thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lê Nguyên Tịnh tiếp tục lên đường với Dấu Chân Của Gió

 

LỜI TỰA cho tập thơ
Dấu Chân Của Gió (2012)
 

 

Một bài thơ có thể được viết ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như gió thoảng qua, nhưng đọc thơ phải cần có thời gian. Ngay cả chính tác giả của bài thơ, sau khi nhanh chóng viết xong một bài thơ ngắn, vẫn cần phải đọc lại bài thơ ngắn của mình một cách chậm rãi, vì đọc thơ không chỉ là đọc những chữ trên mặt giấy. Đọc thơ là một hành trình quanh co, và phức tạp, đi ngược đi xuôi giữa những chữ trên giấy và những thế giới bên trên, bên dưới, bên trong, đàng sau và “đàng trước” chúng.

Khi nhà thơ John Greenleaf Whittier giận dữ vứt tập thơ Leaves of Grass của Walt Whitman vào lò lửa; khi nhà phê bình Rufus Wilmot Griswold cho rằng tập thơ ấy chỉ là “một đống rác rưởi ngu xuẩn”; khi hàng chục nhà thơ và nhà phê bình lúc ấy cùng kêu toáng lên rằng Leaves of Grass là một tác phẩm bẩn thỉu; thì chắc chắn rằng họ đã không có đủ thời gian để đọc tập thơ. Nghĩa là họ chỉ mới lướt qua trên mặt chữ, mà chưa bước vào những thế giới bên trên, bên dưới, bên trong và đàng sau... Và, tất nhiên, họ đã không thể thấy cái thế giới “đàng trước” những dòng chữ của Walt Whitman, cái thế giới thấp thoáng ở tương lai, cái thế giới mà lúc ấy chỉ có Ralph Waldo Emerson mới nhận ra. Thật vậy, sau khi đọc ấn bản đầu tiên của Leaves of Grass, Emerson viết thư cho Whitman: “I find it the most extraordinary piece of wit and wisdom America has yet contributed... I am very happy in reading it, as great power makes us happy.”

Chính tác giả của một bài thơ xuất thần nào đó cũng chưa chắc đã nhìn thấy ngay cái thế giới “đàng trước” những dòng chữ của mình, cái thế giới của những khả thể thi ca mới lạ. Đôi khi, nhanh như gió thoảng, anh viết ra một bài thơ, rồi xem lại, anh không thể hiểu hết những gì anh vừa viết. Và do đó, lắm lúc anh vô tình bỏ rơi những khả thể thi ca mới lạ, để quay trở về với lối viết quen tay của anh, lối viết mà anh xem như đã “định hình phong cách” của mình.

Khi bắt đầu nghiệp viết, đa số nhà thơ mong muốn đạt được sự “định hình phong cách”. Đó không phải là một điều dở. Tuy nhiên, điều rất dở là sau khi đã “định hình” một phong cách nào đó, nhà thơ bám chắc lấy nó để ăn mòn suốt cả quãng đời còn lại. Một nhà thơ, như một nghệ sĩ sáng tạo đích thực, thì không phải là một người mãi mãi ăn bám vào một phong cách, dù đó là phong cách mà chính mình đã tạo ra. Nhưng trút bỏ một phong cách đã “định hình” để tiếp tục sáng tạo những phong cách khác lại là điều rất khó khăn. Khó khăn, vì quán tính của lối viết. Khó khăn hơn nữa, vì phải thực hiện một hành trình mới, từ đầu, và chưa biết mình sẽ đi về đâu. Vâng, rất khó khăn, nhưng đó chính là sự thử thách đối với ý chí sáng tạo.

Nhà thơ Lê Nguyên Tịnh không sợ sự thử thách này. Tập thơ Dấu Chân Của Gió khác hẳn với những tập thơ trước kia của anh. Với Dấu Chân Của Gió, Lê Nguyên Tịnh dứt khoát bước vào một hành trình mới. Anh để lại sau lưng hàng trăm bài thơ mang dấu ấn “Lê Nguyên Tịnh”, trong đó, rất nhiều bài đã được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, được nhiều người hát, nghe, và nhớ. Với ý chí của một nghệ sĩ sáng tạo, Lê Nguyên Tịnh không chịu an vị. Anh tiếp tục lên đường. Trong hai năm qua, Lê Nguyên Tịnh đã không ngừng cho ra đời những bài thơ với phong cách mới. Hơn 100 bài thơ trải dài từ đầu năm 2011 đến nay, và trở thành tập thơ Dấu Chân Của Gió.

Tôi đã đọc từng bài thơ trong tập này thật chậm rãi, nhiều lần. Và tôi mong các bạn, những độc giả của Lê Nguyên Tịnh, cũng sẽ đọc từng bài thật chậm rãi, nhiều lần, để chúng ta có thể đi ngược đi xuôi giữa những chữ trên giấy và những thế giới bên trên, bên dưới, bên trong, đàng sau và “đàng trước” chúng.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, tháng 11/2012

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021