thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Vào một giờ vô định" và những bài thơ khác [II]
(Diễm Châu dịch)
 

LỄ VƯỢT QUA*

 
Hãy nói tôi hay: tối nay có gì khác với
Những buổi tối khác?
Hãy nói tôi hay: buổi lễ Vượt qua này
Có gì khác với những buổi lễ Vượt qua khác?
Mi hãy thắp đèn lên, hãy mở rộng cửa
Để có thể bước vào
Khách hành hương, kẻ xa lạ hay Do thái: rất có thể
Dưới lớp áo quần rách rưới kia ẩn núp đấng tiên tri.
Các người hãy bước vào và ngồi cùng bàn với chúng tôi,
Hãy lắng nghe và uống rượu, hãy ca hát và mừng lễ Vượt qua.
Hãy ăn miếng bánh của thảm sầu,
Ăn thịt chiên, món «Đất sét ngọt»**, rau cỏ đắng.
Ấy hôm nay: buổi tối của những điều khác biệt,
Khi ta có thể tựa khuỷu tay lên bàn,
Là vì các cấm đoán trở thành điều được phép,
Để cho sự xấu được chuyển thành tốt.
Chúng ta sẽ qua đêm để thuật lại những sự việc
Xa xôi, tràn ngập những điều diệu kỳ,
Và nhờ chút rượu quá chén, chúng ta sẽ thấy núi non
Va chạm vào nhau như những con dê.
Kẻ bất tín, bậc hiền minh, kẻ ngây ngô và con trẻ
Tối nay trao đổi những vấn nạn,
Và thời gian lộn ngược dòng,
Hôm nay chảy ngược vào hôm qua,
Như một dòng sông bị bít nghẽn chảy ngược lại cửa sông.
Mỗi người trong chúng ta đã từng là nô lệ ở Ai-cập,
Đã thấm đẫm bằng mồ hôi cả rơm rạ lẫn đất sét,
Đã vượt qua Biển Đỏ bằng chân khô.
Cả ngươi nữa, hỡi người xa lạ.
Năm này trong lo sợ và nhục nhã,
Năm tới trong công bằng và đức hạnh.
 
                                                                   9 tháng Tư 1982
 
--------------------------------------------------------------
* hay «Quá hải», kỷ niệm ngày dân Do-thái ra khỏi Ai-cập...
** bánh ngọt làm bằng trái cây có màu đất nung gạch: Harosoth hay «Đất sét ngọt». (người dịch)
 

TÁC PHẨM

 
Ấy thế là chấm dứt: đừng động tới nữa.
Lúc này trên tay tôi cây viết mới nặng làm sao!
Vừa mới đây nó thật nhẹ
Và linh động hơn cả thủy ngân:
Tôi chỉ có việc đi theo nó,
Nó hướng dẫn tay tôi
Như một người sáng hướng dẫn một người đui,
Như một người tình dẫn bước ta khiêu vũ.
Bây giờ, thế đủ rồi, phận sự đã chấm dứt,
Đã hoàn thành, đã khép lại.
Nếu như tôi bớt đi dẫu chỉ là một chữ,
Thời đó sẽ là một lỗ hổng nơi huyết thanh rịn ra.
Nếu như tôi thêm vào một chữ,
Nó sẽ lồi lên, xấu không kém một vết sùi.
 
Nếu như tôi thay đổi một chữ, nghe sẽ sái
Như một con chó sủa giữa một buổi hòa nhạc.
Và bây giờ, làm gì? Làm cách nào tách rời?
Mỗi lần cho ra đời một tác phẩm là chết đi một chút.
 
                                                             15 tháng Giêng 1983
 

NACHTWACHE*

 
«Canh phu ơi, đêm còn mấy chốc?»
 
Tôi đã nghe con cú lặp lại
Vẫn một điệu rúc trầm trầm, khó hiểu,
Và con dơi dơi thốt tiếng kêu nhọn hoắt
Và con rắn nước vì vèo
Dưới những tầng lá mục ngoài ao.
Tôi đã nghe những tiếng người.
Lè nhè, nóng giận, lưỡi líu lại, ngái ngủ,
Đến từ quán ăn tồi tàn, sát bên ngôi nguyện đường.
Tôi đã nghe những cặp tình nhân thì thầm,
Hơi thở rền và tiếng cười của thèm muốn đã thỏa;
Và bọn trẻ mới lớn rì rầm trong mơ,
Và những người khác, mất ngủ, vật vã vì dục vọng.
Tôi đã thấy những ánh chớp câm nín của hơi nóng,
Tôi đã thấy nỗi lo sợ mà tối tối lại cảm nghiệm
Người thiếu nữ mất trí
Không còn phân biệt được chỗ nằm với áo quan.
Tôi đã nghe hơi thở hổn hển khan khan
Của ông già đơn độc, kẻ chối bỏ cái chết,
Và nỗi đau như xé nát của một người đàn bà khi lâm bồn,
Và những tiếng khóc của một đứa trẻ vừa mới chào đời.
«Này người, hãy nằm xuống, ngủ đi,
Đâu đấy đều êm ả, đêm đã nửa khuya.»
 
                                                             10 tháng Tư 1983
 
------------------------------------------------------
* «Canh đêm» (tiếng Đức), một từ “chuyên môn” của trại tập trung. Câu đầu dùng lại của một tiên tri trong Cựu ước (Esaïe 21,11. Xem bản Nguyễn Thế Thuấn). (người dịch)
 

CÂY DỨA GAI

 
Tôi chẳng ích lợi gì cũng chẳng đẹp,
Chẳng có những màu sắc vui tươi, cũng chẳng có hương thơm.
Những khóm rễ của tôi gặm mòn xi-măng
Và những chiếc lá, viền gai,
Bảo vệ tôi như bằng vũ lực.
Tôi câm nín, tôi chỉ có một ngôn ngữ cỏ cây,
Đối với người thật khó hiểu.
Ấy là một ngôn ngữ cổ lỗ,
Ngoại lai, là vì tôi tới từ rất xa,
Từ một xứ hung ác
Đầy gió, đầy núi lửa, đầy nọc độc.
Tôi đã chờ đợi nhiều năm trước khi phô bày
Đóa hoa quá cao này và tuyệt vọng quá đỗi,
Thân mộc, xấu xa, cứng cỏi, nhưng hướng thẳng tới trời.
Ấy cách thức của tôi, của chúng tôi để kêu lên
Rằng ngày mai tôi sẽ chết. Bạn hiểu không?
 
                                                     10 tháng Chín 1983
 

MỘT NGHỀ

 
Bút bi khựng lại, mi chỉ có việc chờ đợi.
Chung quanh mi những vần thơ vi vu, tựa những con bướm đêm say.
Con đầu tiên chạm tới ngọn lửa, mi hãy bắt lấy nó.
Cố nhiên, ấy chưa phải là xong, và còn cần nhiều hơn nữa,
Nhưng thế cũng là nhiều, ấy bước đầu của công việc.
Những con khác sẽ hạ cánh kề bên, tha hồ chen chúc,
Nối đuôi nhau hay quây vòng, trong trật tự hay hỗn loạn,
Thật giản dị, thật ngoan ngoãn, sẵn sàng phục vụ mi:
Mi là chủ, chuyện đó không cần bàn cãi.
Nếu gặp ngày lành, mi có thể sắp chúng ngay hàng.
Một công việc hay đấy chứ? Được thời đại quý trọng,
Xưa có đến sáu chục thế kỷ, nhưng lúc nào cũng vẫn mới,
Với những quy tắc nghiêm ngặt hay lỏng lẻo,
Có khi lại chẳng có lấy một quy tắc nào, như mi vẫn ưa thế.
Nhờ nó, mi cảm thấy mình gần gụi bạn tốt,
Không còn nhàn cư, hay lạc lõng, hay lúc nào cũng vô dụng,
Mà như kẻ mang giầy của quân nhân và áo choàng rộng thời cổ La-mã,
Người phủ vải gai trắng và trán quàng vòng nguyệt quế.
Có điều, mi hãy tránh: đừng có quá tự kiêu.
 
                                                       2 tháng Giêng 1984
 

TẠI ĐÀO

 
Có đá tảng, có cát, nhưng không có nước,
Có cát điểm dấu vết
Những bước chân y, tới mãi chân trời:
Y bỏ trốn, dẫu không bị ai theo đuổi.
Tầng sạn đã tàn, bị nghiền nát,
Hòn đá bị gió soi mòn,
Bị đông giá đêm hôm xẻ ra.
Một ngọn gió khô, nhưng không có nước.
Không có nước cho y,
Kẻ, tuy nhiên, chỉ cần nước,
Nước để xóa mờ
Nước, mộng dữ,
Nước không thể được, để tự tẩy rửa.
Một mặt trời nặng như cột chì, không tia sáng,
Bầu trời, những đụn cát, nhưng không có nước,
Nước mỉa mai, giả bộ của những ảo ảnh,
Nước quý báu, bị mồ hôi tháo hút,
Nước của những dải mây lơ lửng, tầng cao, không thể tới được.
 
Y đã tìm thấy giếng nước, hối hả lao mình tới,
Nhúng hai tay vào đấy, và nước trở thành đỏ.
Không ai còn bao giờ có thể uống được nữa.
 
                                                   12 tháng Giêng 1984
 

NGƯỜI SỐNG SÓT

                                                        tặng B.V.
 
Since then, at an uncertain hour,*
Kể từ đấy, vào một giờ vô định,
Cơn thống khổ này trở lại cùng y:
Và nếu, để lắng nghe mình, y chẳng tìm được một ai
Trong lồng ngực y, trái tim y bốc lửa.
Y thấy lại khuôn mặt các đồng bạn
Xanh mét lúc tảng sáng,
Xám xịt màu xi-măng,
Bị sương mù bao phủ,
Màu chết chóc trong những giấc ngủ chập chờn:
Ban đêm, họ động đậy đôi hàm
Dưới sự truyền khiến nặng nề của mộng mị,
Và nhai nhai một củ cải vô hình.
«Hãy lui lại, ra khỏi đây, hỡi bọn người của bóng tối,
Các người hãy đi đi. Ta không chiếm chỗ của một ai,
Không cướp đoạt cơm bánh của một ai,
Không ai chết thế cho ta cả. Không ai.
Hãy trở lại với mù sương của các người.
Đâu phải lỗi tại ta nếu ta sống và thở,
Nếu ta ăn uống, ngủ nghỉ và mặc quần áo.»
 
                                                          4 tháng Hai 1984
 
--------------------------------------------
* Xin xem S.T. Coleridge, The Rime of the Ancient Mariner, câu 582 cho dòng đầu và Dante, Địa ngục, XXXIII, 141 cho dòng cuối. (người dịch)
 

CON VOI

 
Hãy đào: rồi các người sẽ thấy xương ta,
Thật phi lý ở những chốn phủ đầy tuyết này.
Gánh nặng đè trên ta, ta mỏi mệt vì đường trường,
Ta nhớ cỏ và hơi ấm.
Các người sẽ thấy những đồng tiền và vũ khí của người Carthage
Bị những trận tuyết lở chôn vùi: thật phi lý, phi lý!
Phi lý là lịch sử đời ta và chính Lịch sử:
Những thành La-mã và Carthage có quan hệ gì tới ta?
Lúc này, chiếc ngà xinh đẹp của ta, niềm kiêu hãnh của chúng ta,
Thật cao quý, uốn cong như mảnh trăng liềm,
Nằm tan nát giữa đám đá cuội của dòng thác:
Trời không sinh ra nó để xuyên thủng những nón sắt
Mà để đào xới rễ cây và để làm đẹp lòng những nàng voi.
Chúng ta chỉ đánh nhau vì những nàng voi đó mà thôi.
Với sự khôn ngoan và không bao giờ đổ máu.
Các người muốn biết lịch sử của ta? Lịch sử ấy thật vắn vỏi.
Người Ấn-độ mưu mô đã rù quến ta, rồi thuần phục ta,
Người Ai-cập đã cột xiềng ta, rồi đem bán,
Người Phê-ni-xi-a đã chất đầy binh khí lên mình ta
Và gắn trên lưng ta một đài cao.
Chuyện phi lý, ấy là một ngày nọ, ta, đài da thịt,
Không thể bị thương tổn, khủng khiếp và hiền hòa,
Ta đã trượt chân trên mặt băng chưa từng thấy của các người.
Đối với chúng ta, khi quỵ ngã là vô phương cứu chữa.
Một người mù táo bạo, với ngọn giáo bằng sắt
Đã tìm kiếm thật kỹ trái tim ta.
Ta phóng lên tiếng rống vô ích
Của kẻ hấp hối: «Thực phi lý, phi lý.»
 
 

SIDEREIS NUNCIUS *

 
Ta đã thấy Kim tinh hai sừng
Bơi lội dịu dàng trong chiều muộn,
Ta đã thấy những núi những thung
Trên Mặt trăng, và Thổ tinh cặp ba**,
Ta, Galileo, kẻ đầu tiên trong hết thảy;
Đã thấy bốn vì sao xoay quanh Mộc tinh,
Và sông Ngân phân thành
Vô tận những bầu đoàn thế giới mới.
 
Ta đã thấy, mà không được tin, những vết đen mang điềm triệu
Làm ô uế khuôn mặt Thái dương.
Tấm kính này, chính tay ta đã tạo nên,
Ta, một người học thức nhưng đôi tay cũng khéo:
Ta đã mài những mặt kính, ta đã đưa thẳng kính lên Trời,
Như người ta thường chĩa một họng súng bắn đá.
Chính ta là kẻ đã chọc thủng bầu Trời
Trước khi Mặt trời thiêu đốt đôi mắt ta.
 
Trước khi Mặt trời thiêu đốt đôi mắt ta,
Ta đã phải chịu lụy mà nói
Rằng ta đã chẳng thấy những gì ta đã thấy.
Kẻ đã cột chặt ta xuống đất tuy nhiên
Đã chẳng buông những cơn địa chấn hay sấm sét,
Tiếng nói của kẻ ấy nhỏ nhẹ và êm dịu
Và đầu kẻ ấy cũng hệt như mọi người.
Con kền kền rỉa rói ta tối tối
Cả nó nữa, đầu cũng hệt như mọi người.
 
                                                               11 tháng Tư 1984
 
----------------------------------------------------------
* 'Sứ giả của không trung' (tiếng La-tinh).
** Theo chú thích của Ruth Feldman, người dịch bản Anh văn: Galileo thấy sao Thổ «cặp ba», là vì ống kính của ông không được hoàn hảo... (người dịch)
 

CUỘC CỜ (II)

 
... Vậy thời, giữa ván cờ,
Hay lúc ván cờ đã hầu như kết thúc,
Mi lại muốn chúng ta thay đổi luật chơi?
Mi thừa biết rằng điều ấy không thể được.
Thoát hiểm dưới đe dọa ư?
Hay dứt khoát, nếu như ta hiểu rõ,
Đi lại những nước mà mi đã chơi kể từ đầu?
Thôi nào, những luật chơi ấy, chính mi đã chấp nhận
Khi ngồi xuống trước bàn cờ.
Con cờ mà mi chạm tới là một con cờ đã chơi:
Cuộc chơi của chúng ta là một cuộc chơi nghiêm chỉnh,
Không chấp nhận một thương lượng nào,
Hay mập mờ, hoặc gian lận.
Vậy thời mi hãy chơi, mi cũng chẳng còn ngày giờ;
Mi lại chẳng nghe tiếng đồng hồ tích-tắc?
Vả lại, nài nỉ làm chi?
Muốn dự đoán những nước cờ của ta cần tới
Một thứ khoa học khác hẳn thứ của mi.
Ngay từ đầu mi đã biết
Rằng ta là kẻ mạnh hơn cả.
 
                                               23 tháng Sáu 1984
 
 
NHỮNG BÀI THƠ KHÁC:
(tháng Chín 1984 – tháng Giêng 1987)
 

BỤI

 
Có bao nhiêu bụi lắng đọng
Trên tổ chức thần kinh của một cuộc đời?
Bụi không trọng lượng, bụi không âm thanh,
Không màu sắc, không mục tiêu: bụi bao phủ, bụi chối bỏ,
Bụi bôi mờ và che đậy, bụi làm tê bại;
Bụi không giết, bụi dập tắt
Bụi không chết, bụi ngủ.
Bụi nuôi dưỡng những bào tử đã có hằng ngàn năm,
Những bào tử no đầy những xấu xa tệ hại sắp tới,
Những con nhộng nhỏ xíu đang chờ đợi
Giải quyết và tan rữa, hủy hoại:
Chỉ thuần là mai phục, hỗn độn, mơ hồ,
Sẵn sàng xung kích trong tương lai
Sẵn sàng đáp tiếng gọi của một dấu hiệu thầm kín.
Nhưng, bụi cũng ấp ủ những mầm mống khác nhau
Những hạt giống đang thiu thiu sẽ trở thành những ý niệm,
Mỗi ý niệm mang thai một vũ trụ
Mới, bất ngờ, lạ lùng và đẹp.
Thế nên, mi hãy tôn trọng và kính nể
Tấm áo choàng xám, thiếu hình thể này
Nó chứa đựng cái xấu và cái tốt,
Cái hiểm nghèo, và nhiều điều được viết ra.
 
                                                            29 tháng Chín 1984
 

MỘT THUNG LŨNG

 
Có một thung lũng mà tôi giữ kín,
Lọt tới được thật khó khăn:
Những dốc hẳm cheo leo chặn lối vào,
Những lùm bụi và những khúc sông cạn trên những dòng nước chảy siết,
Và những lối mòn đã bị xóa đi, chỉ lờ mờ dấu vết.
Không biết tới trong những tập bản đồ, những tấm bản đồ,
Duy có mình tôi là tìm ra lối,
Bởi đã qua bao mùa ở đấy,
Nhưng ấy không phải là thời gian uổng phí.
Tôi không biết ai là kẻ đã qua đó trước tôi,
Một người lẻ loi, một vài người hay không ai,
Vấn đề đối với tôi cũng chẳng quan hệ.
Trên những vách đá khắc ghi những ký hiệu
Một vài dấu tuyệt đẹp, hết thảy đều huyền bí,
Và hơn một chữ 'không', có được nhờ bàn tay của con người.
Ở dưới, có những cây phong, cây dẻ
Cao hơn, thời thông xanh và những gốc tùng lạc-diệp lớn,
Mà gió lắc lay,
Gió, kẻ đánh cắp phấn hoa, khi mùa xuân tới
Và khi con cù-li đầu tiên thức dậy.
Và cao hơn thế nữa có bảy cảnh hồ
Nước vẫn tinh khiết,
Trong vắt và đen, giá buốt và sâu.
Ở tầm cao này cây cỏ của chúng ta không mọc nữa.
Nhưng, sát cạnh bên đèo,
Có một tàng cây, chỉ một tàng cây, xum xuê,
Đầy khí lực và lúc nào cũng xanh tươi
Tàng cây ấy không có ai đặt tên cho:
Có lẽ đó là cái cây mà thiên Sáng thế nói tới;
Nó đơm hoa, kết trái hết mọi mùa,
Ngay cả khi tuyết uốn cong oằn cành lá.
Trong loài cây nó là giống duy nhất và tự sinh sôi nảy nở.
Thân nó mang nhiều vết thương cũ
Nơi rịn ra từng giọt lại từng giọt một thứ nhựa
Cay đắng và dịu êm, chứa đựng lãng quên.
 
                                                         24 tháng Một 1984
 

NHẬT CHÚ

 
Vào một đêm như đêm nay,
Một đêm của gió bấc và mưa hòa lẫn với tuyết,
Có những kẻ mơ mơ màng màng trước máy truyền hình,
Lại có những kẻ quyết định đánh cướp nhà băng.
 
Vào một đêm như đêm nay, ở những khoảng cách
Mà ánh sáng phải mất năm ngày để vượt qua,
Có một vì sao chổi đâm thẳng tới chúng ta,
Vì sao tới từ một nơi không cao không thấp,
Ấy chính vì sao mà Giotto đã vẽ.
Nó sẽ chẳng đem lại may mắn hay rủi ro,
Mà chỉ có băng giá từ xưa và có lẽ một câu trả lời.
 
Vào một đêm như đêm nay,
Có một ông cụ già nửa như điên dại
Ở thời ông ông đã từng là một người thợ khoan giỏi
Nhưng thời ông không phải là thời của chúng ta.
Và bây giờ, ông ngủ ở Porta Nueva, và uống rượu.
 
Vào một đêm như đêm nay,
Có những kẻ nằm bên một người đàn bà,
Và có cảm giác như không còn trọng lượng,
Và những ngày mai của họ không còn trọng lượng,
Như chỉ có ngày nay là đáng kể, và ngày mai không đáng kể,
Và như dòng thời gian đã tạm ngừng.
 
Vào một đêm như đêm nay, những mụ phù thủy
Hái lá độc-cần và phụ-tử
Để chiết ra dưới ánh trăng
Và đem ninh trong những chiếc vạc.
 
Vào một đêm như đêm nay,
Có một kẻ cải trang tên Corso Matteoti,
Sẵn sàng hiến một lá phổi hay một trái cật
Để tìm hiểu sâu xa và biến thành đàn bà.
 
Vào một đêm như đêm nay, có
Bảy chàng trai trẻ khoác áo choàng trắng,
Bốn người trong bọn họ hút ống điếu:
Họ vạch một đường kênh rất dài
Để hướng dẫn một chùm prô-tông
Hầu như mau không kém gì ánh sáng:
Khi họ đạt tới đích, thế giới sẽ nổ tung.
 
Vào một đêm như đêm nay, có một nhà thơ
Giương cây cung để tìm thấy cái từ
Có thể bao hàm sức mạnh của cơn bão,
Lẫn những điều bí ẩn của huyết thống và của hạt mầm.
 
                                                        24 tháng Một 1984
 

BÀI CA CỦA NHỮNG NGƯỜI CHẾT VÔ ÍCH

 
Các người hãy ngồi xuống và thương lượng
Tùy thích, hỡi những con cáo già ánh bạc.
Chúng ta sẽ nhốt các người lại trong một lâu đài lộng lẫy,
Với thức ăn và rượu nho, với giường êm và lửa ấm,
Miễn là các người thảo luận và các người thương lượng
Cuộc đời của con cái chúng ta và của chính các người.
Cầu sao trọn vẹn sự khôn ngoan của tạo hóa
Hội lại để chúc lành cho đầu óc các người,
Và có thể đưa các người ra khỏi mê cung.
Tuy nhiên, ở bên ngoài lạnh lẽo, chính chúng ta sẽ chờ đợi,
Chúng ta, đạo binh của những người chết vô ích,
Những người chết ở sông Marne và những người ở núi Cassin,
Ở Treblinka, ở Dresden và những người ở Hiroshima:
Và cùng với chúng ta, sẽ có
Những người lở lói, những người toét mắt,
Những người bị mất tích ở Buenos Aires,
Tất cả những người chết ở Căm-bốt, những người hấp hối ở Ê-ti-ô-pi
Những người bị trả giá ở Pra-ha
Những người mất máu ở Calcutta,
Những người vô tội bị tàn sát ở Bologne.
Khốn cho các người nếu các người bước ra mà không có một thỏa hiệp:
Chúng ta sẽ bóp ngạt các người với vòng ôm siết.
Chúng ta không thể bị khuất phục, vì chúng ta là những kẻ đã chiến bại,
Chúng ta không thể bị thương tổn là vì đã bị giết.
Chúng ta coi thường các hỏa tiễn của các người.
Các người hãy ngồi xuống và thương lượng
Cho tới khi nào lưỡi các người héo khô:
Nếu có bao giờ cảnh tàn phá và ô nhục kéo dài
Các người hết thảy sẽ bị nhận chìm trong thối rữa của chúng ta.
 
                                                                4 tháng Giêng 1985
 

NHỮNG TRÁCH VỤ CÒN LÒNG DÒNG

 
Trên hết mọi sự tôi không muốn làm xáo trộn thế giới,
Nếu có thể được, có lẽ tôi ưa
Bỏ qua trong im lặng,
Bằng một bước vụng trộm như của người buôn lậu,
Hay như ta lánh mặt trong một hội lễ.
Phải, ngừng lại không một tiếng nghiến rít
Cái nòng thụt bướng bỉnh của hai buồng phổi,
Và nói với con tim yêu dấu này,
Hỡi người nhạc sĩ tầm thường, nghèo tiết điệu:
– Sau 2,6 tỉ lần mạch đập,
Hẳn mi đã mệt nhoài: vậy thời, thế đủ rồi, cảm ơn lắm –.
Nếu có thể được, như tôi đã nói;
Nếu như không có những kẻ còn lại,
Công trình bỏ dở
(Mọi cuộc đời đều dang dở),
Nếu như không có những khó khăn và thương tích của thế giới;
Những trách vụ còn lòng dòng,
Những món nợ hiện hành,
Những giao ước
Đã có trước đây, không tránh được.
 
                                                             20 tháng Chạp 1984
 

TUYẾT TAN

 
Khi tuyết tan chảy hết
Chúng ta sẽ đi tìm con đường mòn cũ kỹ kia,
Con đường mòn phủ đầy gai góc
Dưới chân bức tường tu viện,
Và mọi sự lại sẽ như xưa
 
Lẩn khuất kín trên vùng đất hoang
Chúng ta sẽ gặp lại những giống cỏ
Mà tôi không thể kể được tên:
Tôi học lại cái tên ấy vào thứ Bảy
Nhưng hôm sau tôi đã quên ngay.
Người ta bảo những giống cỏ ấy hiếm
Và hiệu nghiệm để tiệt trừ thứ bệnh
Có tên là sầu muộn.
 
Mềm mại như những đứa trẻ mới sinh
Ở bên đường những cụm dương xỉ
Vừa mới ló ra khỏi đất,
Còn cuộn tròn như đầu gậy và xoắn ốc,
Thế tuy nhiên,
Đã sẵn sàng cho những cuộc tình của chúng –
Những cuộc tình luân phiên đều đặn và xanh tươi,
Phức tạp hơn những cuộc tình của chúng ta nhiều.
Phôi sinh của chúng thật nóng nảy,
Những con trống, những con mái, nho nhỏ,
Trong những túi bào tử màu rỉ sét.
Khi mưa tới chúng sẽ phóng ra,
Tung tăng trong giọt nước đầu tiên,
Hối hả kết hợp và lanh lẹ,
Muôn năm những cặp vợ chồng mới!
 
Chúng ta quá mỏi mệt vì mùa đông:
Tác dụng tàn phá của đông giá đã để lại dấu vết
Trên da thịt, đầu óc, bùn lầy và vỏ cây,
Hãy tới thời băng rã, và hãy tiêu tan kỷ niệm
Những trận tuyết năm qua.
 
                                                                2 tháng Hai 1985
 

NHỮNG KẺ TRỘM

 
Chúng tới vào đêm, như những màn sương mỏng,
Thường khi cả giữa lúc ban ngày.
Không ai để ý tới, chúng lọt qua
Những khe hở, những lỗ khóa,
Trong lặng lẽ; chúng không để lại dấu vết,
Hoặc những cánh cửa bị tông vô, hay sự bừa bộn,
Ấy là những kẻ trộm thời gian.,
Trôi chảy và nhày nhụa theo kiểu những con đỉa.
Chúng hớp thời gian của ta và khạc nhổ ra
Như người ta vất rác.
Chả bao giờ ta sẽ thấy mặt chúng. Chúng có chăng cả đến một khuôn mặt?
Những vành môi và một cái lưỡi, cái đó, thời có.
Và những chiếc răng nho nhỏ, tí tẹo, sắc bén.
Chúng hút mà không gây một đớn đau nào nhỏ nhất,
Và chỉ để lại một vết sẹo nhạt mờ, vụn vặt.
 
                                                 14 tháng Mười 1985
 

GỬI CÁC BẠN

 
Các bạn thân mến, nếu tôi gọi các bạn như thế
Đó là theo nghĩa rộng của từ này:
Người vợ, người em gái, người anh em họ, người đồng song,
Những người bạn đường trai, gái thời trẻ,
Và các bạn, mới một lần gặp gỡ
Hay đã tới lui trọn cuộc đời,
Miễn là giữa chúng ta, dẫu chỉ là một khoảnh khắc,
Một sợi dây đã căng ra.
 
Gửi các bạn, những kẻ đồng hành của một con đường
Mà lao khổ đã không chừa ra
Nhưng cũng gửi các bạn, những người đã bỏ mất
Cả bụng dạ lẫn sự ham sống.
Không một ai hay một vài người, chỉ một người hay bạn
Kẻ đọc tôi: bạn hãy nhớ tới thời gian
Trước khi sáp đông lại:
Mỗi người trong chúng ta mang dấu tích
Của người bạn gặp gỡ trên đường.
Trong những ngày may mắn và những ngày xui xẻo,
Chúng ta những kẻ điên rồ hay chúng ta những người khôn ngoan,
Mỗi người đều mang dấu tích của mỗi người.
Lúc này thời gian thật gấp rút,
Khi những cuộc giao tranh đã chấm dứt,
Gửi các bạn hết thảy lời cầu chúc giản dị
Chúc các bạn mùa thu được êm dịu và dài lâu.
 
                                                16 tháng Chạp 1985
 

ỦY QUYỀN

 
Mi đừng hoảng sợ trước trách vụ rộng lớn,
Người ta cần tới mi, kẻ đỡ mỏi mệt hơn.
Và thêm, mi thính tai, thế nên, hãy lắng nghe
Dưới chân mi mặt đất kêu vang trống rỗng biết bao.
Hãy suy ngẫm kỹ những lầm lẫn của chúng ta:
Trong chúng ta đã có những kẻ
Sờ soạng tìm kiếm
Như một người bị bịt mắt
Muốn tạo lại một dáng hình;
Những kẻ khác đã chơi trò cướp biển;
Những kẻ khác nữa lại trông vào thiện chí.
Hãy góp sức, mà không cần chắc chắn ở mi.
Hãy thử, dẫu như mi không chăc chắn ở mi.
Là vì, chính thế, chính là vì mi không chắc chắn ở mi.
Hãy xem xem mi có thể dằn được sự ghê tởm và chán ngán
Với những điều nghi hoặc, những điều xác tín của chúng ta.
Chúng ta, tuy vậy, chưa bao giờ phong phú đến như thế,
Chúng ta sống giữa những quái vật được ướp xác,
Và những quái vật thật tục tằn bởi chúng vẫn sinh động.
 
Mi chớ hãi sợ trước những cảnh đổ nát hoang tàn,
Hay mùi hôi thối của những đống rác:
Với đôi tay trần trụi chúng ta đã từng dọn sạch nhiều đống như thế,
Khi chúng ta ở tuổi mi.
Hãy nhận lời thách thức bằng hết sức mi có thể.
Chúng ta dã từng chải những tua sao chổi,
Đã từng giải những bí ẩn của thời khởi nguyên
Đã đặt chân lên cát trên mặt trăng,
Đã xây dựng Auschwitz, đã tàn phá Hiroshima.
Mi thấy đó: chúng ta đã chẳng hề ở không.
Thế nên, dẫu mi còn do dự, hãy đảm trách;
Và chớ gọi chúng ta bằng những bậc thày.
 
                                                      24 tháng Sáu 1986
 

CON RUỒI

 
Tôi chỉ có một mình, ở đây:
Một trong những bệnh viện sạch sẽ nhất.
Tôi là kẻ đưa tin.
Đối với tôi, chẳng hề có cánh cửa nào là đóng:
Luôn luôn có một khung cửa sổ nào đó,
Một khe hở, những lỗ khóa.
Thực phẩm ở đây thực dư thừa:
Ấy những thức bỏ lại của những kẻ đã no đủ
Và hết thảy những người không còn ăn nữa.
Ngoài ra, tôi còn tự cấp dưỡng
Những thứ thuốc men mà người ta liệng đi,
Là vì đối với tôi chẳng có gì độc hại,
Tất cả đều nuôi dưỡng tôi, tăng cường tôi, làm lợi cho tôi;
Những chất liệu cao quý hay đê tiện,
Máu, mủ lẫn máu, đồ ăn thừa:
Tôi đều biến tất cả thành năng lượng để bay nhảy,
Là vì công chuyện của tôi thật thúc bách:
Chính tôi, chót hết, là kẻ hôn lên những vành môi khô
Của những người hấp hối hay còn được hoãn chết.
Tôi thật là quan trọng. Tiếng rì rầm của tôi
Đều đều, buồn tẻ, nhức nhối, rồ dại,
Lặp lại tín điệp duy nhất của thế giới
Cho những kẻ kia, những kẻ vượt qua ngưỡng cửa.
Ở đây, chính tôi là chủ:
Kẻ duy nhất được tự do và hoàn toàn khỏe mạnh.
 
 

NIÊN LỊCH

 
Những dòng sông vẫn thản nhiên
Sẽ tiếp tục trôi về biển,
Hay tuôn tràn tàn phá đôi bờ,
Tàn phá những công trình xưa cũ của những con người dai dẳng.
Các băng hà sẽ tiếp tục
Mài đá tảng trong lúc nghiến rít,
Hay thình lình sụp đổ
Tiện đứt cuộc đời của những cây thông xanh.
Bị giam hãm, Biển,
Ngày càng riết róng các tài nguyên,
Sẽ tiếp tục vẫy vùng giữa các lục địa.
Các định tinh, các hành tinh và sao chổi
Sẽ một mình tiếp tục cuộc vận hành.
Cả Trái đất cũng sẽ kinh sợ
Những định luật bất biến của tạo hóa
Duy có chúng ta thời không. Chúng ta, loài bất trị,
Giàu có về tài năng, bần cùng về lương tri,
Chúng ta sẽ hủy hoại và làm suy đồi
Ngày càng thêm hối hả;
Mau mau, chúng ta hãy mở rộng sa mạc
Trong vùng rừng rú ở Amazonie,
Trong trái tim sống động của các đô thị,
Trong chính trái tim ta.
 
                                                 2 tháng Giêng 1987
 
 
-----------------------------
Ghi chú của người dịch:
PRIMO LEVI (1919-1987), là một kỹ sư hóa chất người Ý gốc Do-thái, bị phát-xít Ý bắt giữ và đày đi các trại tập trung của Đức quốc-xã ở Đông Âu. Còn sống sót sau giải phóng, ông ghi lại thực trạng các nhà tù đã kinh qua, trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Phải chăng đây là một người, tác phẩm thời danh nhất của ông, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
 
Ông sinh tại Turin ngày 31-7-1919, là con cả trong một gia đình người Ý gốc Do-thái. Ông đỗ tiến sĩ về Hóa học, hoạt động chống phát-xít trong phong trào “Công lý và Tự do”. Ông và các bạn trong phong trào bị bắt ngày 13.12.1943. Tháng giêng 1944 bị nhốt ở trại Fossoli rồi bị đưa đi đày ở Auschwitz cùng với 650 người Ý gốc Do-thái khác ngày 22.2.1944. Đầu tháng Ba 1944, ông bị điều tới trại Monowitz cách Auschwitz 10 cây số để làm việc tại nhà máy cao-su hóa hợp ở Buna. Đầu tiên, ông phài lao động khổ sai, rồi đến cuối năm thì sung vào phòng thí nghiệm hóa chất. Đến ngày 17.1.1945, trại Monowitz bị không lực tấn công, quân Đức di tản mang theo các tù nhân còn khỏe mạnh, nhưng bỏ lại những người nằm bệnh viện, trong đó có ông. Mười ngày sau, Monowitz được Hồng quân.. giải phóng. Kế đó, từ tháng Sáu đến tháng Mười 1945 là “hành trình gian khổ” qua Biélorussie, Ru-ma-ni,... để trở lại Turin vào ngày 19.10.1945.
 
Năm 1946, Primo Levi bắt đầu ghi lại những kỷ niệm đau thương của mình trong cuốn Phải chăng đây là một người, in năm 1947, nhưng không được để ý. Cả chục năm sau, cuốn sách mới được in lại và lần này khiến Primo Levi trở thành một tên tuổi lừng lẫy khắp thế giới... Ông thành hôn với bà Lucia Morpurgo và hai ông bà được hai người con, một gái một trai.
 
Primo Levi tiếp tục viết tiểu thuyết, làm thơ, viết tự sự và nhiều bài tham luận về nhiều vấn đề văn nghệ cũng như xã hội.. Ông thường được mời đi nói chuyện với những người thuôc các thế hệ trẻ hơn. Năm 1965 ông cũng trở lại Auschwitz trong một buổi lễ tưởng niệm chính thức...
 
Ngoài thi ca và cuốn tiểu thuyết đầu tiên, các tác phẩm sau đây của Primo Levi cũng thường được nhắc tới: La Trève (1965), La clef à molette (1978), Maintenant ou jamais (1981), Les Naufragés et les Rescapés (1986). Năm 1987, ông chấp thuân cho đưa cuốn La Trève lên màn ảnh.
 
Ngày 11-4-1987, thế giới được tin Primo Levi đã tự sát tại nhà. Cái chết của ông vẫn còn là một điều bí ẩn: có người cho rằng đây chỉ là một “tai nạn”.
 
Phần thơ dỉch trên đây gồm 46 bài trích từ tác phẩm thi ca toàn bộ của Primo Levi: Vào một giờ vô định. Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của Louis Bonalumi trong Primo Levi, À une heure incertaine (Arcades, Gallimard, Paris, 1997), có tham khảo một số bản dịch Anh văn. Xin mời bạn đọc xem thêm bài của Jorge Semprun viết về “Primo Levi và sự trong sáng trong thơ”, đăng song song trên Tiền Vệ.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021