thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài nét về thơ Biểu hiện Đức (I)
(Bản dịch Diễm Châu)
 
Đôi lời của người dịch:
        Đây là một tư liệu ngắn nhằm cung cấp một số bài thơ của các nhà thơ biểu hiện Đức ở thế kỷ XX. Trường Biểu hiện, liên hệ tới nhiều ngành nghệ thuật ở Âu châu, ở đây đã được giới hạn vào lãnh vực thơ của 25 người sử dụng tiếng Đức. Bột phát vào hồi đầu thế kỷ trước, trong khung cảnh chiến tranh và hậu quả, xã hội sôi sục những khát vọng đổi đời, trường phái này đã để lại những nguồn cảm hứng đáng kể cho thế giới và một phần Việt-nam. Có những nhà thơ đã đi từ dada qua biểu hiện rồi rẽ sang siêu thực hay những trường phái khác. Số phận của họ, trong thực tế, thật hẩm hiu. Lẽ dĩ nhiên chúng ta cần phải khời sự nghiên cứu tác phẩm của họ. Và đây cũng chỉ là một trong những bước đầu.
        Phần thơ trích dịch của các tác giả được chia làm hai kỳ. Kỳ I gồm: 1. Paul Scheerbart (1863-1915), 2. Else LASKER-SCHÜLER (1869-1945), 3. Hans PAASCHE (1881-1920), 4. Paul ZECH (1881-1946), 5. Wilhem KLEMM (1881-1968), 6. Ernst STADLER (1883-1914),7. Hugo BALL (1886-1927), 8. Gottfried BENN (1886-1956), 9. Albert EHRENSTEIN (1886-1950), 10. Georg HEYM (1887-1912), 11. Georg Trakl (1887-1914).
        Và kỳ II gồm: 12. Jacob van HODDIS (1887-?), 13. Oskar KANEHL (1888-1929),14. Alfred WOLFENSTEIN(1888-1945),15. Rudolf LEONHARD (1889-1953),16. Alfred LICHTENSTEIN (1889-1914),17. Richard OEHRING (1889-1940), 18. Heinrich NOWAK (1890~), 19. Franz WERFEL (1890-1945),20. Kurt HEYNICKE (1891~),21. Iwan GOLL (1891-1950),22. Edlef KÖPPEN (1893-1939), 23. Ernst TOLLER (1893-1939), 24. Hugo HINTZ (1894-1914), và 25. Herbert KÜHNE (1895~).
        Xin mời bạn đọc xem thêm trích đoạn các tham luận của Iwan Goll về “Khuynh hướng Biểu hiện” (1914, 1920, 1921), đăng song song trên Tiền Vệ.
 
 
 
VÀI NÉT VỀ THƠ BIỂU HIỆN ĐỨC (I)
 
Bản dịch này để tặng các Bạn tôi
ở Hải-phòng, Hà-nội, Huế và Sài-gòn.
DC.
 
PAUL SCHEERBART
(1863-1915)
 

Những ngọn lửa lớn

 
Thế là tôi nắm lấy những bóng tối
Cuộn chúng lại
Và ném thật xa, hết sức xa,
Tới mãi những ngọn lửa lớn,
Những ngọn lửa tôi chưa thấy
Nhưng đã có — đã có ở đâu đó
Đang bừng lên...
 
 

Giàn cây xưa

 
Tôi đã quên quá nhiều.
Tôi không còn biết nữa,
Mình từ đâu tới.
Tôi ngồi trong một giàn cây
Của những viên bích ngọc to màu lá;
Chúng lấp loáng như đom đóm.
Nhưng tôi cũng chẳng biết gì hơn.
Ấy là ở mãi tận cùng không gian
Và gần như trong mơ,
Một giấc mơ kỳ diệu nhất đối với chúng ta.
 
 
PAUL SCHEERBART (1863-1915) được coi như một trong những người tiền phong của trường thơ biểu hiện Đức. Hai bài "Những ngọn lửa lớn" và "Giàn cây xưa" trích trong Katerpoesie của Paul Scheerbart, xuất hiện lần đầu vào năm 1909, ấn bản mới, 1963.
 
_________________________
 
ELSE LASKER-SCHÜLER
(1869-1945)
 

Nỗi đau vũ trụ

 
Ta, ngọn gió bỏng cháy của sa mạc,
đã lạnh dần và trở lại với hình thù.
 
Đâu là vầng thái dương có thể giải thoát ta,
hay ánh chớp có thể đập nát ta!
 
Một cái đầu nhân-sư đã hóa đá,
ánh mắt lúc này giận dữ hướng tới mọi tầng trời.
 
 

Tận thế

 
Có những giọt nước mắt trên thế giới,
Như thể chính Thượng đế đã chết,
Và chiếc bóng bằng chì, rơi xuống,
Đè nặng như nấm mồ.
 
Nào, chúng ta hãy ẩn tránh gần hơn...
Cuộc sống nằm trong mọi con tim
Như trong những cỗ áo quan.
 
A! Chúng ta hãy ôm nhau thật chặt —
Có một khát vọng nồng cháy quất xuống thế giới,
Khiến chúng ta phải chết.
 
 

Một bài ca

 
Dưới mắt tôi là những dòng nước,
Mà tôi phải khóc thương tất cả.
 
Luôn luôn tôi chỉ muốn bay đi,
Cùng loài chim thiên di;
 
Thổi tán loạn cùng với mọi cơn gió
Trong bầu khí bao la.
 
Ôi tôi buồn quá đỗi —
Gương mặt trong trăng cũng biết.
 
Khắp bốn bề trầm mặc tựa nhung tơ
Và bình minh gần gụi chung quanh tôi.
 
Khi va phải những trái tim người bằng đá
Đôi cánh tôi đã gãy,
 
Những con sáo rụng rơi như những đóa hồng tang tóc
Từ mãi cao trên những bụi bờ xanh.
 
Mọi tiếng ríu rít bị cầm hãm
Lại sắp sửa bật tung,
 
Và tôi tôi chỉ muốn bay đi
Cùng loài chim thiên di.
 
 
ELSE LASKER-SCHÜLER (1869-1945) sinh tại Elberfeld năm 1869. Sống một cuộc đời lưu lạc. Kết thân với mọi nghệ sĩ biểu hiện. Năm 1933 di cư qua Thụy-sĩ , rồi đến năm 1937 qua Palestine, nơi bà mất ngày 18.1.1945. "Nỗi đau vũ trụ" trích từ Styx, Axel Juncker Verlag, Berlin, 1902; "Tận thế", từ Der Siebente Tag, Berlin, 1905; "Một bài ca", từ Menschheitsdammerung (Ein Document des Expressionismus) do Kurt Pinthus thực hiện, Rowohlt Verlag, 1920 (đã tái bản nhiều lần).
 
_________________________
 
HANS PAASCHE
(1881-1920)
 

Đêm sao

 
Sương giá; đất rạn nứt.
Các vì sao sâu và cao.
Bước tới!
Súc vật. Bia và bắn
Rên rỉ.
Bánh xe nghiến. Đường dài ngay đơ.
Những thân cây kề cận.
Điều huyễn hoặc: không một người nào sống.
Tất cả vẫn gián đoạn.
Những người khác đã chết hoặc lạc đường,
Bọn khờ khạo. Hay họ ngủ.
Không một ai có đó nơi có tôi.
Yêu cái chết!
Nín thinh!
 
 
HANS PAASCHE (1881-1920) sinh năm 1881 ở Rostock. Mất ngày 21-5-1920 do quân canh phòng biên giới giết. Tờ Die Aktion cho biết thêm ông bị quân của NOSKE ám sát. Ông từng tham dự các cuộc chiến đấu trong cuộc cách mạng Spartakus và là thành viên Hội đồng quân nhân và công nhân. Ông là một sĩ quan hải quân nhưng cũng là một trong những người lãnh đạo phong trào vì hòa bình ở thời ông. Từ 1912 tới 1916, đã cùng với Hermann POPERT, ấn hành tạp chí Der Vortrupp. «Đêm sao» đăng trên Die Aktion , 28-5-1921.
 
_________________________
 
PAUL ZECH
(1881-1946)
 

Tiếng hát mới ngợi ca sự sống

 
Không có đêm nào đen tối hơn đêm
trong hầm mỏ đã biến chúng tôi thành súc vật,
và qua nhiều bậc cấp lao sâu xuống dưới thành phố
đã dựng những bức tường bằng khói đen;
ở đó không có sao, không có cây, hay mùi hoa thơm
chỉ có chúng tôi trong nước ngập tới đầu gối.
 
Đêm đen tối, đêm đầy ham hố thẳm sâu
khoét trong lòng thế giới bằng thép đen:
ở đó những mái vòm đen tối ngột ngạt hết hầm này tới hầm khác
với những đường rầy, kênh đào và những vết rạn nứt,
với những khối ga lận trong đá
và những con ngựa khốn khổ không kém gì chúng tôi.
 
Chúng tôi chịu đựng cái chết bị nguyền rủa
từng giáng xuống Ađam và đã biến tính chúng tôi thật ác nghiệt
hơn ai hết ở thế giới-khốn cùng này,
mà chẳng hề cam phận. Chúng tôi đã sẵn sàng!
Chống lại thời đại này chúng tôi vung cao nắm tay
và ngọn cờ của chúng tôi, ngọn cờ đỏ.
 
Chúng tôi không phải mươi người, cũng chẳng phải chỉ một ngàn:
chúng tôi đã là cả triệu người chung một lời ước thệ.
Và trên cao ấy, trong khu rừng-ống khói đen,
nơi cơn bão gào thét, nơi tia chớp trắng lóe lên:
Thần linh trá ngụy còn thống trị tư hữu bao lâu nữa?!
Đến bao giờ thời súc vật bị chà đạp mới tự giải thoát?
Súc vật đứng dậy. Súc vật tự vạch một con đường,
người thợ mỏ và con ngựa mỏ đui mù.
Lúc đó không còn tiếng súng nổ và cũng chẳng còn gươm đao
vung lên chống chúng tôi. Chúng tôi không còn dễ bị tổn thương,
chúng tôi mở rộng không gian cho chúng tôi.
 
Chúng tôi chỉ còn chờ bên cột cây số
chờ các người tới, các người những kẻ vẫn còn chưa chịu nhìn nhận,
ngọn triều đỏ sẽ đưa chúng tôi, nhân dân chúng tôi, tới đâu
khi tất cả sẽ được cân nhắc và tính toán xong...
Không phải chúng tôi, cũng chẳng phải chỉ các người mà thôi là những kẻ đáng được hưởng hạnh phúc đời đời,
toàn nhân loại phải được thế.
 
Này đây, như chưa từng có một đêm nào về trước,
đêm Bethlehem, đêm Giáng sinh,
đêm biến chúng ta thành trẻ nhỏ của những thời nguyên thủy,
đêm trả lại cho chúng ta cùng với cội cây, con thú, con sâu và hòn đá
chất sống muôn đời
từng bước lại từng bước.
 
 
PAUL ZECH sinh tại Briesen (Tây Phổ) năm 1881. Mất tại Buenos Aires năm 1946. Vì lý tưởng xã hội, từng bỏ học để đi làm thợ mỏ ở miền Ruhr, ở Bỉ và ở miền bắc nước Pháp. Kế đó trở thành nhà báo, người viết kịch, và thủ thư viện ở Berlin. Là một trong những người biên tập tạp chí biểu hiện Das neue Pathos. Khi quốc xã Đức lên nắm quyền, ông bị giam giữ ở Spandau. Ra khỏi tù năm 1937, ông di cư qua Nam Mỹ, tiếp tục đấu tranh chống phát-xít. Từng dịch nhiều thơ Pháp của Villon, Louise Labé, Rimbaud, Mallarmé, Verlaine, Baudelaire và tiểu thuyết của Balzac... Trong thời quốc xã, các sách của ông bị cấm ở Đức. Bài trích in trong Das Schwarze Revier, 1922.
 
_________________________
 
WILHEM KLEMM
(1881-1968)
 

Trận chiến ở sông Marne

 
Chầm chậm những tảng đá bắt đầu lay động và lên tiếng.
Cỏ sững lại thành một màu kim khí xanh. Những rừng cây,
Những nơi ẩn núp thấp, rậm rạp, nuốt trửng những đoàn quân xa.
Trời, niềm bí ẩn trắng như vôi, đe dọa nổ tung.
Hai giờ vĩ đại trải ra thành những phút.
Chân trời trống rỗng phình lên.
 
Trái tim tôi cũng lớn bằng nước Đức và nước Pháp hợp lại,
Bị hết mọi phi đạn của thế giới xuyên qua.
Dàn súng lớn cất tiếng gầm
Sáu chục lần trên vùng đất. Những trái lựu đạn rúc lên.
Im lặng. Ở xa xa sôi sục hỏa lực của bộ binh,
Trọn những ngày, trọn những tuần lễ.
 
 

Triết lý

 
Chúng ta không rõ ánh sáng là gì
Cũng chẳng hay khí ê-te và những rung động của nó —
Chúng ta không hiểu sự sinh trưởng
Và những liên hệ tương ứng của các nguyên tố.
 
Lạ lùng với chúng ta là những gì các vì sao báo trước
Và bước đi long trọng của thời gian.
Những vực thẳm của tâm hồn, chúng ta không nắm được
Cũng như những trò hề khiến các dân tộc bị tiêu tan.
 
Cái đi và cái đến vẫn xa lạ đối với chúng ta
Thượng đế là gì, chúng ta không hay biết!
Ôi hiện diện như cây cỏ trong khu rừng đầy những điều bí hiểm,
Phép mầu tuyệt vời nhất của mi là sự đợi trông!
 
 
WILHEM KLEMM (1881-1968) sinh tại Leipzig năm 1881. Học thuốc ở München, Erlangen, Leipzig, Kiel. Là bác sĩ  quân y trong cuộc chiến tranh 1914-18. Kế đó hoạt động trong ngành xuất bản. Ông bị loại ra khỏi Viện văn học của Hitler năm 1937. Mất năm 1968.
 
_________________________
 
ERNST STADLER
(1883-1914)
 

Lover's seat

 
Buổi chiều chúng ta đã trèo lên
    những con đường dốc trên những đụn cát
    có những bụi cây xanh.
Em nằm dài ép sát vào tôi.
    Tảng đá vôi ngầm đu đưa bộ lông chim lấp lánh
    trên vùng biển sâu.
Nơi đây, nơi ngọn núi đá
    trong một cơn thèm chết đột ngột tựa mình vào
Trống không, ngày nọ có hai người tình
    đã trườn xuống
    chiếc giường xanh êm.
Xa xa vang dậy những ngọn sóng dội lại.
    Giữa hai nụ hôn tôi lắng nghe
    câu truyện thần kỳ,
Mà môi em tươi cười
    trong buổi chiều hè nhuộm thắm
    nói với tôi.
Nhưng khi nghiêng mình thật sâu
    tôi thấy như trong niềm hạnh phúc giá băng lại
    khuôn mặt em
Và chờ đợi sau hàng mi em
    là một nỗi muộn phiền âm ỉ và
    chung cuộc đã gần.
 
 

Qua cầu sông Rhin ở Köln ban đêm

 
Chuyến tầu tốc hành mò mẫm tiến tới
    đẩy lùi tối tăm.
Không một vì sao nào muốn xuất hiện. Toàn thế giới
    chỉ là một đường hầm mỏ nhỏ hẹp, bít bùng đêm tối,
Nơi đây đôi lúc ánh sáng xanh của những nơi khai mỏ
    xé nát những chân trời bất chợt: vòng lửa
của những ngọn đèn tròn, những mái nhà, những ống khói lò,
    mịt mù, sôi sục...   chỉ trong vài giây...
Rồi tất cả lại tối đen.
    Như thể chúng tôi tiến sâu vào lòng đêm tới tầng mỏ.
Lúc này những ngọn đèn chao đảo...  lạc lõng, bị tách biệt khôn nguôi...
    tăng thêm...  và tụ lại...  và trở nên dầy đặc.
Những khung sườn tiền diện xám của những ngôi nhà phơi trần,
    tái nhợt trong bóng mờ, chết chóc —
    có điều gì đó phải tới...  ôi chao, tôi thấy nó nặng nề
Trong đầu óc. Một cảm giác ngột ngạt reo trong máu.
    Rồi mặt đất bỗng ầm ầm như biển cả:
Được nhấc bổng lên, chúng tôi bay
    qua không khí giành được của đêm tối, thật cao trên dòng sông.
    Ôi khúc sông uốn quanh của hằng triệu ánh sáng, kẻ canh gác thầm lặng,
Trước cuộc diễu hành rực sáng ấy
    nặng nề những dòng nước ở bên dưới lăn đi.
    Ôi hàng dài không cùng đêm tối đã thành lập để chào đón!
Như những ngọn đuốc cuồng lộng! Nguồn vui!
    Lời chào của những con tầu trên làn nước xanh! Hội lễ lấp lánh sao!
Chi chít, với muôn vàn con mắt trong trẻo đổ tràn tới!
    Mãi cho tới nơi mà thành phố
    cáo biệt khách với những ngôi nhà chót.
Và rồi những vùng hiu quạnh kéo dài. Những khu bờ sông trơ trụi.
    Im lặng. Đêm. Suy tưởng. Trở về với bản thân. Hiệp thông.
    Và sự nhiệt thành và nhu cầu đòi hỏi
Phải đi tới tột cùng, tới sự chúc lành. Tới hội lễ tạo sinh.
    Tới hoan lạc. Tới nguyện cầu. Tới biển.
    Tới chìm đắm.
   
 

Khu phố Do-Thái ở Luân-Đôn

 
Kề bên vẻ lộng lẫy của những quảng trường là những đường phố tăm tối,
Nghiến ngấu và phá phách lẫn nhau, cắn xé nhau thật man rợ,
Như những vết sẹo hé mở trên da thịt trần trụi
    bị rách tươm của những ngôi nhà,
Và ngập ngụa rác rến mà những rãnh nước dơ đổ tràn ra.
 
Những cửa hàng chật ních chen chúc tới ngoài trời.
Trên những bàn dài cả một mớ lộn xộn dị kỳ chồng chất:
Vải vóc và áo quần,
    trái cây, thịt, cá, từng rặng thật ghê tởm
Xếp đống và tung tóe
    những ngọn lửa dầu hỏa vàng vàng.
 
Một mùi hôi thối của thịt rữa và cá bám trên những bức vách.
Một mùi lờ lợ bốc lên ngấm vào không khí đang âm thầm tối lại.
Một bà già
    bươi những đồ phế thải với đôi tay ham hố,
Một người ăn mày mù
    rống lên một bài hát chẳng ai buồn quan tâm.
 
Người ta ngồi trước cửa, người ta chen chúc quanh những chiếc xe đẩy.
Những đứa trẻ ăn mặc rách rưới la ó bên những trò chơi vặt vãnh.
Một cái máy hát ré lên,
Những tiếng nói nát tan của đàn bà nghiến rít,
Và xa xa thành phố vang dội
    trong tiếng ầm ầm của xe cộ.
 
 

Những bông hồng trong vườn

 
Những bông hồng trong vườn nở một lần thứ nhì.
    Mỗi ngày chúng vươn tới với những chùm hoa dầy đặc
Trong nắng. Nhưng
    vẻ dịu dàng khoan khoái không còn nữa,
Cùng với vẻ ấy mùa hoa nở đầu tiên của chúng đã đong đưa
    trong quầng sáng trắng và đỏ của ngọn lửa thiên thể.
Lúc này chúng trào ra thèm khát hơn,
    như từ những mạch máu mở toang cuồn cuộn,
Trên da thịt
    phồng lên mạnh mẽ của những chiếc lá.
Mùa hoa nở man dại của chúng
    tựa như hơi thở rền của cái chết
Mà mùa hè bỏ đi
    cuốn theo trong ánh sáng chập chờn của mùa thu.
 
 

Thành phố nhỏ

 
Đông đảo những đường phố nhỏ,
    cắt ngang chiều dọc của đường phố chính dài,
Hết thảy đều tiến về vùng xanh tươi.
    Ở khắp nơi đồng quê khởi sự.
Ở khắp nơi bầu trời tràn tới và mùi thơm của cây cối
    và hương ngát của đồng nội.
Ở khắp nơi thành phố mờ nhạt đi
    trong vẻ tráng lệ ẩm ướt của những cánh đồng cỏ,
Và qua khe hở xám
    của những mái nhà thấp đu đưa
Những ngọn núi, trên đó những nhành nho leo lên,
    lấp lánh trong nắng với những cây cột chống sáng rỡ.
Bên trên hết thảy rừng thông khép lại:
    liền lạc
Như một lũy thành đen rộng bao lấy vẻ thanh tịnh đỏ thắm
    của những ngôi thánh đường bằng sa thạch.
 
Buổi chiều, khi những nhà máy đóng cửa,
    đường phố chính đầy ắp những người,
Họ bước đi chầm chậm
    hoặc đứng lại giữa mặt đường.
Họ lem luốc vì công việc và khói nhà máy.
    Nhưng đôi mắt vẫn còn mang
Mẩu đất, khí lực dai dẳng của đất
    và ánh sáng trọng thể của những cánh đồng.
 
 

Xuân tới

 
Buổi tối tháng Ba này tôi bước ra khỏi nhà trễ.
Đường phố xao động hương mùa Xuân và một cơn mưa xanh mầm hạt.
Những cơn gió đập mạnh. Qua những ngôi nhà lún sâu bị lay động tôi bước xuống nơi xa
Tới tận vùng đất bằng trống trải và cảm thấy: dâng lên mãi tới tim tôi là một nhịp điệu mới.
Trong từng hơi gió vươn ra một biến dịch trẻ trung.
Tôi lắng tai, những dòng nước cuồn cuộn mãnh liệt dường như lăn trong máu.
Cánh đồng, đã chuẩn bị, kéo dài. Ở chân trời bừng cháy
Màu thiên thanh của những giờ khắc muộn màng buổi sáng, những giờ khắc hẳn đã phải dẫn đưa ta tới chốn xa.
 
Những cửa cống nghiến rít. Cuộc phiêu lưu bộc phát từ khắp mọi chân trời.
Trên con kênh đào mà những làn gió khởi hành trẻ trung uốn gợn, những dòng nước trong trẻo nở ra.
Trong làn ánh sáng của chúng, tôi trôi giạt. Định mệnh đang trông chờ nơi các vì sao được gió đưa lên.
Trong tim tôi là một trận cuồng quay tựa những ngọn cờ trương rộng.
 
    (Das Reichsland, số 3, 1902; in lại trong Die Aufbruch, 1914.)
 
 

Ngôi nhà của những người điên

 
Le Fort Jacco, Uccle
 
Ở đây là cuộc sống không còn biết gì về mình nữa —
Ý thức qua ngàn sợi giây chìm đắm dưới lòng vũ trụ.
Ở đây vang dội qua những gian phòng trơ trụi ban hợp xướng của hư vô.
Ở đây là sự khuây khỏa, nơi ẩn trú,
    sự trở lại nhà, căn buồng trẻ nhỏ.
Ở đây không có sự đe dọa của con người. Những con mắt sững,
Hoảng hốt và ghê rợn lơ lửng trong trống không,
Chỉ làm rung rung những nỗi kinh hoàng mà chúng đã thoát.
Với nhiều người tuy vậy vẫn còn bám trên thân thể khiếm khuyết một điều gì đó thuộc về trần thế.
Họ không muốn rời bỏ ánh ngày đang biến đi.
Họ lao vào những cơn co quắp,
    thốt ra những tiếng kêu the thé trong khi tắm,
Hoặc ngồi xổm rên rỉ và chúi vào
    những xó xỉnh.
Nhưng với nhiều người thời trời cao lại rộng mở.
Họ nghe thấy tiếng nói đã mất của hết mọi sự
    bao quanh họ.
Và âm nhạc nổi trôi của vũ trụ.
Họ đôi khi nói những chữ xa lạ
    mà người ta không hiểu.
Họ mỉm cười lặng lẽ và nhã nhặn như trẻ thơ.
Ở lại trong đôi mắt xa lánh, không lưu giữ một điều gì thuộc về thể chất, là hạnh phúc.
 
 
ERNST STADLER (1883-1914) sinh tại Colmar. Học tại Strasbourg và München. Từ 1906 đến 1908 học tại Oxford. Giáo sư tại đại học Bruxelles từ 1912 đến 1914. Chết tại Ypres năm 1914. Các bài dịch trích trong các tác phẩm đã in từ 1911 đến 1914: «Lover's Seat» trong Die Aktion, 4. 12. 1911; «Qua cầu sông Rhin...» trong Die Aktion, 23. 4. 1913; «Khu phố Do-thái...» trong Die Aktion, 12. 7. 1913; «Những bông hồng...» (Die Rosen im Garten); «Thành phố nhỏ», «Xuân tới» và «Ngôi nhà của những người điên» trong Der Aufbruch, 1914.
 
_________________________
 
HUGO BALL
(1886-1927)
 

Cimio

 
Bầu trời đỏ Bucarest ở Paris:
Thân hình em tràn ngập những con mắt đen.
Chúng ta áp đôi tay vào nhau như những chiếc quạt lớn,
Khi chúng ta yêu nhau.
Em bị sưng ruột thừa, bởi thế em vàng lắm.
 
Những bó lilas mọc trong vành tai em.
Trọn đầu em đầy lilas. Em
Trang sức bằng lilas.
 
Mi em mấp máy và đập tựa
Những cánh bướm.
Mũi em thật giống một phím dương cầm.
 
Em có đôi bàn tay nhảy múa, hỡi em bé gái.
Hông em nhỏ hẹp chuyển động, khi em
Trôi nổi ở bên tôi,
Lả mềm trước gió. Em yêu
Những người đàn bà cao lớn nồng nàn bỏng cháy.
Trên nụ cười em bập bẹ những khúc ca của người da đỏ.
 
Ở Constanza biển thét gào vào tai em.
Như những mũi dao găm những ngón tay em nhấn những nốt đàn liên tiếp lướt nhanh trên phím vang động trong không.
Lưỡi em là đầu đỏ một con rắn,
Mảnh bấc bừng bừng của một ngọn đèn.
Trên bóng em, Cimio, lộn nhào lũ tiểu yêu
Như những con cá vỗ đen đét khi người ta từ thùng lớn
Trút lên cạn.
 
 
HUGO BALL (1886-1927) sinh tại Pirmasens, có bằng tiến sĩ về Nietzche. Đạo diễn sân khấu tại Plauen và München (1911-1914). Tình nguyện tham dự chiến tranh, sau đó trở thành đối lập và bỏ qua Thụy-sĩ năm 1915. Tham gia phong trào Dada rồi đoạn tuyệt với Dada. Viết báo chính trị tại Berne từ 1917 đến 1919. Mất tại Thụy-sĩ. Tên tuổi gắn liền với Richard Hülsenbeck trong việc thành lập phong trào Dada. Trường phái Biểu hiện chỉ liên hệ tới sự nghiệp văn chương của ông trong một giai đoạn ngắn. Tác phẩm thi ca: Gesammelte Gedichte, Verlag Die Arche, Zurich (1963). "Cimio" đăng trên tờ Die Aktion, số 27, 1914.
 
_________________________
 
GOTTFRIED BENN
(1886-1956)
 

Bông thúy cúc nhỏ

 
Một người giao la-ve chết đuối được đặt trên bàn mổ.
Có ai đó đã gắn một bông thúy cúc tím thẫm và sáng
giữa hai hàm răng anh.
Khi khởi đi từ lồng ngực
dưới lớp da
với một lưỡi dao dài
tôi đã rứt lưỡi và khẩu cái của anh ta,
chắc là tôi đã xô phải bông hoa, là vì nó trườn xuống
đám não ở ngay bên cạnh.
Khi bắt đầu khâu lại,
tôi đã gói ghém nó cho anh trong hốc ngực
giữa đám dăm bào để lót.
Hãy uống thỏa thuê trong bình chứa của mi!
Hãy nghỉ yên,
hỡi bông thúy cúc nhỏ!
 
 
GOTTFRIED BENN (1886-1956) sinh năm 1886, cha là mục sư. Học thần học và văn chương trước khi quay lại học thuốc. Bác sĩ quân y trong thế chiến I ở mặt trận phía tây rồi tại một bệnh viện ở Bruxelles. Sau 1918 mở một phòng mạch ở Berlin. Gặp nhiều khó khăn và đã xin tái ngũ như quân y sĩ. Tuy ủng hộ đảng quốc xã nhưng bị khai trừ khỏi Hàn lâm viện Phổ về nghệ thuật năm 1938. Từ 1936-1948 không xuất bản gì ngoại trừ một tập thơ bỏ tiền túi ra in. Sau chiến tranh lại mở một phòng mạch ở Berlin. Bắt đầu xuất bản từ 1948. Năm 1951 được tặng giải Georg Büchner. Ông mất năm 1956. «Bông thúy cúc nhỏ» trích trong Morgue und andere Gedichte (Nhà xác và những bài thơ khác, 1912).
 
_________________________
 
ALBERT EHRENSTEIN
(1886-1950)
 

Không thể tránh

 
Ai biết được, chẳng phải
Cuộc đời là cái chết,
Hơi thở là bóp nghẹt,
Mặt trời là đen tối?
Từ đám cây sồi của thần linh
Rụng xuống những trái
Bị heo vầy thành phân,
Từ đó bốc lên
Mùi hoa hồng
Trong một chuyển động xoay vòng ghê rợn:
Thây ma là hạt mầm
Và hạt mầm là dịch hạch.
 
(1914)
 
 

Nỗi đau

 
Tựa như tôi bị cột vào
Những xe than tang tóc!
Ghê tởm như một con nhện
Bò lên tôi là thời gian.
Tóc tôi rụng xuống,
Đầu tôi xóa trắng thành cánh đồng,
Trên đó gặt hái
Người thợ gặt cuối cùng.
Giấc ngủ dìm xác tôi vào cõi tăm tối.
Trong mơ tôi đã lìa đời,
Cỏ mọc trong sọ,
Đất đen là đầu tôi.
 
(1914)
 
 

Đứng dậy

 
Tiếng thét gào yêu nước đổ ập tới
Bọn hung tợn bắt lính ở trong tình trạng chiến tranh.
Run run như kẻ mà y sĩ
Đã tuyên bố đủ khả năng để chết,
Con Người tái đi, bị ám ảnh
Vì miếng canh máu trong chiếc gà-mèn không sao nuốt được.
 
Những vết đen của mặt trời phủ bóng lên trái đất.
 
Lạnh lẽo, chất chồng, chung quanh vũng lầy,
Địa ngục, chung quanh cảnh tuyệt vọng của mi,
Những đống thây người cao ngất.
Kẻ chèo đò bất lực
Nắm lấy mái chèo bé nhỏ,
Đập nát con thuyền —
Lao dịch cho người
Những đoàn tàu biển lớn bị phá hủy
Dùng làm tàu đưa xác.
 
Tóm lại, các người hãy vung cây búa
Lên sọ đầu bọn sát nhân!
 
(1919)
 
ALBERT EHRENSTEIN (1886-1950) sinh tại Vienne ngày 23. 12. 1886, cha mẹ là người Hung. Ông học văn chương và đậu tiến sĩ năm 1910. Cộng tác với tờ Die Fackel, tạp chí của Karl Kraus. Từng du hành qua nhiều xứ ở Phi châu và Á châu. Năm 1932 định cư ở Thụy-sĩ rồi đến năm 1941 qua ở Nữu-ước. Ông mất tại đây ngày 8. 4.1950 sau một cơn bệnh lâu ngày và trong cùng khổ. Một tuyển tập Thơ và văn xuôi của ông đã được xuất bản năm 1961 (Verlag Die Arche - Karl Otten.)
 
_________________________
 
GEORG HEYM
(1887-1912)
 

Những người điên

 
Trăng ló ra từ vách mây vàng.
Những người điên đã bám lấy những thanh rào sắt,
Như những con nhện lớn dán vào những vách tường.
Bàn tay họ lang thang dọc theo hàng rào bao quanh khu vườn.
 
Trong những căn buồng trống người ta thấy lập lờ những người nhảy múa.
Đó là cuộc khiêu vũ của những người điên. Đột nhiên ré lên
Tiếng kêu điên dại. Những tiếng thét gào lao xa thật xa,
Khiến mọi vách tường đều rung rinh dưới tiếng ầm ầm đổ vỡ.
 
Viên y sĩ mà y vừa mới cùng bàn thảo về nhà triết học Hume,
Một người điên đã nắm lấy thật hung bạo.
Ông ta nằm trong vũng máu. Sọ đầu bị đập vỡ.
 
Bầy người điên nhìn ngắm thú chí. Nhưng chẳng bao lâu
Họ bỏ chạy, tiếng roi đã quất ở xa xa,
Như đàn chuột lủi xuống lỗ.
 
 

Bastille

 
Những lưỡi liềm bén tua tủa như một khu rừng.
Khu phố Saint-Antoine xanh và đỏ
Những khối người đông đặc. Từ những vầng trán lóe sáng
Cơn thịnh nộ trắng. Những nắm tay siết lại.
 
Trên nền trời xám nhô lên ngọn tháp như chết.
Qua những khung cửa sổ nhỏ lọt vào lạnh lẽo nỗi ghê rợn hãi hùng.
Từ trên mái cao, nơi bước chân của quân canh vang vang
Cổ họng kim khí của những khẩu đại bác xám de dọa.
 
Đúng lúc đó một cánh cửa nghiến rít. Từ vách tường đen của ngọn tháp
Đoàn sứ giả mặc đồ đen xuất hiện.
Họ lặng lẽ làm hiệu cho nhau. Họ đã được phái tới vô ích.
 
Với một tiếng kêu giận dữ Paris đã choàng dậy.
Với búa rìu và gậy gộc cái tháp bị bao vây.
Những loạt súng lớn ầm vang trong trận chiến đường phố.
 
 

Ông thần của thành phố

 
Trên một khu nhà ông ngự thoải mái.
Những ngọn gió đóng đen chung quanh trán ông.
Ông nhìn đầy phẫn nộ, ở xa xa trong đơn độc
những ngôi nhà cuối cùng lạc lõng trên đồng quê.
 
Từ ánh chiều lóe lên cái bụng đỏ của Baal,
những thành phố lớn quỳ gối chung quanh ông ở nơi đây.
Những tiếng chuông nhà thờ vô số
đổ tới ông một biển tháp đen.
 
Như điệu múa của các tế sư nữ thần Cybèle
nhạc của hàng triệu tiếng chuông này vang dội trên đường phố.
Khói ống lò, mây nhà máy
bốc lên ông, xanh mùi khói hương.
 
Thời tiết tiêu hao nơi hàng lông mày ông.
Buổi chiều tăm tối trong đêm dịu lần.
Những trận cuồng phong chập chờn, như kên kên ngước nhìn
từ mái tóc ông dựng đứng cơn thịnh nộ.
 
Ông vươn trong bóng tối cái nắm tay đồ tể.
Ông siết lại. Một biển lửa lao nhanh
qua một đường phố. Và khói đặc của lò than hồng gầm thét
nuốt chửng con đường, cho tới khi muộn màng buổi sáng ló ra.
 
 

Buổi chiều

 
Trong mê lộ thâm u
Những đường phố nhỏ miền núi,
Hãy còn một người
Bước xuống trong chiều muộn
Ở bên kia những cánh rừng
Đẫm ánh sáng máu.
 
Chiều phố nhỏ đã chết
Và những ngôi nhà tái nhợt
Và những khung cửa trống rỗng.
 
Nhưng ở bên dưới dòng sông
Trôi đi trong bóng xế
Tối đen và nặng nề.
 
 

Từ mùa Thu chết...

 
Từ mùa Thu chết và chân trời khép kín
Con hải âu đã trở lại từ sớm tới mãi rặng cầu,
Nơi đen đủi nước trôi đi trong xoáy nước đục.
 
Trong gió đôi bờ vàng úa thêm héo hắt,
Không trung đầy những cánh lá trôi giạt,
Mà số phần hòa lẫn cùng vẻ tiêu điều.
 
Những ngày trống rỗng nổi trôi và tan loãng,
Và qua những khung cửa trổ trên mái mở ngỏ của những ngôi nhà
Chỉ còn thấy một màu trời xám vĩnh viễn.
 
 

Hồn tôi

 
Tặng Golo Gangi
 
Hồn tôi là một con rắn,
Chết đã từ lâu,
Chỉ đôi khi vào những sớm mai Thu,
Trong ánh đỏ chiều tà trút lá
Tôi lớn thẳng lên từ khung cửa sổ,
Nơi các vì sao rơi rụng,
Trên những đóa hoa và đám ngổ xanh
Trán tôi lấp lánh
Trong gió đêm rền rĩ.
 
 

Lễ mi-sa

 
Bên ánh sáng khoan hòa của ba ngọn nến
Cái thây ma ngủ yên. Và những thày tu cao lớn xoay quanh hắn,
đôi lúc đặt mấy ngón tay của họ
lên khuôn mặt kẻ kia.
 
Phúc thay những kẻ chết, những kẻ trở lại với bình yên
Và vươn những bàn tay trắng của mình
Tới các vì thiên sứ, cao cả và đầy bóng,
Đang vỗ cánh lướt qua ngôi nhà cao.
 
Chỉ đôi lúc tiếng khóc băng qua những vách tường,
Những tiếng nức nở sâu xa trào ra trong mãn nguyện.
Nhẹ nhàng người ta bắt tréo đôi tay với những ngón gầy của hắn
Yên nghỉ trên lồng ngực đầy lông lá.
 
 
GEORG HEYM (1887-1912) sinh tại Hirschberg, Silésie, thủa nhỏ sống ở Berlin, học luật và có cấp bằng tiến sĩ. Mất vì tai nạn (chết đuối khi trượt băng trên sông Havel). «Những người điên» và «Bastille» viết vào tháng 6. 1910; «Ông thần...» viết vào tháng 12. 1910. «Buổi chiều» và «Từ mùa Thu chết...» viết vào tháng 10. 1911; «Hồn tôi», vào tháng 12 cùng năm. «Lễ mi-sa» là bài thơ chót, viết vào tháng giêng 1912. Tác phẩm toàn bộ của Georg Heym in năm 1962.
 
_________________________
 
GEORG TRAKL
(1887-1914)
 

Suy tàn

 
Buổi chiều, khi hồi chuông nguyện ở xa xa vang dội,
Tôi theo dõi những đàn chim bay huyền bí,
Những cánh chim tụ lại, tựa những khách hành hương mộ đạo,
Biến mất dần trong khoảng không trong trẻo mùa Thu.
 
Lang thang qua những khu vườn đầy ánh sáng lờ mờ
Tôi mơ màng nghĩ tới số mệnh thật thanh thản của chúng
Và không còn cảm thấy khắc giờ động đậy.
Tôi theo dõi con đường của chúng bên trên những đám mây.
 
Lúc ấy tôi run rẩy trước mùi tàn úa.
Con sáo rên xiết trong những cành trơ trụi.
Những chùm nho đỏ đu đưa trên hàng dậu rỉ sét,
 
Trong lúc như vòng ca múa cái chết của những đứa trẻ tái mét
Chung quanh những bờ giếng tối om, long lở,
Những bông thúy cúc xanh rùng mình nghiêng nghiêng trong gió.
 
 

De profundis*

 
Có một mái tranh nơi một cơn mưa đen rơi xuống.
Có một cội cây màu nâu, đứng đó lẻ loi.
Có một cơn gió lốc, xoay vòng quanh những túp chòi trống rỗng-
Ôi sao mà buồn thế chiều nay.
 
Dọc theo xóm nhỏ
Cô gái mồ côi dịu dàng hãy còn mót một vài bông lúa lơ thơ.
Trong ánh hoàng hôn đôi mắt cô mê mải, tròn xoe và vàng rỡ.
Và lòng cô mỏi mòn với người vị hôn phu hiền hậu đợi chờ.
 
Khi họ trở lại
Những người chăn cừu đã bắt gặp tấm thân yêu kiều xinh xắn ấy
Rữa nát giữa đám bụi gai.
 
Tôi chỉ là một chiếc bóng, xa cách những thôn làng tăm tối.
Nhưng ấy chính sự lặng thinh của Thượng đế
Là những gì tôi đã uống từ giếng nước trong rừng.
 
Trên trán tôi bước một loài kim khí lạnh.
Những con nhện lùng kiếm trái tim tôi.
Có một làn ánh sáng, trên miệng tôi, đã tắt.
 
Ban đêm tôi ở trên một giải đất hoang,
Cứng đơ dưới rác rưởi và bụi của các vì tinh tú.
Trong đám cây hạt dẻ
Đã lại lanh tanh những thiên sứ bằng pha lê.
 
-------------
* Tựa đề bằng tiếng La-tinh: "Từ vực sâu". (ND.)
 
 

Vào mùa xuân

 
Nhè nhẹ tuyết lún dưới những bước chân tăm tối.
Trong bóng cây
Những người tình ngước đôi mí mắt hồng.
 
Ành dương và đêm tối luôn luôn nối tiếp nhau
với những tiếng kêu không rõ của thủy thủ;
Và những mái chèo kín đáo khua động nhịp nhàng.
 
Chẳng bao lâu nữa trên mảnh tường đổ nát sẽ nở
Những bông hoa tím,
Tái đi thật lặng lẽ là màng tang kẻ đơn độc.
 
 

Gửi những người không còn tiếng nói

 
Ôi cơn điên dại của thành phố lớn khi chiều tối
Những cội cây héo úa sững lại trên một bức tường đen,
Tà thần nhìn ngắm từ chiếc mặt nạ ánh bạc;
Với ngọn roi cuốn hút ánh sáng xua đuổi đêm bằng đá.
Ôi, âm thanh nhạt nhòa của những tiếng chuông chiều.
 
Cô gái điếm trong những cơn rùng mình giá buốt sinh hạ một đứa trẻ đã chết.
Điên cuồng cơn thịnh nộ của Thượng đế quất lên trán của những người bị quỷ nhập,
Bệnh dịch đỏ tía, đói khát, đập vỡ những con mắt xanh lục.
Ôi, tiếng cười ghê rợn của kim tiền.
 
Nhưng bất động trong một hang hầm tăm tối hơn một nhân loại câm nín hơn nhỉ máu,
Đầu óc giải thoát tụ tập lại những kim khí cứng.
 
 

Tiếng than

 
Giấc ngủ và sự chết, những con ó thê lương
Ù ù thâu đêm quanh cỗ sọ này:
Hình ảnh thiếp vàng của con người
Hãy cuốn đi đợt sóng băng giá
Của vĩnh cửu. Đập vào những tảng đá ngầm ghê rợn
Xác thân màu đỏ tía vỡ tan
Và tiếng nói âm âm rên rỉ
Trên biển cả.
Hỡi người em gái của muộn phiền sóng gió
Em thấy đó một con thuyền sợ sệt chìm đắm
Dưới trời sao,
Khuôn mặt câm nín của đêm đen.
 
 

Grodek

 
Buổi chiều những khu rừng mùa Thu vang dội
Tiếng vũ khí giết người, những cánh đồng vàng ánh
Và những mặt hồ biếc xanh nơi vầng thái dương
U ám lăn lăn; và đêm tối quấn quít
Những chiến binh hấp hối, tiếng than van điên dại
Từ cửa miệng họ nát bấy.
Nhưng trong im lặng tích tụ trên đồng cỏ trống
Mây đỏ hung hung nơi trú ngụ một thần linh thịnh nộ,
Máu đã tuôn trào, ánh trăng lạnh lẽo;
Mọi con đường đều đổ về nơi mục nát tối đen
Dưới những cành lá thiếp vàng của đêm và dưới các vì sao
Lảo đảo chiếc bóng người em gái qua khóm cây âm thầm
Đi chào đón hồn ma của những kẻ anh hùng, đầu tóc máu me.
Và nhè nhẹ vang lên trong lau sậy những ống tiêu tăm tối của mùa Thu.
Hỡi cảnh tang tóc cao cả hơn! những ban thờ sắt đá của ngươi,
Hôm nay nuôi dưỡng ngọn lửa nồng cháy của thiên tài là một nỗi đau mãnh liệt,
Con cháu không sinh ra.
 
 
GEORG TRAKL (1887-1914) có lẽ là nhà thơ «biểu hiện» nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông sinh ngày 3. 2. 1887 tại Salzbourg, mất trong đêm 3 rạng ngày 4. 11. 1914 tại quân y viện Krakau. «Suy tàn» viết vào tháng 6. 1909; «Từ vực sâu», tháng 9. 1912; «Vào mùa xuân», hè 1913; «Gửi những người không còn tiếng nói», tháng một-chạp 1913. Theo Jean-Michel Palmier, «Tiếng than» và «Grodek» là hai bài thơ cuối của tác giả, viết năm 1914, sau khi chứng kiến cảnh tàn bạo của chiến tranh ở Grodek. Cả hai bài này đều mang hình bóng người em gái (Gretl) mà Trakl say đắm.
 
(Còn một kỳ)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021