thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăm thi điệu (10)
 
(Trích trường ca)
 
“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
Nguyễn Du
 
“Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ nhảy múa lên,
bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của bản thân chúng.”
K. Marx
 
 
93.
 
*
Trong những vũng nước
Nhiều kẻ đã tìm thấy người thương của mình
 
Biết vậy hôm nay hoa vườn tan tác
Tôi đã đến bên
Vũng
         dành cho em
Đầy nước
 
Hình như em không biết
Vì tôi thấy
Cặp mắt của em
                           đang nhìn về hướng khác
Lúc này
Trong vũng nước của em
 
*
Chấp chới giữa hai đỉnh ngực
Đâu có thể vừa viết vừa ve vuốt
Đó là về thao tác
 
Quan trọng là thi pháp
Đỉnh ngực không là Đỉnh núi trong thơ
Không viết hoa và
Tránh khái quát
 
Trong sáng tác Thi sĩ rất ngán chuyện phân biệt
Cá nhân và nhân vật
Nhất là những liên hệ
                                    tình dục
 
Chấp chới giữa hai đỉnh vực.
 
 
94.
 
*
Tôi vừa xóa đi một Thanh âm từ em
Trong giây phút không phải vì lý do kỹ thuật
Của con tim hay của tay hoặc tai
Hệ thống giai điệu bảo đảm
Vào thời khắc toàn cầu không động đất
 
Thanh âm ấy với tôi cũng không hề có
Vấn đề ngoài kỹ thuật
 
Xin lỗi và hãy cho tôi để
Một khoảng trống
Mãi
Trong Thanh âm từ em
 
 
*
Giấu cái nhìn của người đẹp vào một bài thơ
Thật không dễ
So với các cơ phận khác
                                    thậm chí toàn thân thể
Chỉ đôi mắt
                  Đôi mắt người đẹp
Rừng câu chữ Thi sĩ che không xuể
Định lánh qua chủ đề
                                    Mỹ nhân nhắm mắt trong thơ
Thì gặp phải cái nhìn.
 
 
95.
 
*
Em muốn lời của anh nằm lâu trong
Thanh âm của em
Và dao động mãi
Muốn từng chữ từng từ từng câu căng nở theo tiết nhịp
Giai điệu em co thắt và hút chặt
Mỗi từ
           Mỗi từ
Khi chậm lúc dồn dập
Tạo nên âm hưởng mà người ta hay gọi là bài ca
 
Em muốn
Thanh âm của em
Em muốn
Câu chữ của anh
Em muốn
Bài ca của chúng ta
 
*
Cổ người đẹp đang tan trong mây
Thi sĩ vẫn có thể nhận ra
                                             vì tóc bay phía trước
 
Năng khiếu tưởng tượng cần hiện thực rèn tập
Thơ về cổ người đẹp
Khó làm được hay như thơ về tóc
Nên thi sĩ đã nháp
Trên bầu trời với hiện thực mây
 
Cổ người đẹp sắp vào bài thơ mặt đất
Không tóc và mây.
 
 
96.
 
*
Anh thường ôm giữ hai cánh tay em
Ngày ngày trong phòng bếp nơi tiệc cưới
Ngày ngày khi dạo mát lúc làm tình
 
Anh sợ hai cánh tay em một đêm
Sẽ nâng thân hình và tâm hồn em
Bay lên cao xa như hai cánh chim
 
Lắp trên cánh tay em cặp mắt anh
Phòng những buổi mắt em quên đường về
 
Lắp trên cánh tay em trái tim anh
Đập thay trái tim em phút yếu mềm
 
Một đêm còn lại hai cánh tay em
Với mắt tim và rất nhiều cơ phận
Không hai cánh tay em đã bay đi
 
Anh thường ôm giữ hai cánh tay em để lại
Cùng mắt tim và rất nhiều cơ phận của anh
 
*
Có những ánh mắt phải nhìn lên từ thùng rác
Sự đau đớn không đau khổ
Thậm chí còn thống khoái
Hướng mặt trời
Hướng một trái tim
                                 đang ghé xuống
Thùng rác
Thi sĩ quan sát
Rảo bước không biên tập
                                           cũng không sáng tác
Những ánh mắt phải nhìn lên.
 
 
97.
 
*
Lá sẽ úa nhanh hơn vì mưa mau hơn
và bởi anh nhìn lâu vào đấy
Cuối thu không biết buồn sẽ còn buồn mãi
với ba mùa còn lại
 
Tiết trời theo nhịp mà mắt người chỉ còn khắc khoải
Mưa rơi thu tàn là minh họa cho sự chậm dần đều
 
Hôm nay em hãy để anh nhìn lá dần vàng trong mưa thật lâu
                                                                                              thật lâu
mặc cho Tạo hóa lắc đầu
 
Bản trường ca không muốn nằm xuống ngủ yên
cùng chúng ta
Bay không tới nổi những hòn đảo của Đất Mẹ có thể
tan vào lòng kẻ khác
Nó đi lại trên mỗi ngón tay anh trên mỗi làn da em
chờ được thay bằng một
bản trường ca khác
 
*
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần ba ở Hà Nội[1]
Đài RFA cũng ngầm chịu là thành tựu
Phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer có tiếng là khách quan và thông thạo
Thi sĩ không rành các chuyện ngoài thơ
Chỉ truyền dẫn gọn vậy
Ăn thua là nhập vô Nhịp điệu
Nội dung có thể hiệu chỉnh cập nhật đã đời
Có loài hoa hồng càng lạnh màu càng rực
Ngoài trời ba cái nhìn đầu tiên Thi sĩ thích
Nụ hoa
Cánh chim chao và
Vệt nắng trên Hàng rào
Ăn thua là nhập vô Nhịp điệu
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần ba ở Hà Nội.
 
 
98.
 
*
Quãng đường hôm trước anh qua
Vẫn còn vàng nguyên
Ghế người đàn bà da đen từng ngồi
Có một trẻ sơ sinh khăn áo bọc nó
Trắng
 
Không làm thơ không chơi nhạc
Thượng đế là họa sĩ
                                    trong khi anh đi
Gặp em
 
*
Thi sĩ muốn ba bức tranh đó thành thơ
Bài thơ ngần ngừ hỏi nên hành xử với tranh như thành phần nào
Mà thơ đang có
Thi sĩ im lặng bỏ
Bài thơ
 
Thi sĩ muốn ba tấm ảnh đó thành thơ
Bài thơ liền đáp sẽ khoản đãi ảnh như câu chữ mà nếu không ưng thì như Nhịp điệu còn nếu không chịu thì
Thi sĩ cúi đầu viết
Bài thơ
 
Thi sĩ muốn
Bài thơ.
 
 
99.
 
*
Quạ đen không được hưởng ứng trong thơ tình ái thời bình
Thời chiến khúc khải hoàn ca quạ nằm ẩn
                                                               kiểu Bảo Ninh[2]
Hay lồ lộ kiểu Erich Maria Remarque[3]
 
Thơ về thi pháp chẳng nệ
                                             cũng đừng nên hồ hởi
Giữa Thảm cỏ lá vàng lá đỏ
                                             cánh quạ ló như một nhát kết liễu
Bức tranh không chữ ký.
 
*
Như chiều nay
                        sân cỏ hiếm khi nhiều lá rụng
Vàng không còn là màu chủ
 
Em ạ
Cho anh được nghĩ không phải vì tình chúng ta
Hội họa đại hội
 
Thi sĩ đang cùng các âm giai mở sinh lộ mới
Mỹ học mà rối rít dễ thành nồi lẩu ý niệm
 
Anh ngờ rằng bản trường ca đang áp những Thi điệu chót
Các nghệ thuật khác muốn chung vui
Vũ điệu có vần
Vũ điệu không vần
Thế là tốt
                  Thi sĩ và tất cả các nghệ thuật hãy liên hiệp lại.[4]
 
(Trích trường ca TRĂM THI ĐIỆU)
Vancouver, Thu - Đông 2011 & Xuân 2012
 
 
_________________________

[1]Mặc Lâm; viet-studies.info 10/11/2011.

[2]Tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

[3]Tác giả tiểu thuyết của Đức Phía Tây không có gì lạ.

[4]Tên tiểu luận, câu thơ và tứ của Khế Iêm, Tố Hữu và Karl Marx.

 
 
 
-----------------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021