thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [I]
Bản dịch Diễm Châu
 
Gửi người bạn trẻ yêu thơ:
      Đây không phải một tuyển tập Thơ Tây-ban-nha hiện đại được phiên dịch và sắp xếp có hệ thống... mà chỉ là một sưu tập thơ gồm những bài tôi đã lượm lặt đây đó, trên báo chương hay từ một vài tuyển tập thi ca Tây-ban-nha do người Pháp hoặc chính người Tây-ban-nha làm (Xin xem Poésie espagnole 1945-1990, bản dịch Claude de Frayssinet, UNESCO và nhà Actes Sud, 1995; hoặc La Poésie espagnole contemporaine, bản dịch Jacinto-Luis Guereña, Seghers, 1977,...) Số tác giả rất hạn chế và mỗi người cũng chỉ dịch được một vài bài, có khi chỉ vỏn vẹn có một bài thật ngắn, và như vậy là... không thể bao gồm tất cả những tiếng thơ tiêu biểu hoặc ngay cả những nét khác biệt của chỉ một nhà thơ. Thêm nữa, các tác giả mới xuất hiện trong những năm 1980, 90... có thể coi như hoàn toàn vắng bóng. Và ấy mới chỉ là một vài thiếu sót cần khắc phục...
      Tây-ban-nha là một xứ ở về phía Tây-Nam Âu châu, diện tích: 507 000 cây số vuông, dân số cho tới nay cũng chỉ suýt soát bốn mươi triệu người. Biến cố còn để lại nhiều hậu quả ở thế kỷ XX của Tây-ban-nha là cuộc nội chiến (1936-1939) giữa các lực lượng cộng hòa và phe Franco, đưa tới cái chết hoặc cảnh lưu đày của hằng ngàn nhà trí thức (trong đó có những nhà thơ lẫy lừng nhất của Tây-ban-nha) và sự thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt kéo dài cho tới ngày ông «caudillo» của xứ này nằm xuống... Trong bối cảnh ấy, người ta ghi nhận những tiếng thơ đáng kể của Tây-ban-nha hầu như khuyết vắng trong xứ suốt hai mươi năm hay hơn nữa, chỉ có một vài tên tuổi còn sót lại ở nước ngoài. Và phải đợi mãi tới những năm sáu mươi, thơ Tây-ban-nha mới thực sự «nở» lại...
      Trong cuốn Poesía española (1982-83), José Luis García Martín đề nghị sắp xếp các nhà thơ thành năm thế hệ: 1. Thế hệ 27 gồm những người sinh vào khoảng năm 1901; 2. Thế hệ thứ nhất thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1916; 3. Thế hệ thứ nhì thời hậu chiến, gồm những người sinh vào khoảng năm 1931; 4. Các nhà thơ «Novísimos» (mới nhất!)*: những người sinh vào khoảng năm 1946; và 5. Thế hệ trẻ: những người sinh vào khoảng 1961... Lại cũng có người quy tụ «những nhà thơ có tác phẩm xuất bản vào những năm 1950» trong «Nhóm 50» (hoặc trường Barcelona), nhưng ngay trong số những người thuộc «trường» này người ta lại thấy có người có tác phẩm xuất bản từ một vài năm... trước đó...
      Bạn có thể đọc các nhà thơ trong tập thơ này theo bất cứ thứ tự nào bạn muốn hoặc thích. Sau đây là «thứ tự» của họ theo năm sinh:
 
Juan Ramón JIMENEZ (1881-1958), Luis CERNUDA (1902-1963), Rafael ALBERTI (1902-1999), Blas de OTERO (1916-1979), José HIERRO (1922-2002), Vicente NUÑEZ (1923), Pablo GARCÍA BAENA (1923~), Carlos Edmundo de ORY (1923~), Angel GONZÁLEZ (1925~), José Manuel CABALLERO BONALD (1926~), Alfonso COSTAFREDA (1926-1974), Angel CRESPO (1926~), Luis JIMENEZ MARTOS (1926~), Enrique BADOSA (1927~), José Agustín GOYTISOLO (1928-1999), Jaime GIL DE BIEDMA (1929-1990), José Angel VALENTE (1929-2000), Antonio GAMONEDA (1931~), Francisco BRINES (1932~), Antonio MARTÍNEZ SARRIÓN (1939~), Pere GIMFERRER (1945~), Miguel D’ORS (1946~); Leopoldo María PANERO (1948~), Luis Alberto de CUENCA (1950~), James SILES (1951~), Andrés SÁNCHEZ ROBAYNA (1952~), José GUTIÉRREZ (1955~), Felipe BENÍTEZ REYES (1960~), Esperanza LÓPEZ PARADA (1962~) và Luisa CASTRO (1966~).
Diễm Châu
__________
 
* Danh hiệu này có lẽ đã khởi sự từ một tuyển tập của Josep María Castellet: Nueve novísimos poetas españoles (Chín nhà thơ Tây-ban-nha mới nhất, 1970). Trong số chín nhà «mới nhất» này đã có bốn nhà từ bỏ thơ để quay sang viết tiểu thuyết, có người rất thành công. (người dịch)
 
 
HÌNH VẼ CỦA F. GARCÍA LORCA
_____________________
 
BA MƯƠI HAI NHÀ THƠ TÂY-BAN-NHA [I]
 
Bản dịch này để tặng Jean Reye và Nguyễn Lâm.
DC.
 
1. JUAN RAMÓN JIMENEZ
(1881-1958)
 
 

TỔ QUỐC

 
Từ đâu tới một chiếc lá
trong suốt ánh mặt trời?
«Từ đâu tới một vầng trán
nghĩ suy, một con tim khao khát?»
Từ đâu tới một dòng thác
hát ca?
 
 
JUAN RAMÓN JIMENEZ (1881-1958), sinh tại Moguer (Huelva), Nobel Văn chương 1956. Mất tại Porto-Rico nơi ông sống lưu đày từ 1936.
 
 
 
2. LUIS CERNUDA
(1902-1963)
 
 

Ở GIỮA ĐÁM ĐÔNG

 
Ở giữa đám đông tôi đã thấy người đi qua, với đôi mắt cũng hoe vàng như mái tóc. Người đã bước, rẽ không khí và những thân xác; một người đàn bà quỳ gối trên lối người đi qua. Tôi cảm thấy như máu trút ra khỏi những đường mạch của mình từng giọt lại từng giọt.
 
Trống vắng, tôi bước đi không mục đích trong thành phố. Những kẻ xa lạ bước qua bên cạnh tôi không thấy tôi. Một tấm thân đâm bổ tới với một tiếng thì thầm nhè nhẹ khi xô phải tôi. Tôi vẫn bước đi thêm mãi.
 
Tôi không cảm thấy đôi chân tôi. Tôi muốn nắm lấy chúng trong tay, và không tìm thấy đôi tay tôi; tôi muốn kêu lên, và không tìm thấy tiếng tôi. Sương mù bao phủ quanh tôi.
 
Cuộc sống đè nặng lên tôi như một nỗi hối tiếc; tôi muốn vứt bỏ cuộc sống ấy ra khỏi mình. Nhưng không thể được, là vì tôi đã chết và đang bước giữa những người đã chết.
 
 

TÔI KHÔNG NÓI LỞI NÀO

 
Tôi không nói lời nào,
Chỉ đưa lại gần một thân xác hỏi han,
Bởi tôi không biết rằng thèm muốn là một câu hỏi
Không có câu trả lời,
Một chiếc lá không có cành cây,
Một thế giới không có bầu trời.
 
Âu lo mở cho mình một con đường giữa đám xương,
Dội ngược lên qua những mạch máu
Cho tới khi trào ra trên da thịt,
Những tia mộng mơ
Biến thành thịt da nơi một câu hỏi đã trở lại với những áng mây.
 
Một động chạm hờ khi băng ngang,
Một ánh mắt thoáng qua giữa những chiếc bóng,
Cũng đủ cho thân xác mở ra làm hai,
Khao khát đón nhận nơi chính bản thân
Một thân xác khác mơ mộng;
Một nửa và một nửa, mơ mộng và mộng mơ, xác thịt và xác thịt
Ngang bằng về hình dạng, ngang bằng về tình yêu, ngang bằng trong      thèm muốn.
 
Dẫu như đây chỉ là một hy vọng,
Bởi thèm muốn là một câu hỏi mà câu trả lời không ai biết.
 
 

NẾU CON NGƯỜI CÓ THỂ NÓI RA

 
Nếu con người có thể nói ra điều mình yêu mến,
Nếu con người có thể nâng tình yêu của mình lên tới trời cao
Như một áng mây trong ánh sáng;
Nếu như những mảnh tường sụp xuống,
Để chào đón sự thật được dựng lên ở giữa,
Y có thể hủy hoại thân xác mình, chỉ để lại sự thật của tình yêu,
Sự thật của chính y,
Sự thật không mang tên gọi vinh quang, của cải hay tham vọng,
Mà là tình yêu hay thèm muốn,
Hẳn tôi sẽ là người tôi mơ tưởng;
Kẻ bằng miệng lưỡi, đôi mắt và đôi tay
Tuyên cáo trước mọi người sự thật không được biết tới,
Sự thật về tình yêu đích thực của mình.
 
Tôi không biết tới một tự do nào khác hơn là tự do được giam cầm nơi một người nào đó
Người mà tôi không thể nghe thấy tên mà không rùng mình;
Một người nào đó nhờ người tôi quên đi cuộc sống đê tiện này
Nhờ người ngày và đêm đối với tôi sẽ trở thành những gì người mong muốn,
Và thân xác và tâm hồn tôi trôi nổi nơi thân xác và tâm hồn người
Như những mảnh ván trôi lạc mà biển cả nhận chìm hay nâng lên
 
Thật tự do, với tự do của tình ái,
Tự do duy nhất phấn khích tôi,
Tự do duy nhất mà vì nó tôi chết.
 
Người biện minh cho cuộc sống của tôi:
Nếu không được biết người, tôi đã chẳng hề sống;
Nếu tôi chết mà không được biết người, tôi không chết đâu, bởi tôi chưa hề sống.
 
 

CÓ NHỮNG THÂN XÁC TỰA NHƯ NHỮNG ĐÓA HOA

 
Có những thân xác tựa như những đóa hoa,
Những thân xác khác tựa như những lưỡi dao găm,
Những thân xác khác tựa như những dải nước;
Nhưng tất cả, sớm hay muộn gì,
Cũng sẽ là những vết bỏng thâm nhập những thân xác khác,
Do hiệu năng của lửa biến đổi một tảng đá thành người.
 
Nhưng con người khuấy động ở mọi phía,
Hắn mơ tới tự do, cạnh tranh với gió,
Cho tới một ngày vết bỏng phai đi,
Hắn lại trở thành đá trên con đường của không ai hết.
 
Tôi, kẻ không phải đá mà là con đường
Mà những bước chân trần qua lại băng ngang
Tôi yêu mến thiết tha hết thảy những bước chân ấy;
Tôi hiến chúng thân xác tôi để chúng dẫm đạp,
Dẫu như thân xác ấy có đưa chúng tới một tham vọng hay một áng mây,
Mà không một ai hiểu
Rằng mọi tham vọng hay mọi áng mây
Không đáng một tình yêu tự hiến.
 
 

DƯỚI ĐÁY BIỂN

 
Dưới đáy biển có một viên ngọc và một cây kèn cũ. Những lớp nước mịn màng mỉm cười tế nhị khi lướt qua bên chúng; người ta gọi chúng là hai người bạn.
 
Có một đứa trẻ nhỏ chết đuối kế bên một cây san hô. Đôi cánh tay đã phai màu và những cành sáng rỡ quấn quít lấy nhau chặt chẽ; người ta gọi chúng là hai người tình.
 
Có một mẩu bánh xe đến từ rất xa và một con chim nhồi rơm, con chim đã khiến cho đàn cá bất chợt bỡ ngỡ như một khách lạ phong nhã; người ta gọi chúng là dân du mục.
 
Có một cái đuôi cô người-cá với những ánh phản chiếu lấp lánh rất độc và một bên đùi một chàng niên thiếu, ở cách xa nhau; người ta gọi chúng là những địch thủ.
 
Có một vì sao, một dây nịt vớ đàn ông, một cuốn sách đã bị hư hại và một cây vĩ cầm nhỏ xíu; có nhiều vật kỳ diệu gây ngạc nhiên khác nữa, và khi làn nước băng ngang, phớt nhẹ lên chúng, dường như nước muốn mời chúng đi theo mình như một đám rước lấp lánh.
 
Nhưng không có một vật nào sánh được với một bàn tay đã bị chặt bằng thạch cao. Bàn tay ấy đẹp quá đỗi khiến tôi đã quyết định đánh cắp nó. Từ đó nó choán đầy đêm và ngày của tôi; nó mơn trớn và thương yêu tôi. Tôi gọi nó là sự thật của tình ái.
 
 

CÂY MỘC LAN

 
Người ta bước vào con đường qua một cổng vòm. Con đường nhỏ hẹp đến nỗi kẻ đi ở giữa, đưa tay sang hai bên, có thể chạm tới cả hai vách tường. Kế đó, qua một hàng rào chấn song sắt, nó đi xiên xiên mất hút trong mê lộ của những con hẻm và công trường nho nhỏ hợp thành khu phố cổ này. Ở tận cùng con đường chỉ có một cái cửa nhỏ, lúc nào cũng đóng, và dường như lối ra duy nhất nằm ở bên trên những ngôi nhà, về hướng trời một màu thiên thanh nồng nàn.
 
Ở một góc đường có cái bao lơn mà, từ mặt đất, người ta có thể trèo lên, gần như không chút khó khăn; và cạnh đó, trên những vách tường của khu vườn, trào ra, bao phủ tất cả bằng những cành lá, là cây mộc lan bao la. Giữa những chiếc lá sáng bóng và nhọn bén, vào mùa xuân, với sự huyền bí tế nhị của những gì hãy còn tinh khiết, đậu những bông hoa trắng như tuyết.
 
Cây mộc lan này, đối với tôi, bao giờ cũng là một cái gì đó hơn là một thực tại xinh đẹp: nó là hiện thân hình ảnh của đời sống. Dẫu như đôi lúc tôi đã ao ước nó khác hơn thế, tự do hơn, hòa mình vào dòng người và sự vật hơn, tôi biết rằng chính sự hiện hữu đơn độc của cái cây, sự khai hoa không một người chứng này, đã đem lại cho vẻ đẹp một phẩm chất cao đến thế. Sự nồng nàn của chính nó đã khiến nó tiêu hao, và trào ra trong đơn độc là một vài đóa hoa trong trắng, như lễ vật hiến dâng không được đoái nhận trước ban thờ của một vị thần.
 
 

NHÀ THƠ VÀ THẦN THOẠI

 
Thật sớm trong đời mi, trước cả khi mi từng đọc một vài dòng thơ, rơi vào tay mi một cuốn sách thần thoại. Những trang sách ấy tiết lộ cho mi một thế giới nơi thơ, trong lúc khiến thực tế linh hoạt như ngọn lửa đối với củi, đã biến đổi tính chất của nó. Mi thấy tôn giáo của chính mi lúc ấy mới buồn làm sao! Mi không tranh luận, cũng chẳng hoài nghi gì tôn giáo, chuyện ấy thật khó khăn đối với một đứa trẻ; nhưng trong những tin tưởng sâu xa và bén rễ bền chặt nhất đã len vào, nếu không phải là một sự bác bẻ thuần lý thì ít ra cũng là sự linh cảm một niềm hân hoan xa vắng. Tại sao người ta lại dậy mi phải cúi đầu trước sự đau khổ đã được thần thánh hóa, trong lúc ở thời khác con người thật hạnh phúc đến độ tôn sùng cái đẹp, trong trọn vẹn nét bi đát của nó?
 
Nếu lúc ấy mi không hiểu cái liên hệ nhân quả sâu xa nối kết một vài huyền thoại với một vài hình thức vô thời gian nào đó của cuộc sống, thời cũng chẳng quan trọng gì: một khát vọng nào đó có nơi mi đối với thơ, ấy chính những huyền thoại Hy-lạp kia đã xui nên và định hướng. Dẫu như ở bên mi chẳng có ai để báo trước cho mi về mối hiểm nguy mà mi gặp phải như thế, khi, tự bản năng, thích ứng cuộc đời mi với một thực tại vô hình đối với số đông, và với nỗi nhớ nhung luyến tiếc đối với một hòa điệu tinh thần và thể xác đã bị phá vỡ và đày ải từ bao thế kỷ giữa mọi người.
 
 

VỚI EM

 
Đất của tôi ư?
Đất của tôi chính là em.
 
Dân của tôi ư?
Dân của tôi chính là em.
 
Lưu đày và cái chết
Với tôi đã có đó
Ở nơi chẳng có em.
 
Còn đời tôi?
Đời tôi là gì nhỉ,
Nếu chẳng phải là em?
 
 
LUIS CERNUDA, nhà thơ Tây-ban-nha, sinh tại Sevilla năm 1902, tự lưu đày khỏi xứ vào năm 1938, trước hết qua Anh, Hoa-kỳ rồi Mễ-tây-cơ. Ông mất ngày 5.11.1963 tại Mexico. Ông là một người «đồng tính luyến ái» và không hề che giấu điều ấy.
 
 
 
3. RAFAEL ALBERTI
(1902-1999)
 
 

BÀI CA CỦA NHÀ THƠ KHÔNG MUỐN TUYỆT VỌNG

 
Chúng, chúng biết gì về mi?
Chúng chẳng hề biết mi,
hay có chăng thật ít.
 
Chúng lặp lại cho mi hết mọi ngày:
chỉ có chúng là tổ quốc,
thậm chí chúng còn là cả khí trời
mi hít thở.
 
Nhưng chúng biết gì về mi?
Mi tuyệt vọng, mi đau khổ,
mi mất ăn mất ngủ. Mi sẽ bỏ đi.
Sẽ bỏ mặc chúng.
Nhưng đi đâu?
 
Chúng nói rằng chúng chính là mi.
Nhưng chúng biết gì về mi?
 
Mi tuyệt vọng. Mi câm nín
đến chết được. Và sẽ bỏ đi
...Nhưng mi không muốn đi.
Và đi đâu?
 
Chúng là mi. Và mi là chúng,
dẫu chúng chẳng biết gì về mi.
 
 
RAFAEL ALBERTI sinh tại Pueblo de Santa María (Cadix) năm 1902. Giải Premio Nacional de Literatura (Giải thưởng Quốc gia về Văn chương), 1924. Bí thư của «Liên minh các nhà trí thức chống phát-xít» từ 1936. Lưu đày tại Á-căn-đình: 24 năm; tại Ý: 15 năm. Giải Cervantes, tháng mười 1983.
 
 
 
4. BLAS DE OTERO
(1916-1979)
 
 

CÙNG VỚI CHÚNG TA

 
Trong quán Cà-phê này
don Antonio Machado *
đã ngồi.           
 
           Lặng lẽ
và bí mật, ông đã hòa mình
với dân chúng,
vung cây bút lên,
tàn tro,
rồi bỏ đi...
 
---------------------
* ANTONIO MACHADO (1875-1939), nhà thơ lớn của Tây-ban-nha, sinh tại Sevilla. Ngay từ đầu cuộc nội chiến đã tuyên bố đứng về phía những người cộng hòa. Chết tại Collioure, một làng nhỏ ở dãy Pyrénées Pháp, vài ngày sau khi ông vượt biên. (người dịch)
 
 

LÚC KHỞI SỰ

 
Nếu tôi đã mất tất cả, cuộc đời, thời gian,
nếu tôi đã liệng tất cả, như một chiếc nhẫn, xuống biển,
nếu trong những bụi bờ tôi đã mất tiếng nói,
tôi vẫn còn lời nói.
 
Nếu tôi đã khổ vì khát và vì đói,
nếu trong tất cả những gì thuộc về tôi nay chẳng còn gì,
nếu tôi đã hái những chiếc bóng, trong lặng lẽ,
tôi vẫn còn lời nói.
 
Nếu tôi đã mở mắt
để nhìn gương mặt tinh khiết và khủng khiếp
của tổ quốc tôi, nếu tôi đã rộng mở vành môi
đến xé rách chúng, tôi vẫn còn lời nói.
 
 

NHÂN DANH MỌI NGƯỜI

 
Vì con người bị bỏ đói và chết khát
— cơn khát với mùi vị của bóng tối lạnh buốt —
nhân danh niềm tin mà tôi đã giành được:
niềm vui!
 
Vì thế giới tràn ngập máu
và sẵn sàng đầy băng hoại,
nhân danh sự bình yên mà tôi từng hết sức ngợi ca:
niềm vui!
 
Vì ngươi, tổ quốc ta, cội cây bị cuốn đi trên những dòng sông,
vì ngươi, Tây-ban-nha của ta gặp muôn vàn khó khăn,
nhân danh ánh sáng đã được loan báo:
niềm vui!
 
 
BLAS DE OTERO sinh tại Bilbao năm 1916. Giải Boscan về thơ, 1950. Giải (các nhà) Phê bình, 1958. Từ 1942 đến 1958: đã có năm thi tập xuất bản. Thơ ông từng gây ảnh hưởng mãnh liệt nơi những người trẻ tuổi của cách mạng Tây-ban-nha và còn vang dội sâu xa nơi các thế hệ kế tiếp.
 
 
 
5. JOSÉ HIERRO
(1922-2002)
 

NHỮNG BƯỚC CHÂN

 
Nếu như rốt cuộc họ đã chết!
 
Nếu như tôi thật sự chắc chắn
rằng họ đã phai mờ
vĩnh viễn khỏi trái đất
rằng họ đã hoàn toàn được vùi chôn êm đẹp;
nếu như tôi có được niềm xác tín
rằng rốt cuộc họ đã qua đi,
thời đẹp biết bao sẽ là cuộc đi dạo của tôi
qua những cánh đồng trong đêm tối,
không còn nghe thấy họ, sau lưng,
từng bước lại từng bước
hổn hển trong im lặng,
lồng ngực vấy máu!
 
Dở sống, dở chết,
nửa như bị lãng quên.
Bị xiềng
trên hòn núi đá những giấc mơ của tôi
mà không sao giết được con ó
đang hăm hở quấy nhiễu họ.
 
Nếu như rốt cuộc họ đã chết!
 
(Tierra sin nosotros, 1947)
 
 

THƠ CHO MỘT NGÀY GIÁNG SINH

(trích)
 
Các người biết rằng, nếu ta lắng tai,
ta có thể nghe tiếng đá nẩy đập.
Và các thế kỷ khiến vang lên, hòa điệu và kết hợp những tiếng nói của chúng
nơi gỗ cứng.
 
Hôm nay đêm tối là bàn tay
thăm dò tảng đá và ngôi sao,
và trái tim là chùm sáng vàng ánh
đi từ ngôi sao tới tảng đá,
đi từ tảng đá tới ngôi sao.
 
Một bàn tay lặng lẽ
siết lại trái tim.
Và nước mật nhỏ giọt,
rảy xuống cỏ
và thấm ướt đường phố,
tảng đá lặng lẽ,
những bể nước nơi tất cả
các vì tinh tú đều phản ánh.
 
Ngọn lửa tuyệt vời,
dàn hỏa không thể nào dập tắt,
ngọn hải đăng của trời sẽ soi sáng những kẻ
mang đời mình trên lưng,
khi chúng ta sẽ chỉ còn là
gió lướt qua và không lay động cành cây,
biển xao động và không lay chuyển bãi biển hoang vắng.
 
Ngọn lửa tuyệt vời,
dàn hỏa không thể nào dập tắt,
những áng mây muôn màu sắc
ở bên trong, dòng nước muôn đời
vẫy vùng và chảy
từ tảng đá tới ngôi sao,
từ ngôi sao tới tảng đá...
 
(Quinta del 42, 1953.)
 
 

GẶP GỠ

 
                  tặng Rafael Alberti
 
Một ngày kia tôi sẽ nói: chào mừng anh
trở lại nhà. Đây bếp lửa của anh.
Anh hãy uống rượu nho của anh trong chiếc ly của anh,
hãy nhìn trời, bẻ bánh.
Anh đã xa nhà quá lâu. Anh đã lang bạt
dưới những chòm sao của
phương Nam, đã bơi trên những dòng sông
với những âm vang bộn bề. Ôi
chuyến đi của anh đã thật dài lâu. Tôi
thấy anh mỏi mệt. Đừng hỏi tôi gì hết.
Hãy cho bầy chó của anh ăn,
hãy nghe cây bạch dương hát.
Đừng đặt một câu hỏi nào hết với tôi,
đừng hỏi tôi một điều gì.
 
                                    Nếu như tôi nói,
chắc chắn anh sẽ khóc. Nếu như anh đặt
những bóng ma của mình trước mặt gương,
nhất định là anh sẽ chẳng thấy
một hình ảnh nào phản chiếu.
Cuộc sống xa xưa đã chết rồi:
thời gian giết nó. Chỉ có mình anh
mới có thể vùi chôn. Hãy ném mẩu đất
xuống đó ngày mai, khi
anh đã nghỉ mệt. Chào mừng anh
trở lại nhà anh. Đừng hỏi han
gì hết. Ngày mai chúng ta sẽ nói.
 
(Libro de las alucinaciones, 1964)
 
 
JOSÉ HIERRO sinh tại Madrid năm 1922. Thuộc ban biên tập tạp chí Proel. Giải Premio Nacional de Literatura, 1953. Giải Phê bình, 1958. Chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ J. R. Jimenez và «thế hệ 27», ông được coi như «cây cầu» nối kết thơ của thế hệ trước và thơ Tây-ban-nha hiện đại xuất phát từ chiến tranh: «Tác phẩm của ông là một chứng từ...». Thơ ông vượt khung khổ của một nền văn chương dấn thân, và cùng với thời gian, ngày càng tỏ ra thâm trầm sâu sắc vì tính nhân bản và bản chất thực sự là ngợi ca sự sống... Từ 1947 đến 1991 đã có tám thi phẩm được xuất bản. Về Rafael Alberti, xin xem chú thích ở trên.
 
 
 
6. VICENTE NUÑEZ
(1923~)
 
 

BẤT TỬ

 
Ta đã yêu mi quá đỗi khiến một hôm, hồn ta bỏ trốn
ngục tù thân xác nó. Lang thang, và hoài công tìm kiếm mi,
nó trở lại chốn ở mà ta vẫn tưởng là của ta.
Nhưng thân xác ta không còn ở nơi ta đã bỏ lại;
thay vào đó là thân xác mi, bao la, tựa một ngôi đền vàng.
Và mi không cho nó trú ẩn. Và ta, ta chẳng còn cái chết.
 
 
VICENTE NUÑEZ sinh tại Aguila năm 1923. Một tiếng thơ đáng kể thường bị các nhà làm tuyển tập (dầy cộm) bỏ lại vì... thiếu chỗ.
 
 
 
7. PABLO GARCÍA BAENA
(1923~)
 
 

CHỈ CÓ TÌNH EM VÀ NƯỚC

 
Chỉ có tình em và nước... Tháng Mười trên dòng sông
đẫm những chùm sáng ánh vàng của buổi chiều tà,
và vành trăng khả ố lúc này đang lên, thật trong,
xua đuổi những bông hoa tím đen đen của bóng tối.
Lạc lõng, tôi đắm chìm trong một biển thèm muốn,
quáng mù vì màn sương êm dịu của tóc em.
Của tóc em đang bóp ngạt tiếng tôi trong cổ họng
khi tôi để đôi môi lang thang trên những lượn sóng tóc mù sương.
Chỉ có tình em và nước... Dòng sông, nhè nhẹ,
im tiếng rì rào khi trôi qua bên chúng ta,
và không khí run run chẳng hề dám khua động
đám lá bạch dương ở trên bờ.
Vẳng nghe, êm dịu như đôi cánh thiên thần bay bay
phớt qua một vì sao đang thiêm thiếp,
tiếng động chạm thoáng qua, muốn trở thành vĩnh cửu,
của đôi môi tôi đang hớp lấy sự sống trên môi em.
Làn ngực em tinh khiết lấn qua ngực tôi
với mùi hương e dè của những bông diên-vỹ dại,
những bông diên-vỹ mà cơn gió nhẹ thơ ngây lắc lay
khi mùa hè tỏa hơi nồng ấm trên những ngọn đồi.
Đêm tràn đầy mùi trái mộc-qua,
và trong lúc tim em ngủ trong đôi tay tôi,
đắm đuối, mơn man, tựa một nụ hôn nào xa xôi lắm,
dòng sông khẽ thở dài...
            Chỉ có tình em và nước...
 
(Rumor oculto, 1946)
 
 
PABLO GARCÍA BAENA sinh tại Cordoue năm 1923, là một trong những người sáng lập tạp chí Cántico vào năm 1947. Thơ ông được các nhà thơ “novísimos” ("rất mới" hay "mới nhất") hâm mộ. Đã có 8 thi phẩm từ 1946 đến 1990.
 
 
 
8. CARLOS EDMUNDO DE ORY
(1923~)
 

NGÔI NHÀ CHẾT

 
                                               Tặng Eduardo
 
Chầm chậm từng bước tôi đã tới lớp rào sắt một ngày nọ
trong cảnh hoàn toàn cô quạnh và với tầm vóc bé nhỏ
tôi đã mở cánh cửa và lọt vào bên trong
ngôi nhà tối tăm từ trên xuống dưới đều trống rỗng
 
Bởi ở đó tránh được mưa
tôi đã ngủ một giấc ngủ còn kéo dài
là vì tôi sẽ không bao giờ quên được cuộc phiêu lưu
mà tôi gọi là cuộc phiêu lưu của tôi này
 
Tôi là ngôi nhà xa xăm nọ ở chốn kia
và tôi là con người buồn cư ngụ ngôi nhà ấy
chỉ chăm lo có một chuyện: không khi nào mở cửa
 
Gió không qua     Mưa cũng chẳng lại
Và không một ai bén mảng tới để tránh
nỗi kinh hoàng mà ngôi nhà này gợi ra.
 
Madrid, 1947
 
 

CÁI MÁY KHỔ ĐAU

 
Con người tôi là một cái máy khổ đau
máy chạy cũng đã khá lâu
tôi có một động cơ tân thời trong gan ruột
mà không một ai có thể nghe hoặc nhìn thấy
 
Tôi gây ra một tiếng động lớn khi thức dậy
và suốt ngày tôi phóng ra một làn khói khủng khiếp
như một đoàn tầu không phanh trên một con đường
ẩn khuất trong một đường hầm dài dưới biển
 
Tôi thọ hình làm người
và số mệnh tôi là một đầu máy
không đốt hết đống than phải mang
 
Đêm tới tôi là một con cá voi
trong một giấc mộng lớn lao và ngầm dưới biển
nơi trái tim tôi bơi lội trong tuyệt phúc
 
(Los sonetos, 1963)
 
 

DƯỜNG NHƯ LÀ CON NGƯỜI

 
Dường như là con người đau khổ và bởi
không có bàn cân cân-khổ đau
ta chỉ biết đớn đau tựa chì
và dầu sao thời nó vẫn nặc mùi diêm sinh
 
Không có ống đo độ để cho hay
mức độ của muộn phiền luôn luôn đè nặng
Ta chỉ biết rằng đớn đau là ruột
một ổ bánh không bao giờ bầy đủ một bàn
 
Khi anh cảm thấy đau hãy tìm một xó kín
Và ngồi lại mà ăn thịt sống
ở trong đôi bàn tay và đôi bàn chân anh
 
Hãy tặng con tim đói khát của anh một bàn tiệc
Và anh sẽ thấy rằng nước mắt chả ích lợi gì
Những giọt lệ xưa chẳng còn được việc gì ở đó hết
 
Madrid, 11-6-1970
(Soneto vivo, 1988)
 
 

TÔI KHỔ MỘT CHÚT

 
Khi một người đàn bà tôi đã yêu
rốt cuộc đã bỏ đi sau triều đại của chúng tôi
bạn bè tôi nhạo cười tôi «cả cô đó nữa
anh cũng khóc thương sao?» Nhưng tôi tôi nhắm mắt lại
 
Nhắm mắt lại mình không thể khóc
Và mình không thể thấy những gì không hiện hữu
Người đàn bà nọ bỏ tôi    đồng ý    Nhưng tôi
tôi khổ một chút trong im lặng rồi tôi hát
 
Amiens, 4-2-1972
 
 

BA GIỜ KÉM MƯỜI LĂM PHÚT SÁNG

 
Nếu như em thấy tôi ở đó hoàn toàn sống về đêm cầm lấy
cây viết đen trong cùng một bàn tay
đã từng chạm tới em bao lần và bàn tay kia
ngoan ngoãn, như hình ảnh em, đang nhìn tôi viết
 
Tôi không có một đề tài nào chỉ có một nhịp điệu và em
Sonia mượt mà câm nín và mầu nhiệm
đã ra đi cùng với mẹ em và bỏ tôi
bỏ tôi lại một mình như một đứa bé trong một khu rừng
 
Tôi khát tôi đói và tôi không có em
Đêm thì dài và tôi khổ và tôi phun khói đầy khoảng không
như đám cháy của một viên ngọc tinh tuyền
mà cổ họng âm nhạc của tôi đã nuốt
 
Amiens, 29-2-1972
 
 

*

 
Tôi bằng thịt bằng xương nhưng hơn thế nữa
tôi còn tự giới thiệu trước cuộc đời như một nhà thơ
Biểu hiện quý giá của con người đó là
ngôn từ trong cổ họng thánh thiêng
 
Là thi sĩ chính là thơ chính là bỡ ngỡ
và trên hết chính là phòng khuê với hội lễ không cùng
nơi linh hồn tôn nghiêm thức giấc
nơi âu lo khổ não được thăng hoa trong nhạc
 
Thịt da của cảm giác xúc động và nét đẹp
những bí ẩn của máu và điều xa lạ
những kỷ niệm sáng rỡ và biết bao điều kỳ diệu
những mùi hương của sắc màu và phản ánh của rượu nho
 
Amiens, 7-3-1972
 
 

ỞVỚIEM

 
Ởvớiem là một từ khác thường
và ngày nó tan tành từng mảnh
im lặng to lớn của lãng quên
sẽ là vọng âm lỗi thời những đêm tối của tôi
 
Mò mẫm bơixadần chốn nằm của em
lặp lại khôngem trong chốn lưu đày
tôi sẽ không còn chăm nom lớp vỏ ngoài phẳng phiu
của một vì sao trên mấy đầu ngón tay
 
Em còn non trẻ khủng khiếp
khiến ởvớiem là một tặng phẩm điên rồ
 
Amiens, 21-3-1972
(Miserable ternura, 1981)
 
 

*

 
Ban đêm khi tôi đang thiếp ngủ
tôi không biết chuyện gì xẩy ra tôi cảm thấy bị rình rập
Tôi không sợ những bàn tay ấy
những bàn tay chạm tới tôi và tôi cười trong mơ
 
Khi mắt tôi thấy nhà em
và  nhà  em  ấy  chính  khuôn  mặt  em  không
lời
em  đã  để  tôi  bước  vào  buồng  em
Và buồng em là thân xác em
 
Amiens, 18-10-1972
 
 

*

 
Bàn tay của không gian mơn trớn trí óc tôi
 
Amiens, 21-3-1973
(Cabaña, 1981)
 
 
CARLOS EDMUNDO DE ORY sinh tại Cadix năm 1923. Lập phong trào thi ca «Postismo» ở Madrid năm 1945. Rời Tây-ban-nha năm 1954 và cư ngụ ở Pháp. Năm 1967, lập APO (Atelier de poésie ouverte) ở Amiens. Từ 1945 đến 1990 đã cho xuất bản 11 thi phẩm.
 
(xin xem tiếp kỳ II)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021