thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [III]
Bản dịch Diễm Châu
 
Gửi người bạn trẻ yêu thơ:
      Đây không phải một tuyển tập Thơ Tây-ban-nha hiện đại được phiên dịch và sắp xếp có hệ thống... mà chỉ là một sưu tập thơ gồm những bài tôi đã lượm lặt đây đó, trên báo chương hay từ một vài tuyển tập thi ca Tây-ban-nha do người Pháp hoặc chính người Tây-ban-nha làm (Xin xem Poésie espagnole 1945-1990, bản dịch Claude de Frayssinet, UNESCO và nhà Actes Sud, 1995; hoặc La Poésie espagnole contemporaine, bản dịch Jacinto-Luis Guereña, Seghers, 1977,...) Số tác giả rất hạn chế và mỗi người cũng chỉ dịch được một vài bài, có khi chỉ vỏn vẹn có một bài thật ngắn, và như vậy là... không thể bao gồm tất cả những tiếng thơ tiêu biểu hoặc ngay cả những nét khác biệt của chỉ một nhà thơ. Thêm nữa, các tác giả mới xuất hiện trong những năm 1980, 90... có thể coi như hoàn toàn vắng bóng. Và ấy mới chỉ là một vài thiếu sót cần khắc phục...
      Tây-ban-nha là một xứ ở về phía Tây-Nam Âu châu, diện tích: 507 000 cây số vuông, dân số cho tới nay cũng chỉ suýt soát bốn mươi triệu người. Biến cố còn để lại nhiều hậu quả ở thế kỷ XX của Tây-ban-nha là cuộc nội chiến (1936-1939) giữa các lực lượng cộng hòa và phe Franco, đưa tới cái chết hoặc cảnh lưu đày của hằng ngàn nhà trí thức (trong đó có những nhà thơ lẫy lừng nhất của Tây-ban-nha) và sự thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt kéo dài cho tới ngày ông «caudillo» của xứ này nằm xuống... Trong bối cảnh ấy, người ta ghi nhận những tiếng thơ đáng kể của Tây-ban-nha hầu như khuyết vắng trong xứ suốt hai mươi năm hay hơn nữa, chỉ có một vài tên tuổi còn sót lại ở nước ngoài. Và phải đợi mãi tới những năm sáu mươi, thơ Tây-ban-nha mới thực sự «nở» lại...
      Trong cuốn Poesía española (1982-83), José Luis García Martín đề nghị sắp xếp các nhà thơ thành năm thế hệ: 1. Thế hệ 27 gồm những người sinh vào khoảng năm 1901; 2. Thế hệ thứ nhất thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1916; 3. Thế hệ thứ nhì thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1931; 4. Các nhà thơ «Novísimos» (mới nhất!)*: những người sinh vào khoảng năm 1946; và 5. Thế hệ trẻ: những người sinh vào khoảng 1961... Lại cũng có người quy tụ «những nhà thơ có tác phẩm xuất bản vào những năm 1950» trong «Nhóm 50» (hoặc trường Barcelona), nhưng ngay trong số những người thuộc «trường» này người ta lại thấy có người có tác phẩm xuất bản từ một vài năm... trước đó...
      Bạn có thể đọc các nhà thơ trong tập thơ này theo bất cứ thứ tự nào bạn muốn hoặc thích. Sau đây là «thứ tự» của họ theo năm sinh:
 
Juan Ramón JIMENEZ (1881-1958), Luis CERNUDA (1902-1963), Rafael ALBERTI (1902-1999), Blas de OTERO (1916-1979), José HIERRO (1922-2002), Vicente NUÑEZ (1923), Pablo GARCÍA BAENA (1923~), Carlos Edmundo de ORY (1923~), Angel GONZÁLEZ (1925~), José Manuel CABALLERO BONALD (1926~), Alfonso COSTAFREDA (1926-1974), Angel CRESPO (1926~), Luis JIMENEZ MARTOS (1926~), Enrique BADOSA (1927~), José Agustín GOYTISOLO (1928-1999), Jaime GIL DE BIEDMA (1929-1990), José Angel VALENTE (1929-2000), Antonio GAMONEDA (1931~), Francisco BRINES (1932~), Antonio MARTÍNEZ SARRIÓN (1939~), Pere GIMFERRER (1945~), Miguel D’ORS (1946~); Leopoldo María PANERO (1948~), Luis Alberto de CUENCA (1950~), James SILES (1951~), Andrés SÁNCHEZ ROBAYNA (1952~), José GUTIÉRREZ (1955~), Felipe BENÍTEZ REYES (1960~), Esperanza LÓPEZ PARADA (1962~) và Luisa CASTRO (1966~).
Diễm Châu
__________
 
* Danh hiệu này có lẽ đã khởi sự từ một tuyển tập của Josep María Castellet: Nueve novísimos poetas españoles (Chín nhà thơ Tây-ban-nha mới nhất, 1970). Trong số chín nhà «mới nhất» này đã có bốn nhà từ bỏ thơ để quay sang viết tiểu thuyết, có người rất thành công. (người dịch)
 
 
HÌNH VẼ CỦA F. GARCÍA LORCA
_____________________
 
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [III]
 
Bản dịch này để tặng Jean Reye và Nguyễn Lâm.
DC.
 
15. JOSÉ AGUSTÍN GOYTISOLO
(1928-1999)
 
 

HÃY KHÓC CÙNG ANH, HỠI EM*

 
Hãy khóc cùng anh, hỡi em.
Mẹ thật đảm đang và đẹp. Mẹ không biết tới
tuyết của năm tháng.
 
Với Mẹ, với anh, với tất cả
người ta đã phân cách em. Nhưng thời gian
đã trả em lại cho vòng ôm xiết của Mẹ.
 
Cùng Mẹ và cùng em anh xin hỏi:
có thể nào tất cả những gì anh đã yêu mến
chỉ là một lầm lạc?
 
Các người có biết rằng đôi khi, tôi trông đợi
tiếng nói của các người, và tôi đã
bịt tai lại?
 
Các người có biết
rằng tôi chối bỏ cả đến dấu chân của các người?
 
Nhưng có hề gì. Tôi sống
trên những đổ nát. Tôi yêu.
 
Hãy nói cùng tôi, phải, hãy nói cùng tôi,
— dẫu như tôi không thể nghe thấy,
dẫu như tôi không bao giờ tin được điều ấy —
rằng chưa có gì chấm dứt.
 
(El retorno, 1955)
 
-------------------------
* Bài này, trong tuyển tập thơ J. A. Goytisolo do Danièle Küss dịch (nhà xuất bản Textuel, 2000), mang tựa: « Cùng Mẹ và cùng em anh xin hỏi ». (người dịch)
 
 

CHIẾN TRANH

 
Đột nhiên, bầu khí
sụp đổ, bốc cháy,
rớt xuống, như một lưỡi gươm,
trên mặt đất. Ồ, phải,
tôi còn nhớ những tiếng gào thét!
 
Giữa làn khói và máu,
tôi đã nhìn những vách tường
của tổ quốc tôi,
tôi đã nhìn như người mù
khắp nơi,
tìm kiếm một tấm lòng,
một lời nói, một điều gì đó
để che giấu nước mắt.
 
Và tôi đã chỉ gặp chết chóc,
đổ nát và chết chóc
dưới bầu trời trống rỗng.
 
 

CÒN LẠI LỚP BỤI

 
Từ tiếng sấm này, từ
ngọn lửa hãi hùng này
ngọn lửa đã lớn lên trước mắt tôi,
còn lại mãi mãi,
pha trộn trong bầu khí
một lớp bụi căm hờn, một
lớp tro buồn bã
rơi rơi
xuống mặt đất, và còn tiếp tục
rơi trong ký ức tôi,
trong lòng tôi, và trên
những trang giấy mà tôi viết.
 
(Años decisivos, 1961)
 
 

TÔI ĐÃ MUỐN

 
Hãy biết rằng vào thời ấy,
tôi đã muốn tin.
Tôi đã muốn, đã muốn,
nhưng chuyện không thể được.
 
Tôi đã đặt vào đó cuộc đời tôi,
mọi hy vọng của tôi, và gì nữa.
Ngay cả lúc mơ màng, tôi cũng đã tự nhủ:
mình sẽ thắng, sẽ thắng.
 
Với niềm tin hiện tại, tôi chiêm niệm
sự thất bại của tôi hôm qua.
Xin hãy hiểu giùm tôi, tôi đã muốn.
Nhưng chuyện không thể được.
 
 

NHỮNG NĂM XÁO TRỘN

 
Một lần nữa lại ở ngoài phố,
nhưng không như ngày xưa.
 
Ấy là hai mươi năm
nóng sốt và ngao ngán.
 
Tôi đấy ư cái âm thanh thảm buồn
và khan khan không tiếng chuông?
 
Tôi đấy ư chiếc bóng này
đằng sau những gót giầy của tôi?
 
Tôi đấy ư? Tôi đấy ư? Những câu hỏi,
những câu hỏi dành cho lãng quên.
 
 

TÔI CẦU KHẨN

 
Này ánh sáng, mi đừng rời xa
đôi mắt ta, mi đừng hạ nhục
lý trí lúc nào cũng khích lệ ta
theo đuổi. Mi hãy nghe,
sau những lời ta nói,
tiếng kêu của mọi người
những người không thể nói.
Nhân danh những đòn đã lãnh,
nhân danh cuộc đấu tranh của họ
chống lại bức tường bóng tối,
ta xin mi hãy kiên trì
trong ánh ngời của mi, hãy soi rọi
đời ta, hãy ở lại
với ta, ánh sáng.
 
(Claridad, 1961)
 
 

ÍT RA HÃY LÃNH NHẬN NHỮNG MÂU THUẪN CỦA CÁC NGƯỜI

 
Cái trò chơi xây dựng và gỡ bỏ
dựng nên các đế quốc để kế đó hủy diệt đi
và kiến tạo những đế quốc khác hùng mạnh hơn
những đế quốc một ngày kia đến lượt chúng cũng chỉ là những phế tích
cái trò chơi ấy đối với loài người là lịch sử và bản năng.
 
Nhưng con thú kỳ quặc
xử sự một cách nghiêm ngặt này
hoàn thiện các kỹ thuật
quên mau nước mắt và lửa
nó tiến triển và tự biến đổi
hoàn thành những chu trình khác nhau của mình thật chu đáo.
 
Trong huyền thoại Sisyphe
một vài cạnh khía đã không được chỉ rõ:
ở mỗi chuyến đi tảng đá lại nặng hơn
ngọn núi cũng cao hơn
và kẻ bị đọa đày mỗi lần một mau hơn.
 
(Taller de arquitectura, 1977)
 
 

CẦN

 
Muốn cho một nghệ sĩ xuất hiện thời cần
sự trùng hợp của những hoàn cảnh như sau:
 
gia đình y được trọng vọng
bà mẹ không thuật lại những chuyện phiêu lưu đáng tiếc của bà
người cha thôi xử sự như súc vật
nhà độc tài hiện dịch yêu mến sách vở
các nhà báo thật nhân từ
không ai để lộ hy vọng
người ta không nói tới nhân quyền
người ta đóng cửa nhà trường và nhà tù
hết mọi người đều được phép dẫm lên cỏ non
không một ai muốn cứu vớt đồng loại.
 
Và sau hết muốn cho một nghệ sĩ xuất hiện thời cần
một đứa trẻ sinh ra và không chết vì ghê tởm.
 
 

PHÁN QUYẾT RẤT NGHIÊM KHẮC

 
Xét rằng đời y thật ngay thẳng
rằng y đóng thuế đúng kỳ hạn
và y chưa từng làm hại ai
y bị lên án phải ở lại trong xứ.
 
(Sobre las circunstancias, 1983)
 
 

ĐÚNG LÚC ĐÓ

 
Ngày mà mọi máy điện thoại đều hú lên
mọi máy truyền hình và truyền thanh đều phóng ra một chiến dịch loạn cuồng
bằng cách kể lể những lợi ích của tự sát tập thể
hay khi các đồng hồ đều ngừng lại vào một giờ hoàn toàn xuẩn ngốc
 
lúc đó
khi anh sẽ đọc thấy trên mặt máy điện toán
những dữ kiện hoàn toàn sai lạc
và khi ngoài đường phố đèn ngã tư sẽ bật đỏ thường trực
và khi anh sẽ thấy những chuyến xe lửa xuất hành chạy giật lùi
những máy bay cất cánh bất kể ra sao để lộn nhào dập nát ở xa hơn đôi chút
hay những con tầu biển chơi trò đụng độ nhau
 
phải phải lúc đó
anh đừng tưởng rằng sẽ xẩy ra
những gì trong các bản văn và bài khảo luận
người ta gọi là cuộc nổi loạn của kỹ thuật học
hay mưu toan của máy móc nhằm nô lệ hóa con người.
 
Những gì anh sẽ thấy đơn giản hơn nhiều:
một vài kẻ được vận dụng như rô-bô
mà anh đã làm biến dạng đến dại khờ
trong một chuyển động bác bỏ thật sáng suốt
sẽ chuẩn bị ngày lễ lớn
lễ mai táng anh.
 
 

TÌNH CỜ VÀ TẤT YẾU

 
Khi ở một giao điểm ta chọn một con đường
và bước theo nó
còn lại phía sau là cả ngàn dự án khác
có thể được xét tới ngay từ điểm khởi hành.
 
Như một người duy nhất
toàn thể nhân loại kể như một khối
giữa những minh ước và những cuộc cách mạng
tiếp tục tiến tới trong tình cờ may rủi
trên con đường dài dặc và bấp bênh.
 
Tất định hay không
ý hướng của lịch sử
cũng tựa như chuyến đi nọ trên một con đường sắt
một nửa xây dựng trong rừng già
khu rừng xóa dấu vết nó đi ngăn chận cuộc trở lại.
 
(Bajo tolerancia, 1983)
 
 
JOSÉ AGUSTÍN GOYTISOLO, sinh tại Barcelona năm 1928, làm việc trong ngành xuất bản tại thành phố quê nhà. Được coi như đại diện cuối cùng của «trường Barcelona»... mặc dù ông vẫn tự coi mình như một nhà thơ «độc lập» và muốn là «một chứng nhân của thời đại». Vào thời nội chiến, mẹ ông bị thiệt mạng trong một cuộc oanh tạc. Tập El retorno (1955) được tác giả dành riêng cho mẹ. Thơ ông dành một chỗ lớn cho kinh nghiệm; lời thơ trực tiếp, giản dị, trong sáng. Từ 1955 đến 1996, đã có mười ba thi phẩm được xuất bản. Những bài thơ tình của J. A. Goytisolo, được Paco Ibanez hát, rất được ưa chuộng trên thế giới. Còn nổi tiếng như một nhà phê bình và dịch giả thơ Ý (Pavese, Pasolini, Quasimodo và Ungaretti). Ông có hai người em trai là những tiểu thuyết gia quan trọng của Tây-ban-nha hiện đại: Juan Goytisolo (1931) và Luis Goytisolo (1935). José Agustín Goytisolo mất tại Barcelona ngày 19. 3.1999.
 
 
 
16. JAIME GIL DE BIEDMA
(1929-1990)
 
 

ẤY THẾ LÀ

 
Ấy thế là ta có thể khai rằng mình là người.
Ấy thế là có thể nói Không.
Nói không thật dứt khoát và công khai cho hết thảy
và hết mọi lần ta có thể.
 
Ấy thế là sống thời quan trọng.
Ấy thế là quan trọng khi cả đến sức mạnh mù quáng
cũng cần tới và chiếm đoạt cuộc đời chúng ta,
những hành vi tối thiểu mà hết thảy thực hiện công khai, thường ngày.
 
Nhưng chớ nên quên bài học:
lúc nào cũng phải biết rằng trong mọi cử chỉ của chúng ta
có vùi chôn một vũ khí; phải biết rằng chúng ta hãy còn
sống. Và cuộc đời,
ấy thế là, vẫn còn có thể được.
 
(Companeros de viaje, 1959)
 
 
JAIME GIL DE BIEDMA sinh tại Barcelona năm 1929. Đã có sáu tập thơ kể từ 1959 đến 1975. Thơ ông được coi như «gần nhóm hiện thực (tiếng) Catalan». «Ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Một thứ thơ chậm rãi, thiên về suy tư.»
 
 
 
17. JOSÉ ANGEL VALENTE
(1929-2000)
 
 

THIÊN THẦN

 
Tôi đứng dậy,
tôi phủ lên mặt bàn một tấm thảm xanh
và tôi ngồi xuống để nhẹ nhàng bứt từng cánh
đóa hoa nhỏ này. Tất cả đã khởi sự như thế.
Tất cả trừ cái chết,
trừ cuộc đời,
tình yêu hay
thù oán.
Tất cả đã khởi sự như thế,
cái đam mê chết,
sống,
yêu, ghét.
Kẻ chơi bài ủ dột
vị thiên thần trước mặt tôi
với ánh sáng khủng khiếp,
thanh kiếm của ông,
sự thật xù xì nhám bén.
Tôi tôi chỉ có
một đóa hoa.
Tôi chơi với thiên thần
chơi có và không,
tôi chơi có và không,
chơi mãi mãi, chơi còn nữa.
Nhưng người biết rõ,
hỡi đối thủ ác độc,
tất cả các đòn của tôi.
Không có gì để lộ người,
ở cách tôi
một cái bàn
có tấm thảm xanh,
một bông hoa nhỏ,
tất cả cái chết.
Buổi tối thật dài lâu
Rốt cuộc người cho tôi một cái tên.
Tôi tôi có một bông hoa,
người một thanh gươm lửa. Tôi
tự do độc nhất mong mỏi chiến thắng của người.
 
(A modo de esperanza, 1955)
 
 

TÔI ĐÃ SỐNG MỘT TỰ DO KHÁC

 
Tôi đã sống một tự do khác,
tôi đã yêu mến nó bằng một cái tên khác.
Giữa
thèm khát và đối tượng của thèm khát có một thời gian
có thể giản lược vào hy vọng.
 
Những vách tường thời cao
để không nhìn thấy,
các tầng trời thời cao
để không nhìn thấy: giấc mơ
thật cao để không nhìn thấy
giấc mơ nào khác hơn là những gì đã mơ.
 
Hạt mầm rơi xuống và vùi lấp
cùng với nó là ánh mắt tròn
dành cho trái cây.
Bầu khí tràn ngập
quyền năng và chim chóc,
vỏ ốc mẹ
ngơi nghỉ sâu xa,
lời nguyện cầu đáp trả
và ánh sáng đã đầy.
 
Nhưng tôi không nói về anh, không nói
về những gì mình đã quên.
Cuộc đời có lẽ đã có thể tồn tại,
thành thật, ngang bằng như cuộc đời,
là hứa hẹn của một thần linh.
Và tất cả
có lẽ đã có thể là thức ăn ảm đạm
của một thần linh khác, của một giấc mơ khác.
 
(Poemas a Lázaro, 1960)
 
 

CÂY CẦU

 
Tôi đã kêu lên cùng người băng qua cây cầu
tăm tối: – Hãy dừng lại. Tôi đang ở
bên bờ cái chết.
 
Tôi đã gọi người
của đêm tối: – Hãy lắng nghe.
Nếu khí trời là niềm bí ẩn của một ánh sáng khác
có lẽ chúng ta có thể được cứu thoát.
 
Tôi đã nói cùng kẻ đi qua được bao phủ bằng một im lặng
xám: – Ngươi hãy chờ. Ta có thể cho ngươi cuộc đời.
 
Người nọ nghe tiếng bước chân mình
như một câu chuyện mà y có lẽ đã quên.
 
Gió cuốn tiếng nói đi.
Cây cầu trườn xuống những dòng nước.
(– Hãy dừng lại. Hãy lắng nghe. Hãy chờ.)
Người nọ đi qua,
và chiếc bóng của y và cây cầu và kẻ đã nói.
 
(La memoria y los signos, 1966)
 
 

NHÀ THƠ THỜI KHỐN CÙNG

 
Ông nói mau.
Ông nói mà không nghe cũng chẳng thấy hoặc nói.
Ông nói như kẻ bỏ trốn,
bị phục kích thật mau giữa những chùm lá giả
của thiện cảm và vô thực.
 
Ông nói không chấm câu và không những khoảng im lặng,
xen vào những lúc tạm ngừng những điệu bộ vui vẻ có tính toán
có lẽ để tránh cái câu hỏi lén lút,
sự liên đới với quá khứ của ông,
sự thật trần trụi của ông.
 
Ông nói như muốn xóa bỏ cuộc đời mình trước một người chứng làm ông ngượng ngập,
và vì thế bao quanh mình bằng những kẻ phụ thuộc
những kẻ bằng cặn bã của họ đã nuôi dưỡng
một hư danh thô tục.
 
Và như thế ông đã đổi lấy im lặng bằng một giá khắc nghiệt,
vị thế ổn định của ông bằng một giá khắc nghiệt,
quyền sống bằng một giá khắc nghiệt,
và bằng một giá khắc nghiệt, cơm bánh.
 
Chất kim cao quý mà chiếc búa có lẽ đã có thể rèn luyện
cho một chính nghĩa tinh khiết hơn.
Nhà thơ thời khốn cùng, thời dối trá và bất trung.
 
(La memoria y los signos, 1966)
 
 

TÌNH YÊU Ở TRONG NHỮNG GÌ CHÚNG TA PHÓNG RA

 
Tình yêu ở trong những gì chúng ta phóng ra
(những cây cầu, những lời nói).
 
Tình yêu ở trong tất cả những gì chúng ta cất lên
(những tiếng cười, những lá cờ).
 
Và ở trong những gì chúng ta đánh đổ
(đêm tối, sự trống rỗng)
vì tình yêu đích thực.
 
Tình yêu ở trong những gì chúng ta cất cao
(những ngọn tháp, những hẹn ước).
 
Trong tất cả những gì chúng ta thu lượm và gieo trồng
(con trẻ, tương lai).
 
Và trong đổ nát của những gì chúng ta hạ xuống
(sự tước đoạt, sự dối trá)
vì tình yêu đích thực.
 
(Breve son, 1968)
 
 

***

 
ĐỪNG ĐỂ CHẾT ĐI những nhà tiên tri già là vì họ đã cất tiếng nói chống lại sự soi mòn làm đui mù mắt chúng ta bằng những chất ốc-xít tăm tối, tiếng nói đến từ nơi hoang dã, con thú trụi trần từ nước bước ra để thiết lập một vương quốc của thơ ngây trong trắng, cơn thịnh nộ mà thế giới có cánh vươn ra, con chim bốc lửa của những sách khải huyền, những lời xưa cũ, những đô thị đã mất tích, buổi thức dậy của mặt trời như ân sủng đích thực trong bàn tay con người.
 
 
VÀNG MỎI MỆT quấn trong máu của những miền đất phương Nam. Những con chó lang thang đã tới giới hạn lạnh lẽo của những cơn gió để chết. Không ai còn cư ngụ nơi vô định. Rỉ sét. Không ai. Mặt trời đốt cháy những lớp thạch anh vàng trong lúc lao nhanh xuống. Kế đó, bóng tối tựa như một bó đuốc giá băng trên mọi con đường dẫn tới hư không. Niềm cô quạnh đói khát ngốn ngấu những hình thù. Im lặng cất lên trời vô cùng cự đại, như một tiếng hú lớn.
 
 
CẢNH TRÍ BỊ CHÌM NGẬP. Tôi đã bước vào em. Đã bước vào em chầm chậm. Tôi đã bước vào chân không và tôi không tìm thấy em. Tuy nhiên, em vẫn có đó. Em không nhìn thấy tôi. Chúng ta không còn ký hiệu để nói với nhau sự hiện diện chung của chúng ta. Gặp nhau như thế, đơn độc, không thấy nhau. Những cánh chim vàng. Sự trong sáng tuyệt đối của cận kề.
 
 
HỘI TỤ. Chiếc lá rơi xuống chiếc lá. Mưa xuống khắp khoảng minh mông của nước mắt.
 
 
KHI ÁNH NGÀY RƠI, bàn tay không hiển hiện của một vị thần xóa mi đi như cánh chim rơi xuống bóng tối dầy đặc nào ở bên kia bóng tối. Thế là, rốt cuộc, mi tiêu tan trong chính ánh mắt mi.
 
 
CHẬM RÃI NHỮNG VẦNG TRĂNG kế tiếp những vầng trăng, như ánh sáng nhường bước cho ánh sáng, ngày cho ngày, mí mắt dai dẳng cho giấc ngủ. Sống thật dễ. Bất an vì tồn tại sau những điều đã sống.
 
(No amanece el cantor, 1992)
 
 

***

 
Thế giới đôi khi đầy muộn phiền.
 
Những tủ gương với hình ảnh một đứa trẻ
trôi trong đêm tối.
                        Gió nức nở
như một con thú bị thương,
cô đơn dưới những đám mây.
Những bông huệ trắng mùa xuân
lúc này không ai còn nhớ tới được nữa.
                                             Đổ xuống
ào ạt dòng sông
mịt mù những bóng tối.
 
Những tảng đá. Mạn Bắc. Ở xa xa
vỡ tung ánh sáng, thật xa.
 
Chúng ta hãy bước tới thêm nữa.
 
 
JOSÉ ANGEL VALENTE (1929-2000), nhà thơ Tây-ban-nha, sinh tại Orense (Galicia) năm 1929. Từng dậy Tây-ban-ngữ tại đại học Oxford và làm việc lâu năm trong một tổ chức quốc tế ở Genève. «Thơ ông ở giữa triết lý và lịch sử, sâu sắc và mạnh mẽ nhất trong thế hệ của ông». Từ 1955 đến 1992, đã có mười ba thi phẩm được xuất bản; phần lớn in ở nước ngoài, trừ tác phẩm đầu tay. Còn là một dịch giả có tài (Hopkins, Montale, Cavafy). Giải Adonais về thơ, 1954.
 
 
 
18. ANTONIO GAMONEDA
(1931~)
 
 

ĐIỆU BUỒN CHO NGƯỜI CƠ ĐỐC

 
Ngày xưa, có những người ngồi hút thuốc
và chậm rãi ngắm đất.
Ngày xưa, có nhiều người ngồi hút thuốc
và dần dần hiểu đất.
Bây giờ ta không thể hút thuốc khi đêm xuống.
Bây giờ chẳng còn thuốc lẫn hy vọng.
 
Chắc chắn là trời và đất đã qua
và mọi căn nhà đều trống rỗng.
Chắc chắn là trời và đất đã qua
là vì mọi căn nhà đều trống rỗng.
Người mẹ không còn muốn trở lại với bếp lò.
Ở đây hết mọi người đều rất buồn.
 
Bây giờ Chúa sẽ tới với tấm ván dầy.
Người ta bảo rằng Chúa Ki-ri-xi-tô sẽ tới với tấm ván dầy.
ờ, thì người cứ tới với tấm ván dầy.
 
Khi Đức chúa Ki-ri-xi-tô tới với tấm ván dầy,
ta sẽ thấy tấm áo vét của người sờn cũ.
Khi Đức chúa Ki-ri-xi-tô tới sống giữa chúng ta,
cần phải coi trái tim người mỏi mệt.
 
Ở đây chả còn quyền uy nào khác ngoài đau đớn.
Phải, bạn ơi, chả có gì khác trên trái đất.
 
 

ĐIỆU BUỒN CỦA THANG LẦU

 
Một người đàn bà bước lên thang lầu
với một vạc đầy những muộn phiền.
Người đàn bà bước lên thang lầu
với chiếc vạc muộn phiền của mình.
 
Tôi đã gặp một người đàn bà trên thang lầu
bà nhìn xuống khi thấy tôi.
Tôi đã gặp người đàn bà với chiếc vạc của bà.
 
Tôi không còn được bình yên trên thang lầu.
 
(Blues castellano, 1982) [sáng tác vào 1961-1966].
 
 

MIÊU TẢ SỰ DỐI TRÁ

(trích)
 
Rỉ sét đậu lại trên lưỡi tôi như mùi vị của một sự mất tích.
 
Lãng quên xuyên suốt lưỡi tôi và tất cả cách xử sự của tôi chỉ còn là quên lãng,
 
và tôi không chấp nhận một giá trị nào khác hơn là sự không thể được.
 
Như một con tầu hóa đá trong một xứ mà biển đã lui xa,
 
tôi lắng nghe sự đầu hàng của xương tôi lắng xuống trong yên tịnh;
 
tôi lắng nghe sự bỏ trốn của côn trùng và sự co rút của chiếc bóng, trong lúc nó nhập vào những gì còn lại của tôi;
 
tôi lắng nghe mãi cho tới khi sự thật thôi hiện hữu trong không gian và trong đầu óc tôi,
 
và tôi không thể chịu đựng được sự hoàn hảo của im lặng.
 
(Descripción de la mentira, 1977)
 
 

***

 
Như một ngọn núi trên lưng hay một lưỡi dao
giữa hai hàm răng không kỷ niệm, hãy cho tôi.
Hãy cho tôi đêm tối không nụ cười,
không tinh tú và không đôi bàn tay yêu quý.
 
Hãy đem băng giá tới cho cuộc tình đang run rẩy này
như một bầu vú hay một tiếng be be ở giữa đôi tay
 
Hãy cho tôi những gì người muốn: cho tôi tảng đá này,
hay ổ bánh này, hay ngôi sao đã bị hủy hoại này.
 
(La tierra y los labios, 1947-1953; in lại trong Edad, 1987)
 
 

***

 
Đã có đôi bàn tay em.
 
Một hôm thế giới trở nên lặng lẽ;
cây cối, trên cao, sâu thẳm và uy nghi,
và chúng ta đã cảm thấy dưới da
chuyển động của đất.
 
Tay em êm dịu trong tay tôi
và tôi đã cảm thấy đồng thời trọng lực và ánh sáng,
và em đang sống trong tim tôi.
 
Tất cả đều là sự thật dưới hàng cây,
tất cả đều là sự thật. Tôi đã hiểu
mọi sự như người ta vẫn hiểu
một trái cây bằng miệng, một làn ánh sáng bằng đôi mắt.
 
(Exentos I, 1959-1960; in lại trong Edad, 1987)
 
 

***

 
Tôi biết rằng khúc ca độc nhất,
khúc ca xứng đáng duy nhất của mọi khúc ca xưa,
thơ độc nhất,
là thơ câm nín và bao giờ cũng yêu mến cõi đời này,
nỗi quạnh hiu này, nỗi quạnh hiu khiến ta dại cuồng và bóc trần ta.
 
(Exentos I, 1959-1960; in lại trong Edad, 1987)
 
 

HÀN THƯ

(trích)
 
Những con thú của im lặng tới, nhưng dưới làn da em bừng cháy bông mỹ nhân vàng, bông hoa của biển đối diện với những bức tường đã hóa đá vì gió và những giọt nước mắt.
 
Ấy sự bợn nhơ và lòng thương hại, của ăn của những thân xác bị trông đợi bỏ rơi.
 
(Libro del frío, 1993)
 
 
ANTONIO GAMONEDA, sinh tại Oviedo năm 1931 và sống tại León từ 1934. Giải Premio Nacional de Poesía, 1988. Tính theo năm tháng, ông thuộc «thế hệ những năm 50» nhưng ông lại chỉ mới được «khám phá» mới đây. Đã xuất bản bảy tập thơ từ 1960 đến 1993. «Hết sức nghiêm trang, buồn và đam mê, thừa hưởng nhiều của truyền thống Pháp, trường phái tượng trưng...», Gamoneda đã đạt «những đỉnh cao chưa ai từng sánh kịp» trong Descripción de la mentira ('Miêu tả sự dối trá, 1977) và là «một trong hai hay ba nhà thơ lớn của Tây-ban-nha ở nửa thế kỷ (XX) này ».
 
 
 
19. FRANCISCO BRINES
(1932)
 
 

TÔI BĂNG QUA NHỮNG CON ĐƯỜNG CỦA NÓ HÔM NAY

 
Nói về thành phố này nơi tôi cư ngụ
cả tinh thần lẫn thể xác
có lẽ là nói về quạnh hiu và nghèo khó.
Và có tiếng rì rào của gió, không ánh sáng,
nâng dậy những đợt sóng của ánh sáng (cuộc sống giả bộ
của những chiếc lá). Nơi sự yên nghỉ của đất
nằm sóng soài, thấm đượm cơn mưa,
vẻ đẹp của thế giới.
 
Trong thành phố cổ này, lâu đài của mùa thu,
cư ngụ những giấc mơ hào phóng của tình yêu,
và nhiệt tình của đầu óc;
từ bao thế kỷ chúng đặt ngọn lửa của chúng
trong thân xác những người trẻ tuổi.
Chúng thiêu đốt con tim họ sau những vách tường;
bên ngoài, lặng lẽ đêm bao vây
nhạc của mộng.
Tôi nói về thành phố này, và tôi đang nói
về quạnh hiu và nghèo khó.
Là vì tôi đang cư ngụ nơi nó.
 
Tôi đã băng qua những khu vườn của nó hôm nay, và vào giờ phút hãy còn sớm sủa
khi bầu trời đen tối này lại hạ thấp thêm nữa
để tắt đi một ánh mờ yếu ớt,
tôi đã khép cánh cửa nhà lại.
Thời khắc đã trôi qua thật lâu,
và tôi vẫn nhìn, với đôi mắt đớn đau,
những xó xỉnh âm u của hồn mình.
Đâu cả rồi những giấc mộng? Trán tôi
còn trẻ,
những ý nghĩ thật sống động, sôi nổi
và tăm tối là ánh mắt,
lưỡi
là một ngọn lửa ngôn từ, khói
trong trẻo là tiếng nói, và chưa bao giờ lồng ngực tôi
lại tuyệt vời đến thế,
lại tràn đầy tình yêu đến thế.
Tôi nói về tôi, và tôi đang nói
về quạnh hiu và nghèo khó.
 
 

NGẮM MÌNH TRONG KHÓI

 
Khi người nọ tựa cằm trên tay
và khép mắt lại để nhìn
làn khói đời mình,
y đã chỉ thấy một chuỗi kế tiếp những điệu bộ, những bước chân mỏi mệt,
những chiếc bóng và những chiếc bóng:
ở chốn xa xăm đó, ở một điểm của đời y, là một nỗi kinh hoàng
và, còn khủng khiếp hơn thế, là những niềm vui lúc này đã trở thành phù phiếm.
Nếu một vài chiếc bóng vẫn còn vật lộn để tìm lại
hình thù (với y những chiếc bóng ấy từng sống động hơn
là chính cuộc đời y),
thời trong trí nhớ y, thời gian đã quật ngã chúng.
 
Y mở đôi mắt rảo quanh căn buồng,
trời tối đêm.
Rồi y lại buông chiếc cằm mịt mù
xuống đổ nát của bàn tay.
Từ tất cả vệt bụi phù phiếm này
chỉ còn lại một nỗi đau,
nỗi đau, trong ngực y, đã bẻ gãy những xích xiềng của một con thú ngụt lửa.
 
Cuộc sống vẫn tiếp tục cắn xé,
trong lúc bóng tối buổi chiều lại
để tắt đi nỗi muộn phiền của y,
trọn cuộc đời y.
Và một luồng khí lướt vào xua đuổi làn khói.
 
(Palabras a la oscuridad, 1966)
 
 

LIÊN MINH TÔI CÒN LẠI

 
Làm sao trả lại cho đời tôi ánh sáng
ban mai, những giọt nước mắt ban đêm,
sự hãi hùng trước biển cả, những im lặng của con sáo,
thời gian của một buổi tối kéo dài không dứt?
 
Và làm sao hoàn trả những khác biệt của chúng
cho đớn đau và hạnh phúc,
và yêu mến cả hai thứ như nhau,
bởi chúng không phải vị mặn mà của cuộc sống đó sao?
 
Khi tuổi tác trở thành một cuộc chìm đắm,
khi ánh ngày là một cánh hoa,
và khi những bông hồng chẳng còn được bao nhiêu
khai quật thế giới là việc không thể được.
 
Mi hãy tìm cho mi hai con mắt, dĩ nhiên là trẻ,
và cùng với chúng khám phá ra thế giới mà mi đã mất.
Chúng nhìn mi, và thế giới này sẽ sống lại nơi mi.
 
(El otoño de las rosas, 1987)
 
 
FRANCISCO BRINES sinh tại Oliva (Valencia) năm 1932. Từng dạy đại học ở nước ngoài. Giải Premio Nacional de Poesía, 1986. «Lãng quên, hư vô và thời gian tàn phá...» có thể tìm thấy ở khắp nơi trong thơ ông. Ấy là một thứ thơ xuất phát từ kinh nghiệm, «từ một tình yêu sâu xa đối với cuộc sống». Đã xuất bản bảy tập thơ từ 1959 đến 1987.
 
(xin xem tiếp kỳ IV)
 
-----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021