ Phủ phải phiêu bạt qua những cuộc nội chiến
Từng sát hại 30 triệu người
Euripides bị người ta hăm dọa lôi ra tòa
Và khi Shakespeare gần chết, người ta bịt miệng ông lại.
Tìm kiếm François Villon không phải chỉ có nàng Thơ
Mà còn cả công an nữa.
Được gán cho danh hiệu «người được ái mộ»,
Lucretia bước vào chốn lưu đày,
Heine cũng thế, và cũng như thế
Dưới một mái tranh Đan mạch, Brecht ẩn thân.
 
 
NHỮNG Ý NGHĨ VỀ THỜI HẠN CỦA LƯU ĐÀY
 
I
Đừng đóng đinh trên tường
Hãy ném chiếc áo vét lên ghế!
Tại sao lại dự phòng tới bốn ngày?
Ngày mai mi trở lại.
 
Mặc cái cây con thiếu nước!
Trồng thêm một cây nữa làm gì?
Trước khi nó cao bằng một bậc cửa
Mi đã vui vẻ đi khỏi đây.
 
Hãy kéo cái nón kết xuống trước mặt khi thiên hạ đi qua!
Lật giở một cuốn văn phạm nước ngoài để làm gì?
Cái tin nhắc mi nhớ
Viết bằng một thứ tiếng mà mi biết rõ.
 
Như nước vôi tróc ra từ sà nhà
(Đừng làm gì để chận lại!)
Rồi sẽ mục nát hàng rào bạo lực
Dựng lên ở biên giới
Chống lại công lý.
 
II
Hãy nhìn chiếc đinh trên tường mà mi đã đóng:
Khi nào thời, mi nghĩ, mi sẽ trở lại?
Mi có muốn biết mi nghĩ gì trong thâm sâu?
Ngày lại ngày
Mi lao lực cho giải thoát
Ngồi trong buồng, mi viết.
Mi có muốn biết mi nghĩ gì về công việc của mi?
Hãy nhìn cây hạt dẻ nho nhỏ ở góc sân
Nơi mi đã lết tới một bình đầy nước.
 
 
GỬI NHỮNG NGƯỜI SINH SAU
 
I
Thực vậy, tôi sống vào thời buổi thật đen tối!
Chữ nghĩa vô tội là rồ dại. Một vầng trán phẳng
Có nghĩa là lãnh đạm thờ ơ. Kẻ đang cười,
Đó là vì cái tin khủng khiếp
Chưa lọt tới tai hắn.
 
Thời buổi gì đâu, khi
Nói tới cây cối cũng gần như một trọng tội,
Bởi đó là im lặng trước bao điều đại ác!
Kẻ đang lặng lẽ băng ngang đường kia,
Bạn bè hoạn nạn
Làm sao còn đuổi kịp?
 
Quả thật: tôi vẫn còn kiếm ăn được.
Nhưng cứ tin tôi đi: ấy chỉ là chuyện may rủi.
Không có gì tôi làm biện minh cho việc tôi được ăn no.
Do sự tình cờ tôi được miễn. (Nếu vận may lật ngược,
Là tôi tiêu.)
 
Người ta bảo tôi: «Mi hãy ăn hãy uống! Hãy vui vì có được chút gì!»
Nhưng làm sao tôi có thể ăn có thể uống, khi
Tôi giật lấy của người đói cái tôi ăn, và
Chén nước của tôi người khát thiếu?
Thế tuy nhiên, tôi vẫn ăn vẫn uống.
 
Tôi cũng muốn là người khôn ngoan.
Trong sách xưa có nói khôn ngoan là gì:
Đứng ngoài cuộc đấu tranh của thế giới và
Qua chút thời gian vắn vỏi không hãi sợ,
Lại cũng không dùng tới bạo lực,
Đáp trả sự dữ bằng điều tốt,
Không thực hiện những điều mình thèm khát, mà quên đi,
Khôn ngoan là thế đấy.
Tất cả những điều đó tôi không thể:
Thực vậy, tôi sống vào thời buổi thật đen tối!
 
II
Tôi đã tới các đô thị vào thời kỳ hỗn loạn
Khi nạn đói hoành hành ở đó.
Tôi đã tới giữa mọi người vào thời của nổi dậy
Và tôi đã nổi dậy cùng với họ.
Như thế đó thời gian của tôi đã đi qua
Thời gian mà tôi đã được dành cho trên trái đất.
 
Cái ăn của tôi, tôi đã ăn giữa những trận chiến,
Tôi đã nằm xuống để ngủ ở giữa kẻ sát nhân,
Tình yêu tôi chẳng mấy quan tâm,
Và thiên nhiên, tôi nhìn ngắm không kiên nhẫn.
Như thế đó thời gian của tôi đã đi qua
Thời gian mà tôi đã được dành cho trên trái đất.
 
Ở thời tôi những con đường dẫn tới đầm lầy.
Ngôn ngữ phản bội tôi với tên đao phủ.
Tôi chỉ có chút ít khả năng. Nhưng thiếu tôi
Bọn chủ nhân hẳn đã vững tin hơn vào quyền lực của họ, tôi đã hy vọng thế.
Như thế đó thời gian của tôi đã đi qua
Thời gian mà tôi đã được dành cho trên trái đất.
 
Sức lực nhỏ nhoi. Mục tiêu
Nằm trong cõi xa xôi rộng lớn.
Mục tiêu ấy có thể thấy rõ, dẫu như tôi
Khó tin được rằng mình có thể đạt tới.
Như thế đó thời gian của tôi đã đi qua
Thời gian mà tôi đã được dành cho trên trái đất.
 
III
Các bạn, những kẻ sẽ trồi lên khỏi lớp sóng
nơi chúng tôi chìm đắm,
Hãy nghĩ
Khi các bạn nói tới những nhược điểm của chúng tôi
Nghĩ tới thời buổi đen tối
Mà các bạn sẽ bước ra.
 
Bởi chúng tôi đã đi, thay đổi xứ thường hơn thay đổi giày,
Qua những cuộc đấu tranh giai cấp, tuyệt vọng,
Khi chỉ có bất công mà không có sự công phẫn.
 
Hơn nữa chúng tôi cũng biết:
Cả đến thù ghét sự đê hèn
Cũng làm nét mặt ta biến dạng.
Cả đến sự phẫn nộ đối với bất công
Cũng làm ta lạc giọng. Ôi, chúng tôi
Những kẻ muốn chuẩn bị cho tình thân ái,
Chúng tôi đã không thể thân ái.
 
Nhưng các bạn, đến khi nào tới lúc đó,
Lúc con người trở thành kẻ hỗ trợ con người
Xin các bạn hãy nghĩ đến chúng tôi
Với sự khoan dung.
 
 
CÂU TRẢ LỜI
 
Đứa con trai tôi hỏi tôi: Con có cần phải học Toán?
Để làm gì, tôi muốn nói. Hai lát bánh thời hơn một
Rốt cuộc rồi mày cũng sẽ thấy.
 
Đứa con trai tôi hỏi tôi: Con có cần phải học tiếng Pháp?
Để làm gì, tôi muốn nói. Cái xứ này đang suy sụp. Và
Mày chỉ cần đưa lòng bàn tay xoa bụng mà rên
Người ta cũng thừa hiểu mày.
 
Đứa con trai tôi hỏi tôi: Con có cần phải học Sử?
Để làm gì, tôi muốn nói. Cứ học cắm đầu mày xuống đất
Có lẽ mày vẫn còn sống sót.
 
Có chứ, tôi đáp, con hãy học Toán,
học tiếng Pháp, học Sử!
 
 
HOLLYWOOD
 
Sáng sáng, để kiếm ăn
Tôi ra chợ, nơi người ta bán những điều dối trá.
Đầy hy vọng
Tôi đứng về phía những người bán.
 
 
CHIẾC MẶT NẠ CỦA KẺ ÁC
 
Trên bức vách của tôi có treo một món khắc gỗ Nhật bản
Chiếc mặt nạ của một Ác quỷ, thiếp vàng.
Đầy thương cảm tôi nhìn
Những đường gân trên trán nổi gồ lên, chứng tỏ
Làm ác thật vất vả biết bao.
 
 
THƯA ĐẠI TƯỚNG, CHIẾN XA CỦA ĐẠI TƯỚNG
LÀ MỘT CHIẾC XE THẬT CHẮC CHẮN
 
Nó khiến một cánh rừng rạp xuống và nghiến nát một trăm người.
Nhưng nó mắc một khuyết điểm:
Nó cần một người lái.
 
Thưa Đại tướng, oanh tạc cơ của Đại tướng thật mạnh mẽ.
Nó bay mau hơn một cơn giông và chở nặng hơn một con voi.
Nhưng nó mắc một khuyết điểm:
Nó cần một người cưỡi.
 
Thưa Đại tướng, con người ta rất cần thiết.
Y biết bay, và y biết giết.
Nhưng y mắc một khuyết điểm:
Y biết nghĩ.
 
 
GIẢI PHÁP
 
Sau cuộc nổi dậy ngày 17 tháng Sáu *
Ông thư ký Hội nhà văn
Đã cho phân phát truyền đơn trên đường Stalin
Truyền đơn bảo: nhân dân, vì lầm lỗi,
Đã đánh mất sự tin cẩn của chính quyền
Và chỉ bằng lao động gia tăng
Mới có thể giành lại được.
Chẳng phải là đơn giản hơn nữa hay sao,
Nếu chính quyền giải tán nhân dân và
Bầu ra một nhân dân khác?
 
---------
* Đây là cuộc nổi dậy của nhân dân ngày 17. 6. 1953 tại Berlin theo sau những biện pháp kinh tế đưa đến việc giảm 30 phần trăm thu nhập của các công nhân. Ngày 16, hai ngàn công nhân phản đối ngoài đường phố, đòi hỏi những cuộc bầu cử tự do. Hôm sau, 50 ngàn người diễu hành trên các đường phố ở Đông Berlin. Quân đội chiếm đóng (Liên xô) tuyên bố tình trạng «đặc biệt» và dân quân nổ súng vào đám đông. Kế đó phong trào lan rộng tới các thành phố khác ở Đông Đức. Đã có hàng trăm người bị chết, nhiều hơn nữa bị thương và nhiều người bị đem ra tòa xử, trong đó có bốn án tử hình và ba đã được thi hành. Bài này nằm trong tập cuối cùng của Brecht, viết năm 1953. (ND.)
 
 
NẾU CHÚNG TA TỒN TẠI ĐỜI ĐỜI
 
Nếu chúng ta tồn tại đời đời
Thời mọi sự hẳn sẽ đổi thay
Nhưng bởi chúng ta chẳng sống mãi
Nhiều điều cổ lỗ vẫn còn hoài.
 
                                 (1956)
 
 
BERTOLT BRECHT:
«Thành Carthage vĩ đại
đã theo đuổi ba cuộc chiến tranh.
Vẫn hùng cường
Sau cuộc chiến thứ nhất,
Hãy còn cư ngụ được
Sau cuộc chiến thứ nhì
Người ta hoài công tìm kiếm dấu vết nó,
Sau cuộc chiến thứ ba.»*
 
------------
* «Bài này», từng được trình bày như một bài thơ của Bertolt Brecht, bằng chữ đỏ trên một tấm bích chương lớn mà trước đây người ta có thể thấy khi băng qua Bức tường Berlin trên đường tới Đông Berlin. Thực ra đây chỉ là những gì còn lại của một lá thư (đã bị kiểm duyệt) của Bertolt Brecht, tựa là Thư ngỏ gửi các nghệ sĩ và nhà văn Đức (1951), trong đó Brecht kêu gọi sự thống nhất nước Đức một cách hòa bình và bãi bỏ kiểm duyệt tại Cộng hòa Dân chủ Đức. (ND.)
 
 
NHỮNG BÀI THƠ VỀ STALIN (trích)
 
 
ÔNG THẦN bị trùng xơi
 
Những kẻ sùng bái vỗ ngực
Như họ cũng vẫn thường vỗ mông đàn bà
Khoái trá
 
 
SA HOÀNG đã nói với họ
Bằng súng và bằng roi
Ngày Chúa nhật đẫm máu. Kế đó
Đã nói với họ, bằng súng và bằng roi,
Hết mọi ngày trong tuần, hết mọi ngày làm việc,
Tay đao phủ lão luyện của nhân dân.
 
Mặt trời của các Dân tộc
Đã đốt cháy những kẻ sùng bái mình.
Nhà thông thái vĩ đại nhất thế giới
Đã quên bản Tuyên ngôn cộng sản
Người học trò lỗi lạc nhất của Lê-nin
Đã nện vào mặt ông.
 
Nhưng khi còn trẻ y thật dũng cảm
Nhưng khi về già y thật tàn ác.
Trẻ
y không phải ông Thần.
Kẻ trở thành ông Thần
trở thành xuẩn ngốc.
 
Sự đánh giá Stalin về phương diện lịch sử
lúc này không đem lại một lợi ích nhỏ bé nào
và không thể thành công bởi thiếu
những dữ kiện chính xác. Tuy nhiên uy quyền của y
cần phải được thanh toán,
nhằm loại trừ những sự biến không hay
do gương mẫu của y gây ra.*
( ... )
 
--------------------
* Sau những tiết lộ của Khrouchtchev tại đại hội lần thứ XX của đảng Cộng sản Liên xô, Bertolt Brecht đã viết một số bài về Stalin. Những bài này chỉ được nhà xuất bản của Brecht ở Tây Đức là Suhrkamp Verlag ở Frankfurt công bố vào năm 1982, trong một tập bổ túc thơ Bertolt Brecht, 27 năm sau khi được tác giả sáng tác. Bài trích trên đây là phần mở đầu các bài nói trên. (ND.)
 
BERTOLT BRECHT sinh ngày 10. 2. 1898 tại Augsburg. Năm 1918, trở thành lính Quân y. Năm 1922, vở Tiếng trống trong đêm của ông đoạt giải Kleist. Năm 1933, di cư qua Tiệp khắc, Thụy sĩ, Pháp, Đan mạch, Thụy điển, Phần lan, Nga để tới Hoa kỳ (1941). Năm 1947, từ Hoa kỳ trở về Zurich. Năm 1948, trở về Berlin. Ngày 14. 8. 1956 mất tại Berlin. (ND.)
 
 
_____________
 
MỤC LỤC:
 
THƠ ĐÔNG ĐỨC: VÀ HAI VẦN NHỚ NHUNG
(bản dịch Thủy Trúc và Diễm Châu)
 
PETER HUCHEL (1903-1981)
Tưởng niệm Paul Éluard
 
JOHANNES BOBROWSKI (1917-1965)
Đường chim
Kaunas
Đồng cỏ hoang
Nơi hoang phế
Và giờ đây
Lời
Lữ khách
Tưởng niệm một ngư phủ
 
HANNS CIBULKA (1920)
Hai vần
 
WALTER WERNER (1922)
Bên dòng nước
Đi dạo
 
PAUL WIENS (1922)
Một người trên giường chết
Con người lặng lẽ Hérodote
Chúc thư
 
JENS GERLACH (1926)
Buổi sáng
 
ARMIN MULLER (1928)
Tấm hình chụp cũ
Dòng sông đêm
Từ những ngọn đồi
 
GÜNTER KUNERT (1929)
Lời khuyên của con cá
Trước ngưỡng cửa nhà mình
Nếu các người quỳ gối
 
HEINZ KAHLAU (1931)
Cho Christine
Kinh nghiệm
Trách
Sâu hơn sự chết
Báo chí
Một chiếc ghế trống rỗng
 
REINER KUNZE (1933)
Tình yêu
Câu trả lời
Ngày tàn của nghệ thuật
Cánh chim Đau đớn
Những con đường nhạy bén
Tạ lỗi
Mười bảy tuổi
Như những món đồ bằng đất nung
Gần như một bài thơ mùa Xuân
Âm âm
Nâng ly mừng...
Dạ khúc
Kiểm soát ở biên giới
Để tưởng niệm Johannes Bobrowski
 
UWE GRESSMANN (1933)
Đi nằm
Trước giấc ngủ
 
RAINER KIRSCH (1934)
Gửi các bạn tôi, những đồng chí già
 
KARL MICKEL (1935)
Chiều bên sông
 
WOLF BIERMANN (1936)
Sáng sớm
Quạ
Gửi các đồng chí già
Bốn toan tính rất khác nhau để nói bằng một cách mới với các đồng chí già
 
VOLKER BRAUN (1939)
Cho R.
Chia ly
Những bài thơ của chúng ta
Đồng lầy
Người thợ nề của lối đi Stalin
Bài học Âu-Á
Nông dân với con bò
Những chiến binh bằng đất sét
Những chiến binh bằng đất sét 2
Sở hữu của tôi
 
BERND JENTZSCH (1940)
Cây xanh chết trong chúng ta
Nội dung cho bài thơ
Phục tòng
Mẩu thời sự
 
BERTOLT BRECHT (1898-1956)
Cuộc di cư của các nhà thơ
Những ý nghĩ về thời hạn của lưu đày
Gửi những người sinh sau
Câu trả lời
Hollywood
Chiếc mặt nạ của kẻ ác
Thưa Đại tướng, chiến xa của Đại tướng...
Giải pháp
Nếu chúng ta tồn tại đời đời
«Thành Carthage vĩ đại...»
Những bài thơ về Stalin (trích)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021