thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chiều mưa tháng năm, đọc Daniil Kharms (qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)

 

Daniil Kharms — chắc hẳn ông ta phải là người đàn ông có đôi mắt sáng hung hăng như đồ tể và rụt rè như tội đồ. Trang viết của ông rắn rỏi và dè dặt, lắm khi hụt hẫng vì dường như người viết quá phẫn uất mà thành ra cắn bút trầm ngâm trong im lặng. Nhưng ông không kể những câu chuyện với nụ cười buồn, ông kể nó bằng sự mỉa mai, kì quặc và ám ảnh.

Đọc những mẩu chuyện bé con của ông giống như việc bước vào thế giới của những thứ đồ chơi bằng đất tí hon. Mỗi món đồ kể một câu chuyện của riêng mình. Và tất nhiên, tất cả đều khuyết mất đoạn kết. Sau khi món đồ chơi dừng lời, người lạ sẽ giật mình nhận ra hình dạng bi thảm của chúng — những món đồ chơi chưa được hoàn thành. Người ta thấy trên nó nỗi hứng khởi, niềm đam mê từ bàn tay kẻ nặn, nhưng đồng thời người ta cũng thấy luôn bi kịch của sự dở dang, khi mà kẻ sáng tạo một ngày nọ bỗng nhiên thở dài, đứng dậy, chùi bàn tay lấm lem vào chiếc tạp-dề, và bỏ đi, vĩnh viễn không trở lại. Người ta sẽ tò mò cầm lên những món đồ chơi nặn đất còn dang dở, và sẽ tinh ý nhận ra nỗi khắc khoải của kẻ sáng tạo lạc lõng tìm kiếm vô vọng câu trả lời cho những trầm tư bi thảm của cuộc đời. Nỗi đau là mê hoặc. Và biết đâu định mệnh sẽ xui khiến người lạ mặt ngồi vào chỗ chiếc ghế trống, để rồi tiếp tục công việc hồn nhiên, đầy hứng khởi, và đầy dằn vặt ám dụ kia.

Daniil không bao giờ muốn câu chuyện của mình kết thúc. Có lẽ nỗi đau thương của một thiên tài luôn được nhân lên nhiều lần phẫn uất. Và vì thế nó sẽ không thể nào là một kiện hàng kí gửi khi đến với văn chương. Daniil, thiên tài kiêu ngạo nhìn thấy trước điều mà sau khi ông qua đời các học giả sẽ tranh nhau bàn cãi về nó. Thế nên ông chẳng hơi đâu mà dại dột đâm đầu vào lối mòn công thức cũ kĩ dưới chân mình. Ông tự vẽ lấy cho mình một chiếc hài vạn dặm và lướt đi trên những tàn cây, vượt thoát khỏi sự đeo níu ám ảnh của ngôn từ (khốn khổ thân ông là ông quá thông minh và tỉnh táo để biết rằng không có chiếc hài vạn dặm nào có thể đưa ông vượt thoát khỏi thế kỉ vô luân này!). Những mẩu chuyện của ông lúc nào cũng nhỏ gọn, có lẽ cũng nhỏ gọn như chính cái thân xác và hành lý của ông khi bị tống vào trại tâm thần. Ông không lệ thuộc vào ngôn từ bởi lẽ ông quá kiêu ngạo vì trí tuệ sắc sảo của mình. Những mẩu chuyện là sự ích kỉ của riêng ông, và đồng thời cũng là thiên tài tai vạ của chính ông.

Những mẩu chuyện của ông chưa bao giờ là những câu chuyện hoàn chỉnh. Ông cáu bẳn với ngôn từ thời đại đã đành, ông lại giận cá chém thớt gắt gỏng cả với ý nghĩ của mình. Thế nên những trang viết của ông luôn là những lát cắt rất vội, sắc nhạy, và đôi khi buồn bã. Khép chặt trong nỗi đau, cô lập với cuộc đời, khắc kỉ trong trang viết và xa cách với chính mình. Ông cô độc cho đến chết. Cái chết của ông chẳng kết thúc được gì, bởi nó không hé mở gì thêm về con người quái kiệt đó, bởi người đọc sẽ phải vĩnh viễn cầm trên tay hỗn độn những ghi chép rời rạc và chỉ biết dùng diễn ngôn để hòng tiếp cận với một diễn ngôn ám dụ khác.

 

SG, 31.05.08

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021