thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời tự trần của Mẹ

 

Những đoàn quân dài dằng dặc đã đến, kéo theo khói bụi mù mịt giăng bám đội hình. Người ta có thể tưởng tượng đó là một cơn bão biên thuỳ hung hãn nhất. Trong hàng quân, lính Trẻ miệng luôn mồm ca bài tuổi ô mai. Súng siết trong tay. Giữa mênh mông khói bụi hư ảo, giữa cái chết luôn cận kề, súng đóng vai trò của kẻ bảo hộ và tiêu huỷ bảo hộ.

Biên giới phía kia, ngay cái cột mốc bê-tông tơi tả hình thù, mười tên địch khoác áo sĩ quan chỉ huy bị xử tử ngay tại trận. Xác cột vào trụ thép. Cuộc phản công toàn diện đang gấp rút được tiến hành. Biên giới cần phải được thanh tẩy lũ ngoại bang. Lính Trẻ nhìn cảnh ấy không khỏi kinh hoàng. Họ đang nghĩ mình hoặc bị biến thành đồ tể hoặc là đám chuột thối nhút nhát.

Rồi chúng mày cũng banh xác! Lính Già nói. Lính Trẻ siết tay súng.

Khi đó, bài ca của người tòng binh bất lực cất lên: Này nhé, chúng tao — tuổi trẻ lớn lên chưa sống đã già. Chúng tao bây giờ như lũ mèo hoang, như loài chó dại, tru rống căm hờn trên bãi tha ma!

Lính Trẻ cùng hát, choàng vai nhau. Lính Già vuốt lấy tim mình.

Quân đội đã đến, dân thường bồng bế nhau chạy khỏi tiền phương. Họ đã chạy khi kẻ địch đến và lại chạy khi quân đội mình đến. Tất cả cốt mong khỏi chết. Chết giết và chết oan. Người lớn vác tư trang mà chạy. Đến cả trẻ con cũng được bỏ vào thúng vào mủng mà chạy. Người ốm thì bỏ lên cáng khiêng mà chạy. Đạn không có mắt. Đàn con nhỏ ngủ chết trong thúng. Mẹ bổ nhào ra đường... vỗ tay reo mừng chiến tranh. Chị xanh xẩm mặt mày... vỗ tay hoan hô hoà bình. Bà vỗ tay... Ông vỗ tay... Bác vỗ tay... Cô vỗ tay... Chú vỗ tay... Em vỗ tay... Mọi người cùng vỗ tay... cho thêm nhịp nhàng... Cho đều gian nan.[*] Vỗ vỗ!

Vỗ tay... Vỗ vỗ...

Con ơi!

Quân đội đã đến mang theo những cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Họ đu mình trên những chiếc cột dựng giữa bãi trống, âm nhạc nổi lên trong tiếng reo hò của đám lính Trẻ vây quanh. Các nàng múa, nhảy, làm những gì có thể để những kẻ sắp ra trận quên đi cái chết. Hãy trở về! Chúng em đợi các anh! Đám lính gào to: Trên chiến trường không còn tình gì nữa... Trên chiến trường không còn tình gì nữa. Chỉ còn là cố gắng sống thật lâu.

Quân đội đã đến, lệnh mai sẽ phản công. Lính Trẻ cầm chắc tay súng. Lính Già muốn vứt đi cho rồi. Lính Trẻ chưa đánh trận, chưa nghe súng nổ, chưa bắn chết người. Lính Già sợ ra trận, bội thực tiếng súng, bội số cái bỉ thú đếm xác người.

Quân đội đã đến, trật tự mới sẽ được xác lập. Trận đại chiến đôi bên sắp sửa bắt đầu. Kẻ địch điều động lực lượng lớn, hung hăng dàn một phòng tuyến vững vàng áp chế. Súng nổ. Biên giới thay đổi. Mỗi bên đều muốn dạy nhau một bài học. Bài học của chiến tranh: rất khó học, bài học của máu, bài học của tha hoá.

Quân đội đã đến, những cánh rừng bị xoá mờ đi vì bom đạn. Màu xanh phai nhạt nhường chỗ cho màu đỏ và những vết rách bươm cố tình. Mẹ van lơn: Đừng rách nữa. Nhưng chúng vẫn cứ rách, rách to hơn.

Quân đội đến, tiếng nhạc vẫn cất lên trên mô đất trống mới hồi sáng còn là bãi tha ma. Những người lính kiên cường đã chết trong những cuộc giao tranh trước đó. Đâu đó trong bóng đêm, lính Trẻ nghe thấy những tiếng xung phong hoang lạnh trên đồi cao.

Quân đội đã đến, nhiều nấm mồ bắt đầu mọc quanh những triền đồi hoang vắng. Đêm qua, một trung đội ba mươi sáu người nằm gọn trong một hố bom. Đêm kia nữa, sáu mươi ba lính trẻ chết bởi những lưỡi lê dài. Cách đây một tuần, toàn bộ lữ đoàn bộ binh số I chết trong một trận bom không tìm thấy xác.

Thức giấc giữa khuya, lính Trẻ trông thấy từng đoàn quân mặc áo sô trắng đi về phía hậu phương. Mắt họ nhắm tịt và tuyệt nhiên không bước đi bằng chân.

Quân đội đã đến. Đừng đến nữa! Mẹ ngăn. Chúng mày hoặc là cởi áo để khỏi trở thành lũ người đói mẹ hoặc là hãy biến mất khỏi cái lịch sử điên rồ này đi.

Một đêm nóng kinh khủng. Bốn giờ sáng, cuộc tổng phản công toàn tuyến bắt đầu. Lính, máy bay, xe tăng, pháo tầm xa... thi nhau dập nát tiền tuyến, nghiền nát mọi thứ bằng những gào rống xung phong ăm ắp thuốc súng.

Trong một giây, hơn một triệu thứ âm thanh huỷ diệt cùng đồng vang. Trong một giây, hơn một triệu hận thù cùng tác quái. Trong một giây, hơn một triệu nỗi buồn rơi vỡ giữa tiền phương. Trong một giây, một triệu tiếng khóc la hờn căm, đau khổ thay nhau cho giai điệu yêu thương vô vọng.

Súng chĩa vào nhau. Đạn bắn vào nhau. Hai ngôn ngữ bất đồng áp tiếng hét vào nhau. Người gục lên nhau. Lính Trẻ gục lên lính Già. Lính Già gục lên lính Trẻ.

Ta và địch, máu hoà vào nhau. Ta và địch, chết cùng một giây. Ta và địch, cùng gọi MẸ trước hơi thở cuối cùng.

Mẹ ơi, cứu con! Mẹ ơi, con chết mất! Mẹ ơi, vĩnh biệt!

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Tất cả được hoán đổi bộ quân phục bằng vải sô trắng dài lướt thướt cùng nắm tay nhau, lính Già và lính Trẻ... đặc trắng đường ra trận. Đêm đó, lính Mới được chi viện thức giấc giữa khuya, thấy từng đoàn... từng đoàn quân mặc áo sô trắng đi về phía hậu phương. Mắt họ nhắm tịt và tuyệt nhiên không bước đi bằng chân.

 

Mẹ đã nói: Quân đội đừng đến! Quân đội biến mất đi! Quân đội đừng xuất hiện nữa!

Nhưng quân đội đã đến. Nhiều người của quân đội ấy mãi không trở về. Họ đã đến, nằm sấp và ngủ thẳng. Biên giới chỉ còn lại những nấm mồ. Vô vàn loài hoa đội đất mọc lên. Trắng nghĩa trang buồn.

Giữa mùa hoa tang, đàn sâu bọ biên giới cất tiếng hát: Ôi! Chiến tranh, chiến tranh đang hò reo mở tiệc, bằng rượu máu thịt người, bằng niềm đau chôn xác...

Mẹ mở rộng lòng mình, vùi đám con ngốc nghếch và bất lực vào nỗi oan ức được cưu mang.

Đàn con xuẩn ngốc và bất lực ấy vẫn luôn mồm gọi MẸ là MẸ.

 

_________________________

[*]ý tưởng từ lời nhạc Trịnh Công Sơn.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021