thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nasera

Một buổi chiều tôi và Nasera cùng hẹn nhau nghỉ việc, sau khi ăn vội vàng miếng hamburger, về phòng nằm làm cặp muỗng. Nasera mơ mộng: "Thật kỳ diệu. Hai đứa mình như hai mảnh puzzle, anh nhỉ." Tôi chỉ biết thầm cảm ơn Trời Đất một hôm giao hoà đã ban phát cho tôi niềm hạnh phúc tôi đang có, đã giúp tôi một khám phá trong tình yêu. Tuy tôi không quá đỗi mơ mộng như Nasera (tôi đã nhiều lần thử ráp với các cô gái, các bà chưa chồng, có chồng hay đã bỏ chồng), nhưng tôi phải công nhận điều Nasera đã nói với tôi. Chúng tôi rất "vừa" nhau, vừa hơn bất cứ với một người nào khác. Nếu keo Tình Yêu có thật, tôi và Nasera đã nhập thành một khối, cùng nhau hoá thạch.

Rờ rẫm hai trái ngực đang căng tròn lên trong xúc cảm đang dâng, tôi đã thì thầm vào gáy cô nàng một câu khá gọi là ngớ ngẩn: "Nasera, nếu rủi em gặp tai nạn, như là căn nhà này bốc cháy, em có nghĩ rằng anh sẽ nhảy vào lôi em ra không?"

Giọng Nasera tỉnh queo:

"Lúc đó em sẽ biết anh có thực lòng với em không? Anh vẫn nói rằng anh yêu em hơn cả yêu chính anh mà."

Nàng quay lại hôn tôi và nói thầm vào tai:

"Nhưng em đâu muốn anh phải làm anh hùng."

Như để khỏa lấp câu chuyện, nàng đặt lên môi tôi một nụ hôn nồng mùi ketchup. Nàng thì thầm:

"Em chỉ muốn anh làm người tình. Anh đừng đặt giả thuyết này nọ. Em không thích anh nói những điềm gở như vậy. Ở xứ em người ta nói như vậy là điềm xui lắm, thế nào cũng gặp tai nạn đó."

Nasera tuy sinh trưởng trong một gia đình Maroc, nhưng rõ ràng cô nàng không chịu nổi những ràng buộc phái nữ xứ nàng phải chịu. Nasera không đẹp, ít nhất là dưới con mắt những đứa bạn tôi. Miệng rộng (má tôi đã nói "sẽ tan hoang cửa nhà"; chú tôi đùa "ngao nó cũng thế"), mắt lớn, cằm vuông. Nhưng tính bướng bỉnh dường như toát ra từ những thứ ấy. Từ đôi mắt đen to nhìn thẳng, chiếu ra những tia như muốn khuất phục người. Tôi không bao giờ quên được nét mặt giận dữ của Nasera trong buổi học đầu tiên, khi chúng tôi tham dự khoá học cứu thương sơ cấp dành cho nhân viên. Tôi làm trong hãng thuốc lá. Nasera giữ quầy tính tiền siêu thị. Tôi biết nàng qua những lần tình cờ tò mò nhìn mấy cô bấm máy trong lúc chôn chân trong một chục hàng người đông kịt trước dẫy quầy. Trong bộ đồng phục màu xanh dương lợt có viền nẹp đỏ và cổ áo màu cam, với dáng điệu lanh lẹ, cô nàng trông ít nhất cũng không dễ ghét. Tôi không thể nào tránh được sự bối rối khi bắt gặp đôi mắt tròn, với nốt ruồi nhỏ nơi khoé mắt trái, nhìn như thôi miên người đối diện, pha chút chế diễu. Tuy vậy cho tới hôm nhập khoá cứu thương, tôi vẫn chưa hề nói với nàng câu nào ngoài hai chữ "cám ơn" một cách xã giao máy móc đáp lại lời chúc "tạm biệt" nghề nghiệp mỗi khi người bán hàng giựt tờ hoá đơn tính tiền ra khỏi máy và trao cho khách hàng. Với tôi, nàng cũng không khác một chục cô ngồi sau dẫy két NCR trong cửa hàng nơi tôi ở bao nhiêu. Còn đối với nàng, nếu không có khoá học cứu thương, có lẽ tôi chỉ hơn thằng robot chút đỉnh.

Buổi học đầu tiên đó tôi có dịp ngồi bên cạnh Nasera. Cũng một phần vì trong đám trai gái nhốn nháo đó, tôi chỉ biết mặt nàng. Cả khoá hơn hai chục mạng - từ cô bé mười bảy mười tám đến ông già sắp về hưu non - được dồn vào căn phòng vốn là nơi họp của một bệnh viện nhỏ trong vùng. Hai dãy bàn ghế được kê lại đâu mặt nhau. Trên mặt chiếc bàn đặt trong góc phòng một chiếc rương lớn mở nắp, trong chứa một dàn hộp bông, băng cuộn và trăm thứ bà dằn mà trong ba tháng nữa chúng tôi sẽ phải thuộc tên và biết cách sử dụng thành thạo. Các cô nàng khúc khích chỉ trỏ con búp bê nhựa trắng bệch, miệng há hốc ngô nghê, mảnh quần rách tốc lên một nửa, nằm tênh hênh duỗi chân trên bàn. Một đứa nói bô bô: "Anh tao cũng có một con búp bê như vậy tụi bây ơi. Để tao nói với anh ấy mua con búp bê này, khỏi mất công bơm." Một tràng cười tồ tồ tô hồng những đôi má con gái ngượng nghịu đang chúi đầu vào nhau. Mỗi học viên nhận một miếng bìa cứng, tự mình ghi tên vào, để trước mặt cho dễ nhận. Tôi liếc sang bên cạnh, nói nhỏ, vừa quay bảng tên mình sang: "Hi! Chào Nasera." Nàng ngượng ngập chào lại, vừa ngó xuống miếng bìa ngoằn ngoèo tên tôi.

α

Ở thời đại mà mọi người suốt ngày phải quay cuồng với cuộc sống, luật lệ, những khoá học thường là nơi để mọi người có dịp nghỉ xả hơi, là nơi để tán dóc, chờ đến hết ngày, hết khoá vồ lấy cái chứng chỉ, thế là có thêm một tờ giấy bổ túc vào hồ sơ cá nhân. Tiền lương hình như cũng được tính bằng số lượng những tờ giấy này, còn thực chất ra sao chẳng mấy ai để ý. Vì thế sau mười lăm phút cả đám chúng tôi vẫn chưa chịu đi ra khỏi phần mở đầu với năm nguyên tắc nhân viên cứu thương phải ghi nằm lòng.

"Điều các anh chị nhớ cho là chúng ta trước hết phải để ý tới sự an toàn của mình trước khi nghĩ đến người khác..."

Tôi vô tình nhìn sang bên, thấy Nasera cau mặt. Nàng đưa tay lên, chực hỏi. Chừng như anh giảng viên đoán trước được điều nhiều người đã thắc mắc. Anh ta khoát tay, từ tốn nói:

"Tôi biết có thể một vài bạn không đồng ý với tôi về điểm này. Nhưng chúng ta gặp nhau hôm nay để học cứu thương chớ không phải học làm anh hùng. Các bạn lo cứu người ta mà không để ý đến mình thì có lúc chết chùm cả hai. Nhớ chưa?"

Nasera chưa chịu thua:

"Tôi không thể nào nhẫn tâm bỏ mặc người ta chết trước mặt mình."

Tay giảng viên cũng không vừa:

"Cô bé ơi. Người ta có lúc phải đành bỏ mặc cho một người chết khi biết chắc chắn mình có thể cứu được nhiều người khác chưa đến nỗi nguy kịch..."

"Anh nói vậy chứ mấy người lính đều là lũ khùng hay sao?"

"Tôi đã nói đây không phải là trại lính, và các bạn cũng không mặc đồ trận."

Anh ta tiếp thêm, giọng trêu chọc:

"Cô có bạn trai chưa?"

Mặt Nasera đỏ bừng. Anh chàng bồi thêm một câu, như để chữa sự quá lố bịch của mình:

"Chừng nào các bạn về hỏi gia đình, hay người yêu bạn, mà họ đồng ý chịu mất bạn để người khác được sống, chừng đó bạn hãy quay lại đây và cười vào mặt tôi. Thôi ta tiếp tục...."

α

Giờ nghỉ, Nasera xoay qua tôi, phàn nàn:

"Vừa mới mấy tháng trước nghe ông bố thuyết giảng phải xả thân cứu người, bây giờ nghe thằng khốn này nói như vậy, biết tin ai đây?"

Tôi cười:

"Bộ Nasera muốn làm anh hùng hả?"

"Anh hùng thường sống lâu, trong lòng mọi người."

"Họ sống trong lòng mọi người chứ riêng họ, đã chết từ lâu. Tôi cãi, biết mình bướng."

Cô gái không đồng ý:

"Người ta sống chỉ có một lần. Phải sống cho ra cái gì chứ."

"Tôi chỉ sống cho ra tôi. Muốn làm anh hùng, phải sống theo khuôn mẫu người đời đặt ra. Tôi không thích vậy."

Cô nàng chưng hửng. Lời tôi đáp tưởng làm cô nàng giận, hoá ra có tác dụng ngược lại. Nàng im lặng, ngẫm nghĩ. Tôi mời nàng ly trà, nói giả lả: "Thôi mà, ai cũng có ý nghĩ riêng của mình". Và như thế tôi quen Nasera. Sau này nàng bảo tôi: "Anh làm em như sống lại, thành một người khác từ khi nghe câu nói ấy." Tôi chỉ biết đỏ mặt, cười trừ. Chẳng lẽ tôi lại nói với nàng là lúc đó tôi đâm liều, nói bừa, mong cho dứt câu chuyện dằng dai.

Tôi ghé siêu thị thường hơn, mặc dù Nasera bảo tôi cần gì cứ nói, nàng mua cho tôi giá rẻ. Tôi sòng phẳng, đưa tiền, nhưng nàng ít khi nhận. Thành ra tôi vẫn cứ ra siêu thị, say với mối tình câm. Nasera thỉnh thoảng tạt vào nhà tôi chơi khi nàng đi làm về. Chúng tôi nói chuyện vơ vẩn không đầu không đuôi. Một hai lần tôi đến thăm nàng - căn nhà xập xệ đầy cỏ dại ở vườn trước và một lũ vại đất méo mó chất một góc sân sau - nói chuyện bập bẹ với ông bố hơi khó tính, lúc nào cũng sợ con gái hư. Bà mẹ chỉ biết cười và mời tôi ăn những miếng bánh ngọt đến đắng miệng. Thằng anh Yussef chỉ biết bàn chuyện túc cầu và ủng hộ đội bóng đá Maroc dở như hạch, và thằng em Ali tàn tật, bị liệt hai chân do trận sốt không tên hồi nhỏ, ngồi chơi trong chiếc xe lăn, hoặc nằm trên ghế sa lông trước máy truyền hình mở suốt ngày, và suốt cả đêm mỗi khi có trận banh quốc tế trái giờ. Để đáp lại, tôi không có chuyện gì khác hơn những mẩu chuyện vụn vặt trong hãng thuốc lá tôi đang làm. Mỗi lần tôi đến chơi, mỗi lần một bao thuốc mới toanh được bóc ra, và mỗi lần tôi lại giả bộ quên gói thuốc hút dở dang khi tạm biệt hai thằng anh em của nàng đang phì phò thở khói. Tạm biệt cả Nasera đang lấp ló sau tấm rèm sáo gió đung đưa lách cách, mũi chun lại, nhìn chiếc gạt tàn thằng Yussef thuổng được trong tiệm Pizzeria giờ đầy ngập mẩu đầu lọc vàng và những điếu thuốc chưa hút hết đã bị dập vội.

α

Ở hãng thuốc tôi làm, những điếu thuốc hư máy thải ra được dồn lại thành một đống, cứ ba tháng đốt bỏ một lần. Ông Parker, trưởng phòng quản lý vật liệu phế thải, thỉnh thoảng lén tuồn cho chúng tôi, những thằng ham thuốc, cả một sắc tay đầy, điếu gẫy lẫn điếu không gẫy. Điếu gẫy quăng thùng rác. Điếu lành, hút cháy phổi cũng chưa hết, tôi đem cho lũ bạn thiếu tiền. Nhờ vậy tôi có thêm được một số bạn, trong đó có đám bạn trai bồ tèo với mấy con nhỏ giữ két siêu thị, đồng nghiệp của Nasera. Những thằng đó ngoài giờ ở trường chẳng biết làm gì ngoài việc phóng xe gắn máy lạng qua lạng lại, chọc gái, tụ tập uống bia, hút thuốc trên bãi cỏ trong tiếng nhạc vỡ phổi từ chiếc ghettoblaster thảy lăn lóc gần đó. Chúng nó gọi tôi ơi ới mỗi khi thấy tôi đi qua, kéo tôi vào cuộc, bắt uống một chai, nhưng kỳ thực là để tạo nhịp cầu đến cái cửa kho thuốc lá miễn phí mà chúng nghĩ không bao giờ có ngày cạn.

Nhưng những ngày vui vẻ này không kéo dài được lâu. Trong một lần hãng cải tổ, khi sắp mãn hạn giao kèo, một hôm lão trưởng xưởng gọi tôi lên bàn giấy, với một giọng lịch sự, lão mời tôi cà phê, thuốc lá nhà, sau mười phút giáo đầu hỏi thăm công việc, sau đó đến một loạt chữ nhưng..., nhưng... để kết thúc bằng một câu ngắn gọn: "Anh cũng biết... nhưng chúng tôi không thể làm khác được". Tôi bị vất ra đường, mang theo một tờ giấy chứng nhận đã làm việc tốt trong gần hai năm qua, một nắm tiền thưởng và chứng bệnh ghiền thuốc nặng mà tôi biết có kiện lão chủ để lấy tiền bồi thường cũng chỉ hoài công.

Thất nghiệp, lĩnh nửa năm lương rách cũng chán, cộng thêm đời sống tơi tả. Mấy thằng nhóc nằm ngồi trên bãi cỏ thấy tôi đi ngang làm bộ ngó lơ, tôi cũng đâm ngượng không chào. Nasera rủ tôi vào làm cùng với nàng. Cửa hàng lúc nào cũng cần người, nàng nói. Tôi nghĩ nàng quên tuổi tôi. Ngồi sau két tôi chỉ thấy toàn lũ nhóc chưa quá hai lăm. Nasera trấn an tôi, nàng nói không sao đâu, em vào nói với thằng chủ Ron một tiếng là xong liền. Tiệm lớn mà, thêm một người nữa có thiệt hại gì, tụi nó nay làm mai nghỉ, lúc nào cũng thiếu người. Thế là tuần sau tôi đã vào làm, công việc không hở tay, không có cả thời giờ để suy nghĩ về cuộc đời khốn nạn. Lũ con trai mạnh tay chân, giữ việc chất hàng lên kệ. Bọn con gái ngồi két tính tiền. Cuối ngày tính ra thấy tôi đã mang sức người chuyển hơn hai tấn hàng lên kệ. Bọn con gái mỗi đứa cũng đã vất qua tấm băng chuyển hàng một số chai lọ thùng hộp tương đương.

Trước ngày tôi bắt đầu nhận việc, Nasera bảo tôi: "Anh khỏi cần xem phim hài, vào đó làm cũng đủ, cả bi cả hài kịch". Quả đúng như thế, hôm đầu tiên tôi vào làm trong siêu thị cũng là hôm con nhỏ Marian bị đuổi việc. Sa thải ngay tại chỗ. Tôi nghe mấy đứa đang sắp hàng từ những thùng cạc tông lên kệ thì thầm với nhau. Còn con Marian thì cuốn mớ quần áo, cho vào sắc tay, mặt đầy nước mắt. Nó lẳng lặng đi ra cửa sau, không ngoái lại.

Giờ nghỉ, tôi hỏi Nasera. Mới biết con nhỏ phạm tội ăn cắp. Ăn cắp? Một két bia tuồn ra cho thằng Willem, bồ nó. Thằng Willem đẩy một xe đồ ăn nhóc ké bên trên. Bên dưới gầm xe, một két bia hai mươi bốn chai. Thằng Willem vừa đẩy xe ra ngoài cửa, thì thằng an ninh cửa hàng ở đâu hiện ra, lừng lững đứng chặn trước mặt nó, lịch sự hỏi giấy tính tiền. Nó lắc đầu, giả bộ không biết, ấm ớ chỉ lại đằng quầy. Thằng này xin lỗi, lôi tuột nó lại quầy con Marian, mặt lạnh như tiền, kéo dây xích sắt ngăn lại. Một hàng người đứng trợn mắt ngó. Mặt con Marian xám ngoét, mặc cho thằng an ninh gọi thằng Ron tới, lấy chìa khoá quay cuộn giấy trong máy trở lại. Chứng cớ rành rành. Giá một két bia ngon, lẫn tiền thế chân vỏ và két, có tìm cả giờ cũng không thấy in trong cuộn giấy. Chắc hẳn bia để thằng Willem uống chung với nó, còn tiền đổi vỏ và két dành cho gói thuốc và một vỉ ba chiếc condom rút trong quầy tự động ngoài đầu phố.

Chiều đó về nhà, đi ngang dãy hành lang, nhìn qua khung cửa tôi thấy con Marian ngồi trong bếp nhìn ra ngoài trời, mặc dù tầm nhìn từ đó ra ngoài bị vướng bức tường hành lang rêu mốc xỉn, cao nghệu, chỉ thấy mấy đọt cây đung đưa lá xanh lá vàng cắt lên trời xám ẩm. Tôi ghé vào, an ủi: "Kệ cha nó, quên đi, còn thiếu gì chỗ cần người." Nó bảo tôi: "Chắc muộn rồi."

"Sao muộn?"

"Tao chắc có bầu rồi. Xui quá. Định báo tin vui cho tụi mày hay."

"Chúc mừng mày." Tôi nói một cách máy móc, trước khi sực nhớ ra đáng lẽ phải chia buồn với nó. Hai đứa còn trẻ quá mà.

Marian rót cho tôi một ly nước suối. Nó hỏi:

"Tụi nó có nói gì về tao không?"

"Tao không nghe."

"Xạo đi."

Tôi im lặng. Con nhỏ tuy trẻ mà khôn trước tuổi. Nó biết những xấu xa bao giờ cũng dồn cho những đứa bị sa cơ. Nó ngồi nhìn ra cửa sổ có chăng chiếc màn voan màu xanh nhạt, không thèm chào bà hàng xóm vừa đi ngang. Bỗng nó bật nói:

"Mày nói tao phải làm sao bây giờ?"

Tôi không thể nhẫn tâm nói: "có làm thì rán mà chịu." Tôi biết rủi ro của con Marian cũng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào cho hai đứa, tôi và Nasera. Tôi an ủi:

"Nghỉ. Làm đám cưới. Tụi tao phụ một tay. Xã hội này đâu để mày chết đói."

Tôi thấy lửa từ mắt nó toé ra:

"Xã hội không để tao chết đói, nhưng chắc thằng Willem để tao chết đói. Cả ngày nay nó không đến thăm tao. Không cả hỏi thăm. Tụi đàn ông chúng mày cùng một duộc như nhau. Chỉ tìm cách đè lên bọn con gái tụi tao như lũ heo nọc."

Tôi sượng sùng rút lui trước khi nó nổi khùng tống tôi ra khỏi cửa.

α

Hôm thứ bảy trong giờ nghỉ giữa buổi thằng Peter mang vào một hộp bánh mua tại tiệm bánh ngọt của con mụ Charlotte ngoài đầu phố. Cả bọn à à lên bài hát mừng sinh nhật nó được hai mươi lăm tuổi. Thằng Mark hỏi bao giờ tới phiên tôi. Tôi nói còn hai tháng nữa, con Nasera sinh nhật trước, ba ngày sau tới phiên tao. Nó hỏi tôi có được thiệp hay tin gì của Nasera không. Con nhỏ về nước nghỉ hè gần một tháng, hai tuần rưỡi ở với gia đình, tuần cuối trên đường về nó sẽ ghé Bordeaux thăm bà mẹ nuôi của nó, và ngày mốt thứ hai nó sẽ đi làm lại. Tôi nói Nasera mới về hôm qua, chiều nay tôi sẽ đến nhà nó lấy chai rượu bà mẹ nuôi nó gửi biếu tôi làm quà.

Khi tôi sắp nuốt mẩu bánh cuối cùng, miệng còn dính đầy kem thì thằng Ron từ trên lầu kiểm soát lao xuống, la bai hải: "Tụi bay ơi. Con Nasera nó bị đụng xe rồi. Bệnh viện nó tìm thấy cái thẻ nhân viên trong túi nó, nó mới điện cho tao biết nè."

Tôi nhảy bổ ra đường, chui vào xe, nhanh hơn câu gọi giật của thằng chủ bảo tôi lái xe cẩn thận, và nhắn tôi mang theo lời hỏi thăm của tiệm. Tôi ghé qua nhà Nasera. Cửa mở hé, tôi xông vào, dựng cổ thằng em què của nó đang ngồi rầu rĩ dậy, nhưng nó rũ xuống, lắc đầu, khóc hu hu. Lắc vai nó một chục lần mới hay phòng intensive care vừa chịu bó tay đầu hàng... Cha nàng từ bệnh viện vừa điện về, đang chờ làm thủ tục mang xuống phòng lạnh.

Bỗng dưng tôi như liệt cả toàn thân. Tôi chạy ra đường, định phóng đến bệnh viện, nhưng lại ngần ngại. Tôi không muốn chường mặt ra lúc này. Hôm Nasera lên đường về quê, nàng nói sẽ mua cho tôi một ít bánh. Nàng hỏi tôi muốn gì thêm. Tôi nói nếu có ít trái cây mang về ăn cũng được. Tôi thấy nàng ngập ngừng. Trước khi bước qua cửa kiểm thông hành, nàng nói nhanh, mặt cúi xuống đất.

"Anh..."

"Gì vậy?"

"Em nghĩ..." Nàng ngập ngừng ít giây. "Em nghĩ... em có bầu rồi."

Tôi hỏi dồn:

"Nói giỡn chớ bạn?"

"Không. Em sợ vậy. Nó kỳ lắm. Chỉ có đàn bà tụi em mới cảm được."

Cô nàng nói thêm, chắc để trấn an tôi:

"Nhưng chắc không sao đâu. Để chừng về em đi thử coi."

Tôi chẳng biết sẽ thử bằng cách nào. Nhìn bụng nàng, vẫn phẳng với chiếc rún lồi ló ra nơi vạt áo xẻ rộng, tôi hơi yên tâm, cho dù trong ruột vẫn rối như mớ cỏ khô cho bò ăn. Cưới Nasera ư? Tôi sẽ phải cầu đấng Allah năm lần một ngày? Hay nàng sẽ phải đọc Kinh Thánh mỗi chủ nhật với tôi cho trọn lời tôi đã hứa với ba má? Hay chúng tôi sẽ bỏ hết, bỏ cả gia đình và lời đàm tiếu. Rồi đời chúng tôi sẽ ra sao? Khi chưa có một thứ gì chuẩn bị, ngoài một số tiền nhỏ chưa bằng tháng lương, dằn trong trương mục để dành cho những chuyện cần kíp...

Từ Marakech, Nasera có điện lại cho tôi một lần, giọng lo lắng: "Em sợ quá, nhưng ở đây em không dám đi hỏi ai. Ngày nào em cũng cầu đấng Allah, nhưng em sợ ngài phạt, em cần anh." Tôi còn đang choáng người, không kịp nghĩ ra lời an ủi nàng lúc đó, cũng không kịp nhận ra là mình bỗng trở thành quan trọng hơn cả đấng Allah thiêng liêng của nàng. Bên này tôi cũng đang rối nùi, tiến cũng dở, mà lùi còn tệ hơn.

Đêm qua Nasera về đến nhà, điện thoại hỏi thăm tôi nhưng mải chuyện tôi đã quên khuấy mất cho đến khi tôi nghe nàng nói nhanh vào máy: "Để tao nói với con Susan đưa mày cuốn truyện." Đó là ám hiệu nàng dùng với tôi mỗi lần muốn cúp ngang khi có sự hiện diện của ông bố. Sáng nay tôi đã định bụng sẽ gọi cho nàng vào giờ nghỉ trưa để hỏi thêm. Bây giờ chợt nhớ lại câu chuyện đó, tôi sợ hãi khi nghĩ lúc vào bệnh viện, nghe họ nói Nasera đã có bầu, nhìn vẻ mặt trách móc của cha mẹ nàng tôi đâm nhụt chí. Mặc dù sau này tôi biết đây chỉ là điều lo sợ hão huyền. Một cái bầu mới tượng một tháng còn nhỏ hơn cái trứng cút, nhiều người còn chưa công nhận nó là một sinh vật thì bệnh viện cũng chẳng để ý đến nó làm gì cho hoài công.

Hôm đưa đám, tôi đứng phía sau, im lìm bước đi trong đám bạn bè, gia đình của nàng xì xồ tiếng Maroc với nhau. Lúc hạ huyệt, thẫn thờ liệng bó hồng vàng xuống nắp quan tài, tôi đã bật khóc, nhưng cùng lúc bỗng thấy lòng nhẹ đi. Bỗng nhiên tôi rùng mình. Tôi đã có thể nhẫn tâm như thế được sao? Hay tôi sợ phải nghe sự thực không muốn nghe? Nhưng cũng vì sợ cho nên nỗi ấm ức và dấu hỏi vẫn còn mãi trong đầu tôi. Chỉ vì sau đó tôi biến dạng, không trở lại gia đình nàng nữa. Tôi rời bỏ thành phố cuối hè đó, trời hiu nắng. Khi lái xe ngang thùng thư dọc đường, tôi quăng vào tấm thiệp nhỏ cho thằng Ali què quặt báo tin tôi dọn nhà. Con người ta thật tệ, có thể cha mẹ nàng sẽ nghĩ vậy, nhưng tôi và họ không có dịp nào cần nhau nữa, thì với tôi cũng không còn vương vấn gì. Tôi tưởng rồi tôi sẽ quên Nasera dễ dàng.

Nhưng không phải. Sau này thỉnh thoảng nằm làm cặp muỗng với một vài người con gái khác, qua những mối tình tạm bợ, tôi bỗng dưng nghĩ đến Nasera, đến phần số của những đứa trẻ như chúng tôi, như bèo mới hợp đã tan ngay đấy, đến câu nói gở của tôi chiều nào. Những khi đó tôi như tê cứng, bao nhiêu ham muốn tự dưng tiêu tan hết cả, mặc cho người con gái ngạc nhiên, đưa đẩy phần dưới thúc giục.

Tôi mới biết là hình bóng của Nasera vẫn còn lại, trong tôi, sâu lắm.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021