thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai mươi nhà thơ Ba-lan hôm nay [6-10]
(Diễm Châu giới thiệu và dịch)
 
Muốn có một trái tim, ta cần phải sử dụng nó.
CYPRIAN KAMIL NORWID (1821-83)
 
        Trong những ngày tháng qua, trên Tiền Vệ, tôi có may mắn được giới thiệu vắn tắt với bạn đọc một số các nhà thơ Ba-lan. Hiện nay đã có thể nói rằng các nhà thơ ấy (kể từ Stanislaw Baranczak trở lên) là những người đã thành danh, những «tên tuổi» của thi ca Ba-lan ở thế kỷ XX. Tiếp nối công việc trên, hôm nay, tôi lại được hân hạnh đề nghị với quý bạn đọc một số các nhà thơ khác của Ba-lan. Những người kế tiếp này là những nhà thơ còn trẻ hoặc rất trẻ mà tài năng vừa bừng nở, và có lẽ, đối với một số nào đó, còn chờ thử thách của thời gian...
        Có lẽ không phải tất cả thơ Ba-lan ở thế kỷ này đều nhằm trả lời một vấn nạn mà Czeslaw Milosz đã nêu ra hồi đầu thế kỷ: «Thi ca nghĩa là gì khi không cứu được quốc gia, dân tộc?...», nhưng, ở vị trí «địa lý chính trị» đặc biệt của Ba-lan, phải khách quan nhìn nhận rằng «sử tính» là một điều hết sức «thiết thân» đối với các nhà thơ đã sinh, sống trên đất nước này hoặc đã phải xa lìa quê hương.
        Các biến cố đau thương diễn ra ở Ba-lan – Ba-lan là ở đâu? – đã làm chứng cho điều ấy. Từ 1948 đến 1989, một quan niệm «thiên đường» đã được áp đặt trên đất nước và người dân Ba-lan. Và những tâm hồn mẫn cảm nhất trong dân tộc ấy – kể cả nơi những chiều hướng «riêng tư», «riêng tư mới».. xuất phát từ kinh hoàng, cô lập hay được cố tình nuôi dưỡng, thúc đẩy,.. đều không tránh khỏi những trăn trở...
        Một phúc trình tỉ mỉ về chế độ bao vây, uy hiếp và trấn áp của «thiên đường» nọ có lẽ vẫn còn phải đợi qua thế kỷ XXI này, nhưng qua các «sự cố» lộ diện hoặc ngấm ngầm, đã có những tiếng nói, – dũng cảm hay không, ở đây thực sự không cần thiết –, những mảnh phóng sự trực tiếp từ thiên đường..., những điều cần biết hoặc cần ôn lại cho chính các nạn nhân và cả những kẻ từng áp đặt...
        Với 20 nhà thơ «trẻ», tôi hy vọng cống hiến bạn đọc không có nhiều thì giờ và phương tiện, một cái nhìn «chim bay» về Thơ Ba-lan trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.
(Phần lớn các bài dịch ở đây dựa theo bản Anh văn in trong
Donald Pirie, Young Poets of a New Poland (Forest Books/ Unesco Publishing 1993).
 
________________________
 
 

6. JAN POLKOWSKI (1953~)

JAN POLKOWSKI sinh tại Cracovie năm 1953. Học văn chương Ba-lan tại đại học Cracovie. Từ 1977 đến 1979 trở thành một thành viên hoạt động tích cực của ủy ban sinh viên công đoàn Đoàn kết cũng như người biên tập của KOS (nhóm xuất bản bí mật của sinh viên Cracovie). Trong thời kỳ Đoàn kết, thành lập nhóm xuất bản độc lập ABC, nhưng bị giam giữ như một «thành phần nguy hiểm» vào ngày 13. 12. 1981. Sau khi được ân xá, lại hoạt động như người biên tập bí mật của tờ Arka (đã trở thành hợp pháp từ 1989). Hiện nay là tổng biên tập của tờ nhật báo có khuynh hướng bảo thủ Czas (Thời gian) ở Cracovie. Những bài thơ đầu tiên của Polkowski được đăng trên tờ quý san bí mật Zapis (1978); các tập thơ kế tiếp cũng được in dưới hình thức sách lậu (samizdat): To nie jest poezja ('Đó không phải thơ', NOWa, 1980); Oddychaj gleboko ('Hút vô thật sâu', ABC, 1981); Ogień. Z notatek 1982-1983 ('Lửa. Từ sổ tay của tôi', 1982-1983), Pólka Poetów (1983) và Drzewa ('Cây', Oficyna Literackie, 1987). Ngoài ra, Polkowski còn một tập thơ xuất bản tại Luân-đôn: Wiersze ('Thơ', Puls, 1986). Năm 1990, Zank, nhà xuất bản nổi tiếng của giới Thiên chúa giáo, cũng đã in một tập thi tuyển đầu tiên của Polkowski, tập Elegie z tymowskich gór i inne wiersze ('Bi ca từ đồi Tymowo và những bài thơ khác').
 
 
DÒNG VĨNH CỬU
 
Ngôn ngữ của các sự vật, thơ của những đồ vật thuần túy
không chút thèm khát, khi thốt ra tiếng «cái bàn»
để nói thêm một điều gì nữa
Nhưng nói tiếng ấy
một cách thật trong sáng khiến có thể thấy trước mặt ta
cái bàn duy nhất, ấm áp, hơi chuệnh choạng ấy,
cái bàn trĩu nặng những mùi vị, được những người quá cố
chạm khẽ, với cái ngăn kéo độc nhất
nằm giữa những chân bàn doãng ra này,
khiến ta có thể thấy
những gì xẩy ra trong thơ
sức mạnh xoay vòng nguyên thủy của trái đất này
 
 
MỘT NGỌN CỜ PHẤT PHƠ TRONG GIÓ
 
Thơ sẽ không bao giờ trở lại
sẽ không được phóng thích từ những dòng thơ bị tra tấn
của anh,
 
từ thân xác anh bị liệng ra ngoài tuyết,
từ phòng giam ở nhà tù Lvov,
từ tổng hành dinh Lubianka, Mạc-tư-khoa.
 
Như một thiếu nữ nhợt nhạt
đã bước sâu xuống lòng đất
ở bên kia Bức tường Bá-linh
của Âu châu và cái Chết
 
(không để ý có ai đó đang ghi chép
nàng lặp lại nhè nhẹ:
Anh thật sự không cần thứ thơ này
hãy tránh mọi tiếp xúc với các ẩn dụ ).
 
 
SỨ GIẢ CỦA Ô. X
 
Ngươi không sống sót để đưa ra lời chứng
một lời chứng tựa như khói từ một nạn nhân đã bị quăng đi
không chịu tản mác từ những thành phố đang bốc cháy
 
Thân xác ngươi – là khởi đầu và kết thúc của thời gian
thế nên đừng để nó trở thành một thứ văn khố bị hư hại
cho một vài bài thơ hay chuyện kể thần tiên của những kẻ mơ mộng
hay điên khùng
 
Ngươi đã không tồn tại sau tất cả những điều đó để làm chứng
chống lại chúng: thế giới là một kẻ thân thuộc quá gần gũi
của các con ngươi
 
Mọi con đường
đều vòng vo dẫn tới nơi ngươi nằm xuống
để ngủ giấc ngủ của người công chính
 
Lịch sử có những định luật của nó, đó là lý do khiến ngươi phải trông chừng
từ một viễn tượng của văn minh không có những điều bốc đồng,
cái cách một quốc gia nhỏ bé dẫy chết
cái cách những thế hệ cuối cùng của nó ngạt thở
 
Nhưng ngươi đừng để mất hy vọng
có lẽ ngươi sẽ không thức dậy ở đầu xa kia của khung cửa hẹp
nhà tù, với một ngôi sao hai cánh bất thường
đính vào da thịt,
có lẽ ngươi sẽ không thấy cái giây phút đó, có lẽ ngươi sẽ chết
trước khi ngươi sinh ra nơi một dân tộc được chọn lựa
để bị triệt tiêu
 
Trước khi người ta tìm ra ngươi ở bên ngoài ranh giới thành phố trong bộ đồng phục
của một công nhân hay một sinh viên triết lý
với một khuôn mặt phủ tờ giẻ rách 'Polityca' của cộng sản phóng khoáng kia
miêu tả những thói phát-xít
của các lực lượng công an Nam Mỹ
 
Trước khi ngươi hiểu câu chửi thề: thằng Du-dêu!
hay tên Polack!*
 
Đi đi, ngươi hãy cứ trung thành
với ngọn cờ làm bằng thép gai đen và trắng
và với các viên tướng
trong lời kinh nguyện hằng ngày của ngươi
 
--------------------------------------------
* Du-dêu: Do-thái; Polack hay Polak: người Ba-lan (chữ dùng để miệt thị). Tựa đề bài này «nhái lại» tựa đề một bài của Zbigniew Herbert, "Sứ giả của ông Cogito", đã đăng trên Tiền Vệ. (người dịch)
 
 
*  *  *
 
Ta đã nói tất cả rồi. Phải
ta đã nói.
Và lúc này ta cảm thấy mình trống rỗng và nhơ nhớp
như một quảng trường sau một cuộc biểu dương.
(Ta đã chẳng hiểu gì hết sao?)
Ta bước vô và lắng tai nghe con trai ta đang rền rĩ
và đó là Lời Chúa, một cây đàn lya, một lòng thung dồi dào trù phú.
Ta đã cảm thấy như một người đánh cá, một người dẫu đói
vẫn thả hết những gì đã đánh bắt được, và kiêu hãnh trở lại nhà.
Đâu đó phẳng lặng, ta chịu đựng mi
không có gì là vất vả lắm
nhưng ở sau lưng ta đã lay động
một ngọn lửa hủy diệt tất cả
 
Tháng Mười 1981*
 
----------------------------------
* Tháng 12 cùng năm, tuyên bố tình trạng chiến tranh ở Ba-lan. (người dịch)
 
 
*  *  *
 
Đừng viết gì hết. Hãy để kẻ khác nói,
và dẫu như họ không bao giờ dùng những chữ
như cách mạng, tự do, nhân phẩm, nhục nhã
dẫu như lưỡi họ chỉ là thịt da
chứ không phải đàn lya, bích họa hay thanh kiếm, hãy để
họ nói. Hãy để máu chạy
và lửa lan ra, hãy để thân cây điền ma* đậm thêm lên
hãy để nước và trái cây lang thang.
Đừng cầm giữ trái tim anh lại,
hãy để nó uống và lắng nghe.
 
--------------------------------
* lime-tree (Anh) hay tilleul (Pháp). (người dịch)
 
________________________
 
 

7. URSZULA BENKA (1955~)

Nữ thi sĩ URSZULA BENKA sinh năm 1955 tại Wroclaw, nơi cô học tâm lý học và văn chương Ba-lan tại đại học của thành phố. Benka khởi sự đăng thơ trên tờ nguyệt san văn hóa Odra vào năm 1975; và thơ của cô cũng đã được đăng trên nhiều tạp chí và báo khác. Các thi phẩm đã xuất bản của Benka gồm: Chronomea (Cracovie, 1977); Dziwna rozkosz ('Ngây ngất lạ lùng', Wroclaw, 1978); Nic ('Không gì hết', Cracovie 1984); Perwersyjne dziewczynki ('Gái nhỏ hư hỏng', Varsovie, 1984). Và gần nhất là Ta mala tabu ('Cái linh vật ấy') [Tabu còn là tên một con mèo trong thơ Benka]. Urszula Benka đã được tặng giải thưởng thi ca Stanislaw Grochowiak cho tập thơ đầu tay. Cô rời Ba-lan tới Paris vào đầu những năm 80. Sống ở Nữu-ước nhưng vẫn tiếp tục in thơ ở Ba-lan.
 
 
BỆ ĐÀI
 
Thành phố bị lửa tiêu hủy trong những giai đoạn kế tiếp nhau, những mặt phẳng nằm ngang của nó
tự sắp xếp theo hình khối chóp thành một bệ đài,
đứng làm bằng cứ cho sự hiện hữu của những điều không thể được. Tuy nhiên Thành phố
là khả hữu, và bởi đó thiêu rụi nó cũng đã trở thành khả hữu không kém
thiêu rụi nó hoàn toàn đến nỗi không một ai trong bất cứ hoàn cảnh nào quan niệm được
lại có thể tái tạo nó hay chỉ manh nha một toan tính
bất kể thành công hay thất bại
nhằm cải tạo lại nó.
Hết mọi khả năng riêng tư, thực hành hay lý thuyết đều bị thiêu rụi
và những phương pháp, hình thức, vấn nạn, giải đáp và hợp lý hóa nữa,
cả đến sự biện minh Cuối cùng và hậu quả của một cuộc hỏa tai to lớn đến thế,
và những dàn hỏa cũng bị thiêu rụi.
Sự hiện hữu không thể giản lược được nữa của Thành phố đã bị thiêu hủy tồn tại trong phạm vi hoàn hảo của Bệ đài
một bệ đài trong yếu tính là không phức tạp mà thuần nhất,
thật minh bạch và không thể được và như thế
không thể bị thiêu rụi.
 
 
CÁM DỖ
 
Anh phải thôi bước đằng sau tôi như thế –
bản thân tôi tôi cũng chẳng biết những đường phố này, ở những lối quẹo của con đường, những mặt đồng hồ cháy sáng
đường phố trông thật lạ lùng
dưới cơn mưa lóe lên thật mãnh liệt với ánh đèn nê-ông
tôi sẽ chỉ qua không đầy một giờ trong hiu quạnh
tôi muốn bắt tay với giờ phút ấy trên một công viên bất lực nào đó
hôm qua chẳng hạn tôi đã thấy
một đứa bé vô tình vuốt ve
một trong những chiếc đồng hồ luân phiên cháy sáng màu xanh thẫm rồi màu xanh bích ngọc
và ở nghĩa địa Père Lachaise
nó ngửa đôi mi mắt khép dưới mưa
và chỉ khi tôi hiểu đứa bé ấy
nụ cười anh mới thâm nhập trong tôi
thế nên tôi muốn thấy những gì hẳn là nó đã thấy
 
________________________
 
 

8. KATARZYNA BORUŃ (1956~)

Nữ thi sĩ KATARZYNA BORUŃ sinh tại Varsovie năm 1956. Đã theo các giảng khóa tại trường Phim ảnh Łodz và vào mùa thu năm 1989 là một tham dự viên Chương trình viết văn quốc tế của đại học Iowa, Hoa kỳ. Boruń khởi sự đăng một số thơ trên tờ Nowy Wyraz ('Diễn tả mới') vào năm 1974. Cho tới năm 1993 đã xuất bản năm tập thơ: Wyciszenia ('Nguôi ngoai', Varsovie, 1977); Maly happening ('Một happening nhỏ', Varsovie, 1979); Zycio codzienne w Państwie Srodka ('Đời sống hằng ngày ở Trung quốc', Varsovie,1993); Muzeum automatów ('Một viện bảo tàng cho những người máy', Bydgoszcz, 1985); Wiecej - wiersze o zmroku ('Thơ - lúc nhá nhem', Varsovie, 1991). Boruń từng làm nhiều nghề lặt vặt trước khi trở thành một biên tập viên của nguyệt san Powściagliwość i Praca.
 
 
LỊCH SỬ
 
Người nào trong các bạn tôi hãy còn tin ở những chữ,
ai ngày nay hãy còn khâu một lá cờ dân chủ thâu đêm,
ai chuẩn bị những đồ băng bó cho cuộc đấu tranh bên ánh nến mờ nhạt,
vậy mà tôi nghe nói vào lúc nhá nhem họ vẫn thường
điểm lại những giấc mơ,
trong những căn buồng ngột ngạt của mình
ngân nga những bài ca xưa không bao giờ được dạy ở nhà trường
mà những lời thơ ai cũng biết
nên cũng chẳng cần phải hát to.
Người nào trong các bạn tôi hãy còn tin ở những chữ;
vậy mà tôi vẫn thấy đều đều
bên ánh đèn mờ
họ hít vào hai buồng phổi
mùi thơm của những tờ báo đã vàng úa
ngửi thấy mùi lông chim rì rào trong chữ in
và tiếng cánh phất phơ quết vào mặt họ
Ai trong các bạn tôi còn tin tưởng ở những cử chỉ
đã ăn mòn vào cơ bắp của họ như rỉ sét
soi mòn thân cây thập giá;
vậy mà họ vẫn ngủ với sự cẩn mật trông chừng chờ hiệu còi thức dậy
và một bàn tay nửa tỉnh nửa mê lùng kiếm bên người họ
món vũ khí vô hình đã được lau chùi cẩn thận.
Người nào trong các bạn tôi còn tin cậy ở những vóc dáng
mà tên tuổi đã nung mủ trên những ngọn cờ hiến cho
Tổ quốc và Thiên Chúa.
Vậy mà tôi thấy ngày lại ngày
họ vẫn ào xuống mau hơn những đường phố này như thể chúng là những đường hào
đầu khom xuống đôi vai
như tránh một lằng đạn
rì rầm những lời của một bài kinh
nguyện cầu phần thưởng duy nhất có thể được của họ – được chết trong tình trạng ân nghĩa.*
 
--------------------------------
* tình trạng ân nghĩa (cùng Chúa): tình trạng thanh sạch, không có tội lỗi gì trong lương tâm. (người dịch)
 
 
SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY Ở TRUNG QUỐC
 
Ông Quan chỉ đáp trả bằng những chữ đơn âm.
Một con mèo ve vảy nhảy lên một thân cây vặn vẹo
(Căn bệnh của người Anh: sự cách ly lộng lẫy).
Ngươi kẻ bị đóng đinh qua trọng tâm vào thập giá
của sứ mạng Cơ đốc giáo
ngươi vẫn còn săn đuổi yến
nơi tiệm ăn thân xác con người.
Sau tấm bình phong bằng giấy
ngươi liệng những chiếc nấm đô thị buồn bã
và tre đã nẩy măng cùng với đôi đũa ngươi
Ngươi không bỏ công phân biệt tư tưởng nơi những nhân vật bóng nhẫy.
Tre mọc,
và vào buổi sáng đã xé rách da thịt chúng ta
đến trưa đã xuyên qua tim.
Chiều tới
trong ổ á-phiện xanh mờ
trên đôi chân bó lại nhỏ bé
một em gái mù
được thương tình cứu vớt khỏi chết đuối
sẽ tới liếm đôi dép lụa của ngươi.
Ông Quan Phép mầu chỉ đáp trả bằng những chữ đơn âm.
 
(1983)
 
 
CÁC NHÀ THƠ CỦA THÀNH PHỐ NHÌN XUỐNG TỪ NGỌN THÁP CAO NHẤT
 
Nếu thay vì nói thẳng, chúng ta chồng chất những ẩn dụ
và quấn lưỡi chúng ta vào tấm len trắng của thơ
thời dễ dàng, dễ dàng hơn cho chúng ta.
Thành phố này thành phố tự bán mình
đổi lấy tình bạn giả dối, đổi lấy lời lẽ
và điệu bộ của những con buôn hay những tên giắt mối
đã khép tôi lại như một cuốn sách một lần nữa
bỏ đọc dở dang, đã đưa tôi tới đây
để hiến tôi cho dòng sông. Và rồi nó lại trao trả lại
bởi không có ai khác tới bên bờ đồi trụy.
Hãy nhìn thị dân đã lâu ngày bị bỏ rơi
cho móng vuốt những cánh cổng lớn và mộ địa.
Chúng ta cũng chẳng khác gì họ.
Ngôi nhà của chúng ta là một vệt nước trà nhỏ hẹp và đen tối vấy lên
một chiếc khăn bàn và một trái tim
bị một mũi kim của máy may Singer xuyên qua.
Như những đứa trẻ sơ sinh
chúng ta xoay vòng không dứt
ở một chốn ẩn dật nơi tu viện của những kẻ không nhà và bị bỏ rơi.
 
 
MỘT BÀI CA TRONG NHÀ
 
Mi có thể nắm được bao nhiêu dây nhợ trong một bàn tay
       mi sẽ có bấy nhiêu hạnh phúc,
trong hầm nhà mi có bao nhiêu than
       mi sẽ có bấy nhiêu hơi ấm,
trên bức vách nhà mi có bao nhiêu cửa sổ
       mi sẽ có bấy nhiêu ánh sáng,
mi có thể đếm được bao nhiêu
       mi sẽ có bấy nhiêu kẻ thù.
 
Mi sẽ có cùng một trái tim
       như trái tim khi mi sinh ra,
mi sẽ có ý thức về mùi vị thật to lớn
       cũng bằng như cay dắng có trong miệng mi,
mi sẽ có ngần ấy tự do
       như tự do có giữa một bức vách và một bức vách kế tiếp,
và chỉ có ngần ấy hy vọng
       như mi có thể nắm giữ được giữa những kẽ tay.
 
Ngôi nhà mi ở sẽ cao
       như bàn tay mi có thể với tới
và ruộng đồng của mi sẽ rộng lớn
       như con mắt nhìn thấy được
và mi, người đàn bà, mi sẽ là quan tòa và đoàn bồi thẩm của riêng mi
       phần thưởng của riêng mi và cực hình của riêng mi.
 
________________________
 
 

9. MARIA KORUSIEWICZ (1956~)

Nữ thi sĩ MARIA KORUSIEWICZ sinh tại Katowice năm 1956. Học Anh văn tại đại học Silesia nhưng cũng tốt nghiệp phân khoa đồ họa của trường Sư phạm ở Czestochowa. Cô làm việc như một họa sĩ trình bày sách. Khởi sự đăng thơ trên tờ Zycie Literackie ('Sinh hoạt văn nghệ') ở Cracovie. Tập thơ của cô nhan đề Oddzial kobiecy nad ranem ('Khu bệnh xá phụ nữ lúc tảng sáng', Katowice, 1987) đã được giải thưởng của Bộ Nghệ thuật và Văn hóa. Tập thơ mới nhất của cô: Tajemnica korespondencji ('Bí mật của thư từ', Varsovie, 1991).
 
 
*  *  *
 
tôi lại bị cơn đau đầu khốn khổ này
và đằng sau tấm kính ngày vẫn đứng trơ như cây cột
 
và tôi không kéo màn, không nhắm mắt lại
không sao đính chặt được chính bản thân tôi dưới chăn mền
 
tôi biết rằng tôi phải ngủ phải ngủ ngay cả khi đầu tôi bừng cháy
ngay cả khi như một con ốc sên nó trườn lên cổ họng tôi
 
và khi nó muốn nhảy xuống từ lầu trên cùng
tôi đột nhiên nghĩ hãy dịu bớt nào cưng ơi hãy dịu bớt
 
nhưng một lần nữa tôi lại bị cơn suy sụp đầu óc này
và tôi đã không sao cột lại được đôi tay của chính tôi
 
và ở bên kia cửa sổ như một cây cột như một cái nĩa của sấm sét
như tòa nhà Empire State Building
 
như một ngọn giáo như một tổng lãnh thiên sứ như Marylin Monroe
ngày đứng trơ đó
 
 
*  *  *
 
mặt tôi là một hũ cà phê đen
mặt tôi là một bàn tay không có ngón
một chiếc đồng hồ báo thức đe dọa
 
nó không biết kêu tích tắc
nó không muốn ăn
nó không muốn ra khỏi nhà
 
tôi đã sơn nó đỏ và xanh
tôi đã nhuộm tóc nó
làm thẳng lại hàm răng
 
mỗi ngày một trò thoát y vũ mới
một buổi trình diễn huy hoàng
mỗi ngày nó thường hát như một đệ nhất nữ danh ca ở nhạc kịch viện
 
trong những đêm trường nó thường liếm cái lưỡi ấm của ta
cái lưỡi ấm của ta thường nhảy múa với nó tới hừng đông
ban đêm nó lớn lên như một bông tuy-líp vàng chỉ để
 
hôn nó thêm và thêm và thêm nữa
lúc này nó nằm trên người tôi như một con thú cuộn tròn
lạnh lẽo và nhớp nháp và ướt như một con sứa
 
lúc này rốt cuộc ta có thể cho nó một cú ngay giữa hai con mắt
 
________________________
 
 

10. RYSZARD GRZYB (1956~)

RYSZARD GRZYB sinh tại Sosnowiec năm 1956. Từ 1976-79, học tại trung học Mỹ nghệ ở Wroclaw và từ 1979-81, làm việc tại xưởng vẽ của họa sĩ Rajmund Ziemski tại Viện Mỹ nghệ Varsovie. Người sáng lập nhóm họa sĩ và nghệ sĩ trình diễn ‘Gruppa’ vào năm 1982 dưới thời thiết quân luật. Đã nhiều lần triển lãm tranh chung với nhóm và riêng. Thơ đăng trên tờ Oj, dobrze juz và tờ mục tranh Co slychać?, 1989 của nhóm.
 
 
SẦU MUỘN
 
Nỗi sầu muộn của mi cũng tựa như một ngọn đồi nhỏ
từ đó mi nhìn qua những vùng chung quanh
và mi thấy những dáng hình quá trau chuốt thật vô nghĩa
đặt cách quãng dưới ánh sáng mặt trời trong một khoảng rộng bao la
như trên một bức tranh trang trí bằng bút mực
Mi nghĩ rằng đây là Trung quốc
và mi đã từng có mặt ở đây một lần
nhưng thực ra chuyện chẳng liên hệ gì tới một giấc mơ quá vãng
ở đây có quá nhiều màu vàng lòng đỏ trứng gà đã bạc màu
và những hình thù được tôn lên bằng một nét huyễn ảo quá đáng.
 
1981
 
 
ĐỊA NGỤC
 
Chẳng phải ở thế giới này mi sẽ chùi nước mắt trên má kẻ thù
Chẳng phải ở thế giới này mi sẽ dẫn đưa một con chó mù tới cái chết bình yên
Chẳng phải ở thế giới này một giọt màu trắng sẽ rớt tới mi trong tăm tối
Chẳng phải ở thế giới này niềm vui sẽ phấn khích trái tim mi.
 
 
-------------------------------
Mời bạn đọc xem kỳ trước:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021