thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lê Thành Nhơn

Năm 1974, sau trên hai thập niên lưu lạc, từ Huế sang Paris, rồi Mỹ châu, từ New York sang San Francisco, tôi lại quay về Huế. Chỉ hai hôm sau Tết Giáp Dần, hai chàng trẻ đến thăm: Đinh Cường và Trịnh Công Sơn. ĐC hỏi tôi có đem tranh về không. Tôi nói không. ĐC đề nghị tôi vẽ ngay một số tranh: Anh sắp có triển lãm, nếu tôi cùng trưng bày với anh, càng vui. Tôi vẽ 14 bức tranh mực xạ trên giấy, đặt tên từ Huế I đến Huế XIV. Cuộc triển lãm diễn ra ở một phòng lớn của đại học Văn khoa Huế. Sau buổi khai mạc, chúng tôi “họp mặt” ở nhà Trịnh Công Sơn. Và lần đầu tiên tôi gặp Lê Thành Nhơn. Người tầm thước, tóc quăn, râu mép và cằm. Tướng tá ... “chịu chơi”. Tôi giở ra coi lại tập ảnh những ngày Huế đó. LTN ngồi cùng mấy anh em, một tay giơ cao, như đang muốn nói lớn cái gì. Tôi nhìn kỹ, hai ngón tay có kẹp điếu thuốc lá!

Trước đó, tôi từng gặp Lê Thành Nhơn. Gặp tác phẩm, không gặp người. Sau buổi nói chuyện ở trường Mỹ thuật, tôi cùng nhiều người bước ra sân. Không nhớ ai đã chỉ cho tôi xem tượng Phan Bội Châu. Ở Huế, người ta gọi là cụ Phan. Hay cụ Phan Sào Nam. Cả bức tượng là một cái đầu người. Một cái đầu vĩ đại. Trán dồ, gò má cao, râu ba chòm. Cực kỳ quắc thước. Uy nghi. Tôi nghĩ ngay rằng tác giả đã có lý để cho ý niệm về cụ Phan, cang cường, son sắt, quyết liệt, tác động lên hình dáng, nét mặt cụ. Trong nghĩa đó, tượng cụ Phan, tuy có hình thể hiện thực, lại là một chân dung trừu tượng. Tôi sinh ở Huế, lớn lên ở Huế, từng nghe không biết bao nhiêu chuyện khí khái về “ông già Bến Ngự”. Đêm ấy, tôi đã được gặp tác giả chân dung cụ Phan. Và nhớ mãi.

Cho đến ngày, qua Nguyễn Hưng Quốc, biết anh bệnh nặng.

Sáng nay trời còn mờ tối, chưa rõ mặt người, tôi đứng ngay ngắn trước bàn thờ, thắp một nén hương trầm. Tôi thầm thì tên Lê Thành Nhơn. Tôi thầm thì tên Trịnh Công Sơn. Và tôi thỉnh ba tiếng chuông, miệng lẩm nhẩm bài kệ của thiền sư Thường Chiếu đời Lý:

Đạo vốn không nhan sắc

Mà ngày càng gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Đâu chẳng phải là nhà

Và bây giờ, tôi muốn chép lại đây câu cuối trong truyện “Bàn thờ nhà bà Soa”, tặng cho tất cả người thân và bạn bè của điêu khắc gia kiêm họa sĩ tài hoa. “Bà Soa tưởng như tiếng chuông bà gióng lên thênh thang xóa nhòa được những vết hằn sưng tấy của hiện hữu, một hiện hữu cận kề, một hiện hữu mang mang khổ đau và hạnh phúc...”


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021