thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai mươi nhà thơ Ba-lan hôm nay [11-15]
(Diễm Châu giới thiệu và dịch)
 
Muốn có một trái tim, ta cần phải sử dụng nó.
CYPRIAN KAMIL NORWID (1821-83)
 
        Trong những ngày tháng qua, trên Tiền Vệ, tôi có may mắn được giới thiệu vắn tắt với bạn đọc một số các nhà thơ Ba-lan. Hiện nay đã có thể nói rằng các nhà thơ ấy (kể từ Stanislaw Baranczak trở lên) là những người đã thành danh, những «tên tuổi» của thi ca Ba-lan ở thế kỷ XX. Tiếp nối công việc trên, hôm nay, tôi lại được hân hạnh đề nghị với quý bạn đọc một số các nhà thơ khác của Ba-lan. Những người kế tiếp này là những nhà thơ còn trẻ hoặc rất trẻ mà tài năng vừa bừng nở, và có lẽ, đối với một số nào đó, còn chờ thử thách của thời gian...
        Có lẽ không phải tất cả thơ Ba-lan ở thế kỷ này đều nhằm trả lời một vấn nạn mà Czeslaw Milosz đã nêu ra hồi đầu thế kỷ: «Thi ca nghĩa là gì khi không cứu được quốc gia, dân tộc?...», nhưng, ở vị trí «địa lý chính trị» đặc biệt của Ba-lan, phải khách quan nhìn nhận rằng «sử tính» là một điều hết sức «thiết thân» đối với các nhà thơ đã sinh, sống trên đất nước này hoặc đã phải xa lìa quê hương.
        Các biến cố đau thương diễn ra ở Ba-lan – Ba-lan là ở đâu? – đã làm chứng cho điều ấy. Từ 1948 đến 1989, một quan niệm «thiên đường» đã được áp đặt trên đất nước và người dân Ba-lan. Và những tâm hồn mẫn cảm nhất trong dân tộc ấy – kể cả nơi những chiều hướng «riêng tư», «riêng tư mới»... xuất phát từ kinh hoàng, cô lập hay được cố tình nuôi dưỡng, thúc đẩy,... đều không tránh khỏi những trăn trở...
        Một phúc trình tỉ mỉ về chế độ bao vây, uy hiếp và trấn áp của «thiên đường» nọ có lẽ vẫn còn phải đợi qua thế kỷ XXI này, nhưng qua các «sự cố» lộ diện hoặc ngấm ngầm, đã có những tiếng nói, – dũng cảm hay không, ở đây thực sự không cần thiết –, những mảnh phóng sự trực tiếp từ thiên đường..., những điều cần biết hoặc cần ôn lại cho chính các nạn nhân và cả những kẻ từng áp đặt...
        Với 20 nhà thơ «trẻ», tôi hy vọng cống hiến bạn đọc không có nhiều thì giờ và phương tiện, một cái nhìn «chim bay» về Thơ Ba-lan trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.
(Phần lớn các bài dịch ở đây dựa theo bản Anh văn in trong
Donald Pirie, Young Poets of a New Poland (Forest Books/ Unesco Publishing 1993).
 
________________________
 
 

11. WŁODZIMIERZ PAWLAK (1957~)

WLODZIMIERZ PAWLAK sinh tại Korytowo năm 1957. Học tại Viện Mỹ nghệ Varsovie trong xưởng vẽ của Rajmund Ziemski từ 1980-85. Đồng sáng lập nhóm ‘Gruppa’ dưới thời thiết quân luật với Ryszard Grzyb. Cộng với những cuộc triển lãm chung với ‘Gruppa’, Pawlak cũng đã có nhiều cuộc triển lãm một mình. Cho tới nay chỉ đăng thơ và tùy bút trên các tờ Oj, dobrze juzCo slychać?.
 
 
Ở NGOÀI TỐT VÀ XẤU
 
Muốn những gì lúc này vẫn phải có đó
Là những gì anh vẫn là (dẫu ấy chỉ là một tự do đơn độc).
Không khác với những gì anh vẫn là.
Không muốn ở một mình, hay với một ai đó.
Và không xác định, và không phê phán.
 
Không khổ sở (và bởi thế không khoái trá trong khổ sở).
Không khoái trá nơi sự vật (và bởi thế không khổ sở vì mất).
Không kiểm soát hết mọi sự, hay bất cứ điều gì.
Biết (và không biết làm sao mình biết).
Cảm (và không xác định).
Hiện hữu (không để cho chuyện tưởng tượng tạo ra tốt và xấu nữa).
 
28.12.81
 
 
MỘT BÀI THƠ KHÔNG ĐỀ VÌ MỘT TỰA ĐỀ THƯỜNG CẢN LỐI VÀ LÀM HƯ TẤT CẢ
 
Chuyện đã từng xẩy ra một lần. Rồi đã có một lúc gián đoạn.
Bây giờ, một lần nữa, chúng ta lại trở về với s ố  k h ô n g.
Không gì hết không phải chỉ là tiếng rít lên của một cái máy truyền hình Beryl 102 sau bản quốc thiều,
ấy là sự chia lìa với bản thân tôi.
Ấy là sự vắng mặt của bạn bè thân.
Ấy là sự ra đi của Kerilov.
Ấy là Hamm và Clov, Pozzo và Lucky, Vladimir và Estragon,
Nagg và Nell đi khỏi, bảo rằng văn chương đã chấm dứt.
(«văn chương cứu chúng ta bằng cách nói dối»)
Và dẫu sao thời đó là điều sự không tin tưởng của tôi
cũng như luơng tâm tôi bảo tôi,
khi tôi bước xuống đường và thay vì niềm vui hay khoan khoái
tôi có thể thấy cái «tiểu thế mạt»* này.
Tôi trở về nhà bám víu lấy những chữ, những chữ cho tới gần đây
đã cứu vớt tôi
và tôi thấy cái tiểu thế mạt ấy.
Tôi đọc sách, những cuốn sách lùi xa
Và tôi bị bỏ lại phía sau
Còn về điều không chắc chắn ở sự hiện hữu của Thượng đế
niềm tin tưởng của tôi vào sự không chắc chắn ấy mỗi ngày một lớn dần
 
Thực ra thì bao giờ cũng còn lại Lỗ-bình-sơn đó
nhưng dẫu sao thời mọi hoang đảo cũng vẫn đầy nọc độc.
 
Thế là một lần nữa lại chẳng có gì hết, cái không gì hết đã từng có ở đây một lần trước kia.
 
7.11.82
 
------------------------------
*minor apocalyse: «tiểu thế mạt». “Apocalyse”: khải huyền của thánh Giăng về ngày tận thế. (người dịch)
 
________________________
 
 

12. MARCIN ŚWIETLICKI (1961~)

MARCIN ŚWIETLICKI sinh vào ngày hôm trước lễ Giáng sinh 1961. Liên kết với «đợt sóng mới» của các nhà thơ «Man di», những người xuất bản tờ brulion ở Cracovie. Đã đăng thơ trong tuyển tập của nhóm: Przyszli barbarzyńcy ('quân man di dã tới', Cracovie, 1991). brulion đã in tập thơ đầu tiên của Świetlicki:  Zimne kraje ('Những xứ lạnh', 1992). Làm việc trong bộ biên tập tuần báo Tygodnik Powszechny.
 
 
*  *  *
 
Tại sao nỗi băn khoăn của anh lại cứ xoay vòng quanh mãi
những từ như: nhà tù, nổi dậy,
tây, đông, tự do, thực phẩm,
đạt được cái này hoặc cái kia,
những tù nhân
chính trị?
Ấy là những chữ nhỏ bé, những chữ nhỏ bé nhất trong các chữ,
tại sao lưỡi anh lại đã vướng mắc vào những chữ ấy?
Anh chẳng biết đó sao hết thảy những thức này
đều nằm dưới quyền kiểm soát của một cô ả khá chùng lén
mà anh yêu, hay đúng ra tưởng tượng mình yêu –
cô nàng thực ra đã chọn người
anh ghét bỏ, kẻ hành hạ cô và đóng đinh cô
vì cô nàng mà anh nằm trong ngục tù này,
vì cô nàng mà anh đói khát
 
 
SỰ THẬT VỀ CÂY CỐI
 
cây cối không có thánh kinh riêng của chúng
cây cối có dư thừa ánh sáng không khí và mưa
những cành gầy guộc vươn lên tới trời cao
 
trời của cây cối thời xanh mạnh mẽ thơm ngát
kẻ tạo ra cây cối thời cũng xanh và mạnh mẽ như chúng
kẻ tạo ra chúng đã không hoạch định một địa ngục cho cây cối
 
không có tội lỗi không có bắt buộc
chỉ cần hiện hữu rì rào vươn ra
chỉ cần lớn lên hít thở đâm cành
 
kẻ tạo ra cây cối không sáng chế một địa ngục cho chúng
đặc biệt thu hút ta là sự rửng rưng êm dịu của cây cối
khi chúng chấp nhận những con người đeo rủ xuống từ những cành thấp  của mình
 
 
¿LE GUSTA ESTE JARDIN?*
 
Khi tôi gỡ đôi kính đen của tôi ra
Thế giới tôi đang ở lại càng khủng khiếp hơn.
Nhưng có thật. Những sắc màu thực sự
dần dà trở lại đúng vị trí của chúng.
Một con rắn trườn qua hết mọi sự nó gặp. Rắn
cũng chạm tới chúng tôi nữa.
 
Tuyết rơi và bao phủ mọi sự.
Thành phố cho tới lúc này hãy còn nhìn thấy được – một bộ xương
đen được soi rọi đây đó bằng những ngọn đèn pha
của những chiếc xe hơi nho nhỏ, tôi đã ngồi xuống một điểm có lợi thế
và ngắm nhìn. Chiều tối. Hết mọi chợ phiên vui nhộn
lúc này đã đóng cửa.
 
Chiều tối. Con người trở lại nhà với những món đã đoạt được.
Các nhà tu nhiệt tín chỉ có thể cứu rỗi
bản thân. Một con chó chạy kế bên chúng tôi một lúc
và bốc mùi. Những giấy tờ cá nhân của tôi
đã tan rã. Tất cả những gì tôi yêu mến
đã tan rã. Nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn.
 
Chả có gì về tôi trong Hiến pháp.
 
----------------------------
*Tựa đề bằng tiếng Tây ban nha: «Khu vườn này có vừa lòng... không?» (người dịch)
 
 
ĐẠO ĐỨC LAO ĐỘNG (24 tháng Ba 1988)
 
Tôi đang quét những bậc thang dẫn lên
Cung Nghệ thuật. Đây không phải là một ẩn dụ:
đây là chuyện thật. Tiền kiếm thêm.
Thi ca cũng cần kiếm sống cách nào đó. Thi ca
cũng phải ăn.
Lúc này là mùa xuân. Mùa đông đã để lại những đồ dơ bẩn –
cái chất trăng trắng này thật dễ 'thăng hoa' thành bùn lỏng
ướt át, tối đen và nhớp nháp. Một đống
những mẩu thuốc lá, giấy vụn, phân chim, cứt chó và thứ kia
chắc phải là do con người tiết ra.
Đây cũng không phải là một ẩn dụ nữa: đây là chuyện thật.
Việc sử dụng chữ nghĩa của tôi đã đưa tôi
tới nơi này. Trời trên đầu có mây che.
Mưa không gột được hết mọi sự.
 
________________________
 
 

13. KRZYSZTOF KOEHLER (1963~)

KRZYSZTOF KOEHLER sinh năm 1963. Liên kết với «đợt sóng mới» của các nhà thơ «Man di», những người xuất bản tờ brulion ở Cracovie. Đã đăng thơ trong tuyển tập przyszli barbarzyńcy ('quân man di dã tới') và trên tờ quý san Na Głos ở Cracovie. Năm 1990, đã cho in tập Wiersze ('Thơ') ở Cracovie.
 
 
ULYSSE VÀ PENELOPE
                                        Cho K.
 
Hãy nói nhè nhẹ Trời tháng Sáu, đây là những ngọn đồi.
Năm tháng ấy đã khuếch đại những chiếc bóng của thân xác
Chúng ta. Những bàn tay. Những vành môi. Một vầng trán trắng.
Rồi một làn gió nhẹ, và mùi đồng áng.
Những rặng đồi chồng chất từng bước lại từng bước.
 
Các đô thị đã bị tàn phá. Cỏ dại
Đã che lấp các lối đi
Thuật hàng hải lão luyện vẫn tính lầm.
Niềm vui và nỗi lo sợ, như một di sản, còn đây với chúng ta.
 
Một đợt sóng xô tới sau đợt chót.
Nói điều này: Hãy để mặc hoàng hôn rơi và
Chim biển kêu réo. Vì những gì đã có,
những gì đang chờ đợi chúng ta, những gì hiện có đây lúc này hãy để
những nụ hôn trào ra thì thầm lặng lẽ.
 
________________________
 
 

14. JACEK PODSIADŁO (1964~)

JACEK PODSIADŁO sinh năm 1964 tại Szewna trong vùng Kielce của Ba-lan. Giữa những năm 1980, làm việc trong một nhà máy thép, nhưng từ 1989-93 «không có công việc thường xuyên». Khởi sự viết văn năm 1984, bài viết đăng trên một số báo «lậu» như Wolność i Pokój dưới thời thiết quân luật, nhưng cũng đăng trên các báo khác như tờ quý san brulion. Thi phẩm đầu tiên là hej! in ở Katowice năm 1987. Kế đó là kompot z orangutana ('mứt đười ươi', Elblag, 1989), và Wiersz wybrane 1985-1990 ('Tuyển tập thơ 1985-90') do «bibLioteka brulionu» xuất bản, 1992. «Chủ yếu làm nghề lao động tay chân», Podsiadło lúc sau này đã khởi sự làm việc cho một đài phát thanh địa phương ở vùng Opole, chuyên về «country music» và nhạc dân gian. Không thuộc nhóm văn nghệ nào.
 
 
BÀI CA CỦA ĐỨC BÀ NHÀ XÍ
 
Ta thật là hạnh phúc
ta đã tám mươi tuổi
Chúa đã quên ta
ta chỉ có việc đảm bảo có giấy đi cầu ở đó
ở đúng chỗ thích hợp của nó
 
Ta thật là hạnh phúc
ta đã tám mươi tuổi
Chúa đã quên ta
ta chỉ có việc đảm bảo có giấy đi cầu ở đó
ở đúng chỗ thích hợp của nó
 
7.8.86
 
 
*  *  *
 
Nhìn thấy một người thày
ở mỗi một trong ba cây đèn cầy này
ở khẩu súng lục đồ chơi bên cạnh tôi
ở những điếu thuốc «Yugo», ở một chén cà-phê, ở cái chăn Mukunda kẻ ô vuông như bàn cờ,
ở những ông thày điên của thời nhỏ.
Viết một bài thơ. Canh chừng.
Ở bên em với sự hiện diện không nhìn nhận những dặm đường.
Nhớ những ông thày khôn ngoan nữa. Bị kích xúc
vì những cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn, vì ấy chính Heidegger hiện hữu chứ không phải không gì hết,
vì Sự thật vẫn chơi trò hú tim với thi ca.
Là bậc thày của ngạc nhiên. Phân phối mọi niềm tin ta có
tới kiệt lực.
Du hành trong thời gian với không gian nhỏ bé ấy,
đu đưa trên chóp đỉnh con lạc đà là chiếc xe hai bánh của ta..
Yêu em bằng những chữ.
Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được đêm nay.
Và thổi tắt ba cây đèn cầy, từng cây một
và rồi chính bản thân tôi, cây thứ tư.
 
9.1.87
 
 
ĐỪNG RỜI TÔI
 
Em đừng thôi yêu tôi. Dẫu chỉ một giây. Hãy nghĩ đến tôi
sáng & chiều, & khi cầu kinh. Dẫu có phải bỏ mất một bữa
dẫu như thế có nghĩa là em sẽ bị sụt ký. Hãy cảm thấy tự do thoải mái, hãy coi
«Dampsey & Makepeace», hãy nhìn ngắm những chiếc áo trưng bày trong tủ kính cửa hàng,
những triệu chứng của bất cứ thứ bệnh nào
trên người em – nhưng hãy giữ lấy tôi trước mắt em.
 
Khi chuyển những bao xi-măng năm chục ký tôi mang em trong tay tôi.
Khi bước theo điệu reggae tôi nhảy theo em vào lửa.
Khi cắn những đầu móng tay tôi cắn chúng vì mong ngóng em.
Khi lắng nghe dự báo thời tiết tôi ra sức nghe tiếng em.
Đôi khi tôi ngạt thở
& lúc ấy tôi biết là em đã quên tôi trong giây lát.
 
2.2.89
 
 
QUÁ KÝ
 
Họ nói mỗi lúc một ít hơn & ít hơn & dùng nước hoa càng ngày càng nhiều hơn & nhiều hơn.
Họ chỉ cần mười lăm phút cho một đêm ân ái. Những tình cảm của họ mập ra.
Họ đã trao con cái cho «Muppets & the Smurfs» chăm sóc.
Bên trên giường họ những dòng chữ say đắm: Em / Anh sẽ không bao giờ rời anh / em» treo với nét chữ nổi bật.
Họ phơi bày tình cảm của họ một cách ngượng ngập như những món hành lý trước mặt một viên chức thuế quan, như thể họ
    đang thi hành một sự trừng phạt nào đó quá nghiêm khắc.
Trốn trốn họ trốn nhà, nàng thì vào một mục tập thời trang, chàng thì vào một cuốn sách giật gân nào đó.
Buổi sáng họ hối hả tới những nhà máy sản xuất muộn phiền (là món chính và trước hết).
Họ có một chiếc xe lên ba, & mỗi người hai quan hệ bất chính trên lương tâm. Chuyện không xuôi rồi, phải không?
 
3.5.89
 
 
CỎ CHẤP NHẬN
 
Cỏ chấp nhận những mẩu thuốc lá & những vật ghê rợn màu nâu
từ trong lều ném ra.
Trái đất, viện mồ côi lớn nhất trong vũ trụ, nhẫn nhục chịu đựng
những trò bốc đồng & nhào lộn thật trẻ con của chúng ta.
Những giọt nước mắt của chúng ta & trò nổ súng vào nhau,
đổ muối vào món xà-lách trái cây & đặt bom dưới những sự vật.
Một cơn gió mạnh thổi, chiếc lều bấu chặt lấy đất như một đứa trẻ
bám lấy tay Mẹ. Tôi đang viết ở vị thế nằm ngang, sức mạnh
cần thiết cho sự hiểu biết thế giới này đang chồi lên qua bụng tôi.
Những ngọn cỏ ra sức ngoi lên chỉ cho tôi hướng đúng. Tình yêu,
Tình yêu cho chúng ta một cơ may vượt qua bất chấp con người của chính chúng ta.
 
________________________
 
 

15. MARZENA BRODA (1966~)

Nữ thi sĩ MARZENA BRODA sinh tại Cracovie năm 1966. Bắt đầu in thơ vào năm 1985. Liên kết với «đợt sóng mới» của các nhà thơ «Man di», những người thường in thơ trên tờ quý san brulion ở Cracovie, Broda đã xuất bản tập Światło przestrzeni ('Ánh sáng của không gian') tại Cracovie vào năm 1990. Cô đã được tặng giải thưởng Kazimiera Iłłakowiczówna cho tập thơ này. Broda cũng in thơ trong tuyển tập przyszli barbarzyńcy ('quân man di dã tới').
 
 
CĂN NHÀ BẰNG GẠCH ĐỎ
 
Trong căn nhà này có những vật thánh thiêng: một bức ảnh chụp
gắn một giải băng tang đen, một cây nến đã tan chảy trong chân nến
sau một buổi dạ hội vĩnh biệt, một cái máy điện thoại máng trên tường
ở lưng chừng một lời nào đó. Ngoài ra không còn gì khác, có lẽ chỉ có nỗi cô đơn,
mà nơi ẩn trú là đọa đày.
Bất cứ nơi nào chúng tôi đi nó cũng đi theo canh giữ chúng tôi đồng thời
chỉ lối thoát khỏi cảnh giam cầm: vẫn một vực thẳm ấy
cho hết mọi người. Một căn nhà cũng phải chết như chúng ta. Những dã thú
không chút hờn căm lao mình vào con mồi của chúng.
 
 
*  *  *
 
Hãy khép mắt em, hãy tắt tiếng em
và cởi trói cho đôi bàn tay em để em có thể với tới trời cao
chỉ lúc đó em mới tìm ra được lối vượt qua cõi mênh mông vô bờ bến
phân cách chúng ta.
 
Em cảm thấy mặt trời đang chìm xuống, màu sáng rực lặn dần
sau những vùng đất hoang. Em rồi sẽ ra sao?
Em sẽ tới cõi đêm đen xa lạ và quê hương của bóng tối
Em sẽ không phân biệt được con đường dẫn tới anh.
 
Hãy khép mắt em, hãy tắt tiếng em.
Nếu không em sẽ đổ sụp xuống kiệt lực
vì cuộc bay xa hướng tới trời cao, và rồi dù anh gọi,
không bao giờ chúng ta sẽ gặp nhau
trong vũ trụ này vũ trụ tách biệt con người với các Thần linh biết bao.
 
 
THẾ GIỚI CỦA NƯỚC
 
Biển cả đã ném những mảnh xương nhẵn nhụi này lên bờ
và như những miểng nhỏ lìa cây chúng bén rễ trên bãi biển dẻo quyện.
Những viên sỏi một đợt sóng cuốn đi phát ra âm thanh của
tiếng phách. Gió nghỉ lại trên những dạng mây quần tụ
và vỏ sò lấp lánh dưới những dòng nước xanh lục.
Đó ở dưới đáy mây từ những hang hốc trồi lên.
– Phải chăng có ai đó đã thắp một bó đuốc?
Trên đỉnh những tảng san hô ngầm bầy cá bơi bơi
vũ trụ của chúng là khởi điểm của im lặng.
 
1987
 
 
SỰ THỰC TỪ QUAN ĐIỂM NÀO SẼ TỒN TẠI?
 
Vào những ngày hay đêm nào
chúng ta sẽ đối diện với những kẻ đã chết
và lúc nào cũng vẫn một cái dấu vết không chắc chắn ấy.
 
Liệu có cần hối hả băng qua
bờ bên kia mà không nghỉ xả qua giấc ngủ
Liệu những bầy chim có bay trên đầu chúng ta
uể oải đưa cánh đánh thức bầu khí
Liệu chúng ta có tới được cõi xa xăm
và như thế bắt kịp tương lai
Sự thật nào sẽ tồn tại trên những Bình nguyên của Địa đàng
Liệu thời gian có hiện hữu không cần tới chúng ta
Ở tầm kích nào chúng ta sẽ để lại bằng chứng về cuộc tồn sinh của mình
cho bản thân ta cho Trái đất cho cội cây ủ rũ của tình ái
Liệu có ai lúc này có thể hứa hẹn
một vị trí tương tự ở chốn Lạ xa
Liệu bốn mùa đi qua trên màu xanh lục
sắt thép của những mặt hồ và những cánh rừng có trôi theo chúng ta
Hết thảy những suy tưởng thật sự dẫn tới đâu
chuyển động của một bàn tay rơi trên một khuôn mặt phẫn nộ hay muộn phiền
những âm thanh và sự im lặng Ánh sáng của buổi nhá nhem đầu
Cái hành tinh ôm ấp Cho ta nơi ẩn trú
 
 
-------------------------------
Mời bạn đọc xem những kỳ trước:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021