thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI [I]: và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng
(bản dịch Thủy Trúc)
 
 
__________________________
 
THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI [I]
và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng
 
 
FADWA TOUQANE (1917~)

TÔI CHỈ CẦN

 
Tôi chỉ cần chết ở quê hương tôi
chỉ cần được vùi thây
được rữa nát và tan biến ở đó
làm sống lại khoanh cỏ
làm sống lại đóa hoa
một em bé lớn lên ở quê nhà sẽ bứt cánh
Tôi chỉ cần ở trong lòng tổ quốc
như đất
             cỏ
                   hoa
 
 
FADWA TOUQANE sinh năm 1917 tại Naplouse nơi bà hiện sống (?) Học ngôn ngữ và văn chương Anh ở Oxford. Là một trong những tiếng thơ Palestine đầu tiên được biết tới và nhìn nhận trong thế giới Ả-rập. Trong số các thi phẩm của bà: Một mình với tháng ngày (1952); Tôi đã tìm thấy nàng (?) (1957); Hãy cho chúng tôi tình yêu (1960); Trước cánh cửa đóng (1967); Đêm và các kỵ sĩ (1969). Một cuốn tự sự của bà tựa là Chuyến đi trên núi, chuyến đi gian khổ, xuất bản hồi gần đây, đã được chào đón như một «biến cố văn nghệ lớn».
 
__________________________
 
JABRA IBRAHIM JABRA (1920~)

SAU GOLGOTHA

 
Ta đã sống với đấng Cứu thế
cùng với người ta đã chết và sống lại
Tiếng ta vang dội khắp nơi
một tiếng nói như không phải của ta
nhóm một ngọn lửa mà ta không biết tới
và tại sao lại lửa? Vì ai
Hãy cho ta một chiếc bóng, chút nước lạnh
để ta máng những kỷ niệm của mình lên
một bức vách trong một căn buồng bỏ hoang
Đám đông đã tản mác, khách mời đã bỏ đi
và tiếng nói vọng lên vô ích
như thể ấy chính là tiếng nói trước khi chết và đồi Golgotha
Trên môi ta, còn lại chút mật ong
chút khổ qua
Phải chăng ta đã tới sau khi chết để lắng nghe tiếng ta
nối liền ta với khoảng trống trơn mà ta đã rời bỏ?
Hãy cho ta một chiếc bóng, và ngươi
hãy thêm một mẩu đá lạnh vào nước
Mặt trời thật bỏng cháy. Cuộc sống sau cái chết
là một gánh nặng. Tiếng nói của ta yêu mến ngọn lửa
Vì ai? Vì ai?
 
Ta đã khép đôi mi mắt, và trên môi ta
còn lại chút mật ong, chút khổ qua
 
 

NHỮNG HÀNH LANG

 
Tôi không muốn, không tôi không muốn
bỏ trốn mê cung của tôi
mê cung của những người thân tôi, của các đồng bạn tôi
nơi lúc nhúc lũ rận hao mòn
khi các đồng bạn tôi hài lòng với cái chết
ngày lại ngày
cái chết vươn rộng suốt cuộc đời
như vĩnh cửu
Tôi không muốn, không tôi không muốn thuật lại
mê cung của tôi
tôi người tự do, tự do
giữa ba bức vách
và bức thứ tư, một hành lang vươn rộng
như vĩnh cửu
Tôi không muốn, không tôi không muốn thuật lại
cuộc di cư của tôi
hết mảnh này tới mảnh khác
và nỗi trống rỗng vùi trong bóng tối của chúng nơi
tiếng vọng của những móng ngựa xa xôi
không ngừng xô phải mắt tôi
vươn rộng như vĩnh cửu
từ miền đất của biệt xứ
tới miền đất của biệt xứ
Nhưng
tôi đã tìm thấy trong lời nói tự do lối thoát của tôi
Trong lời nói rốt cuộc tôi đã tìm ra một lối thoát
hướng tới không gian
vươn rộng trước mặt tôi
như vĩnh cửu
 
 

AGNUS DEI*

 
Và trong tất cả những chữ này, có những chữ ấy
những chữ mà ngôn ngữ và những đường máu chất chứa
Trọn vũ trụ có đó, trọn biển
tiếng sấm ầm ầm trong bao đêm
trọn bầu trời và người tình đầu tiên
trao mình trên ngọn núi đá cao
Sự cách biệt của chốn xa xăm bao la, sự cách biệt kỳ diệu
sự kề cận của mầm độc nhiễm dưới ống kính hiển vi của thân xác này
bao giờ cũng vẫn điều không thể diễn tả, từ ngữ thất tung
ấy sự mất mát của tôi, sự mất mát của thế hệ chúng tôi, thế hệ oán hờn và thảm thiết
mất mát trong những cõi tiêu điều và đầy rắn độc
mất mát của hằng ngàn hằng ngàn kẻ mà người ta nghe tiếng nói từ xa
một tiếng nói trong tiêu điều
Hỡi chiên con Thiên chúa kẻ gánh tội trần gian
hãy tới cứu chúng tôi
hãy nối lại việc làm với lời nói
kỷ niệm với ngôn ngữ
hãy chưng cất những giọt nước mắt cũng như những chữ tránh cho chúng tôi khỏi khổ đau
 
Bầy sói đã quen với tôi, và tôi đã quen với những con sư tử
trong rừng rậm đời tôi
Thế hệ tôi là một con mồi
các đồng bạn tôi, thức ăn của loài ăn thịt
trái tim chúng tôi, cắm trên những cành cây cho loài mãnh cầm háu đói
 
Hỡi chiên con Thiên chúa kẻ gánh tội trần gian
hãy chưng cất những giọt nước mắt cũng như ngần ấy chữ
hãy cứu chúng tôi khỏi lưu đày, á khẩu
lưu đày của những điêu tàn, chúng tôi là những kẻ mang nặng
biển cả
nhẫn giới, bầu trời
những kẻ mang nặng cái chết giữa giấc ngủ và giấc ngủ
 
-------------------------
* Tiếng La-tinh: “Con chiên Thiên chúa” (người dịch)
 
 
JABRA IBRAHIM JABRA sinh năm 1920 tại Bethléem. Học tại Jérusalem rồi Anh quốc (Cambridge) và Hoa-kỳ (Harvard). Cuốn tiểu thuyết xuất bản đầu tiên của ông được viết thẳng bằng Anh ngữ. Các tác phẩm văn nghệ còn lại của ông viết bằng tiếng Ả-rập và đã khiến ông được coi như một trong những người đổi mới tiểu thuyết Ả-rập. Ông còn là tác giả nhiều công trình phê bình văn chương và nghệ thuật, phim tài liệu về nghệ thuật và kiến trúc trong thế giới Ả-rập. Ông cũng đã dịch sang tiếng Ả-rập phần chính yếu trong các tác phẩm của Shakespeare. Từ nhiều năm nay cư ngụ tại Irak. Thi phẩm: Tháng Sáu trong thành phố (1959), Quỹ đạo khép kín (1964), Cơn uể oải của mặt trời (1978).
 
__________________________
 
SALMA KHADRA AL-JAYYOUSSI (1926~)

THÁNG SÁU 1967

 
Mùa hè này đã cắt đứt mạch máu cuối cùng của em
Anh có nghe nói tới cái chết của em
tới đám ma em lặng lẽ và kín đáo?
Cả một trò hề chôn cất. Người ta loan báo cái chết của anh,
đám đông nhìn thấy anh được đem đi, và anh biến mất trong
một cái hố
Ôi nếu tấm áo quan có thể tiêu tan như tim em
biến đi như những giấc mộng đẹp
Anh có nghe nói tới cái chết của em?
Cái ve nhỏ nọc độc ấy
cái chết héo hon vì cái chết ấy
Chắc chắn rồi
vì kẻ loan báo cái chết của anh đã nhìn thấy em đang bị vùi chôn khi họ ném cái chết ấy lại gần em
 
 

TRĂNG KHẬP KHỄNH

 
Ôi trăng khập khễnh
người bạn thời thơ ấu của chúng ta
mi kẻ soi sáng đất chúng ta
và che phủ các thôn làng trong thầm kín
 
Ôi trăng khờ khạo, vụng về
mi đã phản bội chúng ta
Địch đã thấy mi, đã đi tìm chúng ta
Và bắt gặp chúng ta khi chúng ta đang cầm trên tay
một vầng trăng sáng rỡ
 
 
SALMA KHADRA AL-JAYYOUSSI sinh năm 1926 tại Salt, phía đông Jordanie. Thủa nhỏ sống ở Acre rồi tại Jérusalem nơi bà học xong trung học. Luận án tiến sĩ của bà nghiên cứu về thi ca Ả-rập hiện đại. Bà đã giảng dạy tại nhiều đại học, trong đó có các đại học ở Khartoum, Alger, rồi đến các bang Utah, Washington và Texas, Hoa-kỳ. Hiện cư ngụ tại Hoa-kỳ và điều khiển một chương trình phiên dịch văn chương Ả-rập sang Anh văn. Trong khuôn khổ chương trình này bà đã xuất bản vào năm 1987 một tuyển tập lớn về thơ Ả-rập hiện đại. Thi phẩm chính của bà được xuất bản vào năm 1960, với tựa đề Nguồn mơ trở lại.
 
__________________________
 
MOU'IN BSISSOU (1927~)

EM, TÔI VÀ HẮN

 
Không có cây trong từ vựng của hắn
không có hoa
Trong từ vựng của hắn, không có chim
Hắn chỉ biết những gì người ta đã dạy hắn
trước hết giết chim
và hắn đã giết chim
kế đó ghét trăng
và hắn đã ghét trăng
có một con tim sắt đá
và hắn đã có một con tim sắt đá
Rồi kêu lên:
«Hoan hô bất cứ cái gì»
«Đả đảo bất cứ cái gì»
«Xử tử bất cứ cái gì»
 
Không có cây trong từ vựng của hắn
Trong từ vựng của hắn, không có
em và tôi
bởi hắn phải giết chúng ta
Hắn chỉ biết
những gì người ta đã dạy hắn
giết chúng ta
em và tôi
 
 

BÔNG HỒNG VÀ CON CHIM

 
Con chim đã chơi
trò chơi lớn
Nó đã tạo ra bông hồng, cho đóa hoa hình thù trong sáu ngày
và ngày thứ bảy, nó thiếp đi
Con chim sáng tạo, hình thành đã mỏi mệt
thế nên, nó thiếp đi
 
Con chim thiếp ngủ
và bông hồng bắt đầu xoay quanh con chim
Thức dậy đi chim!
Này đây bông hồng đang lảo đảo, sắp rơi xuống giếng
cái giếng có tên gọi bình bông
thức dậy đi chim
 
A bộ lông của mi đang tan rã, một đàn
kiến đang bu lại quanh đôi cánh mi, sắp sửa tha đi
hỡi chim!
Bông hồng lảo đảo lảo đảo lảo đảo
trong xoay vòng
Những con sâu đã nằm trên cành, những con sâu
đã nằm trên lá của bông hồng, và bông hồng sắp rụng rơi, hỡi chim!
 
Thức dậy đi chim
thức dậy
thức dậy!
 
 

SINDBAD

 
Tôi biết anh ta rất rõ, Sindbad
anh ta sợ hãi khi mưa rơi
mặt mày tái mét khi bão thổi
và khi sét nổ, anh ta ngất đi
Hãy tin tôi đi, tôi biết anh ta rất rõ
Anh ta có một khung cửa sổ thay cho biển cả
và thay cho bến cảng là một cánh cửa ra vào
và dưới chân giường, những hải đảo...
Nhưng trong cuộc đời chúng ta cũng cần phải có một con tầu
chúng ta cũng cần phải là những thủy thủ trên tầu
và chúng ta cũng cần phải nói: ngày xửa ngày xưa
có một vùng biển mà chúng ta mang trên mút đầu cánh tay
ngày xửa ngày xưa có chàng Sindbad...
 
 

GỬI RIMBAUD

 
Khi Rimbaud trở thành kẻ buôn bán nô lệ da đen
và đi tung lưới
trên vùng Abyssinie
săn con sư tử đen
và con bồ nông đen
anh đã từ bỏ thi ca
Trung thực biết bao, người trai trẻ này
nhưng có vô khối những kẻ từng là thi sĩ
đã trở thành những kẻ buôn bán nô lệ
những kẻ cho vay nặng lãi
và không vì thế mà từ bỏ thi ca
Có những kẻ trở thành đại diện các hãng quảng cáo
buôn bán những bức tranh giả mạo
và không vì thế mà từ bỏ thi ca
Nơi lâu đài bạo chúa, những bài thơ của họ đã trở thành
cửa ra vào cửa sổ
bàn và thảm
nhưng họ vẫn không từ bỏ thi ca
Họ thích hợp với nghề tán dương
nhận lãnh những huy chương và danh vị của hết mọi hôn quân trên thế giới
cúp vàng cúp bạc và đá
nhưng họ vẫn không từ bỏ thi ca
Dấu ấn những tên xen-đầm
dấu vết gót giầy của những tên xen-đầm này bao phủ những bài thơ của họ
nhưng họ vẫn không từ bỏ thi ca
Cao quý thay, sự cao quý của Rimbaud
trung thực biết bao, người trai trẻ này
 
 

BA BỨC VÁCH CHO BUỒNG TRA TẤN

 
Tảng sáng
Tôi sẽ chống lại...
bao lâu trên vách còn một trang trắng
và bao lâu những ngón tay tôi chưa tiêu tan
Có ai đó gõ
một mẩu tin qua bức vách
Những đường dây này đã trở thành mạch máu của chúng tôi
mạch máu của những bức vách này
Tất cả máu chúng tôi đổ vào
những đường mạch của những bức vách này
Một mẩu tin truyền qua bức vách:
chúng đã đóng lại một xà-lim khác
chúng đã hạ sát một tù nhân
chúng đã mở một xà-lim khác
chúng đã dẫn tới một tù nhân...
 
Giữa ngày
Chúng đã đặt trước mặt tôi tờ giấy
chúng đã đặt trước mặt tôi cây viết chì
chúng đã đặt vào tay tôi chiếc chìa khóa nhà tôi
Tờ giấy chúng đã muốn làm dơ bẩn nói:
hãy chống lại
Cây viết chì chúng đã muốn đập dập trán trong bùn nói:
hãy chống lại
Chiếc chìa khóa của căn nhà nói: nhân danh từng tảng đá
trong căn nhà hèn mọn của anh, hãy chống lại
Có ai đó gõ vào bức vách
ấy mẩu tin của một bàn tay đã dập nát
nói: hãy chống lại
Và mưa rơi
nện trên mái buồng tra tấn
từng giọt mưa kêu:
hãy chống lại
 
Sau khi mặt trời lặn
Không có ai ở bên tôi
không có ai nghe tiếng của người đàn ông này
không có ai nhìn thấy hắn
Đêm đêm, khi những bức vách
và những cánh cửa khép lại
hắn thường từ những vết thương rỉ máu của tôi bước ra
và đi lại trong buồng giam tôi
Ấy chính tôi đó
hắn cũng tựa như tôi lúc này
Tôi thấy hắn khi thì còn nhỏ
khi lại đôi mươi
Hắn là niềm an ủi duy nhất của tôi
mối tình độc nhất
Hắn là lá thư tôi viết đêm đêm
chiếc tem tôi dán lên đó
để bay ra thế giới rộng lớn
về tổ quốc bé nhỏ
Đêm nay, tôi đã thấy hắn
từ những vết thương tôi bước ra, rầu buồn, cuồng dại, bị tra tấn
lặng lẽ bước, không thốt lấy một lời,
như thể hắn nói:
mi sẽ không còn thấy ta nữa nếu mi thú nhận
nếu mi viết...
 
 
MOU'IN BSISSOU sinh năm 1927 tại Gaza. Nhà thơ và người viết kịch. Nằm tù gần như suốt thập niên 1950. Rồi lưu đày ở Cairo, Baghdad, Beyrouth, Damas, Mạc-tư-khoa và cuối cùng là Luân-đôn nơi ông mất đột ngột vào năm 1984. Trong số các thi phẩm để lại: Palestine trong tim; Cây chết đứng; Thơ trên kính cửa; Tôi đến để gọi em bằng tên em; Những tên hải tặc cuối cùng là chim chóc; Bây giờ hãy lấy thân xác tôi - bị cát.
 
__________________________
 
TAWFIQ ZAYYAD (1932~)

TÔI SIẾT TAY CÁC NGƯỜI

 
Tôi kêu gọi các người
tôi siết tay các người
tôi ôm hôn đất dưới đế giầy của các người
và tôi nói: tôi xin hiến các người đời tôi
ánh sáng của mắt tôi
tôi xin hiến các người hơi ấm của lòng tôi
bởi bi kịch tôi đang sống
là số phần của tôi trong tấn thảm kịch của các người
Tôi, tôi không từ khước điều gì với quê hương tôi
và tôi chưa hề luồn cúi
tôi đã đứng dậy chống lại những kẻ áp bức tôi
mồ côi, trần trụi, không giầy dép
tôi đã mang máu tôi trên lòng hai bàn tay tôi
tôi không hề buông cờ rũ
và tôi chăm sóc ngọn cỏ trên mồ tổ tiên tôi
Tôi kêu gọi các người, tôi siết tay các người!
 
 
TAWFIQ ZAYYAD sinh năm 1932 tại Nazareth. Học tại Mạc-tư-khoa. Lao vào đấu tranh chính trị và trở thành một trong những người lãnh đạo chính của đảng cộng sản Rakah. Thị trưởng Nazareth từ những năm 1970 và được bầu vào Knesseth (nghị viện). Đã dịch sang tiếng Ả-rập nhiều tác phẩm văn nghệ Nga cũng như thơ của thi sĩ Thổ-nhĩ-kỳ Nazim Hikmet. Còn là tác giả một tập truyện ngắn và một tác phẩm về truyện cổ dân gian Palestine. Sáng tác thi ca chủ yếu vào những năm 1950 và 1960. Trong số này: Tôi siết tay các người; Hãy chôn những người chết của các người và đứng dậy; Những ca khúc của cách mạng và phẫn nộ.
 
__________________________
 
RACHID HOUSAÏN (1936~)

GIẤC MƠ

 
Muốn mơ, mi phải ngủ
dẫu chỉ là một khoảnh khắc
Nhưng có những đồng bạn
đã chết vì ngủ và mơ
và quy luật tự triệt tiêu
 
Muốn mơ, mi phải làm đầy
mắt mi bằng nắng và tình yêu
Và nếu giấc ngủ mi gia tăng
mặt trời sẽ bảo mi:
Mi đã trở thành buổi chiều phân phối những mây
tình yêu sẽ bảo mi:
Dậy đi, hỡi giấc ngủ
hãy gieo ánh sáng và tình yêu trong quê hương mi
 
Muốn mơ, đôi môi phải trở thành những khẩu súng
mà mi ôm hôn
như thể đàn bà đã biến mất khỏi trái đất
đã trở thành những bờ mép chiến hào
 
Muốn mơ, mi phải ngủ dẫu chỉ là một khoảnh khắc
Nhưng hãy nhớ, thức tỉnh mới là quy luật
 
 

VỀ NHỮNG KẺ HY SINH

 
Những kẻ hy sinh tới trong im lặng
những kẻ hy sinh ra đi trong im lặng
Mi viết gì được về họ?
Ahmad đã từ giã vợ mà nói:
Này Salma, hết chiến tranh mình sẽ xây một ngôi nhà
Ahmad đã giải phóng một mẩu đất Golan ở Syrie... còn mi
mi đã giải phóng được gì?
Với những chữ và thơ
mi đã giải phóng được gì?
Đối với những kẻ hy sinh, bài điếu văn hay nhất, chính là sự im lặng
Hãy bước trong im lặng
tiến tới trong im lặng
thương yêu trong im lặng
trung thành như đất trong im lặng
Và ngay như cái chết có tới
hãy đón nhận nó trong im lặng
 
 

GỬI MỘT ĐÁM MÂY

 
Ta là đất
đừng để ta thiếu mưa
Ta là tất cả những gì còn lại của đất
nếu mi trồng cây cối trên trán ta
khiến tóc ta mọc thành vườn nho
lúa mì
và hoa hồng
để biết rõ ta
Thời hãy cho ta thật nhiều mưa
 
Hỡi mây, ta bằng tuổi những ngọn núi ở Galilée
ta là lồng ngực Haïfa
trán của Jaffa
thế nên đừng thì thầm: không thể được
Mi không nghe những bước chân của con ta đang tiến lại gần
ngưỡng cửa của lòng mi?
Mi không thấy những mạch máu trên trán ta
đang tìm cách hôn môi mi?
Tóc ta đã trở thành cát bởi chờ đợi mi
chúng đã trở thành những cánh đồng
trở thành lúa mì
cây cối
Ta là tất cả những gì còn lại của đất chúng ta
tất cả những gì còn lại của những gì ta yêu
Thế nên, hãy cho ta thật nhiều
hãy cho ta thật nhiều mưa
 
 
RACHID HOUSAÏN sinh năm 1936 tại làng Masmas ở Galilée. Dạy học rồi viết báo. Di cư qua Syrie, điều khiển Viện nghiên cứu Palestine. Kế đó di cư sang Hoa-kỳ nơi ông trở thành Thông tín viên của Cơ quan Palestine về báo chí cho tới khi ông mất, trong một cuộc hỏa hoạn năm 1980. Thi phẩm: Với hừng đông; Hỏa tiễn; Thơ Palestine; Ta là đất, đừng để ta thiếu mưa.
 
__________________________
 
SAMIH AL-QASSIM (1939~)

CON CHIM CHẾT

 
Tôi tự hỏi thật lâu
khi nào mi hiện hữu? Khi nào mi xuất hiện?
Mi sẽ sinh từ cỏ
mi sẽ ló ra từ cõi lạ xa
hay mi cũng chỉ là một ngày mai không thể có?
Tôi tự hỏi thật lâu
và khi tôi thăm dò những mặt gương của nước ao
tôi tản mác giữa những mảnh gương vỡ
tôi không tìm lại được khuôn mặt mình nơi những mảnh vỡ
tôi thấy em, em
và khi tôi vươn đôi bàn tay
để chạm tới khuôn mặt em
những đường nét ảo tưởng cuối cùng của tôi mờ đi
em đã tản mác như những mặt gương của nước ao
và trên làn nước còn lại
một con chim chết
 
 

NGÔN NGỮ MỚI

 
Tôi nói «Tôi yêu em», chả có nghĩa gì hết
Tôi nói «Tôi cần em», tôi biểu lộ thật dở
Tôi nói «Tôi thèm khát em», em sẽ chẳng bao giờ hiểu được
Từ khi tôi khám phá ra lục địa em
Thượng đế đã xua đuổi tôi ra khỏi thiên đường các ngôn ngữ của người
câm nín
thế là tôi câm nín
những ngọn núi lửa của tôi vẫn bùng nổ ở bên trong
không lối thoát cho những loài rắn độc khổ đau
không dưỡng khí cho những ngọn núi lửa
làm sao đây?
Không một tiếng kêu nào sẽ được nghe thấy
không một giọt lệ nào sẽ đem lại dịu êm
và em, hiện diện nơi mọi sự
từ khi tôi biết em
Thượng đế đã xua đuổi tôi ra khỏi thiên đường các ngôn ngữ của người
làm sao đây?
Tôi sẽ rải lên thế giới những lớp tro nóng bỏng của mình
tựa như một ngôn ngữ mới
 
 

TA YÊU MI TÙY SỞ THÍCH CỦA CÁI CHẾT

 
Nặng nề hơn
nhỏ bé hơn
ta mang gian khổ của mình và ra đi
 
Bao lâu mi còn là đỉnh cao của thế giới
bao lâu mặt đất hãy còn lồi lên
ta hãy còn bước xuống và rời xa
bước xuống và rời xa
 
Một ngày kia cát lún sẽ cuốn hút ta
ta sẽ chìm dần
vào vĩnh cửu mịt mờ của tình mi
ta sẽ không còn hay biết
sẽ lẩn tránh những ánh mắt
những đám đông sẽ tham dự đám táng của ta
những kẻ phiêu lưu và các nhà thơ sẽ ganh tị với ta
Còn mi
mi sẽ ném một hạt châu mới
vào chiếc rương những kẻ tuẫn giáo của mi
 
Ta yêu mi
Xin đừng luyến tiếc
đừng đưa tay để cứu giúp ta
hãy cho ta được yêu mi
tùy sở thích của cái chết
Ta yêu mi... tùy sở thích của cái chết!
 
 

TRẺ NHỎ... VÀ CÁC CON TÔI

 
Trẻ nhỏ sinh ra
tiếp đón chúng trong nôi
là những cái tên chọn lựa
trong cây gia phả
của những tổ tiên được sùng kính
Tiếp đón chúng là những chương trình dành dụm
viễn ảnh tương lai
và mùi quế sục sôi
trên ngọn lửa khát vọng
Tiếp đón chúng là những lễ sinh nhật
những ngày hội
và quần áo mới
 
Các con tôi sinh ra
tiếp đón chúng là những giọt nước mắt yêu đương
cơn rùng mình hãi sợ
Ngay từ lọt lòng mẹ
chờ đợi chúng
là những con mắt của bầy chó điên dại
chờ đợi chúng
là những dùi cui của cảnh sát
chờ đợi chúng
là những kế hoạch tiêu diệt thể chất
và viễn ảnh cái chết
 
Các con tôi sinh ra
và cùng sinh với chúng
là những trái bom lân tinh của chúng
với những luồng ánh sáng dị kỳ
như pháo bông
ngày hội giả trang
Các con tôi sinh ra
cùng với những cỗ áo quan nho nhỏ của chúng
 
 

NGƯỜI ĐI XA

 
Ca khúc của tôi lắng nghe tôi, trời đẹp
Bước chân của tôi vững chắc, gió êm
Lưỡi tôi là cột buồm của tôi, biển lặng
Nhưng
tôi không có tầu bè!
 
Cây cối của tôi vươn những trái chín
tầu bè của tôi đã sẵn sàng
Kìa các thủy thủ của hồn tôi
đang vui mừng vì giờ khởi hành
Các dự báo khí tượng đều thuận lợi, thuận lợi
Nhưng
tôi không có biển!
 
Biển cả. Tầu bè. Thủy thủ
đều tùy lệnh tôi
Nhưng
làm sao tôi đi... khi không có thời gian?
Tôi sẽ đi đâu... khi không nơi chốn?
 
 
SAMIH AL-QASSIM sinh năm 1939 tại Zarkah trong một gia đình các imam người Druze gốc ở Ramah. Các hoạt động tranh đấu cũng như báo chí đã khiến ông bị giam giữ nhiều lần. Hiện sống ở Haïfa. Giám đốc Quỹ nhân dân (tài trợ) nghệ thuật của thành phố này. Chủ tịch Hội nhà văn Palestine ở Israël. Tác phẩm gồm khoảng hai chục tập thơ, hai tiểu truyện và nhiều tiểu luận.
 
__________________________
 
MAHMOUD DARWICH (1941~)

CĂN CƯỚC

 
Anh hãy ghi
Tôi là người Ả-rập
Số thẻ tôi: năm mươi ngàn
Số con: tám
Đứa thứ chín... sắp sanh sau mùa hè!
Kìa, có thế mà anh đã giận dữ!
 
Anh hãy ghi
Tôi là người Ả-rập
Tôi làm việc ở hầm đá với bạn bè lam lũ
Và tôi có tám nhóc con
Miếng bánh của các con tôi,
Áo quần, tập vở của chúng
Tôi đẽo ra từ đá...
A, tôi sẽ không đi ăn mày ăn xin của bố thí ở cửa nhà anh
Trước hành lang nhà anh tôi cũng sẽ chẳng khúm núm
Kìa, có thế mà anh đã giận dữ!
 
Anh hãy ghi
Tôi là người Ả-rập
Không tên họ... tôi chỉ có tên riêng
Vô cùng nhẫn nhục trong một xứ mà mọi người
Sống trên than hồng của Hờn căm
Căn cơ nguồn cội của tôi...
Đã bắt rễ từ trước khi thời gian khởi sự
Từ trước khi tràn ngập những thời kỳ
 
Từ trước cây trắc-bá và cây ô-liu
... từ trước khi cỏ mọc
Cha tôi... thuộc dòng họ người cày
Không dính dáng gì tới các kỳ mục
Ông tôi là một dân quê — một kẻ
chẳng đáng gì — cũng chẳng phải dòng dõi
(người đã chỉ vẽ cho tôi những chuyển động của mặt trời
trước khi dậy tôi tập đọc)
Nhà tôi là căn chòi của một kẻ canh gác
làm bằng thân cây và bằng sậy
Đó, tôi là người như thế đó — anh hài lòng chứ?
Không tên họ, tôi chỉ có tên tôi
 
Anh hãy ghi
Tôi là người Ả-rập
Tóc tôi... màu than nõn
Mắt tôi... màu cà phê
Dấu hiệu đặc biệt:
Trên đầu trùm vuông vải* cột lại bằng sợi dây
Và lòng bàn tay tôi nhám như đá
... làm trầy da kẻ nắm tay tôi
Món ăn tôi ưa thích
là dầu ô-liu và một giống rau thơm**
Địa chỉ của tôi:
Tôi thuộc về một làng hẻo lánh
Nơi đường phố chẳng còn tên
Và hết mọi người ở hầm đá cũng như ngoài đồng
Đều rất khoái cộng sản***
Anh hãy ghi
Tôi là người Ả-rập
Kìa, có thế mà anh đã giận dữ!
 
Anh hãy ghi
Rằng tôi là người Ả-rập
Rằng anh đã cướp hết vườn nho của cha ông tôi
Và đất tôi đang trồng cấy
Tôi cùng với hết thảy các con tôi
Anh đã lột hết của chúng tôi ngoại trừ
Để lũ cháu tôi được sống sót
Những hòn đá này
Mà chính phủ anh rồi cũng lấy nốt
... theo như người ta nói!
 
                                                  VẬY THỜI
Anh hãy ghi
Ngay trên đầu trang nhất:
Rằng tôi không thù oán người ta
Rằng tôi không gây sự với ai cả nhưng
Nếu tôi đói****
Tôi sẽ ăn thịt kẻ tiếm đoạt của tôi
Hãy coi chừng
Cơn giận dữ của tôi!
 
-----------------------------
* keffiyyé hay keffiah.
** thym trong bản Pháp văn.
*** Dòng này không có trong bản Anh văn của John Mikhail Asfour cũng như bản Pháp văn của A. Laâbi.
**** Dòng này, theo A. Laâbi: ... nếu người ta làm tôi đói... (người dịch)
 
 

ĐÃ ĐẾN LÚC NGƯỜI THI SĨ TỰ SÁT

 
Đã đến lúc người thi sĩ tự sát
không vì lý do nào khác hơn là tự sát
 
Y đã nói: ta sẽ không cho phép cánh ong cuốn hút ta
Y đã nói: ta sẽ không cho phép Thượng đế bắt buộc ta phải chịu cuộc báo cừu của ngài
Y đã nói: ta sẽ không cho phép người đàn bà để ta sống trên đầu gối nàng
Từ ba mươi năm nay
y làm thơ và quên tôi. Chúng tôi đã ngã xuống từ hết mọi mình ngựa
chúng tôi đã gặp muối trong hạt thóc, và y đã quên tôi. Chúng tôi đã bỏ lỡ mọi dịp
và y đã quên tôi. Tôi, kẻ khác nơi y
Nơi y tất cả đều là hình ảnh. Tôi là tấm gương của y
Mọi cái chết đều là hình ảnh. Mọi thân xác
hình ảnh. Mọi cuộc khởi hành, hình ảnh. Mọi xứ
hình ảnh. Tôi bảo: thế đủ rồi, chúng ta đã hoàn toàn chết. Đâu là nhân tính của tôi. Tôi ở đâu?
Y đã nói: chỉ có hình ảnh là hình ảnh
 
Từ ba mươi mùa đông qua
y làm thơ và xây dựng một thế giới đang sụp đổ quanh y
y thu thập những mảnh đổ nát để vẽ nên một con sẻ và cánh cửa ra vào cho không gian
Mỗi lần có một bức tường sụp đổ chung quanh chúng tôi, y lại dựng những ngôi nhà trong ngôn ngữ
Mỗi lần đất trở thành quá nhỏ hẹp đối với chúng tôi, y lại xây cất thiên đường và tự diên trì bằng một câu
Từ ba mươi mùa đông qua, y sống ở ngoài tôi
 
Y bảo: nếu chúng ta tới những thành phố đầu tiên
và thấy chúng bị bỏ rơi
đổ nát
mi đừng tin chuyện ấy
đừng ruồng rẫy
một con đường nơi chúng ta đi hoặc tiến tới
Đất có thể nói láo, nhưng giấc mơ rủ xuống từ tay y không nói láo
 
Từ ba mươi mùa thu qua
y làm thơ và không sống, chỉ si tình những hình ảnh của y
y vào tù và chỉ thấy có trăng của y
y bước vào cuộc tình và chỉ hái những trái của y
Tôi hỏi: đàn bà nơi chúng ta là gì? Y đáp: một trái táo để xá tội
 
Đâu là nhân tính của tôi? tôi đã kêu lên
Y đã đóng cửa lại để tôi ở ngoài. Y kêu lên với tôi:
người đàn bà trông đợi đến từ một ý niệm, một hình ảnh trong gam màu sắc
 
Đã đến lúc người thi sĩ rút khỏi tôi vĩnh viễn
trái tim tôi không phải bằng giấy
Đã đến lúc tôi tự tách rời
khỏi những tấm gương của tôi và khỏi những con người bằng giấy
Đã đến lúc cánh ong rời bông hồng để trở về với hoàng hôn
đã đến lúc chiếc gai đâm thấu trái tim tôi
để tôi nhìn thấy trái tim tôi, nghe thấy nó và cảm thấy nó
Đã đến lúc người thi sĩ phải tự sát
không vì lý do nào khác
hơn là tự sát
 
 

TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY

 
Trên trái đất này có những điều đáng sống: sự chập chờn không dứt khoát của tháng Tư, mùi bánh mì lúc tảng sáng, những ý kiến của đàn bà về đàn ông, các tác phẩm của Eschyle, những bước đầu của tình ái, cỏ trên đá, những bà mẹ đứng trên một tiếng tiêu mảnh lướt, và nỗi kinh hoàng mà những kỷ niệm gợi ra cho những kẻ đi chinh phục
 
Trên trái đất này có những điều đáng sống: những ngày cuối tháng Chín, một phụ nhân tràn trề nhựa sống bước vào tuổi bốn mươi, giờ có nắng trong tù, một đám mây bắt chước một đoàn người đông đảo, những tiếng hoan hô của một dân tộc nhịp theo những kẻ bước lên cái chết với nụ cười, và nỗi kinh hoàng mà những bài ca gợi ra cho các bạo chúa
 
Trên trái đất này có những điều đáng sống: trên trái đất này có bà chủ của đất, mẹ của những khởi sự, mẹ của những kết thúc. Bà có tên là Palestine. Rồi người ta gọi bà là Palestine. Lạy Bà, tôi đáng tôi đáng sống, bởi vì bà là lệnh Bà của tôi.
 
 

PHI TRƯỜNG NHÃ-ĐIỂN

 
Phi trường Nhã-điển phân phối chúng tôi đi các phi trường. Người chiến đấu nói: Tôi sẽ đi chiến đấu ở đâu? Một phụ nữ mang thai kêu lên với anh ta: Em sẽ đem con đến cho anh ở đâu? Người chức việc nói: Tôi sẽ thi hành công tác ở đâu? Nhà trí thức bẻ lại: Đó là việc của chú mày. Các nhân viên quan thuế hỏi: Các người từ đâu tới? Chúng tôi đáp: Từ biển. Họ lại hỏi: Địa chỉ của các người? Một người đàn bà trong nhóm chúng tôi đáp: Làng tôi là cái bọc quần áo của tôi.
 
Ở phi trường Nhã-điển, chúng tôi đã chờ đợi nhiều năm. Một chàng thanh niên kết hôn với một cô thiếu nữ và hai người không tìm được căn buồng để mau chóng hoàn thành cuộc hôn nhân. Anh ta đã tự hỏi: Ta đi đâu để ăn nằm với nàng? Chúng tôi cười và bảo anh ta: Này chú, câu hỏi ấy không có lý do để đặt ra. Nhà phân tích bảo: Họ chết để không chết. Họ chết do may rủi. Nhà văn học nói: Phe ta chắc chắn sẽ thất bại. Chúng muốn gì chúng ta?
 
Mỗi ngày phi trường Nhã-điển lại thay đổi cư dân. Và chúng tôi, chúng tôi ở lại như những băng ghế chồng chất trên những băng ghế, để chờ đợi biển, trong bao nhiêu năm nữa, hỡi phi trường Nhã-điển?
 
 

VÀ CHÚNG TÔI, CHÚNG TÔI YÊU SỰ SỐNG

 
Và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng.
Chúng tôi nhảy múa giữa hai kẻ tuẫn giáo. Ở giữa họ, chúng tôi dựng cho những bông hoa tím một ngọn tháp cao của giáo đường Hồi hay hàng cây cọ.
 
Chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng.
 
Chúng tôi lấy của con tằm một sợi tơ để dệt nên trời của chúng tôi và kết thúc cuộc di cư này.
Chúng tôi mở cánh cửa khu vườn để bông nhài tràn ngập mọi con đường như một ngày nắng đẹp.
 
Chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng.
 
Ở nơi chúng tôi cư ngụ, chúng tôi gieo trồng cây cối xum xuê và chúng tôi thu gặt những người chết.
Chúng tôi thổi vào ống tiêu màu sắc của xa xăm, xa xăm, và chúng tôi vẽ một tiếng hí trên bụi cát của lối đi qua.
Chúng tôi viết tên chúng tôi trên từng tảng đá. Ôi ánh chớp, hãy soi sáng đêm tối cho chúng ta, hãy soi sáng đôi chút.
 
Chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng.
 
 

ŒDIPE

(Ngươi cần gì
hiểu biết, hỡi Œdipe?)
 
Ta cần gì hiểu biết
Ta không tha một con chim, một pháp sư hay một người đàn bà
Ngai cao là kết cục, thế lực ta không bờ bến
Ý muốn ta là định mệnh. Ta tự mình
thần hóa, và các thần thánh của bầy thú đều là đồ giả
Ta cần gì hiểu biết?
 
Niềm bí ẩn ở nơi con người
Con người là chủ nhân của chính hắn và của tra vấn
Chỉ có hiểu biết nơi những gì hắn thấy lúc này
Dĩ vãng chỉ là những giọt nước mắt dễ dãi
Ta cần gì hiểu biết?
 
Ta bước tới trước mặt, chắc chắn với vương trượng với bước chân ta. Bóng ta màu xanh
mọi người là cây cối của ta
Lịch sử hãy tới với tất cả các pháp quan và chứng tá
để ghi nhận niềm vui của ta về vương quốc của ta
về các con ta, lũy thành đô thị của ta
vẻ uy nghiêm những mặt nạ của ta
cái chết của hôm qua ở nơi ta và nơi người chép sử. Nơi ta sống là đây. Là đây nơi ta sống. Là đây
Ta cần gì hiểu biết?
 
Can hệ gì tổ tiên ta
Can hệ gì nếu họ là những kẻ chăn cừu, vua chúa hay nô lệ
Chính Ta đây là Vua
ta là vua duy nhất
Ta yêu vợ ta, tôn kính vợ ta và khoác lên ta sự trần truồng của nàng
ta ôm siết lấy nàng từ mọi phía của dòng máu chủng loại trong máu nàng
và ta thét lên tiếng thét của ta với tiéng rít của những loài thú nhỏ
Một lần nữa ta muốn mình, thế nên đừng nói với ta về người chồng
cũ của mình hay một người nào khác ngoài ta. Ta có đây. Có đây
và ta có đây
Ở đây là ta
Ta cần gì hiểu biết?
 
Ta ở trong những gì ta sẽ ở
và ta là ta
Quá khứ của ta là một điều bí ẩn không làm mất của ta giấc ngủ
Ta sẽ kết thúc những gì đã khởi sự cho câu đáp, để chấm dứt những chuyện đó
Can hệ gì với ta những vấn nạn
về những gì đã hoàn tất
Can hệ gì với ta, can hệ gì với ta. Khi ta là câu đáp cho câu đáp
Can hệ gì với ta nguồn gốc của mẹ ta
can hệ gì nếu bà là công chúa
hay nghèo khổ
Chỉ có mình ta
là vua
duy nhất
Ta cần gì hiểu biết?
 
Chúng không một lần hỏi ta: Ngươi là dòng dõi ai
Không hề hỏi ta: Cha ngươi là ai, anh em ngươi là ai? Ngươi đã giết ai, và phải chăng ngươi đã giết?
Mà bảo ta: Ngươi sẽ báo thù đức vua
Ta hỏi: Ai đã giết vua?
Ai đã giết vua?
Ta là kẻ giết vua. Vua
chính là người cha xa lạ, vắng mặt của ta
 
Ta vô tội đối với một dòng máu xen vào
giữa Thượng đế và ta. Ta không hay biết
rằng ta là kẻ sát nhân không hay biết
và tội ác của ta phải chăng là đã giết
hay đã biết!
 
Ta là chồng của mẹ ta
con gái ta là em ta
cuộc hôn nhân cũng như ngai vàng của ta là những tai ương
Hỡi người đàn bà
hỡi hiểu biết
ta cần gì các ngươi
tại sao các ngươi không chết như thần thánh đã chết
ai đã buông thả lên ta quá khứ như một con bạch tuộc chung quanh hồn ta lang thang
ai đã chuồi vào chén rượu của ta những độc dược của hiểu biết?
Ta cần gì hiểu biết?
Ta cần gì hiểu biết?
 
 
MAHMOUD DARWICH sinh năm 1941 tại làng al-Birwah, gần thành phố Acre. Bị xua đuổi vào năm 1948, gia đình qua Liban tỵ nạn. Hai năm sau bí mật trở lại. Lớn lên ở Israёl, tham gia khi còn rất trẻ vào phong trào yêu nước. Nhiều lần bị cầm tù. Bài thơ nổi tiếng của ông «Căn cước» viết trong những năm 1960, đã trở thành như một thứ tuyên ngôn của nền thi ca Palestine trên đường đổi mới. Rời Israёl năm 1971 qua Liban, rời nơi này năm 1982 khi quân Israёl tràn tới. Hiện sống ở Paris và Tunis. Chủ tịch Hội nhà văn và nhà báo Palestine. Điều khiển tạp chí văn hóa al-Karmil, xuất bản ở Chypre. Tác phẩm gồm khoảng 20 cuốn, phần lớn là thơ, một số tiểu luận và chứng từ.
 
[còn tiếp một kỳ]
 
----------------
Lời toà soạn:
Mời quý bạn đọc xem bài viết và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng của Diễm Châu (nguyên là bài mở đầu cho tuyển tập thơ này), đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021