thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ ĐÔNG ĐỨC: VÀ HAI VẦN NHỚ NHUNG [I]
Bản dịch Thủy Trúc & Diễm Châu
 
TỰA
 
Những gì tôi chưa sống sẽ mãi mãi làm tôi nhớ.
VOLKER BRAUN
 
Tập thơ nhỏ này chủ yếu dựa trên cuốn Mười bảy nhà thơ của Cộng hòa Dân chủ Đức do Andrée Barret, Jean Paul Barbe, Henri Deluy, Alain Lance và Lionel Richard dịch sang Pháp văn, Henri Deluy và Paul Wiens viết tựa (Dix-sept poètes de la R.D.A., nxb Pierre Jean Oswald, Paris 1967.) Chúng tôi đã lược bớt hai tác giả và một số bài quá dài và thêm một bài của Wolf Biermann do Henri Deluy dịch và đăng trên tạp chí thơ action poétique số 39, 1968 và một số bài mới của Volker Braun trong tập Cây cầu chữ chi do Alain Lance dịch (nxb Les Cahiers de Royaumont, 1990), một số bài của Reiner Kunze và Bertolt Brecht,.. Tựa đề của toàn tập mượn từ một bài thơ của Hanns Cibulka («Hai vần»), vì các nhà thơ Đông Đức ở đây cho chúng tôi cái cảm tưởng: họ cùng chia sẻ một tâm sự!...
 
Theo những khẳng định của Paul Wiens, các nhà thơ Đông Đức không phải là những kẻ «ngây thơ» về chính trị; họ yêu mến triết lý; ưa thích dụ ngôn; thơ của họ cũng có mục tiêu: «chân lý thực tiễn»; và họ thường nghi ngại những gì êm dịu ngọt ngào (tiếng hát) và bồng bột sôi động (sự tán dương). Cũng theo Paul Wiens, ở phần đất nước mang tên CHDCĐ, cả một thế hệ nhà thơ Đức đã chia sẻ một giấc mơ: giấc mơ giải phóng. Và ngay từ những năm 60, «giấc mơ ấy đã chấm dứt». «Các nhà thơ vùng vẫy giữa đời sống, trong bất an. Họ không còn tin tưởng. Họ nghi ngờ. Họ tìm kiếm. Họ lao động. Họ kêu gào và hy vọng...» Thế tuy nhiên, tất cả đều vẫn mang nặng «hai vần» mà Hanns Cibulka đã nói: - Đức quốc...
 
Những gì các nhà thơ của (cựu) Đông Đức đã gặp phải trong đời sống ở xứ họ - những hoàn cảnh thật đặc biệt sau chiến tranh - đã tạo cho thơ họ một màu sắc, một giọng điệu riêng biệt, một sự «căng thẳng» hầu như thường trực. Họ là những nhà thơ «dấn thân» nhưng sự dấn thân của họ, trong khung cảnh tranh đua giữa hai miền, không phải là mù quáng, hay ít nhất cũng không hoàn toàn một chiều. Tính chiến đấu của thơ họ cũng như những thất bại của những kẻ đầy thiện chí này đã để lại những âm hưởng thật chua xót, đau đớn nữa...
 
Một điều đáng ghi nhận ở đây: cái căng thẳng của hoàn cảnh cũng như chiến đấu tính của thơ Đông Đức rõ ràng là mang tính thời đại, nhưng những gì họ viết, lúc này, vẫn không phải là hoàn toàn «lạc điệu». Nhiều người trong họ vẫn tồn tại như những nhà thơ lẫy lừng của một Đức quốc thống nhất, không như số phận «hẩm hiu» của những nhà thơ ở một xứ khác tương tự trên thế giới...
 
Sau hết, nói đến thơ Đông Đức mà không nhắc tới Bertolt Brecht là một thiếu sót lớn. Nhưng từ trước khi có những danh xưng phân biệt, thơ Bertolt Brecht đã là của Đức quốc. Khối lượng và phẩm chất của thơ Brecht thật quan trọng. Tầm ảnh hưởng của thơ ông cũng đã vượt ra ngoài biên giới Âu châu từ lâu. Một vài bài lượm lặt ở đây như một phần phụ lục thật không hề đủ, dù chỉ là để phản ảnh một vài nét trội vượt trong thơ ông. Cùng với một số nhà nghiên cứu, tôi cho rằng sự nghiệp thi ca của Brecht còn vượt xa các kịch bản đã hết sức bộn bề của ông. Thơ Bertolt Brecht rất xứng đáng những công trình nghiên cứu và phiên dịch riêng biệt sau. Thật đáng tiếc là một số tên tuổi, như Peter Huchel, Sarah Kirsch,... do khung khổ hạn hẹp và khả năng riêng của người dịch, cũng đã thiếu trong tập sách nhỏ này.   (TT.)
 
Ghi chú của Diễm Châu:
Trên đây là lời tựa của Thủy Trúc viết năm 1995 cho Tuyển tập Thơ Đông Đức mang tựa: và hai vần nhớ nhung của chúng tôi. Phần lớn các tác giả và các bài là do Thủy Trúc lựa và dịch; theo ý anh, tôi dịch thêm một số bài trích từ các sách khác, và đã cho đăng lẻ tẻ trên Tiền Vệ. Nay anh đã mất, vì bạo bệnh (2005) nên tôi đề nghị Tiền Vệ cho in trọn vẹn tuyển tập này để tưởng nhớ anh và cũng để bạn đọc có ngay một lần các tác giả mà anh yêu mến. (DC., 2006)
 
 
BERTOLT BRECHT (1898-1956)
 
 
THƠ ĐÔNG ĐỨC:
VÀ HAI VẦN NHỚ NHUNG [I]
 
 
PETER HUCHEL
(1903-1981)
 
TƯỞNG NIỆM PAUL ÉLUARD
 
Tự do, hỡi vì sao của ta,
Không được vạch ra trên đường cong của trời,
Bên trên những đớn đau của thế giới
Hãy còn chưa hiển hiện
Mi đang vẽ quỹ đạo
Trong chí tuyến thời gian.
Ta biết, hỡi vì sao của ta,
Ánh sáng của mi đang trên đường.
 
(1963)
 
PETER HUCHEL (1903-1981), nhà thơ Đông Đức, sinh ngày 3.4.1903 gần Berlin. Từng điều khiển tờ tạp chí danh tiếng của CHDC (Đông) Đức Sin und Form, tác giả bảy thi tập. Ông di cư qua Tây Đức vào năm 1971 và mất tại Staufen ngày 30.4.1981 sau một cơn bệnh lâu ngày. (ND.)
 
_____________
 
JOHANNES BOBROWSKI
(1917-1965)
 
ĐƯỜNG CHIM 1957
 
1
Trong mưa tôi đã ngủ,
trong lau sậy của mưa tôi đã thức.
Trước khi lá rụng, tôi thấy trăng thật gần,
tôi nghe tiếng chim thiên di,
tiếng kêu trắng, lắc lay
bầu khí làm tan tác nó.
 
Lẹ làng và chính xác
như loài sói đánh hơi,
hỡi người em gái, hãy lắng tai! Vai-nơ-moi-nen*
đang hát qua cơn gió,
ném chiếc cánh ra ngoài tuyết
xuống vai em, chúng ta vỗ cánh
phiêu bạt trong làn gió những khúc ca.
 
2
Nhưng lẻ loi dưới những tầng trời
bao la, những con đường
hoang vắng của
từng đoàn lũ chim đang mờ dần.
Thiêm thiếp theo làn gió
chúng lướt đi, một mặt trời mới
bừng bừng, ngọn lửa
quất lên, chúng bốc cháy
nơi cội tro.
 
Ở đó cũng nát tan
những tiếng hát của chúng ta nữa.
Hỡi người em gái, hai bàn tay em
tái nhợt, em ngủ trong tăm tối
tách lìa tôi — khi nào tôi sẽ phải
hát lên nỗi khắc khoải của loài chim?
 
------------
* Wainemoinen, nhân vật chính trong Kalevala, anh hùng ca thần thoại Phần lan. (ND.)
 
 
KAUNAS 1941 *
 
Thành phố,
trên dòng sông một nhành lá
màu đồng, như dụng cụ bếp núc ngày lễ. Từ sâu thẳm đôi bờ
vẳng tiếng. Người thiếu nữ đau ở bên hông
tiến tới trước hoàng hôn lúc đó,
áo nàng một màu đỏ sậm.
 
Và tôi nhận ra những bậc thềm,
sườn núi, ngôi nhà này. Ở đấy
không một ánh lửa. Dưới mái nhà
có cô gái do-thái, sống trong câm nín của những người do-thái,
thì thầm, nước bạc trắng
mặt con gái. Trước cửa
bọn sát nhân đi qua khua động ầm ĩ. Uể oải
chúng tôi bước, trong mùi mục nát, trong vết sói.
 
Buổi chiều chúng tôi nhìn ra
một lòng thung đầy sỏi đá. Con ó lượn vòng
quanh nóc tròn rộng lớn.
Chúng tôi nhìn thành phố, cũ kỹ, những khu nhà hỗn độn
xuống mãi tới dòng sông.
 
Có phải người sẽ đi về phía bên kia
đồi? Những đoàn người màu xám
— những cụ già, và đôi khi cả những người còn trai trẻ —
trút hơi tàn ở đấy. Họ bước
qua sườn núi, với bầy sói hổn hển theo sau.
 
Phải chăng tôi không còn để mắt tới anh nữa,
hỡi người anh em? Nơi bức tường đẫm máu
giấc ngủ quật xuống chúng ta. Thế là chúng ta
đã rong ruổi đường dài, mù lòa
trước mọi sự. Trong rừng sồi bên ngoài
với ánh mắt người bô-hê-miên là những thôn làng, phía trên quanh những triền chóp núi
tuyết mùa hè.
 
Đắm trong những lùm bụi mưa
tôi sẽ dẫm chân lên tảng đá trên bờ,
lắng nghe trong hơi nước của bình nguyên. Ở đó là những con én
bay ngược lên, và đêm
màu xanh lục, con bồ câu rừng kêu:
bóng tối của ta đã tới.
 
------------
* Kaunas hay Kovno, thành phố trên sông Niémen, Lituanie. (ND.)
 
 
ĐỒNG CỎ HOANG
 
Có một người
hát trong chiều muộn. Bên ngoài
bình nguyên nặng nề,
trơ trụi, quanh lùm bụi thấp
cát bỏng cháy —
nơi đây ngừng lại, thâm u, những đám mây
và một vành trăng rũ xuống.
 
Bên hố nước hung hung
bầy thú. Một người, râu sậm
tới, xua đàn bò
ra xa. Bên cửa sổ người kia
vẫn hát.
 
Hỡi các thôn làng,
tôi phải sống ra sao
bây giờ? Ở nơi xa tôi biết
ánh ngời của những bầu trời trôi chảy
không cùng. Tôi nghe chàng trai trẻ đã hát
và người chăn bò mắt trong trò chuyện
bên đường, tôi đứng,
thôn làng ở sau lưng.
 
 
NƠI HOANG PHẾ
 
Trên phố chợ
lúc này trống trơn, với đôi cánh gà mái
gió
khơi một dấu vết trong bụi.
 
Những hàng giậu. Chìm nghiêng
những cây thập tự. Tiếng quạ khoang.
Ai sẽ tới một tấm ván trên vai,
ai sẽ soi đường viền mới
cho cửa sổ, ai
đã tới, một chiếc hũ xanh lục
dưới tấm khăn vắt vai?
 
Nơi đây không một ai qua lại. Trời
bắt gặp một dải băng
nằm đấy và lượm lên,
tường nhà phủ
rêu, sương mù bao quanh
một chiếc tháp trắng, và mi
từ đâu tới?
 
Trên những sợi thép rung rinh
những khu vườn rào kín, trên
đồng cỏ bên đầm lầy, nước
bám gót mi, thấm đen những dấu chân mi.
 
 
NÀY ĐÂY
 
Này đây
hai bàn tay chúng ta đầy ánh sáng —
những tiết đoạn của đêm, những dòng nước xao động
lại chạm tới mép bờ,
giấc ngủ của loài thú trong lau sậy,
thô sơ, lìa ánh mắt,
sau vòng ôm siết — rồi
chúng ta lại đứng tựa trên sườn dốc
bên ngoài, tựa lên bầu trời
trắng, lạnh lẽo, từ bên kia núi
tới, vẻ lộng lẫy của thác nước,
và sững lại, giá băng
như từ những vì sao xuống.
 
Trên thái dương em
tôi muốn sống cái thời gian
nhỏ bé ấy, lặng lẽ, lãng quên
để mặc
dòng máu mình lang thang qua tim em.
 
 
LỜI
 
Cây
lớn hơn đêm tối
với hơi thở của những mặt hồ
với tiếng thì thầm trên
im lặng
 
Những tảng đá
dưới chân
đường vân sáng rỡ
thật lâu trong cát bụi
mãi mãi
 
Lời
đã cạn hơi
với cửa miệng mỏi mệt
qua con đường không cùng
tới ngôi nhà của người kế cận
 
 
LỮ KHÁCH
 
Chiều muộn,
dòng sông vang vang,
hơi thở nặng nề những khu rừng,
trời, bay ngang
những đàn chim kêu réo, bờ
những bóng tối, đã xưa,
bên trên, ánh lửa các vì sao.
 
Tôi đã sống thật người,
quên đếm những cánh cửa,
những cánh cửa mở. Những cánh cửa đóng
tôi đã gõ.
 
Mọi cánh cửa đều mở.
Người gọi đứng giang tay.
Vậy thời hãy lại bàn ăn.
Hãy nói: rừng vang vang,
cá rẽ hơi thở
dòng sông, trời
lung linh những ánh lửa.
 
 
TƯỞNG NIỆM MỘT NGƯ PHỦ
 
Luôn luôn
cùng với những đàn chim thước
khuôn mặt trắng của anh
được ghi trong bóng rừng.
Kẻ tranh cãi cùng con cá dưới đáy sâu,
gió trên bờ, lớn tiếng hỏi:
Ai sẽ buông lưới cho ta?
 
Không ai cả. Con cá ngạnh màu chim
luồn qua những mắt lưới,
tạo một cái tổ cho con cá giống,
bên trên hàm cá măng của những vùng thăm thẳm,
một ngọn đèn lồng,
nhẹ nhàng.
 
Và ai sẽ trét đáy cho ta,
con thuyền bảo, ai sẽ trò chuyện
cùng ta? Con mèo
rảo quanh cây cọc
gọi con cá bống của nó.
 
Phải, chúng tôi đã quên anh.
Nhưng gió vẫn còn tưởng nhớ.
Và con cá măng già
không còn tin tưởng. Trên bờ
con mèo kêu thật lâu:
Trời sụp!
 
JOHANNES BOBROWSKI sinh ngày 9.4.1917 tại Tilsit, Lituanie (vùng Đông Phổ ngày trước). Bị bắt làm tù binh ở Liên Xô. Khi trở về, ông ngụ tại Berlin, nơi ông làm việc cho các nhà xuất bản với tư cách «người đọc». Ông mất tại Berlin ngày 2. 9. 1965, để lại bốn tập thơ, hai cuốn tiểu thuyết và một vài tập đoản văn. Xin xem thêm về Johannes Bobrowski trên Tiền Vệ. (ND.)
 
_____________
 
HANNS CIBULKA
(1920)
 
HAI VẦN
 
Cảnh vật kế tiếp cảnh vật
tôi đã uống
đồng cỏ hoang hai mươi con trăng ròng
ba trăm ngày
bầu trời Pästum
và Monte Cassino,
và rồi nỗi nhớ thương nho nhỏ
những đồng cỏ xanh Alkmaar,
nơi trăng như một điệu ru
lướt êm trên những con kênh.
 
Cảnh vật
lại cảnh vật.
 
Hôm nay
tôi yêu một khoảnh đất
quá lạnh đối với rượu nồng,
quá nóng đối với những bộ da lông
của miền Bắc.
 
Mỗi sáng
nó trỗi dậy trong tôi,
và khi chiều lại,
trong tim tôi
nó ngơi nghỉ.
 
Một khoảnh đất
của thế giới mới lớn lao,
đầy những gì đã qua
và những gì sẽ tới,
một cảnh sắc
của lao lực và bình yên
và hai vần nhớ nhung —
ĐỨC QUỐC.
 
HANNS CIBULKA sinh năm 1920 tại Slovaquie. Bị bắt làm tù binh ở Sicile. Trong tác phẩm của ông, chịu ảnh hưởng văn chương Hy lạp và La tinh, những kỷ niệm thời nhỏ thường hòa lẫn với những kỷ niệm của chiến tranh. Ông điều khiển thư viện Heinrich Heine ở Gotha. Đã xuất bản Nhật ký Sicile và hai tập thơ (1967). (ND.)
 
_____________
 
WALTER WARNER
(1922)
 
BÊN DÒNG NƯỚC
 
Những lồng ngực trắng của chim én
huy hiệu vĩnh cửu
trên dòng sông xanh
là tuổi thơ,
tôi mang theo,
khi những mình phong,
những cột chỉ đường reo ca của tình ái,
đưa tôi đi mãi tới tận em,
nơi tôi tìm thấy lại tất cả
Dòng sông xanh,
những con én mau lẹ
và tấm huy hiệu vĩnh cửu
những lồng ngực trắng của chúng.
 
 
ĐI DẠO
 
Đôi khi mi nghiêng mình
trong những chiếc bóng nho nhỏ
của những bông hoa,
để cảm thấy hơi mát thầm kín của đất
từ những ngón tay mi.
 
Mi đem về nhà hình ảnh
một nắm đất;
con bọ hung óng ánh
và con nhện lêu khêu,
và thêm có lẽ một hạt cát lóng lánh
đã tìm được nơi trú ẩn trong một lỗ chân lông;
hình ảnh tồn tại thế nhưng đối với mi thời đã mất,
bởi mi nghĩ rằng sự kỳ diệu
khởi nguyên chưa dứt.
Thế nên mi trở lại khắp mọi nẻo đường,
cho đến khi trong va chạm của những bước giầy
mi làm thức dậy những niềm bí ẩn
vẫn tồn tại của đất,
và dấu vết mỏng mảnh của mi
chiều lại chiều bắt đầu trò chuyện.
 
WALTER WERNER sinh năm 1922 tại Vachdorf. Học nghề thợ sơn nhà cửa. Khởi sự viết sau thời gian bị bắt làm tù binh trở về. Thuộc thế hệ các nhà văn công nhân do chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo tại Viện văn chương Johannes R. Becher ở Leipzig. Đã xuất bản nhiều thi tập (Mitteldeutscher Verlag). Còn viết truyện ngắn, lấy tuổi thơ của ông làm nền. (ND.)
 
_____________
 
PAUL WIENS
(1922)
 
MỘT NGƯỜI TRÊN GIƯỜNG CHẾT
 
Đã qua đâu rồi, những kẻ tới trước mi?
Từ ngôn từ, mầm giống và tóc họ
chỉ còn lại manh áo bị thải hồi.
 
Hãy sử dụng chiếc áo sơ mi của mi, cái tôi bèo bọt của mi,
nỗi buồn trăng, cơn cảm nắng,
hãy mềm như bọt sóng, cứng như đá,
hãy vọt ra ngoài bản thân mi và bước vào
vĩnh cửu.
 
Đã lên đường rồi, những kẻ tới sau mi.
Amen.
 
 
CON NGƯỜI LẶNG LẼ HÉRÉDOTE
 
Đêm qua tôi thức giấc,
tôi đau yếu và có một mình.
Tôi đi tìm
những người trẻ đang hấp hối, kêu gào mẹ.
 
Tiếng kêu của họ lượn lờ không thời gian,
một tiếng kêu không ngừng, trên các thành phố,
là những bãi chiến trường của chúng ta.
Chúng ta cảm thấy hổ nhục và im tiếng.
 
Tôi đã gặp người Hy lạp ấy,
người bị bắt kịp bằng tốc độ ánh sáng,
kẻ viết sử.
Ông đi chân không trên đường nhựa.
 
Trong những đường phố ồn ào mờ xanh
những đứa trẻ nằm nghỉ,
những tiếng kêu ai oán trong bụi,
người Hy lạp nọ thấy chúng và im lặng.
 
Còn dang dở, những kẻ chết nằm xuống!
Chưa trọn vẹn, tiêu tan những mối tình ngàn năm!
Son sẻ quá sớm
thì thào dòng máu ngoài hạn giới!
 
Im lặng!
Hết mọi người đều nghe thấy tiếng kêu không ngừng.
Công việc của chúng ta: quên đi.
Quên đi, trước khi đêm dừng lại.
 
Vào lúc rạng ngày không còn ai được đơn độc.
Những phần thưởng Nhà nước được cấp phát,
Suốt cuộc đời chúng ta tạo dựng cái thường ngày
và một cách thật phải lẽ tôn trọng những người chết.
 
Duy một bà mẹ cho tất cả
một bà mẹ vô danh mở ra cho những đứa con vô danh,
lặng lẽ đem chúng vào trong bóng tối lặng lẽ
của ngôi nhà, đầy tủi nhục.
 
Đêm qua tôi bước đi
trên đấu trường đầy sỏi đá.
Người Hy lạp nọ bước cùng tôi,
ông người viết sử, và ông im lặng.
 
 
CHÚC THƯ
 
Ước chi chúc thư của chúng tôi là:
một trí nhớ thật tốt, thật sắc bén –
và di sản của chúng tôi:
một mùa hè đầy ánh sáng và nhựa sống,
một mùa hè – đầy gió, nhưng dịu mềm,
sâu, sâu thẳm là rừng, ruộng đồng phong nhiêu,
những con đường quanh trái đất rộng hơn,
những người dân thân ái hơn, hiểu biết hơn,
da dẻ và ý nghĩ họ không nổi nhọt,
những bài thơ trên những cột quảng cáo,
từng ngôi nhà bao phủ tình yêu,
nỗi đắng cay của nhân dân chỉ là điều nhỏ nhặt,
từng đứa trẻ vui tươi – và nói chung
niềm hạnh phúc của họ – rộng lớn như biển!
 
PAUL WIENS sinh năm 1922 tại Königsberg. Di cư. Học tại Thụy sĩ. Trong thời kỳ chiến tranh, bị bắt giữ ở Vienne. Được hồng quân giải phóng năm 1945. Còn viết truyện ngắn, truyện phim và phiên dịch. Có chân trong ban biên tập tạp chí Neue Deutsche Literatur. (ND.)
 
_____________
 
JENS GERLACH
(1926)
 
BUỔI SÁNG
 
Buổi sáng y bắt gặp
con vẹt mái của y
lìa đời trong lồng chim
và y đã khóc
thật sót xa.
 
buổi trưa y đọc thấy
rằng ông onassis
hơi se mình
và y đã lắc đầu
nghiêm trọng.
 
buổi chiều y nhìn thấy
cảnh sát đánh đập
những người biểu dương hòa bình
và y đã mừng thầm
rằng những hạng người như thế
y chẳng hề quen biết.
 
JENS GERLACH sinh năm 1926 tại Hamburg. Học lịch sử nghệ thuật. Rời Tây Đức qua Đông Đức năm 1953. Còn viết cho truyền hình. Đã xuất bản nhiều thi tập. (ND.)
 
_____________
 
ARMIN MULLER
(1928)
 
TẤM HÌNH CHỤP CŨ
 
Đen trắng, sáu chín,
hè lại hè chỉ có giấy,
đột nhiên gặp gỡ mi nó lớn dậy
vô biên, gần gũi.
 
Có ai đó băng qua con đường.
Một khung cửa sổ mở.
Trong chùm lá bên trên cánh cổng gió phất phơ.
 
Choáng váng,
mi bước vào khung cảnh.
Những chỏm mái     diễu qua.
Mi tìm chiếc chìa khóa đã thất lạc.
Cả trăm lần mi thấy nó nằm dưới tảng đá.
Mi nghiêng mình tìm nó.
 
Nhưng tảng đá đã nhảy trở lại tấm hình.
Khung cửa sổ khép lại vội vã.
Người đàn bà trên đường phố đứng sững.
Bất động, xưa đến cả chục năm
Chùm lá buông trước cổng.
 
Đen trắng, sáu chín.
 
 
DÒNG SÔNG ĐÊM
 
Dưới những vòm cầu
hãy còn vang vọng những tiếng súng đã tắt.
Duy có đêm tối giải thoát chúng.
Những vầng trán rong rêu, những đôi mắt cá.
Những tiếng hò reo đắm chìm.
 
Những thế kỷ.
 
Qua một đám mây bụi ầm ầm tiếng móng ngựa.
Những hồi chuông. Những nhát roi
của những người đánh xe say rượu.
Tấm khăn phủ của nàng dâu đã cháy.
Ngược dòng sông, cùng với những mình lươn,
đưa lên tiếng thở than của dân chài.
Những tiếng hát của người Gorales trôi qua.
 
Phủ đầy cát, bị vùi lấp vĩnh viễn
trong lòng dòng nước,
bầy thú thắng vào xe quỵ ngã,
phiêu vật trên sông của đoàn người tuyệt vọng.
 
Từ sau thị trấn trăng lên
 
Cuộc biến hình đột ngột:
Trong đám cỏ trên bờ, dưới nhịp cầu
thì thào một lứa đôi.
 
 
TỪ NHỮNG NGỌN ĐỒI
 
Từ những ngọn đồi,
trong hoàng hôn,
nàng tiến lại,
lẻn lút, một chiếc bóng
với dáng điệu thanh tân,
băng đạn, bị đứt lìa,
âm thầm lê trên cát,
qua mái tóc lướt mau cánh dơi,
mọi sức chống cự đều thiếp ngủ.
 
Đôi khi
nàng tựa trán trên kính cửa.
Bầy nhỏ nói:
đó là trăng.
 
ARMIN MULLER sinh năm 1928 tại Schweidnitz gần biên giới Ba-lan. Tiểu thuyết gia, người hoạt động sân khấu… Trước, xuất hiện như một nhà thơ tuyên truyền (Agitprop). Lúc sau, thơ của ông cho thấy một nguồn cảm hứng cá nhân hơn. (ND.)
 
_____________
 
GÜNTER KUNERT
(1929)
 
LỜI KHUYÊN CỦA CON CÁ
 
Con cá nào cũng biết:
Ai muốn tới thượng nguồn,
Phải lội ngược dòng sông.
 
 
TRÊN NGƯỠNG CỬA NHÀ MÌNH
 
Ngồi trên đụn cát. Không nhìn thấy gì hết
Ngoài mặt trời. Không cảm thấy gì hết
Ngoài hơi ấm. Không nghe thấy gì hết
Ngoài sóng dội. Giữa hai nhịp
Tim đập, ngỡ lúc này:
Bình yên.
 
 
NẾU CÁC NGƯỜI QUỲ GỐI
 
Trên tảng đá này
Uy-liêm đại đế kẻ chinh phục đã ngồi
rồi sau này tới Nã-phá-luân.
Ngồi chồm hổm trên đó còn có Xanh-Duýt
và hai ông vua đã bị đời quên lãng từ lâu —
một ông thứ năm và một ông thứ mười sáu.
 
Cũng xin đừng quên
rằng tảng đá ấy mỗi lần
đều được hâm nóng lại
bằng phía sau của một kẻ còn sống.
 
Chứ không phải bằng một cái tên.
 
GÜNTER KUNERT sinh năm 1929 tại Berlin. Trong thời chiến tranh bị bắt buộc phải ẩn trốn. Tác giả nhiều truyện phim và kịch bản cho truyền hình. Xuất bản những bài thơ đầu tiên năm 18 tuổi. Còn là một tiểu thuyết gia. Được coi như một trong những nhà thơ, nhà văn Đức tiêu biểu nhất của thế hệ mới ở cả Đông lẫn Tây Đức. (ND.)
 
_____________
 
HEINZ KAHLAU
(1931)
 
CHO CHRISTINE
 
Em đặt trong bàn tay tôi khuôn mặt nhỏ bé của em.
Ấm áp, nhợt nhạt và trẻ.
Và đôi mắt em, đôi mắt hãy còn phải nhìn xem tất cả,
vì chỉ biết quá ít về mọi sự —
và miệng em nhỏ bé tin cẩn,
quá lặng lẽ,
khiến kinh hoàng chạy khắp người tôi.
 
Em đặt trong bàn tay tôi khuôn mặt nhỏ bé của em.
Em nhìn tôi —
Không, tôi chưa thật trưởng thành,
để có thể trả lời em,
khi nào thế giới chúng ta sẽ thật ấm như đôi bàn tay tôi.
 
 
KINH NGHIỆM
 
Hãy lấy
của cây phong vào lúc sương giá
một nhành con đang thiếp ngủ.
Hãy cho nó nước và hơi ấm,
và như thế ảo tưởng một mùa xuân.
Nó sẽ mọc và sẽ ra hoa.
Sẽ ra hoa rồi chết.
Không sinh một trái.
 
 
TRÁCH
 
Anh đừng nói với tôi gì hết
về sức mạnh của đôi bàn tay anh.
Đá anh đập vỡ.
Cây anh bẻ gãy.
Bánh mì anh bẻ gãy.
Anh có bẻ gãy cái ách của anh?
Tôi không tin
là bằng sức mạnh của đôi bàn tay anh.
 
 
SÂU HƠN SỰ CHẾT
 
Sâu hơn sự chết,
sâu hơn hờn căm,
là sự hèn yếu.
Không phải là chống đối
cũng chẳng phải kết cục.
Hèn yếu.
 
Mục kích kẻ chết đuối
mà không chạy tới
và không cứu giúp.
Không ngăn chận sự hủy diệt
cũng không hề chạy chữa;
Không muốn phạm phải một lầm lỗi
cũng chẳng ngăn ngừa một lầm lỗi.
Muốn sử dụng mọi trật tự
và chẳng tạo dựng một trật tự nào.
 
Sâu hơn cả hờn căm,
cũng chẳng còn tới được hờn căm,
sâu hơn cả sự chết
cũng chưa tới được sự chết,
chính là sự hèn yếu.
 
 
BÁO CHÍ
 
Buổi sáng ta thấy trên tờ báo:
Một người bị lên án.
Vì ai và chống lại ai?
Ai đã tuyên án?
Vì ai và chống lại ai?
Trên tờ báo chỉ có:
Người kia bị lên án.
Tờ báo thuộc về ai —
và người kia thuộc về ai?
 
 
MỘT CHIẾC GHẾ TRỐNG RỖNG
 
Một chiếc ghế trống rỗng,
một chiếc giường không xáo trộn,
một con dao không còn cùn nhụt.
Người bạn lúc này đã xa vắng.
 
Kẻ ở lại
nhìn thấy chiếc ghế, con dao và chiếc giường
và nghĩ đến dĩ vãng.
 
Người ra đi
đã quên chiếc ghế, con dao và chiếc giường.
Chờ đợi anh là một điều gì khác.
 
Nhưng kẻ ở lại cũng chờ đợi.
Thà đi còn hơn.
 
HEINZ KAHLAU sinh năm 1931 gần Postdam. Tự học. Cựu trợ tá của Bertolt Brecht trong đoàn Berliner Ensemble. Người viết truyện phim, kịch bản (kể cả những kịch bản cho trẻ em), dịch giả. Những tập thơ đầu tiên được nhà Volt und Welt xuất bản. Hai tập thơ gần đây do Aufbau xuất bản. Một vài truyện ngắn được đăng tại Bucarest đầu tiên. Một tuyển tập thơ đã được in ở Tây Đức (nxb Bechtle). (ND.)
 
_____________
 
REINER KUNZE
(1933)
 
TÌNH YÊU
 
Tình yêu
là một bông hồng hoang dại nơi chúng ta.
Nó bén rễ
trong mắt,
khi mắt gặp ánh mắt người yêu.
Nó bén rễ
trên má,
khi má cảm thấy hơi thở của người yêu.
Nó bén rễ
nơi da thịt cánh tay,
khi tay của người yêu chạm tới.
Nó bén rễ
sinh sôi, nảy nở,
và một buổi chiều
hay một sớm mai
chúng ta chỉ thoáng thấy:
nó đòi hỏi
không gian nơi chúng ta.
 
Tình yêu
là một bông hồng hoang dại nơi chúng ta,
hoàn toàn chưa thám hiểm đối với lý trí
và không khuất phục nó.
Nhưng lý trí
là một lưỡi dao nơi chúng ta.
 
Lý trí
là một lưỡi dao nơi chúng ta,
để chặt cho bông hồng
qua muôn ngàn cành lá
một khoảng trời.
 
 
CÂU TRẢ LỜI
 
Cha tôi, các người nói,
cha tôi nơi hầm mỏ
có những vết nứt nẻ trên lưng,
những vết sẹo,
những vết tích trầy trụa của đất đá sụp lở,
còn tôi, tôi
tôi lại ca ngợi tình yêu.
 
Tôi đáp:
Ấy chính bởi thế.
 
 
NGÀY TÀN CỦA NGHỆ THUẬT
 
Mi không có quyền, con cú nói với con gà rừng,
mi không có quyền ca ngợi mặt trời.
Mặt trời không quan trọng.
 
Con gà rừng
bỏ mặt trời ra khỏi bài thơ.
 
Mi là một nghệ sĩ,
con cú nói với con gà rừng.
 
Và từ đấy trời tối thui.
 
 
CÁNH CHIM ĐAU ĐỚN
 
Bây giờ tôi đã ba mươi tuổi
và chẳng biết tới nước Đức:
lưỡi rìu biên giới đã buông trong khu rừng nước Đức.
 
Ôi quê hương, quê hương phân xẻ làm hai
trong lòng người...
 
Và mọi cây cầu, không cột chống, trôi giạt.
 
Hỡi bài thơ, hãy trỗi dậy, hãy bay lên
Hãy trỗi dậy, hỡi bài thơ, hãy là
cánh chim Đau đớn.
 
 
NHỮNG CON ĐƯỜNG NHẠY BÉN
 
Nhạy bén
là đất ở bên trên những dòng suối: không nên
đốn hạ một cái cây, hay giật đứt
một chiếc rễ
 
Những dòng suối rất có thể
cạn khô
 
Biết bao là cây
đã bị đốn hạ, biết bao là rễ
đã bị giật đứt
 
nơi chúng ta
 
 
TẠ LỖI
 
Sự vật là sự vật
tự đủ với chính mình
 
Dư thừa
ký hiệu
 
Dư thừa
từ ngữ
 
(Dư thừa
tôi)
 
 
MƯỜI BẢY TUỔI
 
Chúng ta còn trẻ
thế giới mở ra
(bài ca trích trong một cuốn tập đọc)
 
Chân trời những rào cản
 
Cấm
vượt biên giới trên màn ảnh cấm
tự tạo một hình ảnh về thế giới và hoan hô
vũ trụ học
 
Cho đến hết tuổi xuân
 
Rồi sau đó?
 
 
NHƯ NHỮNG MÓN ĐỒ BẰNG ĐẤT NUNG
 
Nhưng tôi gắn lại các nửa của tôi
như một cái bình đất bể
(Jan Skacel*, thư tháng Hai 1970)
 
1
Chúng tôi đã muốn mình như những món đồ bằng đất nung
 
Có mặt ở đó vì những kẻ
sáng sáng lúc năm giờ uống cà phê
trong bếp
 
Dự phần vào những chiếc bàn đơn sơ
 
Chúng tôi đã muốn mình như những món đồ bằng đất nung, làm bằng đất ngoài đồng
 
Và cũng để, không một ai có thể sử dụng chúng tôi để chém giết
 
Chúng tôi đã muốn mình như những món đồ bằng đất nung
 
Ở giữa
            tất cả
                      những sắt thép
                                             lăn lăn này
 
2
Chúng tôi sẽ trở thành như những mảnh vụn vỡ
của những món đồ bằng đất nung: không bao giờ
còn nguyên vẹn, có lẽ chỉ
một ánh ngời
trong gió
 
----------
* Jan Skacel, nhà thơ Tiệp-khắc, bạn R. Kunze. (ND.)
 
 
GẦN NHƯ MỘT BÀI THƠ MÙA XUÂN
 
Hỡi những cánh chim báo hiệu, cùng đến với
chuyến bay đầu tiên của các ngươi là lá thư
có con dấu màu xanh, lá thư mà những con tem
nở hoa mà nội dung
nói:
 
Không có gì
dài lâu
vĩnh viễn
 
 
ÂM ÂM
 
Thế rồi
mười hai năm
người kia nói trên đài
không thể xuất bản
 
Tôi nghĩ đến X
và bắt đầu đếm
 
 
NÂNG LY MỪNG MỘT ĐẠI DIỆN QUYỀN BÍNH
HAY
DIỄN TỪ VỀ VIỆC VIẾT NHỮNG BÀI THƠ
 
Các người quên, ông ta nói, rằng chính chúng ta mới là
những kẻ có cánh tay dài nhất
 
Gia dĩ ấy là một vấn đề
sinh tử
 
 
DẠ KHÚC
 
Hỡi giấc ngủ mi không tới
 
Cả mi nữa
mi cũng sợ
 
Mi nhận thấy nơi những ý nghĩ của ta
giấc mơ
kẻ hạ sát mi
 
 
KIỂM SOÁT Ở BIÊN GIỚI
 
(cho L. và D. ở Frankfurt)
 
Trong thông hành của các người có
những kẻ gửi thư cho các người
 
Giữa tấm chắn gió và kính chiếu hậu
trong tầm nhìn của tháp canh:
 
vi trùng dưới ống kính hiển vi
 
con người sinh bệnh
 
 
TƯỞNG NIỆM JOHANNES BOBROWSKI
 
Hình chụp anh
trên những cột quảng cáo
 
Lúc này
 
Những gì anh để lại
người ta lựa lọc, nhà thơ
các người hãy yên tâm, đã chết
 
REINER KUNZE sinh năm 1933 tại Oelsnitz, trong miền núi Erz. Là giáo sư phụ tá tại đại học Leipzig cho đến năm 1955. Rời bỏ chức vụ sau những bất đồng về những vấn đề văn hóa. Đau nặng, rồi làm việc ít lâu trong một nhà máy. Còn viết văn xuôi và phiên dịch (Một đêm với Hamlet của Vladimir Holan, và các nhà thơ Tiệp). Xin xem thêm về Reiner Kunze trên Tiền Vệ. (ND.)
 
 
[còn một kỳ]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021