thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CƯƠNG-LĨNH LUẬN-LÍ VÀ PHÊ-BÌNH TRIẾT-HỌC [TRACTATUS LOGICO-PHILOSOPHICUS]: Dẫn Nhập của dịch giả

 

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh

 

LUDWIG WITTGENSTEIN

(1889-1951)

 

___________

 

DẪN-NHẬP

Nguyễn Quỳnh

 

Bản-dịch này được thực-hiện khi tôi đang dạy ở Đại-học Towson, tiểu-bang Maryland, Hoa-kì, một việc làm không dính-dáng tới chương-trình cao-học tôi có trách-nhiệm ở đó. Bản-dịch được sửa chữa và hoàn-tất để ấn-loát sau khi tôi thuyết-trình tại Đại-hội Á-Châu-Thái Bình-Dương kì II tại Đại-học Sư-Phạm ở Hồng-Kông cuối tháng 12, 2004, và sau những bài thuyết-trình khác tại Khoa Triết, Đại-học Quốc-gia Hà Nội, Viện Triết-học và Viện Văn-hoá tại Hà Nội, cuối tháng giêng 2005. Bài dẫn-nhập này được viết bằng Anh-Việt giúp cho học-giả quốc-tế và Việt-nam thấy cách chuyển ThểTính trong Luận-cương, từ ngôn-ngữ này sang ngôn-ngữ khác, và đồng thời cũng thấy được vần-đề sai lầm của tôi có thể xảy ra trong khi diễn-dịch.[1] Tôi xin đón-nhận những í-kiến xây-dựng để cho bản-dịch được hoàn hảo hơn. Sau đây tôi xin trình bày một vài ví-dụ để làm rõ phương-án dịch Luận-cương của tôi.

 

1. DIỄN-TRÌNH DỰ-ÁN DỊCH-THUẬT

Bản dịch này – nhằm phục-vụ học-giả và sinh-viên ban Triết ở Việt-nam – lần đầu loé lên trong í-nghĩ của tôi vào năm 1972. Đây là một việc làm đầy thử-thách, không chỉ là một bản-dịch, mà chính là một đóng góp vào sự hiểu-biết tư-tưởng của Wittgenstein diễn bằng tiếng Việt. Bởi vậy trong bản dịch tôi có kèm hạn-từ tiếng Đức để so sánh với thuật-ngữ Việt-nam, tránh đi những mờ tối không thể tránh được trong vấn-đề ngôn-ngữ. Cái mờ tối ấy xảy ra trong ngôn-ngữ này, nhưng có thể không xảy ra trong ngôn-ngữ khác. Tôi cũng soạn một số ngữ-vựng Việt-Đức kèm theo bản dịch có ghi số rõ ràng. Như vậy độc-giả, nhất là độc-giả nước ngoài thấy ngay quan-niệm ngữ-học Đông-Tây, có chỗ chung và có chỗ riêng, nếu không nói là ngược nhau. Vì ngôn-ngữ phản ánh đời-sống xã-hội và văn-hoá cho nên cách diễn-tả phản-ánh đời-sống ấy có thể khiến trật-tự của luận-lí khó nhận ra đối với người nước ngoài, và có thể nghe ‘rất ngây ngô’. Đây là điểm thiếu-sót trong Luận-cương, cùng với một vài điểm khác khiến cho lí-thuyết ngôn-ngữ là bức tranh của Wittgenstein chưa hoàn-bị.

Từ-ngữ ‘Tractatus’ tương-đương với chữ ‘Abhandlung’ trong tiếng Đức, có nghĩa là Luận-cương, còn danh-từ ghép ‘Logico-Philosophicus’ là ‘Triết-học Luận-lí’. Như thế không còn gì để bàn. Nhưng tôi muốn đề-tài cuốn sách rõ hơn và gần với nội-dung hơn, nên tôi đã chọn Cương-lĩnh Luận-lí và Phê-bình Triết-học thay cho nhan đề của Wittgenstein. Độc-giả đọc Luận-cương sẽ thấy ngay tên sách tôi chọn gần với nội-dung hơn là cái tên Luận-cương về Triết-học Luận-lí, nghe rất ‘kinh-viện’ nhưng quá tổng-quát, nên dường-như đề-tài cuốn-sách “không được bàn đến trong cuốn sách” như rất nhiều trường-hợp chúng ta thường thấy, mà Wittgenstein đã lưu-í đền trong câu 5.631.

Hơn nữa, cụm-từ “Logico-Philosophicus” không ổn. Chính Wittgenstein cũng công-nhận là ‘Luận-lí và Triết-học’ là một. Nếu nói Triết-học Luận-lí có nghĩa là bàn về tính ‘Triết’ trong luận-lí, một điều không thể có, hoặc nếu có thì quá lớn và không phải là nội-dung của Tractatus. Thế thì “Logico-Philosophicus” là một nghịch-lí và cũng là trùng-phức.

Bản dịch tiếng Việt của Luận-cương là một dự-án tôi đã ấp-ủ gần ba mươi năm. Trong giai-đoạn ấy tôi đã dịch hai lần, nhưng lần nào cũng bị hoàn-cảnh bên ngoài chi phối, nên phải bỏ dở. Trong phần phụ-lục độc-giả sẽ có dịp xem qua hai bản dịch dở dang kia.

Bản dịch Tractatus đầu tiên của tôi vào năm 1980 đăng trong số ra mắt của Vietnam Culture Journal. Rất tiếc đặc-san này ngưng hoạt-động quá sớm. Bản dịch này cho thấy thể lập-ngôn của Đông-phương được dùng ở những chỗ í tiếng Đức trong Luận-cương cho phép. Tuy nhiên tính cách lập-ngôn ấy không liên-quan gì đến tư-tưởng Phật-Lão. Ví dụ, đứng trước í của Wittgenstein về cái ‘có’ và ‘không’ tôi đã dùng bốn câu thơ của một thiền-sư Việt-nam đời Lí, mà tôi quên tên,[2] thay vì dịch từ Luận-cương.

2.06 Das Bestehen und Nichtbestehen von Sachverhalten ist dies Wirklichkeit.
(Das Bestehen von Sachvertehen nenen wir auch positive, das Nichtbestehen eine negative Tatsache)

Tôi đã dùng bốn câu thơ của Thiền-sư đời Lí như sau:[2]

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế-gian này cũng không.
Trông kìa bóng nguyệt giòng sông,
Mới hay không có có không là gì.

Bản dịch năm 1998, khi tôi đang dạy ở The University of Texas at El Paso (UTEP), theo i trong Luận-cương và quên đi cái có thể gần gũi về tính ‘thần-bí’, nhưng không chắc, giữa tư-tưởng của Wittgenstein và Phật-Lão. Cho nên bản dịch năm 1998 trình bày í trên như sau:

2.06 Có không đều là thực-tại.
(Hoàn-cảnh (Bestehen) là thực-tại Có. Cái không là thực-tại Không (negative Tatsache).

Bản-dịch này (2004) chỉ vẻn vẹn có một dòng như sau:

2.06 Có và không đều là lẽ trên đời.

Tôi bỏ đoạn văn trong ngoặc vì thấy không cằn thiết.

 

2. MỘT SỐ VẤN-ĐỀ LIÊN-QUAN TỚI THUẬT-NGỮ DÙNG THEO Í-NIỆM.

VẬN-HÀNH (OPERATION): Chữ vận-hành dùng trong í-niệm Wahrheits-operation, tức cách tính ra trị-số ‘đúng’ dùng trong luận-lí. Đó chính là Bảng Tri-số Đúng/Sai, được minh-thị bằng những kí-hiệu ~, , , … Vì vận-hành tương-đương với nội-dung của Chân-lí/sự-thật, nên nó chính là một thảo-luận. Xin đọc câu 5.252 kể cả những câu trước và sau câu này. ‘Vận-hành’ miêu-tả rõ thể (die Form) và tính (die Substanz), nhờ thế sự-kiện mới miêu-tả được bức tranh của thực-tại, thực-tại có cũng như thực-tại không.

CHỨC-NĂNG (FUNKTION): ‘Chức-năng của cái đúng’ không phải là vận-hành nên cũng không phải là cách bàn về bản-chất ‘Đúng/Sai’. Xin xem câu 5. 251. Cho nên câu hỏi chức-năng của ‘~’ là gì không có nghĩa làm sao chức-năng giúp cho mệnh-đề phát-hiện, mà chẳng qua chức năng là định-nghĩa của kí-hiệu ‘~’. Từ -ngữ ‘chức-năng’ dùng ở đây để phân biệt với ‘Chức-năng’ hiểu theo nghĩa ‘Đạo-hàm’ trong toán-học. Trong bản dịch này từ ngữ ‘Đạo-hàm’ chỉ dùng thay ‘Chức-năng’ khi nghĩa trong Luận-cương đòi hỏi. Ví-dụ trong câu 5.3:

Die Wahrheitsoperation ist die Art und Weise, wie aus den Elementarsätzen die Wahrheitsfunktion.
 
Theo cách này (die Art und Wise) thì vận-hành đúng khi có đạo-hàm đúng đến từ mệnh-đề cơ-bản.

Trong câu tiếng Đức, mạo-từ chỉ-định ‘die’ đặt trước ‘Wahrheitsoperation’, rất hợp với tiếng Việt, mặc dù mạo-từ không nằm trong í-niệm ngôn-ngữ Việt rõ ràng theo thể loại. Trong Luận-cương, mạo từ chỉ-định (die) thường biến thành mạo-từ bất-định (a) như trong bản Anh-ngữ của Pears and McGuiness. Sự thay đổi này tuân theo qui-luật ngôn-ngữ của mỗi xã-hội để dễ cảm-thông, hơn là ‘nghĩa-lí’. Cách trình bày theo tiếng-Việt về các sự-kiện có tính trừu-tượng không mấy khi phân biệt ‘chỉ-định và bất-định’ và nếu có thì là ngụ-í phải được hiểu theo ‘chỉ-định hoặc bất-định’ chứ không cần phải viết ra. Trong trường-hợp cần phải viết ra, tuy rõ ràng, nhưng diễn-tả trở nên quá ‘nguyên-tắc’. Hơn nữa, như đã nói ở trên quan-niệm về đẳng-tính của mạo-từ không có trong tiếng Việt. Chỉ có một mạo-từ trung-tính là ‘cái’ chỉ cho sự-vật và sự-kiện mà thôi, và cũng không dùng bừa bãi. Thay vì nói ‘cái nhà’, ta nói ‘nhà’. Nhưng khi phải chỉ định rõ ràng, mạo-từ ‘cái’ bắt buộc phải dùng, ví dụ: ‘Cái cô ấy’, ‘Cái quạt ấy’. Mạo-từ ‘cái’ bắt buộc phải dùng để phân biệt danh-từ và động-từ, ví-du: ‘Cái quạt (danh-từ)’ và ‘quạt (động-từ)’.

 

3. THAY-THẾ ĐIỀU-KIỆN CÁCH

Khi đọc câu 5.442, ta để-í đến cách dùng điều-kiện cách: Wenn ….so / Khi … thì

Trong luận-lí và trong văn-phạm, chữ ‘Nếu’ chỉ ‘nguyên-nhân’, chữ ‘Thì’ chỉ ‘hậu-quả’ (dù là Modus Ponens hay Modus Tollens). Luận-lí của thể điều-kiện này – dùng kết-luận hợp-lí, tức hậu quả – để xác-định cái lí đúng của nguyên-nhân trong tiền-đề, có mặt trong những ngôn-ngữ mà ta biết.

Tuy-nhiên thể điều-kiện trên có thề được thay thế bằng thể khẳng định, trong khi diễn sang Việt-ngữ, miễn là í-nghĩa điều-kiện vẫn rõ ràng, ví dụ câu 5.442 trong Luận-cương.

5.442 Wenn uns ein Satz gegeben ist, so sind mit ihm auch schon die Resultate aller Wahrheitsoperation, die ihn zur Basis haben, gegeben.

Câu trên dịch sát từ tiếng Đức sang tiếng Việt như sau:

5.442 Khi ta có một mệnh-đề, thì cùng với mệnh-đề ấy ta cũng có những kết quả vận-hành đúng của mệnh-đề ấy có nó như nền-tảng của những vận-hành.

Người Việt đâu có ăn nói như thế. Cho nên tôi đề-nghị thay điều-kiện cách bằng xác-định cách, mà vẫn ngụ-í điều-kiện:

5.442 Có một mênh-đề là có tất cả kết-quả đúng của vận-hành nằm ngay tại cơ-sở của chính những vận-hành ấy.

 

4. NHẤN MẠNH ĐIỀU-KIỆN CÁCH

Một đôi khi điều-kiện cách bắt buộc phải dùng như câu 5.453 trong bản Đức-ngữ là một ví-du.

5.453 Alle Zahlen der Logik müssen sich rechtfertigen lassen.
Oder vielmehr: Es muβ sich herausstellen, daβ es in der Logik keine Zahlen Zahlen gibt.
Es gibt keine ausgezeichneten Zahlen

Theo đó, “Tất cả con số trong luận-lí phải được biện-minh cho đúng.” Viết như thế có nghĩa là “Có những con số trong luận-lí”, cho nên những con số ấy cần phải được biện-minh cho đúng. Điều này nghịch với tư-tưởng của Wittgenstein.

Câu thứ hai không ổn vì thuật-ngữ ‘Oder vielmehr / Hay hơn nữa’. Tôi nghĩ thuật-ngữ ‘Oder vielmehr’ nên thay bằng ‘In Wirklichkeit / Thực ra’. Cho nên, câu 5.453 nên để trong điều-kiện cách, để bản Việt-ngữ rõ nghĩa hơn:

5.453 Nếu có con số nào trong luận-lí, những con số ấy phải được trình bày rõ rệt.
Thực ra, không có con số nào trong luận-lí cả.
Cũng chẳng có con số nào gọi là con số ưu-việt hết.

Đó đây trong Luận-cương, những trường hợp trên sẽ khiến độc-giả phải suy-nghĩ, và phải suy-nghĩ kĩ hơn khi quyết-định chuyển sang tiếng Việt. Tôi mong rằng sẽ nhận được đóng góp quí báu để giúp cho bản-dịch Luận-cương được hoàn-hảo hơn.

 

5. LỜI TRI-ÂN

Tôi xin dành tặng bản-dịch Luận-cương này cho mấy người bạn quí nhất của tôi. Trước tiên xin tặng cố Bác-sĩ Alister Brass. Từ giữa những thập-niên sáu mươi, Alister đã gửi cho tôi những cuốn sách triết có giá-trị của tư-tưởng Tây-phương. Trong số sách ấy có cuốn Tractatus Logico-Philosophicus của Wittgenstein. Ngay tức thời cuốn sách ấy trở thành đề tài nghiên-cứu của tôi. Tôi tự học một mình không có ai giúp đỡ. Tôi xin cám ơn Tiến-sĩ Patrick Gallagher, Tiến-sĩ Nathan Dickmeyer, Tiến-sĩ Mark McLoed, và Tiến-sĩ Barbara Strain, là những người luôn luôn giúp đỡ tôi, với tình-bạn tuyệt vời. Tôi muốn san sẻ với mấy bạn đó đôi dòng về tư-tưởng của Wittgenstein, dựa vào đó tôi cảm thấy rằng giấc-mộng của tôi ở Hoa-kì là do định-mệnh an-bài chứ chẳng phải là í-chí của tôi. Bởi vì í-chí là một tình-trạng của tâm-lí, nên chẳng ăn nhằm gì tới thế-gian. Điều này đưa tôi trở về với đoạn đầu của Luận-cương là, “Không có gì là ngẫu-nhiên xảy ra trong luận-lí.” Để rồi tôi đứng trước cái băn-khoăn trong phần cuối của Luận-cương là, “Giá-trị không có ở trong thế-gian.” Thực ra, í-chí và giấc-mộng của tôi chỉ là một mà thôi.

Tôi xin cảm ơn Tiến-sĩ Arturo Danto, nguyên Khoa-trưởng Phân-khoa Triết-học của Viện Đại-học Columbia, vì ông đã ghi-nhận Luận-án Tiến-sỉ của tôi về Wittgenstein, Ludwig Wittgenstein: The Relationship Between Modern Logic and Art (1982). Tôi cũng cảm-ơn Tiến-sĩ Maxine Greene, nguyên hội-trưởng hội Triết-học Hoa-Kì, vì nhận-xét của bà về luận-án trên, đã cho tôi thêm tin-tưởng, khi bà nói, “Luận-án này còn hơn cả một luận-án Tiến-sĩ. Chúng tôi ngưỡng mộ ông. / This is more than a PhD. We admire you.”

Sau 1982, tôi không còn nghiên-cứu triết-học Wittgenstein nữa, để đem hết thì giờ vào nghiên-cứu Luận-lí Quantum, Luận-lí có giá-trị bội-phân (Many-Value Logic), Đạo-đức và Thẩm-mĩ. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ ơn Wittgenstein. Do đó, bản tiếng Việt này cũng gửi đến tặng gia-đình Wittgenstein và The Vienna Circle, xin mượn lời Nguyễn Du:

Của tin gọi một chút này làm ghi.

Thiện-căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Những kỉ-niệm tuyệt vời trên có thể chẳng bao giờ có nếu tôi không có dịp nghiên-cứu luận-cương của Wittgenstein. Bởi thế, luận-cương này phải đến tay các học-giả trẻ tuổi Việt-Nam, với một ghi-chú là, ‘khác với tôn-giáo, triết-học không có giáo-điều.’ Nếu quả thực có giáo-điều trong triết-học thì đã không còn triết-học, không còn trí-tuệ, không còn tiến-bộ và không còn văn-minh cho nhân-loại.

 

GS TS Nguyễn Quỳnh
Towson University, May 2004.

 

 

VIỆT-ĐỨC ĐỐI CHIẾU:

CÁCH DÙNG TỪ VÀ Í-NIỆM TRONG BẢN VIỆT-NGỮ

XẾP THEO MẪU TỰ VIỆT

 

Những từ hay cụm-từ sau đây diễn-tả í-nghĩa và í-niệm phải hiểu theo tư-tưởng của Wittgenstein đồng thời theo sát quán-ngữ và suy-tư lối Việt. Dĩ nhiễn có thể chưa được hoàn bị.

 
 

 

_________________________

[1]Ở đây, Tiền Vệ chỉ đăng bản Việt-ngữ của bài dẫn-nhập này.

[2]Nguyên tác chữ Hán bài thơ "Hữu không" 有空 của Đạo Hạnh thiền sư 道行禪師 (1072-1127):

有空
 
作有塵沙有,
為空一切空。
有空如水月,
勿著有空空。
 
[Phụ chú của Tiền Vệ]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021