thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [IV]
Bản dịch Diễm Châu
 
Gửi người bạn trẻ yêu thơ:
      Đây không phải một tuyển tập Thơ Tây-ban-nha hiện đại được phiên dịch và sắp xếp có hệ thống... mà chỉ là một sưu tập thơ gồm những bài tôi đã lượm lặt đây đó, trên báo chương hay từ một vài tuyển tập thi ca Tây-ban-nha do người Pháp hoặc chính người Tây-ban-nha làm (Xin xem Poésie espagnole 1945-1990, bản dịch Claude de Frayssinet, UNESCO và nhà Actes Sud, 1995; hoặc La Poésie espagnole contemporaine, bản dịch Jacinto-Luis Guereña, Seghers, 1977,...) Số tác giả rất hạn chế và mỗi người cũng chỉ dịch được một vài bài, có khi chỉ vỏn vẹn có một bài thật ngắn, và như vậy là... không thể bao gồm tất cả những tiếng thơ tiêu biểu hoặc ngay cả những nét khác biệt của chỉ một nhà thơ. Thêm nữa, các tác giả mới xuất hiện trong những năm 1980, 90... có thể coi như hoàn toàn vắng bóng. Và ấy mới chỉ là một vài thiếu sót cần khắc phục...
      Tây-ban-nha là một xứ ở về phía Tây-Nam Âu châu, diện tích: 507 000 cây số vuông, dân số cho tới nay cũng chỉ suýt soát bốn mươi triệu người. Biến cố còn để lại nhiều hậu quả ở thế kỷ XX của Tây-ban-nha là cuộc nội chiến (1936-1939) giữa các lực lượng cộng hòa và phe Franco, đưa tới cái chết hoặc cảnh lưu đày của hằng ngàn nhà trí thức (trong đó có những nhà thơ lẫy lừng nhất của Tây-ban-nha) và sự thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt kéo dài cho tới ngày ông «caudillo» của xứ này nằm xuống... Trong bối cảnh ấy, người ta ghi nhận những tiếng thơ đáng kể của Tây-ban-nha hầu như khuyết vắng trong xứ suốt hai mươi năm hay hơn nữa, chỉ có một vài tên tuổi còn sót lại ở nước ngoài. Và phải đợi mãi tới những năm sáu mươi, thơ Tây-ban-nha mới thực sự «nở» lại...
      Trong cuốn Poesía española (1982-83), José Luis García Martín đề nghị sắp xếp các nhà thơ thành năm thế hệ: 1. Thế hệ 27 gồm những người sinh vào khoảng năm 1901; 2. Thế hệ thứ nhất thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1916; 3. Thế hệ thứ nhì thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1931; 4. Các nhà thơ «Novísimos» (mới nhất!)*: những người sinh vào khoảng năm 1946; và 5. Thế hệ trẻ: những người sinh vào khoảng 1961... Lại cũng có người quy tụ «những nhà thơ có tác phẩm xuất bản vào những năm 1950» trong «Nhóm 50» (hoặc trường Barcelona), nhưng ngay trong số những người thuộc «trường» này người ta lại thấy có người có tác phẩm xuất bản từ một vài năm... trước đó...
      Bạn có thể đọc các nhà thơ trong tập thơ này theo bất cứ thứ tự nào bạn muốn hoặc thích. Sau đây là «thứ tự» của họ theo năm sinh:
 
Juan Ramón JIMENEZ (1881-1958), Luis CERNUDA (1902-1963), Rafael ALBERTI (1902-1999), Blas de OTERO (1916-1979), José HIERRO (1922-2002), Vicente NUÑEZ (1923), Pablo GARCÍA BAENA (1923~), Carlos Edmundo de ORY (1923~), Angel GONZÁLEZ (1925~), José Manuel CABALLERO BONALD (1926~), Alfonso COSTAFREDA (1926-1974), Angel CRESPO (1926~), Luis JIMENEZ MARTOS (1926~), Enrique BADOSA (1927~), José Agustín GOYTISOLO (1928-1999), Jaime GIL DE BIEDMA (1929-1990), José Angel VALENTE (1929-2000), Antonio GAMONEDA (1931~), Francisco BRINES (1932~), Antonio MARTÍNEZ SARRIÓN (1939~), Pere GIMFERRER (1945~), Miguel D’ORS (1946~); Leopoldo María PANERO (1948~), Luis Alberto de CUENCA (1950~), James SILES (1951~), Andrés SÁNCHEZ ROBAYNA (1952~), José GUTIÉRREZ (1955~), Felipe BENÍTEZ REYES (1960~), Esperanza LÓPEZ PARADA (1962~) và Luisa CASTRO (1966~).
Diễm Châu
__________
 
* Danh hiệu này có lẽ đã khởi sự từ một tuyển tập của Josep María Castellet: Nueve novísimos poetas españoles (Chín nhà thơ Tây-ban-nha mới nhất, 1970). Trong số chín nhà «mới nhất» này đã có bốn nhà từ bỏ thơ để quay sang viết tiểu thuyết, có người rất thành công. (người dịch)
 
 
HÌNH VẼ CỦA F. GARCÍA LORCA
_____________________
 
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [IV]
 
Bản dịch này để tặng Jean Reye và Nguyễn Lâm.
DC.
 
20. ANTONIO MARTÍNEZ SARRIÓN
(1939~)
 
 

***

 
đây là điếu thuốc
hút vào lúc tám giờ
điếu thuốc thứ ba mươi
ho sù sụ
đây là cái gạt tàn đã tràn những giờ
bản marseillaise vang vang trên một cây kèn thụt có đường xoi
đây là phòng nhỏ của prosper
đây là điếu thuốc kế tiếp
hút hai phút sau
cái gạt tàn đã đầy
đây là
điếu kế tiếp rồi điếu khác
ba vua tới trễ
montand hát hát mãi
 
(Teatro de operaciones, 1967)
 
 

THƠ LÀ NGHỆ THUẬT PHUNG PHÍ NHẤT TRONG HẾT MỌI NGHỆ THUẬT

 
NÓI Gì?
LÀM SAO?
BAO NHIÊU?
AI TRONG GIÂY PHÚT NÀY ĐÃ CHẲNG NÓI QUÁ NHIỀU..
CHỉ XÉT NGUYÊN TIỀN GIẤY?
 
(Una tromba mortal para los balleneros, 1976)
 
 
ANTONIO MARTÍNEZ SARRIÓN sinh tại Albacete năm 1939. Đã có bảy tập thơ kể từ 1967 đến 1986. Thuộc một thế hệ «cảm thấy cần phải sáng tạo một ngôn ngữ mới để diễn tả thế giới hiện đại.» Trong thơ ông, người ta thường thấy nhắc tới điện ảnh, nhạc jazz, truyện tranh... Thơ ông nhuốm vẻ bi quan, hoài nghi và mỉa mai, chua chát. Từng dịch Baudelaire và Genêt.
 
 
 
21. CLARA JANÉS
(1940~)
 
 

MÙA XUÂN

 
Ánh sáng trườn trên nước, và ca hát
trng cỏ với những ngón tay thiếp ngủ.
Thấm hút vòng ôm siết của đất ẩm
mới và bất biến.
 
Xa xa nghe một cỗ xe bò khập khễnh.
Mùi kiều mạch tươi tràn đầy không gian.
Tiếng rống của đàn bò thấp dần, chậm rãi
như im lặng.
 
Chúng chậm rãi đi theo con đường dài.
Và đung đưa – những đám mây ngái ngủ –
trên bước chân, hoàn toàn bận bịu với một kỷ niệm
chưa bao giờ thực hiện.
 
Chúng chậm rãi nối kết khúc ca của chúng với thời gian
như chúng ta nối kết với cuộc đời,
mới và bất biến, từ ánh sáng tới bụi,
ngày lại ngày.
 
 

NỖ LỰC VÔ ÍCH

 
Mỗi người
là một cây roi
quất vào trống không.
 
Đơn độc
trên trái đất,
 
và với tình yêu
quất roi lên những
hạn giới.
 
Đơn độc
Đui mù.
 
Hỡi giấc ngủ hãy tới!
Hãy phóng lên ta tấm áo choàng
lãng quên xóa trắng!
 
(Limite humano, 1965)
 
 

SUY NGHĨ THỨ BA

 
Chúng ta không hay biết gì hết
bởi lẽ không còn gì
lạ xa với lịch sử.
Có lẽ chỉ có
đá.
Đá tảng
yếu tố trường tồn.
Không có gì thuộc hôm qua hoặc ngày mai.
Thiêu sáng rực
không gì hết
đá tảng
hay
không gì hết.
 
(Poemas rumanos, 1975)
 
 

MẮT

 
Ngươi đã lùng bắt ta
rồi căm thù nắm giữ ta bằng mặt trái,
ngươi đã xô đẩy ta vào một góc
và ngươi đã đập đánh ta
cho tới khi không khí
thấm đầy máu,
và dẫu thế
kìa ta vẫn chỗi dậy
và, nhìn ngươi, ta nói:
giờ đây,
trong lúc này ta thề,
ta sẽ tặng lại đôi mắt ta
dẫu như kẻ sẽ mang chúng
là chính kẻ sát hại ta.
 
 

TÔI ĐÒI HỎi

 
Là tù nhân của một mối kinh hoàng không thể vượt qua,
và dẫu biết nhuững giấc mộng vô ích,
từ ngục thất với những cực hình tra tấn là cuộc đời này,
tôi đòi hỏi sự tự trị hoàn toàn của con người
và quyền không biện minh bằng bất cứ cách nào hết
sự hiện hữu của con người.
 
(Libro de alienaciones, 1980)
 
 

***

 
Kiên trì tôi sẽ đợi,
trong lúc rình rập, như một con chó, khoảnh khắc ấy.
Hay tôi sẽ lao mình vào khu rừng những vần thơ của người
và chầm chậm tự vạch ra cho mình một con đường,
qua những lối mòn bí ẩn,
qua những xó xỉnh nhỏ bé
mà người đã để lại hé mở.
 
 

***

 
Tôi choàng dậy
người la thét như điên dại đuổi theo tôi
người xé toang đêm tối,
người đâm toạc chất liệu.
Thế nên tôi đã hiểu
nỗi ám ảnh của người
đối với những bàn tay vấy máu.
Cả tôi nữa tôi cũng có thể giết chết một ai đó,
ngay cả người:
người khiến tôi mộng mị không thôi,
người không cho tôi ngủ.
 
 

***

 
Tôi sẽ để mình chết trong im lặng của người,
bởi đêm nay người đã khiến tôi ăn
những trái cây anh đào
trên giường người đầy những chiếc bóng
tràn trề mùi hương,
và tôi không còn thèm muốn gì khác.
 
Tôi sẽ để mình sống trong im lặng của người.
 
 

***

 
Những cây hạnh đào đương hoa, xa rời ý nghĩ tôi,
sẽ tới tận cửa sổ nhà người,
và tiếng lao xao của cây ô-liu
lay động khi đêm tối lướt qua.
 
Nhưng tôi,
mỗi lúc một thêm lạc lõng trong những lời người nói,
tôi sẽ không có đủ sức để tới mãi cánh cửa nhà người,
tôi sẽ đi lang thang trên các đường phố,
lần từng nỗi e dè sợ sệt trên những vùng đất ở Kampa,
trong đối thoại mơ hồ với không khí,
lễ độ nhảy múa cùng dòng sông điệu múa của cái chết,
với những đường nét uốn lượn tinh tế
và những sự nghiêng mình kính cẩn mơ hồ.
 
Tôi cũng sẽ chẳng tìm cách nói với người qua mưa,
hay cưỡi lên cơn gió
và lẩn trốn trong bờm gió,
trả lại cho người mùi hương của những đóa hồng
 
mà người, chỉ bằng một cử chỉ, dứt khoát,
không hề hay biết,
người đã khai quật cho tôi
cùng với cả ngàn ánh lửa mùa xuân.
 
(Kampa, 1986)
 
 
CLARA JANÉS sinh tại Barcelone năm 1940, một «nữ thi sĩ lớn của ái tình». Bà còn viết những bài tùy bút về văn chương và âm nhạc và dịch N. Sarraute, M. Duras, J. Seifert, V. Holan. Từ 1964 đến 1993, đã có chín tập thơ được xuất bản. Kampa còn là tên «hòn đảo» ở Praha nơi Vladimir Holan, nhà thơ Tiệp, từng sống ẩn dật.
 
 
 
22. JOSÉ MARIA ALVAREZ
(1942~)
 
 

NHỮNG ÁNG MÂY THIẾP VÀNG

 
Niềm luyến tiếc mà tôi cảm thấy không thuộc về cả dĩ vãng lẫn tương lai
                                      FERNANDO PESSOA
– Trong xe còn một chai rượu gin.
– Lẽ ra anh có thể nói sớm hơn, thay vì làm tôi mất thời giờ thuật lại những điều tầm bậy!
                                      DASHIELL HAMMETT
– Sự đối kháng được tổ chức trên mọi vầng trán tinh khiết.
                                      TRISTAN TZARA
 
                     Tặng Jaime Gil de Biedma
 
Có hề gì đời tôi lúc này.
 
        Mỗi lần tôi lập một gia đình tôi lại
        hủy hoại nó. Trong hết mọi xứ mà tôi tới
        cái lúc duy nhất mà tôi yêu
        đó là lúc tôi nhận thấy đường bao quanh xứ ấy. Không bao giờ
        tôi có thể nghênh tiếp hai lần
        cùng một người đàn bà.
 
        Tôn trọng chính bản thân.
 
        Suy nghĩ.
 
        Tôi thấy mọc lên những khóm hồng tôi đã trồng.
        Tôi khui chai cuối cùng của lần cuối cùng
        gọi rượu.
 
        Tôi nhìn
cuộc đời tôi bảo toàn tất cả những gì là cao quý.
 
Vì mi, hỡi văn hoá, và vì tất cả những người
còn sống hay đã chết bầu bạn cùng tôi, tôi uống.
 
Bất kể thời gian và thân xác,
tôi uống. Tôi rót đầy lại
chiếc ly. Tôi chờ
rượu chầm chậm cắt đứt
những sợi dây nối liền tôi
với thế giới man rợ này.
 
        Và với ly
chót, ly của sự khinh mạn,
tôi uống vì những kẻ đương yêu như tôi.
 
 

TÊN VIẾT TRONG NƯỚC

 
              Khi người nhìn tôi,
              đôi mắt người in trong tôi nét duyên dáng:
              chính vì thế người đã gọi tôi,
              và đôi mắt tôi đã có cái may mắn
              được tôn thờ những gì chúng thấy nơi người.
                                  JEAN DE LA CROIX
 
                                             Kính tặng sư phụ
                                                                   Montaigne
 
Như một nhành dây leo trên một bức tường cũ,
thèm muốn bám vào hồn tôi.
Hình ảnh nàng phải chi tôi có thể xóa đi được.
Tôi đã từng hạnh phúc không có nàng.
Tại sao số mệnh lại đã đặt thân xác nàng trước mắt tôi,
nước da nàng sang ngờI, ánh mắt nàng vàng tươi?
Tôi đã từng hạnh phúc không có nàng.
Lúc ấy tôi đang bàn thảo dưới bóng tà huy
với một người bạn. Chúng tôi nói tới Stendhal.
Tôi hạnh phúc.
Và đột nhiên em buớc qua, đùa rỡn với một con mèo,
em đã nhìn tôi, em cười, và ở xa xa biển phân cách
những thế giới.
Đó là ánh sáng của thanh xuân, bạn tôi
bảo. Trong sáu tháng nữa ánh sáng ấy sẽ tắt.
Tôi đã từng hạnh phúc không có em. Và thật vậy
sáu tháng trước hoặc sau
em chả là gì hết. Nhưng buổi chiều, vào giờ ấy
– nhà thơ có thể khiến thời gian ngừng lại trong những vần thơ của mình–
đã cho chúng tôi thấy em đẹp làm sao,
và vẻ đẹp đã buộc hồn tôi phải chịu
một cảnh lưu đày khủng khiếp. Là vì ngay như tôi có em lúc này
tôi cũng chẳng còn có được người em đã là lúc ấy.
Tôi sẽ không khi nào còn có lại được nữa. Và mắt tôi
sẽ mãi mãi lang thang. Và tôi sẽ chết thù ghét đôi bàn tay tôi
đôi bàn tay sẽ trở thành tro bụi trước khi được chạm tới phép mầu.
 
(Museo de cera, 1974, 1993)
 
 

MONSIEUR DE MONTAIGNE

 
                              Beyond all limit of that else i'th'world,
                                            Do love, prize, honour you.
 
                                Tặng Jorge Luis Borges
                                và tặng María Kodama
 
Những cuốn sách của ông.
Tro của mộng mị ông.
Sức khỏe đi trước sự thông minh.
Và bên trên đài tưởng niệm cao
mà Montaigne đã dựng trên sự sáng suốt của mình,
là những chòm sao lạnh lẽo của đêm nay
đêm lạ lùng ngang với con người.
Cuộc đời ông
– bí ẩn không kém gì việc muốn tìm hiểu nó –
tựa như một vết thương đã khô đi trong nắng.
Vào cuối cuộc đời này chỉ còn
sự khiêm nhượng, quạnh hiu, đổ nát. Thế nhưng
– ngay tầm tay –
là sự bình yên với chính bản thân.
 
(El escudo de Aquiles, 1987)
 
 
JOSÉ MARIA ALVAREZ sinh tại Carthagène, Murcie năm 1942. Từng dịch Hölderlin, Cavafis và nhiều nhà thơ khác. Từ 1964 đến 1987, đã cho xuất bản năm tập thơ...
 
 
 
23. PERE GIMFERRER
(1945~)
 
 

MỘT NỐT NHẠC DUY NHẤT CHO HÖLDERLIN

 
Khi ta mất trí nhớ, mọi sự tinh khiết biết là bao.
Trên chỏm cao màu thiên thanh muộn chiều lần khân mãi,
lưu lại ánh vàng nơi những mắt lưới xa xăm,
qua một khe cửa cuối cùng ánh sáng trườn vô, lan rộng và bắt gặp ta
như một vành cung rung rung trong không gian rực sáng.
Im lặng còn chờ gì nữa đây? Hỡi các bậc vương tôn của chiều muộn,
chân ta đã dẫm đạp những lâu đài nào, những áng mây hay những tảng đá ngầm nào, xứ sở nào đầy sao?
Bền lâu hơn chúng ta là bông hồng đã úa tàn ấy.
Ôi êm dịu biết bao ở bên tai tiếng rì rào những hành tinh của nước xoay vần.
 
(Arde el mar, 1966)
 
 

BI CA

 
Chết thanh thản như tôi chưa từng sống
và thấy xe cộ lướt qua như trên một màn ảnh
và những bài ca chậm rãi của Nat King Cole
một cây kèn sắc-xô một cỗ dưong cầm những buổi chiều tàn trên sân thượng dưới những cây dù
cái cuộc đời mà tôi chưa từng diễn dịch được ấy
gió trong những hành lang những khung cửa sổ mở tất cả toàn trắng như trong một bệnh viện
những sự vật hòa tan như một liều chất độc trong tăm tối
Người ta rọi những kính ảnh với câu chuyện đời tôi
trong mùi thuốc mê nồng nặc
Làm tổ dưới lớp sương mù của phòng mổ là những con chim màu xa lạ
 
(Extraña fruta, 1969; in lại trong Poesía [1970-1977], 1978)
 
 
PERE GIMFERRER sinh tại Barcelona năm 1945. Đoạt giải Premio Nacional de Poesía, 1966 cho tập thơ Arde el mar. Trong bài «Nghệ thuật thi ca» ông cho biết tham vọng của mình: «(...) nhìn thấy trong ánh sáng lối đi của ánh sáng»... Từ 1966 đến 1989 đã có bảy thi tập được xuất bản.
 
 
 
24. MIGUEL D'ORS
(1946~)
 
 

NHỮNG KẺ BẢO VỆ

 
Những kẻ bảo vệ đã tới! Niềm khoan khoái ban đêm nơi những cửa hàng và những đống lửa mừng ở vùng phụ cận thành phố.
Lễ hội nghênh tiếp. Chúng ta sẽ bảo vệ những ước mơ của các người.
Tiếng hát tục tằn của quân canh. Những đòn đấm đá người câm điếc. Con cừu non bị đánh cắp.
Ngày thứ bảy tuần lễ thứ nhì: những kẻ bảo vệ, say sưa,
trửng giỡn trên những con đường của thành phố với lũ con gái từ bờ biển tới.
Tuần lễ thứ ba: em bé gái mang cái tô bị bọn lính hãm hiếp sau nhà thờ.
Rồi nhiều tháng. Mưa. Năm đầu tiên. Sự ô nhục thật dài lâu.
Sau những lũy thành này mọi người đều trở thành trộm cắp, kẻ cưỡng dâm, kẻ theo “thói kê gian”, kẻ sát nhân hay tên bắt lính
và những người già cả, chúng ta mỏi mòn trong âu lo, ngỡ mình nghe những khúc ca báo phục
và chúng ta sẽ chết với hy vọng được nhìn thấy từ những rầm gác thượng ánh chớp xa xăm của một món vũ khí,
quân thù tới giải cứu.
 
8-XI-72
(Del amor, del olvido, 1972)
 
 

LÀM SAO GỌI CHIM

 
Làm sao gọi chim
để từ con sâu nó ngước dậy
bay đi và lạc đường
từ cành nọ sang cành kia, làm sao? Làm sao gọi dòng sông
mà không làm gián đoạn khúc ca của nó cũng chẳng làm bặt tiếng nước trôi?
Làm sao để tên của bông hồng
bảo toàn mùi hương? Làm sao nói cát
và cảm thấy sự vuốt ve mơn trớn của một bàn tay vàng ánh,
và làm sao khiến nắng và gió,
lửa và mùa thu ở lại
trong bài thơ? A, học biết ở đâu cái ma thuật
sắp đặt tên của mọi sự
để cho người đọc những vần thơ của chúng ta
trở lại vấy hỏa tiêu *
xém nắng và được an ủi
nhờ ngọn lửa man dại của lớp than hồng
mà chúng ta nhóm lên bằng hai hay ba chữ?
 
25-II-74
------------------------------------------------
* salpêtre: ngày xưa dùng làm thuốc súng. (người dịch)
 
 

THÀNH PHỐ TRONG TÔI (Saint Jacques)

 
                             Thành phố dị kỳ, vừa đẹp vừa xấu đồng thời
                            ROSALIA DE CASTRO, En las orillas del Sar,
                                                       «Santa Escolastica», III, 1.
 
Tôi không chọn lựa: tôi mở mắt ra
và mưa đã là mưa, là đêm tối và đá, và chỉ có
phản ánh của một ngọn đèn màu nhựa thông;
tôi không thể làm gì hết nếu mộng mị tôi dẫy đầy
những tiếng chuông xám, những rêu, những ô dù
nghi lễ, những đám mây bằng đá nọ;
và tôi cũng không thể làm gì hết nếu nỗi u sầu này
đã là chốn quê hương xứ sở tôi, thói quen
của những năm hoang dại đời tôi; và nếu giờ đây
tôi mang bên trong tôi cơn mưa này, cơn mưa
cơn mưa đã khiến
– ... thứ ba, tư, năm... – những tảng đá
của Saint-Jacques trở thành trầm tư.
 
28-XI-75
 
 

NHỮNG TUẦN LỄ

 
... và lúc nào cũng món kẹo cao-su xám xịt lao động
cái tạp nhạp không cùng của ngày tháng
thứ hai quyết nghị thư viện thứ ba
phương pháp và niên hiệu thứ tư khế ước
thứ năm cắt móng tay sáu phần trăm
thứ sáu phiếu biểu mục tập hóa đơn
thứ bảy áo quần dơ sổ chi thu
pérez chúa nhật trời mưa mưa mưa
và lúc nào cũng món kẹo cao-su xám xịt lao động
cái tạp nhạp không cùng của ngày tháng...
 
14-III-76
(Ciego en Granada, 1976)
 
 

MƯA

 
Mưa.
       Mưa tới
từ rất xa.
             Tiếng gọi
tăm tối của mưa trên kính cửa,
thật thiết tha.
                   Mưa.
Trên những đường phố mơ hồ
và ầm ĩ tôi xa rời;
tôi mất hút trong những cơn mưa khác
đang chầm chậm rơi xuống
trên quá khứ của tôi: những đường phố
cũ của đá và mưa,
những lớp học lịch sử và mưa,
những hồi chuông mưa
trên tuổi thơ tôi... Mưa
nơi cửa sổ của tôi; nơi khung cửa nọ
nơi khung cửa sổ này.
                                Mưa,
cơn mưa hâm hẩm từ
cùng đáy thời gian
đi kèm đời tôi
trổi cho nó điệu nhạc
xám và chậm rãi ấy...
                                Chiều nay
mưa và tôi cùng viết
những dòng thơ này mỗi đứa một nửa.
 
26-X-85
 
 

NƠI Y THUẬT LẠi ĐỜI Y

 
Bé nhỏ biết bao cuộc đời tôi:
thời gian, im lặng và đôi chút
tình ái: một bức thủy mạc
với những sắc độ đã tắt.
 
Tất cả được viết bằng chữ thường,
Phép mầu và tội lỗi.
Chẳng có gì ồn ào
để điểm tô bia mộ.
 
Vô danh và bằng văn xuôi
năm tháng của tôi tàn lụi.
Bé nhỏ biết bao cuộc đời tôi.
 
... Và cuộc đời ấy làm tôi đau xiết bao...
 
6-IX-84
 
 

CON ĐƯỜNG BẤT TOÀN

 
Trẻ,
tôi đã là một kẻ hợm hĩnh không thể chịu được.
Một hôm tấm gương soi bảo tôi: «Thế là không hay.
Mi cần phải sửa mình.»
Sau vài tuần lễ tôi đã bớt kiêu căng.
Vài tháng sau tôi không còn tự phụ nữa.
Năm kế tiếp tôi là một người khiêm tốn.
Rất khiêm tốn.
Cực kỳ khiêm tốn.
Một trong những người khiêm tốn nhất mà tôi từng biết.
Khiêm tốn hơn bất cứ người nào trong các người.
Nghĩa là
một kẻ vô lối không sao chịu được
và già.
 
2-III-84
(Curso superior de ignorancia, 1987)
 
 

CUỐN LỊCH VĨNH VIỄN

 
Thứ Hai đó là tên của cơn mưa
khi cuộc đời quá ác ý
khiến ta bảo như cuộc đời.
 
Thứ Ba đó là thấy lướt qua ở xa xa những đoàn tàu
mà ta chẳng bao giờ bước lên.
 
Thứ Tư là Thứ Năm, Thứ Sáu, không gì hết.
 
Thứ Bảy hứa hẹn, Chúa nhật không giữ lời
và ấy đó lại một lần nữa – hay cũng chẵng phải một lần khác:
vẫn một lần ấy – cơn mưa của những ngày Thứ Hai.
 
22-II-85
(La música extremada, 1991)
 
 

ANH KHÔNG NÊN TỰ LỪA DỐI

 
                                Tặng Carlos Clementson
 
Anh biết rằng chuyện vô ích,
anh không nên tự lừa dối.
Dù anh có đi xa tới đâu
anh cũng chẳng bao giờ đi xa.
Anh có thể đi đi lại lại
qua những vùng trời và vùng biển:
Denver, Valparaiso,
những túp lều cùi hủi
của Dharbang, mùa thu
trong những cây phong của vùng Ontario,
những đêm guarani,
phớt xanh và đầy nhạc,
những thiếu nữ ở đảo,
những ban hợp ca uốn lượn của họ,
những đôi vú thơ ngây của họ,
những tràng hoa tươi cười
chào đón... Nhưng
anh biết rằng cuộc bỏ trốn
sẽ không bao giờ là thực,
ở khắp nơi anh đi
anh bao giờ cũng gặp lại
cùng một nỗi buồn ấy.
Bởi ở đâu anh đi
ở đó anh cũng sẽ gặp lại.
 
19-XII-87
(La música extremada, 1991)
 
 
MIGUEL D'ORS sinh tại Saint-Jacques-de-Compostelle năm 1946. Từ 1972 đến 1991, đã cho xuất bản sáu tập thơ.
 
 
 
25. LEOPOLDO MARÍA PANERO
(1948~)
 
 

PARIS DƯỚI KÍNH COI HÌNH NỔI

 
em còn nhớ cái người khi trước sống ở gian nhà bên trên và là người đã đuổi con gái của chính mình ra khỏi nhà    người ta nghe những tiếng la thét rồi ông ta đã ném những con búp-bê của cô cô gái xuống sân    là vì bấy giờ cô ta còn chơi những con búp-bê    và chúng nằm đó giữa đống rác và chúng ta đã nhìn chúng    chúng không động đậy và người ta không còn nghe những tiếng la thét    và đêm đã tới    sáng hôm sau người gác cổng đã phải thu chúng lại    có những con không còn cánh tay.
 
chúng ta đã nhìn ngắm những con búp-bê ấy suốt buổi chiều trong lúc chúng mất dần hình thù cho đến khi đêm xuống    và chúng ta đã mất hút bóng chúng    và nửa đêm khi thức dậy tôi đã nghĩ «lúc này không còn ai để trông chừng chúng»
 
(Así se fundó Carnaby Street, 1970)
 
 

TẤM GƯƠNG SAU CHÓT

 
                          Do một cơn ác mộng có tên là
                             «Marava Domínguez Torán» gợi hứng
 
Ai băng qua hành lang của Kinh hoàng
không thể nào tránh khỏi tới trước tấm Gương Cuối
nơi một người đàn bà ôm ghì lấy bộ xương khô của anh cho chúng ta thấy
đối diện địa ngục những con mắt đã niêm kín
những con mắt đã vĩnh viễn khép lại như trên một khuôn mặt
nắn theo người chết biểu thị ở cõi bên kia hí trường chót:
như thế đó tôi nhìn những con mắt đã xóa đi hồn tôi
như thế đó tôi đã nhìn một ngày không có trong tấm Gương Cuối. 
 
(Teoría, 1973)
 
 

IM LẶNG

 
Có lẽ lúc ấy không có gì lãng mạn hơn khi
y cào cào tảng đá
mà nói chẳng hạn, trong lúc ca hát
trong bóng tối cho những chiếc bóng,
ngạc nhiên vì chính sự im lặng của tôi,
chẳng hạn: «Cần phải
cào xới mùa đông,
và, có những luống đất và có những người trong tuyết»,
hôm nay lũ nhện ra những dấu hiệu thật nồng nhiệt với tôi
từ bốn góc buồng tôi, và ánh sáng lảo đảo,
và tôi bắt đầu hoài nghi
tấn bi kịch vô bờ bến
của từ chương.
 
(El que no ve, 1980)
 
 

***

 
Từ bụi nẩy sinh một sự vật.
Và sự vật này, tro của con cóc, hoàng đồng của thây ma,
là huyền nhiệm của bông hồng.
 
(Poemas del manicomio de Mondragón, 1987)
 
 

ĐÂY KHÔNG PHẢI HỜN OÁN MÀ LÀ CĂM THÙ

 
                             Họ thèm khát căm thù, thay vì oán hận.
                                                      STÉPHANE MALLARMÉ
 
Không có gì thuần khiết hơn là sự căm thù
mà bể nước này phóng lên như một chất mật vàng ánh
nơi từ đấy thoát ra cả ngàn đóa hoa của dây leo
ác độc của hư vô, cả ngàn
chùm lilas rung rinh
như cả ngàn điều dối trá.
Tôi là một kẻ thường lừa dối ban chiều
hồng ngọc trong đôi mắt cóc
và chờ người tổ chức
cuộc săn nai vào lúc ban đêm.
Là vì tôi là gì, duy có đoạn thơ ấy biết
đoạn thơ sẽ tàn trên môi em
như tiếng hí kết thúc cuộc săn.
 
(Piedra negra o del temblar, 1992)
 
 
LEOPOLDO MARÍA PANERO sinh tại Madrid năm 1948. Từng nói: «Nếu ta hiến mình cho thơ, cần phải tuyệt đối chối bỏ mọi điều còn lại». Đã sống từ cả chục năm trong một bệnh viện tâm thần. Từ 1968 đến 1992, đã có mười một tập thơ được xuất bản.
 
 
 
26. LUIS ALBERTO DE CUENCA
(1950~)
 
 

CHUYỆN TRÒ

 
Mỗi lần tôi nói với em, có những từ khác
thoát ra từ miệng tôi, những từ khác.
Chúng không thuộc về tôi. Chúng từ nơi khác tới.
Chúng cắn lưỡi tôi. Và làm tôi đau.
Như những ngọn dáo của các vị anh hùng,
chúng có hai lưỡi bén, và môi tôi vỡ toang
khi chạm phải chúng, và mỗi lần chúng xuất hiện
từ bên trong – hay từ rất xa, hay từ không đâu hết –,
từ miệng tôi chảy ra một dòng máu nhỏ
âm ấm trườn đi trên mình tôi.
Mỗi lần tôi nói với em, có những từ khác
nói thay tôi, như thể ở đời
không còn gì thuộc về tôi hết, không còn gì hết
trong cạn kiệt không cùng
vì yêu em và cảm thấy mình chưa thật được yêu.
 
(La caja de plata, 1985)
 
 

MẤT NGỦ

 
Cuộc đời quá vắn vỏi.
Ta không có ngày giờ để làm gì hết. Chẳng có cách nào
tìm ra hai ba ngày liên tiếp
để đứng vững lại. Anh chỗi dậy,
anh ôm hôn người vợ sắp cưới, ăn điểm tâm,
anh lao động, ăn uống, ngủ nghỉ, đi xi-nê,
và anh cũng chẳng có lấy một chốc lát
để đọc Sénèque và tự nhủ
rằng mọi sự ở hạ giới này đều có một giải pháp.
Cuộc đời là một khoảnh khắc. Tôi không hiểu được
tại sao cái đêm này mãi không cùng.
 
1988
(Poesía [1970-1989], 1990)
 
 
LUIS ALBERTO DE CUENCA sinh tại Madrid năm 1950. Thông thạo văn chương trung cổ Pháp, từng dịch Marie de France, Chrétien de Troyes, Jaufré Rudel... Từ 1972 đến 1990, đã cho in sáu tập thơ.
 
(xin xem tiếp kỳ V)
 
-----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021