thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TƯỞNG NIỆM PAUL CELAN (1920-1970)
(Diễm Châu dịch và ghi chú)
 
Yehuda Amichai
CÁI CHẾT CỦA CELAN
 
Tôi được tin ở Luân-đôn, người ta cho tôi hay, anh đã tự sát:
Cũng một sợi dây ấy đã siết nhè nhẹ
Trên cổ họng tôi.
Không phải một sợi dây: anh đã
Chết dưới nước.
Cũng một làn nước, nước, nước.
Hình ảnh cuối cùng:
Sự sống như chết
(Cũng một làn nước, nước, nước.)
 
----------------------------------
* YEHUDA AMICHAI (1924-2000), nhà thơ Israel, «Giải thưởng Israel», 1982.
----------------------------------
 
 
Leonard Nolens
PAUL CELAN
 
1
Hôm nay mùa Thu đến ăn
trong tay anh.
Mỏi mệt vì đã đi xa nhiều đến thế
như một đứa bạn ác độc và muộn màng, nó nằm
lên anh. Lông tóc nó đảo điên,
và tứ chi nó từng trận dài ánh vàng trầm lặng
không ngượng ngùng khởi sự cuộc chơi
mà đã từ lâu anh trông đợi.
 
Lúc này nó ăn trong tay anh.
Nó ăn bàn tay
đã ghi tuổi tiếng nói của anh
mãi đến vô tận, nó ăn, nó ăn con mắt
đã nhìn thấy sâu hơn, sâu hơn cả
dòng nước của sông Seine,
dòng thời gian.
 
Mùa Thu, nó ăn
đến hụt hơi.
 
Còn lại là lớp áo quần
ren những giá đông và tuyết
nơi tiếng anh ẩn núp, khóc than, bị hủy hoại
bị giữ lại, sâu hơn cả
dòng nước của sông Seine,
dòng thời gian.
 
2
Chính anh
người sẽ đọc tôi, sau những quang niên
đầu gối anh co quắp
bên mùa Thu này, bên
bài thơ này.
 
Đôi môi anh sưng phồng
vì thiếu hụt.
Đầu anh, vật nặng
và bấp bênh,
đã lăn từ khuỷu tay anh về phía sau
hoàng hôn, tim anh
phơi quá ánh sáng
vừa khi tiếng kêu
bi tước mất
cửa miệng.
 
Sau cùng chính anh
được đưa tới phía trước.
 
----------------------------------
* LEONARD NOLENS, nhà thơ Bỉ, sinh năm 1947, viết bằng tiếng flamand.
----------------------------------
 
 
Michel Raus
CELAN KHÓ TIÊU
 
sông Seine chưa
nuốt được Celan
vẫn còn những vành tai
trước dòng nước
lắng nghe những lời
trĩu nặng nghĩa
 
sông Seine chưa
nuốt được Celan
vẫn còn những con tàu
vạch một màng pha-lê
đồng bộ với các du khách
 
sông Seine chưa
nuốt được Celan
vẫn còn những
đại thánh đường
quên tiếng kêu đỏ
từ nước trào ra
đủ lớn để nghe thấy
 
Celan chưa
nuốt được sông Seine
 
----------------------------------
* MICHEL RAUS, nhà thơ Luxembourg, viết bằng tiếng Đức. Dịch theo bản Pháp văn của Jean Vodaine trong một tấm thơ-bích chương.
----------------------------------
 
 
Diễm Châu
 
                         in memoriam paul celan (1920-1970)
 
trong họng con thú
giữa tiếng hú hãi hùng
chuyến xe điện ngầm đưa tôi trở lại
cây cầu mà từ đó anh đã bay đi
«bằng chính những vết thương của mình»
cây cầu
mà một người ba-lan nọ đã khoác lên bài thơ
 
nếu thời gian là dòng nước đen kia
thời tôi đang đứng bên trên nó
kiếm tìm anh
kẻ đã băng qua
 
hàng cây trên bờ vẫn chỉ là hàng cây của hôm nay
không một chiếc nhẫn nào thức giấc trên chùm lá
 
tôi chính là «nạm thóc» –
«người anh em châu á»
kẻ đã gục ngã trong bài thơ anh
tôi đã đào tôi tới mãi tận anh
bởi trong người không có đất
 
nơi bãi biển trái tim
tôi kêu gọi anh –
kẻ mang thương tích một vì sao
kẻ kiếm tìm thực tế:
        hãy đặt muối
                        đặt đá
                                đặt ngôi sao của anh
        trong đêm tối của tôi
        trong nỗi bất hạnh một đời của chúng ta
 
kìa người ba-lan đã ra hiệu:
(không có lấy một niềm vui nào sau nỗi đau cả)
 
anh –
kẻ không thể khẩn cầu
hãy che phủ lấy nhau
bằng «trấn thành quan yếu nhất»
nơi «mất là không mất»
 
-- gửi martine broda
 
 
---------------------------
Ghi chú của Diễm Châu:
PAUL CELAN (1920-1970), nhà thơ Do thái-Pháp, viết tiếng Đức, sinh tại Bucovine, Ru-ma-ni và tự trầm trên sông Seine vào cuối tháng Tư 1970. Đó là một hàng tiểu sử mà ở chính nước Pháp, nơi Celan cư ngụ vào cuối đời ông, người đọc thường được cho biết: sơ sài và «không chính xác» đối với những người yêu mến ông ở khắp thế giới, là vì ở Pháp, khi Celan mất, ông vẫn là... một «kẻ xa lạ»!
 
John Felstiner, người đã gặp bà Gisèle Celan-Lestrange trước khi bà mất, trong cuốn Paul Celan: Poet, Survivor, Jew (Yale Nota Bene, 2001), cho biết thêm một vài điều rõ rệt về những ngày cuối cùng của Celan. Theo Felstiner, lúc đó – vào tháng Tư năm 1970 – Celan ở một mình tại số 6 đại lộ Émile Zola, Paris, gần cầu Mirabeau. «Vào khoảng ngày 20 tháng Tư 1970, gần lễ Vượt qua, Celan nhảy từ cây cầu nọ xuống sông Seine và, mặc dù là một người bơi giỏi, đã chết đuối không ai thấy. Ở École Normale người ta nhận ra ông vắng mặt. Thư từ chồng chất dưới cửa căn nhà với đồ đạc sơ sài của ông. Bà Gisèle gọi điện thoại cho một người bạn để xem xem có phải chồng bà đã đi Praha. Vào ngày 1 tháng Năm một người đánh cá bắt gặp xác ông cách đó bảy dặm (khoảng hơn 11 cây số) về hạ lưu.» Felstiner kể tiếp: «Trên bàn làm việc của Celan lúc ấy, người ta tìm thấy một cuốn tiểu sử của Hölderlin, mở ra ở một đoạn có gạch dưới: ‘Đôi khi, vị thiên tài này trở nên tăm tối và chìm xuống cái giếng cay đắng của lòng mình’»... (sđd., tr. 287) Người đã nhận ra xác Celan tên là Edmond Lutrand [theo Gerhart Baumann trong Erinnerungen an Paul Celan (Frankfurt, 1986)].
 
Felstiner viết tiếp: «Người ta nói rằng Celan quyên sinh vào năm ông bốn mươi chín tuổi là vì ‘ngôn từ hữu hiệu’ trong tiếng Đức là không thể được sau hay từ Auschwitz. Thế tuy nhiên, ấy chính sự không thể ấy đã kích thích ông (…) Và ông đã lên tiếng -- hữu hiệu hơn cả điều có thể tưởng tượng được. Có lẽ (là vì) ông cảm thấy mỉnh quá đơn độc: «Không ai / làm chứng cho kẻ / làm chứng.» Hay có lẽ ông cảm thấy một cuộc tiến công (một cơn đau?) sắp tới, một cuộc cầm giữ khác tại bệnh viện, thêm nhiều đau đớn vì thuốc men và phải tự giải thoát khỏi cảnh ấy.»
 
Trước đó, người ta cũng được biết một vài điều «bất như ý» trong đời của Celan: việc Celan gặp gỡ Heidegger, người thiên quốc xã trong thời chiến, đã không đem lại một lời nhìn nhận lỗi lầm từ phía.. triét gia; việc Claire Goll, vợ của nhà thơ Ivan Goll, mở «chiến dịch» công khai phỉ báng Celan là «đạo thơ» của chồng bà, kéo dài trong những năm 1960; việc người bản xứ vẫn tiếp tục có những hành động ngu xuẩn bài Do-thái mà Celan chứng kiến ngoài đường phố và đối với chính bản thân ông (xin xem Thư từ của Celan với vợ là bà Gisèle Lestrange); việc chính bạn bè Celan – không bênh vực ông và vì những lý do nào đó, còn có những thái độ thiếu dứt khoát đối với bọn «sát nhân»... Ấy là chưa kể tới chuyện tình «không đi tới đâu» với Ingeborg Bachmann, một nữ sĩ người Áo mà Celan đã gặp mấy năm trước khi ông lập gia đình; chuyện Celan và bà Gisèle Lestrange bỏ mất François, người con trai đầu lòng, chỉ một ngày sau khi sanh….; những hoài niệm về người cha đã mất trong trại chết của quốc xã, về người mẹ chết vì một viên đạn của quốc xã bắn vào đầu (không phài cái chết màu hoa cà)... Vào thời điểm này, sự «cô đơn» của Celan đã đưa tới sự suy sụp về thần kinh thấy rõ: Celan đã phải sống xa cách gia đình trong lúc chữa trị một căn bệnh không thuốc chữa. Trong những tác phẩm cuối cùng của đời ông, những câu dài, đầy những hình ảnh tượng trưng rất hiệu lực trong thơ ông đã trở thành những từ bị bẻ nát, với những cú pháp cô đọng tới tột cùng, khiến người đọc ông sau này đã tự hỏi, cái gì đã đua ông tới một «cá- nhân ngữ» tuyệt vọng đến như thế? Celan, một người đã từng lớn tiếng nói vào năm 1958, ở Bremen, thành phố đã tặng ông Giải thưởng lớn về văn chương: … «Bài thơ với tư cách là một hình thức xuất hiện của ngôn ngữ, và bởi đó tự yếu tính là đối thoại, bài thơ có thể là một cái chai ném xuống biển, phó mặc cho hy vọng - cố nhiên là thường khi thật mong manh - rằng một ngày kia mình sẽ có thể được đón nhận trên một bãi biển nào đó, có lẽ trên bãi biển của trái tim. Các bài thơ, cũng theo nghĩa đó, đều đang trên đường: chúng lên đường hướng tới một điều gì đó.»
 
Ngày 12 tháng Năm 1970, Celan được chôn cất ở nghĩa trang Thiais, bên ngoài Paris. Nelly Sachs, bạn thiết của Celan, người đã nghe nói tới cái chết của ông, trên giường bệnh và đã lẩm bẩm mấy chữ «chết trước bà», Nelly Sachs đã đi theo Celan cùng một ngày ấy.
 
Nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Hoa-kỳ Paul Auster, trong cuốn The Art of Hunger (Sun & Moon Press, 1982, 1992), cho rằng lúc ấy ở Đức, Celan đã là một nhà thơ nổi tiếng, «được coi như người ngang hàng với Rilke và Trakl, là kẻ thừa kế dòng thơ trữ tình có tính cách siêu hình của Hölderlin» và tác phẩm của ông cũng được quý trọng ở những nơi khác, «chứng thực cho những câu tuyên bố như của George Steiner, người đã quả quyết mới đây: Paul Celan chắc chắn là nhà thơ lớn nhất mà Âu châu từng biết tới kể từ 1945»...
 
Celan sinh ngày 23 tháng Mười Một 1920, là con một, trong một gia đình Do-thái nói tiếng Đức ở Czernovitz, Bucovine. Tên họ đầy đủ của ông là Paul Pessakh Antschel, «Pessakh» trong tiếng Hy-bá có nghĩa là «cửa miệng thuật lại».
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021