thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rong chơi với tượng nhà mồ

 

Chúng tôi men theo vách núi mà đi. Núi mùa này lạnh lắm, khi biển đã về tay kẻ khác, thì núi như là người tri kỉ cuối cùng. Có lẽ tôi sẽ chết cóng mất nếu tôi phải rời khỏi núi. Tôi yêu Chư Mang như yêu chính cuộc đời mình. Có điều, bây giờ, tôi như kẻ mộng du, đêm ngày lẫn lộn, núi Chư Mang thì tôi tưởng là Mẫu Sơn tuyết trắng, mà thương.

Say lắm rồi, vịn cây mà hỏi: “Thế đời ta, cuối cùng là để làm gì?”

Say lắm rồi, đưa tay níu bướm lại hỏi: “Thế đời ta, cuối cùng là để làm gì?”

Cây trả lời: “Không biết đâu, từ lâu biển đã chết rồi!”

Bướm trả lời: “Không biết đâu, từ lâu, ta đã về tay kẻ khác!”

Tôi có những người bạn, không râu dài, không tóc trắng, không xăm mình, nhưng họ là nghệ sĩ. Tôi mang từ trên núi Chư Mang về một gùi nước đầy; họ uống, và say, và hát hò như điên. Rồi họ vò đầu bứt tai khóc lóc cho những hòn đảo ngoài biển xa đang bị quân thù vây kín, những lão ngư bị đánh gãy sườn và rụng răng trên biển. Họ khóc một cách nhiệt thành. Tôi nói: “Gùi này là gùi nước, không phải gùi rượu mà, tại sao say được?” Họ ngẩn ra một lúc rồi lại đọc thơ, lại chảy nước mắt. Tôi không giận họ, nhưng buồn bã cho những người say nước. Họ hát và đọc thơ chán rồi nằm ngủ bên vệ đường như những con tắc kè nông nổi...

Tôi muốn lay gọi bạn dậy, nhưng những con tắc kè ấy hình như say thật, say lắm. Chúng trừng mắt, nhe nanh ra doạ tôi. Tôi biết rồi, con đường tôi đi sẽ chông gai rất nhiều. Nhưng tôi sẽ không say nước một cách dễ dàng như thế. Với tôi, phải rượu thật nặng cơ, mà cũng khó say lắm. Tôi đi lang thang tìm một bông hoa rừng đang nở, tìm một làn gió núi đang hát, để mà vui. Những ngày nắng đẹp, tôi rải chữ ra phơi dọc sườn núi, chữ vàng như hoa dại, thơm như cỏ dại. Những con chữ của tôi cũng mệt nhoài, chúng ngủ thật say để ngày mai còn đi tiếp với tôi thêm một đoạn đường dài nữa. Trong cơn mê ngủ, một con chữ nói: “Cùng lắm là chết thôi, nhưng chắc chắn không chịu dối lòng...”

Ở núi Chư Mang, đêm xuống rất nhanh. Khi bóng tối đổ khắp thung lũng thì bầy chữ ngồi dậy. Hình như chúng đói, hình như chúng nhịn ăn đã mấy ngày. Chúng tản ra đi lang thang rồi chìm khuất hết vào bóng tối âm u.

Những vì sao từ trên cao rơi thẳng xuống đỉnh núi, tan thành vạn mảnh vụn li ti. Bầy chữ xúm lại nhặt những mảnh vụn ngọt ngào ấy bỏ vào miệng, ăn ngấu nghiến. Những pho tượng nhà mồ đứng im dưới chân núi nhìn lên, không khóc, cũng không cười. Tôi ngồi xếp lại những ý tưởng vụn vặt về bầy cừu trong đêm vắng, về bầy tắc kè trong chiều vắng, về những gã du côn tóc bóng mượt, môi trề ra như con đỉa no máu người, về những bông hoa bị đánh lừa, bị bán qua bên kia núi để làm gái...

Và tôi chờ một cơn giông sẽ tới, vào ngày mai...

Bạn nói “không hề có cơn giông nào hết”, nhưng tôi vẫn tin là có. Những con chữ mỏng manh sau một đêm trằn trọc đã kéo nhau vào buôn Púk chơi với lũ tượng gỗ quanh nhà mồ. Không biết chúng nói với nhau những gì mà mắt tượng ướt nhoè nước mắt. Tôi hỏi: “Ai đã làm bạn đau?” Tượng khóc oà lên: “Quỷ dữ đội lốt người, chúng lừa tao chơi trò đuổi bắt rừng xanh rồi bỏ đói tụi tao ở đây!” Tôi nhìn ra ngoài nương rẫy: buôn Púk đỏ quạch bùn bô-xít, những ama, amí, amai lưng gập xuống như sắp gãy, cõng những gùi bắp, gùi ồi xanh đi ra hướng ngã sáu, nơi có chiếc xe tăng đang đợi sẵn...

Tôi vẽ một biểu tượng hình cổ thụ xếp giữa đống bùn đỏ và hỏi: “Đây là đại ngàn, đúng không?” Tượng gỗ buồn bã lắc đầu. Tôi vẽ biểu tượng một ngôi nhà sàn xuống bùn đỏ và hỏi: “Đây là Tây nguyên, phải không?” Tượng không trả lời.

Bầy chữ tỏ ra quấn quýt với tượng gỗ nhiều hơn là tôi tưởng. Chúng dán vào mặt tượng những chiếc lá màu xanh, những bông hoa màu đỏ. Cuối cùng, bọn tượng ngập tràn màu sắc. Chúng rụt rè đi xuống sông Năng tắm gội. Dưới đó, bầy tắc kè nghệ sĩ cũng đang tắm. Họ cười nói và đọc thơ váng cả một khúc sông, sau đó thì khóc hu hu một cách đúng quy trình.

Bọn tượng sợ hãi, không dám tắm chung. Một pho tượng hình con khỉ đột chạy về khu nhà mồ vác ra một ghè rượu cổ và nói: “Các bạn tắc kè uống rượu của Yang, rồi khóc như thật mà cười cũng như thật. Uống đi, uống nhiều vào đi...”

Nhưng bầy tắc kè sau khi cười khóc chán chê đã bỏ đi xa, chỉ để lại những âm thanh thối rữa trong bùn, trong nước. Tôi ngồi xuống bên ghè rượu cổ, cắm cần vào, chậm rãi, thuần thục như một nghi lễ trước thần linh, sau đó bắt đầu uống. Bầy tượng gỗ đã xuống sông bơi và lặn, như những đứa trẻ mắt sáng da nâu của buôn Púk vẫn thường đùa vui giữa trưa hè cháy nắng.

Tôi uống cạn đến đáy ché, rượu chạy đến đâu, lửa chạy đến đấy. Lũ chữ nghe hơi men lá thơm lừng cũng chạy về ngồi vây quanh ché, rồi say, ngủ lăn lóc bên cạnh. Những vì sao rượt đuổi nhau trượt té, ngã lăn lóc vỡ vụn dọc sông Năng. Gió mát từ trên đỉnh núi ùa về như quạt, như ru. Được rồi, bây giờ thì tôi sẽ ngủ, ngủ ngay trên đống bùn này, bên bờ sông này, bên ngọn núi này, bên lũ tượng đáng yêu và bầy chữ dễ thương của tôi.

Ngày mai chúng tôi sẽ đi sâu vào bên kia núi, bắt đầu cuộc kiếm tìm không biết đến bao giờ sẽ kết thúc...

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021