|
Tính biểu tượng của hình xăm
|
|
Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ
Xăm trổ và tô điểm có thể coi như thuộc về cùng một nhóm biểu tượng, cả hai đều là những biểu hiện của hoạt tính vũ trụ. Nhưng khi hình xăm được xăm lên cơ thể thì những ý nghĩa quan trọng khác đổ dồn về nó – sự cúng tế, bí thuật và ma thuật. E. Gobert, trong Notes sur les tatouages des indigènes Tunisiens, cho rằng việc xăm mình gắn liền với câu cách ngôn Ả-rập ‘máu đổ, nguy hiểm qua đi’. Vì sự cúng tế có năng lực tích trữ những nguồn năng lượng tiềm ẩn để có thể dùng đến sau này, nên mỗi hành động cúng tế có xu hướng đảo ngược trạng huống trước đó. Có một chủ định thần bí nằm ở căn nguyên dấu vết hoặc dấu hiệu của căn cước: một người chuyên tâm tìm cách bày tỏ lòng thành tín của mình với điều đã được biểu thị bởi dấu vết đó. (Dấu hiệu mà những người yêu nhau khắc trên thân cây, những kí hiệu và vết xăm hình tim trên da thịt, là những minh hoạ rõ rệt cho điều này). Ở cách hiểu sau cùng, sự thành tín bị đảo ngược: dấu vết được trông đợi sẽ ‘đáp lại’ hành động cúng tế và phụng sự lên phần thân thể kẻ đã để lại dấu vết ấy trên mình; và hình xăm lúc này có đặc tính như một tấm bùa bảo vệ. Ngoài ba ý nghĩa trên, các nhà dân tộc học còn lưu ý thêm hai ý nghĩa khác: hình xăm có thể được dùng như một dấu hiệu để xác định giới tính, tộc người và địa vị xã hội (theo Cultural Anthropology của Robert Lowie), trong trường hợp nó đơn giản là một cách châm chích của phái biểu tượng thần bí; và, hình xăm như một sự tô điểm riêng tư. Ý sau dường như đã bị rút gọn quá nhiều, nhưng chúng ta không thể thâm nhập vấn đề này tại đây. Trong trường hợp đặc biệt, xăm mình là một ‘nghi thức gia nhập’ hoặc kết nạp ám chỉ những điểm ngoặt trong quãng đời và diễn trình phát triển nhân cách một cá nhân. Cola chỉ ra rằng một số trong hầu hết những lăng mộ cổ thời tiền sử, đặc biệt ở Ai-cập, cho thấy nghệ thuật xăm mình đã được thực hiện từ những thời xa xưa, biểu lộ bằng ba đường vạch ở bụng dưới vị nữ tư tế của nữ thần Hathor. Ông cũng liệt kê những kĩ thuật chủ yếu của xăm mình: rạch, khâu, gây thương tích bằng cách cắt hoặc đốt, và xăm giả hay vẽ lên mặt hoặc thân thể (trong trường hợp những hoạ tiết giống nhau dù hiệu quả chỉ là tạm thời). Trong những tộc người nguyên thuỷ, những dạng hình xăm chủ yếu gồm: sọc vằn, lấm chấm, sự kết hợp cả hai loại, hoặc nhiều cách thể hiện thông qua cả hai loại, xâu chuỗi, nút thắt hình hoa hồng, hình thập tự, hình ngôi sao, hình tam giác, hình thoi, hình tròn, sự kết hợp của hai hoặc nhiều hơn các hoạ tiết trên, và đồng thời các hoạ tiết hình người được cách điệu hoàn toàn hoặc từng phần (chỉ với chân tay), v.v. Cola còn lưu ý thêm rằng hình xăm từng được sử dụng trong ma thuật phỏng tạo. Ví dụ, hình xăm bọ cạp được cho là có quyền năng ngăn ngừa những cú chích thực sự của loài bọ cạp; và hình ảnh bò đực là một sự bảo đảm con đàn cháu đống.[12]
Chuyển ngữ tại Sài-gòn
2013.03.19
Nguyên chú của tác giả:
[12] COLA, J. Tatuajes y amuletos marroquíes. Madrid, 1949.
----------
Nguồn:
Cirlot, J. E. “Tattooing.” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971.
----------- Đã đăng:
Tính biểu tượng của hổ (tư tưởng)
Hai cách diễn giải về loài hổ được đưa ra dễ dàng hoà hợp nhau: ‘Nó gắn liền với Dionysos, và là biểu tượng của sự thịnh nộ và tàn bạo’; ‘Ở Trung-hoa, nó là biểu tượng của bóng tối và của trăng non’. Bóng tối luôn được đồng nhất với sự bí ẩn của tâm hồn, tương đương với trạng thái mà thuật ngữ Hindu gọi là tamas và thuộc về biểu tượng tính chung của thứ bậc, đồng thời bao hàm sự biểu hiện không bị kiềm toả các sức mạnh nền tảng của bản năng... [Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ] (...)
Tính biểu tượng của hoa sen (tư tưởng)
Có nét tương đồng nào đó giữa biểu tượng tính của hoa sen và hoa hồng trong văn hoá Tây phương. Ở Ai-cập, hoa sen tượng trưng cho đời sống vừa khai lộ, hay là sự trình hiện đầu tiên. Saunier coi nó như một biểu tượng tự nhiên đối với toàn bộ các dạng thức của sự tiến hoá. Vào thời Trung cổ, nó bị đánh đồng với ‘cái Trung tâm’ thần bí, và do vậy, với trái tim. Như một tạo tác nghệ thuật, nó có liên quan tới mạn-đà-la (mandala), ý nghĩa của nó biến ảo theo số cánh hoa... [Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ] (...)
Tính biểu tượng của con nhện (tư tưởng)
Nhện là một biểu tượng với ba nghĩa tách bạch; đôi khi chúng hoà trộn hoặc chồng chéo lên nhau, đôi khi nghĩa này hay nghĩa khác trội hơn. Ba nghĩa đó được khởi nguồn từ: (i) quyền năng sáng tạo của loài nhện, như được minh hoạ trong hành động giăng tơ dệt mạng của chúng; (ii) tính hung hãn của loài nhện; và (iii) mạng nhện như một mạng lưới xoắn ốc tụ về một tâm điểm... [Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ] (...)
Tính biểu tượng của màu sắc (tư tưởng)
Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Có nhiều sự suy xét liên hệ đến mặt ý nghĩa của màu sắc mà ta có thể nói qua một chút. Có sự phân chia một cách chung chung về măt quang học và về tâm lí học thực nghiệm... [Đoàn Khương Duy dịch từ bản tiếng Anh / Nguyễn Tiến Văn hiệu đính] (...)
|