thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỰT KÍ PARIS [11-20]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
Bích hoạ Morning Shot (1991)
- chân dung Jim Morrison -
trên một bức tường ở Venice Beach, Los Angeles,
do hoạ sĩ Rip Cronk thực hiện.
 
JIM MORRISON
(1943-1971)
 
“Bàn luận về thơ nếu như đã không dễ dàng thì lại càng vất vả hơn khi muốn nói về thơ của Jim Morrison. Hành trình huyền diệu của não óc đã tự giải phóng hay đã bị nô lệ hoá bởi ma men và ma tuý, chữ nghĩa của kẻ hình như đã vỡ mộng ru ta trong cái giá buốt của cõi đời”. (“katseinko”, trên Amazon.fr.)
 
“Jim Morrison và nhóm The Doors là sự hiện diện của thiên thần đen, gã con trai nổi loạn bị những người lớn cho là không lý do. Mặc quần da, hành động khác thường, xúc phạm luân lý và gây tai tiếng. Thơ và ca khúc Morrison thể hiện sự chán nản tuyệt vọng của “nỗi buồn xanh” (the blues): hổn hển, đứt quãng, huyền bí, lịm ngất, ngôn từ của Morrison ngắt nhịp cho cơn giận hờn lớn lao và sự hoang mang khốn khổ của kẻ căm thù những khuôn mẫu...”. (Evelyne Pieiller - Révolution)
 
Năm 1968, Jim Morrison có gởi cho Wallace Fowlie ― tác giả và dịch giả của khoảng ba chục đầu sách, giáo sư giảng dạy văn chương Pháp tại Ðại học Duke (North Carolina) ― một bức thư cám ơn ông ta về bản dịch toàn tập thơ Rimbaud sang tiếng Anh. Trong thư, Jim Morrison viết: “Tôi là ca sĩ nhạc rock, cuốn sách của ông luôn luôn theo tôi trong các chuyến đi xa”. Mười bốn năm sau, khi Wallace Fowlie nghe nhạc của nhóm The Doors, ông đã nhận thấy ảnh hưởng Rimbaud trong ca từ của Morrison.
 
Trong quyển Rimbaud et Jim Morrison - Portrait du poète en rebelle (“Rimbaud và Jim Morrison - Chân dung nhà thơ nổi loạn”) vừa là tiểu sử vừa là tiểu luận, giáo sư Fowlie, qua cách nhìn đặc thù của ông, đã kể lại cuộc đời và phân tích tỉ mỉ tác phẩm của hai nhà thơ trẻ. Ông phát hiện một sự tương đồng “đáng lo ngại” (troublant) giữa hai cuộc đời gần như “song sinh”: lối sống phiêu bạt xa bầy đàn xã hội, và sự khát khao thoát ly khỏi cái tôi của chính mình. Cả hai tuy đã có một sự nghiệp ngắn ngủi nhưng tác phẩm của họ tới nay vẫn có độc giả và thính giả, vẫn còn làm rung động hàng triệu con tim trên thế giới.
 
Jim Morrison viết “Paris Journal” không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “Nhựt kí Paris” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ.
 
Ðộc giả có thể đọc thêm phần tiểu sử Jim Morrison do nhạc sĩ HN-T biên soạn.
 
__________
 
 
NHỰT KÍ PARIS
 
11
 
Trên vỉa phố khách bộ hành bước nhanh
Bọn tôi nhập dòng. Bất chợt
bọn công an dàn hàng, thuẫn plastic &
tấm che mặt
dùi cui gậy dài
giải tán dọn đường.
Tiến tới hay lùi xa.
Café kéo bàn vào bên trong
ghế lật ngược đặt trên bàn
cài chốt an toàn. Còi hụ vang
khi đoàn xe chạy tới. Lính ria
mép. Chúng tôi rút lui.
Tia sáng nghi ngờ trong ánh mắt bọn trẻ.
Nhà thờ. Một cảnh tượng đồng quê với đàn
ghi-ta, trống, sáo,
hạc cầm & tình nhân. Đi qua
Shakespeare & Co., các tiệm ăn với đám
thực khách sang cả, băng qua
 
 
12
 
đường, khu phố Jazz nhỏ (Story Ville) một
tiểu New Orleans.
Dân da đen mặc sơ mi châu Phi.
Một ban nhạc rong sử dụng nhạc cụ đồng.
"Fare well to my web footed friends"
Đám đông mỉm cười, nhảy nhót, & hát ca.
Cứ bước. Đại lộ Saint-Michel.
Pho tượng. Dòng Seine. Lửa hung hăng tí tách
thiêu huỷ các tấm bìa cứng dọc theo con
đại lộ. Xe cứu hoả.
Mùi khói. Xích đến gần
gần hơn nữa. Bất chợt những tiếng thét dài
kêu gọi giáp chiến & đám đông
tháo lui. Trong lúc chạy chúng tôi bị
chúng nó tấn công từ phía hậu,
Bị dồn ép vào bàn ghế của quán cà phê.
Mêtrô & Kiốt báo ― Một
cô gái bị đánh đập, la hét. Tôi hết nghe
những tiếng đánh đập. Mưa. (Một gã cầm
chai rượu)
Hãy xuống đường với ta
 
Tụ họp lại dưới những gốc cây
dưới mưa. Những công sở đồ sộ.
 
Hãy theo ta xuống đường
 
 
13
 
      Chúng ta cần bó chung lại một bó
     cái mớ cảm giác tuyệt vọng đó
 
 
14
 
Tiền, vẻ đẹp của
 
       (tiền
            xanh lợt
              nhớt
            điểm tô
             mềm
           nhám
            nhăn)
 
                      Da người hay da thú
 
 
15
 
Trườn vào
lòng triều ấm
 
Nụ hôn và mê cung đầm đìa
 
đào những cái giếng
và cỡi trên những lời dối gian
 
thảy đều là lỗ là cọc
 
Bước đi trên đường
Lái xế ra bờ bể
Tia sáng của kẻ chết đuối
Một thành phố bị bao vây
 
 
16
 
Hoang mạc
   ― hồng sậm xanh kim khí
       và màu lá xanh côn trùng
 
       những chiếc gương trắng và
       những cái ao bạc
 
       một vũ trụ
       trong một cơ thể duy nhứt
 
 
17
 
 
Cứt ngựa và sữa bọc rơm
       rưới nước
 
Sự liên hệ tối ám
       giữa rừng cây và nông trại
 
Thanh tao
     như cái dĩa lúc nhúc
 
            Đừng Nói Gì Nữa
 
― Coi như đã lãnh đủ.
 
― Đúng quá.
 
 
18
 
mi phải trực diện
       cuộc đời mi
đang lén lút
       bò trên cơ thể mi
như con rắn hoan hỉ
       đang cuộn mình
 
nước dãi của ốc sên
 
mi phải trực diện
                     cái không thể tránh né
                           vào một lúc nào đó
 
Bloody Bones đã chơi khăm mi mà!
 
 
19
 
hi vọng chỉ là một từ ngữ
       khi ta nghĩ suy theo tấm
                               Khăn Trải Bàn
Tiếng cười không thể xoá
       cái cảm giác khôi hài
       cũng không thể làm thoả mãn cho
                      cái nhu cầu kì cục đó
 
Trẻ con sẽ sinh ra đời
 
 
20
 
Chào mừng quí vị đã tới với Đêm Hoa Kì
nơi có chó cắn
để tìm tiếng nói
       khuôn mặt định mệnh và tiếng tăm
để cho Đêm
       thuần hoá
trong sự im lặng của một chiếc xế bóng loáng
Những kẻ quá giang xe trên Xa Lộ Bất Tận
 
 
(còn tiếp 1 kỳ)
 
-------------
Dịch đối chiếu theo nguyên tác tiếng Anh “Paris Journal” vả bản dịch tiếng Pháp “Journal de Paris” của Patricia Devaux, trong Jim Morrison, La nuit américaine, Patricia Devaux chuyển ngữ (Paris: Christian Bourgois Éditeur [Collection 10/18], 1992).
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Jim Morrison viết “NHỰT KÍ PARIS” (Paris Journal) không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “NHỰT KÍ PARIS” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ... {Tiền Vệ sẽ đăng thành 3 kỳ. Kỳ đầu tiên gồm 10 khổ thơ.} [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Khoảnh khắc Tự do / khi người tù / nhấp nháy mắt dưới nắng / như một con chuột chũi / trong hang bò ra... | Bạn làm gì ở đây thế? / Bạn muốn gì? / Có phải là âm nhạc?... | Một người đàn ông cào lá khô / chất đống trong sân nhà, nguyên một đống, / & tựa người vào cái cào & / đốt hết chỗ lá khô... | ... Cái chết cải trang thật tuyệt vời / giữa giờ khuya khoắt // Gói mọi trò chơi trong khu vườn yên tĩnh của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
BỐN BÀI THƠ  (thơ) 
... Khoảnh khắc tự do bên trong / khi đầu óc mở rộng & vũ trụ / vô tận được phát hiện / & tâm hồn tha hồ thơ thẩn / say sưa & bối rối đi tìm... | Cứu! Cứu! Cứu chúng tôi! / Xin cứu chúng tôi! / Chúng tôi đang chết đây, anh bạn, hãy làm một cái gì... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021