thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai mươi nhà thơ Ba-lan hôm nay [1-5]
(Diễm Châu giới thiệu và dịch)
 
Muốn có một trái tim, ta cần phải sử dụng nó.
CYPRIAN KAMIL NORWID (1821-83)
 
        Trong những ngày tháng qua, trên Tiền Vệ, tôi có may mắn được giới thiệu vắn tắt với bạn đọc một số các nhà thơ Ba-lan. Hiện nay đã có thể nói rằng các nhà thơ ấy (kể từ Stanislaw Baranczak trở lên) là những người đã thành danh, những «tên tuổi» của thi ca Ba-lan ở thế kỷ XX. Tiếp nối công việc trên, hôm nay, tôi lại được hân hạnh đề nghị với quý bạn đọc một số các nhà thơ khác của Ba-lan. Những người kế tiếp này là những nhà thơ còn trẻ hoặc rất trẻ mà tài năng vừa bừng nở, và có lẽ, đối với một số nào đó, còn chờ thử thách của thời gian...
        Có lẽ không phải tất cả thơ Ba-lan ở thế kỷ này đều nhằm trả lời một vấn nạn mà Czeslaw Milosz đã nêu ra hồi đầu thế kỷ: «Thi ca nghĩa là gì khi không cứu được quốc gia, dân tộc?...», nhưng, ở vị trí «địa lý chính trị» đặc biệt của Ba-lan, phải khách quan nhìn nhận rằng «sử tính» là một điều hết sức «thiết thân» đối với các nhà thơ đã sinh, sống trên đất nước này hoặc đã phải xa lìa quê hương.
        Các biến cố đau thương diễn ra ở Ba-lan – Ba-lan là ở đâu? – đã làm chứng cho điều ấy. Từ 1948 đến 1989, một quan niệm «thiên đường» đã được áp đặt trên đất nước và người dân Ba-lan. Và những tâm hồn mẫn cảm nhất trong dân tộc ấy – kể cả nơi những chiều hướng «riêng tư», «riêng tư mới».. xuất phát từ kinh hoàng, cô lập hay được cố tình nuôi dưỡng, thúc đẩy,.. đều không tránh khỏi những trăn trở...
        Một phúc trình tỉ mỉ về chế độ bao vây, uy hiếp và trấn áp của «thiên đường» nọ có lẽ vẫn còn phải đợi qua thế kỷ XXI này, nhưng qua các «sự cố» lộ diện hoặc ngấm ngầm, đã có những tiếng nói, – dũng cảm hay không, ở đây thực sự không cần thiết –, những mảnh phóng sự trực tiếp từ thiên đường..., những điều cần biết hoặc cần ôn lại cho chính các nạn nhân và cả những kẻ từng áp đặt...
        Với 20 nhà thơ «trẻ», tôi hy vọng cống hiến bạn đọc không có nhiều thì giờ và phương tiện, một cái nhìn «chim bay» về Thơ Ba-lan trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.
 
Phần lớn các bài dịch ở đây dựa theo bản Anh văn in trong
Donald Pirie, Young Poets of a New Poland (Forest Books/Unesco Publishing 1993).
 
________________________
 
 

1. KRYSTINA LARS (1950~)

Nữ thi sĩ KRYSTINA LARS sinh tại Elk năm 1950. Học văn chương Ba-lan tại đại học Gdansk, có liên hệ chặt chẽ với các nhà thơ trẻ thuộc nhóm Wspólność. Viết trên các báo địa phương như Literaria, Punkt, và Autograf. Đồng sáng lập và nay là tổng biên tập tờ quý san Tytul ở Gdansk. Từ cuối những năm 1980, Lars có một chương trình riêng trên đài phát thanh địa phương, dành cho những đề tài văn chương và văn hóa. Đã đăng những bài thơ đầu tiên vào năm 1980. Tập thơ đầu tiên: Ja, Gustaw ('Ta, Gustav', Gdańsk, 1981). Kế đó: Chirurgia mistyczyna ('Giải phẫu huyền bí', Bydgoszcz, 1985), rồi Kraina pamiatek ('Đất của những kỷ niệm', Gdańsk, 1991).
 
 
ĐÔ THỊ
 
Điều khó nhất là tin ở một gương mặt trong sáng
ban đêm thật can trường, ban ngày sưng phù lên với nỗi kinh hoàng
lặng lẽ ẩn bên dưới khuôn mặt của những người sống
tựa như ánh sáng trắng dưới mí mắt của một chiếc bóng
 
Điều khó nhất là tin ở một chữ đã kết tinh
vang lên nhè nhẹ trong pha lê xanh của không khí
đu đưa thật cẩn trọng giữa đôi bàn tay chúng ta
tựa như tiếng điểm danh những người chết trong một ngôn ngữ không quen biết
 
Điều khó nhất là tin ở một đô thị được mang trên không
tựa như một khối trắng với ánh ngời tuôn xối xả
trải rộng với áng sáng ở mép bờ biển cả
và bị những lưỡi rìu chiến của cơn bão gây thương tích sâu xa
 
 
MÁY CHÉM NÓI VỚI DANTON
 
«Anh không thể tưởng tượng được nhà hát dở nó có thể chán đến thế nào, Danton. Khi tôi được đưa lên cao, tôi có thể thấy cả ngàn con mắt gắn chặt vào lưỡi dao lấp lánh của tôi. Tất cả các bàn tay đều lạnh và ẩm ướt. Bắp vế họ rung rung. Những kẻ ngu đần ấy nuốt nước miếng để bảo đảm với mình rằng những đường mạch ở cổ họng của chính họ chưa bị tiện đứt. Họ chỉ có thể nghĩ được thế. Họ chỉ thấy cái lưỡi dao lấp lóe, lúc nó được buông ra, phập xuống, rồi là máu, những chùm tóc đầm đìa ở ót và rồi cái thúng đầy những óc vàng vàng.
 
Tôi thực sự phải vô hình. Phải chặt xuống qua không khí như thể qua thủy tinh. Rồi thiên đường của Tư tưởng chúng tôi sẽ tỏa rạng trên toàn thành phố, và máu trong sáng sẽ đổ vào thân xác mọi người biến tất cả thành cẩm thạch trắng.
 
Tôi thực sự là dàn gióng nâng đỡ cái Mái vòm Cao cả phân cách thế giới với bóng tối bên ngoài.
 
Anh đừng cho tôi hay tên anh nữa. Tôi chẳng nhớ được đâu. Hãy nghiêng đầu qua một bên và nhìn thẳng vào đám đông qua mắt kiếng của anh.»
 
 
TOA CHÓT
 
Lúc này tôi chỉ có thể chạy. Tôi có thể thấy bọn họ ở dưới cuối hành lang. Họ đang đuổi theo tôi. Họ thả những lông chim én bừng cháy từ đôi tay. Những ngọn lửa đen xoay vần qua không khí. Đậu trên những tay vịn bọc nhung. Nhũ băng rung rinh trên tóc hành khách. Sương giá trên những hàng mi. Những con mắt uranium. Lân tinh. Một cánh cửa lớn bằng kính dầy mở ra khi một cây quạt chạm tới. Một người đàn bà với một khuôn mặt tròn có những bàn tay bằng gỗ nhưng không có mắt. Một mũi thép chĩa ra từ cườm tay. Những hạt ngọc tuôn xuống từ một tràng chuỗi bị giật đứt. Một lớp bọt những triều thiên đóng khung lấy một đôi vú phơi bày. Một cây thập tự bằng hồng ngọc... Những bông hồng ẩm ướt... Mù sương...
 
Bọn họ tới gần hơn. Lớp da trên các vách gợn lăn tăn dưới hơi thở của họ. Một mặt hồ lớn lung linh của lở chốc tràn lên những ngọn đồi đỏ thẫm. Bạch huyết, trong lúc bị chìm ngập, bơi qua phía bên trong của những tấm gương. Đôi mắt thị đã khép. Những bông huệ giả trá vây quanh lòng bàn tay đen mở rộng của mặt hồ. Những ngọn đèn ánh bạc rủ xuống từ trên trần hút vô không khí nhiễm độc. Một tiếng rít. Những thác lửa. Tiếng xống áo bị xé. Những mảnh lụa bỗng rơi rụng từ trên vai... Chiếc đồng hồ cát vù vù như một tổ ong bốc cháy.
 
Những lối đi giữa giữa các toa xe đầy máu. Bên trong lớp kính kép của những cửa sổ côn trùng di động. Những lưỡi dao trắng của không khí chặt ngang bóng tối. Những cây cầu xe lửa chồm qua những mặt hồ gầm vang... Trăng... Những đám mây bị xẻ... Một tiếng thét...
 
Thượng đế ngồi trong toa chót. Khi tôi bước qua ông nhấc tờ báo lên. Tôi không nhìn thấy được gương mặt ông. Những ánh đèn hiệu đỏ bơi trong máu hiện lên trên một ngón tay ông đeo chiếc nhẫn bạc. Những ngôi sao lóe ra từ điếu thuốc của ông.
 
________________________
 
 

2. GRZEGORZ MUSIAŁ (1952~)

GRZEGORZ MUSIAŁ sinh năm 1952 tại Bydgoszcz. Học y khoa tại Viện Y khoa ở Gdańsk. Có liên hệ với nhóm các nhà thơ Wspólność và Maria Janion ở đại học Gdańsk. Đăng những bài thơ đầu tiên vào khoảng giữa những năm 1970, nhưng tập thơ đầu tay của ông, tập Rewia, chỉ xuất hiện vào năm 1978. Sau đó là các tập: Kosmopolites (Gdańsk, 1980); Listy do brata ('Thư cho anh tôi', Gdańsk, 1983); Przypadkowi swiadkowie zdarzeń ('Những người tình cờ chứng kiến các biến cố', Varsovie, 1986); Berliner Tagebuch ('Nhật ký Bá-linh', Cracovie, 1989); Smak popiolu ('Vị tro', Bydgoszcz, 1992). Cùng với các tập thơ này, ông cũng đã cho in ba cuốn tiểu thuyết bán-tự sự và là một dịch giả thơ Hoa kỳ: Grzegorz Musiał đã dịch toàn bộ tác phẩm của Allen Ginsberg.
 
 
NHỮNG NGƯỜI TÌNH CỜ CHỨNG KIẾN CÁC BIẾN CỐ
 
những người tình cờ chứng kiến các biến cố
đã qua đây hoàn toàn do may rủi
là người chứng kiến các biến cố
ở nơi họ không thể hiểu biết tường tận
 
những người tình cờ chứng kiến các biến cố
gán cho chúng quá nhiều hay quá ít ý nghĩa
ít khi tới được điểm then chốt là niềm hy vọng hay nỗi đắng cay
họ chỉ nhớ màu đôi giầy của nạn nhân
hoặc nhớ rằng y đeo một chiếc nhẫn trên ngón tay
 
chúng ta đừng bỏ qua những kẻ tình cờ chứng kiến này
chỉ có họ mới có thể cho biết
ai đang giật dây con rối chúa
có bao nhiêu bàn tay đang vươn tới dành vương miện
và ai đang trông chừng tất cả mọi chuyện từ hậu trường
 
Tháng Tám 1980
 
 
TẬN THẾ VÀO GIỜ ĐIỂM TÂM
 
Họ bước vô – và tiếng vui đùa và léo nhéo ngừng bặt
khách hàng sững lại với những chiếc nĩa hãy còn giơ lên trong tay
bà chủ nhà há miệng trong kinh ngạc khôn tả
nhưng họ không để bà thốt ra một lời
 
Tận thế đôi khi có thể là một cái chuông trước cửa lúc điểm tâm
mặc dù thường được nhận ra rõ nhất bằng những cuộc loạn đả và tiếng cười khàn khàn
nhưng ngay cả những kẻ gieo rắc cái chết cũng trông đợi những phong cách khá hơn
bởi thế lúc này họ lẻn vào kín đáo hơn bao giờ và không để lại những giọt nước theo sau
 
Và như thường lệ người ta hỏi một thi sĩ nọ tại sao ông không la lên kịp lúc
như loài công thường kêu ré ngoài vườn trong một buổi khiêu vũ dưới ánh sáng những cây đèn lồng bằng giấy
ông là người độc nhất nhận ra sự tận diệt cả một thế hệ trên gương mặt nó
khi làn hơi lạnh lẽo của vĩnh cửu phớt qua hai bên thái dương ông
 
Tháng Tư 1984
 
 
NƠI NÀY
 
nơi này.
đây là nơi tôi đang lớn lên. đây là nơi tôi có thể hát.
đây là nơi tôi ra sức. nơi tôi thua lỡ
nơi này. không phải cái bàn. không phải
cái ghế. cũng không phải
căn nhà này.
 
những người ấy.
đây là điều họ tin. đây là nơi họ chờ đợi.
đây là những khung cửa sổ qua đó họ trông chừng tôi
ngày lại ngày
một cái áo khoác ngoài dễ nhận. một kiểu đi quen thuộc.
đây là cánh cửa tôi gõ hết mọi ngày.
 
nơi này.
tước bỏ của tôi trọn vẹn
mọi nơi khác mở ra cho tôi
trên thế giới.
 
________________________
 
 

3. ALEKSANDER JUREWICZ (1952~)

ALEKSANDER JUREWICZ sinh năm 1952 tại Lida, nay thuộc về Bielo-russie. Cùng cha mẹ «hồi hương» vào mùa Thu năm 1957. Đã xuất bản khá nhiều thi tập: Sen który na pewno nie byl miłościa ('Một giấc mơ chắc chắn không phải là tình yêu', 1974); Po drugiej stronie ('Ở phía bên kia', 1978); Nie strzelajcie do Beatlesów ('Đừng bắn vào những người Beatles', 1983); và Jak golebie gnane burza ('Như chim bồ câu bị cơn bão săn đuổi', 1990). Jurewicz cũng đã xuất bản hai truyện vừa: W środku nocy ('Giữa đêm tối', 1980) và Lida (1990).
 
 
PHÍA BÊN TRONG NHỮNG NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA
 
Phía bên trong những ngôi nhà của chúng ta
nơi chúng ta trở lại sau
những cuộc gặp gỡ bất thành
với những người bạn của bao năm trước
Nơi chúng ta lật giở
đám thư từ riêng cũ kỹ của họ
đã bao đời rồi tỏa mùi thơm
nồng ấm của mùa xuân
Phía bên trong những ngôi nhà của chúng ta
nơi cả đến những kỷ niệm cũng khô đi
như đồ giặt hay xúc xích Là vì trở lại với chúng
quả là dễ dàng hơn khi cái chết đã quyết định phải có
một cuộc gặp gỡ ở đó trước khi đứa con trai anh sinh ra
cho một người đàn bà lúc ấy lạ xa đang tìm cách
bỏ trốn vì dục tình và một pho sách mở của Dostoievsky
lôi cuốn Nơi chúng ta kéo màn lại ngang cửa sổ
trước khi hừng đông khám phá ra chúng ta đang lom khom
trên một trang giấy còn trống nằm trên một mặt bàn
hoen ố Trong những ngôi nhà của chúng ta Trong
những ngôi nhà tai tiếng của chúng ta Những ngôi nhà của tuổi trẻ
không bị khuấy động Trong những ga xe lửa của chúng ta nơi
không một chuyến tàu nào khởi hành mà chỉ có
những con chó bị bỏ rơi lâu ngày của tuổi thơ còn gọi
 
 
KHÔNG KỊP LÚC
                     tặng Leszek Rybicki
 
Chúng ta không tới đây kịp lúc.
Chúng ta tới đây quá trễ.
Lúc này không ai nhìn chúng ta.
Không ai nhận ra chúng ta.
Dẫu như trên bàn có những món ăn chơi và
vodka được dọn ra – chúng ta đã tới quá trễ.
Chúng ta ngỡ rằng còn quá nhiều điều phải làm ở đây.
Rằng họ chỉ chờ chúng ta tới đây trước khi khởi sự
và hết thảy mọi chuyện đã xẩy ra.
Họ cũng chẳng còn thời giờ để đào
cho chúng ta một nấm mộ chung.
Chúng ta muốn để lại cho họ thật nhiều nỗi đớn đau.
Biết bao lời chưa nói hết,
những vách tường chưa ghi dấu và hy vọng cùng kiệt.
Có đôi điều chúng ta vẫn còn muốn nói...
 
Hiển nhiên là có ai đó đã nhầm ngày tháng.
Có lẽ kẻ kia đã đọc lầm địa chỉ của con đường trên kia.
Thế là chúng ta đứng đây với đôi bàn tay nắm chặt
thọc sâu vào trong túi và đưa mắt thật lâu
chăm chú nhìn các cô gái đang chậm rãi bước qua.
Không ai nhìn ngắm chúng ta.
Không ai nhận ra chúng ta.
Và bởi thế chúng ta đứng đây không ghi dấu thời gian,
không đếm kể tháng ngày.
 
 
ĐỘT NHIÊN
                     But we are still alive my dear,
                     we are still alive
                                         W. H. Auden
 
Viết lách nghĩa là gì nếu với cùng một bàn tay ấy
bàn tay tê cóng vì kinh hoàng và lạnh lẽo
anh cột chính sợi giây thòng lọng
của anh ngay dưới cằm anh?
Như thể bằng việc viết lách ấy anh đã muốn buộc phải im lặng
tiếng gõ trên một cánh cửa nay đã thuộc về một ai khác,
như thể đầm đìa mồ hôi giữa cơn ác mộng tiếp theo đôi mắt mở
anh vật lộn với cái nắm cửa sổ
muốn tới được cái bạo cửa trơn trượt,
như thể ấy chính anh là kẻ bị đóng đinh treo lơ lửng
bằng những sợi gân cuối cùng
của sự im lặng chết chóc ở thị trấn này...
Nhưng rồi có ai đó phải nói ra điều ấy
dẫu sao thời chúng ta cũng không thể bỏ lại
một không gian trống vắng sau khi chúng ta đi –
ít ra ta hãy để lại
một ký hiệu nào đó trong không
một mật tín nào đó không bị chận bắt
Chúng ta chắc chắn không thể nào tiếp tục như thế này mãi mãi:
ở trong bốn vách tường này là tù nhân
của chính nỗi sợ của chúng ta, buồn nôn với đôi điều
ngại ngùng tưởng tượng của lương tâm
nơi một căn nhà thiếp ngủ vào giữa đêm tối
đêm rọi lớn hết mọi chiếc bóng trên vách
và phóng đại mọi tiếng thì thào
thành một tiếng hét cuối cùng.
 
Từ khung cửa sổ tới cánh cửa ra vào
bước đi rón rén
vào tuổi ba mươi
tôi muốn tin rằng hết mọi sự
hãy còn ở trước mặt chúng ta,
rằng trong những năm tươi đẹp nhất của tuổi trẻ chúng ta
không phải là vì không gì hết mà chúng ta đã uổng phí
tài năng, sức lực và tinh trùng,
rằng không một căn buồng nào trong những căn buồng trống rỗng ấy từng hiện hữu
bất chấp bằng cớ hiển nhiên là thời kỳ thật quyến rũ của những kẻ
đã từng ở đây trước chúng ta
(và là nơi chúng ta đã đợi chờ một phép mầu nào đó xẩy ra),
rằng chúng ta chưa từng có
một chút đồ thừa nào của món súp cho không, đánh cắp
từ một quán ăn trong trường của sinh viên,
tôi muốn tin rằng trong hơn một
giấc mộng êm đềm chúng ta vẫn sẽ chạy
xuống giữa khoảng đường Grunwaldzka
giơ cao tập dĩa hát vĩnh biệt của nhóm Beatles
và đường phố chính này sẽ không phải là
một cánh đồng đẫm máu,
tôi muốn tin rằng lúc này bước
từ khung cửa sổ tới cánh cửa ra vào
tôi đang chờ em và ấy không phải là vì sợ
mà tim tôi đập mạnh đến thế
trước tiếng động của chiếc thang máy lên gần tới
tôi muốn tin rằng không phải là tôi đang viết bài thơ
cuối cùng từ Thành phố Chết đêm đông này
trùm chiếc áo khoác cũ kỹ
đã từng bày tiệc cho bọ nhạy,
rằng đây vẫn còn là một thành phố ấy
trong đó cũng bằng như trước kia
chúng ta vẫn còn cắt phải ngón tay khi xẻ những lát bánh
chúng ta làm thoáng khí những căn buồng của chúng ta, chúng ta viết thư
chúng ta chỉ một cái cây đơn độc cho các con chúng ta
từ khung cửa sổ, với một cảm giác
tỉnh mộng chúng ta vuốt ve con chó –
Cách đây không lâu:
nghiêng mình trên mặt bàn
nghiền ngẫm về một bài thơ vừa khởi sự
chúng ta đã không nói tới thơ
như một tấm ván an toàn chót
hoặc rằng chúng ta không ngủ được
ban đêm là vì thơ
mà chúng ta đã la lớn trong những buổi đọc trước công chúng
hay lặng lẽ thì thầm
cho người bạn gái bất chợt,
chúng ta đã không nghĩ về những bài thơ
sẽ giết chúng ta chầm chậm...
Chúng ta đã tin ở một vài từ ít ỏi ấy
những từ có sức mạnh cứu vớt,
chúng ta vẫn tin ở
mặt trời, máu và mặt đất...
Lúc này trên những ống chân không vững
chúng ta bước xuống phố của tuổi xuân gia tốc của chúng ta
với một điều gì đó đã tàn lụi
ở bên trong thật sâu và chúng ta hoài công tìm kiếm
những từ không che đậy
những cảnh ghê rợn hay những điều giả dối hiểm độc
chúng ta vẫn bước
với đôi tay trống rỗng
không thể nào
nắm chắc được không khí.
 
*
 
Mặc dù
những phê phán tới nay chưa đọc
về những bài thơ không được bảo vệ của chúng tôi
vì những ngày mà chúng tôi sẽ
không thể sống qua được,
vì niềm tin dễ dàng của chúng tôi
và niềm tin của con cháu chúng tôi,
vì nắm tay mà chúng tôi sẽ không giơ lên,
vì tất cả những gì bị chà đạp dưới chân:
Xin đừng lãnh đạo chúng tôi
Đừng bao giờ lãnh đạo chúng tôi
và đừng lấy đi ký ức.
 
1981-1985
 
 
LIDA
                     để tưởng niệm: cha tôi.
 
I.
Tôi mới lên năm và còn mặc
một bộ quần áo thủy thủ
Chuyến tầu hồi hương cuối cùng
đang nhẫn nại chờ ở nhà ga
Không ai bước lên tầu
Không ai khóc trên sân ga
Cha đã lạc mất đâu đó với chiếc máy khâu
Singer quấn trong lớp vải tuồn
Mẹ không bấu chặt lấy bức ảnh Đức bà
Maria ở Ostra Brama kẹp dưới cánh tay
Những con chim thiên di ra đi sớm không nghe thấy được
thật sự làm im tiếng trẻ con léo nhéo:
«Con không muốn đi Ba-lan đâu...»
 
Nhà ga ở Lida vắng vẻ và buồn ngủ
như thể cả bệnh dịch nữa cũng tới đây
mặc dù không hề có báo động chung cho mọi người
không có tiếng chuông rung
không có con chuột nào chạy xuống phố
Tháng Chín bắt đầu đổi những đồng kopeck
lá của những loại cây đặc biệt
Ở trước nhà ga là một chiếc xe vận tải
từ trong xe không một ai xuất hiện
xe cũng không đổ hàng xuống
Hai vợ chồng với đứa con lên năm
ngồi trong xe sững sờ vì khoảng đường xa
mà họ không đủ sức vượt qua
như thể họ đang chờ số mệnh đổi thay đột ngột
hay một người thợ chụp hình nào trờ tới
 
II.
Nhưng kìa xe lửa đã tới và mặt đất
rung chuyển dưới chân họ
Tiếng la hét và kêu khóc của những kẻ
sẽ ở lại đây vĩnh viễn
và những kẻ phải bỏ đi
và một tiếng nức nở dài
tan ra mọi phía
và gió cuốn xa
«Vĩnh biệt cố hương!»
«Chúng tôi không bao giờ quên được cố hương!»
Nhưng đột nhiên xe lửa bắt đầu chuyển bánh vội vã
theo một mệnh lệnh truyền ra bằng một thứ tiếng không phải Ba-lan
rồi đầu tiếp đầu
thân tiếp thân
dấu thánh giá làm do một thúc đẩy đột ngột
những tia lấp lánh cuối cùng của một thị trấn phải quên đi
một chiếc lá Bi-ê-lô-Nga chĩa vô
khung cửa sổ toa xe
mẹ tôi nắm chặt bức hình Thánh nữ Đồng trinh
cha tôi trông chừng chiếc máy Singer
theo nhịp của những vòng bánh
theo nhịp của nước mắt
theo nhịp của một lời kinh nguyện
theo nhịp của mộng mị tan vỡ
đi về phía tây!
như thể chúng tôi lúc đó ra đi để bị xử bắn
rời xa vào một tương lai vô định
từ miền đất của những kẻ bị tước đoạt
 
III.
Tôi đã không bao giờ nói lời vĩnh biệt thị trấn ấy
Tôi sẽ không bao giờ biết được đường đi nước bước ở đó
Tôi vẫn hoài thức giấc trên những đường phố của nó
với hai đầu gối sờn và một cái hộp đồ chơi
đựng những khối xếp xây dựng trong tay tôi
Tôi được đánh thức nhờ tiếng hát của những người phụ nữ trên đường về
từ những buổi lễ kinh chiều Chúa nhật
và tiếng chửi thề của những người đàn ông trong vườn anh đào
đang uống chút rượu lậu
 
Tôi đã đứng sững lặng trên bạo cửa tìm kiếm một điều gì đó
và chỉ nghe thấy tiếng ì ầm lăn đi của những vòng bánh xe lửa
Chuyến tầu ấy vẫn chạy
và sẽ không bao giờ ngừng lại nữa
 
Tháng Năm 1984
 
 
MÂY TRÊN LIDA
                     tặng mẹ tôi
 
Mây trên Lida, những đám mây
nặng nề – như thể làm bằng chì hay im lặng
Không còn thấy đâu nữa hệt như thị trấn
Không còn lại gì của thời chúng tôi ở đây, không
còn gì – ký ức tôi vật lộn
dưới những ngõ cụt, qua những tấm ảnh chụp
đã nhòa, trong một căn nhà đổ nát...
(Ôi chao tuổi thanh xuân anh đã từng ở đây
tôi đã từng chạy quanh chốn này –)
Tất cả đều tan rã như thể làm bằng tro.
Giữa những bức vách một tiếng thét ngừng bặt
như tiếng nức nở lặng lẽ ngay trước khi thực sự hấp hối –
phải chăng ấy là những con ngỗng trời trong chuyến bay chót
hay có ai đó đã giẫm nát một cây thanh lương trà.
Thế là thị trấn không còn nữa, cũng chẳng còn được mơ tưởng
tới nữa – chỉ có những đám mây ấy, những đám mây đầu hết
của tôi
 
1986
 
________________________
 
 

4. ANNA CZEKANOWICZ (1952~)

Nữ thi sĩ ANNA CZEKANOWICZ sinh tại Sopot năm 1952. Học tại phân khoa Ba-lan của đại học Gdańsk. Có chân trong nhóm các nhà thơ Wspólność vào cuối những năm 1970. Khởi sự với một số bài thơ có tựa chung là Ktoś kogo nie ma ('Ai kia không có đó', Gdańsk, 1976). Kế tiếp là các tập: Wiezienie jest tylko we mnie ('Nhà tù chỉ ở trong tôi', Gdańsk, 1978); Pelni róz obledu ('Một nhà đầy hoa hồng điên dại', Gdańsk, 1980); Najszczersze klamstwo ('Lời nói dối thành thật nhất', Gdańsk, 1984). Và gần nhất là Smierć w powietrzu ('Cái chết trong không', Gdańsk, 1991).
 
 
LỜI TIÊN TRI CỦA TÔI
 
– Tôi làm giường mọi ngày
và đặt các con tôi nằm gọn gàng
Thiên hạ nói chúng không phải con
đúng ra là những giấc mộng bám chặt lấy tôi
 
– Tôi cũng bước xuống đường phố
và chăm chú lắng nghe
tàu điện nghiến trên đường sắt ra sao
quả thực là tôi rất sợ tiếng ồn
 
– Tôi dành khá nhiều thời giờ cho bản thân tôi
rồi tôi suy nghĩ như tôi có bổn phận phải thế
Thật là may tôi quên đi rất lẹ
và lại bắt đầu cắn móng tay
 
– Tôi biết là còn một vài ngày nữa
thứ ngày chả mang lại một điều gì hết
Tôi biết mình phạm những lỗi nho nhỏ
là vì người khác cũng phạm những lỗi ấy
Tôi biết tất cả mọi chuyện rồi sẽ chấm dứt ra sao
 
 
MARINA TSVETAEVA*
 
Tôi nghĩ là tôi đã chỉ muốn tin
rằng Cách mạng đã dứt bỏ những kẻ gần gũi nhất với tôi
đã lấy đi của tôi những vết tích của nhan sắc
cũng như mối quan tâm đầy thương cảm
tới những chiếc áo thướt tha của phụ nữ
Tôi nghĩ là tôi đã chỉ muốn tin
rằng mình đã trốn đi chỉ để có thể trở lại nhà
Cách mạng đã từng cho các nhà thơ khác sức mạnh to lớn
và tôi tôi không thể chịu đựng được tiếng sủa
của những nhà báo di tản
Tôi nghĩ là tôi đã chỉ muốn tin
Ở Âu châu không có chỗ
cho những người như tôi
những nhà thơ phụ nữ thật tế nhị
kiếm miếng ăn hằng ngày vào đêm tối
Tôi nghĩ là tôi đã chỉ muốn tin ở điều đó
khi tôi bước xuống xe lửa
không thấy một ai đứng chờ tôi
 
-------------------------------
*Nữ thi hào Nga Marina Tsvetaeva (1892-1941) sinh tại Mạc-tư-khoa. Chồng bà là Serguei Efron theo quân Bạch Nga năm 1917, bà chỉ gặp lại 4 năm sau ở nước ngoài. Năm 1935 Serguei làm mật vụ cho Liên Sô. Bà đã từng sống tại Đức, Tiệp khắc và Pháp trước khi trở về Mạc-tư-khoa với người con trai vào tháng 6.1939. Cùng năm ấy, một người con gái của bà là Ariadna Efron rồi chính chồng bà lần lượt bị bắt giữ. Bị những ngưởi thân quen nhất bỏ rơi, không có công ăn việc làm,... Marina tự sát tại Élabouga ngày 31.8.1941, cho tới nay vẫn chưa tìm được nơi chôn cất bà. (người dịch)
 
 
THỜI GIAN CHO RẰNG NÓ ĐI QUA
 
người đàn bà cuối cùng không bao giờ bị phản bội
giấc mơ cuối cùng vẫn không được kể ra
ngày cuối cùng không cùng
và người yêu cuối cùng không còn gì khác để cho
lời cuối cùng không bao giờ là một tiếng thét
trong lúc dòng cuối cùng vẫn không được viết ra
máu chìm xuống đất
 
bức tranh mở cửa và bước ra khỏi tấm khung
trái trứng chậm rãi của thân xác loan báo hừng đông tới
thu hút từ bóng tối đường viền của những món đồ bị ghét bỏ
đã được tụ tập ở góc buồng
và một lần nữa chúng lại làm bừng lên dòng máu lanh lợi
của người tôi yêu
 
chúng tôi đang ở bên mép bờ một vực thẳm
chúng tôi đu đưa trên một sợi tơ óng mướt
mà chúng tôi đã cột vào cổ họng
bên dưới nó vẫn còn nẩy đập một mảnh nhỏ
cá tính của tôi không bao giờ hoàn toàn mê mệt vì dục tình
 
chùm lá không xanh thế nhưng đỏ là nổi loạn
đừng để mất mọi sự màu hoàng đồng đừng làm nhòa
màu thiên thanh tiếng thì thầm với vô sắc đừng mở đôi mắt tôi
đừng mở lại bàn tay tôi đừng để tôi thiếp ngủ
đừng bỏ đi đừng khép lại đừng bước lui vào tấm khung
 
 
*  *  *
 
nỗi sợ của tôi mặc một chiếc áo đỏ
và chàng yêu tôi điên dại và say đắm
chàng không bao giờ bao giờ bỏ rơi tôi
chàng không thể chịu đựng được những người khác
bất kỳ ai mà ngôn từ có thể làm đảo lộn
những gì (theo ý chàng) là mối quan hệ giữa chúng tôi
 
nỗi sợ của tôi giải thích các mộng mị của tôi
bóp méo những lời kẻ khác nói
thích vuốt ve sống lưng tôi
và thường nhìn tôi thẳng vào mắt
 
nỗi sợ của tôi là người tình trung thành nhất
chàng cho rằng mình biết quá khứ và tương lai tôi
chàng thích tản bộ dưới những lối nhỏ âm u
hay dọc theo những cây cầu mù sương của đêm tối
 
nỗi sợ của tôi thề thốt mỗi tối
rằng chàng sẽ chẳng bao giờ bao giờ lìa tôi
 
 
MỘT BÀI THƠ CHO HÔM NAY
 
(...)
rồi một ngày nào đó anh sẽ si tình bóng tối
khi anh tản bộ dưới lối đi âm u và thảm buồn ấy
nơi anh đã hoài hoài bị lo sợ tiến công
anh có thể cảm thấy đêm bước vào anh
và đêm không làm anh đau đêm thật là khoan khoái
khi anh không thể thấy một ai
nhưng vẫn cảm thấy cả ngàn con mắt trên mình
ghi nhớ từng bước lẻ anh bước
ấy chính là ngày ấy giờ đây
khi anh không muốn thấy một ai
khi anh không có gì để nói
anh chưa điên dại
anh không lột da mình
thế nhưng mối ngờ vẫn lớn lên ở bên trong
giờ đây anh biết chắc
rằng anh sẽ không bao giờ thoát
và anh cũng sẽ chẳng đột nhiên
bùng nổ như một chiếc bong bóng
(...)
 
 
BÀI THƠ VIỄN DU
                     Tôi đang nói với các bạn - nhưng không phải
                     lỗi tại tôi nếu các bạn không nghe thấy
                                                                        J. Brodsky
 
chả ích lợi gì mà tìm kiếm cuộc đời khi đi xa
chỉ có những va-li
gỡ ra rồi xếp lại
đưa vào rồi đưa ra
máy bay xe lửa và xe tắc-xi
những lòng bàn tay vươn tới
trông chờ chút tiền thưởng
 
chả ích lợi gì mà tìm kiếm những người bạn mới khi đi xa
chỉ có những người
nói lời chào hay từ giã
bước vào hoặc bỏ đi
những khuôn mặt những tấm lưng hay đôi vai
những từ ném lại
phía sau
 
chả ích lợi gì mà tìm kiếm một bài thơ khi đi xa
chỉ có những lá thư
được trao và gửi
bỏ qua một bên không đọc
một bầu trời đen không ánh sao
bụng đớn đau co thắt
ngôi sao đỏ của những au revoirs
 
________________________
 
 

5. BRONISŁAW MAJ (1953~)

BRONISŁAW MAJ sinh năm 1953 tại Łodz. Học văn chương tại đại học Cracovie nơi ông trở thành một giáo sư. Đã xuất bản tập thơ đầu vào năm 1980. Từ 1977-81, Maj viết chuyện phim và làm diễn viên sân khấu, kế đó phụ trách phần nghệ thuật của bán nguyệt san Sinh viên ở địa phương (tờ báo này bị đình bản do lệnh thiết quân luật). Từ 1983, ông cùng với Jerzy Pilch tổ chức tờ báo nói Na Głos (Lớn tiếng), một tờ báo độc lập quan trọng. Từ 1989 Na Głos đã trở thành một trong những tờ quý san quan trọng nhất của Ba-lan. Maj hiện là tổng biên tập của tờ báo này. Nhưng Maj nổi tiếng nhờ các thi phẩm đã xuất bản: Wiersze ('Thơ', 1980); Taka wolność ('Thứ tự do ấy', 1981); Waspóne powietrze ('Không khí chúng ta thở', 1981); Zineczenie ('Mỏi mệt', 1986); Zagłada świetego miasta ('Hủy diệt Thành thánh', một tuyển tập in tại Luân-đôn, 1986). Năm 1984, công đoàn Đoàn kết đã tặng Maj giải thưởng danh dự. Maj còn là một nhà phê bình văn chương, người viết tùy bút và chuyện phim.
 
 
*  *  *
 
Một buổi chiều tháng Tám. Dẫu ở xa thế này tôi vẫn có thể nghe
tiếng ồn ào của dòng Raba lấp lánh. Mẹ tôi và tôi, chúng tôi cùng
nhìn lên những ngọn núi. Không khí mới trong trẻo làm sao:
từng cây thông sapin đen trên núi Lubon đều có thể thấy rõ
như thể nó mọc ngay trong vườn sau của chúng tôi.
Một hiện tượng gây ngạc nhiên – đã khiến cả mẹ lẫn tôi
đều bỡ ngỡ. – Tôi lên bốn và thật sự không biết
lên bốn nghĩa là gì. Tôi
hạnh phúc; tôi cũng chẳng biết nghĩa
của hiện hữu hoặc hạnh phúc. Nhưng tôi biết mẹ tôi có thể cảm
và nhìn thấy cùng một điều như tôi. Và tôi biết,
biết chắc rằng hôm nay
cũng như mọi buổi chiều chúng tôi sẽ đi dạo
thật lâu trong rừng.
Chút nữa
 
 
*  *  *
 
Tôi sẽ không bao giờ viết một bài thơ dài: mọi sự
tôi đã gặp phải ở đây khiến tôi e ngại
không dám nói dối: nó hiện hữu ở giữa
hai ngụm khí trời, trong chỉ một
liếc mắt, trong chỉ một nhói tim. Và tôi chỉ
hiện hữu lúc này, và những gì có ở đây với tôi
chỉ đủ cho khoảng độ mươi dòng
thơ ngắn ngủi, một bài thơ vắn như khoảng đời
một con bướm trên bắp cải, một tia sáng thấp thoáng trên ngọn sóng,
một con người, hay một đại thánh đường. Vậy thời khoảng mươi dòng,
và những gì hiện hữu giữa những dòng ấy: sự lấp lánh
muôn thủa của ánh sáng, sự vĩnh cửu của một đời bướm,
và nhân loại vượt qua
cái chết.
 
 
*  *  *
 
Buổi chiều lạ lùng này: tôi đang ngồi trong vườn, những cây thông
vẫn còn cắt bóng rõ rệt trên nền trời, kế bên
những bà mẹ gọi con về, một chuyến tàu lách cách
băng qua chạy về phía xa, một tiếng lách cách dịu mềm. Tôi nghĩ tới đời tôi
như thể nó đã là một điều chấm dứt và hoàn tất.
Tôi không muốn trở lại với bất cứ điều gì. Cũng chẳng muốn đổi thay
hay sửa chữa một điều gì hết. Tôi thật tinh khiết. Đường ranh đã mờ giữa
tôi và buổi chiều này: với trọn vẹn thân xác tôi có thể cảm thấy
các vì sao rì rào, những cây thông lắc rắc, những vòng bánh
lách cách nhè nhẹ. Tinh khiết nhưng trông chờ một cuộc khai sinh mới và khởi sự
của – điều chi? Sẽ có chăng cây cối ở đó, hay những tiếng khua động
đang tiến lại gần – liệu những điều ấy có khơi lại kỷ niệm mơ hồ
và thú vị của buổi chiều này, sẽ có chăng
trẻ em và các bà mẹ, liệu một người trong bọn họ có gọi tôi về từ
chỗ tôi đang ngồi, và dứt khoát
sẽ có chăng những cội thông? – tôi không thể nào
vượt qua những gì tôi
biết được ở đây, không thể nào ao ước một điều gì khác hơn là
hạnh phúc.
 
 
*  *  *
 
Ai sẽ làm chứng cho thời buổi này?
Ai sẽ ghi chép lại tất cả? Không một ai trong chúng ta, chắc chắn thế:
Chúng ta đã sống ở đây quá lâu, đã hít thở thời đại này vô quá sâu,
đã quá trung thực với nó để có thể nói hết sự thật về nó.
Hay ngay như chỉ nói sự thật mà thôi. Trong trung thực
tôi nói «chính trực» khi trông đợi niềm vui đen tối của báo thù,
tôi nói «nhân phẩm» nhưng lại muốn áp đặt ý muốn của riêng tôi
tôi nói «cùng chia sẻ» nhưng lại nghĩ «ta» và «họ»,
và – «những gì chúng đã gây ra cho tôi». Tôi không có gì khác
để tự bào chữa, ngoài: trung thực mà thôi. Và nhược điểm:
là tôi đã căm thù điều tà vạy, là tôi đã nói dối để bảo vệ
sự thật, trong lúc khinh bỉ là niềm kiêu hãnh bệnh hoạn của tôi.
Căm thù, khinh bỉ và nói dối: tất cả những điều này trong biết bao năm
tất cả để sống còn và vẫn giữ được mình trong sạch. Nhưng điều ấy không thể được:
sống còn mà vẫn trong sạch. Giỏi nhất thì anh có thể sống còn.
Trong lúc tiếp tục – câm. Bởi thế mà câu hỏi: ai sẽ làm chứng?
được đặt ra trong lúc biết rằng ấy không phải là một người trong chúng ta, hay bất kỳ ai
khác. Bởi thế không nói thêm một lời nữa. Một thời đại trống rỗng.
Hơn bất cứ một thời nào khác, tọng đầy sự sống, là vì
ấy là cuộc đời của chúng ta, và sẽ không có một cuộc đời nào khác. Sự xáo trộn này,
những kêu, la, cười, khóc – là bản thánh ca
chung của chúng ta, không lời, không có lấy một lời nào
từng nói lên
cho chúng ta.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021