thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba ý niệm nhỏ với thơ Việt. . . !

Khi nói đến thơ của một tác giả cụ thể nào đó (kể cả những tác phẩm không xác định được tác giả); thì cũng có nghĩa là chúng ta nói đến một ngôn ngữ cụ thể nào đó; mà khi nói đến một ngôn ngữ, thì cũng có nghĩa là nói đến một không gian văn hoá-địa lý và hoàn cảnh lịch sử của ngôn ngữ đó.

Thơ Việt được chuyên chở trong nền văn hoá Việt. Mà sự thật của nó, cái nền văn hoá ấy, lại phải gồng gánh quá nhiều vấn đề đáng ra không thuộc về văn hoá (như chiến tranh, đói nghèo. . .), nhưng lại đè nặng lên văn hoá; và nó đã trở thành văn hoá.

Mà, thơ lại được chuyên chở bởi một nền văn hoá chiến tranh, văn hoá đói nghèo thì chắc chắn một điều là nó không còn đủ thời gian để lo nghĩ những chuyện xa vời.

Không nghĩ được chuyện xa vời, cũng đồng nghĩa với không có: những tham vọng quá trớn, những mục tiêu bất khả lượng đạt, những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến (Italo Calvino)[1]. Nghĩa là thơ thiếu cái gốc của tư tưởng; vì, chúng ta không có đủ thời gian để tạo ra một cái phông (một nền tảng) triết học. Thiếu một sức tưởng tượng; vì chiến tranh là thực dụng, mọi tưởng tượng trong chiến tranh đều hướng đến cái thực dụng, chứ không phải như thơ, tưởng tượng hướng đến cái tưởng tượng. Thiếu một sức liên tưởng nhiều cấp độ; vì các mối quan hệ kiểu hàng xóm láng giềng trong văn hoá, chưa quen với kỹ thuật công nghệ-với cách xử lý thông tin đa chiều, khoảng cách xa. Cuối cùng, là thiếu một nụ cười hoà điệu giữa trái tim và trí tuệ; vì cái nghèo chưa làm cho trí tuệ biết khóc, trái tim biết cười (chữ Nhật Chiêu dùng), vì thế thiếu một sự trầm tư thoả đáng trong tác phẩm.

Thiếu một vài điểm này (tất nhiên còn nhiều điểm khác nữa), tác phẩm, may mắn lắm, là đạt được sức sống của một tác phẩm trang trí cho thời đại mà tác giả đó sống.

Có người sẽ hỏi rằng, chiến tranh đã đi qua lâu rồi, sao lại đổ tội cho chiến tranh. Xin trả lời rằng, đây không phải là cách để đổ tội, mà là cách để nhìn nhận một sự thật đúng với bản thể của nó. Chiến tranh đã đi qua nhưng thói quen sống đời sống chiến tranh vẫn còn. Nó không chỉ được khơi gợi trong chính nền văn hoá của nó; mà còn, bị tác động từ tình hình thế giới xung quanh. Nhìn cảnh Mỹ đánh Iraq, khắp thế giới biểu tình phản đối chiến tranh (không phải để ủng hộ Mỹ hay Iraq) nhưng người dân Việt lại không mấy người lên tiếng biểu tình, nhưng các báo có tin tức về chiến sự lại được bán rất chạy thì đủ biết cái thói quen sống với không khí chiến tranh là như thế nào.

Trở lại với thơ Việt, do vừa thiếu tố chất vừa sống trong điều kiện có tính tạm bợ kiểu chiến tranh; nên, có thể hình dung nó trong 3 ý niệm nhỏ sau đây: Thứ nhất, tính tiểu nông[2], đây là một điểm nhìn không mới và không lạ cái mới lạ duy nhất là mỗi lần nhìn lại, tự nhiên thấy nó vẫn đúng y hệt như cũ; dù đáng ra thì nó phải thay đổi. Một điểm nhìn mà không có gì thay đổi, cũng có nghĩa là một điểm nhìn không bình thường, không muốn nói là bất hạnh một điểm nhìn chết. Đặc trưng của tính tiểu nông cũng là sự quan tâm tới cách nhìn. Người nông dân sau luỹ tre làng (chuyện trước đây) thường chỉ biết cái vườn, con gà, thửa ruộng. . . và cùng lắm là những cái làng kế bên của mình. Vì thế, khi muốn nghĩ đến một điều gì cụ thể, trước tiên, họ nghĩ đến cái của mình trước, cái khác mình sau. Cái của mình sẽ được bảo vệ và cô lập với cái khác mình, trong quyền lợi và nếu quyền lợi bị xúc phạm. Quý cái của mình một cách thoái quá, đâm ra, không chấp nhận cái khác mình. Và từ đó, có xu hướng chỉ xem cái của mình là duy nhất; hoặc là trung tâm. . . Thứ hai, tính đứt quãng[3], đây cũng là một điểm nhìn không mới, nhưng không thể không nghĩ về nó, như là một trong những chìa khoá để vào nhà. Nếu tính tiểu nông thuộc về tính chất của nền văn minh và sự phát triển của nó (văn minh lúa nước thường gắn với sản xuất nông nghiệp, những tiểu nông đi ra từ đây); thì, tính đứt quãng thuộc về hoàn cảnh lịch sử. Như đã nói, cá nhân người sáng tác phải nằm trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Có thể cá nhân đó không quan tâm tới hoàn cảnh mà anh ta sống, nhưng những ràng buộc mà hoàn cảnh đè vào anh ta thì không tránh khỏi. Viết về chiến tranh trong ký ức thường tốt hơn ngồi viết trong điều kiện bom rơi ngoài cửa sổ. Ở một xứ sở mà luôn bị ngoại bang dòm ngó, cuộc sống luôn thấp thỏm, nhà văn chưa bao giờ được bình tâm để nghĩ về chuyện người, và chuyện mình. Vì thế, người cầm bút là người của một quãng nào đó; và một thế hệ viết văn, cũng là thế hệ của một quãng nào đó. Ở tác phẩm của họ, tính miêu tả (tính tin tức, phê phán, tuyên truyền) cho một hiện thực là rất cao. Chưa bao giờ (hoặc hiếm khi) có được một sự kế thừa, một sự phát triển tiệm tiến. Một nền văn học bị đứt quãng là một nền văn học không có lịch sử. Vì không có lịch sử nên dẫn đến nguy cơ không có văn hoá. Những người mới bắt đầu cầm bút, thường phải bắt đầu từ một quá khứ quá xa, xa hơn khoảng cách bình thường (vì trong khoảng cách đó không có văn học). Y như có người làm thơ, phải bắt đầu từ lục bát ca dao và dừng lại ở lục bát Nguyễn Du tất nhiên, một sự dừng lại ở mức thấp. Sự đứt quãng này cũng có một phần nguyên nhân từ ý niệm thứ nhất. Do quen với nhịp sống kiểu nhà nông, mọi việc xảy ra, cứ từ từ giải quyết (thật ra, thì không đủ tác phong và phương tiện để giải quyết). Tính đứt quãng thường dẫn đến tình trạng từ chối hiện tại, đúng hơn là chối bỏ hiện tại; vì hiện tại luôn bơ vơ, không được quá khứ (tất nhiên, quá khứ gần) hỗ trợ những bậc thang để bước lên và chuyển động. Vì thế, văn chương bị đẩy đến một tính chất rất quan rọng và rất đáng buồn, khi nhắc đến: tính hoài cổ. . . Tính hoài cổ cũng là kết quả tất yếu của 2 ý niệm vừa nêu. Nền văn học (cụ thể là thơ) mà chỉ biết nghĩ đến chuyện của mình, không chấp nhận chuyện khác mình và luôn luôn bị đứt mạch về sức sống thì tất yếu phải có tâm trạng hoang mang; không tránh khỏi sự cầu cạnh bấu víu vào những cái lớn, an toàn hơn. Mà cái lớn của nền thơ Việt chưa bao giờ thuộc về ngày hôm nay, lúc nào nó cũng nhìn vào một cái gì cụ thể trong quá khứ và lấy đó làm xuất phát điểm cho sự phát triển của hiện tại. Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương chưa bao giờ là cái lớn của thời đại mà nó ra đời. Nghĩa là hiện tại bị đứt quãng, vì thế phải hoài cổ, mà thực chất của hoài cổ là tìm về một hiện tại, đang ảo tưởng, là nó đầy đủ và có giá trị. Thật ra thì thơ Việt chưa bao giờ có được một giá trị tại hiện tại và chưa bao giờ tạo ra được một hệ thống; vì không có một hệ thống nên nó luôn luôn bị đứt quãng; và những giá trị mà nó hướng về luôn ở trong tình trạng không đầy đặn, không muốn nói là tủn mủn. Vì không có một giá trị đích thực, cho nên dẫn đến một quan niệm đầy ảo tưởng: quan niệm về cái còn sót lại. Cái còn sót lại không bao giờ là một di sản đúng nghĩa, vì nó có thể ngẫu nhiên là một di sản, hoặc có khi chỉ là một tác phẩm tồi. Quá khứ của văn học Việt là quá khứ tủn mủn.

Khác với các nền văn chương lớn, luôn biết nhìn mình trong thực tế một hệ thống và những ngoại lệ của hệ thống đó. Biết nhìn mình trong trí tưởng tượng, sự vô biên và những hạn định của trí tưởng tượng. Văn chương Việt nói chung, thơ Việt nói riêng, không có khả năng tưởng tượng, nên từ chối tưởng tượng. Từ chối tưởng tượng nên cũng có nghĩa là từ chối phép liên tưởng. Mà sức mạnh của phép liên tưởng là đem những vấn đề, những tư tưởng, những nền văn hoá, những nền văn minh. . . xích lại gần nhau. Văn học Việt không muốn xích lại gần, không muốn mình lớn lên. Tự bó mình trong thế giới hạn hẹp và tự xem đó là hiện thực. Thật ra, hiện thực với đầy đủ ý nghĩa của nó: hiện thực trầm tư, thơ Việt cũng chưa bao giờ đoạt đến.

Nói không phải để phê phán, mà để thấy rằng, thơ Việt luôn luôn bị đẩy vào tình trạng không đủ thời gian (thuộc về 3 ý niệm trên) để nghĩ dài và nghĩ nhiều. Vì thế, di sản và tài sản của thơ Việt, nếu cần gọi tên đúng, đó là sự lo âu là sự băn khoăn tự hỏi: nếu có đủ thời gian, cần phải làm gì trước tiên.

Xin trả lời, thơ Việt cần thay đổi cách nhìn, phải nhìn khác đi về thơ, cái mà đang được đa số ủng hộ. Không hẳn là mới hay cũ. Chỉ đơn giản là khi thay đổi cái nhìn cũ cái nhìn quen thuộc; để đứng ra riêng một chỗ, để nhìn vấn đề vô tư và sáng hơn. Khi ấy cái nhìn sẽ có “nhiều cửa sổ hơn”, có nhiều vấn đề để suy nghĩ hơn. Bởi đơn giản, một cái nhìn mà được nhiều người ủng hộ, triệt tiêu sự chống đốI thì đó là một cái nhìn không độc đáo, không mới, không vận đông; không muốn nói là cái nhìn đã chết.

***

Viết về những thứ, mà tự bản thân mình cũng xác nhận là không có gì mới, thì quả thật hơi chán. Nhưng sau 3 ý niệm được phác thảo trong vội vàng, tự thấy mình cũng làm được một việc; đó là, đánh đổ lòng tự hào hảo về cái di sản thơ mình đang có. Nó có thành tựu trong quá khứ, kệ nó; nhưng không phải vì thế mà cứ khư giữ lấy xương cốt thần linh (ăn mày dĩ vãng) mà quên đi những đòi hỏi thực tế của hiện tại. Và tự thấy 3 ý niệm vẫn còn cung cấp được một điểm nhìn đúng trong môi trường thơ Việt hiện nay; điều mà trước đây, thú thật, nếu có bị đánh chết, tôi cũng không công nhận./.

Mộc Gác 3/2003

_________________________

[1]Italo Calvino, Tính cách bội trương trong văn chương tương lai, Hoàng Ngọc-Tuấn dịch, Việt 6, tr.115.

[2]Nguyễn Hoàng Văn, Tinh thần tiểu nông trong văn học Việt Nam, Việt 6, tr.30_tr.43.

[3]Xem thêm : Nguyễn Ngọc Tuấn, Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam, Việt 6, tr.44_tr.60. Mọi thông tin về Việt, có thể xem tại: www.tienve.org


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021