thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời tiết và những hoán đổi tráo trở

 

Giao thừa năm hai ngàn rồi đấy. Thiên niên kỷ mới. Người ta đang la lớn lên điều ấy. Tất cả các vũ trường nổ tung, các quán bar nức nở. Dưới con phố chính người ta đang đếm số của những giây khắc cuối cùng và ôm choàng lẫn nhau, chúc mừng một năm mới. Một thiên niên kỷ vừa chấm dứt trong những khoảnh khắc ấy. Anh nghĩ chớp nhoáng như thế. Ý nghĩ ấy sắc lạnh như một con dao thép. Thiên niên kỷ mới lách vào dữ dội nhưng gọn ghẽ như thể khi kịp chợt nhận ra nó đã nằm sâu vào thân thể mất rồi.

Lôi nhau ra khỏi vũ trường, anh cố lao xe ra biển cho kịp giờ giao thừa. Pháo bông bắn rực trời rọi xuống mặt biển thành hằng ngàn những đường sáng ngoằn ngoèo. Anh bỗng cảm thấy sợ hãi như thể những đường sáng ngoằn ngoèo ấy là mảnh vụn của một điều quan trọng đang bị gẫy vỡ. Trong trạng thái căng thẳng, anh chỉ kịp nắm lấy tay khi cô hét vào mặt anh, hơi rượu nồng nặc: “Chúc mừng năm mới!” Anh cũng hét trả: “Thế nào, bây giờ trả lời đi, em có yêu anh không?”

Đã nhiều lần anh hỏi cô gái như thế. Xem ra đó là một câu hỏi khó trả lời! Lần nào cũng đi đến cãi vã, dằn vặt! Cô thú thật rằng cô vẫn yêu người chồng cũ của mình. Cô lấy chồng năm mười chín tuổi, thoạt đầu chỉ là cách để thoát ly khỏi gia đình. Bố mẹ cô cãi cọ mỗi ngày khiến cô nhức đầu. Nhưng thằng chồng cũ của cô cũng chẳng hay hớm gì. Hắn làm nghề pha cà phê, chuyên tổ chức bài bạc, bán cần sa. Chẳng hiểu thế nào bị người ta tố cáo, một ngày kia bọn cớm đến đầy quán dẫn hắn đi. Thật ra cô cũng chưa từng bao giờ biết chắc người chồng cũ thực sự yêu cô. Hắn là một người sống ồ ạt, xô bồ, tạm bợ. Chung quanh hắn lúc nào cũng tụ tập cả hàng lũ. Ai hắn cũng giới thiệu là bạn, cả những cô gái non choẹt tập tành nghiện ngập. Hắn lông bông cả ngày lẫn đêm. Lắm lúc cô muốn tự làm đau mình và bước ra đường trần truồng. Cô rất sợ súng ống, nhưng nhiều lần nhìn con dao dũa móng tay cô nghĩ nó cũng có thể được dùng để giết người.

Lúc nào cô cũng có cần sa trong người, nó là thứ cuối cùng cứu chuộc bọn trẻ thoát khỏi cảm giác vô dụng buồn chán. Từ ngày mới quen nhau lúc mười sáu tuổi, cuối tuần nào cô cũng đón xe lửa vào thành phố tối thứ sáu, thằng chồng cũ dắt cô vào nhà cầu công cộng hút xách. Năm mười bảy tuổi cô bỏ học, đi làm việc vặt. Một thời gian dài cô làm nghề bán hàng hiệu ăn nhanh ở bến ga xe điện. Hiệu ăn này ế ẩm. Ánh sáng loang loáng từ những chuyến xe lướt qua rầm rầm nhiều lần khiến cô có cảm giác buồn nản về một điều không rõ.

Rồi nhiều ngày mùa đông cô đi lang thang buổi tối. Đèn đường cũng loang loáng, người ta đi lại như những khoảng tối di động. Cô quan sát khoảng tối bước ra đường với cái điện thoại cầm tay inh ỏi, khoảng tối từ tốn bên đĩa mì spaghetti với những con sò nhỏ lẫn trong nước sốt cà chua, khoảng tối biến mất trong con đường vào khu chung cư, chỉ còn đôi chân hắt bóng đều đặn dài ngoằn. Hình như tất cả đều đặc, đều hàm chứa, chỉ có người ta là khoảng trống, như những bọt bóng vẩn vơ. Lễ Christmas năm đó tuyết rơi một trận lớn. Cô mướn phim về nằm coi cho qua tuần nghỉ lễ. Khi trời tạnh cô gọi điện thoại vào trong tù nói chia tay với chồng.

Đã nhiều lần anh hỏi: “Thế em có yêu anh không?” Cô lưỡng lự: “Cũng chưa biết nữa.” Cô bảo cần thời gian để suy nghĩ thêm, anh cần kiên nhẫn. Có lúc anh thậm chí nghĩ cô gái đi với anh chỉ vì cô không thể trang trải sinh hoạt đời sống của mình. Anh vẫn biết mình là một người may mắn trong công việc, với nhiều người khác tiền nhà hằng tháng vẫn là điều ám ảnh. Điều đó làm anh khổ sở, anh muốn dừng lại. Nhưng chẳng bao giờ được lâu, nỗi ám ảnh thể xác làm anh điên khùng. Trong chuyện ái ân cô nồng nàn dễ chịu. Lần nào cũng chỉ được ít ngày anh lại xuất hiện với dáng vẻ đau ốm cầu xin: “Thế em…” Rồi lần nào cũng vậy sau khi giảng hòa hai đứa lại lôi nhau ra vũ trường, quán bar ăn uống nhậu nhẹt.

Ban nãy trong vũ trường, mọi người dậm dựt, âm thanh hết cỡ, anh chợt cảm thấy điều gì quan trọng. Tiếng nhạc quá cỡ trở nên ùng ục như những bọt nước dưới sâu. Mỗi tia sáng loé lên lại hiện ra cả ngàn người bất động trong tư thế uốn éo kỳ dị. Nhiều khuôn mặt nhăn nhó. Những tay chân vung vẩy không thuộc về thân thể, đứt rời. Ánh sáng hiện ra từng lần nhanh chóng những vọng động vội vã. Một slide-show chớp tắt. Cô gái trong đám đông là một phần của sự vô nghĩa. Bản thân anh và sự ham muốn lâu nay cũng chỉ là những khoảnh khắc chớp tắt. Anh tự hỏi ở những khoảng tắt ấy còn lại là gì? Một khoảng trống vắng ngắt, và im lặng, và ngừng nghỉ lập tức, bao gộp toàn bộ một cục diện thản nhiên.

Anh nghĩ ngay cả khi hai đứa kéo nhau ra ngoài đường lái xe đi. Đường sá vùn vụt lướt qua, ánh đèn đổi màu xanh đỏ, nhà hàng chật ứ, tất cả diễn ra dông dài nhưng mỏng dẹp! Anh tiếp tục thấy những khoảng ngừng bất động to lớn, một vẻ bình tĩnh to lớn trên tất cả những vọng động lụp bụp chung quanh. Anh nhấn hết ga, lao đi trong ý thức ngưng đọng tịnh tiến…

Trong khi pháo bông vẫn rực rỡ bắn lên từng chùm, hai đứa đi bộ ra bãi, gió biển thật dễ chịu. Chung quanh người ta ngồi hoặc nằm rải rác. Anh dẫn cô gái đến nằm mãi tận bờ nước. Tiếng ì oạp dưới chân. Bầu trời bên trên vẫn rộng thế. Cả hai miên man, nhưng chẳng nghĩ ngợi gì. Anh có cảm giác người mình đang cứng lại. Cô sờ soạng nắm tay anh trong bóng tối, có cái vẻ thích thú hồi hộp của bọn trẻ con hồi mười ba mười bốn tuổi sờ vào thân thể nhau. Cô quay sang nhìn anh, một khuôn mặt bình lặng hiền lành và vô can. Cô hỏi:

“Anh đang nghĩ gì thế?”

Anh nghĩ đến ngày anh chết cũng nằm xuống yên bình như thế này. Cô gái hỏi:

“Thế nó giống như thế nào?”

“Có lẽ đó là một buổi sáng sớm, chẳng có mấy ai.”

“À!”

Anh hay tưởng tượng ra những ngày quan trọng mà anh trong ấy như một người bị bỏ quên chẳng ai nhận ra. Đã nhiều lần anh hay tưởng tượng lại cảnh ngày còn bé chỉ độ vài tháng tuổi mẹ anh bế anh như thế nào khi chạy loạn. Đó phải là một buổi trưa nắng, người ta bên đường đang bảo nhau tin chiến sự, họ bảo đi đi, đi nữa đi, phía đằng sau đã trở thành trận địa, không quay lại được đâu...

Ngày chết cũng phải là ngày đáng quan tâm. Anh luôn nghĩ nó sẽ phải bình yên lắm, phải ở ngoài trời, người ta đi lại thản nhiên, khung cảnh giống như ngày anh còn bé vậy, hoặc thậm chí phải còn xa xưa hơn, thời còn nhiều hiệp khách…

“Thế rồi sao nữa?” Cô sốt ruột.

“Cũng chẳng biết tại sao, nhưng nó nên là một làng quê…” Khung cảnh đồng quê luôn làm anh yên tâm.

Anh lại hình dung ra người ta đã bỏ anh nằm bên dòng sông ở rìa làng, nước cũng ì oạp phía dưới chân, bên trên bầu trời cũng rộng. Trời lạnh ngắt. Anh bảo lúc ấy còn sớm, phía ngôi làng vẫn chẳng có mấy ai. Tiếng giun dế chỉ vừa ngớt, thay vào là tiếng khướu kêu vọng lên từ mé núi. Nhiều nhà đang thổi lửa dưới chái nhà. Cũng có vài người đã vội loay hoay ngoài mé chợ mờ mờ trong bóng tối. Sớm quá, cả ngoài chợ họ cũng cử động khẽ khàng. Những âm thanh rón rén. Tất cả đều lạnh và ướt. Cô gái bảo:

“Nghe cô quạnh thế!”

Anh vẫn nằm im đấy bên bờ sông nhìn chung quanh. Dưới chân là một khoảng cỏ nước cao, phía bên trong đọng nhiều bọt trắng. Rựng lên phía chân trời, ánh sáng tràn ra. Có đôi trai gái đi cách nhau một khoảng rộng bằng con đường đất, cô đi hơi thụt về phía sau. Người thanh niên đeo chiếc túi vải trễ xuống trên lưng. Họ bước về phía cầu đá, xa dần ra khỏi làng.

Anh đoan chắc họ là những người yêu nhau.

Họ dừng lại tựa vào thành cầu, nước trôi, cỏ dài rườn rượt. Bên sông mấy chị đàn bà đang lội, khỏa khoắng rửa củ cải trắng, ngọn cắt quăng thành đống. Nước dưới ấy lạnh, chân họ hồng đỏ. Xa xa ngay rìa mé làng dưới bóng đa lớn mấy chiếc thuyền tre dài cắm san sát, mấy thanh chống cao lêu nghêu mảnh tí. Đằng sau nữa xa hơn tất cả là những dẫy núi rậm rì sau đợt mưa đông.

Chẳng mấy khi họ biết những gì đang xảy ra bên kia những rặng núi ấy. Thỉnh thoảng có ai đi xa về người trong làng lại xúm nghe chuyện. Chuyện người Pháp đang khủng bố ráo riết dưới Thành, chuyện một nhóm khởi nghĩa bị bắt trọn đày qua Algeria, chuyện người Tàu và người Pháp đánh nhau ngoài biên giới, chuyện ông Khâm Sứ phạt đày phát vãng một người hầu cận,…

Mới tháng trước, giặc Pháp về càn đụng trận lớn trong ấy. Họ kéo mấy cỗ trọng pháo đặt ngoài sông, rót thẳng vào trong núi. Thiệt hại thế nào chẳng biết. Nghĩa quân rút hết cả vào trong sâu, có lẽ đã chuyển đổi địa bàn hoạt động. Bảo họ đang trốn với người Mán. Người trong làng rầm rì mãi về chuyện này.

Ở phiên chợ làng thỉnh thoảng lại có gánh đoàn về biểu diễn võ thuật và bán thuốc trị bá bệnh. Họ là những người khoẻ khoắn linh hoạt khôn ngoan. Lẫn trong bao bịch quang gánh họ dấu theo cả súng đạn chuyển vào trong núi. Anh thanh niên lân la bắt chuyện, khám phá ra một vài điều bí mật. Người trưởng đoàn bảo không sống nhục thế được, người ngoài từ đâu đến, hà hiếp người mình, bắn chết người mình mỗi ngày…

Anh đã thấy người ta bị bêu đầu thế nào, những cái đầu để ngoài chợ trong mấy chiếc rổ tre, mặt nhăn nhúm máu me khủng khiếp. Về làng anh ra vào như một người hổ thẹn. Dường như anh đã không làm một điều đơn giản tối thiểu gì đấy. Anh nghĩ người ngoài đã bêu đầu những người nghĩa quân ấy, nhưng họ không thể làm chết cả nước được. Anh không tin người nào có thể đi hết được đất nước.

Anh ra chỗ bố đặt lưới, lẩn thẩn. Bố anh hỏi:

“Việc gì?”

“Thầy ơi con thoát ly nhé.”

Bố anh chẳng nói gì, bỏ lưới đấy. Lúc ấy trời độ chiều, cả hai bố con ngồi xổm trên bờ cỏ lơ đãng nhìn lên. Từng đợt sóng nhỏ xíu dập dềnh, bọt bóng vỡ li ti. Mãi hồi sau ông mới nói:

“Thế mày đã thưa u chưa?”

“Con hỏi Thầy trước.”

Họ vẫn lơ đãng nhìn lên. Thời khắc đủng đỉnh, phía xa kia chẳng có gì thay đổi. Mãi sau anh nói:

“Thầy ơi mình về đi.”

“Ừ mày khênh cho Thầy cái này.” Ông chỉ vào cái rổ.

Thế thôi, rồi anh đi báo tin cho người yêu…

Lúc ấy khi họ dừng lại, mấy con trâu uỳnh uỵch cũng bước lên cầu, con nghé kêu lên như trẻ con sợ hãi vừa nép vừa phóng về phía trước. Ông lão cho trâu ra bãi ăn sớm. Vừa nhìn nhau, ông lão hất hàm, râu tua tủa, mắt trợn lớn:

“Bảo hôm nay có khi mưa!”

“Vâng, nhà cháu cũng đoán thế.”

“Tốt lúa.”

“Vâng.”

Thật ra lúc đấy cũng bắt đầu mưa lây rây. Ông lão ngước nhìn trời, rồi hỏi:

“Bảo hôm nay cậu đi từ đoạn canh mấy?”

“Cháu cũng chẳng vội.”

“Thế ông bà không theo tiễn cậu à?”

“Cháu chẳng muốn.”

Ông lão lại nhìn ngang. Mặt ông nhăn nheo, những vết nhăn khoẻ khoắn táo tợn.

“Cậu đi là điều phải.”

“Cụ đừng nói thế.”

Ông lão kéo chiếc áo rơm vòng quanh vai, hét lớn giục mấy con trâu đang phì phò chờ chủ:

“Hò…hòoo…” Rồi quay sang: “Giá mà tôi còn trẻ.”

Ông bước vội chân khuỳnh khuỳnh nghênh ngang, gầy nhưng gân guốc.

Họ lại quay sang nhìn mãi ra xa, nơi những ngọn núi xanh rì, như thể vẫn thế suốt nhiều năm thời niên thiếu họ luôn đứng thế cả lũ bên thành cầu mỗi buổi chiều, nhìn mãi vào khoảng trong xanh, chẳng thấy gì, chẳng nghĩ ngợi gì.

Nước vẫn rườn rượt dưới chân cầu. Cô rút ra từ vạt áo trao anh mẩu khăn thêu bằng độ bốn bàn tay. Anh luống cuống gấp lại rồi trỏ lên cao về hướng chợ.

“Đấy là hướng tôi đi. Tôi bảo cô thế.”

“Vâng. Em nhớ thế.”

Hướng ấy chẳng có gì, cũng chỉ toàn núi. Những dẫy núi ướt nhèm.

Họ bước đến cái miếu nhỏ, bên trong vẫn mấy chiếc tượng gỗ cũ, vết sơn bong ra từng mảng. Ngày còn bé anh sợ phát khiếp mỗi lần phải đi qua, thấy hương khói đỏ lập loè…

Anh dừng lại xoay sang, nói giọng rõ ràng:

“Thôi cô về đi. Trông nom vườn tược. Bao giờ hòa bình tôi lại về. Tôi nói có ông bà tổ tiên chứng giám…”

“Vâng anh đi nhé.” Cô gái hơi cuống, cắt lời.

Người ta bảo hôm ấy mưa, tốt lúa, và mưa thật. Mưa suốt nhiều ngày! Suốt nhiều năm, kể cả những năm đói, cô gái bảo người trong làng: “Anh ấy bảo bao giờ hòa bình anh ấy lại về.”

Suốt nhiều năm trôi qua, chiếc cầu đá rêu bao bận. Cỏ vẫn rườn rượt khi nước chảy qua.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021