thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xóm người Hoa

 

Bản dịch của Hoàng Hải Vân

 

OH JUNG-HEE

(1947~)

 

Oh Jung-Hee sinh năm 1947 tại Seoul, Hàn Quốc. Vốn yêu thích và có năng khiếu văn chương từ nhỏ, bà bắt đầu viết và có tác phẩm đoạt giải trong các kỳ thi viết văn từ khi mới học lớp ba tiểu học. Đến năm 1968 khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Sáng tác văn nghệ trường Đại học nghệ thuật Xlabol, Oh Jung-Hee đã chính thức ra mắt văn đàn bằng một truyện ngắn. Tính đến nay bà đã công bố khoảng trên bốn mươi tác phẩm bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút và truyện cho thiếu nhi.
 
Oh Jung-Hee được đánh giá là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Hàn quốc. Phong cách viết văn của bà có ảnh hưởng rất lớn tới lớp nhà văn nữ trẻ trong dòng văn học hiện đại Hàn Quốc. Oh Jung-Hee đã bốn lần dành được các giải thưởng văn học uy tín của Hàn quốc, đặc biệt có tác phẩm “Ván bài lúc hoàng hôn” đoạt Giải văn học Lee-Sang năm 1979 và tác phẩm “Chiếc gương đồng” đoạt Giải văn học Dong-In năm 1982.
 
Hầu hết các tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Đức, Mexico, Nhật Bản...
 

____________

 

XÓM NGƯỜI HOA

 

Đoạn đường sắt chạy dài cắt đôi thành phố thành hai vùng Nam-Bắc rồi dừng lại ở tận cuối cảng. Chiếc tàu chở than đột ngột dừng lại, ghìm cái đầu tàu tưởng như sắp tuột xuống biển rồi từ từ trút đống bột than đá xuống hố.

Vào những năm mùa đông ngắn ngủi thế này, lũ trẻ con chúng tôi tan buổi học là chạy ù về nhà, chẳng thèm đợi bữa trưa, quăng cái cặp là cả lũ lại kéo nhau đi ra xưởng xay xát lúa ở mạn phía Bắc cảng.

Khoảng sân ngập ánh nắng của xưởng xay xát lúc nào cũng trải đầy những bông lúa mì chưa khô. Chúng tôi lựa lúc không có bác bảo vệ, lẻn vào trong sân, trèo lên đống rơm, thi nhau nhét từng nắm lúa vào mồm rồi quay ra. Những hạt lúa xát vào răng lạo xạo trong miệng, vừa nhai vừa thổi phù phù cho lớp vỏ bên ngoài bay ra, còn lại những hạt gạo bên trong đâm tua tủa như cỏ trong miệng, ứa ra nước miếng cái vị ngòn ngọt, bùi bùi âm ấm. Nhai từ đó cho đến khi thấy dẻo như kẹo cao su thì cũng là lúc đến đường sắt.

Cuối cùng thì tàu cũng cập bến, hú lên vài tiếng còi rồi dừng lại hẳn, lũ chúng tôi ba chân bốn cẳng bò thật nhanh vào giữa cái bánh xe để vét bột than, thọc tay vào các lỗ cửa hổng, cời các bánh than ra. Đến chừng thấp thoáng những bóng đen sì của đám cửu vạn từ bãi than bên kia đường sắp đẩy xe đến nơi là cả hội nhét vội dép vào túi quần, xúc hết than vào bao xi măng đã thủ sẵn rồi cứ thể nhảy chân không qua hàng rào sắt.

Đẩy cửa quán ăn ở giữa cảng, chúng tôi xông vào chiếm ngay bàn ở góc trong cùng rồi tuỳ theo lượng than gặt hái được ngày hôm đó mà quy thành bánh mỳ, bánh bao, hay bánh rán...

Cũng có lúc than được quy ra thành củ khoai mật hay mấy viên kẹo đường... Ai cũng biết rằng ở quanh cái bến cảng này than cũng giống như tiền, nó có thể đổi được bất cứ thứ gì. Vì vậy mà trẻ con vùng này suốt bốn mùa đứa nào cũng giống như những con chó con đen nhẻm.

Khu phố chúng tôi ở là Xóm Hải An, còn được gọi là Xóm người Hoa, vào mùa đông không khí xám đi vì bụi than theo ngọn gió từ phía Bắc thổi đến, mặt trời cũng bị xám mờ đi như trăng ban ngày treo lơ lửng trên bầu trời u ám.

Bà tôi trước khi đem áo sơ mi của bố ra giặt riêng bao giờ cũng lấy một nắm rơm giấp vào tro sạch mới cời từ bếp ra đánh cho đến khi cái chậu đồng sáng choang lên mới thôi. Áo thì phải giũ đi giũ lại vài lần, hồ lại như mới rồi mới phơi vào góc sâu trong mái hiên nơi gió không lùa được vào.

— Bụi than của mấy thằng chết giẫm, khu này rồi đến không sống được mất thôi.

Bà tậc lưỡi, rồi nói tiếp như thể đang nói với tôi:

— Quặng vào cả nguồn nước đây này. Trước kia chỉ có phía Bắc mới bị thôi, giặt không thể trắng được mà cứ vàng ệch ra thế này, cái chất độc gì mà vàng thế cơ chứ.

Kỳ nghỉ đông vừa dứt, cô giáo chủ nhiệm gọi hết lũ trẻ con sống ở xóm người Hoa đến phòng trực của cô ở trường, bắt chúng tôi cởi áo, nằm úp xuống sàn, lấy nước ấm dội cho từng đứa một. Cô kỳ cọ từ tai, cổ đến từng kẽ móng tay móng chân cho đến khi không còn tý bụi than nào mới thôi. Việc kiểm tra vệ sinh thân thể bao giờ cũng kết thúc bằng những cái vỗ đen đét đến đỏ lưng. Chúng tôi vừa rúc rích cười vừa trùm lên đầu cái áo trong rơi lả tả những vảy da dính vào áo.

Mùa xuân này tôi đã bước vào lơp ba. Tan lớp học sáng, tôi cùng Chi-ok sánh vai thong dong trên con đường quen thuộc về nhà.

— Lớn lên tớ sẽ thành thợ uốn tóc.

Chi-ok nói khi đi ngang qua hiệu làm đầu ở ngã ba.

— Hôm nay là ngày uống thuốc tẩy giun nên cả lớp nhịn ăn sáng đi học nhé.

Cả tôi và Chi-ok theo lời cô giáo, vác cái bụng rỗng đến trường.

Không hiểu vì cái bụng rỗng, hay vì uống Santonin, hay tại mùi nấu lá hải nhân mà tôi thấy cả nắng, cả những mặt người lướt qua, cả cơn gió xuân đang luồn phần phật dưới chân váy, tất cả đều ệch một màu vàng.

Hai bên đường trừ những căn nhà tạm, còn lại hầu hết đều bỏ trống, chỉ còn lại hình hài những toà nhà đổ do các trận oanh tạc liên tiếp, xiêu vẹo, lỗ chỗ như hàm răng sâu.

— Rạp hát lớn nhất đấy.

Chi-ok chỉ toà nhà còn độc một bức tường còn nguyên vẹn như trước đây từng để treo bảng điện hay màn sân khấu. Nhưng nó cũng sắp đến ngày tận số rồi, mấy ông thợ xây đang đo đạc, tính toán vị trí bổ nhát cuốc đầu tiên. Đến một thời khắc nào đó, bức tường trắng đồ sộ ấy cũng sẽ tan tành chỉ sau một tiếng "rầm".

Một đằng thì đang moi móc nốt những viên gạch, mẩu sắt thép còn dùng được trong đống tường đã rụng rời.

— Đúng là thành cái bãi rác thật rồi.

Chi-ok ra dáng cụ non, bắt chước giọng người lớn lặp đi lặp lại mấy lần từ "bãi rác".

Người ta đang hối hả xây nhà như kiến xây tổ để tranh thủ lấp đầy những khoảng đất trống. Khắp mọi ngõ ngách trên đường chỗ nào cũng thấy các thùng phuy đun lá hải nhân.

Tôi và Chi-ok chốc lại phải dừng lại nhổ nước bọt vì lợm giọng.

— Uống thuốc vào nên lũ giun nó động cỡn lên thì phải.

— Không phải đâu, chúng nó đang tè đấy.

Cơn buồn nôn vẫn không dứt. Bọt lá hải nhân đun sôi sủi lên, khói than tổ ong nghi ngút, rồi cả mùi vôi trộn lẫn với tảo biển, tất cả tạo thành một luồng gió màu vàng.

— Sao người ta lại dùng lá hải nhân để xây nhà nhỉ? Tớ chỉ cần ngửi cái mùi ấy thôi là đã thấy đầu nhức như rứt từng sợi tóc ra rồi ý.

Chi-ok rũ rượi, thả hai cánh tay nặng trịch lên sau vai tôi. Nhưng tôi thì lại thủng thẳng bước, vừa đi vừa hít sâu như nuốt lấy cái cơn gió vàng sặc mùi hải nhân ấy.

Gia đình tôi chuyển về thành phố này từ mùa xuân năm ngoái. “Chỉ cần bố mày xin được việc làm thôi...” mẹ ngậm đầy nước vào miệng, phun phù một cái vào bao lá thuốc lá đã được xếp gọn gàng, đủng đỉnh nói.

Lèn chặt thuốc lá vào bao tải, chằng dây cẩn thận, mẹ đi từ lúc mờ sáng, hai ba ngày sau mà thường là lúc đã mệt nhoài, kiệt sức rồi mới trở về.

— Bây giờ có gan cóc tía cúng không đi buôn thuốc lá kiếm ăn được nữa rồi, bị quét dữ lắm, chỉ cần bố mày xin được việc làm thôi...

Bố đi tìm những người bạn cùng lớp đã thoát ly sớm hay xuôi về phía Nam đã có việc làm nhờ xin việc, cuối cùng thì bố cũng tìm được một chân phụ trách cửa hàng bán xăng dầu. Vào ngày xe hẹn đến chở chúng tôi đi, cả nhà dậy sớm nấu cơm ăn sáng, bó bọc đống chăn màn, đồ dùng sinh hoạt thành một mớ hổ lốn đồ đạc rồi khiêng cả xuống đường. Hàng xóm xung quanh cũng đã chào hỏi xong, đã quá trưa rồi vậy mà xe vẫn chưa đến.

Mặt trời sắp lặn, mẹ lôi chúng tôi đang ngồi bệt dưới đất chơi ô ăn quan đứng lên, vào quán mỳ gần đấy cho mỗi người một bát. Đồ đạc, quần áo đã gói ghém lại hết khi dọn nhà, chỉ còn lại mỗi bộ quần áo mặc trên người,ba anh em chúng tôi cứ lấy cổ tay áo quệt nước mũi đến bóng nhẫy cả cái cổ tay.

Trời đã tối hẳn, mẹ ôm em bé ngồi trên túi chăn, bỗng xuất hiện một chiếc xe tải đang đi tới từ phía bên kia cầu khiến mẹ hồi hộp ngoái nhìn theo. Phải một lúc lâu sau khi tiếng động cơ ầm ĩ và đền pha của chiếc xe tải mới hiện ra trên cầu, mẹ hét như reo “xe đến rồi”. Anh em chúng tôi mỗi đứa đang leo lên một bọc đồ ngồi cũng bật dậy. Chiếc xe dừng bánh, người phụ lái thò cổ qua cửa sổ nói gì đấy với mẹ. Mẹ quay lại chỗ anh em chúng tôi, chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh. Mấy anh em ngơ ngác nhìn nhau. Phía sau thùng xe, bóng những con bò sừng sững in đậm trên thành xe, trong bóng tối những cái sừng sắc nhọn, tiếng chúng oẹ ra rồi nhai lại thức ăn trong dạ dày cũng vang lên rõ mồn một.

— Họ thả lũ bò xuống rồi sẽ quay lại đón mình, thuê kiểu tận dụng xe trống lúc đi lên thế rẻ được một nửa nên bố mày làm thế.

Với vẻ mặt hờ hững, bà tuy chưa bao giờ phản đối hay có ý kiến gì trước những lời giải thích của bố nhưng lần này cũng có vẻ lo lắng không biết mọi việc có suôn sẻ không.

Phải đến hai tiếng sau xe mới quay lại. Thả lũ bò xuống một lò mổ cách đấy 30 cây số, rồi lại phải múc nước giếng cọ lại cái thùng xe đằng sau nên mới muộn thế.

Chất hết đồ đạc lên xe, cuối cùng mẹ ôm em bé ngồi vào giữa ghế của lái xe và phụ lái, xe chuyển bánh đúng vào lúc vang lên tiếng còi tầm nửa đêm của đoàn tàu xa hướng về phương Nam.

Tôi thò cổ qua khe đồ đạc chồng chất, cố ngoái lại nhìn ngôi làng đang xa dần trong bóng đêm. Ngôi làng, ngọn đồi sau làng, và cả rừng gỗ sau đồi tất cả chụm lại làm một, trong bóng tối chỉ còn thấy bé như bàn tay, và cuối cùng chỉ còn lại là một chấm đen như đang chạy theo chiếc xe tải.

Ra khỏi xã là đường núi. Đường xấu nên xe cứ xóc lên bần bật, chúng tôi bẹp dí giữa đống đồ đạc cũng liên tục bị bật lên bật xuống như búp bê có lò tự động. Bà cũng phải ghìm người xuống, nghiến chặt hai hàm răng cố không để phát ra tiếng các đốt xương kêu răng rắc sau mỗi lần người bị bật lên. Con đường xe đang chạy bắc qua một dòng sông. Mỗi lần xe xóc lên tôi lại tưởng tượng ra cảnh mình bị bật ra khỏi xe, rơi tõm xuống sông, những lúc như thế tôi thường nhắm tịt mắt lại, ôm thật chặt đứa em bốn tuổi vào lòng.

Dù đã vào mùa xuân nhưng những ngọn gió xuân vẫn lạnh buốt, sắc ngọt như lưỡi dao, rít ùng ùng bên tai, rẽ nước ràn rạt, quất vào da thịt rát như bị móng tay sắc nhọn cào đến bợt da.

Trong xe vẫn còn phảng phất mùi phân bò bết lại trên sàn.

-Lũ bò lúc nãy chết hết chưa nhỉ?

Tôi hỏi chị nhưng không thấy trả lời, khuôn mặt chị khuất sau hai đầu gối. Tất nhiên từ lúc đó đến giờ cũng đủ thời gian để chúng bị người ta cưa sừng, lột da, moi ruột ra rồi.

Trăng lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, đứa em bốn tuổi giơ nắm đấm giứ giứ lên trời, ngọng líu ngọng lô hét lên “cái lão trăng kia, sao cứ theo người ta nhằng nhẵng thế hả.”

— Cháu nó buồn tè.

Gã phụ lái ra hiệu cứ tè luôn ra đấy nhưng thấy bà chực nhảy xuống nên lái xe phải miễn cưỡng cho xe dừng lại. Gã phụ lái bế từng đứa bọn tôi xuống rồi nói cộc lốc “đái thì đái luôn thể cả lượt đi”. Mấy anh em khom lưng xuống đường, sợ rúm ró thế mà đứa nào cũng làm một bãi rõ to.

Đi vào những khu vực hành chính có thay đổi hay ở đoạn đường vòng thường có trạm kiểm soát nên thế nào cũng bị kiểm tra một lần. Mấy chú cảnh sát mặc quân phục ra hiệu cho kiểm tra xe, bà tôi thò đầu qua cửa sổ “mời các chú cư kiểm tra thoải mái, chỉ có mấy bọc đồ với lũ trẻ con đấy thôi”.

Xe dừng lại một lần để đổ xăng, hai lần để sửa chữa cái gì đó, vài lần qua trạm kiểm soát rồi lại chạy thâu đêm lướt qua những sông, những núi, những phố xá đang chìm sâu trong giấc ngủ. Đến khoảng trời sáng thì vào đến thành phố, tiếng động cơ cũ kỹ của chiếc xe chở cả nhà gầm rú như làm thành phố thức dậy.

Đến một xóm ven biển ở tận cuối thành phố, cả nhà tôi khuân hành lý đồ đạc xuống. Ánh trăng dõi theo chúng tôi suốt hành trình trong đêm giờ đã lặn xuống, nhường chỗ cho ánh mặt trời hắt tới từ phía Tây. Xe dừng lại trước một căn nhà hai tầng làm bằng gỗ cũ kỹ, dưới tầng một có mấy cái cửa kính ngay sát lề đường như một của hàng. Và trên cái cửa kính bị bụi đất làm chuyển thành màu vàng có một dòng chữ sơn đỏ “Trạm phân phối xăng dầu”.

Đó chính là ngôi nhà mà chúng tôi sẽ sống.

Lúc đi ngang qua phố, lòng háo hức và tò mò của một đứa trẻ từ quê chạy ra thành phố lánh nạn khiến tôi ngoái trước ngoái sau, ngọ ngoạy giữa đống hành lý để ngắm nhìn thành phố. Song nó lại rất khác với sự tưởng tượng trong mơ của tôi. Thành phố mà chúng tôi sắp tới thường hiện lên trong đầu tôi lung linh như những giọt bong bóng xà phòng ngũ sắc, hay lộng lẫy như cây thông trong ngày lễ Giáng sinh ở một đất nước xa xôi nào đó mà tôi cũng mới chỉ được nghe chứ chưa từng tận mắt chứng kiến.

Con đường bẩn thỉu, cũ nát nối với ngôi nhà gỗ hai tầng trông như một cái ban công bé con đặt giữa con đường chật chội, trong bầu không khí ồn ã, huyên náo như một trại gà đang cùng vươn vai vỗ cánh phành phạch đón bình minh.

Đó chính là tiếng pê-đan xe đạp lách cách của những người buôn đồ biển đi ra cảng lấy hàng từ sơm, tiếng bước chân của những người công nhân xưởng xay xát nơi cuối cảng. Họ đang tấp nập trên đường cùng đi lên đồi, vừa đi vừa tránh cái xe tải và đống đồ đạc đang vứt ngổn ngang.

Mặc dù đang ở một nơi có khung cảnh khác hoàn toàn so với vùng quê chúng tôi mới rời đi đêm qua, bỗng nhiên trong giây lát, người tôi ngây ra và phải cố định thần lại xem có đúng là mình đã chuyển nhà đên đây, vùng đất xa lạ này không.

Có lẽ đó là do một mùi hương gì đó, toả ra rất đậm trong không khí, rất quen thuộc, nó đã từng phảng phất trong giấc mơ mà tôi không còn nhớ chi tiết chỉ láng máng hình dung được cái khung cảnh ấy.

— Mùi gì ý nhỉ?

Bố đẩy cửa trạm xăng dầu bước ra, mắng té tát gã lái xe vì đã sai hẹn, anh ta lướt nhìn đống hành lý và chúng tôi đang ngơ ngác đứng nhìn vì tò mò và không biết phải làm thế nào, rồi phân bua với bố.

Tôi khi ấy là một đứa bé chín tuổi, mặc chiếc áo khoác ngoài mầu vàng để lộ một vết xước xanh thẫm sau gáy, cõng đứa em trên lưng nhưng cứ thấp thỏm muốn đi khám phá xem nơi mình sắp sống thế nào.

Cuối cùng thì cũng đến giờ dân cư ở đây tỉnh giấc, mở cửa sổ hay cửa ra vào ló cái đầu rối mù chưa kịp chải ra ngoài.

Giữa con đường, khoảng mười ngôi nhà hai tầng hình dáng giống hệt nhau xếp thành một dãy và cuối cùng đột ngột cắt ngang là nhà tôi.

Nhà tôi là điểm đầu của một con dốc thoai thoải đi lên đồi, trên đồi là những ngôi nhà hai tầng rất to, tường sơn màu ghi hoặc màu mực phai, nằm đối diện nhau giữa một con đường.

Tất cả các ngôi nhà nằm trên con đường chạy qua nhà tôi đều là hàng xóm. Nhưng so với bức tường rộng thì những cái cửa sổ và cửa ra vào có thể coi là nhỏ quá mức, tất cả các cửa kính, cửa chớp đều đóng kín mít, rõ ràng đây là ngôi nhà trống hoặc nhà kho.

Những mái nhà nghiêng, dốc ngược làm cho mái nhà trở thành quá hẹp so với diện tích rộng lớn của quả đồi nên trông hình dáng chúng rất lạ mắt và mất cân đối.

Chúng cao lênh khênh như một người khổng lồ ngạo nghễ, lạnh lùng nhìn xuống chân đồi. Dù ngay bên kia đồi là bến cảng tấp nập nhưng trông ngọn đồi vẫn trơ trọi như một hòn đảo ngoài khơi xa. Trên đó những ngôi nhà câm lặng như loại động vật giáp xác mang dáng vẻ cũ kỹ, cổ xưa nhưng chắc sẽ chẳng được sử sách nào ghi danh, đứng nép mình hướng về đại dương bao la.

Đồ đạc hành lý của gia đình tôi đã được giỡ hết xuống, xe tải cũng được nổ máy nhưng vẫn chưa chịu lăn bánh. Không nhận được số tiền như yêu cầu, gã lái xe như đánh bài ỳ, duỗi dài hai chân trên vô lăng mắt nhắm lại.

— Sáng sớm ngày ra có chuyện gì mà đã ầm ĩ lên thế.

Một giọng nói the thé, cộc lốc của một người đàn bà trẻ đập vào tai chúng tôi. Mẹ và chúng tôi ngẩng đầu lên, ngẩn người ra chưa biết phải làm gì. Cô ta mặc một cái áo quân phục dài trùm đến đùi để lộ cái chân trần trắng bốp, mái tóc dài lượn sóng xoã sau vai đang từ hiên nhà hai tầng đối diện đi ra.

Bố túm gáy anh tôi đang chạy tới chạy lui nghịch ngợm quanh cái lốp xe, búng cho một cái vào đầu rồi phì cười vì thấy như cả một tiểu đội những người xung quanh đang xúm lại đứng ngó nghiêng chúng tôi.

Sương sớm đã dần tan, ánh nắng ban mai bắt đầu làm không khí sáng dần lên nhưng những ngôi nhà trên đồi dường như vẫn chìm trong giấc ngủ. Làn sương mờ buổi sớm bị đẩy dần ra khỏi thành phố, song phía bầu trời trên đỉnh đồi, những đám mây u ám đầy nước lại đang tụ lại như báo hiệu điềm gở.

Một mùi hương gì đó bắt đầu toả ra khắp nơi như một luồng khí len lỏi theo bước chân đêm xoá tan bóng tối, như một tiếng thở mạnh bị ức chế, dồn nén từ lâu. Đúng rồi, tôi đã nhận ra đích xác cái mùi đó rồi. Chính nó xoá tan trong tôi cảm giác lạ lẫm nơi đây, con đường bỗng trở nên thân thuộc, gần gũi với tôi. Nó cũng chính là niềm hạnh phúc mỏng manh tôi cảm nhận được, bởi đó chính là màu không khí bao phủ ngôi làng tôi vừa rời khỏi hôm qua, nó đã in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi.

Vào tầm hoa bồ công anh bắt đầu nở là tôi hay sinh chứng chóng mặt, buồn nôn, bụng cứ nôn nao khó chịu làm tôi liên tục phải nhổ nước miếng. Suốt mùa xuân, bà tôi lúc nào cũng nấu lá hải nhân. Tôi lắc đầu nguầy nguậy kêu không uống, nhưng rốt cuộc tôi cũng phải cố gắng, khó nhọc lắm mới hết một bát. Và thế là cả đất trời như chuyển sang một màu vàng ệch, tôi như chìm vào cõi mê man, mộng mị, mệt mỏi, uể oải như cái cảm giác mà thỉnh thoảng người ta vẫn cảm thấy vào mùa xuân. Những lúc đấy tôi không còn biết đến cả thời gian sáng hay tối nên thường phải hỏi bà. Bà cười cười mắng yêu “cha bố chị chứ, không biết thật hay giả vờ đấy”.

Trong lúc mơ màng chìm trong cái không gian màu vàng ấy, tôi thấy mình như đang đi trên đồi, bỗng nhìn thấy một trong các cửa sổ của những ngôi nhà hai tầng luôn đóng chặt cửa ấy bật mở, trong đó hiện ra khuôn mặt trắng bệch của một người con trai trẻ tuổi.

Mẹ tôi mang thai đứa em thứ bảy, mỗi sáng trước khi đi học tôi thường vác cái bát nhôm đi ngang qua con đường có những ngôi nhà của người Hoa để đến bến cảng. Vì chỉ có những con sò tươi trộn mật ong mới có thể làm mẹ yên bụng được. Không thể nén được tò mò, dù rất sợ, tôi vẫn liều rón rén đến trước những ngôi nhà đóng kín mít trên đồi. Từ lưng đồi chỉ chạy khoảng hai bước chân là đã hết Xóm người Hoa và trước mắt sẽ hiện ra bến cảng tấp nập.

Tôi chạy một mạch đến con dốc trên đồi, ở đây đã nghe thấy tiếng cửa hàng ngay trên đường đang lục đục mở cửa.

Đó là cửa hàng thịt lợn mà khoảng mỗi tuần một lần tôi đến mua nửa Kưn hoặc có lúc là nửa của nửa Kưn. Lúc đưa tiền mẹ không bao giờ quên dặn tôi “thấy trẻ con là họ bán điêu đấy, cứ bảo là đừng có thấy cháu trẻ con mà cho có một tý thế này” với lại “cho cháu chỗ nạc ý, không lấy mỡ đâu”.

Cửa hàng thịt đó là của một cụ già người Hoa lưng gù, có một cái bướu to trên má lệch hẳn về một bên như bị ai cho một cú trời giáng, lúc nào cũng đưa bàn tay thô ráp chẳng có chút sinh khí nào lên vuốt bộ râu dài.

— Đừng thấy cháu trẻ con mà bán đắt đấy nhớ.

Tôi liến thoắng cái mồm, ông cụ kiễng chân, khó nhọc đặt cái cằm lên phản thịt và lôi tiền vào ngăn kéo. Như không hiểu tôi nói gì, ông cụ quay bộ mặt u ám sang nhìn tôi rồi lấy con dao trong cái bao da treo trên tường để cắt thịt. Sợ cụ cắt mất trước khi nói nốt câu mẹ dặn, tôi vội vàng:

— Cho cháu chỗ nạc ý.

Ông cụ cười khùng khục rồi tay thoăn thoắt xẻo một miếng thịt.

— Sao lại chỉ lấy nạc thôi, phải lấy cả lông, cả bì nữa chứ?

Nối ngay với cửa hàng thịt là một hàng tạp hoá bán trà Trung quốc, hạt tiêu, đường đỏ theo Kưn. Ở phố này chỉ có độc một cửa hàng của người Hoa này. Mọi người quanh đây thỉnh thoảng chỉ rẽ vào hàng thịt để mua thịt lợn, còn hàng tạp hoá thì hầu như không có người lui tới. Vì ở đây những thứ như quần áo, giày dép, hay các loại hoá chất như thuốc nhuộm, thuốc pháo... chả ai cần đến cả.

Vào những ngày trời nắng đẹp thì cửa hàng cũng chỉ mở một cửa nên lúc nào nó cũng tối tăm và cáu đầy bụi bặm. Nhưng cứ đến chập tối là người Hoa lại tập trung lại bán các loại giỏ. Những người đàn bà tóc búi tó sau gáy, tai đeo một cái khuyên bạc to đùng, nặng trĩu, bước đi xiêu vẹo do bàn chân bị bó vải, lặng lẽ hướng về xóm người Hoa.

Đám đàn ông thì vác ghế ra ngồi trước cửa hàng, lặng lẽ ngậm cái tẩu thuốc hồi lâu rồi lại biến mất như lúc đến. Họ hầu hết là những ông già lớn tuổi.

Chúng tôi ngồi bệt trên hè, chỉ tay về phía họ.

— Hút á phiện đấy, lũ người nghiện ngập

Quả thật làn khói màu vàng toả ra từ cái tẩu dài ngoẵng đó đang tạo thành một lớp không khí vàng khè bay trong không gian.

Các ông già người Hoa đó thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Dù sống ngay sát một khu xóm có tên là "Xóm người Hoa" như vậy nhưng chỉ có lũ trẻ con chúng tôi là quan tâm tới những người Hoa đó. Còn người lớn thì không có ai để ý đến họ, mà nếu có nhắc đến thì cũng gọi họ một cách khinh miệt “bọn tàu khựa”.

Trẻ con chúng tôi hoàn toàn không được tiếp xúc với họ nhưng những ngôi nhà hai tầng trên đồi và cuộc sống của những con người trong đó luôn là chất kích thích trí tưởng tượng và tò mò của chúng tôi.

Trong mắt chúng tôi, họ là lũ người buôn lậu, nghiện ngập, dân bốc vác bủn xỉn đếm đến từng mũi kim sợi chỉ của cả manh áo rách tả tơi, là toán cướp tung vó ngựa đi cướp đất đai, là lũ người man rợ dám moi gan kẻ thù rồi xẻo anh một miếng, chú một miếng cùng nhai, là bọn đồ tể làm bánh bao thịt người, nhìn đằng sau thì như những cục đất của đồng bằng Bắc Mãn Châu vừa chổng mông huơ huơ cái gậy trước khi kéo quần. Những con người sống trong ngôi nhà luôn đóng chặt cửa kia, dù có kết bạn mười năm cũng không biết được lòng dạ họ muốn gì, vàng hay thuốc phiện, hay chỉ đầy hoài nghi.

 

— Vào nhà tớ làm bài tập đi!

Về đến cửa nhà, nhìn thấy chăn đệm đang giăng ra phơi trên ban công tầng hai, Chi-ok rủ tôi. Chăn đệm phơi ra, điều đồng nghĩa với việc chị Meki không có nhà. Vì nếu có nhà không bao giờ chị ấy rời khỏi cái chăn và chiếc giường của mình. Tôi ngập ngừng, lưỡng lự liếc về phía nhà mình bên phía đối diện. Mẹ và bà tôi gọi nhà Chi-ok là nhà “Me Tây”. Nhưng ở cái phố này chỉ có mỗi nhà tôi là không cho Tây thuê. Họ mở toang cánh cửa hướng ra đường, ngang nhiên ôm vai bá cổ lính Mỹ, rồi phơi đủ các loại váy áo, các loại “phụ tùng” rực rỡ sắc màu, những chiếc ga trải giường loang lổ, nhớp nháp ra ngoài ban công tầng hai, nơi đón nhiều ánh nắng mặt trời nhất để hong khô dấu vết những cuộc mây mưa đêm hôm trước.

Bà tôi không thể chịu nổi cái cảnh quần áo đàn bà, nhất là đống đồ lót kia bày ra trước mắt thiên hạ, mỗi lần như thế bà lại chép miệng, lắc đầu ngao ngán, “trơ trẽn đến thế là cùng”.

Bố mẹ Chi-ok ở tầng dưới, còn phòng lớn trên tầng hai gã da đen thuê để ở cùng với chị Meki. Chi-ok ở một căn phòng dài nhưng hẹp, nằm ở phía trong căn phòng lớn đó. Vì thế mà mỗi sáng sang gọi Chi-ok đi học tôi lại gặp họ, chị Meki thì giờ đó vẫn đầu tóc rối mù nằm trong chăn, còn gã da đen béo ú thì ngồi trước bàn trang điểm nghiêng người tỉa râu bằng một chiếc kéo bạc nhỏ xíu. Chị Meki vừa nằm trên giường vừa vẫy tay ra hiệu vào đi nhưng tôi chỉ dám liếc qua phòng, rồi đứng tránh cánh cửa mở hé đợi Chi-ok đi học.

Linh cảm cho tôi biết gã da đen là một người đàn ông u buồn. Bởi gã có đôi mắt xám xịt, bộ ngực nung núc thịt sệ xuống, tiếng nói lúc nào cũng lầm bầm trong miệng và nhất là chưa bao giờ thấy gã cười với tôi cả.

— Lúc nào đi học cứ gọi tớ từ dưới đường cũng được. Lão da đen bảo không thích cậu lên lúc buổi sáng.

Chi-ok nói thế nhưng sáng tôi vẫn kẽo kẹt leo lên cầu thang tầng hai, qua phòng chị Meki gọi Chi-ok.

— Hôm nay chị Meki đến đêm mới về, chơi ở trên giường cũng được.

Mẹ tôi đang trong giai đoạn nghén nên mặt lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu nằm ở phòng trong. Anh trai thì đi bắt dế, bà cõng em út mới cai sữa trên lưng nhong nhong dỗ nó.

Phòng chị Meki bị cái cửa chớp chặn hết ánh sáng nên tối om, Jeni con gái chị đang ngủ trên giường. Chi-ok mở cửa phòng, lôi hộp bánh lấy ra đúng hai cái rồi đậy lại cất ngay vào chỗ cũ. Bánh hơi ngọt và thoang thoảng có mùi kem đánh răng.

— Đẹp thật đấy,

Tôi chỉ vào lọ nước hoa trên bàn trang điểm, Chi-ok cầm cái lọ dốc ngược, lắc lắc rồi làm điệu bộ xịt vào hai bên nách rồi nói “đồ của Mỹ đấy”. Chi-ok lại thò tay vào hốc tường lôi ra hai viên kẹo.

— Kẹo ngon quá.

— Đồ của Mỹ mà lại.

Chi-ok tưng tửng đáp. Jeni đã thức, mở mắt thao láo nhìn hai đứa chúng tôi.

— Jeni xinh nhỉ? Jeni à, các chị phải làm bài tập bây giờ, ngủ thêm một tý nữa nhé.

Chi-ok lấy tay xoa lên lông mày ngọt ngào dỗ Jeni, cô bé lại ngoan ngoãn nhắm mắt lại như con búp bê con.

Tất cả mọi thứ trong phòng chị Meki cái gì tôi cũng thấy lạ. Tôi luôn miệng xuýt xoa khen, Chi-ok cho tôi sờ vào mỗi thứ một tý: những chiếc lọ pha lê, mỹ phẩm, váy ngủ... rồi lại xoá sạch dấu vết, để lại y nguyên như cũ như chưa từng có ai động vào.

— Thích thật đấy.

Chi-ok lôi ra một cái bình hình quả bầu, mầu xanh lục trong ngăn kéo đầu giường. Nó mở cái nắp màu vàng, rót vào đấy một ít rồi đưa cho tôi.

— Uống thử xem, ngọt và thích lắm.

Tôi dè dặt hớp một ngụm, Chi-ok đổ thêm cho đầy nắp rồi uống ực một hơi. Nó lấy ngón tay đo khoảng nước bị rút đi, áng chừng khoảng hai đốt ngón tay, Chi-ok lấy nước trắng đổ vào cho đúng như lượng lúc đầu rồi lại đậy nút, cất vào ngăn kéo.

— Thế nào, ngon không?

Trong miệng như có bạc hà, người tôi nóng bừng lên nhưng lại có cảm giác rất sảng khoái.

— Cái này phải tuyệt đối bí mật đấy nhé.

Trong phòng chị Meki dường như mọi cái đều là bí mật. Chi-ok lôi từ khe nhỏ của tủ quần áo ra một cái túi nhung, nó đổ ra một sợi dây chuyền ngọc trai loại có ba vòng, khuyên tai, trâm cài đầu đính pha lê màu sắc lóng lánh va vào nhau phát ra những tiếng kêu trong veo. Chi-ok lấy ra một chiếc dây chuyền bằng pha lê to đeo lên cổ, đứng ngắm nghía mình trong gương, nó nói rất quả quyết.

— Lớn lên tớ cũng sẽ thành Me Tây, chị Meki bảo nó cho hết, cả quần áo, giầy, dây chuyền nữa.

Các mạch máu trên người tôi dường như đang dồn hết xuống các đầu ngón tay, ngón chân, mí mắt trĩu xuống, hơi thở ngột ngạt, vì phòng tối quá chăng? Mỗi lần thở ra lại ợ lên toàn mùi bạc hà. Tôi đứng lên ra mở toang cánh cửa chớp thông ra ban công. Ánh nắng chói chang, vàng rực cùng gió, bụi ùa vào, căn phòng bỗng nhiên biến thành cái lò sưởi hầm hập. Tôi tựa đầu bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài, hướng về phía xóm người Hoa trên đồi. Lại một lần nữa tôi bắt gặp khuôn mặt người đàn ông trẻ tuổi bên khung cửa tầng hai đang nhìn vào hư không. Bỗng một nỗi buồn không thể lý giải, một nỗi đau xuyên thấu tâm can đang hình thành, như một làn sóng len lỏi, trào dâng khắp cơ thể tôi.

— Sao thế, chóng mặt à?

Chi-ok hỏi nhưng đã thừa biết công hiệu và tác dụng của thứ nước màu xanh lục. Tôi lắc đầu. Tôi không thể hiểu, không thể lý giải được tại sao tâm trạng của mình lại bị tác động bởi cái cửa sổ tầng hai của ngôi nhà kia đến thế. Vào đúng khoảnh khắc đó, cánh cửa gỗ nặng nề đóng sập lại, bóng dáng người đàn ông cũng biến mất.

Có ánh nắng chiếu vào, sợi dây chuyền pha lê càng thêm lấp lánh. Chi-ok ngậm một viên pha lê vào miệng, lặp lại một lần nữa:

— Tớ sẽ trở thành me Tây.

Tôi đóng cánh cửa chớp quay vào phòng nằm vật ra giường. Anh ta là ai nhỉ? Tôi cố lục lọi lại ký ức và cả những giấc mơ mà trong đó hình như đã từng thấp thoáng bóng dáng người đàn ông trẻ kia.

À phải rồi, tôi đã gặp anh ta vào mùa thu năm ngoái ở tiệm cắt tóc. Người bé tí, tôi ngồi lọt thỏm trong cái ghế rộng vành rồi lại leo lẻo với bác thợ cắt tóc theo lời dặn của mẹ.

— Cắt cho cháu đầu vuông. Đừng có cắt thành cái nồi đất đấy, trông mặt phèn phẹt ghét lắm.

Nhưng rốt cuộc khi cắt xong thì trong gương vẫn hiện ra một cái mặt phèn phẹt đúng như cái nồi úp. Bác thợ cạo an ủi:

— Đằng nào thì cũng cắt rồi, lần sau bác cắt cẩn thận cho.

— Tại bác không chú ý vào cắt, chỉ lo tán gẫu nên nó mới thế này chứ.

Tôi câng câng đáp lại, bác thợ cạo sượng mặt, giật mạnh cái ghế, quát lại tôi:

— Con bé này láo thật, loại như mày rồi lại thành đồ bỏ đi thôi, lúc chui từ bụng mẹ ra cái mỏ mày chui ra trước à?

— Ông khỏi lo, đồ bỏ đi cũng không đến nỗi phải đi làm phó cạo như ông đâu.

Cả tiệm cắt tóc rộ lên tiếng cười, thấy tôi cứ tưng tửng chả biết sợ là gì, ai cũng phải ngoái lại nhìn. Chỉ có bác thợ cạo và một người đàn ông trẻ ngồi trong góc tiệm, trên người trùm một chiếc khăn là không cười. Anh ta làm ra vẻ lơ đễnh, liếc nhìn tôi qua gương. Đột nhiên trong đầu tôi lại xuất hiện ý nghĩ rằng người đàn ông kia là người Trung quốc. Dù trước kia mới chỉ thoáng thấy anh ta từ phía bên kia đường và chưa bao giờ giáp mặt nhau nhưng không hiểu sao tôi lại có cảm giác như vậy.

Tôi đứng dậy, hai tay tháo cái khăn trên cổ vứt xuống ghế, đi thật nhanh ra cửa, đứng chống nạnh hét toáng lên: “Ông suốt đời đến chết cũng chỉ làm được đến cái nghề thợ cạo này thôi”, rồi ù té chạy một mạch về nhà.

Bố tôi rất chăm chút cho ngôi nhà như thể để cố gắng bù lại và xoa dịu nỗi tủi nhục đã phải trải qua mỗi khi nhớ lại thời gia đình lâm nạn, phải đi trú trọ tạm bợ, thậm chí có lúc phải chui nhủi trong lều bạt dưới gầm cầu, bố mẹ thức cả đêm ôm chúng tôi vào lòng dỗ cho mấy anh em yên giấc.

Mảnh sân bé bằng bàn tay cũng được biến thành căn phòng, nhà tôi cái gì cũng chắp vá giống như những đứa trẻ lần đầu học may, thấy cái túi hay manh áo hở ra chỗ nào trống là đắp ngay vào một miếng vá, làm thành cái túi ngầm bên trong. Vì thế mà trong nhà giống như một cái tổ tò vò rối rắm phức tạp, đang chỗ hẹp thắt lại bỗng xuất hiện một khoảng trống dài và nhất định phải có một chỗ nào đấy mà nếu nấp vào thì không ai có thể phát hiện ra được.

Tôi chạy về nhà, chui vào góc phòng cạnh nhà vệ sinh chứa đầy những đồ đạc linh tinh và đống quần áo cũ bó chồng chất. Dù chui cổ vào miệng một cái vại trống, nỗi buồn như dòng nước chảy xiết làm cong oằn toàn bộ cơ thể tôi vẫn không chịu nguôi ngoai. Sau đó tôi nhiều lần ra mở cửa sổ và lại như cảm nhận được ánh mắt của người đàn ông đó đang nhìn vào hư không. Thời điểm đó, đại loại là lúc mọi người đang ngồi túm tụm trước cửa quầy xăng dầu nhà tôi để đợi tờ báo tin tức buổi chiều.

— Jeni, Jeni dậy đi. Mẹ về rồi.

Chi-ok giả vờ, nhẹ nhàng, âu yếm gọi Jeni dậy. Jeni mở mắt, ngồi ngay dậy. Chi-ok lấy nước từ bồn rửa mặt từ tầng dưới lên. Jeni bị nước xà phòng vào mắt, vậy mà nó không khóc, chúng tôi gội đầu, tắm rửa, xức nước hoa, thay quần áo cho nó. Jeni là một đứa trẻ lai da trắng, đã sáu tuổi rồi nhưng vẫn không biết nói. Nó không thể tự mặc quần áo và đương nhiên cả việc cầm đũa cầm thìa cũng vậy, đút một miếng cơm vào mồm thì cứ nó nghiêng cho chảy hết về một bên tai. Mỗi khi gã da đen đến, Jeni bao giờ cũng phải sang phòng Chi-ok.

“Con đồ thú vật”. Bằng ánh mắt pha chút hiếu kỳ nhưng giống như lúc bà nhìn thấy loại thú có lông — loài động vật mà bà ghét nhất, bà thường nói như vậy mỗi khi nhìn thấy Jeni ngoài cửa hay trên ban công. Tôi rất sợ ánh mắt đó của bà. Có lần nhà tôi từng nuôi một con mèo để bắt chuột. Con mèo đó đẻ liền một lúc bảy con, sau lần vượt cạn vất vả, bà tôi thưởng cho nó một bát canh Mi-ok cho lại sức.

Rồi bà nhìn xoáy thẳng vào mặt nó, ngân nga một câu hát vài lần như một đoạn điệp khúc của bài hát nào đó “con bướm đẻ ra con chuột, đẻ ra bảy con chuột...”

Đêm đó, mèo mẹ ăn thịt cả bảy con mèo con, chỉ để lại những phần đầu, rồi nằm rên hừ hừ cả đêm với cái mồm nhoe nhoét máu. Bà tôi gói bảy cá đầu bé xíu vào giấy báo rồi đem vứt ra cống như đã biết trước và đang đợi để làm việc đó. Mẹ tôi thường nói, bà là người cực kỳ sạch sẽ, ngăn nắp nhưng tính khí lại rất lạnh lùng vì bà chưa từng sinh nở bao giờ. Bà không phải là mẹ đẻ của mẹ tôi. “Về nhà chồng được ba tháng thì chồng đã mắt la mày lém nhìn cô em vợ. Vì thế mà hai cụ không ở với nhau được nữa. Thế nên bà mới sống dựa vào đứa con gái riêng của chồng này”. Mẹ tôi thì thào với bà họ hàng xa.

Jeni như một con búp bê sống của Chi-ok. Nó có vần vò con bé thế nào hay ba mươi phút nó lại lôi ra tắm rồi thay quần áo cho Jeni một lần, chị Meki cũng không nói năng gì cả. Jeni lúc là một đứa trẻ, lúc biến thành một bệnh nhân, nhưng lại có lúc trở thành thiên thần bé nhỏ. Tôi thật lòng ghen tỵ với Chi-ok.

— Ấy cũng có em còn gì? — Chi-ok ngỡ ngàng hỏi tôi.

— Nhưng không phải em ruột.

— Thế mẹ ấy cũng không phải mẹ đẻ à?

Tôi nuốt nước bọt khô khốc.

— Ừ, mẹ kế đấy.

Mắt Chi-ok rơm rớm nước.

— Hoá ra là thế à, thảo nào tớ cũng cảm thấy thế. Này bí mật nhé, mẹ tớ cũng là mẹ kế đấy.

Chi-ok nói bí mật nhưng ở cái xóm này không ai là không biết nó là con riêng của bố nó. Chúng tôi ngoắc tay, thề sẽ giữ bí mật của nhau.

— Thế mẹ ấy có đánh, có rủa ấy chết đi không?

— Có, lúc chỉ có mình tớ, không có ai ở nhà

Chi-ok tụt quần xuống chìa cho tôi xem nốt tím bầm ở đùi rồi nói chắc nịch:

— Tớ sẽ đi khỏi nhà, sẽ thành me Tây.

Còn tôi, trong lòng thầm ước giá như đúng thật tôi là con riêng của bố để có thế tự ý bỏ nhà đi thì tốt biết mấy.

Mẹ tôi đang mang bầu đứa em thứ bảy. Nhứng đứa trẻ con nhà nghèo chúng tôi đang sống ở cái xóm người Hoa này không có đứa nào tin rằng trẻ con là do một thiên thần nào đó ôm tới, trao cho những ông bố bà mẹ trong đêm hay chúng được chui ra từ lỗ rốn. Tất cả đều biết rất rõ rằng chúng chui ra từ một cái khe giữa hai bắp chân lột trần của những người đàn bà mà chúng phải gọi là mẹ.

Một đám trẻ con vận độc quần đùi áo may ô tụ tập trong sân tenis của doanh trại quân đội chơi trò phi dao. Lưỡi dao hướng về bia ngắm, nơi có những vòng đồng tâm đều tăm tắp, xé toang không khí, vút đi như một chiếc kim ánh bạc. Trong một khoảng khắc, ánh sáng đó loé lên sắc lẹm như một sợi tóc bạch kim nổi bật trên mái đầu đen nhánh của một thanh niên trẻ tuổi. Sau mỗi lần lưỡi dao vút đi, cắm phập vào chính giữa tâm điểm của bia ngắm, chúng tôi lai nhảy dựng lên, thét hú như một bầy thú hoang, những lúc ấy tôi cảm thấy lưỡi gà trong cổ họng mình cũng rung lên, nước miếng ứa ra cũng như nóng sôi lên vậy.

Ngắm chính xác mục tiêu, lùi lại một bước, nới rộng cự ly với đích ngắm, đứa trẻ da trắng vừa phi một cú trước đó bỗng đột ngột xoay hướng bàn chân vào đúng khoảnh khắc vung lưỡi dao lên. Cùng với một tiếng vút xé gió, lưỡi dao phi thẳng về phía chúng tôi. Chúng tôi hét lên thất thanh rồi theo phản xạ nằm rạp xuống chân tấm lưới sắt. Giữa hai háng chân một dòng nước ấm nóng rỉ ra. Sau giây lát định thần, chúng tôi ngẩng đầu lên, đưa những khuôn mặt trắng bệch nhìn theo hướng tay chỉ của một tên lính Mỹ. Cách chỗ chúng tôi khoảng hai bước chân là một con mèo nằm nghiêng, ngực bị lưỡi dao cắm phập, đang huơ huơ bốn chân trên không. Con mèo chuyên ăn cắp vừa chạy ra từ thùng rác của doanh trại. Khi chúng tôi xô tới vây quanh thì bộ râu cước của nó vẫn còn rung lên lật bật.

Bất ngờ anh tôi túm nó lên, rồi chạy. Chúng tôi chạy hùa theo sau. Chỗ quần ướt ngấm vào vùng da bị xước xót kinh khủng. Anh chạy miết cho đến khi không còn nhìn thấy lều trại của doanh trại nữa thì dừng lại. Cùng lúc đó, như mới ý thức được vật mình đang cầm trên tay là gì, anh tôi rùng mình liệng xuống. Con mèo đen rơi bịch xuống đất.

— Sao lại lôi nó chạy đến đây?

Một đứa hỏi giọng đầy trách móc. Một thằng nhóc có biệt hiệu Napoleon lấy hết can đảm ra rút lưỡi dao mỏng, sắc ngọt như lưỡi khoan ra khỏi ngực con mèo, quệt máu xuống bãi cỏ rồi dấu lưỡi dao vào túi quần. “Mang gậy lại đây”. Một đứa chạy đi tìm mang về một cành cây vừa mới trồng trong ngày tết trồng cây năm ngoái.

Anh tôi rút thắt lưng da, buộc vào cổ con mèo rồi treo nó lên đầu cành cây. Cả lũ lặng lẽ băng qua con đường.

Cành cây đặt tựa vào vai anh tôi liên tục trĩu oằn xuống vì sức nặng của thân con mèo. Khi tới xóm người Hoa, ánh mặt trời mùa hạ đổ dài, nghiêng xuống mặt đường, cắt đôi thân con mèo.

Những công nhân xưởng xay xát đầu bị một lớp bột mỳ phủ mờ như một lớp sương giá, vừa đi ngang qua chỗ chúng tôi vừa khua lách cách tiếng cặp lồng cơm rỗng.

Trời đã về chiều, chúng tôi hướng về phía cảng, bước chân dẫm lên bóng con mèo đen đổ dài trên nền cỏ. Tôi lại ngước nhìn lên khoang cửa sổ mở trên tầng hai ngôi nhà đó, khuôn mặt người đàn ông lại hiện ra và đang nhìn theo đám rước của chúng tôi bằng một ánh mắt khó hiểu với một nụ cười thấp thoáng. Song ẩn chứa đằng sau nụ cười ấy như có một nỗi buồn, nỗi đau khôn xiết.

Đến cảng, lũ chúng tôi hạ cành cây xuống, tháo con mèo ra khỏi cái thắt lưng. Anh tôi thuỷ nước bọt, thắt lại thắt lưng vào cái quần lỏng lẻo nãy giờ cứ chực rơi xuống. Vứt xác con mèo xuống bờ đê, nơi đang nổi lềnh bềnh xác cá chết lật cái bụng trắng hếu với những rác rưởi, chai lọ.

Mặt trời đang dần buông, chúng tôi quyết định rủ nhau vể hướng công viên. Vào tầm này các ả me Tây đang lũ lượt kéo nhau vào công viên, để vào được qua cổng công viên phải qua một chiếc cầu thang. Nếu nằm phục dưới chiếc cầu thang đó, ngửa mặt lên là có thể được ngắm thoả thích những cặp chân trần mà trên đó là chiếc quần hình tam giác đủ màu, căng tròn như bên trong được độn những chiếc giỏ nổi gân xanh lè như gân cá voi. Chúng tôi leo từng bước lên cái cầu thang cao vút như tới tận chân trời, giờ này chắc họ đang gào thét gì đó hay ngồi trên bãi cỏ, ngân như xé cổ bài dân ca Chaeng Phu Tha Ryeng “tuổi trẻ của tôi thấm đầy nước mắt trong mỗi bước chân đi, ngoái đầu nhìn lại những việc đã qua, a...a... tiếng chuông thánh đường Santamaria ngân”.

Chỗ cao nhất của công viên này là nơi đặt bức tượng đồng của vị tướng quân từng là tổng chỉ huy cuộc hành quân đổ bộ của liên quân. Đây cũng là nơi có thể ngắm được toàn cảnh thành phố.

Những lá cờ hiệu nhỏ xíu như những tờ giấy màu bay phấp phới trên nóc những con thuyền lớn nhỏ vừa thả neo xuống cảng, những chiếc cần trục hối hả bốc hàng lên tầu.

Một con tàu chở hàng của người nước ngoài đậu lặng lẽ như một con cá chép khổng lồ bên bến cảng trông giống như một hòn đảo ngoài khơi xa.

Tiếng chuông của một thánh đường phía sau công viên đổ liên hồi. Đó cũng chính là âm thanh đuổi theo chúng tôi từ khi vứt con mèo xuống biển. Mà không, từ trước đó, âm thanh đó cứ rung lên liên tục, không ngớt theo một nhịp điệu nhất định, nó làm thuần hoá mọi dục vọng đang bị kiềm chế ở mức cao độ thành một vòng tròn đơn nhất. Như một tiếng sấm xa của đêm hè làm bừng tỉnh cơn mơ, hay những tiếng bánh xe tàu hoả nhọc nhằn chạy trong đêm sâu, nó mang đến cho người ta nỗi sợ hãi, bí hiểm không tài nào hiểu nổi.

Nữ tu sĩ nào đó qua đời chăng. Ai đó đã nói thế. Chúng tôi ai cũng biết rằng khi tiếng chuông trong nhà thờ rung liên hồi như vậy có nghĩa là một nữ tu sỹ mới lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng.

Bên kia đường sắt, cột khói đen sì từ ống khói của nhà máy xay xát đang tuôn ra cuồn cuộn như đang trong thời chiến, đẩy lên bầu trời thành phố vốn đã bị chiến tranh làm cho tơi tả. Dù đã trải qua trận oanh tạc bắn phá ác liệt trong lịch sử, chỉ còn những ngôi nhà cũ kỹ của phố tôi và những ngôi nhà hai tầng trên đồi của xóm người Hoa là còn giữ lại được dáng vẻ nguyên vẹn.

Ánh nắng vẫn lưu lại trên thành phố song phải chăng vì đám bụi than bay đến từ bãi than theo luồng gió phương Bắc quyện vào không khí như chất phóng xạ khiến cho xóm người Hoa đã bị chìm trong bầu không khí tối tăm ẩm ướt như bị phủ một lớp sương mù dày đặc.

Khung cảnh xóm người Hoa nếu nhìn từ đỉnh núi cao nhất thành phố xuống thì hình ảnh nổi bật là những mảnh quần áo lót đủ loại, những tấm chăn loang lổ, trải rộng, phơi ngoài ban công của những căn nhà gỗ hai tầng đen màu bồ hóng. Nó như một cái bóng, một nụ cười huyền bí ám ảnh, trĩu nặng lên không gian của xóm như một cái cân thuỷ ngân bị ai đó dìm một bên xuống, hay như cái đuôi tàu bị nước nhấn chìm trước khi con tàu bắt đầu chao nghiêng chìm nghỉm. Ở sân vận động phía đông thành phố, ánh đuốc đã bùng lên. Trong ánh tàn dương, chỉ có ánh đuốc là bừng sáng, hừng hực lên theo gió. Mọi người hô hào nhau vào để gào thét.

“Ba Lan, Tiệp Khắc cút ngay. Lũ bù nhìn cút ngay.”

Mùa hè, ánh mặt trời vừa tắt là mỗi nhà phải chọn ra một người, tập trung lại ở sân vận động thành phố để dậm chân hô hét. Bà tôi mỗi lần đi về lại đau lưng cả đêm.

“Hai nước Tiệp Khắc và Ba Lan, các quốc gia vệ tinh của Liên Xô nằm trong uỷ ban giám sát các nước trung lập do phía cộng sản đề cử đã từ bỏ nhiệm vụ của mình, trở thành gián điệp tiết lộ bí mật quân sự của liên quân cho phía cộng sản.”

Trong buổi báo cáo điều tra, thày hiệu trưởng đã nói như vậy. Ngồi bệt xuống giữa đám đông, cho hai đầu gối ép sát vào hai tai, tiếng hò hét nghe như tiếng huýt gió từ miệng một chiếc bình thuỷ tinh từ xa vọng tới. Trong sâu thẳm lòng đất vang lên tiếng địa tầng chuyển động, tiếng làn nước rì rào vỗ báo hiệu thuỷ triều, tiếng gió lướt qua mái nhà. Về đến nhà, mẹ tôi lại đang còng người bên miệng cống nôn oẹ. Triệu chứng có bầu. Lòng tôi thầm mong cho mẹ đừng sinh thêm nữa, đây là lần đầu tiên tôi thấy thấm thía cuộc đời tủi nhục không hơn gì động vật của thân phận đàn bà. Mỗi lần ốm nghén mẹ tôi lại nôn oẹ, khổ sở khủng khiếp thế kia, nếu sinh thêm lần nữa chắc mẹ không sống được nữa mất.

Đêm đã khuya, vậy mà tôi không tài nào ngủ được. Chị tôi quấn cái thắt lưng bà tôi tháo từ cạp váy làm cho từ khi phát hiện ra chị bị khối u ở ngực. cọ xuống chăn ôm ngực lăn lộn vì đau.

Đêm càng về khuya càng nghe rõ mồn môt tiếng những kẻ ăn sương sục sạo, tiếng bánh xe nghiến xuống đường ray. Tôi nằm đợi trời sáng để chạy ra cảng. Vẫn còn nguyên đám rắc bẩn thỉu và những con cá ươn trôi lềnh bềnh bên sườn đê, song xác con mèo thì lại biến mất. Cả quanh đáy con thuyền hỏng đậu không neo đằng xa cũng không thấy gì. Có lẽ bọn trẻ con bên bờ một cảng xa nào đó đã lấy gậy dài kều vớt lên rồi cũng nên.

Đã vào mùa thu nhưng bọn chấy rận vẫn hoạt động rất mạnh. Cứ có chút ánh nắng mặt trời nào là chúng tôi phải tận dụng ngay, bê chiếu ra ban công phơi đập cho khô và rũ hết trứng rận. Lúc đi ngủ đã phải mặc quần áo có lồng chun thắt lại ở ống tay và ống chân vậy mà lũ rận vẫn chui được vào trong người đốt làm người ngứa ran lên, tanh tanh mùi máu. Mọi người phải bật điện ngủ cho đến mười hai giờ đêm, giờ mất điện cho đèn tự tắt vì có ánh đèn bọn rận sẽ đỡ hoành hành hơn. Song cứ lấy mốc là khoảng mười hai giờ, chúng lại bò ra từ khe chiếu và bắt đầu cuộc tổng công kích.

Trong giấc ngủ chập chờn, tôi luôn sẵn sàng bộ móng tay và liên tục đập, gãi chống chọi với lũ rận, song bỗng giật mình mở mắt bởi tiếng những khúc cây đổ kêu răng rắc, khô khốc. Anh tôi đã quơ vội chiếc quần mặc vào tự lúc nào rồi lao mình chạy xuống cầu thang. Bên ngoài là những tiếng ồn áo náo loạn.

Có chuyện rồi đây. Tôi tự nhủ, trống ngực đập thình thịch, chạy ra ngoài ban công. Điện mất đã lâu, đường vẫn tối om, mọi người đang kéo nhau đến ùn ùn trước của nhà tôi và nhà Chi-ok. Cuối cùng thì những chiếc cửa kính của cả dãy nhà đều bật mở, mọi người chạy ra ban công nháo nhác hỏi có chuyện gì xảy ra. Trong mớ âm thanh hỗn độn đấy bỗng tôi phát hiện ra có tiếng “chết”. Tiếng “chết” truyền từ miệng người này sang người khác như thể họ đang truyền nhau một khúc hát vậy. Người thì rùng mình sợ hãi, người thì lại chúi đầu vào đám đông để cố biết thêm thông tin.

Hai hàm răng run lên va lập cập vào nhau, bên nhà Chi-ok, phía trên tầng hai phòng chị Meki mở cửa tối om, tôi thấy gã da đen mặc áo may ô đang bám vào lan can của ban công trèo xuống.

Một lát sau tiếng còi báo động vang lên ing ỏi, chiếc xe Jip của quân Mỹ chạy tới. Đám người đang xúm lại thành từng vòng như ong vỡ tổ, ngay lập tức trong chớp mắt đám đông dạt sang hai phía. Dưới ánh đèn sáng rực của đèn pha ô tô, chị Meki nằm đó. Mái tóc nhuộm vừa dày vừa dài quấn lấy khuôn mặt. “Kiểu này là bị ném từ trên xuống rồi.”

Gã da đen say rượu. Quân hiến binh khoác bộ quân phục lên người gã da đen. Gã ta phanh hết cúc áo, cười khùng khục rồi nhảy tót lên chiếc xe Jip khi nó chuẩn bị lăn bánh.

Chi-ok cho Jeni uống nước, cứ đổ vào miệng thì nước lại chảy sang một bên tai nhưng nó không hề nổi cáu, lại cặm cụi lau cho Jeni. Uống bao nhiêu nước nhưng vẫn không tại nào ngắt được cơn nấc của Jeni.

“Nó sẽ phải vào trại trẻ mồ côi.” Chi-ok nói. Vẫn cái giọng buồn bã như khi nó nói chuyện mùa xuân này chị Meki sẽ đi Mỹ, rằng gã da đen hứa sẽ lấy chị ý. Thời điểm đó trông chị Meki thật hạnh phúc. Chị ngồi dưới đất, cặm cụi lau chân cho gã da đen đang chỗm chệ trên giường, ngây ra ngắm khoảng gáy trắng ngần lộ ra sau mái tóc đượcc vén lên gọn gàng. Chị quay bộ mặt đã lau sạch phấn son không còn cả lông mày vẫy tay thân thiện với tôi: “Vào đi, không sao đâu”.

Jeni bị đưa vào cô nhi viện của nhà thờ. Hai ngày sau Chi-ok hai mắt sưng húp, đỏ ngầu vì tức tối, kể: “Em chị Meki đến, vơ vét hết sạch đồ đạc của chị ấy, chỉ có Jeni thì không thèm đoái hoài gì đến”. Căn phòng tầng hai nhà Chi-ok để trống khá lâu. Nhưng tôi không còn đến nhà nó chơi hay làm bài tập nữa. Mỗi sáng chỉ đứng dưới đường gọi nó đi học.

 

Nếu sinh lần nữa thì mẹ sẽ chết. Cái linh cảm ấy cứ đeo đẳng tôi đến nỗi nó đã trở thành niềm tin. Vậy mà bụng mẹ tôi vẫn đang dè dặt nhú cao dần lên dưới làn váy. Nhưng thay vào đó, bà tôi, người mà những câu chửi gằn giọng ngày càng trở nên độc địa, lại nằm xuống. Lúc giặt quần áo bà bị ngã trẹo chân, bất tỉnh và nằm liệt luôn từ đó. Đứa em út suốt ngày được bà cõng trên lưng phải trở thành cái đuôi của các chị.

Phải đón cả việc đại tiểu tiện tại chỗ cho bà vào tay, bố mẹ tôi bàn nhau đưa bà về quê nơi ông sống.

“Thấy bảo có người kéo dài đến hai chục năm đấy. Cái chứng liệt này đến gỗ đá cũng phải chào thua thôi.” Mẹ tôi thì thào, song lại hơi lớn giọng một chút. “Dù gì thì lúc tuổi già ông bà ở cạnh nhau là nhất.” Rồi đến câu này thì nói hẳn to lên, “phải thuê hẳn taxi đưa bà đi mới được.”

Bà quay trở lại thành một đứa trẻ. Tôi hàng ngày làm cái việc hệt như Chi-ok đã làm cho Jeni. Lúc không có ai ở nhà, tôi vào phòng bà, chải đầu, bón nước vào miệng bà, rồi thỉnh thoảng mở cúc áo áp tai vào ngực xem bà còn thở hay không. Ngày bà đi mẹ lột hết áo cũ, thay áo mới cho bà.

— Bà cụ cả đời chưa bao giờ sinh nở nên người vẫn đẹp thế này đây.

Bố đưa bà về quê, nơi ông đang sống với bà trẻ — em gái bà tôi — và con cái hai ông bà sinh ra từ ngày ấy. Bố đưa bà đi về, thở dài đánh thượt, giọng nghẹn lại.

— Mình làm thế không ra gì cả, ở cái nhà ấy rồi ai chăm lo cho bà, rồi lại bị ruồng rẫy mất thôi. Nhưng vợ chồng là cái gì chứ...

Kéo tay ông chồng đang thẫn thờ, đặt lên bộ ngực trần đang phập phồng, hừng hực, mẹ thì thào:

— Em bảo rồi, đưa cụ về đấy có khi lại hay đấy. Hai cụ cuối đời lại có dịp quây quần đoàn tụ.

Mẹ tôi tháo cái móc khoá phòng riêng của bà. Ngày thường đấy là những thứ bà không bao giờ cho đụng vào, chúng tôi nhất cử nhất động đều răm rắp làm theo những cái chỉ tay của mẹ. Mẹ giũ tung từng cái quần, cái áo vốn được sắp xếp gọn gàng thành từng chồng, vứt xuống sàn nhà. Sàn chất đống những quần áo cũ của bố mà bà đã chữa cho ngắn lại để mặc và những đồ từ thời thực dân Nhật chiếm đóng. Cả những chiếc áo vải lụa mỏng, phi bóng từ thời xa xưa cũng được lôi ra. Có chiếc bà mới mặc một hai lần rồi tiếc rẻ cất đi để dành. Tôi chợt thấy gai lạnh như vừa bị một cơn gió luồn vào người khi chợt nhớ ra rằng bà không còn trở về nữa, không còn dịp nào mặc những chiếc áo này nữa.

Bà ơi! Liệu có còn lúc nào để bà mặc chiếc áo đó nữa không, bà cất kỹ nó để dành đến khi nào mặc đây.

Cuối cùng lần mò tận dưới đáy mẹ tìm ra chiếc áo gilê bằng da rái cá và một gói nhỏ bọc kỹ trong một chiếc khăn mùi xoa. Anh em tôi nín thở vì hồi hộp, nhìn chằm chằm vào theo tay mẹ đang thoăn thoắt mở gói đồ. Mẹ nhíu mày ngờ vực, thọc tay vào chiếc khăn. Trong đó là một chiếc nhẫn ngọc bích đã vỡ thành từng mảnh, một chiếc khoá thắt lưng bằng đồng đã gỉ hoèn như sắp rụng rời ra đến nơi, vài đồng bạc trắng từ thời Nhật chiếm, mấy cái cúc áo nào đó và một cuộn chỉ màu.

— Cụ già này, đúng thật là... ! Ngọc bích vỡ rồi thì cũng có khác gì mảnh sành chứ.

Mẹ buộc lại chiếc khăn tay, ném toẹt vào góc phòng. Loại ra mấy chiếc áo lót làm giẻ lau, còn lại đống quần áo mẹ chuyển hết sang tủ của mình. Cái áo da rái cá là đồ đắt tiền, mẹ bảo sẽ sửa thành cái khăn quàng.

Ngày hôm sau, không để ai biết, tôi lẻn vào phòng bà lôi ra bọc khăn mùi xoa. Tôi ra công viên, leo lên chỗ có tượng đồng, rồi từ đó hướng về phía rừng, tôi đếm đúng sáu mươi lăm bước chân theo đúng tuổi bà, đúng đến gốc cây tổng quản sủi thứ năm và chôn sâu gói khăn xuống.

Khoảng cuối mùa đông, nhà tôi nhận được tin bà mất. Sau hai mùa kể từ khi bà được đưa lên chiếc taxi thuê.

Mẹ tôi trước tháng đẻ, lôi đồ quần áo bà đã từng dùng giờ cho chúng tôi mặc, ra vào phòng bà giờ đã lộn xộn những đồ linh tinh, ngồi nguệch ngoạc khóc.

Buổi tối, tôi chui vào góc khuất đựng đồ linh tinh trong phòng, nơi không ai có thể tìm thấy. Đêm xuống, tôi lại mò ra công viên. Trời tối đen nhưng không cần phải đếm sáu mươi lăm bước tôi cũng tìm lại được đúng gốc cây tổng quản sủi thứ năm.

Qua hai mùa nằm sâu trong lòng đất, chiếc khăn đã mủn ra, dính vào tay tôi như những cọng rơm mục. Đặt mảnh nhẫn ngọc bích, cái khoá thắt lưng rỉ, mấy đồng bạc trắng trên tay, tôi rũ hết đất. Tất cả vẫn y nguyên không có gì khác trước. Trong giây lát hơi ấm biến mất, khí lạnh lại ập đến.

Tôi thả lại những vật đang cầm trên tay xuống, phủ đất lên. Phủi sạch đất trên tay, đắp chặt lại đám đất dưới gốc cây rồi ước tính sải chân đã từng bước, tôi vừa đi vừa đếm, hướng về phía tượng đồng. Đến bước thứ sáu mươi thì đã đến bức tượng. Tôi lắc đầu không thể hiểu nổi. Rõ ràng hai mùa trước đây là sáu mươi lăm bước theo đúng cự ly này mà. Nếu vậy thì hai mùa nữa qua đi sẽ chỉ còn năm mươi bước nữa thôi sao, rồi một năm, mười năm nữa chúng sẽ chỉ còn cách nhau đúng một bước chân ư.

Vẫn còn là mùa đông, vả lại trong đêm nên không phải để ý sợ ánh mắt của ai đó, tôi dễ dàng leo lên bức tượng đồng. Bấu tay vào hình khối dưới chân bức tượng, tôi trèo lên ngang bụng vị tướng, dẫm chân lên chiếc kính viễn vọng đặt trước bụng, rướn mắt nhìn xuống thành phố vẫn còn thưa thớt ánh đèn. Không còn nghe thấy những âm thanh náo loạn như không khí chiến trận của mùa hè năm ngoái nữa.

Chỉ một không gian tĩnh lặng.

Nếu lắng tai dõi theo một âm thanh róc rách mềm mại nào đó trong bóng tối của mạch nước ẩn mình chảy trong lòng đất sâu thẳm, có khi tưởng như sắp chạm được vào nó rồi nhưng lại vỡ oà trong tĩnh lặng.

Tôi nhìn ra phía bờ biển xanh thẫm, nằm phục dưới chân núi. Trong luồng gió đêm thổi tới từ biển đông tôi lại được hít sâu vào lồng ngực mùi rong biển, mùi hương đặc trưng của biển. Và phía trên đồi, xóm người Hoa khung cửa sổ mở trên tầng hai hiện ra khuôn mặt trắng bệch cùng ánh đèn hắt qua khuôn cửa hình chữ nhật.

Hương xuân nhè nhẹ đang ẩn mình trong gió lạnh. Tôi cảm nhận được những chồi non đang cựa mình nhú lên từ dòng máu ấm nóng, bằng cảm giác nhồn nhột, không thể nén nhịn.

Ôi cuộc sống ...

Tôi thì thào song không biết nói tiếp theo câu gì nữa. Đầy rẫy trong hỗn loạn, hoà trộn những sắc thái không rõ ràng, những phức tạp không thể hiểu nổi, hôm qua, hôm nay và vô số những ngày mai liệu có thể đúc kết lại bằng một câu gì đó không?

Lại một mùa xuân tới, tôi đã vào lớp sáu. Anh tôi xin được ở đâu đó một con chó về và đang thuần dưỡng. Nhà không có bà, lông chó bay đầy, phân rải rác khắp nơi.

Trong một năm tôi cao thêm được một gang tay và từ năm ngoái đã bắt đầu được đeo chiếc túi thêu hoa hồng làm bằng chất liệu vải của trường Oxford làm ra. Chúng tôi suốt mùa đông đi ăn trộm than ở tàu hoả, đêm đến tụ tập nhau ngoài đường như một đàn chuột hò hét ầm ĩ, thỉnh thoảng mượn được cuốn tiểu thuyết tình cảm của mấy đứa con nhà tư sản thì chui vào góc phòng ngấu nghiến đọc.

— Thứ bẩy chỉ có buổi học sáng. Mai là ngày uống thuốc tẩy giun nên không ai được ăn gì buổi sáng đâu nhé. Ăn vào là giun trong bụng nó không ăn thuốc đâu.

Bây giờ người ta không xây nhà nhiều như trước nữa nhưng mùi nấu lá hải nhân thì vẫn không dứt, nó vẫn tô lên không khí một màu vàng như nhuộm phẩm. Trên còn đường ngập ánh vàng, tôi vừa đi vừa liên tục dừng lại thuỷ nước bọt vừa làu bàu.

— Bọn giun lại động cỡn lên thì phải.

Chi-ok đang pha thuốc uốn tóc trong bình. Bố Chi-ok làm công nhân trong nhà máy xay xát, từ khi chân ông bị thương vì đưa vào băng chuyền nên phải cưa đi. Bố mẹ Chi-ok gửi nó vào làm ở hiệu làm đầu ngã ba đường, nó rời khỏi nhà từ mùa đông năm ngoái. Tôi ngày nào đến trường cũng đi qua hiệu làm đầu đó và nhìn thấy nó qua cửa kính. Chi-ok đang quét những sợi tóc rơi trên sàn, chốc lại lấy tay kéo cái áo len đã cũn cỡn làm hở phần thịt trên thắt lưng của nó.

Tôi rời khỏi hiệu làm đầu. Con đường tràn ngập một màu vàng, hàng nghìn sợi lông, sợi tóc bay lên.

Lúc nào, lúc nào nhỉ? Tôi hướng bước về nhà, vừa lắc đầu cố làm sống lại một giấc mơ xa còn đọng lại trong ký ức. Đến trước cửa nhà, tôi nhìn lên cửa sổ mở ở ngôi nhà hai tầng. Anh ta đang thò nửa người qua cửa sổ ra hiệu gọi tôi.

Tôi chạy lên đồi như bị ai kéo đi vậy. Anh ta biến mất khỏi cửa sổ. Một lát sau, cánh cửa kín mít nặng nề được đẩy ra. Sống mũi tẹt và vẫn một nụ cười bí ẩn trên khuôn mặt vàng ệch.

Anh ta đẩy cho tôi một gói giấy. Tôi nhận lấy, anh ta quay người đi vào trong. Qua cánh cửa mở, một khoảng sân ngập nắng đột ngột xuất hiện cùng với con đường dẫn vào gian nhà trong hẹp và tối. Tôi nhìn thấy ánh nắng hắt lên gót chân trần sáng chói theo mỗi bước chân chuyển động.

Tôi về nhà, chui vào góc phòng, khoá cửa lại rồi mở gói giấy. Trong đó có chiếc bánh ba màu người Hoa hay ăn vào các dịp lễ tết và mấy con rồng bằng mấy ngón tay cái. Tôi cho cả mấy thứ đó vào một chiếc vại rỗng, đã bị nứt không dùng được nữa.

Trong nhà mẹ tôi đang vật vã kêu la vì cơn đau đẻ. Tôi đi lên tầng hai, chui vào góc tường nơi vẫn trốn mỗi khi chơi trò chơi trốn tìm. Dù ban ngày nhưng hốc tường tối om, không một chút ánh sáng nào lọt vào. Trong tiếng gào thét “thà giết tôi đi còn hơn” của mẹ và tiếng chuông vang lên tự bao giờ, tôi chìm vào giấc ngủ sâu như đang đi vào cõi thiên thu.

Khi tôi tỉnh giấc ngủ ngày, mẹ đã phải trải qua một cơn vượt cạn khốn khổ nhưng đứa em thứ tám cũng ra đời. Nơi góc tường tăm tối, tôi gọi mẹ bằng tiếng gọi nghẹn ngào trong nỗi tuyệt vọng không sao lý giải được. Và một hơi nóng ngột ngạt, nhớp nháp đang lan toả, vây quanh chằng chịt khắp cơ thể tôi như mạng nhện. Tôi thò tay vào người và đã gọi tên được đích xác nguyên nhân của cái hơi nóng đó.

Những giọt máu nóng hổi báo hiệu tuổi dậy thì của một thiếu nữ.

 
 
------------
Dịch từ nguyên bản tiếng Hàn, trong tập truyện ngắn Khu vườn thơ ấu (tạm dịch) của Oh Jung-Hee, do nhà xuất bản Moonji phát hành và tái bản năm 2003 tại Hàn quốc.
 
Hoàng Hải Vân hiện đang hoàn thành luận án thạc sĩ tại Đại Học Quốc Gia Seoul, Korea.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021