thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [II]
Bản dịch Diễm Châu
 
Gửi người bạn trẻ yêu thơ:
      Đây không phải một tuyển tập Thơ Tây-ban-nha hiện đại được phiên dịch và sắp xếp có hệ thống... mà chỉ là một sưu tập thơ gồm những bài tôi đã lượm lặt đây đó, trên báo chương hay từ một vài tuyển tập thi ca Tây-ban-nha do người Pháp hoặc chính người Tây-ban-nha làm (Xin xem Poésie espagnole 1945-1990, bản dịch Claude de Frayssinet, UNESCO và nhà Actes Sud, 1995; hoặc La Poésie espagnole contemporaine, bản dịch Jacinto-Luis Guereña, Seghers, 1977,...) Số tác giả rất hạn chế và mỗi người cũng chỉ dịch được một vài bài, có khi chỉ vỏn vẹn có một bài thật ngắn, và như vậy là... không thể bao gồm tất cả những tiếng thơ tiêu biểu hoặc ngay cả những nét khác biệt của chỉ một nhà thơ. Thêm nữa, các tác giả mới xuất hiện trong những năm 1980, 90... có thể coi như hoàn toàn vắng bóng. Và ấy mới chỉ là một vài thiếu sót cần khắc phục...
      Tây-ban-nha là một xứ ở về phía Tây-Nam Âu châu, diện tích: 507 000 cây số vuông, dân số cho tới nay cũng chỉ suýt soát bốn mươi triệu người. Biến cố còn để lại nhiều hậu quả ở thế kỷ XX của Tây-ban-nha là cuộc nội chiến (1936-1939) giữa các lực lượng cộng hòa và phe Franco, đưa tới cái chết hoặc cảnh lưu đày của hằng ngàn nhà trí thức (trong đó có những nhà thơ lẫy lừng nhất của Tây-ban-nha) và sự thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt kéo dài cho tới ngày ông «caudillo» của xứ này nằm xuống... Trong bối cảnh ấy, người ta ghi nhận những tiếng thơ đáng kể của Tây-ban-nha hầu như khuyết vắng trong xứ suốt hai mươi năm hay hơn nữa, chỉ có một vài tên tuổi còn sót lại ở nước ngoài. Và phải đợi mãi tới những năm sáu mươi, thơ Tây-ban-nha mới thực sự «nở» lại...
      Trong cuốn Poesía española (1982-83), José Luis García Martín đề nghị sắp xếp các nhà thơ thành năm thế hệ: 1. Thế hệ 27 gồm những người sinh vào khoảng năm 1901; 2. Thế hệ thứ nhất thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1916; 3. Thế hệ thứ nhì thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1931; 4. Các nhà thơ «Novísimos» (mới nhất!)*: những người sinh vào khoảng năm 1946; và 5. Thế hệ trẻ: những người sinh vào khoảng 1961... Lại cũng có người quy tụ «những nhà thơ có tác phẩm xuất bản vào những năm 1950» trong «Nhóm 50» (hoặc trường Barcelona), nhưng ngay trong số những người thuộc «trường» này người ta lại thấy có người có tác phẩm xuất bản từ một vài năm... trước đó...
      Bạn có thể đọc các nhà thơ trong tập thơ này theo bất cứ thứ tự nào bạn muốn hoặc thích. Sau đây là «thứ tự» của họ theo năm sinh:
 
Juan Ramón JIMENEZ (1881-1958), Luis CERNUDA (1902-1963), Rafael ALBERTI (1902-1999), Blas de OTERO (1916-1979), José HIERRO (1922-2002), Vicente NUÑEZ (1923), Pablo GARCÍA BAENA (1923~), Carlos Edmundo de ORY (1923~), Angel GONZÁLEZ (1925~), José Manuel CABALLERO BONALD (1926~), Alfonso COSTAFREDA (1926-1974), Angel CRESPO (1926~), Luis JIMENEZ MARTOS (1926~), Enrique BADOSA (1927~), José Agustín GOYTISOLO (1928-1999), Jaime GIL DE BIEDMA (1929-1990), José Angel VALENTE (1929-2000), Antonio GAMONEDA (1931~), Francisco BRINES (1932~), Antonio MARTÍNEZ SARRIÓN (1939~), Pere GIMFERRER (1945~), Miguel D’ORS (1946~); Leopoldo María PANERO (1948~), Luis Alberto de CUENCA (1950~), James SILES (1951~), Andrés SÁNCHEZ ROBAYNA (1952~), José GUTIÉRREZ (1955~), Felipe BENÍTEZ REYES (1960~), Esperanza LÓPEZ PARADA (1962~) và Luisa CASTRO (1966~).
Diễm Châu
__________
 
* Danh hiệu này có lẽ đã khởi sự từ một tuyển tập của Josep María Castellet: Nueve novísimos poetas españoles (Chín nhà thơ Tây-ban-nha mới nhất, 1970). Trong số chín nhà «mới nhất» này đã có bốn nhà từ bỏ thơ để quay sang viết tiểu thuyết, có người rất thành công. (người dịch)
 
 
HÌNH VẼ CỦA F. GARCÍA LORCA
_____________________
 
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [II]
 
Bản dịch này để tặng Jean Reye và Nguyễn Lâm.
DC.
 
9. ANGEL GONZÁLEZ
(1925~)
 
 

ĐÂY, MADRID

 
Đây, Madrid, một ngàn chín trăm
năm mươi tư: một người đơn độc.
 
Một người đầy tháng Hai,
thèm khát những Chúa nhật sáng rỡ,
lần bước về tháng Ba,
về tháng Ba của gió và những chân trời
đỏ — và mùa xuân mới
 
đã ở biên giới của tháng Tư mưa... —
 
Đây, Madrid, giữa những xe điện đường
và những phản ánh, một người: một người đơn độc.
 
Kế đó tới tháng Năm và cả tháng Sáu,
rồi tháng Bảy và, cuối cùng, tháng Tám.
 
Một người với một năm chẳng để làm gì
trước sự ghê tởm của mình đối với tất cả.
 
 

TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ĐÓ CHẲNG LÀ Gì

 
Nếu như chúng ta có đủ sức mạnh
để siết chặt một mẩu gỗ,
có lẽ sẽ chỉ còn lại giữa đôi tay chúng ta
một chút đất.
Và nếu như chúng ta còn có sức mạnh hơn nữa
để đè bẹp với tất cả nghị lực của chúng ta
trái đất này, có lẽ chúng ta sẽ chỉ còn lại
giữa đôi tay một chút nước.
Và nếu như cũng có thể
nén chặt nước,
thời lúc đó giữa đôi tay chúng ta
có lẽ sẽ chẳng còn gì hết.
 
 

ĐÓ LÀ NHỮNG CÁNH HẢI ÂU, HỠI NGƯỜI TÔI YÊU DẤU

 
Đó là những cánh hải âu, hỡi người tôi yêu dấu.
Những cánh hải âu thật chậm rãi, thật cao.
 
Biển mùa đông. Làn nước xám
để lại một vệt lạnh trên đá tảng.
Đôi chân người, đôi chân người mềm mại,
làm dịu lại những đợt sóng.
Một bầu trời dơ bẩn đằm mình
dưới biển. Gió xóa đi
đường uốn lượn của những đồi
cát. Những vũng
muối và lạnh buồn bã
mô phỏng ánh sáng và bóng tối của người.
Kìa chúng đang kêu réo điều gì trên cao đó
mà người quá mải miết, người không lắng nghe.
 
Đó là những cánh hải âu, hỡi người tôi yêu dấu.
Những cánh hải âu thật chậm rãi, thật cao.
 
(Aspero mundo, 1956)
 
 

BÀI CA MÙA ĐÔNG VÀ MÙA HẠ

 
Khi mùa đông ở biển Bắc
ở Valparaiso là mùa hạ.
Những con tầu nổi hụ còi khi tiến vào cảng Bremen với những mảnh sương mù và đá băng ở đầu mũi,
trong lúc những tầu buồm lấp lánh kéo theo trên mặt Nam Thái bình dương những cô gái bơi lội xinh đẹp.
 
Những điều ấy xẩy ra cùng một lúc,
nhưng không bao giờ cùng ngày.
 
Là vì khi rạng ngày ở biển Bắc
– những đám sương mù và bóng tối thấm hút
những gì còn lại của ánh sáng dơ –
trời ở Valparaiso đã vào đêm
– các vì sao sáng chói phóng những tia nhọn hoắt
xuống những lớp sóng đã ngủ yên.
 
Làm sao có thể hoài nghi rằng chúng ta đã yêu nhau,
rằng kỷ niệm của người vẫn tiếp tục theo đuổi tôi
và tiếng tôi vẫn tìm kiếm người — ở phía sau,
thật gần, là đôi môi tôi.
Chúng ta đã yêu nhau, thật vậy, và tôi biết đã bao nhiêu
là: mùa xuân, mùa hạ, mặt trời, mặt trăng.
 
Nhưng không bao giờ cùng ngày.
 
(Tratado de urbanismo, 1967)
 
 

BÀI CA ĐỂ CA MỘT BÀI CA

 
Điệu nhạc đó...
Đeo đẳng, khiến ta đau
trong hồn mình.
Điệu nhạc đó có lẽ tới từ một thời
xa xưa, từ một thời kỳ không thể được
đã vĩnh viễn mất đi.
Điệu nhạc đó đã vượt qua hạn giới
của âm nhạc. Điệu nhạc đó có thể chất,
mùi thơm, tựa như bụi của một chút gì
không thể định nghĩa, của một kỷ niệm
chưa từng sống,
của một nỗi đợi trông mơ hồ không thể thực hiện.
Điệu nhạc đó có tên thật giản dị:
bài ca.
 
Nhưng không phải chỉ là thế.
 
Mà còn là nỗi buồn.
 
(Palabra sobre palabra, 1968)
 
 
ANGEL GONZÁLEZ sinh tại Oviedo năm 1925. Học luật ở đại học. Sau khi giữ những chức vụ hành chính, đã bỏ ra nước ngoài. Từng nói: «Tôi tin ở một thứ thơ làm từ con người và vì con người, triệt để dấn thân trong thời gian và trong Lịch sử.» Thơ ông «luôn luôn nối kết với thế giới của những điều có thật, giản dị, trực tiếp.» Từ 1956 đến 1985 đã có bảy tập thơ được xuất bản.
 
 
 
10. JOSÉ MANUEL CABALLERO BONALD
(1926~)
 
 

TRÍCH ĐOẠN SÁNG THẾ KÝ

 
Qua những khung cửa sổ, qua những ổ
khóa và những rễ cây,
qua những lỗ hút và những kẽ nứt,
qua những khe hở bên dưới những cánh cửa,
đêm  bước vào.
 
Đêm bước vào như một tội ác
trong bọt sóng của cuộc đời
nó rảo khắp các phòng bệnh viện,
các buồng thanh lâu
các giáo đường, phòng khuê, buồng nhỏ, chòi con,
và ở những khóe môi
đêm cũng vào nữa.
 
Đêm bước vào như một khối
biển rỗng và hang động,
nó tràn ra trên những mép bờ
của rượu và mất ngủ,
nó gặm tay người bệnh
và con tim kẻ hành khất,
và nơi màu trắng của trang giấy
đêm cũng vào nữa.
 
Đêm bước vào như một cơn choáng
nơi thành phố bị bất chợt
nó leo lên thang lầu và những cạnh sườn
nó bò sau kẻ hèn nhát,
làm đui mù vôi và những lưỡi dao,
và trong tiếng ồn ào của ngôn từ
đêm cũng vào nữa.
 
Đêm bước vào như một tiếng kêu
trong im lặng của những bức vách
nó truyền đi những kinh hoàng và canh thức,
nó rung lên nơi thâm sâu của đá tảng,
để lại cơn tuyết băng dầy đặc
giữa những thân xác đang yêu nhau,
và trên manh giấy viết nguệch ngoạc
đêm cũng vào nữa.
 
(Las adivinaciones, 1952)
 
 

LỜI TIÊN TRI CỦA TÔI, ĐÓ LÀ KÝ ỨC TÔI

 
Tôi trở lại căn buồng nơi tôi có một mình
đêm đêm, kho chứa những ngày
đã chìm đắm tiêu tan trong tấm gương không thể hàn gắn.
Ở đó, giữa những chứng từ được cột chặt,
cuộc đời tôi nằm bất động, cùng đống giấy tờ
với định mệnh bất trắc.
                                     Gỗ
ánh đèn rung rung, đồ pha lê
đầy ảo tưởng, những chức phận
mong manh của đồ đạc, bảo tồn
giữa những điều thô sơ của chúng con nước ròng
không thôi những năm tháng của tôi, độ dầy
bền dai của ký ức tôi, tất cả
sự tràn tới đồng thời
của những con số và những giấc mơ công hãm tôi.
 
Ấy thế giới có thể thu hồi, cái đã sống
đông đặc lại và thấm nhiễm qua những bức vách
nơi thế giới suy tàn tái sinh.
Những luồng gió tái tạo của lịch sử
thu thập lại tương lai tức là tôi. (Ôi căn buồng
trong bóng tối, đột nhiên sáng mờ
dưới ngọn đèn hiệu của thời nguyền rủa.)
Những vệt ánh sáng còn âm vang ở nơi xa trong đêm tối.
Tôi có một mình và đôi bàn tay tôi
rốt cuộc bị phủ nhận, rồi tự hiến,
chạm tới đám giấy tờ (cuộc tình này, giấc
mơ này), những hình bóng đã quên, những dự đoán
đã mất. Ở đó, cuộc đời tôi từng cơn,
ký ức xuyên qua tôi mỗi ngày.
Hình ảnh cuối cùng của sự tận diệt tôi,
mọi sự đã chết lại được thực hiện cách khác.
Lời tiên tri của tôi, đó là ký ức tôi:
hy vọng của tôi được là những gì mình đã từng là.
 
(Memoria de poco tiempo, 1954)
 
 

MỘT CUỐN SÁCH, MỘT LY RƯỢU, KHÔNG GÌ HẾT

 
Đêm đêm tôi bỏ lại
nỗi cô quạnh nơi sách vở, tôi mở
cánh cửa những lời sấm,
tôi đốt cháy hồn tôi nơi ngọn lửa
của tác giả những bài thánh vịnh.
                                        
                                                Ôi cái ý muốn
của hiểm nguy trái nghịch này đã gọi dậy tôi,
và phá tan sự thèm khát sống
thật rực rỡ của ngôn từ.
 
Đêm đêm tôi đã sống vô ích
nỗi thất vọng trong ngày, tôi thu hồi
những giờ phút đã chết của tự do mình,
tôi là thế dẫu tôi đã từng thế.
 
(Một bàn tay lãng quên trên giường
xé toang những giấy tờ, hỏa thiêu
những đổ nát của giấc mơ tôi.)
 
                                             Ôi sở hữu
mà không có một ai, tại sao
biết bao trang hão huyền, biết bao
bài ngợi ca trống rỗng? Hãy nhìn
chung quanh mi, còn lại gì? Chúng ta
thật đơn độc: tất cả
cuộc đời chứa đựng giữa thực tế
và mộng mơ. Ở đây
Sự ương ngạnh của tôi chính là hạnh phúc của tôi:
một cuốn sách, một ly rượu, không gì hết.
 
(Las horas muertas, 1959)
 
 

CÓ LẼ TÔI SẼ CHẲNG BAO GIỜ CHẤM DỨT

 
Bây giờ
có lẽ tôi có thể nói hết
những gì tôi nghĩ,
những gì người ta đã không bao giờ
cho phép tôi được biết: tôi đã là đứa trẻ
ở giữa những rào thép gai,
tôi đã lớn lên chầm chậm và đơn độc, tôi cũng đã học
im lặng, tôi đã sinh ra
cho sự sống, tôi vẫn đặt
tự do của mình lên trên
năm tháng đời tôi.
 
Thời gian và khoảng cách, bây giờ
tất cả đều hòa lộn,
len vào
như một bình pha lê máu
giữa tuổi thơ tôi.
Tôi trở về xứ
nơi tôi đã không thể sống,
tôi xua đuổi bóng tối
những ngày
đã khắc ghi lên tôi
vĩnh viễn
cái dấu tích đối nghịch
với bình yên, tôi đặt
tất cả những gì là niềm vui còn lại
nơi ngôi nhà bị lăng mạ
của anh tôi.
 
Có lẽ tôi có thể nói
và có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Chẳng
bao giờ chấm dứt.
 
(Vivir para contarlo, 1969)
 
 
JOSÉ MANUEL CABALLERO BONALD sinh tại Jerez de la Frontera năm 1926. Từng sống ở nước ngoài trước khi trở lại Tây-ban-nha. Từ 1952 đến 1993, đã có bảy tập thơ được xuất bản. Caballero Bonald còn viết tùy bút và tiểu thuyết.
 
 
 
11. ALFONSO COSTAFREDA
(1926-1974)
 
 

CON NGƯỜI NGUYÊN SƠ

 
Tôi sống trên trái đất,
tôi cảm thấy nó trên mắt tôi và trên tay tôi,
và tôi biết rằng thân xác tôi, như cái cây hay ngọn núi,
chỉ là đất kéo dài.
 
Tôi đưa mắt rảo khắp các nẻo đường
trong khi chờ đợi con mồi:
con thú sẽ là thức nuôi tôi,
hay người đàn bà sẽ hiến tôi khoái lạc và con trẻ.
 
Tôi đấu tranh cho đồng loại, tôi ăn và tôi ngủ;
thường xuyên, tôi hay một người trong chúng tôi
gìn giữ lửa.
 
Tôi trở thành điên dại và tôi la thét, tôi sợ
khi mặt đất và không khí,
trong những cơn bão tố cuồng nộ hay những rung chuyển sâu xa,
nổi cơn điên.
 
Nếu một người bạn chết, tôi đau khổ vì tôi mất, cùng với tình bạn của anh,
cái cử chỉ mãnh liệt của anh khi liên kết cánh tay anh với cánh tay tôi,
nhưng tôi tự nhủ, và điều ấy làm tôi vui,
rằng thế là bớt đi một kẻ lao đầu vào cuộc tranh đấu.
 
 

NGƯỜI ĐÀN BÀ

 
                                        tặng Luciana Salvagni
 
Trong khoảnh khắc này chỉ có người hiện hữu.
Hào phóng, ánh sáng tập trung vào những đường biên của người,
vì người, không gian ở chung quanh tắt đi.
Người những ánh đèn, và chúng tôi không khí cho ánh sáng của người.
Người thân xác; người đời sống; người thực phẩm;
chúng tôi, những giác quan cho thân xác người,
những cuộc đời lao sâu vào cuộc đời người, bị cuộc đời người xóa đi,
được thực phẩm người nuôi dưỡng.
 
Người, cội cây màu trắng, những trái cây trắng,
mà dẫu có chết đi ta vẫn đạt tới toàn vẹn.
Cho làn da trắng của người, trên dòng sông nhựa sống, phập phồng,
đôi bàn tay chúng tôi là, chúng tôi là
những bến bờ ham hố và tăm tối.
 
Trong khoảnh khắc này chỉ có mình người hiện hữu.
Người sống, biểu thị, gây âu lo, hiến lạc thú.
Người là hình thức, nước, máu và ngôn từ.
Tất cả những gì còn lại, tất cả mọi người: vũ trụ đói khát, đói khát người
và im lặng.
 
(Nuestra elegía, 1949)
 
 

NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG CỦA HÔM NAY

 
Hỡi người bạn đường của hôm nay, tôi không muốn
một sự thật nào khác hơn là sự thật của em, sống
nơi mắt em sẽ mở ra,
hiến dâng ánh sáng của em, ngọn triều của em
cho những gì tôi nhìn thấy và cảm thấy...
 
Tháo gỡ búp sợi
tăm tối này của kinh hoàng,
tìm lại vật đã mất,
đập nát tiếng nói của mộng mị...
 
Và chậm chạp, chầm chậm
học lại cách sống,
thêm nữa thêm nữa
như một buổi mai
trĩu nặng phong nhiêu.
 
 

CÁC TỪ

 
                            tặng José Angel Valente
 
Những viên đá quý dành cho ý nghĩa,
những hạt kim cương của thực tại.
 
Được mơ tới, chúng mất ánh ngời,
sự thật sáng rỡ của chúng.
 
Các từ sống động, kẻ nào biết chăm sóc
sẽ đạt tới chúng.
 
 

TRÊN NHỮNG GÌ YÊU QUÝ NHẤT CỦA TÔI

 
Lề luật của người và quyền năng của người lấn lướt
trên những gì yêu quý nhất của tôi, trên những gì thuộc về tôi.
Biết bao năm, xa rồi,
có ai đó không phải tôi đã hiến người
xâu chìa khóa bí ẩn nhất của nơi tôi ở.
Người đã giữ chúng, và tới nay
vẫn chưa có ai đòi lại.
 
... Bỗng dưng chỗi dậy những ngọn lửa hãi hùng
ở bên trong tim tôi những đêm
lạnh lẽo này:
khi người tới với bước chân phớt nhẹ,
khi phũ phàng người khiến tôi phải khuất phục người.
 
 

SÔNG SEINE

 
Dưới những cây cầu của Paris tôi đã thấy
nước chảy êm đềm
nhã nhặn uốn sống lưng
hướng tới lặng lẽ.
 
Và thế đó trí nhớ tôi bướng bỉnh
đổ tràn lên trái tim
đủ mọi nỗi muộn phiền.
Tôi sẽ chẳng có gì hết.
Trong hết thảy những giấc mơ của chúng ta
chỉ còn lại thèm khát.
Gió không cùng, a! cuộc đời chúng ta.
Cơn choáng đã khởi sự
và không còn chấm dứt.
 
Dưới cây cầu này của Paris trôi trôi,
không gió cũng chẳng con đường nào lầm lạc,
những dòng nước chậm rãi, thật ý thức
hướng về biển.
 
 

ĐÊM ĐÊM

 
Đêm đêm trong ký ức nồng cháy,
cội cây mộng mị dường như cao hơn,
như thể của cuộc đời chúng ta em nắm giữ được ngọn lửa,
sức mạnh của một lò than hồng.
 
Biết bao lần
là người tù và con tin của thế giới không thực này,
với biết bao là hy vọng hôm nay tôi nhìn thấy đường viền trong trẻo
của ánh ngày, thực tại của một khoảnh khắc,
với biết bao là ham hố, với biết bao là nhiệt tình tôi phân biệt
tiếng nói, bàn tay, làn ngực.
 
 

ĐỂ VIẾT

 
Để viết ngày lại ngày mi đã bỏ trốn
cùng với tiếng lao xao, cùng với biển chưa hoàn tất.
Những mỏm đất cao đầy bóng tối đã không thể
khiến mi lạc hướng hoặc buộc mi im lặng.
 
Như thế đó những tình cảm mãnh liệt
đã được biện minh, và những hành động,
những diễn từ, niềm đam mê không thể dập tắt
sẽ không chết... Mi sẽ sống cùng với chúng.
 
Mi sẽ đặt vào chất liệu làm mi bận bịu
mảnh đời đang lụi tàn này, hơi thở và cảm giác.
Niềm tin của con người giữa những từ trơ trơ bất động,
ánh sáng của con người trong muôn thủa chờ trông.
 
(Compañera de hoy, 1966)
 
 

BỐN MƯƠI MÙA ĐÔNG

 
Một lần nữa cổ họng tôi
lại tìm kiếm hơi thở,
chuyến tầu điện ban đêm
vang vang như một tiếng trống,
tôi có thể đếm được ở đây
hơn bốn mươi mùa đông.
 
Xin thương xót, tôi đặt mình xuống
cả hai chân lẫn hai tay,
tôi vẽ những chiếc bóng, hạ những vách tường.
Tôi sẽ giả điên thêm
bốn mươi mùa đông nữa
những mùa đông mà không ai bắt buộc tôi phải sống.
 
 

CUỐN SÁCH

 
Cuốn sách này không có.
Thật phi lý, những trang này
những trang cư ngụ nơi trống không. Tôi nhớ
— liên tưởng ở đây không phải là dễ —
tới con chim hốt hoảng
con chim bay rồi lại bay trên biển
mà không thể nào hay không biết cách đậu;
nó xoay trong chân không,
nó bay trong chính nó.
Từ ngữ phải chăng là cuộc sống hay chính chúng gây trở ngại cho cuộc sống?
 
 

MORANDI

 
Tôi nhìn thấy ở chiếc chai này
màu lục đậm
và nỗ lực của con người
để gắn vào đó
một mảnh tin thật thương cảm và vắn tắt.
 
Tranh tĩnh vật,
chân dung của mình.
 
 

MỘT VẾT THƯƠNG ĐÃ NẨY SINH

 
Bảy đêm tình ái
đã kéo dài bảy cuộc đời,
con người đã lẫn đêm với ngày,
ngày với cảm giác dịu êm
là thân xác chẳng phải của mình cũng chẳng phải của em.
Trong trung tâm dai dẳng, thống ngự và kiêu hãnh,
một vết thương đã nẩy sinh
từ thân xác em hay thân xác tôi, ở đó nơi đẫm máu
ngọn giáo đã nghiêng
không phải về cuộc đời,
mà về ngọn lửa và cái chết qua bảy cạnh sườn.
 
 

ĐÓ LÀ CÁCH SỐNG DUY NHẤT

 
Để đạt tới tự do, mi đừng ngần ngại
lìa xa hết thảy, hết mọi người.
Cuộc sống có lẽ tự biết mình ở bên vực thẳm.
                      Mi sẽ mất tất cả,
và ngay như mi có mất chính bản thân mi,
mi sẽ là kẻ bị chìm đắm, và ánh ngày.
 
(Suicidio y otras muertes, 1974)
 
 
ALFONSO COSTAFREDA sinh tại Tárrega năm 1926, tự sát vào năm 1974. Đã có ba tập thơ xuất bản từ 1949 đến 1974. Thơ toàn tập in năm 1990. Ông đã muốn là một nhà thơ đích thực, sống cho thơ, và đã tách rời các trào lưu thơ của thế hệ ông. Ông là «một nhà thơ bi quan nhưng có lối viết nồng nàn, sáng rỡ»; thơ ông nhuốm màu «đau khổ, cô đơn và nỗi khó khăn của hiện hữu...».
 
 
 
12. ANGEL CRESPO
(1926~)
 
 

NHỮNG VẬT NHỎ MỌN

 
Những chi tiết nho nhỏ trong nhà:
sợi chỉ bỏ lại trên chiếc khăn bàn,
cây diêm trên mặt đất,
chút tàn tro
còn vương trên sàn đá hình thù mảnh khảnh,
vành móng tay đã cắt của đứa nhỏ
bên cạnh chiếc giầy,
gây thích thú cho những con mắt thật hồn nhiên
thâu thập hình ảnh của những vật vô dụng.
 
Ta yêu bà mẹ hơn vì sợi chỉ,
ta nhớ tới cha
vì cây diêm và chút tàn thuốc,
và đứa trẻ vì vành móng tay và chiếc giầy.
 
Những vật nhỏ mọn được quét đi
mà không ai thu lượm nữa,
thế nhưng lại cực kỳ quan trọng, nhắc nhở chúng ta
những buồn chán nho nhỏ của cuộc đời
và những lạc thú thảm thương thật nhỏ.
 
(Quedan señales, 1953)
 
 

ĐỜI SỐNG CỦA BÀI THƠ

 
Để bảo toàn một bài thơ
cần phải phơi nó ra mưa gió,
nhất là khi trời mưa đá
tốt hơn là khi trời chỉ mưa.
 
Không nên để nó giữa bông gòn
trong rương tráp hay trong hộp:
tốt hơn nên ở bên vỉa hè,
phải bỏ mặc nó trên mặt đường.
 
Thay vì bước xuống phố
và đặt nó trên mặt lộ,
cần phải mở to những cửa sổ
và liệng nó ra đừng sợ.
 
Nếu, quả thực nó là một bài thơ
chứ không phải một bông hoa lạnh lẽo,
ta có thể thu hồi nó lại
từ giữa những vòng bánh xe cán nát nó.
 
Và lúc ấy ta sẽ cảm thấy
những gì tay anh thường cảm thấy:
một điều gì đó
vừa phi thường vừa mong manh.
 
(En medio del camino, 1971)
 
 
ANGEL CRESPO sinh tại Ciudad Real năm 1926. Từng sống ở Madrid và nước ngoài. Từ 1950 đến 1971 đã có tám thi phẩm được xuất bản.
 
 
 
13. LUIS JIMENEZ MARTOS
(1926~)
 
 

NHẦM LẪN VÀ SỰ THẬT

 
Với tôi con mắt đôi khi trở thành bàn tay;
đất đôi khi trở thành nước;
giữa điều tôi nghe và điều tôi thấy di chuyển
những sự vật khác không phải là thấy hoặc nghe;
sự hoài nghi đôi khi trở thành tiếng cười
(tiếng cười tựa những hũ kinh hoàng);
có thể là tôi nói xanh lục và ấy chính màu vàng,
nhưng trước tình yêu tôi không khi nào nhầm lẫn,
và trước bốn phương cũng thế: phương Nam.
 
(Encuentro con Ulises, 1969)
 
 
LUIS JIMENEZ MARTOS sinh tại Cordoue năm 1926. Sau khi học Luật ở đại học, ông theo đuổi nghề văn. Từ 1956, cư ngụ tại Madrid, điều khiển một tủ sách thơ và viết phê bình thơ. Đã có bốn thi phẩm được xuất bản từ 1963 đến 1976.
 
 
 
14. ENRIQUE BADOSA
(1927~)
 
 

HIỆN DIỆN

 
Nơi đây sẽ phải im lặng
những kẻ tin rằng mình tự do chết
và những kẻ sống như chết.
Trong trắng, những bàn tay sẵn sàng với ánh sáng!
Ánh sáng được gìn giữ ở đây thật đáng ghi nhớ
cho chúng ta: nó buộc chúng ta
phải có một ánh sáng lớn hơn.
Tôi đã tới những khoảng không gian này
của thành phố chằng chịt
những lằn biển,
tôi đã tới để học biết
nghề làm người tự do giữa những người tự do,
nghề sống giữa những kẻ đã chết.
 
 

MỘT NGÀY KIA, ĐÊM KHÔNG THỂ TRÁNH...

 
Một ngày kia, đêm không thể tránh
sẽ mở những hành lang nhỏ hẹp,
sẽ quét vôi sống lên những cánh cửa ra vào và cửa sổ,
sẽ tắt đi ánh sáng.
Nơi hết thảy những ánh mắt, những tấm gương
sẽ đột nhiên vỡ. Đừng động tới chúng.
Ta sẽ phải sẵn sàng đối phó với những gì xảy ra,
và nỗi lo sợ đối với mọi sự sẽ lớn biết bao.
Ta sẽ có một im lặng của nước tù
nơi cả đến chính tên tuổi của chúng ta cũng sẽ bị quên đi,
ở lại đơn độc sẽ là chuyện vĩnh viễn,
và ai sẽ có những từ cho lúc đó.
Ngay lúc này chúng ta hãy làm việc để chuẩn bị thời gian
của biết bao đòi hỏi nọ.
Bạn và tôi chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm cái từ
có thể dùng để qua đêm tối ấy.
 
 

BÀI HỌC CÁCH TRÍ

 
Cơm bánh là quyền hạn hằng ngày
của kẻ lam làm và nói sự thật,
rượu nho là hiểu biết của những kẻ thận trọng
tuân theo những «giới luật» của mộng mơ,
trời là giấy nơi ta
bao giờ cũng tự tay viết và viết chữ «tự do»,
biển là cơn khát thật tươi mát thanh khiết hóa
đôi môi mỏi mệt vì im lặng của ta,
đất là dịp sống mạnh
chống lại những kẻ tự chối bỏ bình yên,
và tình yêu là đất, là cơm bánh và rượu,
là trời, là biển và một chút lòng nhân.
 
 

MỘT PHÚT IM LẶNG

 
Cho những kẻ phá vỡ những cây thập tự bằng tro,
cho những kẻ thiêu hủy những pho sách đích thực,
cho những kẻ bịt miệng thiên hạ và tra tấn,
và dựng những bức tường nghĩa địa,
cho những kẻ hủy hoại đất trồng cấy,
cho những kẻ hệ thống hóa lưu đày,
cho những kẻ trĩu nặng buồn bã,
và cho những kẻ tán dương bắt bớ giam cầm,
cho những kẻ huênh hoang tên mình vĩ đại,
cho những kẻ không bao giờ lắng nghe im lặng,
cho những kẻ chỉ nghĩ tới chính bản thân,
cho những kẻ chẳng biết rằng mình đã chết.
 
 

LỜI BUỘC TỘI CỦA CÔNG CHÚNG

 
Cần phải biết rằng chúng tôi không phải đã chết hết,
rằng chúng tôi hít thở một bầu khí không còn máu,
rằng chúng tôi nói không và chống lại
nghi thức đòn vọt của bạo lực,
rằng đêm đêm chúng tôi sơn phết những cánh cửa nhà
bằng những sắc màu táo bạo nhất,
rằng chúng tôi đào một đường hầm hy vọng
và lưu tồn vĩnh viễn những tên tuổi cần thiết,
rằng chúng tôi còn trở thành đá vào thời tiết xấu,
bởi chúng tôi cần những tảng đá đam mê
để khắc lên những lời cách ngôn
và nhờ đó trả lại công bằng và giải thoát chúng tôi.
 
(Historias en Venecia, 1971)
 
 
ENRIQUE BADOSA sinh tại Barcelona năm 1927. Cử nhân Văn chương tại thành phố này. Làm thơ và làm nhật báo. Từ 1956 đến 1971 đã xuất bản năm thi phẩm. Những bài trên trích trong tập Chuyện ở thành phố Venise, 1971.
 
(xin xem tiếp kỳ III)
 
-----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021