thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái sống

 

[*]

 

Ở khu phố tôi trưa trưa thường có chim bay. Chim đây là bồ câu. Bay từng đoàn đông đảo. Bay cả buổi trưa. Xem ra không phải vì xao xác kiếm ăn, cũng không phải chuyện thao luyện vì lý do sức khoẻ, chuyện ôn tập các động tác cho đẹp dáng đẹp hình... Tôi xem mãi, không đoán ra ý đồ gì. Ngờ rằng chẳng qua no đủ, rảnh rỗi, cao hứng bay chơi. Vô tích sự thôi.

Có thể chim cũng như mình: Trưa trưa tôi ngồi xem chim bay cũng là xem chơi. Là cái xem của kẻ vô tích sự.

Cái khác nhau là ở chỗ: Tôi... ít, bồ câu thì nhiều. Tôi một mình, không được ai chú ý; bồ câu đông đảo, bị tôi... Có người nhận xét: Hễ xóm nào có ngôi chùa, thường thu hút bồ câu. Không phải vì chim thấm đạo từ bi. Mà vì chùa thường sẵn cơm: Khách thập phương đến chùa, lễ lạc, đàm đạo, vãn cảnh, thọ trai, giao kết bạn bè... Nhà chùa chuẩn bị sẵn cơm nước cho khách vãng lai. Phần thừa thãi, bồ câu được hưởng. Hưởng xong, bay chơi.

Bồ câu bay không có kỷ luật. Tự dưng, không có hiệu lệnh hô hoán gì cả, chúng tung mình lên trời, bay nhiều vòng; rồi (cũng tự dưng) đáp xuống. Vẫn không có hiệu lệnh nào. Khi cất cánh, có thể một số nhóm nhỏ không hưởng ứng, cứ tiếp tục lai rai trên các mái nhà. Đang bay, lắm lúc có mấy con (cũng tự dưng nữa) tách đàn, đáp xuống... Mặc, đàn không có biện pháp kỷ luật nào đối với kẻ bỏ đàn. Coi như tập thể không biết tới, không đếm xỉa.

Những con bỏ đàn điềm nhiên sinh hoạt trên các mái nhà. Có con rỉa lông rỉa cánh; có con tìm mổ đây đó, kiếm ăn lai rai. Đến bên cạnh một con mái lẻ loi, có con nẩy ý gù dè dặt, rời rạc, dò dẫm. Rồi tiến đến gần thêm. Con mái quay đầu, lảng tránh. Trống đeo đẳng; con mái cất cánh bay đi, có khi bay xa, tự tách hẳn qua mái nhà khác. Con trống ngẩn ngơ, tưởng bỏ cuộc. Có khi nó bỏ cuộc thật. Có khi nó ngẩn ngơ một lúc, rồi miễn cưỡng bay theo...

Sau nhiều lần thất bại, thỉnh thoảng cũng có trường hợp không thất bại. Con mái bất ngờ ngưng tìm cái ăn. Nó ngẩng đầu. Vẻ hững hờ. Nghe ngóng xa xôi, lơ đãng. Toan tính gì dây? Nó sắp bay đi nơi khác, xa hơn, yên ổn hơn chăng? Bất ngờ... con mái nằm xuống, thản nhiên. A! đâu phải thản nhiên: Cái đuôi con mái vẹt qua một phía, đợi chờ... Vẫn xa xôi, lơ đãng.

Cuộc yêu đương kết thúc; nền trời xanh bao la tiếp tục xanh cách thản nhiên, như không hề có gì vừa xảy ra. Xanh như muôn đời vẫn xanh. Mây trắng từng vạt đây đó khắp nơi vẫn một mực trắng thản nhiên. Phải chú ý kỹ mới thấy mây có nhẹ nhàng di chuyển: trôi lặng lẽ, rất chậm. Vờ vĩnh, như không trôi...

— Ơ kìa!

— ?

— Bạn xen vào quá nhiều.

— Xen vào... cái gì?

Thản nhiên, vờ vĩnh, hững hờ, lơ đãng, v.v... Đó là chuyện của bạn hay của chim câu? của mây trắng? của trời xanh? Bạn lộn xộn quá. Gây rối lung tung. Chẳng cái gì ra cái gì! Bạn...

— Có thế. Tôi xin lỗi.

— Bạn định đi tới đâu, nói thẳng ra coi.

— Thẳng ra? toạc ra? Một con bồ câu nhỏ bé cũng không phát biểu đơn sơ, thẳng toạt ngay từ đầu (như bạn đã thấy). Bạn ép tôi quá. Nhưng tôi sẽ chiều bạn. Thú thực là tôi ngạc nhiên, tôi thất vọng. Chim bồ câu hồi nào tới giờ vẫn được xem là đa tình, chung tình. Bồ câu thì cặp từng đôi, thì ra rít, thì nồng nàn. Trong yêu đương bồ câu nó là thứ chim đắm đuối. Là một thứ chim Xuân Diệu. Nó “giục giã”:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ, thời gian không đứng đợi:
Tình thổi gió, màn yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa”
... v.v. và v.v...

Từ hồi nào tới giờ để nói về những cặp bạn tình khắng khít người ta vẫn thường bảo hai đứa cứ như cặp bồ câu, không rời nhau được. Tự dưng trong một lúc rảnh rỗi, ngồi xem chơi tôi lại xem thấy cảnh tượng khác hẳn. Như vậy là thế nào? Xóm tôi khác mọi nơi? Hay thời điểm tôi xem bồ câu lại lọt đúng vào lúc đổi đời: vạn vật đang bỏ cũ đổi mới? Tôi may mắn chăng? Tôi xui xẻo chăng?

— Tôi bắt chuyện vào lúc bạn gặp vấn đề. Chúng ta cùng thuộc giới vô tích sự, không có việc gì khẩn cấp. Không nên kéo dài cảnh loay hoay, lúng túng, khổ sở. Lúc khác thảnh thơi sẽ trở lại vấn đề.

 

Lúc khác, cách lúc trước không xa.

Ngồi thảnh thơi một lát, lấy nước sôi lấy bình trà... Chúng tôi cười cười, đổi thái độ. Tôi bẻn lẻn:

— Con chim trông thấy hôm ấy không thể xem như con chim tiêu biểu. Nó lạnh nhạt là cá nhân nó thế; bao nhiêu con mái khác không vì nó mà nguội lạnh theo. Mặt khác, dù nó có đại diện cho cả loài cũng không nên vì thế mà phát hoảng. Thay đổi, có gì mà không thay đổi? Con giun con dế, con sư tử, con khủng long dưới đất, con đại bàng trên trời, con cá sấu, cá ông voi dưới nước..., bao nhiêu giống dữ dằn không những thay đổi mà còn bị tiêu diệt, mất cả tung tích luôn. Đến như con người là giống lạ lùng quí báu nhất, thế mà... Mới ngày nào khờ khạo, loay hoay mãi hàng triệu năm mới biết cách mài đá để làm các món dụng cụ và khí giới thô sơ; vậy mà rồi cũng tới lúc chế tạo ào ào ra bom nguyên tử đủ sức tiêu diệt cả...

— Hầy hầy!...

— Sao vậy? Nói về cái tình chim hờ hững, bạn chê không đáng nói. Đưa ra chuyện bom quét sạch người, bạn kêu ghê sợ, không nên nói. Biết luận đàm kiểu nào cho vừa ý.

— Chúng ta là những kẻ vô tích sự. Nói chuyện, nên nói chuyện chơi. Không nên gây xúc động mạnh: Mất vui.

— Muốn vui cũng có tin vui. Có đấy. Từ từ, buồn mãi rồi cũng đến lúc vui thôi. Chuyện gì cũng phải có lớp lang. Sống với nhau trên quả đất, con người đã tò mò tẩn mẩn phân loại được vài triệu loài cỏ cây, thú vật..., kể cả những thứ lăn tăn li ti, mắt không thấy nổi. Chưa thấm vào đâu; trên mặt đất dám còn nhiều chục triệu sinh loại khác chưa được biết tới. Thế mà có kẻ đã bất ngờ khám phá ra những dấu hiệu tiềm tàng chuẩn bị mầm sống âm thầm chờ đợi dưới lòng đất. Dưới sâu...

— Thiệt hả? Ai tìm bắt nó, ăn nhậu gì mà nó trốn kỹ vậy? Dưới sâu là tới đâu?

— Dưới chỗ chúng ta bỏ guốc dép đây chừng vài dặm sâu. Nghĩa là hơn ba cây số dưới mặt đất.

— Nó nằm chờ sự tiêu diệt của loài người?

— Và bao nhiêu loài khác.

— Bạn quá quắt...

— Tôi vô can. Tôi biết gì!

— Vậy bạn bịa chuyện để giễu tôi đấy à?

— Bạn có vẻ sốt ruột, tôi xin lẹ làng: Có một số khoa học gia khám phá ra dưới mặt đất đang có một thứ mầm mống sinh loại tối vi tế. Giới nghiên cứu gọi tắt là SLIMES (subsurface lithoautotrophic microbial ecosystems). SLIMES nằm dưới sâu, cho nên trong trường hợp cuộc sống trên mặt đất bị huỷ diệt thì SLIMES vẫn an toàn. Thời gian tiếp tục trôi qua, SLIMES từ từ chuyển hoá, có thể gây nên những sinh thể mới, rồi xuất hiện lên mặt đất, tiếp xúc với không khí, với ánh sáng. Một cuộc sống mới lại bắt đầu...

— Lại có âm dương, có nọ có kia...

— Nọ kia là sao, là gì?.. Ối, tôi làm sao biết?

— Ý tôi muốn nói về cái tồn tại, cái phát triển của cuộc sống mới, cái tương lai của...

— Nhân dịp đầu năm hai nghìn, tạp chí TIME có số đặc biệt mừng tuổi quả đất. Bảy tám năm đã trôi qua, nào còn nhớ được bao nhiêu. Về chuyện sinh hoá trong trời đất không nhớ có vấn đề âm dương, tôi biết đàm đạo sao được với bạn! Thiếu hào hứng quá. Đáng tiếc quá.

Cả hai chúng tôi thẫn thờ. Mãi mới có kẻ lên tiếng, chậm rãi, miễn cưỡng:

— Âm dương, sống chết, còn mất, có không... cuối cùng cũng vậy vậy thôi. Tự dưng có vũ trụ. Vẽ chuyện. Giá ngay từ đầu đừng có gì cả: là nhất.

 

Tháng 8-2007

 

(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)

 

 
-----------------------
 

_________________________

[*]Chủ đề này trước đã được viết theo một thể dạng khác và mang nhan đề "Trưa nào cũng bay", đăng ở tạp chí Thế Kỷ 21 số 213-214 trong dịp Xuân Đinh Hợi (2007). Nay bài ấy xin đổi thể dạng, đổi một phần nội dung, đổi nhan đề. Bài “Cái sống” xin thay thế bài “Trưa nào cũng bay”. Mới năm trước năm sau đã thay đổi bể dâu! Cái nhắng nhít ấy của người viết mong được độc giả rộng lòng tha thứ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021