thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đến chỗ bức tường buổi tối

 

Khi ông viện sĩ nhân dân định nghĩa “văn hiến là văn học hiến dâng cho Công Công” thì Công Công sáng suốt nhận ra ngay định nghĩa ấy có tính nịnh bợ trơ trẽn vô liêm sỉ giống như một nhát dao đâm sau lưng mình, đã quay mặt lại với ý muốn phanh thây kẻ nội thù. Nhìn thẳng vào mắt nhau, họ nhìn thấy cái bóng của nhau. Và để khỏi lẫn lộn địch - ta, họ cùng quay lưng lại. Khi họ cùng quay lưng thì lưng họ đã dựa vào nhau. Lúc ấy là giữa ngọ, Zarathoustra bảo đã nhìn thấy hai cái bóng của họ chỉ còn là hai vòng tròn dính nhau giống như con số 8. Con số 8 giống như cái còng. Cái còng vặn vẹo giống như hình chữ S. Chữ S cong queo giống như hình nước Việt. Nước Việt tự khoe là rồng. Con rồng rụng lông giống như con giun. Con giun mọc cánh hoá rồng. Rồng gặp mây tượng hình nước Việt. Nước Việt ẩn mình là văn lang. Lão Tử bảo phản phục là đạo của tự nhiên. Khi ấy, Zarathoustra đã đi ngủ.

Cô gái bảo: Lời của em là lời vàng. Vàng đang lên giá. Thế mà cái nghìn vàng em đã cho không anh. Thằng Bờm nói: Văn chương của anh cũng là ngọc (hoàn). Ngọc thì muôn đời có giá. Ngọc hoàn còn có giá hơn. Thế mà anh vẫn quăng vào thùng rác.

Kẻ thức ngộ muộn màng nói vuốt đuôi rằng giới sĩ phu đã đánh mất vai trò hướng dẫn xã hội. Đừng tưởng bở. Kẻ sĩ đã chết lâu rồi. Bây giờ chỉ rặt một phường lái buôn.

Thằng Bờm nói: Anh muốn đi buôn. Cô gái bảo cái mã nhà anh có mà đi buôn chuyện. Ừ nhỉ, tại sao không? Buôn chuyện có khi làm giàu nhanh không chừng. Anh mang chuyện anh với em ra bán nhé? Chuyện em với anh bán chó nó mua. Muốn buôn chuyện thì phải buôn cỡ chuyện anh Bill với chị Monica. Nhưng mà thôi anh ạ, đừng dại. Tai bay vạ gió. Chuyện chó mèo thì chẳng sao, nhưng chuyện của thần thánh coi chừng hoạ vào thân.

Lão Tử bảo trời đất coi vạn vật như chó rơm. Ngứa lỗ tai, Zarathoustra thức dậy nói: Chó rơm bảo trời đất là thứ xảo trá. Nói xong Zarathoustra lại nhắm mắt ngủ.

Thằng phải gió lên đồi chè đi ngang qua chỗ Zarathoustra nhổ một bãi nước bọt, lẩm bẩm: Cái ngữ này chắc bị thiến.

Hắn tìm cô gái của ngày hôm qua, hỏi Zarathoustra: Này ông, có thấy cô gái hôm qua không?

Zarathoustra từ tốn: Chỉ có cô gái hôm nay thôi.

Thằng phải gió nhìn chằm chằm Zarathoustra: Ông mới đè cô ấy phải không?

Zarathoustra cười nói đè mà không đè.

Thằng phải gió đánh giá Zarathoustra cũng ấm ớ hội tề.

Viện sĩ nhân dân bảo đấy là triết học của Công Công. Nhưng Công Công sáng suốt hắng giọng bảo chúng mày chỉ ngậm máu phun người. Khi Công Công vừa nói xong thì ngay lập tức thằng phải gió nhìn thấy máu trên mặt ông viện sĩ. Hắn bỏ chạy lên đồi chè. Cô gái ngày hôm qua vẫn còn ở đó. Hắn hỏi: Zarathoustra làm gì em?

Ông ấy chả làm gì em cả, đấy là một người khác.

Thằng phải gió hỏi: Người khác là ai?

Một người khác tức là không phải Zarathoustra.

Thằng phải gió tiếp tục tra vấn: Công Công à?

Không, người khác lại càng không thể là Công Công.

Thế thì là ai?

Thằng Bờm bảo với cô gái của nó: Hay là anh mở công ty? Cô gái bật cười: Này, anh có biết mình là ai không? Anh là thằng Bờm, hàng xóm của thằng Tý thằng Tèo. Thằng Tý thằng Tèo mở công ty làm giám đốc được, chẳng lẽ anh thua nó? Anh còn có cái quạt mo, hỏi em nhé, thằng Tý thằng Tèo có cái gì? Anh nghe báo chí nói mỗi công trình xây dựng công cộng thường bị thất thoát khoảng bốn mươi phần trăm vốn đầu tư. Trời ơi, con chỉ cần mười phần trăm của cái sân vận động Mỹ Đình thôi. Thằng phải gió ạ, mày chẳng cần phải vất vả lên đồi chè hiếp dâm gái quê làm gì. Cứ đường hoàng vào khách sạn, alô một tiếng. Thưa anh, anh muốn người mẫu hay hoa hậu? Thứ ấy cũng là giẻ rách, cậu tìm cho anh một em nhấp nhổm choai choai để khai vị, đội tuyển quốc gia U.15 nhé. Vâng, thưa anh có ngay ạ.

Gã hai mặt quay qua quay lại. Bốn con mắt của gã có thể nhìn được bốn hướng. Gã nói: Tao thấu biết mọi sự.

Trong một khoảnh khắc, thằng phải gió chợt hiểu: Đứa ném đá giấu tay tốc váy con bé trên đồi chè ngày hôm nay chính là thằng này.

Gã hai mặt nói: Đúng là tao thì mày làm gì?

Lẽ ra ông nên để cho con bé trên đồi chè tiếp tục chờ đợi cái việc của ngày hôm qua cho đến ngày mai.

Công Công xen vào: Việc của ngày hôm nay là việc cần làm ngay.

Thằng phải gió nói việc cần làm ngay là việc của ngày hôm qua, hôm nay là ngày để chờ đợi.

Zarathoustra đánh rắm liền một hơi nghe như pháo nổ. Mặt ông ta đỏ bừng. Miệng ông ta lắp bắp: Tính… thể… của… tồn… lưu… là… lừu… tôn… lồn…tưu… từu… lôn…

Công Công tát vào mồm Zarathoustra. Cấm nói bậy.

Thằng Bờm phe phẩy quạt mo nói với cô gái: Em tìm phú ông nói anh muốn bán cái quạt này. Anh cần vốn làm ăn. Cô gái nói phú ông bây giờ xài máy lạnh chứ không xài quạt. Em thử hỏi một chỗ khác xem. Bây giờ người nghèo nhất cũng không dùng tới nó nữa. Không, nhất định phải có ai cần tới nó. Em đã bảo không ai cần dùng nó. Anh nhớ ra rồi, em tìm mấy nhà sưu tập xem. Không, em nghĩ là mấy cô giáo có thể cần nó làm giáo cụ trực quan. Nói xong cô gái cười lớn. Thằng Bờm đến khu mua bán đồ cổ trên đường Lê Công Kiều. Bà có muốn mua quạt mo của thằng Bờm không? Thằng Bờm nào? Thằng Bờm trong ca dao chứ còn thằng Bờm nào nữa. Bà mua bán đồ cổ mập tròn như một cái lu, đôi mắt sắc lạnh: Đâu? Cho xem hàng. Thằng Bờm mở túi cói, moi ra cái quạt mo rất cũ, khô nâu và có mùi mốc: Đây, tôi đã giữ nó ba trăm năm. Bà mập cầm cái quạt ngửi. Thằng Bờm nói: Có mùi mồ hôi tay của nhà thơ Nguyễn Du đấy. Bao nhiêu? Thằng Bờm kể: Ngày xưa phú ông đã trả ba bò chín trâu, một ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, nhưng tôi không đổi. Thế bây giờ muốn đổi cái gì? Thằng Bờm ngần ngừ không nói. Một xe Attila nhé? Không. Một Honda @? Không. Một Mercedes vậy? Không. Một chầu massage từ a tới z? Không. Một đêm với hoa hậu? Không. Mẹ kiếp, ông muốn gì thì nói đi. Thằng Bờm ghé vào tai bà mập thì thào: Gái đồng trinh.

Zarathoustra bước xuống khỏi đồi chè trong lúc miệng vẫn còn chảy máu. Dưới gốc cây đa, ông ta nằm ôm mặt đất và khóc.

 

*

 

Công Công tài cao đức trọng trên ngực đeo đầy huy chương. Đứa bé hàng xóm hỏi: Ông đeo thế có mệt không?

Không, sướng thì quên cả mệt.

Ông cho cháu mượn chơi bán hàng được không?

Không, cái này không phải để chơi.

Vậy để làm gì ạ?

Nó để trừ tà.

Công Công dắt bé gái vào công viên, hỏi: Cháu có thích ăn kem không?

Dạ, thích.

Cháu thích ăn kem gì?

Bố cháu bảo ở gần bờ hồ có hàng kem bán từ thời bố cháu còn là một thằng cu cởi truồng.

Sao cháu lại nói thế?

Thì bố cháu bảo thế.

Hàng kem ấy bây giờ vẫn còn bán.

Ông dẫn cháu đến đấy nhé?

Không những ông sẽ dẫn cháu đến đấy mà ông sẽ còn dẫn cháu đến bức tường buổi tối.

Ở đấy là đâu vậy ông?

Là chỗ cuối cùng mà con người có thể đi tới.

Bố cháu bảo bố cháu cũng muốn được sống lâu như ông.

Tại bố cháu không biết ông cũng rất muốn chết. Sống như ông là bị đóng đinh, cháu hiểu không?

Giống như Chúa ấy phải không?

Ừ.

Sao ông không xuống câu cá?

Ông nói cho cháu biết điều này, nhưng không được kể lại với ai.

Nhất trí.

Sao lại nhất trí, phải nói là vâng chứ.

Mọi người vẫn nói thế mà.

Thôi cũng được.

Rồi, ông nói đi.

Công Công ghé vào tai bé gái: Trong hồ chỉ toàn cá giả thôi.

Thằng Bờm vào khách sạn thuê phòng. Tắt hết đèn. Hút thuốc nằm chờ. Bà mập mua bán đồ cổ dẫn một cô gái vào phòng. Dưới ánh sáng nhờ nhờ, cô gái dường như run rẩy. Bà mập nói: Tiền trao cháo múc. OK. Thằng Bờm đưa quạt mo cho bà mập. Vẫn còn mùi mồ hôi tay của Nguyễn Du. Bà mập đi ra để lại cô gái với một cái túi nhỏ. Thằng Bờm gọi cô gái: Lại đây với anh. Cô gái tiến sát tới mép giường. Thằng Bờm kéo tay cô gái nằm xuống, nhưng cô gái vùng ra. Tôi không nằm. Sao lại thế? Tôi không nằm. Thôi cũng được, cởi đồ ra đi. Không. Kỳ vậy? Có ông kỳ thì có. Thằng Bờm đứng lên ôm chầm cô gái. Cô gái vùng vẫy đẩy hắn ra. Thằng Bờm nói: Tôi đã thoả thuận rồi. Cô gái nói: Ông đụng tới tôi lần nữa, tôi sẽ la lên cho ông xem. Thằng Bờm vẫn xông tới ôm cô gái và doạ: Nếu cô la, tôi sẽ giết cô. Xem ra lời đe doạ của hắn không làm cô gái sợ, cô nói: Tôi không phải gái bán dâm, tôi được thuê đến đây để giác hơi cho ông, bà ấy bảo ông anh bị nóng đầu.

 

*

 

Hãy ngoan đi nào. Để tay yên một chỗ. Đừng nghịch. Nhột.

 

*

 

Thằng phải gió đứng giữa ngã ba. Đây là chỗ tất cả mọi người phải đi qua, hắn nghĩ. Cô gái từ trên đồi chè đi xuống mang theo một gùi chiều. Sau lưng cô, phía chân trời màu đỏ rực. Thằng phải gió nhìn thấy cô bước tới đám lửa. Ở giữa ngã ba này, em sẽ phải dạng chân chỉ đường cho con người. Thằng phải gió hét lên: Đừng bước vào lửa. Nhưng dường như cô gái không nghe thấy. Đám lửa ngùn ngụt cháy trên những cành lá khô của người chặt rẫy. Cô bước qua. Lửa bám vào quần áo cô phừng phừng. Chỉ có cách này em mới được thanh tẩy. Thằng phải gió phóng tới. Dự báo khí tượng của đài truyền hình bảo trời hanh khô. Lửa ẩm ướt trên người cô gái. Thằng phải gió ôm lấy cô. Em vẫn là cô gái hôm qua. Hắn đè cô xuống. Cô gái không mặc quần lót. Chiếc váy màu đen bay phất phới như cờ tang. Gùi chiều đổ ra những chiếc lá chè xanh. Zarathoustra vấn điếu thuốc. Giữa ngọ hay hoàng hôn, con người vẫn có thể lên đường. Bức tường buổi tối đã ở ngay trước mặt. Hãy đi qua em. Thằng phải gió khởi động hai đầu gối. Zarathoustra nhả một hơi khói. Bắn đại bác vào quá khứ. Cho nổ mìn hiện tại. Giật sập cầu tương lai. Trong khách sạn, cô gái giác hơi nói với thằng Bờm: Nếu anh muốn thì tự xử đi.

 

*

 

Tự xử là một hành động dũng cảm không phải ai cũng làm được. Tôi có thể tự xử khi sử lịch đã đến hồi khẩn trương? Zarathoustra tự hỏi khi đứng nhìn con ngựa già sủi bọt mép. Dưới lớp da nám, những đụn đồi mồi đang nổi dần lên. Zarathoustra bỏ chạy. Một nỗi sợ hãi mơ hồ, ông ta chạy càng lúc càng nhanh mà không biết phải về hướng nào. Những người xung quanh cũng từ từ đứng lên rồi bỏ chạy. Người này nhìn người kia. Người này chạy, người kia thấy thế cũng chạy. Cuối cùng, tất cả đều bỏ chạy. Trong tình huống thông thường, người ta sẽ chạy về nhà mình, nhưng giống như những con rối được thúc đẩy bởi sự tự vệ vô thức, họ chỉ biết cắm đầu chạy cố thoát khỏi cái chỗ mình đang đứng. Và khi đến một chỗ khác, nỗi bất an vẫn không thay đổi. Chẳng có một chỗ nào khác cả, Zarathoustra bỗng nhận ra điều ấy và đứng lại. Những người khác cũng đứng lại. Họ tự hỏi điều gì đã xảy ra? Zarathoustra nói đấy là ánh chớp từ bức tường buổi tối. Cô gái chìa tay xin tiền thằng Bờm: Anh bo em thêm đi. Đủ rồi. Cô gái bỉu môi: Việt kiều gì mà keo quá hà. Việt kiều làm sao sang bằng Việt cộng. Ở giữa Việt kiều và Việt cộng là Việt gian. “Việt gian Việt cộng Việt kiều, trong ba Việt ấy, em yêu Việt nào?”. Thằng Bờm đưa thêm tiền cho cô gái. Em yêu anh. Zarathoustra bảo ánh chớp làm nên bình minh. Ngọn khói đốt rừng làm rẫy đã tan vào sương chiều, Zarathoustra nói đã đến giờ của người, rồi ông ta đi xuống đồng bằng. Những con sói cũng đã rời bỏ cánh rừng, chúng ngơ ngác nhìn biển cả rồi tru lên, nhưng tiếng tru của chúng không lớn hơn tiếng sóng biển đập vào bờ đá. Tuy thế, Zarathoustra vẫn nghe thấy tiếng tru của bầy sói, ông ta đáp lại bằng một tiếng hống. Bầy sói chạy lại phía ông ta và ở lại như một lũ chó nhà quanh quẩn.

 

*

 

Ông viện sĩ hỏi vợ bữa nay nhà mình ăn cơm với gì?

Cà pháo muối xổi chấm mắm tôm, canh cua mùng tơi rau đay, bà vợ trả lời.

Ông viện sĩ lại hỏi: Nếu hôm nay nhà mình có khách thì bà sẽ cho chúng tôi ăn gì?

Thì cũng vẫn là cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mùng tơi rau đay, tất nhiên có thêm một món kho, một món xào và một món luộc để các ông uống rượu.

Nhưng nếu khách của tôi là Công Công thì bà tiếp đãi thế nào?

Công Công của ông thì tôi nghĩ chỉ cần một bát mắm tôm là đủ. Bà vợ nói thêm: Cái chính là cách chúng ta đón tiếp như thế nào.

Bà chuẩn bị cho tôi nhé, chủ nhật tuần sau Công Công đến.

Ngày Công Công đến mặt trời mọc sớm hơn thường lệ tới ba tiếng đồng hồ. Lũ gà qué, chó mèo trong nhà được đánh thức từ lúc một giờ sáng. Tất cả bọn súc vật được cho ra xếp hàng ngay ngắn trước cổng. Con nào thấp đứng trước, con nào cao đứng sau. Để cho có khí thế, bà viện sĩ bảo lũ súc vật: Chúng mày phải hát to lên với khuôn mặt tươi vui rạng rỡ.

Lũ súc vật đồng thanh hỏi: Bẩm phu nhân, hát bài gì ạ?

Thì chúng mày cứ hát cái gì cho Công Công sướng là được.

Lũ súc vật hỏi nhau: Làm sao cho sướng?

Xem ra câu trả lời không dễ dàng, bởi vì mỗi con một ý. Con chó thích giềng. Con lợn thích hành. Con gà thích lá chanh. Còn Công Công hợp với sâm Cao Ly?

Ông viện sĩ lúc ấy mới chứng tỏ đẳng cấp của mình, ông nói: Chúng mày bàn sai trọng tâm. Sướng là một trạng thái thoả mãn khát vọng tinh thần hoặc thân xác. Do đó, chúng mày phải biết về mặt tinh thần, Công Công muốn gì? Về mặt thân xác, Công Công thích gì? Nịnh là một nghệ thuật làm thăng hoa con người. Kẻ được nịnh sẽ thấy mình là thần thánh. Còn kẻ nịnh chẳng phải là người sáng tạo đích thật sao? Chúng mày hãy đồng ca công đức của Công Công, vì người mà muôn loài được no ấm, ánh sáng vinh quang của người chiếu soi trên bức tường buổi tối, kẻ mù sẽ thấy, người què sẽ được bay bổng. Người hằng sống vì người không bao giờ chết. Kẻ nào chống lại người là chống lại khát vọng của nhân dân. Hãy cho người thấy chúng ta là con cái của người.

 

*

 

Những con sói theo Zarathoustra đã đẻ ra một loại chó nhà vừa ngu vừa ốm yếu. Chúng sợ mùi tanh của thịt sống cho nên chỉ ăn được rau luộc. Chúng không phân biệt được ai là bạn của chủ và ai là người muốn mang chúng đến quán nhậu. Một ngày định mệnh, Công Công dắt ông viện sĩ đến chòi canh của Zarathoustra bên bờ biển để hỏi về việc trường sinh bất lão. Zarathoustra đi mò cua bắt ốc không có ở chòi, những con chó thèm rau sủa inh ỏi. Lòng thương xót của Công Công bao la như biển, người nói với ông viện sĩ: Ông xuống biển vớt ít rong luộc cho chúng ăn.

Ông viện sĩ vâng lời xuống biển và đã không bao giờ trở lại vì ông không biết bơi.

Lũ chó vẫn sủa vì đói và vì không biết Công Công là ai. Có một con nhỏ nhất hai mắt bị mù bẩm sinh, trong tiềm thức của dòng dõi nhà sói, nó ngửi thấy mùi tanh trong háng Công Công bèn nhảy thẳng tới ngoạm mạnh miếng thịt nhỏ, nhai ngấu nghiến.

Cho đến ngày hôm ấy, Công Công mới thật sự là Công Công, còn trước đó chỉ là dự tưởng của những kẻ mù mờ về người.

 

01.03.2004

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021