thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài nét về thơ Biểu hiện Đức (II)
(Diễm Châu dịch và ghi chú)
 
Đôi lời của người dịch:
        Đây là một tư liệu ngắn nhằm cung cấp một số bài dịch của các nhà thơ biểu hiện Đức ở thế kỷ XX. Trường Biểu hiện, liên hệ tới nhiều ngành nghệ thuật ở Âu châu, ở đây đã được giới hạn vào lãnh vực thơ của 25 người sử dụng tiếng Đức. Bột phát vào hồi đầu thế kỷ trước, trong khung cảnh chiến tranh và hậu quả, xã hội sôi sục những khát vọng đổi đời, trường phái này đã để lại những nguồn cảm hứng đáng kể cho thế giới và một phần Việt-nam. Có những nhà thơ đã đi từ dada qua biểu hiện rồi rẽ sang siêu thực hay những trường phái khác. Số phận của họ, trong thực tế, thật hẩm hiu. Lẽ dĩ nhiên chúng ta cần phải khời sự nghiên cứu tác phẩm của họ. Và đây cũng chỉ là một trong những bước đầu.
        Phần thơ trích dịch của các tác giả được chia làm hai kỳ. Kỳ I, đã đăng trên Tiền Vệ, gồm: 1. Paul Scheerbart (1863-1915), 2. Else LASKER-SCHÜLER (1869-1945), 3. Hans PAASCHE (1881-1920), 4. Paul ZECH (1881-1946), 5. Wilhem KLEMM (1881-1968), 6. Ernst STADLER (1883-1914),7. Hugo BALL (1886-1927), 8. Gottfried BENN (1886-1956), 9. Albert EHRENSTEIN (1886-1950), 10. Georg HEYM (1887-1912), 11. Georg Trakl (1887-1914).
        Và kỳ II gồm: 12. Jacob van HODDIS (1887-?), 13. Oskar KANEHL (1888-1929),14. Alfred WOLFENSTEIN(1888-1945),15. Rudolf LEONHARD (1889-1953),16. Alfred LICHTENSTEIN (1889-1914),17. Richard OEHRING (1889-1940), 18. Heinrich NOWAK (1890~), 19. Franz WERFEL (1890-1945),20. Kurt HEYNICKE (1891~),21. Iwan Goll (1891-1950),22. Edlef KÖPPEN (1893-1939), 23. Ernst TOLLER (1893-1939), 24. Hugo HINTZ (1894-1914), và 25. Herbert KÜHNE (1895~).
        Xin mời bạn đọc xem thêm trích đoạn các tham luận của Iwan Goll về “Khuynh hướng Biểu hiện” (1914, 1920, 1921) đã đăng trên Tiền Vệ.
 
 
 
VÀI NÉT VỀ THƠ BIỂU HIỆN ĐỨC (II)
 
Bản dịch này để tặng các Bạn tôi
ở Hải Phòng, Hà Nội, Huế và Sài Gòn.
DC.
 
JACOB VAN HODDIS
(1887-?)
 

Tận thế

 
Từ sọ đầu nhọn hoắt của nhà tư sản chiếc nón bay đi,
Trong mọi luồng gió có tiếng gì vang dội như những tiếng gào thét,
Những người lợp mái nhà rớt xuống và tan tác,
Và trên những bờ biển — ta đọc thấy — sóng dâng cao.
 
Bão đã tới, những vùng biển dữ vọt lên
Trên mặt đất, để triệt hạ những đập nước dầy đặc.
Phần lớn mọi người đều bị sổ mũi.
Những đường hỏa xa sụp đổ từ trên những nhịp cầu.
 
 
JACOB VAN HODDIS, bút hiệu của Hans Davidsohn. Sinh năm 1887 tại Berlin. Cha là y sĩ. Học kiến trúc ở München năm 1906, rồi văn chương ở Iéna và Berlin. Năm 1909, cùng với Kurt Hiller thành lập «Câu lạc bộ mới» nơi các nhà văn trẻ tới đọc tác phẩm của họ. Ông bị lao rồi dần dần mắc bệnh tâm thần và phải đưa vào dưỡng trí viện ở Tübingen năm 1922, rồi Esslingen và năm 1933 gần Coblence, từ đây, năm 1942, ông bị đày đi một nơi không rõ là đâu, cũng không biết chết ở đâu và vào năm nào nữa. Một phần tác phẩm đã thất lạc. Sinh thời in được 16 bài thơ trong tập Weltende, Berlin 1918. «Tận thế» xuất hiện lần đầu trên tờ Der Demokrat, 11.1.1911.
 
_________________________
 
OSKAR KANEHL
(1888-1929)
 

Thành phố

 
I
 
Như những con thú động cỡn ép sát lại gần nhau,
những trại binh bằng đá.
Từ một sườn mái
mặt trời
e dè và lỗ mãng nhô lên.
Bị một ống khói nhà máy xuyên qua
và vấy muội đen
lại rớt xuống.
Choáng váng vì tiếng ồn máy móc
và bụi bám nghẹt thở
các hồn đã chết
trong đêm.
 
II
 
Người người lúc nhúc như sâu bọ.
Thiếu ngủ. Lẹ lên! Lẹ lên!
Những công chuyện, bàn giấy, xưởng máy.
Những con mắt hõm sâu ngạo mạn,
che đậy dưới những gọng kính.
Những mảnh thịt da rải rác
trên những bộ xương khô cằn.
Những người đàn bà lép kẹp
cột chặt những giáp sắt che ngực.
Những người mang thai.
Bệnh tật, thèm muốn và khoái lạc.
Cùng khổ bốc mùi.
Những bữa ăn thịnh soạn ngào ngạt.
Những đứa con bị đọa đày của Thượng đế,
những con người-cặn bã được cưng chiều.
Tiếng còi xe hơi. Tiếng kêu
cuối cùng của một kẻ bị xe cán.
Người người tụ tập. Cảnh sát.
Những tiếng chuông xe đạp.
Qua mau đi. Một người chết có là gì.
Lao động, đói khát.
Những vành môi bầm dập.
Đói khát, lao động.
Một con sẻ trên đống phân ngựa.
Tiền! — Tiền! — Tiền!
 
 

Mặt trời lặn

 
Những dải mây trắng cuối cùng bỏ trốn.
Ánh ngày đã thôi vật lộn
trên biển.
Như một vũng máu đỏ lan rộng,
nơi đất tựa những thây ma trôi giạt.
Từ trời cao nhỏ xuống một bọc mủ: trăng.
Không một thần linh nào trông chừng.
Trong hốc mắt bị xuyên thủng của các vì thiên thể
cái chết xạm đen nép mình.
Và không một làn ánh sáng.
Và mọi loài thú hú lên như vào ngày Phán xét cuối cùng.
Và những thây người đổ xuống
trên bờ.
 
 

Gửi Karl Liebknecht*

 
Anh vẫn sống.
Là vì những người vô sản của anh vẫn sống.
Nơi từng người thợ mỏ bước xuống hầm mỏ.
Nơi từng người phu trại đạp đất đằng sau lưỡi cầy.
Nơi từng người coi hầm tầu mồ hôi từ tấm thân trần nhỏ giọt.
Nơi kẻ lửng lơ trên những sườn nhà giữa trời và đất.
Nơi người ký lục gò mình trên bục viết.
Nơi cô thợ may với những ngón tay rỉ máu.
Nơi vợ người vô sản mang những đứa con.
Anh hiện hữu.
Thành phố và đồng quê đông đúc những người của anh.
Anh hiện hữu nơi mọi kẻ trốn tránh.
Anh hiện hữu nơi mọi kẻ bị khai thác bóc lột.
Nơi mọi kẻ bị giam cầm. Nơi mọi kẻ bị áp bức.
Nơi tất cả tuổi trẻ
nồng cháy hồi sinh,
chính anh hiện hữu.
Anh hiện hữu
bên ngọn lửa làm sôi sục nồi súp-de.
Nơi sợi cáp rút kho tàng ra khỏi đất.
Nơi bảng điều khiển cung cấp cho thế giới một luồng ánh sáng.
Nơi tay lái xoay không ngừng nghỉ
để cống hiến chứng tỏ thành quả lao động của chúng tôi.
Anh hiện hữu
Nơi những nhà máy. Nơi những viện dưỡng tế.
Nơi những căn buồng sát mái và nơi những hang hầm.
Nơi các trại binh. Nơi tù ngục.
Nơi những nhà thổ và nhà điên.
Trong từng người một
ở vô số những chốn khốn cùng ấy của loài người.
Từ mộ anh bước ra những người cách mạng.
Anh có nghe lời thề của họ trong mọi thứ ngôn ngữ?
Đạo binh của những kẻ nổi dậy khởi đầu bước thắng lợi.
Trong hết mọi kẻ đã chết của hết mọi chiến trường, kẻ hùng hồn nhất:
là anh.
Karl Liebknecht.
Anh vẫn sống
Là vì anh ở giữa chúng tôi.
Anh vẫn sống.
Là vì những người vô sản vẫn sống.
Trong hằng trăm nắm tay nắm tay anh siết lại.
Trong hằng trăm trái tim trái tim anh nẩy đập.
Qua hằng triệu cửa miệng miệng anh thét lên:
Muôn năm Cách mạng Thế giới!
 
-----------------
* Karl LIEBKNECHT, người lãnh đạo «cuộc nổi dậy của những người theo Spartakus», sinh tại Leipzig năm 1871 và bị ám sát trong tù năm 1919. Cha ông, Wilhem Liebknecht, một chính trị gia Đức (1826-1900), sinh tại Giessen, đã thành lập đảng dân chủ-xã hội vào năm 1869. Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg (1870-1919), cùng bị ám sát vì tham dự cuộc cách mạng của những người Spartakus, là hai nhà lãnh tụ cách mạng được các nghệ sĩ biểu hiện ca ngợi. (Spartakus: tên một người nô lệ cầm đầu cuộc nổi dậy của các nô lệ chống lại các binh đoàn La-mã thời trước..) (ND.)
 
 

Lời kêu gọi đình công

 
Hãy để những cái búa nghỉ việc.
Hãy để những bánh xe ngừng lại.
Hãy để những ngọn lửa giảm bớt.
Hãy tắt ánh sáng đi.
Hãy làm xáo trộn tiện nghi của những kẻ ăn không ngồi rồi.
Hãy chận đứng việc cung cấp lương thực cho những trạn thức ăn của họ.
Mùa màng không để nuôi sống các người cần phải hư thối.
Hòn than không sưởi ấm các người có thể vụn vỡ dưới lòng đất.
Ống lò mà các người không làm bốc khói có thể sụp.
Coi kìa.
Sự khai thác bóc lột của kẻ tư sản dựa trên lao động của các người.
Nhà hắn giàu có. Giường hắn êm.
Nhờ lao động của các người mà hắn nuôi thân béo mầm.
Nhờ lao động của các người mà hắn làm đẹp bà vợ cho hắn.
Nhờ lao động của các người mà con cái hắn lớn khôn.
Thật hăm hở mấy ông này học cách ở bên trên các người.
Họ đã bị đầu độc thù ghét các người.
Nhờ lao động của các người.
Còn các người? Những người vô sản? — Bọn trâu bò ưa việc nặng?
Và các trú khu-trại lính của các người — Những ngọn tháp của đói khát?
Và vợ các người? — Những cái máy đẻ?
Và con cái các người? — Những đứa trẻ xanh rớt của khốn cùng?
Khốn nạn thay mỗi nhát búa vì bọn tư sản.
Khốn nạn thay từng bước chân đưa tới chuyện phục vụ chúng.
Khốn nạn thay lòng biết ơn của chúng. Khốn nạn thay phần thưởng chúng dành cho kẻ bội phản.
Trái đất là của các người.
Hãy ra khỏi các nhà máy!
Xuống đường!
 
 
OSKAR KANEHL sinh tại Berlin năm 1888. Học triết lý. Tham dự chiến tranh 1914-18. Kế đó trở thành nhà soạn kịch ở Berlin. Tự sát năm 1929. Để lại nhiều thi tập. «Thành phố» là một bài thơ dài đăng trên Die Aktion, 1913 (ở đây chỉ trích hai đoạn). «Mặt trời lặn» trích từ Die Aktion, 29-8-1914. «Gửi Liebknecht» và «Lời kêu gọi...» trích từ Steh auf, Prolet!, Erfurt, 1920.
 
_________________________
 
ALFRED WOLFENSTEIN
(1888-1945)
 

Những nơi ở bệnh hoạn

 
Cuộc đi này trong đường hầm tăm tối của con đường...
Những khung cửa nhạt mờ chơi diễu hành trước mắt tôi.
Trên cao bầu trời nhỏ hẹp đều đều bằng phẳng
Lao xuống những tấm kính cửa một tiếng cười hiểm ác.
 
Héo khô gào thét nằm như một con chó là con đường,
Mà bước chân tôi theo đuổi trong lo ngại và thù ghét.
Không khí thấp hèn, mịt mù những mùi hôi thối của thành phố,
Khạc vào mặt tôi từ những cổ họng rít lên.
 
Hé mở con đường này chấm dứt.
Và những vành môi hổn hển hít thở làn khí tự do,
Nơi thật nồng nhiệt màu xanh lục những vùng sâu thẳm và vẻ oai nghiêm ánh vàng quấn quít lấy nhau!...
Thế nhưng tôi sẽ trở lại... ngột ngạt âm âm...
Phó mặc những ngôi nhà nơi tôi ở.
 
 
ALFRED WOLFENSTEIN (1888-1945) sinh ngày 28.12.1888 tại Halle. Được ít lâu sau khi ông sinh, gia đình dọn tới ở Berlin, nơi ông theo học Luật. Phải bỏ trốn Berlin vì Đức quốc xã, ông di cư qua Praha, rồi tới Paris vào năm 1939. Khi quân Đức tràn qua Pháp, ông bị Gestapo bắt và giam giữ ba tháng ở ngục Santé. Khi giải phóng, người ta tìm thấy ông đau nặng trong một căn buồng khách sạn. Ông được đưa tới bệnh viện, và vì quá suy nhược đã tự sát ngày 22.1.1945. «Những nơi ở bệnh hoạn» trích từ Die Aktion, 26.3.1913.
 
_________________________
 
RUDOLF LEONHARD
(1889-1953)
 

Liebknecht chết

 
Xác ông vươn rộng trên toàn thành phố,
trong mọi khoảnh sân, trong mọi con đường.
Mọi căn buồng
tràn ngập máu ông đương tuôn chảy.
 
Trong lúc những hụ còi nhà máy bắt đầu
lâu vô tận
gầm lên từ những cửa họng mở toác,
hú lên vang động trên toàn thành phố.
 
Và bằng một ánh mờ le lói
trên hàm răng bất động
lấp lánh
xác ông bắt đầu
mỉm cười.
 
 
RUDOLF LEONHARD (1889-1953) sinh năm 1889. Học luật. Từng bị thương trong chiến tranh 1914-18 nhưng sau đó đã theo Karl Liebknecht và tham dự cuộc cách mạng của những người Spartacus với tư cách thành viên Hội đồng những người Lao động Trí thức. Từ 1927 và trong thời Đức quốc xã, đã sống ở Pháp. Rất hoạt động trong các phong trào chống phát-xít. Từng nếm mùi các trại giam của Pháp (Le Vernet) và kế đó tham gia Kháng chiến Pháp. Trở lại Berlin sau chiến tranh và mất tại đây vào năm 1953. Tác phẩm của ông do nhà Aufbau (Đông Berlin) ấn hành. Nguyên tác bài thơ dịch trên đây in năm 1919.
 
_________________________
 
ALFRED LICHTENSTEIN
(1889-1914)
 

Capriccio

 
Thế là tôi sắp chết.
Trời tối đen. Và trời đã mưa.
Nhưng em không còn cảm thấy sự nặng nề của những đám mây
Hãy còn bao phủ bầu trời phía sau đó
Bằng nhung êm.
Tất cả những đường phố trôi đi, những tấm gương đen
Dọc theo những khối nhà, nơi những ngọn đèn
Những chuỗi ngọc, rủ sáng.
Và tít trên cao bay bay cả ngàn vì sao,
Những con bọ ánh bạc, quanh vầng trăng—
Tôi ở đâu đó, chính giữa. Chăm chú
Và rất nghiêm nghị, hơi có vẻ ngượng nghịu,
Nhưng khá cao thượng, đang ngắm nghía cặp giò
Tinh tế, màu thiên thanh của một mệnh phụ
Một chiếc xe hơi vụt xé nát tươm người tôi ra
Khiến đầu tôi như một hòn bi đỏ
Lăn lăn tới chân bà...
 
Mệnh phụ ngạc nhiên. Rủa xả thật đoan trang. Rồi kiêu hãnh đẩy nó
Bằng cái gót cao thanh nhã
Của chiếc giầy nho nhỏ
Xuống đường mương...
 
 

Cơn bão

 
Dưới cơn gió cháy bùng thế giới. Các thành phố lốp đốp nổ.
Ô kìa, cơn bão, cơn bão lớn đã tới.
Một em gái nhỏ bay đi rời bỏ các chị em.
Hướng về Ithaca một chiếc xe hơi kiểu mới bỏ chạy.
 
Một con đường đã đánh mất lộ trình của mình.
Các vì sao bị bứt khỏi trời cao.
Một người điên mới sinh đã ra đời quá sớm
Ở Cựu-kim-sơn trăng đã rã tan.
 
 

Trận chiến ở Sarrebourg

 
Đất mốc meo trong sương mù.
Buổi chiều như chì đè nặng.
Khắp nơi vang ầm tiếng đổ vỡ như điện
Và mọi sự rên xiết nát tan thành từng mảnh.
 
Như những đám giẻ rách mịt mù bốc khói
Những thôn làng ở chân trời.
Bị Thượng đế bỏ rơi tôi nằm
Giữa lằng đạn lép bép ở mặt trận.
 
Nhiều con chim bằng đồng hung hãn
Vút quanh tim và óc tôi.
Tôi nằm cứng nhắc trong màu xám xịt
Và đương đầu với những cuộc tấn công đẫm máu.
 
 
ALFRED LICHTENSTEIN (1889-1914) sinh ngày 23. 8. 1889 tại Berlin. Học luật. Đậu tiến sĩ năm 1913 tại Erlangen. Mất ngoài mặt trận ngày 25.9.1914, tại Vermandovillers, gần Reims. «Capriccio» đã đăng trong Simplicissimus, ngày 12.8.1912; «Cơn bão» viết ngày 1.1.1914; và «Trận chiến ở Sarrebourg» được gửi từ mặt trận ngày 16.9.1914. Thơ và văn xuôi của ông đã được xuất bản vào năm 1966 tại Zurich (Verlag Die Arche).
 
_________________________
 
RICHARD OEHRING
(1889-1940)
 

Những người được giải thoát

 
Họ hãy còn ngập ngừng. Tứ chi mới được tháo gỡ
hãy còn cảm thấy sự xiết chặt của xích xiềng đã bứt phá.
Họ hãy còn nhìn xuống đất...
Nhưng đã cảm thấy, như trái tim mình nở ra,
như cái tin nọ bao phủ họ bằng tuyệt phúc,
như tan chảy mọi băng hà từng đọa đày họ
trong giá băng của cô độc, và
như xích xiềng trở thành những tràng hoa,
bao bọc họ trong một kết hợp hạnh phúc.
 
Lúc này thế giới đã đứng dậy.
Kẻ xa lạ nhất cũng được nhận ra trên quê hương.
Cái tin nọ rực sáng trong tiếng hát say sưa của biển.
 
 
RICHARD OEHRING (1889-1940) sinh năm 1889 tại Düsseldorf. Nhà báo ở Liên Sô. Di cư năm 1933 qua Hòa-lan, nơi ông tự sát vào năm 1940 để thoát khỏi tay quân quốc xã Đức. Nguyên tác của bài thơ dịch trên đây đã đăng trên Die Aktion, 1913.
 
_________________________
 
HEINRICH NOWAK
(1890-?)
 

Buổi chiếu cuối cùng

 
Cuộc đời nhăn trán thật ác độc;
ngày cuối cùng gặm buồn từng miếng lại từng miếng.
Ý nghĩ của tôi lúc này nát tan.
Trong đớn đau sâu thẳm nhất bay đi một chớp mắt.
Ánh dương không còn yêu tôi nữa và trái đất,
trời và địa ngục đều liệng tôi ra ngoài.
Tôi không còn là người, chỉ còn là hình hài,
và mỉm cười tôi xóa tên tôi đi
 
 

Khốn cùng

 
Trong lạnh lẽo mùa đông, nơi những đêm tối khóc than và rên rỉ,
một cơn bão theo đuổi tôi.
 
Từ đồi Golgotha bầy quạ quang quác bay đi.
 
Ở đâu đó xảy ra nhiều sự dữ.—
Trên các thành phố của con người
hết thảy đều chập chờn trong vươn cánh âm u.
 
Đức Chúa nhân từ đã chận cửa nhà trời
và khóc.
 
Trăng hấp hối; gương mặt trăng nhăn nhó vì những cực hình.
 
«Trăng đã chết!»,
có ai đó nói, rồi thắp một ngọn đèn điện
và bắt đầu trửng giỡn như người điên.
 
 
HEINRICH NOWAK sinh năm 1890 tại Vienne. Năm 1913 cho xuất bản một tập thơ (nxb Saturn-Verlag). Cộng tác với các tạp chí Der SturmRevolution. Năm 1939 còn sống ở Vienne, rồi di cư sang Thụy-sĩ. «Từ đấy, không để lại dấu tích.»
 
_________________________
 
FRANZ WERFEL
(1890-1945)
 

Gửi người đọc

 
Ước nguyện duy nhất của tôi, hỡi Người, là thuộc về gia đình bạn!
Dù bạn là người đen, kẻ nhào lộn, hay chưa biết đi còn ở dưới sự trông chừng chăm chú của bà mẹ,
Dù tiếng hát người thiếu nữ của bạn vang vang trên sân, dù bạn lèo lái chiếc bè dưới ánh tà huy,
Dù bạn là người lính, hay người lái máy bay đầy chịu đựng và can trường.
 
Hồi nhỏ bạn cũng đã chẳng từng mang một khẩu súng với dây quai xanh?
Khi nó nổ bung một miếng nút chai thoát ra khỏi nòng súng.
Hỡi Người của tôi, khi tôi ca kỷ niệm,
Xin đừng quá cứng rắn, hãy để nước mắt chan hòa với tôi!
 
Bởi tôi đã từng trải qua mọi mệnh số. Tôi biết rõ
Cái cảm giác của người chơi hạc cầm đơn độc trong những ban nhạc vùng suối nóng,
Cái cảm giác ngượng ngập của những cô kèm trẻ trong những gia đình xa lạ,
Cái cảm giác của kẻ mới vào nghề run rẩy đứng ngây ra trước chỗ người nhắc tuồng.
 
Tôi đã sống trong rừng, đã là công nhân ở nhà ga,
Tôi đã ngồi khòm lưng trên những cuốn sổ kế toán và đã phục vụ những khách hàng nóng nảy.
Là người coi hầm tàu tôi đã đứng trước những nồi súp-de, mặt nóng bỏng,
Và là người cu-li tôi đã ăn những rác rến và đồ thừa.
 
Bởi thế mà tôi thuộc về bạn và hết mọi người!
Xin đừng chống lại tôi, tôi van bạn đấy!
Ôi, ước chi sẽ tới một ngày,
Chúng ta sẽ, hỡi người anh em, rơi vào vòng tay nhau!
 
 
FRANZ WERFEL (1890-1945) sinh tại Praha, sống tại Hamburg, Leipzig và Vienne. Năm 1912 cho xuất bản Der Weltfreund (Người bạn của thế giới). Làm việc tại nhà xuất bản Kurt Wolff, nơi ông tập hợp các nhà thơ biểu hiện. Từ 1915 đến 1917 làm lính trong quân đội Áo. Năm 1938 khi quân Đức quốc xã tràn vào Áo, ông di cư qua Pháp, từ đó qua Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, rồi Hoa-kỳ. Ông mất ở Beverly Hills, California ngày 27.8.1945 vì một cơn đau tim.
 
_________________________
 
KURT HEYNICKE
(1891-?)
 

Biến cố

 
Tôi là một vực thẳm không mặt trời. Thần trí tôi đã chết. Tôi không cảm thấy gì hết. Tôi đọc lá thư với ánh mắt đã gãy. Tôi bừng cháy trong căm thù và tuyệt vọng, Melitta, kẻ phản bội tôi. Nàng là một ngọn lửa lạnh lẽo. Một tiếng kêu xuyên qua trong tăm tối. Chúng tôi là cuộc xung kích. Tôi là lửa và tiếng thét, thanh kiếm và mũi nhọn. Tôi không phải một thân xác, tôi không còn phổi cũng chẳng còn tim. Không khí đã nung chín lửa, khói và những tiếng kêu. Tôi là một đợt sóng trong biển náo động khổng lồ. Là quên lãng và không gì hết.
 
Buổi sáng lách tách. Những ngọn lửa sa xuống như tuyết trong sương mù. Khu làng ngã quỵ. Tôi đè nặng trên chiếc cáng. Chân tôi đã chết. Tôi không còn biết gì hết nữa. Tôi là một giấc mơ.
 
 

Đài quan sát

 
Trước mắt tôi những ngọn đồi lướt qua,
rừng sản sinh vầng trăng đỏ-canh chừng.
Một khẩu súng máy lóp bóp sau những vì sao.
 
Tôi là một khoảnh khắc trong thinh lặng.
Từ những nấm mồ
buổi sáng lần mò bước ra.
Một tiếng amen
nhỏ xuống những ý nghĩ tôi.
 
 

Khúc ca

 
Trong tôi là trời xanh;
tôi mang trái đất,
mang tình yêu,
mang tôi
và niềm vui.
 
Mặt trời quỳ gối trước mặt tôi,
hạt mầm trỗi dậy,
nguồn suối muôn đời chảy trên lưng trái đất.
 
Hãy biến dịch!
Hỡi hồn thiêng hoan hỉ của Vũ trụ!
Tôi là một người trong đôi cánh tay của biến thiên hằng cửu,
niểm bí ẩn đã mở toang,
tôi tràn lan trong trẻo trong chính bản thân tôi,
với đôi cánh lớn biếc xanh tôi trôi nổi tới mặt trời!
 
Hãy sụp đổ cõi xa xăm trong hồn tôi,
hãy cất lên khúc ca êm dịu trong tôi,
tôi cảm thấy
thật vô tận
rằng tôi không phải là đơn độc...
Anh đã thật gần,
hỡi Người, người anh em,
cõi xa xăm bao trùm lên chúng ta vòng cầu
đã hợp nhất giấc mộng của chúng ta,
khi khuôn mặt của Thượng đế uốn cong trên chúng ta
và không gian ầm ầm dậy sấm của những ý nghĩ chúng ta
rơi trên những lời khẩn nguyện như nhau của tình bằng hữu...
 
Khát vọng duy nhất
là vòng bàn tay của chúng ta!
A, chúng ta hãy mỉm cười trên các thung lũng của loài người—
như linh hồn của vầng trăng bạc
đang mơ...
 
 

Nửa đêm

 
Tình em là một con hoãng trắng
đã bỏ trốn vào nửa khuya niềm khao khát của tôi,
một cội cây nước mắt đứng giữa rừng mơ mộng của tôi hướng về em,
và lúc này em có đó—
trăng đã rót ánh ngời lên tôi thỏa lời ước nguyện...—
tôi tôi yêu em,
em,
và đặt hương cẩm trướng trước buồng em,
và liệng những bông thủy tiên lên giường em.
Tôi đến màu ánh bạc như em
và từ cao khum mình,
một cụm rừng thiêng
trên ban thờ của hồn em trong trắng.
 
 

Vườn thống khổ*

 
Hết mọi người đều là đấng Cứu thế.
Trong khu vườn âm u chúng ta uống chén đắng.
Lạy Cha, xin đừng để chén này qua.
Chúng tôi hết thảy đều một tình yêu.
Chúng tôi hết thảy đều là nỗi đau sâu thẳm.
Hết thảy đều muốn được cứu chuộc.
Lạy Cha, thế giới của người là thập giá của chúng tôi.
Xin đừng để thập giá ấy qua.
 
-----------------------
* Gethsemane. (ND.)
 
 
KURT HEYNICKE sinh ở Silésie năm 1891. Đoạt giải thưởng Kleist cho một tập thơ (1913). Nhà soạn kịch của «Schauspielhaus» ở Düsseldorf (1933). «Biến cố» trích từ tạp chí Der Sturm, số 2, 1916; «Đài quan sát» trích từ Lyrik des expressionistischen Jahrzehnts, với lời đề tựa của Gottfried Benn (Limes Verlag, Wiesbaden, 1955, in lại trong tủ sách bỏ túi DTV), ban đầu in trong Rings fallen Sterne, Berlin, 1917; «Khúc ca», «Nửa đêm» và «Vườn thống khổ» trích từ Menschheitsdammerung (Ein Document des Expressionismus) do Kurt Pinthus thực hiện, Rowohlt Verlag, 1920 (tái bản nhiều lần). Theo tác giả, tất cả các bài trên đã được viết trong chiến tranh 1914-18.
 
_________________________
 
IWAN GOLL
(1891-1950)
 

Ngọn cờ

 
Như một ngọn lửa đỏ
Như một giải phướn đỏ
Mi đưa ta tới phía trước
Hỡi nhân dân, mi biển thét gào.
 
Từ đám cháy của ta
Ngọn lửa đốt sáng rực cả nước,
Từ sự nồng nàn của ta
Dòng máu nhạt của mọi người nhuộm đỏ.
 
Và khi ta trở thành tro:
Một lớp bụi hồng bao phủ mọi con đường của trái đất.
 
 

Quán

 
Tất cả những đồng loại của tôi trong thành phố
Chỉ là những ngọn đèn đường bụi bặm, mờ nhạt,
Đẫm một ánh sáng vay mượn.
Duy ở nơi đây tôi đã tìm được những người bạn,
Hãy còn là những khu rừng thực sự, rậm rạp và sâu thẳm,
Hay những bình nguyên
Với những tình cảm tinh ròng như gió.
Ở đây là thiên tính của những loài thú xinh đẹp,
Những bàn tay có dáng điệu
Của những bông hồng đương nụ.
 
Như âm nhạc
Nổi trôi, những gì họ nói,
Trên tiếng lao xao của thành phố những quái vật một mắt.
 
 

Orphée mới

 
Cho Claire
 
Orphée
Người nhạc sĩ của mùa Thu
Say rượu êm của các vì tinh tú
Anh không nghe tiếng xoay vòng của trái đất
Hôm nay nghiến mạnh hơn bao giờ hết sao?
Trục của thế giới đã rỉ sét
Chim sơn ca sáng chiều bay vút trời cao
Hoài công kiếm tìm vô hạn
Những con sư tử chán chường
Những dòng suối già đi
Và những bông lưu ly nghĩ đến tự sát
 
Mỏi mệt Thiên nhiên thật hiền hậu
Thoáng nhạt làn dưỡng khí của những khu rừng muôn thủa
Người ta ngạt thở trong vùng xú khí của những đỉnh cao
Những đám mây mưa xuống và khao khát bùn
Con người luôn luôn phải trở lại với con người
 
Muôn thủa đối với chúng ta là định mệnh
Eurydice:
Em người đàn bà  cuộc đời không được ai hiểu
Và mỗi người đều là Orphée
 
Orphée: ai người không biết:
1 m 78
68 kí
Mắt nâu
Trán hẹp
Mũ quả dưa
Trích lục khai sinh trong túi áo choàng
Thiên chúa giáo La mã
Người tình cảm
Phò dân chủ
Và nhạc sĩ chuyên nghiệp
 
Chàng đã quên đất Hy lạp
Tiếng hót ban mai của con bói cá
Nỗi buồn đen của đám tùng bách hương
Hội vui của những đóa hoa
Và tình thân của biết bao dòng suối thanh xuân
Đối với chàng hôm nay chỉ còn là giống cây miền núi và loài linh dương
Con người thật khốn khổ
Tù nhân của những khu lam lũ
Nơi những thành phố bằng xi-măng cốt sắt
Bằng tôn và bằng giấy
Chàng phải giải thoát họ
Những kẻ bị tước đoạt trăng gió và chim ấy
 
Này ông, hãy đứng yên
Ông mang bộ-đồ-lớn-có-đuôi cắt thật khéo đó
Dừng lại: kiểm tra trái tim!
Nền văn minh Trung Âu
Với những lễ đăng quang của các vị hoàng đế
Những hãng xây cất
Những cuộc đấu quyền anh
 
Hỡi người đồng thời của tôi, kính thưa Ông!
Orphée đã tới với ông
Từ núi đồi Hy-lạp
Nhà thơ đã bước xuống
Lề thói thường ngày
 
Khắp nơi ta gặp chàng nơi những vành môi thèm thuồng
Nơi những con tim đói khát
 
Âm nhạc như một lớp bao ấm áp
Chàng đặt lên cho ta trên mọi đớn đau của thế giới
 
Orphée ca hát   con người   mùa xuân
 
Ngày thứ tư giữa 12g30 và 13g30
Như một giáo sư dương cầm nhút nhát
Chàng giải thoát một thiếu nữ khỏi tính keo kiệt của bà mẹ
 
Buổi tối ở ca vũ trường
Giữa tiết mục cô Yankeegirl và người đàn ông-rắn
Phiên khúc của chàng về tình yêu nhân loại mang số 3
 
Một anh hề lúc nửa đêm
Ở rạp xiếc sáng chói ánh mặt trời
Chàng đánh thức những kẻ ngủ mê với cái thùng to
 
Ngày chúa nhật trước những hiệp hội cựu chiến binh
Trong phòng khiêu vũ trần thiết những lá sồi
Chàng điều khiển những bài ca yêu nước
 
Nhạc sĩ đại phong cầm gầy ốm
Trong những gian để đồ lễ êm đềm
Chàng chơi đại phong cầm nhè nhẹ cho lũ trẻ hát lễ trong giáo đường
 
Tại tất cả những buổi hòa nhạc cho những người mua vé dài hạn
Với Gustav Mahler
Thật ác độc chàng nghiến nát những con tim
 
Trong những rạp chiếu bóng ngoại ô trên một chiếc dương cầm thật khủng khiếp
Chàng đệm nhạc cho ca đoàn những người hành hương
Than van về cái chết của người Trinh nữ—
 
Những máy hát dĩa
Những quản cầm tự động
Những quản cầm quay tay
Phổ biến nhạc Orphée
 
Trên tháp Eiffel
Ngày 11 tháng Chín
Chàng trình diễn một buổi hòa nhạc vô tuyến truyền thanh
 
Orphée là kẻ thiên tài:
Chàng đi từ xứ này qua xứ khác
Luôn luôn trên những toa giường nệm
 
Bản sao y chữ ký của chàng
Cho những thi tập
Giá cả ngàn mã-khắc
 
Và từ Nhã-điển chàng đi Bá-linh
Băng qua những hồng đông Đức quốc
Tại Ga miền Đông đứng đợi chàng
Eurydice! Eurydice!
Nàng đứng đó   người yêu dấu khiến chàng mòn mỏi
Với cây dù cũ kỹ
Với đôi găng đã rạn
Một tấm mạng tuyn trên chiếc nón mùa đông
Và quá nhiều son trên môi
Như ngày xưa
Không âm nhạc
Không màng giàu sang
Eurydice: Nhân loại không cứu chuộc!
 
Và Orphée nhìn quanh chàng
Chàng nhìn quanh chàng — và đã muốn ôm ghì lấy
Giật thoát nàng ra khỏi địa ngục của nàng một lần cuối
Chàng đưa tay
Chàng cất tiếng
Vô ích! Đám đông đã không còn nghe thấy chàng
Đám đông quay về  với  những khu lam lũ  với  tầm thường nhạt nhẽo  và  với  khổ đau!
 
Orphée một mình trong phòng đợi
Bắn vào trái tim chàng tan nát!
 
 
IWAN GOLL (1891-1950) hay Yvan Goll đối với người Pháp, sinh năm 1891 tại Saint-Dié. Học đại học ở Strasbourg. Trong chiến tranh 1914-18 trốn qua Thụy-sĩ để tránh nạn Đức bắt lính. Định cư tại Paris năm 1919. Di cư sang Hoa-kỳ vào năm 1939 rồi trở lại Paris năm 1947. Viết bằng các thứ tiếng Pháp, Đức và Anh. Cộng tác với nhiều tạp chí Biểu hiện Đức. Mất vì bệnh leucémie ngày 14.3.1950. «Ngọn cờ» xuất hiện lần đầu trên tạp chí Revolution, số ngày 1.11.1913; «Quán» trên tờ Die Aktion, 11.4.1914; «Orphée mới» (viết năm 1923) in trong Der Eiffelturm, Berlin, 1924. Xin xem thêm phần trích đoạn các bài tham luận của Iwan Goll về “Khuynh hướng Biểu hiện” đã đăng trên Tiền Vệ.
 
_________________________
 
EDLEF KÖPPEN
(1893-1939)
 

Loretto

 
Cho Hermann Kasack
 
Trọn một ngày chìm nghỉm trong im lặng!
Trọn một ngày tắm mát đầu mình giữa những đóa hoa
và buông đôi bàn tay
và mơ: giấc mơ êm ái bằng nhung đen ấy:
trọn một ngày không chém giết.
 
 
EDLEF KÖPPEN (1893-1939) đã cho đăng phần lớn thơ và truyện trên tạp chí Die Aktion, từng cộng tác với đài phát thanh Berlin. «Loretto» đăng trên tờ Die Aktion số ngày 25.9.1915.
 
_________________________
 
ERNST TOLLER
(1893-1939)
 

Canh đại pháo

 
Trời đầy sao.
Quái vật được chế ngự
lấp lánh khẩu đại bác của tôi,
thao láo với họng súng đen ngòm
hướng tới vành trăng sữa.
Cú rúc.
Oe oe trong làng một đứa trẻ.
Trái phá,
con sói hiểm độc,
tông cửa ngôi nhà đang thiếp ngủ.
Đêm thơm mùi hoa ti-dơn.
 
 

Cùng những người chết của cách mạng

 
Thân xác được cái chết thánh hóa vẫn một mực đương đầu
Với liên hiệp của bọn áp bức man rợ.
Định mệnh đã xóa các người đi bằng một cử chỉ thảm đạm.
Trên ngưỡng cửa, kẻ chuẩn bị những con đường trút hơi thở cuối cùng,
Nhưng trước mặt người cái chết nghiêng mình kính phục.
 
 

Gửi những người sống

 
Không hợp với các người
Là sầu khổ.
Không hợp với các người
Là ngừng lại.
Của các người là di sản,
Thấm đượm
Máu con tim của những người anh em
Ở các người
Là hành động sáng tạo
Trông đợi.
 
Nặng nề
Đè lên gáy
Là thời gian.
Hãy phá toang
Cho buổi mai trong sáng hơn
Những cánh cửa!
 
 
ERNST TOLLER sinh năm 1893. Học trung học ở Bromberg rồi khởi sự đại học ở Grenoble. Tình nguyện tham dự chiến tranh trong 13 tháng ngoài mặt trận, rồi bị đau nặng. Trở thành người chủ hòa, tham dự Cộng hòa Bavière (1918-1919), được bầu làm chủ tịch Ủy ban Trung ương các Hội đồng Nông dân và Binh sĩ. Sau khi cách mạng thất bại, bị án tù 5 năm. Được phóng thích năm 1924. Di cư sang Hoa-kỳ năm 1933. Tự sát ở Nữu-ước ngày 22.5.1939. Một tuyển tập thơ, văn... đã được xuất bản năm 1961 (Rowohlt Verlag). «Canh đại pháo» viết trong chiến tranh; hai bài sau viết năm 1921.
 
_________________________
 
HUGO HINTZ
(1894-1914)
 

Những vần thơ chót

 
I
 
Với nỗi muộn phiền trong tim băng qua những đường phố
Và trong lúc tiếng chuông vang vang
Chỉ biết ở yên:
Ấy nỗi đớn đau của tôi
Từ biết bao ngày.
 
II
 
Mùa hè tới
Và sự sung mãn của mi lại lớn thêm, hỡi thiên nhiên.
Rồi chầm chậm trái chín
Tiến tới hồi sinh nở
Và trào vọt lên hắn quay về ánh sáng.—
Chúng tôi chỉ mới vừa mơ mơ màng màng dưới rặng cây đương hoa
Về nỗi bọt bèo của kiếp sống,
Bóng tối nặng nề sung mãn của nấm mộ
Đã chụp lấy chúng tôi.
 
 
HUGO HINTZ (1894-1914) sinh năm 1894 tại Berlin. Mất ngày 7.12.1914 trong lúc chiến tranh. Thơ và truyện ngắn đăng trên các tạp chí. Bài trích đã đăng trên Die Aktion, 13.2.1915.
 
_________________________
 
HERBERT KÜHNE
(1895-?)
 

Cảnh

 
Cây cối gắn trên mầu xanh.
Giấy láng, vàng, đẫm nắng.
Mầu lục ngời lên. Mặt hồ nhảy múa trong ánh sáng.
 
Tôi khoác cảnh lên người, như khoác một tấm áo.
Cây cối, tôi trồng trên đầu mình,
Đồng cỏ, tôi trải rộng trên ngực,
Chung quanh hông tôi, tôi quấn mặt hồ,
Mặt trời, tôi mang nó trên tay.
 
Ngẩng cao đầu tôi rảo qua thế giới
và lao mình vào bầu khí ê-te.
 
 

Những ngày tách rời

 
Những ngày tách rời chúng ta
Như những vũng tàu trống vắng.
Chúng ta không còn mang chúng nữa.
Chúng ta không còn rõ tình trạng chúng,
Và đôi chân chúng ta không tìm ra đường.
Nhạt nhẽo, trống rỗng chúng rời rã.
Thật xa.
 
 

Khốn cùng

 
Tôi không còn nắm bắt được ngày nữa
Với đôi tay tôi.
Hết thảy các vì sao đều tan tác.
 
Chúng bằng chì.
Trời đè bẹp tôi
Đêm tối lăn lăn như những trái bóng.
Cười nhạo.
Những con đường của tôi gẫy đôi.
 
 
HERBERT KÜHNE sinh năm 1895 tại Beelitz. Học văn chương. Đậu tiến sĩ năm 1923. Giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Cologne rồi Mayence. Ba bài «Cảnh», «Những ngày..» và «Khốn cùng» xuất hiện (theo thứ tự trên) trong Die Aktion, các số ngày 17.6.1916, 19.5.1917, và 27.7.1918.
 
 
----------------------------
Đã đăng trên Tiền Vệ:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021