thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư gửi Kawabata Yasunari
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

 

Lời người dịch:
 
Mối xung đột giữa hai văn hào Kawabata Yasunari 川端 康成 và Dazai Osamu 太宰 治 bắt nguồn từ giải thưởng văn học Akutagawa lần đầu tiên vào năm 1935. Dazai Osamu rất kỳ vọng vào tác phẩm Hoa hề (道化の華) của mình nhưng giải thưởng lại được trao cho Ishikawa Tatsuzo 石川 達三 (1905-1985). Kawabata phê phán Dazai là “tác phẩm phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng do đó khiến tôi thấy tiếc cho tài năng tác giả không được phát huy một cách đúng đắn” (作者目下の生活に厭な雲ありて、才能の素直に発せざる憾みあった), và lời phê phán này khiến cho Dazai nổi trận lôi đình. Dazai lập tức viết bài phản kích đăng trên tạp chí Văn nghệ thông tín (文藝通信) vào tháng mười năm đó, rằng “Nuôi con chim nhỏ, đi xem ca múa thì cuộc sống cao sang quý phái à? Đau lòng thì có, tôi nghĩ vậy. Đại ác nhân...” (小鳥を飼い、舞踏を見るのがそんなに立派な生活なのか。刺す。そうも思った。大悪党だと思った). Ông viết như thế để phê phán lại cách sống của Kawabata qua các tác phẩm Cầm thúCô vũ nữ xứ Izu.
 
Chúng tôi dịch nguyên văn bức thư của Dazai gửi Kawabata để chúng ta thấy được cá tính mạnh mẽ của Dazai và phần nào sự phức tạp của làng văn nghệ Nhật Bản. Bản dịch chúng tôi dựa trên nguyên tác “Thư gửi Kawabata Yasunari” (川端康成へ) trên trang mạng kho sách ngoài trời Aozora.

 

THƯ GỬI KAWABATA YASUNARI

 

Trên tạp chí Văn nghệ xuân thu (文藝春秋) số tháng 9, ông đã viết về tôi với những lời có ác ý: “... Quả thực, tác phẩm Hoa hề (道化の華) chứa đầy quan niệm văn học và cuộc sống của tác giả, thế nhưng theo ý kiến của tôi, tác phẩm phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng do đó khiến tôi thấy tiếc cho tài năng tác giả không được phát huy một cách đúng đắn”.

Chúng ta đừng nói ra những lời dối trá tệ hại nữa. Khi đọc bài viết của ông ở nhà sách, tôi cực kỳ khó chịu. Những lời này khiến tôi nghĩ dường như ông đã tự mình quyết định giải thưởng Akutagawa, nhưng đây không phải là văn chương của ông. Chắc chắn đây là thứ văn chương được viết bởi một người nào khác. Thậm chí ông còn nỗ lực để thể hiện ra điều đó.

Hoa hề là tác phẩm tôi viết cách đây ba năm, vào mùa hè năm tôi hai mươi bốn tuổi. Chủ đề của tác phẩm là viết về biển. Tôi đã đưa cho bạn mình là Konkan Ichi và Ima Uhei đọc, khi ấy bản thảo ấy hãy còn rất sơ sài so với bây giờ, hoàn toàn không có lời độc thoại của chàng trai là “tôi” trong đó. Tác phẩm thuần tuý chỉ là một bản tóm lược mà thôi. Mùa thu năm đó tôi mượn được quyển Luận về Dostoyevsky của Gide từ nhà thơ Akamatsu Gessen gần nhà để đọc. Quyển sách này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ nên tôi đã mang tác phẩm Biển nguyên sơ chân chất đó chia nhỏ ra, để cho nhân vật nam là “tôi” xuất hiện tùy chỗ trong tác phẩm và ra uy với bạn bè rằng đây là tác phẩm Nhật Bản chưa từng có. Các bạn tôi như Nakamura Chihei, Kubo Ryuichiro rồi ngay cả tiên sinh Ibuse đều đọc qua tác phẩm và nhận xét rất hay. Được tiếp thêm sinh lực, tôi tiếp tục sửa chữa, xoá bỏ rồi viết thêm, viết lại sạch đẹp đến lần thứ năm tôi mới cẩn thận bỏ vào trong túi giấy cất cẩn thận nơi chỗ để chăn đệm. Vào dịp Tết năm nay bạn tôi là Dan Kazuo đọc được mới nói, “Cậu này, đây là kiệt tác đấy, thử mang gửi cho tạp chí văn học nào hay là mang thử đến chỗ ngài Kawabata Yasunari xem sao”. Cậu ấy nói nếu là ngài Kawabata chắc chắn sẽ hiểu được tác phẩm này đấy.

Lúc đó tôi đang bế tắc trong việc viết truyện, có thể nói là một cuộc hành trình với tâm thế sẵn sàng phơi thây ngoài nội cỏ vậy. Thế nên lời khích lệ đó làm tôi hơi phấn chấn.

Dù cho anh tôi la mắng thế nào mặc kệ, tôi chỉ muốn mượn năm trăm yên. Rồi quay trở về Tokyo với tâm niệm thử làm lại một lần nữa xem sao. Cũng nhờ bạn bè tận lực mà từ lúc này trở đi tôi nhận được của anh mình năm mươi yên mỗi tháng trong khoảng 2, đến 3 năm tới. Trong khi tôi cuống cuồng tìm nhà thuê thì cơn viêm ruột thừa phát tác phải nhập viện Shinohara ở Asahaya. Mủ tràn ra thành ruột, suýt chút nữa thì tiêu đời nhà ma. Tôi nhập viện vào ngày 4 tháng 4 năm nay. Nhà văn Nakatani Takao đến thăm, nói tôi gia nhập trường phái lãng mạn Nhật Bản đi rồi thì hãy xuất bản Hoa hề như một món quà lưu niệm.

Chuyện là như thế. Hoa hề đến tay Dan Kazuo. Dan chủ trương là nên mang đến chỗ ngài Kawabata xem thử. Tôi đau đớn vì bụng mới mổ xong, không thể nhúc nhích được chút nào. Phổi tôi lại yếu đi. Tôi trải qua những ngày không tỉnh táo. Sau này vợ tôi nói lại với tôi là bác sĩ cũng không thể đảm đương trách nhiệm nữa rồi. Tôi nằm li bì trong bệnh viện cả tháng trời, ngay cả việc ngẩng đầu lên cũng phải gắng sức lắm mới được. Vào tháng năm tôi được chuyển sang bệnh viện nội khoa ở Kyodo, khu Setagaya. Tôi nằm ở đó hai tháng. Vào ngày một tháng bảy, cơ cấu bệnh viện thay đổi, toàn thể bác sĩ y tá bị thay thế, tất cả bệnh nhân phải rời đi. Anh tôi cùng với một người quen làm nghề thợ may tên là Kita Hoshiro bàn bạc và quyết định đưa tôi về Funabashi, tỉnh Chiba. Cả ngày tôi nằm dài mà ngủ trên chiếc ghế mây, buổi sáng và chiều thì đi dạo một chút. Cứ một tuần thì có bác sĩ từ Tokyo xuống khám một lần. Tình trạng đó kéo dài hai tháng, và đến cuối tháng 8 tôi đọc được tạp chí Văn nghệ xuân thu ở nhà sách, trong đó có bài viết của ông. Bài viết có những câu như “tác giả phảng phất cái mùi của một cuộc sống hạ đẳng và vân vân...”. Sự thật là tôi vô cùng phẫn nộ. Mấy đêm liền không thể nào ngủ ngon giấc được cả.

Nuôi con chim nhỏ, đi xem ca múa thì cuộc sống cao sang quý phái à? Đau lòng thì có, tôi nghĩ vậy. Đại ác nhân. Nhưng lúc đó từ sâu thẳm trong mình tôi không ngừng cảm thấy một thứ tình yêu mạnh mẽ nóng bỏng mà cũ kỹ già nua của ông dành cho tôi như thể Nellie trong Những kẻ tủi nhục của Dostoyevski vậy. Không phải đâu. Không phải. Tôi lắc đầu. Tuy nhiên cái thứ tình ái quá khích và thác loạn kiểu Dostoyevski dù bên ngoài tỏ ra lạnh lùng của ông thiêu đốt cơ thể tôi. Tuy nhiên ông chẳng mảy may biết gì về điều đó.

Bây giờ tôi không muốn so sánh trí tuệ với ông làm gì. Trong bài viết của ông tôi cảm nhận được thế nào là “thế gian” và đã ngửi thấy cái mùi đau đớn của “quan hệ kim tiền”. Tôi chỉ muốn thông báo điều này cho hai, ba độc giả nhiệt thành mà thôi. Đó là điều tôi phải nói. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ vẻ đẹp đạo đức của sự nhẫn nhục phục tùng rồi nhỉ.

Tôi nghĩ đến quang cảnh Kikuchi Kan vừa mỉm cười nói “Thôi thế cũng tốt. Bình an vô sự là hay rồi” vừa lấy khăn tay mà lau mồ hôi trán mà cũng mỉm cười chơi thôi. Mọi chuyện như vậy biết đâu lại hay,tôi nghĩ thế. Tôi cũng cảm thấy hơi tội nghiệp cho Akutagawa Ryunosuke nhưng gì nhỉ, đây cũng là “thế gian”. Ông Ishikawa thì có cuộc sống nghiêm túc đàng hoàng rồi. Về điểm đó thì ông ta nỗ lực rất nghiêm túc và bền bỉ.

Chỉ có điều tôi cảm thấy đáng tiếc mà thôi. Kawabata đã cố gắng hết sức che đậy sự dối trá vô tình của mình nhưng vẫn bị phát hiện. Đó là điều tôi không ngừng cảm thấy đáng tiếc. Cũng chẳng cần phải làm thế. Chắc chắn chẳng cần phải làm thế. Ông cần phải ý thức rõ ràng hơn nữa (trong cách cư xử) rằng một tác gia luôn luôn sống giữa sự ngu ngốc và bất toàn.

 

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

 

------------

Đã đăng:

I can speak  (truyện / tuỳ bút) 
... Vào một đêm yên tĩnh lạnh giá tháng hai, nơi con đường nhỏ bên nhà máy chợt vang vọng giọng nói oang oang của một kẻ say rượu. Tôi lắng tai nghe. “Mẹ, đừng có mà khinh thường tôi. Buồn cười cái gì chứ? Lâu lâu uống chút rượu, có gì đáng bị cười chê đâu? I can speak English…” [Bản dịch của Hoàng Long] (...)
 
Một chuyến đi  (truyện / tuỳ bút) 
... Tác phẩm. Đột nhiên anh nghĩ đến điều đó. Chỉ có tác phẩm thôi. Chính vì lần này bị đá văng khỏi thế giới mà anh biết được rõ ràng tầm mức quan trọng của công việc mình. Anh muốn tạo cho mình một con đường sống... [Bản dịch của Hoàng Long] (...)
 
Một ngày trọng đại  (truyện / tuỳ bút) 
Nhật ký ngày hôm nay phải ghi trang trọng đặc biệt mới được. Vào ngày tám tháng mười hai năm Chiêu Hòa thứ mười sáu (1941), một bà nội trợ trong một gia đình nghèo ở Nhật Bản đã trải qua một ngày như thế nào, nay thử viết ra xem sao. Biết đâu chừng trăm năm sau, khi Nhật Bản đang khánh chúc năm kỷ nguyên hai ngàn bảy trăm, người ta tìm ra quyển nhật ký của tôi đang vùi chôn đâu đó dưới lòng đất và biết được một người nội trợ Nhật Bản cách đây một trăm năm trước đã sống qua một ngày trọng đại như thế nào để có chút tham khảo lịch sử... [Bản dịch của Hoàng Long] (...)
 
Đêm tuyết  (truyện / tuỳ bút) 
... Và khi chợt nhớ ra câu chuyện này, tôi quyết định sẽ lưu giữ cảnh tuyết rơi tuyệt vời đêm nay vào trong võng mạc của mình và khi về đến nhà tôi sẽ bảo chị Kimiko nhìn vào mắt tôi rồi chị sẽ sinh một đứa bé vô cùng xinh đẹp... [Bản dịch của Hoàng Long] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021