thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chân dung tự họa bằng nét cọ mỏng | Một bài ballade về lần đi xuống cửa hàng
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
MIRON BIALOSZEWSKI
(1922-1983)
 
Miron Bialoszewski sinh ngày 30 tháng Bảy 1922 ở Warsaw, là một trong những nhà thơ hàng đầu của văn học Ba lan thế kỷ XX, và là người hoạt động sân khấu mới (kịch tác gia, diễn viên, kiêm đạo diễn sân khấu). Ông theo học ngành báo chí tại Đại học Warsaw, khởi sự bước vào làng văn năm 1947 như một nhà thơ, là người đồng sáng lập sân khấu Tarczyńska. Từng sống qua những ngày tháng gian khổ như nhiều nghệ sĩ Ba lan khác, và đặc biệt từng là đề tài tranh cãi (1956) trong giới văn học ở Warsaw, do những chủ trương làm mới của ông. Bialoszewski là người luôn bị ám ảnh bởi những ngôn ngữ kỳ lạ, những đồ vật ngày thường và đời sống ảm đạm của con người. Ông nổi tiếng như một bậc thầy về cách sử dụng ngôn ngữ thông tục, nhà thơ ngợi ca những thực tại văn hoá đời thường không kiểu cách trí thức ở Ba lan, đặc biệt là ở thành phố quê hương Warsaw của ông. Những ẩn dụ trong thơ ông làm người đọc đôi khi đỏ mặt, nhưng thơ ông chính là một cuộc tìm kiếm miệt mài trong ngôn ngữ – với khuynh hướng trở lại kiểu thơ có thể gọi là cầu kỳ của thơ Ba lan thời Trung cổ. Ông là tác giả nhiều tuyển tập thơ, những truyện kể ngắn và những bài văn xuôi dài và nhiều vở kịch. Nhiều nhà nghiên cứu thơ Ba lan có ghi nhận một số không ít tương đồng giữa dòng thơ Bialoszewski và giọng điệu Henri Michaux hay Eugenio Montale. Ngoài những ấn phẩm xuất bản từ trước những năm 50-60, có thể kể những tác phẩm chính: tập thơ Hãy để tôi yên (Odczepic sie, 1978), những tập truyện kể ngắn như Ký ức về cuộc nổi dậy ở Warsaw (Pamietnik z powstania warszawskiego, 1970), Tường trình thực tại (Donosy rzeczywistosci, 1973) và về kịch: Sân khấu riêng lẻ (Teatr Osobny, 1971).
 
 

Chân dung tự họa bằng nét cọ mỏng

 
Họ nhìn ta
vậy thì chắc hẳn ta có một khuôn mặt.
Trong tất cả những khuôn mặt quen
ta nhớ ít rõ nhất khuôn mặt chính mình.
 
Thường khi hai bàn tay ta
sống tuyệt đối riêng lẻ.
Vậy thì ta có nên tính chúng là của ta?
Những giới hạn của ta ở đâu?
Ta ngập người trong
chuyển động hay nửa đời sống.
 
Tuy nhiên lúc nào sự hiện hữu
chất đầy hay không chất đầy
cũng trườn khắp người ta.
 
Ta mang trong người ta
một nơi chốn của riêng mình.
Khi ta đánh mất nó,
sẽ có nghĩa ta không hiện hữu nữa.
...
Ta không hiện hữu,
vậy thì ta không hoài nghi.
 
------------------
Dịch từ bản tiếng Anh: "Self-Portrait as Felt" trong Postwar Polish Poetry – New, Expanded Edition, Czesław Miłosz tuyển chọn và biên tập, University of California Press, 1983.
 
 

Một bài ballade về lần đi xuống cửa hàng

 
Trước tiên tôi đi xuống đường
qua chiếc cầu thang
cứ tưởng tượng mà xem,
qua chiếc cầu thang.
 
Thế rồi những người quen của những người không quen
đi qua tôi, và tôi đi qua họ.
Thế
là anh không nhìn thấy
mọi người bước đi như thế nào,
tiếc thay!
 
Tôi đi vào một cửa hàng bán các thứ,
những đèn kính sáng rực,
tôi thấy có người nào đó ngồi xuống,
và tôi đã nghe gì?... tôi đã nghe gì?
tiếng lao xao của những cái túi và tiếng người nói chuyện.
 
Và cứ thế, thật tình
và thật sự
tôi trở về nhà.
 
--------------------------
Dịch từ bản tiếng Anh: "A Ballad of Going Down to the Store" trong Postwar Polish Poetry – New, Expanded Edition, Czesław Miłosz tuyển chọn và biên tập, University of California Press, 1983. Bản tiếng Việt đã in trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021