thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chẳng bao giờ trở thành huyền thoại

 

Tiếng cú trên đồi cọ ngừng vào lúc 4 giờ rưỡi sáng. Nghĩa là người đàn ông mang áo màu đỏ đã xuất hiện. Ông ấy xuất hiện, và lẩn trốn bằng cách biến mất sau những lá cọ. Không ai biết chính xác ông ấy xuất hiện và biến mất bằng cách nào. Chỉ vài giây sau khi tiếng cú ngừng, cha tôi cũng bật dậy. Ông ho húng hắng một vài tiếng rồi xuống bếp nấu nước pha trà. Ông than vãn vì củi bị ẩm ướt, cuối cùng thì sau gần mười phút lửa cũng cháy lên trong bếp. Rồi ông ngồi xuống trên một cái ghế làm bằng những thanh tre, châm lửa hút thuốc. Ông đã ngoài năm mươi tuổi. Tóc ông bạc dần cùng với vô số những nếp nhăn không ngừng xuất hiện trên khuôn mặt khờ khạo của ông. Khói thuốc vẫn bủa vây lấy cha tôi, và ông lại ho như mỗi buổi sáng. Trong khi đó thì người đàn ông mang áo đỏ vẫn lúc ẩn lúc hiện sau những lá cọ đang ướt đẫm sương đêm trên đồi.

 

“Đã bao giờ cha thấy được khuôn mặt của ông ấy chưa?” Tôi hỏi.

“Chưa.” Cha trả lời.

“Ông ấy xuất hiện như thế từ khi nào? Khi con còn nhỏ à?” Tôi hỏi.

“Không. Từ khi ông nội con còn nhỏ thì ông ấy đã xuất hiện.” Cha nói.

“Thế ông nội có nhìn thấy được khuôn mặt của ông ấy không?” Tôi hỏi trong tiếng ho không ngớt của cha. “Con nghĩ rằng khuôn mặt của ông ấy sẽ đầy thẹo.” Tôi nói.

“Chưa. Chưa một ai trong chúng ta, kể cả ông nội, nhìn được rõ khuôn mặt của người đàn ông bí hiểm đó.” Cha nói.

Khi cha hút hết điếu thuốc thứ hai thì mẹ bắt đầu công việc của mình dưới nhà bếp. Bà lúc nào cũng vận chiếc quần bằng lụa nhăn nhúm và một chiếc áo màu gạch đã rách nát. Tóc bà xoã xuống trông hết sức buồn thảm.

“Ông ấy đứng trên đồi cọ để làm gì?” Tôi hỏi.

“Ông ấy đứng để biết chúng ta đang suy nghĩ những gì.” Cha nói.

“Thế những suy tính của chúng ta ông ấy cần phải biết à?” Tôi nói.

“Hiển nhiên rồi.” Cha tôi nói rồi lại rít thuốc.

 

Mẹ từ bếp bưng lên cho chúng tôi một đĩa bánh sắn, tất nhiên bà đã bỏ một ít lạc rang vào trong những chiếc bánh sắn còn bốc hơi. Và cha tôi rất khoái khẩu cái món này. Hai mắt mẹ đổ dồn về phía cha. “Đừng viết nữa.” Mẹ nói. “Không tránh được đâu.” Mẹ nói và nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ. Mắt mẹ hướng lên trên những cây cọ già nua trên đồi. Thỉnh thoảng mẹ thấy một vệt đỏ lướt qua rồi mất hút sau những lá cọ xanh rì, và mẹ sợ điều đó. “Đừng viết nữa. Sự viết đó của anh không đem gạo hay sắn đến cho chúng ta đâu.” Mẹ nói với cha như thế. Sáng nào mẹ cũng nói với cha những câu đại loại như thế. Và cha sẽ tìm mọi cách đánh trống lảng. “Nắng lên rồi đấy, nắng bắt đầu lên rồi đấy.” Cha nói. Cha lúc nào cũng nói như thế hay những câu đại lại như thế. Rồi ông lại húng hắn ho.

 

“Thế vào mùa xuân ông ấy có lên đồi ngắt những bông hoa về cắm trong phòng khách không?” Tôi hỏi trong khi đang ngấu nghiến một cái bánh sắn to bằng bàn tay.

Cha không trả lời. Cha vẫn mơ màng trong những làn khói thuốc của cha.

“Ông ấy có biết sau vườn nhà ta có những con chim hoạ mi đang hót không?”

Cha tôi nhìn vào bức tranh cũ trên tường rồi nói: “Không. Ông ấy không thích chim và những tiếng hót của chúng. Những tiếng chim có thể làm cho ông ấy ớn lạnh, ông ấy thích những tiếng rống của một con vật nào đó khi nó bị chọc tiết.”

 

Tôi không nói gì thêm. Tôi ngốn tiếp những chiếc bánh sắn còn lại trên đĩa. Ở trường, đôi khi tôi cũng thấy một vài kẻ mang áo đỏ xuất hiện, tất nhiên là không có một cách thức nào để nhìn được mặt của họ. Và tôi cũng không hứng thú với việc phải nhìn cho được khuôn mặt của họ. Tôi chán ghét điều đó giống như việc cô giáo bắt chúng tôi ngâm nga mãi những vần thơ tệ hại. Tôi thích sự bay nhảy trên đồi hơn, và dĩ nhiên tôi mơ ước rằng chẳng có một người mang áo đỏ nào xuất hiện ở trên đồi cả. Ở đó sẽ có tiếng chim và những lá cọ khổng lồ. Tôi có thể nằm trên những lá cọ mà ngẫm nghĩ những điều mình thích. Rất nhiều điều tôi thích nhưng không nói với ai. Chẳng hạn như tôi muốn có một ngôi nhà bằng lá ngay giữa đồi cọ này. Một ngôi nhà không có tiếng của cha tôi, không có tiếng ho húng hắng của ông mỗi sớm, không có tiếng ca thán của mẹ mỗi khi bà đụng phải những mảnh giấy chi chít chữ của cha trên nền nhà.

 

“Thế ông nội có viết như cha không?” Tôi hỏi và nhìn vào đống giấy lộn trên bàn của cha.

“Ông nội có viết khi đang ở chiến trường. Ông nội có viết một vài điều gì đấy về sự mộng mơ, và rồi người ta đã xé nó đi, vì họ cho như thế là yếu đuối.” Cha nói.

“Hơn mấy mươi năm rồi phải không cha?” Tôi hỏi.

 

“Người đàn ông mang áo đỏ có biết rằng vào mùa hạ những lá cọ trên đồi có thể che nắng không?” Tôi hỏi.

“Dĩ nhiên là ông ấy biết điều đó.” Cha nói.

“Ông ấy còn biết rằng có những con sâu rất nhỏ bám trên những lá cọ vào mùa đông và những con cú cũng bay ra từ đó.” Cha nói và búng tàn thuốc bay ra ngoài sân. Tàn thuốc rơi xuống trên nền đất, và không lâu sau đó thì nó tắt ngấm.

“Thế ông ấy có biết ở trường cô giáo thường bắt bọn con đọc thuộc lòng những bài thơ chán ngắt không?” Tôi hỏi, và gấp cuốn sách lại, tuy nhiên tôi vẫn để một ngón tay vào giữa trang mà tôi đang đọc. Tôi đã đọc đến đoạn người ta bắt đầu đội những chiếc mũ lên đầu những con cừu trên sân.

“Tất nhiên là ông ấy biết điều đó.”  Cha nói.

“Và ông ấy có phản ứng gì không?” Tôi hỏi.

“Không.” Cha nói rồi tiếp tục rít thuốc như ông vẫn thường làm mỗi khi ông có những vấn đề cần suy tính.

 

“Thế ông ấy có biết rằng có những người câm điếc ở bên cạnh nhà mình không cha?” Tôi hỏi.

“Ông ấy biết.” Cha nói. “Ông ấy biết và ông ấy cũng có cách giải quyết vấn đề cho họ.” Cha nói.

“Và ông ấy đã giúp.” Tôi nói.

Cha không nói. Sau khi rít thêm một hơi thuốc, cha lại nói: “Ông ấy không hiện hữu.”

“Hiện hữu là gì?” Tôi hỏi.

“Con không thể nhìn thấy ông ấy đâu. Ông ấy lẩn khuất sau những làn sương.” Cha tôi nói.

“Cha có thấy ông ấy không?” Tôi hỏi.

“Không. Ngay cả ông nội cũng chưa bao giờ được trông thấy ông ấy.” Cha nói. Và tôi đã hiểu như thế nào gọi là sự hiện hữu.

“Thế thực ra là ông ấy không hề tồn tại?” Tôi nhăn nhó hỏi.

“Không một ai biết điều đó.” Cha tôi nói.

“Thế ông ấy có hát thánh ca vào những ngày lễ không?” Tôi hỏi.

“Không.” Cha nói.

“Thế ông ấy có cầu kinh vào đêm khuya không?”

“Không.” Cha nói.

“Thế ngoài việc cứ bay lượn như ma quái, ông ấy có biết đến những cuốn sách không?”

“Không.” Cha tôi nói.

“Thế ông ấy có biết cúi mặt xuống mỗi khi xấu hổ không?”

“Không.” Cha nói

“Thế ông ấy làm gì?”

“Ông ấy nhìn chúng ta, quan sát chúng ta.”

“Để làm gì?”

“Để biết những gì chúng ta mơ vào ban đêm và suy nghĩ vào ban ngày.”

“Thế ông ấy biết đôi khi người ta cũng có quyền cãi lại ông ấy chứ?”

“Biết.”

“Và chúng ta tha hồ tranh biện với ông ấy?”

“Không. Chúng ta không có quyền.”

 

Dưới mái tóc xơ cứng, mẹ vẫn ngồi bất động, nhìn chúng tôi. Thỉnh thoảng mẹ lại nói với cha: “Đừng viết nữa. Bao nhiêu người rồi đấy. Hãy nhớ lại đôi mắt trắng dã của cha anh khi ông chết ấy.”

Cha bất ngờ đứng lên, cha búng cái tàn thuốc qua song cửa sổ rồi hét lên: “Viết là tỉnh thức.”

 

“Nhà ông ấy thực ra là ở đâu?” Tôi hỏi và lo lắng vì có thể cha tôi sẽ cáu bẳn. Nhưng rất ít khi ông cáu bẳn, trừ những lúc ông không tìm ra được một cách thức tinh quái nào đó để chuyển tải những ý tưởng của mình ra giấy.

“Nhà ông ấy ở khắp mọi nơi. Ông ấy luôn ở trên cao và nhìn chúng ta.” Cha tôi nói.

“Trên trời à.”

“Không. Trên mặt đất, nhưng cao hơn chúng ta.”

“Ông ấy dẫn chúng ta đi à?”

“Không. Ông ấy lùa chúng ta đi.”

“Chúng ta có được chạy không?”

“Có. Nhưng cũng không được chạy quá nhanh.”

“Ông ấy lùa cha con mình đi đâu?”

“Cha không biết.”

“Không biết thì không nên đi.”

Cha không nói.

“Thế khi nào thì ông ấy hiện hữu? Vào ngày mai à?”

“Ông ấy chưa hề hiện hữu. Chỉ có những tiếng thét của ông ấy vang ra từ sau những gốc cọ già nua thôi.”

“Cuốn sách này ông nội trao cho cha à?”

“Đúng, hồi cha hai mươi tuổi. Ông nội nói với cha rằng hãy viết tiếp đi và chờ đợi những người đàn ông trong tay có kiếm bước ra từ những trang sách, khi đó trong nhà chúng ta sẽ đầy lúa và khoai, thậm chí sẽ có những lon sữa như con thấy trên ti-vi ấy.”

“Nhà chúng ta đã đầy lúa khi nào chưa?”

“Chưa.”

“Còn khoai.?’

“Một vài lần, chẳng hạn như hồi năm ngoái, nhà ta có tới ba thùng khoai to và mẹ nói đó là công lao của mẹ.”

“Dĩ nhiên rồi. Mẹ có biết chữ không cha?”

“Cha không biết. Cha không thấy mẹ đọc sách bao giờ.”

“Nhưng khi nào những người đàn ông trong tay có kiếm bước ra từ những trang sách chứ? Khi nào thì họ mới thực sự hiện hữu?”

“Cha không biết.”

“Da họ có vàng không?”

“Cha không biết.”

“Mũi họ có tẹt như mũi chúng ta không?”

“Cha cũng không biết.”

“Vì sao cha và ông nội lại phải sợ người đàn ông mang áo đỏ đó?”

“Ông nội không nói với cha điều này. Và trong sách của ông, ông cũng không nói rõ. Chỉ có thể tìm hiểu điều này trong một vài chi tiết mang tính ẩn dụ của ông nội thôi.”

“Thế cha cũng viết bằng những ẩn dụ chứ?”

“Đó là nỗi nhục nhã và đau đớn của cha. Cha phải tồn tại.”

“Sao cha lại tồn tại bằng những ẩn dụ chứ. Chúng lấp lửng thế mà?”

“Chính sự lấp lửng đó giúp cha tồn tại.”

“Khi nào thì cha sẽ viết một cách trần trụi như cha muốn.”

“Cha không biết. Đừng chạm vào sự bất lực của cha.”

 

“Con nghĩ vào mùa hạ sang năm chúng ta nên làm một vài điều gì đấy?”

“Điều gì?”

“Chẳng hạn như làm một ngôi nhà bằng lá trên đồi và tự do mơ những giấc mơ chúng ta muốn. Con sẽ vẽ những cánh cung và những cây kiếm nhọn.”

“Như thế người đàn ông mang áo đỏ sẽ không thích, và con biết đấy, con biết rồi đấy, sẽ có những tiếng kêu của kim loại.”

“Thà thế còn hơn.”

“Con chưa biết đâu, đọc sách của ông nội đi đã.”

“Nhưng khi con đọc xong thì những người đàn ông trong tay có kiếm có đến nhà mình không?”

“Thì đó là điều mà ông nội con mơ mộng.”

“Ông nội đâu phải là con.”

“Nhưng ông là ông của con và ông đã sinh ra cha. Ông nội con biết những thứ không nên thuộc về chúng ta.”

 

“Con thích hát thánh ca. Sáng mai con sẽ hát vào đúng lúc bầy cừu lên đường. Con sẽ hát thánh ca khi những tia nắng đầu tiên của ngày mai bước tới.” Tôi nói như muốn hét toáng lên với cha tôi.

Mẹ hất mái tóc ra sau và cười một cách ma quái trong những làn khói thuốc của cha. Ngay giữa lúc ấy, trên đồi cọ, người đàn ông mang áo đỏ vẫn lượn lờ thoắt ẩn thoát hiện để quan sát chúng tôi. Để trộm nghe những điều chúng tôi đang suy nghĩ.  Dĩ nhiên về sự hiện hữu thực sự của người đàn ông mang áo đỏ thì không ai giám quả quyết, và sự bay lượn của ông ấy cũng chẳng bao giờ trở thành huyền thoại.

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021