thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
những tháng ngày xa xỉ…

“Sự yên lặng bao nhiêu cũng không đủ!” - Tôi nói. Và anh bạn nhà văn trẻ trố mắt lên, ngạc nhiên: “Tôi sẽ viết một truyện ngắn chỉ bằng một câu nói như thế. Một truyện ngắn, đôi khi chỉ nói về một trạng thái. Và trạng thái này, chỉ có bạn - người đã và đang sống ở thành phố Sương Mù mới nói được như thế!”

Bắt đầu từ buổi sáng và bốn bức tường gỗ thông trên căn gác trọ nằm nghiêng như neo lưng chừng dốc. Hôm nào cũng thế, đúng bảy giờ kém mười lăm phút, tiếng rao “Mi…i…i…ó…ó…óng… ng… đ… ây… ây!” của ông già bán bánh mì lại cất lên nhừa nhựa dưới dãy hành lang dài. Tiếng rao không vangvọng lên như một lời đánh đố. Nếu không quen nghe và chưa từng được thấy tấm thân còm cõi của lão cưỡi trên chiếc xe đạp (cũng còm cõi như lão) đèo một cần xế đầy những ổ bánh mì vàng rộm còn nóng hầm hập mới ra lò, chắc không ai hiểu tiếng rao ấy có nghĩa là gì. “Mi… ì… ì… ó…ó…óng… ng… đ… ây …ây!”. Và cái tiếng rao ấy, theo thời gian mà vữa ra, nhão ra, đến nỗi cái vỏ âm thanh bất cần biết có chở được cái dụng ý mà lão cần chuyển tải hay không. Mỗi lần rao, lão co chân, nhấp nhấp bi- đan hãm chậm một vòng bánh xe, hít hai hơi thở mạnh cho lồng ngực phồng lên. Phồng lên đến nỗi mắt lão trợn trố, mặt lão nhô về phía trước như mặt con ếch đói. Và tiếng rao như một phản xạ, từ lồng ngực tống lên cổ, hắt ra trên cái mồm thâm sì hơi dẩu về phía trước: “Mi…ì…ì… ó… ó… óng… ng… đ… ây …ây!”. (Nghĩa là: “Mì nóng đây!”). Cường độ âm thanh vừa phải. Và biên độ không quá mạnh. Trường độ không quá ngân dài… Chỉ đủ nhấn trọng âm vào chữ “óng” (nóng). Người ở khu trọ này bảo, ngày xưa, lão là một trong những người bán bánh mì nóng có tiếng rao “cực chuẩn”. Nếu không muốn nói là rất “hai-phai xte-ri-ô”!. Nhưng tiếng rao ấy xuống dần, mệt mỏi theo thời gian và tuổi tác của lão. Nó trễ nải và bê tha đến độ không còn chất du dương nhạc tính. Nó khô khốc. Và uể oải. Nó ngai ngái, ngọng ngọng đến nỗi đôi khi tiếng “Mì nóng đây” được phát âm thành “ì óng ây” một cách đầy tuỳ tiện. Dù nội dung muốn chuyển tải không bị hiểu trại đi, nhưng không vì thế mà có thể giản lược âm tố một cách đầy cẩu thả như thế! Không, thưa ông cử nhân ngữ văn học đầy thông thái và rắc rối trong tôi, điều ấy nằm ngoài dụng ý của lão. Vấn đề của lão là làm sao bán được càng nhiều mì nóng vào buổi sáng càng tốt. Đó là trăn trở thường nhật và cũng là điều bận tâm nhất của lão trong hơn năm mươi năm cuộc đời bán bánh mì của lão. Điều này ứng với câu nói của một nhà văn lớn tầm cỡ thế giới: một cuộc đời dù nhạt nhẽo đến đâu cũng là một pho tiểu thuyết!

Bây giờ, xin trở lại với tiếng rao ấy… Thì ra, theo một tay cử nhân quản trị kinh doanh ở trong khu nhà trọ, đó là một cách tiếp thị khá điêu luyện của lão ta. Có một phương pháp tiếp thị bằng âm thanh khá hữu hiệu đó là phát ra một tín hiệu âm thanh lạ để kích thích sự tò mò và liên tưởng của người khác. Và hắn ta xin phép được lấy một ví dụ bằng hình ảnh hẳn hoi để chứng minh. Đêm qua, ti- vi có quảng cáo một loại bông nhưng… có cánh. Hình ảnh một cô gái ăn mặc tươi mát đi vào quán, thay vì lấy tay kéo ghế để ngồi thì cô ta dùng đến phương tiện là… cặp mông rất… khoẻ để lắc chiếc ghế sang bên cạnh, làm anh bạn trai của cô ta đang ngồi cùng bàn phải trố mắt nhìn vào… chỗ bí hiểm và yếu đuối nhất của cô nàng. Màn hình khép lại. Rồi mở ra cảnh hai là bầy chim trắng bay qua bầu trời xanh trong lành, rất thi ca. Từ đôi cánh của một con chim, bung ra dòng chữ: “Băng vệ sinh Bồ Câu Trắng, trong sạch, thoáng mát, khoẻ mạnh!”. Anh bạn cử nhân quản trị kinh doanh vỗ đùi cái bốp, rồi chép miệng: “Đẹp như một cổ tích!”. Nhưng xin lỗi, với tư duy văn chương của tôi thì đó là một mẫu quảng cáo có kịch bản thừa. Lẽ ra, chỉ nên kết thúc ở chỗ bầy chim trắng bay lên. Thế mới càng tạo sự tò mò. Cũng như bài thơ có kết cấu mở, như một truyện ngắn không có kết thúc và tất cả được nối bằng lô-gic của dòng ý thức. Nhưng anh bạn quản trị kinh doanh thì cứ nằng nặc: “Không! Nguyên tắc của tiếp thị quảng cáo là ít ra, phải có câu nói ấn tượng đập vào trí nhớ của người ta và thứ hai là nó phải bình dân. Để từ cô bé mới ngỡ ngàng những ngày đầu thiếu nữ đến các bà sồn sồn hồi xuân ai ai cũng hiểu!” Nhưng…

Nhưng mà thôi. Câu chuyện về chim “Bồ Câu Trắng hai cánh trong sạch, thoáng mát, khoẻ mạnh” nên dừng lại ở đây là vừa phải. Nó cũng như những cuộc tranh luận về thi ca, sẽ không có hồi kết. Thực tế thì màn hình ti-vi vẫn ngày ngày đập vào mắt chúng ta những thứ làm chúng ta tò mò, suy nghĩ. Và tiếng rao “Mì…ì… ì… ó… ó… óng… ng… đ… ây …ây!” vẫn đúng bảy giờ mười lăm phút đầy mệt mỏi vẫn vọng lên từ phía dưới hành lang.

Nàng không chấp nhận cái tính hay nhớ nhiều thứ quá của tôi. Người ta bảo, quên là một thần dược. Không sai. Nhưng quên là một trạng thái không phải muốn là được. Có câu hát sên sến thế này: “Đừng quên chi để cho lòng nhớ thêm!” Khi hát câu này, cô ca sỹ có mái tóc xù-đơ nhuộm vàng đầy quyến rũ nhảy phóc lên, dùng cặp giò thuôn dài lộ liễu đến biên độ cuối cùng quặp cứng vào bụng anh bạn tình và anh bạn không quên làm động tác xòe tay ra đỡ lấy nàng vẻ âu yếm. Và như thế có nghĩa là khi ta cố quên một điều gì đó, thì trí nhớ phải làm việc tới hai lần. Lần thứ nhất: nhớ cái để quên. Lần thứ hai: làm sao để quên cho được cái đang nhớ!

Tính tôi (đôi khi) cải lương. Những lúc tình cảm lắm, tôi hay ôm bờ vai gầy của nàng mà thì thào nhắc nhớ chuyện xưa. Nào là chuyện anh hôn em lần đầu tiên ở ghế đá trong công viên như thế nào, nào là em đã xúc phạm anh bằng câu gì khi lần đầu hai đứa giận nhau, nào là chuyện anh đi mua Bồ Câu Trắng hai cánh cho em bị người ta “chém đẹp” ra sao cho đến chuyện tôi lo sợ đến thế nào khi nằm mơ thấy thế giới toàn những người đàn bà có chửa… Tất cả ám ảnh tôi rất vô cớ. Tất cả đều được đầu óc tôi lưu lại rõ ràng. Nó nằm ở đó như những hình ảnh đã đi vào “file” và chờ lúc hiển thị lên “màn hình. Và trong đầu tôi có nhiều “file” kiểu như thế.

Về công việc ở cơ quan, tôi có nhiều điều không suôn sẻ. Và tất cả, tôi đem trút vào nàng- người vợ tội nghiệp nhưng là người phụ nữ bản lĩnh của tôi. Ví như hôm nay, sau khi sếp giao tôi đi làm việc thu thập tin tức tại hội Phụ nữ, tôi đã từ chối.

- Sao anh không làm tròn trách nhiệm của một nhà báo?

- Không, ở hội Phụ nữ tôi ngại gặp các chị ấy …

- Nhưng đây là công lệnh!- Sếp dằn tay xuống mặt bàn- Họ đâu có ăn thịt được anh?

- Nhưng thưa ông, ở đấy tôi gặp lại người yêu cũ thời sinh viên…

- Thì sao?

- Không hay lắm trong khi thu thập thông tin ở phòng riêng của cô ấy. Tôi lo sợ những gì thuộc quá khứ lại dội về…

Sếp cười khùng khục. Cái nọng mỡ dưới cổ hắn rung lên:

- Thôi, thôi, trai có vợ gái có chồng…

- Nhưng thưa ông, tôi không thể làm việc ở chỗ cô ấy. Cô ấy là người duy nhất cung cấp thông tin ở hội Phụ nữ. Ông hiểu cho, tôi đã và đang muốn quên đi những gì ngày xưa…

Suốt đêm. Tôi trằn trọc mãi khiến nàng cũng không ngủ được, mặc dù đầu hôm, chính xác là lúc chín giờ hai mươi lăm phút, chúng tôi đã lao vào mê lộ tình ái với đầy đủ những gì thiêng liêng lẫn phàm tục mà mỗi cặp vợ chồng đều làm trong đêm. Cơn xung động xác thịt diễn ra đúng mười phút, thì tôi lăn đùng ra, mặc cho bàn tay nàng như chiếc đuôi con thằn lằn cái, còn mệt mỏi lẫn tiếc nuối quờ quạng…

Lâu lắm rồi, có lẽ từ khi lấy vợ, đây là đêm đầu tiên tôi thức trắng. Và thấy khó chịu vì nó. Trước đây, hồi còn độc thân, trên căn gác này, tôi đã nhâm nhi từng giọt thời gian trong những đêm trắng. Còn bây giờ, cái cảm giác thích thú và khắc khoải khi được đào sâu, thám hiểm bản thân mất đi, dần dần thay vào đó là những giấc ngủ mê man, mệt bã bời xác thịt. Tôi sợ sự mất ngủ. Và tôi luôn cố gắng không để trống một khoảng thời gian nào trong đêm. Phải khử trừ đêm đen bằng giấc ngủ!

- Anh sao thế?

- Không sao.

- Không. Có. Anh đang suy nghĩ…

- Em ngủ đi.

- Không. Anh phải nói anh đang suy nghĩ gì?…

- Em muốn được nghe à?

- Muốn…

- Anh đang nghĩ đến chuyện mình đã mắc tội với em...

- Anh nào có tội gì?

- Có...

- Anh nói đi…

- Anh đang nghĩ về người đàn bà đến trước em!

- Sao lại thế? Anh không yêu em nữa à?( giọng nàng nghèn nghẹn)

- Yêu. Nhưng anh đang nghĩ về cô ta. Anh đã phản bội cô ta để đến với em. Khi tất cả, cô ta đã dâng cho anh. Anh là kẻ phản bội…

Đàn ông các anh… ( nàng úp mặt khóc nức nở… )

- Anh đã phạm tội trong tư tưởng, với em…

- Em không làm cho anh quên được cô ấy… Em trách anh nhớ quá nhiều…

- Không, anh sẽ cố quên tất cả, để chỉ nhớ tới em. Em tin không?

- Anh, em tin anh sẽ vì em…

Nàng lại ngất đi trong vòng tay của tôi.

Đêm vẫn bình thường!

 

*

 

- Không, không thể như thế được…

- Nhưng là như thế. Em quên anh đi!

- Không, chồng em là gã vũ phu. Rượu chè và vũ lực…

- Anh hiểu. Nhưng thực tế, đó là chồng em!

- Không, em biết anh chưa quên em!

- Quên rồi, quên rồi em ạ! Anh đã có vợ. Cô ấy rất yêu anh!

- Thế anh còn gọi điện cho em làm gì?

- Vì công việc, anh cần số liệu về tỷ lệ phụ nữ thành phố áp dụng biện pháp tránh thai…

- Hừ! (giọng nàng ra vẻ khinh bạc và chua chát) Anh thừa biết em là người phụ nữ không còn khả năng sinh con!

- Em… Em nói sao?

- Anh đã bảo em phá thai. Ngày ấy em tin theo anh. Và yêu anh nên sẵn sàng làm mọi thứ… Anh đang học, và em cũng chỉ là cô sinh viên năm nhất đầy nhẹ dạ cả tin…

- Và chuyện ấy có liên quan…

- Em đã không thể sinh con được nữa sau lần phá thai bị tổn thương, và em cũng không phải là vợ anh…

- Chẳng phải… Anh có lỗi. Nhưng chẳng phải chúng ta đã chấp nhận chia tay và không hối hận về điều đó?

- Nhưng anh ơi! …

- Em đừng khóc. Thực tế không thể nào khác hơn được…

- Em vẫn yêu anh. Em muốn thoát khỏi thằng chồng vũ phu này…

- Em là người phụ nữ tội nghiệp. Tất cả là tại anh. Nhưng anh còn vợ anh. Cô ấy rất yêu anh…

- Hừ, đàn ông các anh…

-Em…

… Cúp máy…

 

-Uống đi, văn chương ấy mà, phù phiếm hơn cả đàn bà. Mỹ nhân hiếm hoi lắm. Anh cứ tưởng tượng đi, sau một đêm thức dậy, tôi soi gương và thấy trên đầu mình nhú ra một cái sừng non. Tiếng nước từ chiếc vòi sen trong phòng tắm vẫn lèo xèo chảy. Nàng đang tắm. Một lát sau nàng sẽ mở cửa ra với mùi nước hoa thoang thoảng “hương liệu thiên nhiên”. Và mái tóc trễ nải xõa xuống nửa khuôn mặt. Chiếc khăn tắm quấn quanh thân từ đầu gối đến hai phần ba ngực. Bờ môi nàng hơi nhợt nhạt đi vì lạnh. Nhưng da thịt thì gợi cảm lên nhiều. Nàng nhìn tôi với con mắt không chút ngạc nhiên, thậm chí, còn pha chút giễu cợt. Chiếc sừng trên trán tôi vẫn chừng ấy. Chưa dài ra thêm chút nào.

Đêm qua, tôi đã ngủ một mình .Và nhớ nhiều thứ. Nhưng tôi quên tưởng tượng ra vợ mình đã “ngủ lại nhà cô bạn thân ngày xưa” như thế nào. Cho đến khi nàng trở về, gõ cửa và lôi tôi ra khỏi vũng đêm đặc quánh. Hai giờ ba mươi sáng. Khuôn mặt nàng ê chề mệt mỏi và bất cần, khác với vẻ hiền lành thường ngày.

Tôi nhìn nàng và liên tưởng ra mọi sự!

- Em hãy vào tắm đi. Áo em còn vương nhiều lá thông lắm - Vừa nói, tôi vừa đưa tay gỡ những cọng lá thông khô trên tóc, trên vai nàng. Đôi vai nhỏ co rúm lại, run rẩy như con mèo hoang.

- Gã đàn ông ấy là ai? - tôi hỏi.

- Người đàn ông đến trước anh.

- Hắn trở về và có thể làm chuyện đó?…

- Không, em tìm đến với hắn. Vì hắn hoàn toàn lãng quên chuyện cũ!

- Em… -tôi giận đến mụ mẫm. Tôi xông tới, đột nhiên khuỵ ngã. Tôi chườn đầu tới theo bản năng và định húc vào nàng một cái thật mạnh.

Nàng vẫn đứng đó. Nhìn tôi trân trối.

Buổi sáng ấy mưa lất phất. Thành phố ủ dột và như còn ngái ngủ. Tôi quyết định từ bỏ căn gác này ra đi. Biết làm sao khác?. Trên đầu tôi bây giờ, chiếc sừng chỉ qua hai tiếng đồng hồ, đã nhú ra dài hơn 3 cm .Tôi bảo nàng hãy vào ngủ đi cho đỡ mệt. Tôi sẽ đi ăn sáng với anh bạn cử nhân quản trị kinh doanh. Và chúng tôi sẽ bàn nhiều hơn về chuyện kịch bản quảng cáo băng vệ sinh Bồ Câu Trắng có hai cánh. Qua đó, tôi sẽ phát biểu một vài ý về thơ ca và truyện ngắn, những thứ mà từ khi có vợ, tôi không còn mặn mà nữa. Duy có điều sáng nay, tôi sẽ đội chiếc mũ rộng vành để mọi người ở khu phố không thấy cái sừng của mình!

“…Ó… ó… óng… y… y…! ó…ó… óng … y …!”

Tiếng rao bánh mì nóng của lão già đã vọng lên ngoài hành lang. Nhão nhoẹt trong cơn mưa dầm dề một ngày thành phố tháng bảy đầy ủ dột. Lạ thật, tiếng rao ngày càng mệt mỏi và bí ẩn vô cùng. Bí ẩn đến nỗi, người ta nghi ngờ nội dung mà người rao muốn chuyển tải…

- Anh có nhiều ký ức chết người quá! Ngay cả chuyện tiếng rao thôi, tôi cũng có thể viết được cái truyện ngắn đấy. Này nhé, truyện ngắn về trạng thái ký ức đồng vọng!… Thật đấy! - Anh bạn nhà văn trẻ tiết lộ điều bí mật vừa mới thu thập được!

 

(Đà Lạt, tháng 07 năm 2002)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021