thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [V]
Bản dịch Diễm Châu
 
Gửi người bạn trẻ yêu thơ:
      Đây không phải một tuyển tập Thơ Tây-ban-nha hiện đại được phiên dịch và sắp xếp có hệ thống... mà chỉ là một sưu tập thơ gồm những bài tôi đã lượm lặt đây đó, trên báo chương hay từ một vài tuyển tập thi ca Tây-ban-nha do người Pháp hoặc chính người Tây-ban-nha làm (Xin xem Poésie espagnole 1945-1990, bản dịch Claude de Frayssinet, UNESCO và nhà Actes Sud, 1995; hoặc La Poésie espagnole contemporaine, bản dịch Jacinto-Luis Guereña, Seghers, 1977,...) Số tác giả rất hạn chế và mỗi người cũng chỉ dịch được một vài bài, có khi chỉ vỏn vẹn có một bài thật ngắn, và như vậy là... không thể bao gồm tất cả những tiếng thơ tiêu biểu hoặc ngay cả những nét khác biệt của chỉ một nhà thơ. Thêm nữa, các tác giả mới xuất hiện trong những năm 1980, 90... có thể coi như hoàn toàn vắng bóng. Và ấy mới chỉ là một vài thiếu sót cần khắc phục...
      Tây-ban-nha là một xứ ở về phía Tây-Nam Âu châu, diện tích: 507 000 cây số vuông, dân số cho tới nay cũng chỉ suýt soát bốn mươi triệu người. Biến cố còn để lại nhiều hậu quả ở thế kỷ XX của Tây-ban-nha là cuộc nội chiến (1936-1939) giữa các lực lượng cộng hòa và phe Franco, đưa tới cái chết hoặc cảnh lưu đày của hằng ngàn nhà trí thức (trong đó có những nhà thơ lẫy lừng nhất của Tây-ban-nha) và sự thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt kéo dài cho tới ngày ông «caudillo» của xứ này nằm xuống... Trong bối cảnh ấy, người ta ghi nhận những tiếng thơ đáng kể của Tây-ban-nha hầu như khuyết vắng trong xứ suốt hai mươi năm hay hơn nữa, chỉ có một vài tên tuổi còn sót lại ở nước ngoài. Và phải đợi mãi tới những năm sáu mươi, thơ Tây-ban-nha mới thực sự «nở» lại...
      Trong cuốn Poesía española (1982-83), José Luis García Martín đề nghị sắp xếp các nhà thơ thành năm thế hệ: 1. Thế hệ 27 gồm những người sinh vào khoảng năm 1901; 2. Thế hệ thứ nhất thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1916; 3. Thế hệ thứ nhì thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1931; 4. Các nhà thơ «Novísimos» (mới nhất!)*: những người sinh vào khoảng năm 1946; và 5. Thế hệ trẻ: những người sinh vào khoảng 1961... Lại cũng có người quy tụ «những nhà thơ có tác phẩm xuất bản vào những năm 1950» trong «Nhóm 50» (hoặc trường Barcelona), nhưng ngay trong số những người thuộc «trường» này người ta lại thấy có người có tác phẩm xuất bản từ một vài năm... trước đó...
      Bạn có thể đọc các nhà thơ trong tập thơ này theo bất cứ thứ tự nào bạn muốn hoặc thích. Sau đây là «thứ tự» của họ theo năm sinh:
 
Juan Ramón JIMENEZ (1881-1958), Luis CERNUDA (1902-1963), Rafael ALBERTI (1902-1999), Blas de OTERO (1916-1979), José HIERRO (1922-2002), Vicente NUÑEZ (1923), Pablo GARCÍA BAENA (1923~), Carlos Edmundo de ORY (1923~), Angel GONZÁLEZ (1925~), José Manuel CABALLERO BONALD (1926~), Alfonso COSTAFREDA (1926-1974), Angel CRESPO (1926~), Luis JIMENEZ MARTOS (1926~), Enrique BADOSA (1927~), José Agustín GOYTISOLO (1928-1999), Jaime GIL DE BIEDMA (1929-1990), José Angel VALENTE (1929-2000), Antonio GAMONEDA (1931~), Francisco BRINES (1932~), Antonio MARTÍNEZ SARRIÓN (1939~), Pere GIMFERRER (1945~), Miguel D’ORS (1946~); Leopoldo María PANERO (1948~), Luis Alberto de CUENCA (1950~), James SILES (1951~), Andrés SÁNCHEZ ROBAYNA (1952~), José GUTIÉRREZ (1955~), Felipe BENÍTEZ REYES (1960~), Esperanza LÓPEZ PARADA (1962~) và Luisa CASTRO (1966~).
Diễm Châu
__________
 
* Danh hiệu này có lẽ đã khởi sự từ một tuyển tập của Josep María Castellet: Nueve novísimos poetas españoles (Chín nhà thơ Tây-ban-nha mới nhất, 1970). Trong số chín nhà «mới nhất» này đã có bốn nhà từ bỏ thơ để quay sang viết tiểu thuyết, có người rất thành công. (người dịch)
 
 
HÌNH VẼ CỦA F. GARCÍA LORCA
_____________________
 
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [V]
 
Bản dịch này để tặng Jean Reye và Nguyễn Lâm.
DC.
 
27. JAIME SILES
(1951~)
 
 

NGỤ NGÔN CỦA MỘT NƠI NHƯ THẾ

 
Kẻ cất bước bỏ đi
và kẻ trở lại
 
Kẻ đang ở nơi nào đó
và kẻ đã tới
 
Kẻ bất động
và kẻ đã không trở lại
 
Kẻ chỉ là thời gian
của một không gian khác
 
Kẻ không bao giờ là thời gian
cũng chẳng là nơi chốn
 
Kẻ hiện hữu và không hiện hữu
kẻ sẽ và đã hiện hữu
 
Kẻ ngày xưa là nước
và bây giờ là khí
 
Kẻ ngày xưa là đất
và bây giờ là nước
 
Kẻ ngày xưa là khí 
và bây giờ là đât
 
Chỉ dẫn lại chất liệu
của một nơi như thế
nơi kẻ đang hiện hữu đã hiện hữu lúc trước
và kẻ sẽ hiện hữu đã từng hiện hữu
vì họ là chất liệu
của một nơi như thế.
 
(Alegoría, 1977)
 
 
CHẤT LIỆU CỦA THỜI GIAN, HÌNH THỂ CỦA NƠI CHỐN,
NHUỐM Ý NGHĨA TRONG VÔ SỐ VỌNG ÂM
 
Không gian thấy mình
giảm vào trung tâm,
 
vào chiếc cánh dẫn dắt
ánh sáng về trung tâm,
 
vào hốc trũng cán ép
tiếng nói vào trung tâm,
 
vào trung tâm phóng tròng đen
của con mắt vào trung tâm mắt,
 
vào trung tâm của trung tâm ấy
trung tâm hủy bỏ mọi tiếng nói.
 
 

BIẾN HÌNH

 
Tiếng nói không thể phân xẻ
với những giọt không thể phân xẻ,
lửa bắt kịp mi
nơi tiếng nước.
 
Những cẩm thạch, rong, rêu ấy
đã từng là
ký ức mi ngày xưa
trong nước.
 
Dưới nhiều dạng hình của lửa
lúc này là ánh sáng
những hình bóng của lửa
lúc này là nước.
 
 

KÍNH CỬA

 
Ánh sáng gặp đôi mí mắt ngươi
và nơi chúng
như một tiếng nói duy nhất
ngươi nhận ra mình.
 
Con ngươi được nhân lên mở ra
từ một giọt xanh
về bên trong.
 
Bên dưới tấm kính cửa
ánh sáng
chỉ là một điểm.
 
(Música de agua, 1983)
 
 

TRANG

 
                         Tặng Luis Alberto de Cuenca
 
Từ thực tại của thế giới
rụng xuống những chiếc lá,
không còn là lá,
mà là ánh sáng
chạy giữa những chiếc lá
với một màu mực
chối bỏ mọi ánh sáng.
Những chiếc lá là thế, trang giấy là thế,
tuyết ngần biến thành khói
do một đoàn
những dấu hiệu
chẳng dành cho ai.
Các từ nhìn anh: chúng không gọi tên anh.
Các từ
từ phía bờ bên kia
tờ giấy.
Trang
của thực tại,
với những chữ,
tạo lập
một ngôn ngữ khác
chẳng để làm gì hết.
 
 

NGÔN NGỮ

 
Giữa những gì ta cho mi và những gì ta tìm kiếm
là số lượng những gì ta tìm được
 
Trọn vẹn mi
khởi từ cái trọn vẹn
mà ta trút cạn trút cạn
trong trống không
của một khu vườn ảo ảnh độc nhất.
 
(Música de agua, 1983)
 
 
JAIME SILES sinh tại Valence năm 1951. Từ 1969 đến 1990, đã cho in tám tập thơ. Còn là tác giả những tiểu luận rất uyên thâm và là một dịch giả (P. Celan, A. Schmidt,...).
 
 
 
28. ANDRÉS SÁNCHEZ ROBAYNA
(1952~)
 
 

CẦN PHẢI HỦY BỎ Ý NGHĨA CỦA BÀI THƠ

 
 
Đợt sóng                                                     gối quỳ
 
                         bài ngợi ca
 
                          lăn lăn
 
lưng sóng
           theo văn bản mặt trời
 
 
                         tái sinh
 
 
                 nhìn
 
                         những hàng chữ
 
 
                                                                   trang
 
                       
vần
         
                         dòng
             
                                                      quãng ngắt
                             
 
                         
                         sóng mặt trời
 
                    chỉ có
 
                            những đợt sóng
                 đập vào bờ biển dốc trắng
 
 

BAY TRÊN THÁP CANH

 
I
Trên những hòn đảo –
sự im lặng như chỉ một cành cây
in lên nền trời đen.
 
II
Côn trùng đã đi qua,
buổi trưa đã đi qua;
đảo, côn trùng, những ý nghĩ
đều đã đi qua
– không vội vã.
 
III
Mi đã nói: chỉ một bầu trời,
những trái cây dưới nắng,
côn trùng;
ngày mai –
đế quốc mặt trời có lẽ sẽ thiêu đốt chúng.
 
IV
Trong ánh sáng bất động
im lặng vật vã
trên chiếc lá.
Những hải đảo,
biển nước dâng
ý nghĩ bất chợt
bên hòn núi đá
sống động –
và bầu trời lặng lẽ.
 
V
Hòn núi là một hình thể
nhưng dưới ánh sáng im lặng của núi đen hơn,
biển vọt lên xanh hơn.
 
VI
Con hải âu
băng qua bầu khí khô khỏng.
Dầu chuyển động của nó ra sao
giữa những hòn núi đá xanh lợt –
nó ở trên cao.
Trong không trung trống rỗng,
nó trắng hơn.
Và lúc này chỉ còn
bóng đôi cánh nó
trên biển.
 
Có thể ngỡ là những hòn đảo cao.
 
VII
Những hòn đảo gió lắc lay
viễn du –
trong bầu khí bị thiêu đốt.
 
VIII
Những ý nghĩ trong ngày –
mặt trời bày những manh giẻ rách
trên trái đất héo khô.
Gió
quấn trong cành lá rợp
khua động những đợt sóng.
Những núi đá
cao và đen,
cố định trong mặt trời cố định.
Im lặng vang vang –
những móng vuốt, hải âu, núi đá.
 
 

VẮNG MẶT

 
Một bên là
trái khô
 
Bên kia là mây trắng
 
Trên hoang đảo
cái phi-thể gặm cỏ
 
Dưới kia nơi xa xa
cúc vạn thọ rực cháy.
 
(Clima, 1978)
 
 

CON THUYỀN

 
Lướt trên những dòng nước đã nguôi ngoai
của mộng, con thuyền của chúng ta, ấy một chiếc bóng
lửng lơ. Trong mộng phập phồng
con thuyền, sự yên tịnh, ánh sáng, những dòng nước.
 
(Palmas sobre la losa fría, 1989)
 
 

CON NGƯỜI MÃI TỚI SỰ TRONG SÁNG

 
Trên bờ tôi đã thấy
sự trong sáng của ngày
 
ánh sáng khắp chung quanh
ánh sáng trên mọi mặt
 
những lớp biển động rộn ràng
những cạnh sườn không nắm bắt được
 
con chim trên cành cây
thiêu trong chỉ một ngọn lửa
 
Cát ẩm
sáng ngời bốc cháy
 
những cây non héo khô
những đợt sóng và vọng âm của sóng
 
những lớp biển động vang lừng
vỡ toang ở giữa tâm
 
những núi đá và những dòng nước
thổi mạnh trên lò rèn
 
cây cọ mở ra
với nắng ban trưa
 
cây cọ khôn ngoan
bốc cháy đầu tiên
 
ôi làn ánh sáng lộ ra
sự trong sáng được thiêu cháy
 
những lớp biển động rộn ràng
những cạnh sườn không nắm bắt được
 
trên bờ tôi đã thấy
sự trong sáng của ngày.
 
(Palmas sobre la losa fría, 1989)
 
 
ANDRÉS SÁNCHEZ ROBAYNA sinh tại Santa Brigida, Canaries năm 1952. Nhà thơ, còn viết tùy bút, phê bình và phiên dịch (S. Espriu, , W. Stevens,..). Từ 1978 đến 1992, đã cho in năm tập thơ.
 
 
 
29. JOSÉ GUTIÉRREZ
(1955~)
 
 

CẢNH THÊ LƯƠNG CỦA NHỮNG TẤM GƯƠNG

 
                                               Kính tặng Luis Cernuda
 
Không tiếng anh không còn là nỗi buồn, mà là chiếc bóng.
Một bông lúa vàng hoe những tiếng khóc
ru anh như một làn bóng mờ xinh đẹp.
Vầng trán hiên ngang của anh, chiếc cánh nhẹ nhàng và rất tươi mát
khiến đêm bừng cháy.
Trên môi anh
băng qua những dòng sông, những khát thèm cũng là những áng mây.
Mắt anh kiệt quệ, cơn choáng váng của tình ái
và thân xác anh tựa một biển hạnh phúc.
Duy có
những con ngươi anh là buồn, nhưng anh ca hát.
Ký ức rình rập anh, bóng tối của nó.
Anh sống và chết nơi mọi sự. Anh không còn mơ nữa.
Cảnh thê lương của những tấm gương.
Vậy thời ai trông chừng
Ngọn đèn đã tắt.
 
(Espejo y laberinto, 1978)
 
 

SỰ CÔ QUẠNH CỦA BIỂN LÀ LƯU ĐÀY TỐT HƠN CẢ

 
... Và biển không phải là hạn giới đen tối, mà là lưu đày.
Hết mọi khát vọng của tôi được thực hiện ở đó.
Ở nơi xa, có ai đó tưởng tượng ra tôi
xa lạ trên miền đất lạ xa.
Kẻ đó không hay biết điệu nhạc này:
điệu nhạc của biển, tiếng rì rầm
mà cơn mưa làm phồng lên, hay những con hải âu
để lại một vệt ánh sáng
trong làn khí dày đặc của buổi sáng mùa đông.
Sự cô quạnh của biển không phải là đe dọa,
mà là hòn đảo nơi tôi cư ngụ cùng với bản thân.
Hết mọi khát vọng của tôi được thực hiện ở đó
và thời gian không âm mưu chống lại con người.
Vào buổi sáng mùa đông này có ai đó
tưởng tượng ra tôi xa lạ,
và thật là dịu êm khi ta biết điều ấy.
 
 

THÂN XÁC TRẺ TRUNG

 
                                          Tất cả đều muốn là thân xác.
                                                                      ...  ...  ...
           một thân xác là định mệnh của một thân xác khác.
                                                            PEDRO SALINAS
 
Tuổi thanh xuân của em, sự thật lộng lẫy.
Cuộc đời trẻ trung của em, một dòng sông mới sinh,
một dòng nước muôn đời không chấm dứt.
Tuổi thanh xuân trẻ trung hơn nữa của em – khoảnh khắc say sưa –,
còn mãnh liệt hơn nữa vì mong manh hơn,
như cội cây kia, khi loan báo
mùa xuân trong đám lá xanh tươi,
biểu lộ sự chờ trông theo vận số của thời gian
sẽ biến thành tro bụi vẻ huy hoàng lộng lẫy;
hôm nay nó bao phủ chúng ta bằng chiếc bóng.
 
Nhưng em không phải như cội cây ấy.
Em có đó trút bỏ lớp áo quần cực nhẹ
và, nằm dài trước sự trần truồng của ta,
mời mọc ta phi mau
trên đồng cỏ phì nhiêu của thân xác trẻ trung.
 
 

CHÚC THƯ BẲNG KHÓI

 
Biết rằng chung cuộc đã gần,
nhà thi sĩ già muốn để lại bằng những vần thơ đã được suy tưởng chín chắn
ký ức nguyên vẹn của những năm đã sống.
Bằng một bàn tay run run
ông vạch trên giấy những ký hiệu tăm tối,
bản chúc thư tuyệt mệnh
bằng một sự sáng suốt lạ lùng,
là vì, khi ném phán quyết vào lửa,
di sản của ông trở thành im lặng.
 
 

ĐÔI BÀN TAY CỦA NHÀ THƠ

 
Đôi bàn tay nói những gì chúng che khuất.
Là vì chúng chất chứa cuộc đời, hơi ấm, vẻ sáng lạn còn nguyên vẹn
của một làn da khác đã bừng cháy trong thầm kín,
âu yếm nhường lại những chuyện phi thường
trước khi trở thành ký ức, cơn nẩy bật.
 
Đôi bàn tay nói những gì chúng che khuất.
Chúng vẽ một ánh sáng, và mặt trái của nó
là bóng tối vang vang hay sự im lặng.
Im lặng, nhưng không phải quên lãng.
Quên là trơ trơ bất động, là để mặc dòng sông trôi đi.
Nhà thơ đào sâu biển tiếng nói thâm trầm của mình.
Hãy nhìn đôi bàn tay người đang vung
thanh gươm ánh sáng:
chúng siết chặt một âm thanh.
 
 

NHỮNG CẢNH SẮC KHÁC NHAU CỦA TÌNH ÁI

 
Trong thời thanh xuân của tôi
tôi đã là những cảnh sắc khác nhau:
là mạch suối bên cánh tay trẻ trung của em,
là cội cây nơi con chim làm tổ,
là mùi hương của đóa hoa một ngày nọ đã làm em say,
là một cánh chim như mũi tên phóng tới một làn ngực rất dịu êm.
 
Tôi đã là con cá trên những dòng nước của em,
và lúc này khi em trỗi dậy trong ký ức tôi,
tôi là một vì sao nối kết những khoảng không của em.
 
 

GƯƠNG CỦA THÁNG NGÀY

 
                                      (Juan Gil-Albert)
 
Trước tấm gương mi nhìn ánh ngày rơi xuống.
Ánh sáng dần dần khuất lấp, loan báo
sự tuyệt vọng của mi ở cõi thời khắc tận cùng.
Bởi làn da mỏi mòn vì ước muốn luôn mãi
chờ đợi một một làn da khác và sự chìm đắm,
và làm sao tìm được niềm hạnh phúc
nếu một tấm thân xinh đẹp không tới rọi sáng đời ta.
 
Đơn độc, không ý chí, đã qua mau niềm tuyệt phúc
của thời thanh xuân xa xăm, mi tìm tới
những chiếc bóng đầu tiên của đêm đen,
mi để mặc thời gian trút nỗi lãng quên chậm rãi
trên mí mắt lạnh lẽo, và mi mơ
tới vị thần mà mi biết là quá xa xôi...
và nụ cười của người vẫn còn làm mi bối rối
 
(La armadura de sal, 1980)
 
 

ULYSSE

 
                                       Tặng Antonio Munoz Molina
 
Buổi chiều tự tước bỏ những cánh bồ câu
khi bóng tối công hãm chúng ta,
và thành phố khỏa lấp những nỗi sợ
như một con thú đang rình rập đợi chờ đêm
để thỏa mãn những nỗi oán hận xưa đối với con cái mình.
Trên những bức tường cũ kỹ mà mưa vấy dơ,
những tiếng gọi âm u của sự chết
dưới một bầu trời tháng ba không tương phản rõ rệt.
Chúng ta rảo khắp các đường phố như một thứ lễ nghi, đơn độc và xa vắng, đi tìm kiếm
khuôn mặt sẽ giải thoát chúng ta, sẽ quật ngã chúng ta.
 
 

MUỘN PHIỀN VÀ BỎ TRỐN

 
Nàng trang sức bằng những sắc màu của đêm tối,
lộng lẫy và kiêu sa tựa ánh sáng buổi đầu ngày.
Khi hừng đông chớm dậy,
nàng sẽ bước lên chiếc tắc-xi đầu tiên,
bỏ lại mùi hương trong tay tôi
như một nắm tro.
 
 

CUỐI CHẶNG ĐƯỜNG DÀI

 
Một chuyến tầu đêm chậm rãi băng qua
như hình ảnh bất ngờ của đời tôi.
Xa xa hấp hối những trạm ngừng
nơi tôi đã không bước xuống:
vì sợ bóng tối
vì sợ trước ý nghĩ có lẽ sẽ không có ai đang chờ tôi.
 
Tuy nhiên nàng có đó,
ở cuối chặng đường dài,
người đẹp nóng nảy,
trong đôi mắt nàng tăm tối
có ghi phán quyết này:
lãng quên ta không thể chịu đựng
mà đường về thời cấm chỉ.
 
 

KÝ ỨC VÔ DỤNG CỦA ĐÊM TỐI

 
Mái tóc em sa mù, và đôi mắt em rất đen
nơi tôi thăm dò đêm tối,
và thân hình em thật trẻ trung, tiếng em rất ảm đạm
khước từ sự có mặt của tôi,
 
lời van xin của tôi tan chảy như nước đá trong rượu
nếu tôi trút cạn nguồn khoái cảm thoáng qua
nơi bùa mê mãnh liệt vùi lấp những thất bại,
trong lúc em xa dần cùng với đêm sâu
kéo lê lằn vết của đau thương và những lần chìm đắm.
 
Khắc giờ đã qua đi và dường như
tuổi thanh xuân của chúng ta cùng bỏ trốn với chúng.
Say đơn độc
tôi gục ngã trên những cấp độ của đêm đen
để đợi chờ giấc ngủ,
và tôi mơ màng nghĩ tới vẻ đẹp của em đang nhạt dần
cùng với những ánh mờ đầu tiên của ngày này.
 
Không căm thù hờn oán
tôi sẽ giữ lại trong ký ức bí ẩn
những đốm lửa ma trơi, tro và nước mắt
của một đêm khi tôi hoài công khẩn cầu
mái tóc em sa mù và đôi mắt em rất đen,
tấm thân thật trẻ trung mà em bắt buộc
phải lụy thuộc thói thường thô kệch của tháng ngày
trong lúc, vẫn dai dẳng, thời gian quật ngã chúng ta.
 
 

CÁI CHẾT MÀ TÔI ĐÃ KHÔNG GẶP PHẢI

 
Dài lâu là ngày của kẻ hoài công chờ đợi
cái từ sẽ tẩy rửa y
khỏi nỗi âu lo nhầm lẫn. Y biết
rằng thời gian không chịu nhượng cái huyễn tượng ấy
với kẻ đã mù quáng thêu dệt khắc giờ
với kẻ đã không lắng nghe tiếng nói mở ra
khu vườn bí ẩn của mình. Y thấy con thuyền lớn
dần dần rời xa trong sương mù lạ lẫm
của lãng quên. Không bao giờ nữa ký ức
còn có thể cứu vớt y. Y ghê rợn định mệnh của mình,
nỗi đơn độc của mình: không có lối thoát.
Trên con đường của y, y chỉ gặp những bóng tối,
y ẩn lánh ở đó mà không có cả cái vinh dự
được truy tặng nụ hôn thầm kín kia.
 
 
VỚI MỘT CÁI CHẾT DÀI LÂU NHƯ THẾ
CUỘC ĐỜI PHÙ DU
 
                               (Gửi một người đọc tương lai)
 
Sinh ra cho ánh sáng, tôi lao sâu
vào một bóng tối vô cùng tận.
 
Trong bài thơ tôi viết mộ chí của mình:
— Người hãy biết rằng ngôn từ đối với tôi cũng là
sự mỏi mệt, nỗi nghi ngại mà cuộc sống
đã dìm tôi vào đấy.
Và nếu có một lúc mà cuộc sống có đôi chút
bị ngược đãi, thời nỗi buồn là cái giá phải trả.
Sự chắc chắn duy nhất là trông chờ.
Tất cả những gì còn lại là bóng tối, mộng hão,
những hình ảnh thoáng qua
và những dòng thơ bừng cháy dưới ánh đèn của người,
hỡi người đọc say sưa:
ngay cả sự có mặt của người cũng chối bỏ sự hiện hữu
vô dụng của đời tôi.
 
 

VỀ SỰ KHƯỚC TỪ

 
Nếu cùng với thời gian chết đi huyễn tượng:
kiếm tìm một ánh sáng không bao giờ là của chúng ta,
nếu những giấc mơ trở thành một chiếc bóng tối đen
dưới một bầu trời thâm quầng giông tố,
nếu nơi chốn của tình yêu là đe dọa
và sự trần truồng của nó ánh ngời của một đồng tiền,
nếu hoan lạc không đủ cho chúng ta, nếu thói quen
chính là tấm gương vỡ, không vẻ đẹp,
chúng ta hãy loại bỏ cuộc đời và ký ức
hão huyền của im lặng hãy trở thành di sản của ngươi
ghi trong một chung cuộc lên án chúng ta.
 
(De la renuncia, 1989)
 
 
JOSÉ GUTIÉRREZ sinh tại Nigüelas (Granada) năm 1955. Từ 1976 đến 1989, đã cho xuất bản bảy thi tập.
 
 
 
30. FELIPE BENÍTEZ REYES
(1960~)
 
 

CA NGỢI THIÊN NHIÊN

 
Tôi yêu những khu vườn rập rạp như những cánh rừng
và tôi tôn sùng những lối đi dày đặc, âm u
mà Julián del Casal đã tôn sùng trong một dòng thơ.
Những chiếc nấm ẩm ướt và một bể nước rêu phong
nhắc nhở tôi tới thời kỳ hạnh phúc nhất
– có lẽ tôi cũng chẳng nên nói ra điều ấy – trong cuộc sống ngắn ngủi của tôi.
 
Nghĩ tới mình đã là ai khiến tôi buồn rầu,
không phải vì thời gian riết róng sẽ tắt đi mọi ánh sáng
từng làm nhẹ bớt những đêm tối đầy mộng mị thù nghịch của tôi,
mà là vì kỷ niệm khiến tôi mù lòa và làm tôi khổ sở,
đặt trước mắt tôi cái lỗi đã từng
hạnh phúc mà không xứng đáng được như thế.
 
Tôi yêu những khu vườn
là vì chúng là tượng trưng của một cuộc đời chậm rãi hơn.
Tôi yêu những khu vườn là vì cùng với chúng cuộc sống,
vừa tầm thường vừa nồng nhiệt và phai dần, kéo dài vô tận
như nước, đậm đặc và trắng, nơi những bể nước.
 
 

GHI CHÚ TRÊN MỘT CUỐN SÁCH

 
Làm sao tìm được cái ẩn dụ
chứa đựng trăng, chứa đựng
những đêm dài tình ái và rời rã,
biểu lộ một cảm xúc không thể biểu lộ,
gợi lại, làm phục sinh và khiến trở thành trong trẻo
những miền xa xăm từng được ký ức dẫm lên?
 
Và làm sao khiến cái chết
tôn trọng chúng ta, để chúng ta sống trong kỷ niệm
của những thế hệ sẽ tới
chỉ vì một vài chữ
mà tham vọng là ngang bằng với âm nhạc,
bay bổng và sâu xa, vô dụng và đẹp?
 
Một người thành Florence xiển dương cuộc tình của mình
bằng cách tạo ra Thiên đường và Địa ngục.
 
(Los vanos mundos, 1985)
 
 

BI CA

 
Tôi sẽ mất tất cả trừ kỷ niệm
của những ngày sáng rỡ này
khi cuộc đời giam nhốt thật chắc chắn
đóa hoa đeo ở phía sau và rất người
của một cảm xúc hàm hồ và không thể diễn tả
mà mỗi người chúng ta quan niệm
như hạnh phúc.
 
(Pruebas de autor, 1989)
 
 

NGÔI NHÀ

 
Tôi đóng cửa lại và thả chó.
Có ai đó gõ thanh kiếm lên tường
tìm lối ra, nhưng đêm đã thu hút
từng đoàn lũ bóng tối,  người ta nghe bước chân chúng
trong căn buồng bên trên, và lũ chó kia đang sủa,
trên những bức chân dung những con mắt linh động hơn
vì chúng phán xét những kẻ muốn
vượt thoát khỏi ngôi nhà, sau khi đã phàm tục hóa dĩ vãng,
phóng hỏa vào những sách vở miêu tả một thế giới,
thiêu rụi những lớp màn của hí viện xưa cũ kia.
 
Họ vừa nhảy qua rào. Những con ngựa bị thương
băng qua những căn buồng ẩm ướt của kỷ niệm,
những tiếng thét bùng ra, và những đứa trẻ nọ khóc lóc
tay trong tay lần xuống những bậc thang thời gian
để tìm tới vùng biển của những lớp sóng đen.
 
Những dàn hỏa lấp lánh như những vành trăng rơi rớt.
Họ đã tới trước cửa, và tôi không rõ họ tìm kiếm điều chi.
 
(La mala compañía, 1989)
 
 
FELIPE BENÍTEZ REYES sinh tại Rota, Cadix năm 1960. Làm thơ, viết văn xuôi, từng điều khiển một tạp chí văn chương quan trọng ở Séville: tờ Renacimiento, nơi phát hiện nhiều tài năng trẻ về thi ca. Từ 1982 đến 1992, đã cho in bảy tập thơ.
 
 
 
31. ESPERANZA LÓPEZ PARADA
(1962~)
 
 

***

 
Chúng tôi đã thay đổi tên thành phố này
để người, kẻ quá cố thời danh,
người không thể tìm ra nó trong đêm tối.
Chúng tôi đã sơn phết khác đi những vách tường,
chiếc giường chúng tôi nằm,
vì e sợ người, lúc này đã xanh mét
người dọn vô và khiến chúng tôi ghê rợn
với tình thương yêu thúc bách của người đang xuyên thủng sương mù.
 
 

CON CHIM

 
Người đàn bà giữ mi trong hũm tay của mình và ru mi,
nàng khép những ngón tay lại trên mi và nâng đỡ mi.
Nàng bày tỏ với mi biết bao là dè giữ, biết bao chăm sóc,
tựa như một linh hồn ẩn trong hốc, tựa như một dấu hiệu đã thất lạc
của những gì không còn nữa và trước đó còn phập phồng,
của niềm hạnh phúc mà chúng ta ra sức níu lại một khoảnh khắc,
một niềm hoan lạc và đôi chút thơ ngây trong trắng sẽ vuột thoát khỏi chúng ta ngay sau đó.
 
(Los tres días, 1994)
 
 
ESPERANZA LÓPEZ PARADA, nữ thi sĩ Tây-ban-nha, sinh tại Madrid năm 1962. Đã có ba tập thơ. Hai bài dịch trích từ tác phẩm thứ ba: Los tres días, Pre-Textos, Valence, 1994.
 
 
 
32. LUISA CASTRO
(1966~)
 
 

TRƯỚC KHI LÀ CÂY TÔI ĐÃ LÀ NGƯỜI ĐI SĂN

 
Trước khi là cây tôi đã là người đi săn,
tôi đã săn nai,
tôi đã săn sâu róm,
tôi đã săn những con ngựa đen của dòng sông,
tôi đã săn những thứ chim khác nhau trong cánh của đêm,
tôi đã săn những máng cho thỏ ăn thật cao quý,
tôi đã săn một con lừa xưa trong mắt của cây vả,
tôi đã săn những con bò lớn với sừng đầy nhị hoa.
tôi đã săn những ấu trùng chết rất chậm cho anh,
tôi đã săn những con chuồn chuồn với cổ tô đậm,
và những khuôn mặt ngư nữ dưới đáy mùa đông
tôi đã săn.  
 
Trước khi là cây cầu tôi đã ưa phóng hỏa,
và trong từng sợi tóc tôi đã trổ một lỗ
như một con tầu.
Tôi đã biết lửa,
đã thành thạo mọi nghề. Có những ngón tay tôi
đã bén lửa và anh đã thấy: da dưới
làn da, trong tử cung
tro
và tôi ra đời như thế đó.
 
Lúc này tôi là kẻ luyện thú. Tôi sống trong một gánh xiếc
và tệ hơn nữa, kế tiếp,
khi cơn mỏi mệt của chiều hôm lại,
và khi phải tưới cho một đồn điền những hoạn quan
trong trái tim nhẵn thín của đất.
 
(Los versos del eunuco, 1986)
 
 

TÔI CẤT LÊN VÀ DỠ XUỐNG NHỮNG CHẤT NỔ

 
Anh sẽ nghe thấy một tiếng vỗ cánh khan khan, và có ai đó
bỏ đi
ngược chiều.
Những cánh chim khác thường sẽ chỉ cho anh con đường
thiên cư.
Những bầy thú ở sa mạc lui về một thời đại
khá hơn.
 
Anh, kẻ có thể nghiên cứu thật sát những thói quen
của người pháo thủ,
và định hướng không nguy nàn giữa những giải sương mù,
anh sẽ bình yên vô sự.
 
Anh sẽ rời bỏ con tàu
sau đường thẳng.
 
(Los hábitos del artillero, 1990)
 
 
LUISA CASTRO sinh tại Foz, Lugo năm 1966. Một tài năng trẻ, nổi tiếng nhờ đoạt hai giải thưởng quan trọng về thơ trong hai năm 1986 và 1988. Từ 1984 đến 1990, đã có bốn tập thơ được xuất bản.
 
 
-----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021