thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm Mùa Sạch của Trần Dần qua góc nhìn của nghệ thuật khái niệm

Có thể nói tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần chính là một tác phẩm trọn vẹn nhất của nghệ thuật khái niệm (conceptual art). Trần Dần chính là nhà khái niệm (conceptualist) đầu tiên của văn nghệ Việt Nam.

Trong bài viết “Sentences on conceptual art” của Sol Lewitt, bài viết từng được nhà phê bình Peter Shjeldahl đánh giá là “…một trong những bài viết âm vang và phi thường nhất về triết lý mỹ học từ thời Aristot…” (Nicole Baume, The music of forgetting). Sol Lewitt đã viết:

“Chẳng có một hình thức nghệ thuật nào, về bản chất là cao hơn hình thức nghệ thuật nào cả và người nghệ sỹ có thể sử dụng bất cứ hình thức nào, từ thể hiện bằng ngôn từ cho tới vật chất hóa tác phẩm, tất cả đều ngang nhau” (Sol Lewitt, "Sentences on conceptual art", Critical Texts).

Thông qua phát biểu đó, Sol Lewitt – một trong những nhà nghệ sỹ quan trọng bậc nhất của nghệ thuật khái niệm quả thực đã coi tư duy của nghệ sỹ trước khi bắt đầu tiến hành tác phẩm quan trọng hơn tác phẩm sau cùng. Tư duy ấy chính là cái ý tưởng động mà nghệ sỹ, từ đó, sử dụng để tạo nên tác phẩm. Nói cách khác, đó là cái lõi của tác phẩm.

Tất cả mọi tác phẩm của nghệ thuật khái niệm đều được xây dựng trên một cấu trúc như vậy, từ một ý tưởng đầu tiên, được triển khai và nâng cấp thông qua những biến thể, thậm chí vô vàn biến thể dưới sự kiểm soát của nghệ sỹ trong vài hình thái gốc và thông qua đó, đặt ra quy tắc để kiểm soát tổng thể.

Trong phương pháp để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật khái niệm, ngoài điều vô cùng quan trọng là cái lõi gốc đầu tiên của tác phẩm, thì sự trung thành, kiên nhẫn và không thỏa hiệp của nghệ sỹ trong tiến trình tạo nên tác phẩm của mình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Cũng trong bài viết “Sentenses on conceptual art” của mình, Sol Lewitt đã nói: “… Nếu trong lúc thực hiện tác phẩm, người nghệ sỹ thay đổi ý kiến, đó chính là lúc anh ta đã thỏa hiệp với kết quả và quay trở lại với những hiệu ứng xưa cũ.” Có thể nói việc không thay đổi và thỏa hiệp trong tiến trình tạo nên tác phẩm chính là một trong những tiền đề của nghệ thuật khái niệm.

Từ trào lưu nghệ thuật hiện đại khởi nguồn từ Cezanne của thế kỷ 19 cho tới những nhà trừu tượng biểu hiện Mỹ thế kỷ 20 - trước khi nghệ thuật khái niệm ra đời – dù hình thức tạo nên tác phẩm có khác nhau đến mấy đi nữa, nhưng những thành tố chính để tạo nên nghệ thuật của vẫn không nằm ngoài mấy điều sau:

1 - Tính ngẫu nhiên hoặc sự tình cờ (trong lúc tạo nên tác phẩm).

2 - Sự đồng bóng của chính nghệ sỹ khi liên tiếp thay đổi kế họach trong việc tạo nên tác phẩm.

3 - Tất cả mọi mục đích của tác phẩm nhằm vào cú sốc thị giác đầu tiên của người xem khi chạm vào tác phẩm.

4 - Khiếu thẩm mỹ của nghệ sỹ.

Do 4 thành tố chính trên đây, dù với bất cứ mục đích gì, điều quan tâm chung của các nghệ sỹ - bắt đầu từ Cezanne, cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại cho tới các nhà trừu tượng Mỹ - luôn là tác phẩm. Rốt cục, tác phẩm sẽ trông ra sao? Ðẹp hay xấu, mạnh hay nhẹ, gây ấn tượng hay không? v.v… và v.v...

Với các nghệ sỹ khái niệm thì hoàn toàn trái lại. Trong một bài viết khác “Paragraphs on conceptual art” (Theories and documents of contemporary art – University of California Press, 1996 ) Sol Lewitt từng viết:

"…Rốt cục, tác phẩm cuối cùng trông ra sao không phải là điều đáng quan tâm, dù sao đi nữa, khi tác phẩm được vật chất hoá, nó sẽ phải mang một hình dáng nào đó, tuy nhiên, vấn đề không phải là cuối cùng dáng vẻ của tác phẩm sẽ trông ra sao, mà vấn đề ở chỗ, tác phẩm phải được bắt đầu bằng ý tưởng. Tác phẩm phải là một hành trình của khái niệm và nhận thức, đó chính là những gì mà người nghệ sỹ nên quan tâm…"

Với các nghệ sỹ kể từ chủ nghĩa hiện đại cho tới trừu tượng biểu hiện nói trên, một kế hoạch chu đáo được chuẩn bị và thực hiện không thay đổi cho tới lúc hoàn tất tác phẩm là một điều gì đó không tưởng bởi về bản chất, nghệ thuật của họ xây dựng trên những quyết định nẩy sinh thông qua tình cờ và ngẫu nhiên – họ tin vào cách giải quyết khi gặp bất ngờ của họ, họ chờ đợi sự bất ngờ. Họ gieo “nhân” một cách ngẫu nhiên và bằng cách giải quyết khi gặp vấn đề (những vần đề do chính họ tạo ra một cách ngẫu nhiên và đôi khi không tự biết) họ gặt lại “quả”. Có thể nói, tác phẩm của họ là một liên tiếp của những thay đổi kế hoạch – nói theo ngôn ngữ nhà Phật, tác phẩm của họ được tạo ra trong nghiệp và là những tác phẩm tạo nghiệp.

Với những nhà nghệ thuật khái niệm, việc lập kế hoạch kỹ lưỡng cho tác phẩm từ ban đầu và thực hiện nó một cách không thay đổi cho tới khi kết thúc là một trong những khía cạnh quan trọng nhất. Tác phẩm của họ hoàn toàn không hề dựa vào tính vô thường và ngẫu nhiên, khiếu thẩm mỹ hay những quyết định thỏa hiệp - những cái là nền móng tạo nên toàn bộ hành trình mỹ thuật trước họ. Có thể nói, bằng cách nhẫn nại thực hiện kế hoạch của mình từ ban đầu, tác phẩm của những nghệ sỹ của nghệ thuật khái niệm đã loại bỏ toàn bộ những yều tố chi phối những trào lưu nghệ thuật trước họ như: cảm xúc của nghệ sỹ, sự tình cờ ngẫu nhiên trong quá trình làm việc, tính nhân quả của hành động, và tính vô thường mờ mịt của quyết định. Với sự từ khước những yếu tố nói trên, nghệ thuật khái niệm đã trở nên không đơn thuần chỉ còn là một trào lưu nghệ thuật tiền phong mà quả thực nó đã chính là một cấp độ được nâng cao của nhận thức con người về chân lý thông qua việc loại bỏ những ảo giác của chính họ (những ảo giác nẩy sinh từ sự va chạm của lục căn với đời sống) khi đối diện với thế giới bên ngoài cũng như đối diện với nghệ thuật. Các tác phẩm của nghệ thuật khái niệm thật sự đã dứt khỏi nghiệp để tạo nên sự giác ngộ sau cùng cho người xem.

Trở lại với nhà thơ Trần Dần, có thể thấy tập thơ Mùa sạch của ông đã là một bước đi kỳ lạ nếu so sánh với tất cả các tập thơ của các nhà thơ khác cùng thời (trước thời, thậm chí sau thời) và cả những bài thơ lẻ, tập thơ khác của ông.

Với một lõi xuyên suốt trong các bài thơ của mình (cái mà ông gọi là hạt nhân-thơ hạt nhân), Trần Dần đã tạo nên vô số biến thể để sử dụng cái lõi ấy như một cái máy sản xuất nghệ thuật – "a machine that makes art" (chữ của Sol Lewitt, "Paragraphs on conceptual art").

Từ một hạt nhân – cả tập thơ của ông đã phát triển thành một lũy thừa tiến của vô số biến thể. Có thể nói rằng, với tác phẩm Mùa sạch Trần Dần đã sử dụng hệ thống module bội số – "multiple modular method" (chữ dùng của Sol Lewitt, "Paragraphs on conceptual art") cho nghệ thuật của mình.

Đặc điểm của hệ thống module bội số này là vô số các biến thể luôn được bắt đầu từ một đơn vị gốc, chính từ những đơn vị gốc đầu tiên ấy mà các biến thể được hình thành, bằng cách lũy thừa tiến những đơn vị gốc cùng với những phương án thay đổi xuyên suốt của chính đơn vị gốc ấy.

Tuy nhiên, để thỏa mãn việc những biến thể phải có một vẻ trôi chẩy và toàn bộ tác phẩm phải được cấu trúc cùng một ngữ pháp trong sáng (cái mà Sol Lewitt coi trọng và rất nhiều lần lưu ý trong các bài viết của mình), những đơn vị gốc được lựa chọn để lũy thừa phải là những đơn vị có tính đơn giản, dễ đọc về mặt thị giác (với Trần Dần là đơn giản và dễ hiểu về mặt nghĩa tự vị của từ hạt nhân mà ông chọn), nghệ sỹ phải tránh (dù là vô tình hay chủ ý) tạo nên sự hấp dẫn thị giác - của đơn vị gốc (với Trần Dần là việc tránh những chữ, câu hạt nhân đa nghĩa, đa thanh rắc rối) - cái sẽ làm người xem lạc khỏi mục đích chính của tác phẩm là: sự biến thể - chứ không phải là cái biến thể, là hành trình chứ không phải vẻ xa hoa của những trạm dừng.

Những hạt nhân trong những bài thơ của Trần Dần ở tập Mùa sạch hoàn toàn thỏa mãn một cách cao nhất những yêu cầu về đơn vị gốc đó.

Có thể có một so sánh rất thú vị tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần với tác phẩm "Những hình lập phương mở không hoàn tất” ("Incomplete open cubes") của Sol Lewitt. Cả hai tác phẩm đều được bắt đầu từ một đơn vị rời (lõi, hạt nhân) và trọn vẹn của cả hai tác phẩm đều là một bội số của những biến thể từ đơn vị ấy. Ở Trần Dần, lõi tác phẩm là những chữ hạt nhân cùng với các phương án lắp ghép danh từ, còn với Lewitt, là một hình lập phương mở đang trong hành trình tự hoàn tất.

Cả hai tác phẩm đều thể hiện một sự nhấn chìm toàn bộ mọi ảo giác về cái gọi là cảm xúc của người xem (bao gồm chính nghệ sỹ) trong một tiến trình nhẫn nại của hành động để nhằm đạt tới những thỏa mãn về trí tuệ ,vượt thoát khỏi lục căn để nhận chân sự thật. Cả hai tác phẩm đều tỏ ra một sựï lãnh đạm có chủ ý với thế giới bên ngoài (với Trần Dần là một sự lãnh đạm chủ ý khi đề cập tới thế giới bên ngoài) để quay ngược vào bên trong, đóng lục căn lại để tìm tới sự tĩnh lặng tuyệt đối của giác ngộ. Tính tự trị của cả hai tác phẩm được đảm bảo trọn vẹn thông qua việc hoàn toàn không có sự can thiệp của nghệ sỹ vào trong quá trình tạo nên tác phẩm. Với cả hai tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần và “những hình lập phương mở không hoàn tất” của Sol Lewitt, cả hai nghệ sỹ đã chỉ giữ vai trò người cung cấp ý tưởng – còn bản thân hai tác phẩm đều tự tạo nên mình.

Đơn vị gốc của tác phẩm “những hình lập phương mở không hoàn tất” của Sol Lewitt là một hình vuông mở (thiếu cạnh) trong hành trình lưỡng lự tự tìm cách định vị một góc mở cuối cùng. Đơn vị gốc của tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần là một từ và những biến thể của đơn vị gốc ấy là hành trình khăng khăng của chính từ đó trong mối tương quan với vô số từ khác để tạo ra vô số của những phương án ngữ nghĩa kỳ lạ.

Theo thiển ý của người viết bài này - tập thơ Mùa sạch của Trần Dần đã làm một cuộc vượt vũ môn ngoạn mục thoát khỏi chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại và cả những cách tân lặt vặt của nghệ thuật Việt Nam để trở nên một tác phẩm nghệ thuật tiên phong nhất, hoàn hảo nhất và trí tuệ bậc nhất của nghệ thuật Việt Nam, thậm chí, tính cả tới thời điểm của những năm tháng này – những năm tháng bắt đầu của thế kỷ 21.

 

(2003)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021