thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
What do you like for your breakfast

Con đường dài năm cây số. Năm cây số không qua một vườn hoa. Năm cây số cho một buổi tối để Cô nhận ra người Hà Nội không thích vườn hoa. Bãi cỏ Hà Nội nếu không dành cho các cụ phụ lão tập thể dục buổi sáng, các cụ phụ lão thường gốc gác không Hà Nội, thì dành cho gái bán hoa, cũng một trăm phần trăm không Hà Nội. Năm cây số không qua một vườn hoa. Từ bé đến lớn Cô được ra vườn hoa một lần, để chụp ảnh bên tượng Lê-nin, cách đây hai mươi năm, lúc đó tình hữu nghị Xô-Việt còn mặn mà, lúc đó các cụ phụ lão Hà Nội còn thích xếp hàng mua gạo hơn tập thể dục và các cô gái bán hoa thì chưa biết đường từ nhà quê ra thành phố. Cô và Thành không bao giờ đi cùng nhau ra vườn hoa. Từ hồi mới quen cho đến khi có thằng Phong. Cô và Thành tìm hiểu nhau ngay trong căn hộ một phòng của gia đình, lần lượt trước mặt bố, mẹ, rồi Xuân, rồi chính nó đã chạy đi thông báo cho bố mẹ giai đoạn tìm hiểu như thế là kết thúc. Tất nhiên giai đoạn sau, giai đoạn chuẩn bị đám cưới, diễn ra nhanh chóng và bận rộn, không cần đến sự hiện diện của hoa lẫn vườn hoa.

Thằng Phong con Cô bây giờ không biết vườn hoa là gì. Cô và Thành không bao giờ dẫn nó ra công viên, còn cô giáo trường Mầm Non của nó có đưa cả lớp đi chơi vườn hoa, mỗi tháng một lần, đúng như qui định của bộ Giáo Dục, thì chọn vườn hoa gần nhất không có hoa chỉ có môt cái đu quay ngũ sắc, năm cái ô tô trẻ con, tất cả đều chạy bằng điện và nhập từ nước ngoài, nên không thể phục vụ trẻ con mà không lấy tiền.

Năm cây số không qua một vườn hoa. Mọi khi bao giờ Cô cũng vội, bao giờ cũng phải tìm một hàng quà cho thằng Phong ăn sáng rồi đèo nó đến trường, bao giờ cũng ra đến phố Khâm Thiên đúng lúc ông bẻ ghi đánh kẻng thông báo tàu Hải Phòng vừa rời ga Hàng Cỏ. Mười lăm phút đứng sau cái chắn tàu chuyển thành mười lăm phút điểm tâm. Bà hàng xôi đều đặn bảy giờ năm sai đứa giúp việc mang cho Cô hôm xôi lúa, hôm xôi xéo, hôm xôi đỗ xanh, hôm xôi lạc, hôm xôi vò. Hết các loại xôi cũng vừa đủ năm ngày làm việc trong tuần. Đầu tuần nào đứa giúp việc cũng hỏi vẫn thế nhé lúa xéo xanh lạc vò. Đầu tuần nào Cô cũng trả lời ừ, lúa xéo xanh lạc vò. Có hôm ông bẻ ghi nhỡ tay gõ kẻng mà tàu lại chưa khởi hành từ ga Hàng Cỏ, mười lăm phút đợi thành hai mươi, thậm chí ba mươi, ăn xong gói xôi, Cô còn kịp đi chợ cho bữa tối, đầy đủ cả thịt cho thằng Phong lẫn trứng cho Thành, có lần còn mua được cho con cái mũ len màu đỏ ở một trong năm mươi cửa hàng mũ len phố Khâm Thiên, một lần khác cho Thành đôi quần đùi xanh bộ đội ở một trong năm mươi cửa hàng quần đùi cũng phố Khâm Thiên.

Năm cây số cho một buổi tối. Buổi tối tàu Hải Phòng không chạy qua phố Khâm Thiên. Buổi tối cho Cô nhìn sang hai bên đường để thấy người phố Khâm Thiên không ăn xôi mà ăn trứng vịt lộn cho thơm miệng. Năm cây số kể ra cũng gần, nếu đi qua một vườn hoa thì còn gần hơn, phố Khâm Thiên không bụi lắm, bỏ mũ len đỏ với quần đùi xanh bộ đội đi thì còn nên thơ hơn đường Chiến Thắng B52. Ông bẻ ghi không phải ngày nào cũng nhỡ tay, giờ này chắc nằm trong chăn rồi. Còn đứa giúp việc cho bà hàng xôi ngày mai thế nào cũng tìm Cô cuống cuồng, rồi thế nào cũng bị ăn mắng, khéo bị đuổi việc cũng nên.

Đi hết phố Khâm Thiên, rẽ sang ga Hàng Cỏ, ra phố Trần Hưng Đạo, đạp thêm ba phút nữa là đến cơ quan. Cũng không dẫn qua một vườn hoa. Công viên Lê-nin lớn nhất Hà Nội lúc ở bên phải lúc ở sau lưng chứ không bao giờ nằm trên trục đường Cô đi. Cô nghĩ người Hà Nội chẳng bao giờ đặt chân vào đây, chỉ ngồi nhà xem phóng sự vô tuyến mà bảo công viên Lê-nin cũng dành cho các cụ phụ lão tập thể dục buổi sáng, dành cho gái bán hoa buổi chiều, còn trong ngày thì cho khách nhà quê ra tham quan thủ đô, thời gian gần đây cho cả khách nước ngoài đến du lịch Hà Nội, khách nước ngoài cũng thường nguồn gốc nhà quê nước ngoài. Công viên Lê-nin có cả đu quay và ô-tô chạy bằng điện phục vụ khách nhà quê lẫn bánh tôm và nước suối la vie phục vụ khách du lịch nước ngoài, cả hai loại khách đều trả giá vé vào cửa bằng nhau, trẻ em hai nghìn còn người lớn ba nghìn. Xuân bảo bố mẹ tìm hiểu nhau ở công viên, Cô và Thành tìm hiểu nhau trong căn hộ gia đình, thế hệ nó tìm hiểu nhau ngay trong quán lá hay khách sạn mini, không nhất thiết phải dưới sự dám sát của gia đình bên nữ, bởi gia đình bên nữ nào bước vào thiên niên kỉ mới cũng công khai mong con gái lập gia đình càng sớm càng tốt, may mắn thì gặp được ngoại kiều hay Việt kiều, vừa vừa thì có hộ khẩu thủ đô, công ăn việc làm ổn định.

Xuân nhan sắc trung bình, năm năm chẳng có Việt kiều nào đến rủ đi quán lá hay khách sạn mini, hai mươi chín tuổi được Thành giới thiệu cho Phương, ba mươi tám tuổi, góa vợ, hai con gái, kĩ sư nhà máy dệt mồng Tám tháng Ba. Lần đầu tiên gặp em rể cũng là ngày ăn hỏi của Xuân và Phương, Cô tiếc ba mươi năm sau chiến tranh, dân số Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng thừa nữ thiếu nam nên con gái Hà Nội không còn hấp dẫn cả đàn ông lẫn thi ca Việt Nam. Đầu năm nay nghe tin Xuân đẻ con trai, Cô lại nghĩ thế là máy soi thai nhập khẩu từ nước ngoài đủ khả năng để bảo đảm trong hai mươi năm tới nam đông bằng nữ, để con gái Hà Nội tìm lại giá trị ban đầu và con gái nông thôn đỡ phải tìm chồng tận Trung Quốc, nơi không cần máy soi thai, từ hai mươi năm nay hài nhi nam tự động được giữ lại, hài nhi nữ không hiểu cho đi đâu, bao nhiêu diễn đàn phụ nữ và hội nghị nhân quyền quốc tế mà chẳng tìm ra. Thành và Phương, bạn đồng ấu, giờ lại anh em cột chèo, rất hiểu nhau, cả hai cùng thích nói người Trung Quốc đi nhanh hơn người Việt, ít ra cũng hai mươi năm.

Vừa đạp xe Cô vừa nghĩ bao giờ mới hết mùa đông, hết mùa đông để Cô dẫn thằng Phong đi chơi, không vườn hoa thì bờ hồ, bờ hồ buổi sáng cũng đông các cụ phụ lão tập thể dục nhưng là các cụ phụ lão của Hà Nội khu phố cổ, không phải Thành Công hay Thủy Lợi hay Nam Đồng hay thủ đô mở rộng. Thằng Phong hôm nào cũng xem vô tuyến tính toán bao giờ nhiệt độ Hà Nội xuống đến O để nó được trượt băng ở bờ hồ như trong phim Liên Xô, được lấy tuyết cho vào mồm đỡ phải mất tiền mua kem cũng như trong phim Liên Xô.

Ông bảo vệ mũ len chấm mũi, vô tuyến trước mặt, đội quốc gia Lào hữu nghị đội tuyển Việt Nam. Cô đi qua hỏi bác ơi phe ta thắng mấy quả rồi vẫn thấy cái mũ len nghiêm túc ngồi. Các phòng đều đóng cửa. Đứng trước xưởng, Cô mới nhớ ra đã quên chìa khóa ở nhà, lại đập tay vào trán. Từ hồi đẻ thằng Phong mắc bệnh hay quên. Bác sĩ bảo thế là thường, sản phụ hai năm mới hồi phục được hai phần ba trí nhớ, ba phần tư thị giác. Cô đợi mãi hai năm, ba năm, rồi bốn năm, thấy trí nhớ ngày càng giảm, có lẽ chỉ còn một phần ba, có lẽ rồi chẳng nhớ cái gì nữa cả. Quên bây giờ là hỏng. Hai ngày nữa Thành mới về. Hai tiếng sau đấy mới gọi điện cho Cô hỏi thằng Phong lên ông bà ngoại à. Hai tiếng sau đấy nữa mới bảo nhớ đón con và đi chợ luôn thể. Rồi lại hai tiếng sau đấy nữa mới cằn nhằn, lúc ra mở cửa cho Cô và thằng Phong, đầu óc để đâu mà không mang theo chìa khóa, may mà có người ở nhà không thì phá cửa mà vào. Hai ngày sau đấy mọi việc sẽ trở lại như cũ. Sáng sáng, sau khi dặn thằng Phong không được cho chân vào bánh xe đạp, thế nào Thành cũng quay sang hỏi Cô đã cầm chìa khóa nhà chưa. Bà hàng xôi cũng sẽ tiếp tục sai đứa giúp việc mang lúa xéo xanh lạc vò ra chỗ tránh tàu. Ông bẻ ghi lại một tuần hai lần đánh kẻng nhầm để Cô còn tranh thủ mua cho thằng Phong cái mũ len đỏ mới vì cái mũ cũ không còn đỏ lắm, mua cho Thành đôi quần đùi xanh bộ đội khác vì đôi quần trước cũng đã hết cả bộ đội rồi.

Cô muốn gọi ông bảo vệ nhưng ngại làm phiền cái mũ len, ngại bị giữ lại xem đá bóng thì ít xem cổ động viên Lào đánh nhau với cổ động viên Việt thì nhiều, mới mười lăm phút đã bốn người bị thương, mỗi bên hai, toàn ở mức độ trên cảnh cáo. Còn đợi thì chẳng đồng nghiệp nào đến mở cửa cho Cô giờ này. Nhất là giữa mùa đông. Nhất là Cô chỉ có toàn đồng nghiệp nam, toàn đồng nghiệp nam thích bóng đá và sợ lạnh. Thành giờ này chắc cũng nghiêm túc trước cái vô tuyến Nép-tuyn hai mươi inh của nhà khách tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cô nghĩ đàn ông nói chung yếu ớt hơn đàn bà, đàn ông chịu lạnh kém hơn đàn bà. Thành lúc nào cũng xua Cô vào chăn trước, lúc nào cũng đi tất mặc áo len leo lên giường, bây giờ xua thêm cả thằng Phong, vừa xua vừa cằn nhằn không đi tất mặc áo len chân tay lạnh thế cứ chạm vào người nằm cạnh. Khoảng trống chăn gối vợ chồng của Kundera xem ra khó có thể áp dụng cho hoàn cảnh của Cô và Thành. Nhà văn không thể tưởng tượng được trên cái giường đáng lý chỉ dành cho vợ chồng Cô còn có thêm sự hiện diện của thằng Phong và điều này đã xảy ra từ bốn năm nay, từ khi nó ra đời, cho đến tận bao giờ thì chẳng ai có thể biết chính xác. Cô nhớ là hai chị em Cô đã ngủ với bố mẹ cho đến khi Cô vào học cấp hai. Lý do không phải vào lúc đấy bố mẹ Cô, mỗi người đều ở tuổi hơn bốn mươi, mới thấy cần thiết có một chăn gối vợ chồng thực sự, mà chỉ vì cái giường đôi đã trở nên quá chật cho bốn người, nhất là vào mùa hè, nhất là vào những đêm Hà Nội mất điện, mà những đêm nóng nhất ở Hà Nội bao giờ cũng mất điện. Ông nhà văn Pháp gốc Tiệp cũng làm sao biết được rằng vợ chồng Cô hàng đêm chia với thằng Phong diện tích 120cmX180cm chứ không phải cái giường king size hoặc extra large gần rộng gấp đôi để có thể như Paul và Agnès, luật sư và nhà nghiên cứu khoa học, vì sợ hơi thở của mình đánh thức người kia dậy, lăn mỗi người ra một mép giường tạo nên một khoảng trống rộng ở giữa.

Cô tự nhủ giá như vợ chồng Cô có đủ chỗ trên giường để nằm xa nhau những lúc không thể nằm cạnh nhau được nữa thì có lẽ hôm nay Cô không đến ngủ nhờ cơ quan. Nhiều lần để không phải nằm sát Thành, Cô thử đặt thằng Phong vào giữa nhưng nó nhất định không chịu. Từ bốn năm nay nó quen với sự có mặt của bức tường cạnh giường, thích đập đầu vào tường bôm bốp hơn là chạm phải người bố. Cô nhớ chính Cô đã luyện cho nó thói quen này, ngay từ những ngày còn cho nó bú đêm, chỉ vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của Thành. Thế là cuối cùng không phải lỗi chỉ ở cái giường đôi phải chứa ba người mà còn vì Cô không nhìn xa trông rộng, không biết rằng rồi có ngày cả Cô lẫn Thành đều ao ước, tuy không nói ra, giữa hai người có một khoảng giường, hẹp cũng được, nhưng đủ để không ai chạm phải ai.

Cô đi vòng ra sau lưng xưởng, leo lên bức tường ngăn tòa soạn với quán cà phê. Ở độ cao hai mét Cô nghĩ may cái tường bị xây nửa vời, chắc không bên nào chịu chi tiền, may mùa đông quán vắng khách để chẳng khách nào chạy ra hỏi định tử tử đấy à. Cô cởi áo khoác, buộc một tay áo vào bụng, tay kia vào máng nước mưa. Thành máng phủ đầy rêu xanh. Nhích được mười phân thì tụt xuống một nửa. Sau ba mươi phút Cô cũng men đến nơi. Một mét mà có cảm giác vừa chinh phục Ê-vơ-rét. Bây giờ mọi chuyện trở nên dễ dàng. Chỉ cần với tay nắm lấy chấn song gần nhất rồi đu cả người lên bệ cửa sổ. Kính đã vỡ hết. Lớp giấy báo không cần phải gỡ cũng tự động rời khung cửa, tự động rơi xuống đất. Cái móc sắt cũng chỉ đợi Cô chạm tay vào là tự động bật ra. Cô nghĩ việc ngủ đêm ở xưởng hóa ra cũng không đến nỗi phức tạp. Hai cánh cửa sổ tuy nhỏ nhưng mở ra đủ cho Cô bò cả người vào không cần phải lách, phải tính toán cho chân nào vào trước, chân nào vào sau, bụng hay ngực cái nào to hơn, cái nào đỡ vướng hơn. Nhảy từ bệ cửa xuống sàn nhà cũng chẳng khó hơn từ giường nhà Cô xuống đất. Rồi mở công tắc đèn, rồi ra góc nhà tìm cái nắp sắt hình vuông, nhấc nó lên, thả người một cái là rơi xuống xưởng. Làm xong những việc ấy, Cô lại nghĩ hóa ra mọi việc đơn giản thật. Giấc ngủ đến với Cô, lần đầu tiên không phải trên giường nhà, giữa Thành và thằng Phong, cuối cùng cũng đơn giản như thế.

Cô thức dậy. Cô nghĩ đã bị đánh thức bởi mùi cà phê. Sáng, một đồng nghiệp của tổ trang trí, ngồi trên cái ghế đẩu giữa xưởng. Cô mở mắt, Sáng vẫn tiếp tục quấy cà phê. Cô im lặng nghĩ thế là quên không chuẩn bị trả lời câu hỏi của các đồng nghiệp. Đầu óc có vấn đề thật rồi. Năm phút không thấy Sáng nói gì, Cô lại tự bảo có toàn đồng nghiệp nam mà lại may. Mười năm nay, Cô hai lần bị người yêu bỏ, lấy Thành không có hộ khẩu Hà Nội, ba lần bị móc túi, một lần xuýt mất xe đạp mà chẳng ai trong cơ quan biết để gửi lời chia buồn.

Cô thấy mùi cà phê quả là dễ chịu. Ở nhà Cô, Thành không bao giờ uống cà phê buổi sáng, Thành chỉ thích mùa đông ăn mì ăn liền đập trứng còn mùa hè cơm rang cũng đập trứng. Hồi mới lấy nhau, Cô cố luyện theo thói quen ấy của Thành nhưng càng cố càng sợ, càng cố càng phải ra khỏi nhà trước khi Thành ăn sáng. Một hôm chủ nhật không phải đi làm, Cô vào quán giải khát đầu phố mang về cho Thành một tách cà phê. Lấy hết dũng cảm, Cô nói một hơi: uống cà phê vừa sang trọng vừa lịch sự, lịch sự ở chỗ uống cà phê không cần phồng mang trợn mắt, không mồ hôi mồ kê nhễ nhại, uống xong cũng không phải rửa bát đũa bằng xà phòng, không phải đánh răng hay xúc miệng, còn sang trọng là vì nó có tên chính thức trong các thực đơn, nó không trộn hoá chất như mì ăn liền, cũng không nhiễm vi khuẩn như cơm rang, người Việt Nam không bao giờ cất cơm thừa vào tủ lạnh, tủ lạnh ở Việt Nam mùa hè làm đá, mùa đông làm giá sách hay chỗ cho nhện chăng tơ, tủ lạnh Sa-ra-tốp công nhân và sinh viên Việt Nam đóng tàu biển mang từ Liên Xô về, đợt cuối cùng cách đây mười năm, dùng đến nay vẫn bền, người Hà Nội chê kêu to tốn điện đem bán lại cho người nhà quê, người nhà quê không sợ ồn ào, kêu to càng vui đỡ phải mở đài, còn điện thì nhân viên sở Điện không được trả tiền xăng để đi xe máy về nhà quê thu tiền điện nên từ hồi có điện, nông dân chưa biết mặt mũi hoá đơn tiền điện như thế nào. Thành cũng phát biểu một hơi rằng anh chẳng cần lịch sự lẫn sang trọng, dạ dày anh cũng chẳng cần lịch sự sang trọng, dạ dày anh không đủ tiểu tư sản để chịu nổi tách cà phê buổi sáng, ba thìa đường không đủ ca-lo-ri cho anh đạp xe từ nhà đến cơ quan, dạ dày anh quen mì ăn liền và cơm rang, ngày xưa thì trộn rau cải hay dưa muối cũng từ rau cải, bây giờ trộn trứng, không gì bổ bằng trứng, anh là nhà sinh vật học anh biết, anh cũng đã qua thời bao cấp anh biết, thời bao cấp trứng đắt ngang thịt, thời bao cấp mỗi hộ được năm quả trứng một tháng, tháng nào không có trứng phải mua bù đậu phụ vừa tốn mỡ vừa tốn thức ăn. Cô chẳng biết nói gì chỉ nghĩ người Hà Nội dùng trứng Hà Nội không đủ phải nhập cả trứng Trung Quốc. Mỗi năm nhập năm trăm nghìn quả trứng Trung Quốc, Hà Nội có thêm năm mươi cửa hàng đặc sản chín món trứng: trứng vịt lộn, trứng ốp lếp, trứng nấu chè, trứng đánh bông, trứng thuốc bắc, trứng lá mơ, trứng chả rươi, trứng thịt kho, trứng ngải cứu. Cô tự hỏi đầu bếp Trung Quốc làm được thêm mấy món trứng nữa. Cô cũng muốn biết chồng Trung Quốc có lịch sự với vợ không bởi Thành chỉ quan trọng mỗi tính thật thà.

Cô muốn chào Sáng và hỏi uống cà phê buổi sáng à nhưng nghĩ thế nào Sáng cũng không trả lời. Năm phút sau còn băn khoăn thì Sáng đã đứng lên, một lúc quay lại đưa cho Cô tách cà phê, có đủ cả đường lẫn sữa, còn kèm một khúc bánh mì kẹp bơ. Cô ngồi dậy ăn bữa điểm tâm bất ngờ, thâm tâm thấy hài lòng vì được người khác phục vụ, lại là một người khác phái, lại không cần hỏi mà biết món Cô hàng ngày chỉ nhìn thấy trong Stream Line, quyển Một quyển Hai quyển Ba quyển nào cũng hỏi what do you like for your breakfast để cô trả lời coffee and bread and butter.

Hai người ngồi như thế, im lặng. Sáng uống nốt tách cà phê. Cô vừa ăn vừa nghĩ bấy lâu nay chỉ biết ăn sáng ở chỗ chắn tàu, giữa mũ len, quần đùi và người lạ mặt, vừa hít bụi vừa nhai xôi, ngỡ làm như thế là để tính thật thà của Thành bớt đi một chút thật thà. Mười lăm phút ấy, trên phố Khâm Thiên, quai hàm Cô bạnh ra hai bên, mắt lừ đừ, mũi đỏ lự, cơ cổ giật liên hồi. Cô ngẩng lên nhìn thì Sáng đã đi ra đến cửa. Cửa đóng lại rồi Cô mới nhớ là chưa cám ơn Sáng, lại vỗ tay vào trán. Sáng mặc quần bò áo thun, cả hai đều không mới cũng không cũ, chân đi săng đan da, lưng đeo túi thổ cẩm. Cô nghĩ Sáng chẳng giống các họa sĩ còn lại của tổ trang trí. Ít ra cũng ở cách ăn mặc, không dắt điện thoại di động ở mông, không đeo hầu bao giả da ở bụng, áo thun cũng không in tháp Ép-phen ở trên, I love Paris ở dưới. Ít ra cũng ở cách nói năng, không câu nào cũng tôi vừa cho đi mấy bức, thằng khách của tôi giám đốc người Pháp, đại diện người Mỹ, nhà báo người Nhật, không gặp ai cũng hỏi thế nào mấy mảnh rồi, sắp xây chưa, vào cầu chứ. Ít ra Sáng cũng đến xưởng mỗi ngày một lần, chẳng để làm gì, đúng tám giờ sáng, ngồi mười lăm phút trên cái ghế đẩu, rồi lại đi, chẳng để làm gì, nhưng cũng đến xưởng mỗi ngày một lần, tám giờ sáng.

Năm năm tiếng Nga của Cô ở đại học sư phạm ngoại ngữ kết thúc cách đây mười năm, cùng với việc Liên Xô tan rã, cùng với tính linh hoạt được người Việt thể hiện triệt để, xóa sổ hoàn toàn tiếng Nga, lớp học tiếng Anh mọc lên như nấm. Cô cũng mua một bộ Stream Line, năm mươi nghìn cả sách lẫn băng, tuần hai tối đến trung tâm ngoại ngữ Tô Hiệu theo cua cấp tốc, được mươi ngày thì phát giác thầy giáo hóa ra cũng vừa tốt nghiệp đại học tiếng Nga, linh hoạt sớm nên mua Stream Line sớm, trước cô nửa năm, lúc cả sách lẫn băng chỉ có ba mươi lăm nghìn, giờ ba tối đi học Stream Line Hai, ba tối đi dậy Stream Line Một, còn ban ngày làm nhân viên phòng hành chính công ty Thực Phẩm Hà Nội. Cô tiếc năm mươi nghìn tiền học chót đóng nên đành đến lớp giúp thầy giáo cua nào cũng bỏ nửa tiếng đầu chữa L với N vì một nửa lớp nhất định gút mo linh mai lêm iz nan ai niv in việt lam. Nửa tiếng cuối dành cho tâm sự tập thể vì một nửa lớp khủng hoảng tâm sự lại không sợ mất tiền, đặt chân vào lớp là vây quanh cô Hồng Hoa, cô Hồng Hoa ba mươi tư tuổi thợ may không chồng cũng không bao giờ nhầm L với N nhưng rất thích từ đếch, trong giờ ba lần gác chân lên ghế tâm sự chị gái em tên Ngọc Hoa đếch biết một câu tiếng Anh nào lấy được chồng Thụy Điển đếch biết một câu tiếng Việt nào, kĩ sư cầu đường đến phố Huế lắp ống nước gặp chị gái em tên Ngọc Hoa ra rửa rau sống ở vòi nước công cộng, đếch hiểu thế nào một tuần sau đã cưới. Hết ba tháng, cả lớp vẫn ở Lesson One nhưng ai cũng bị hội chứng đời đếch là cái đếch gì của cô Hồng Hoa. Hết ba tháng, cả lớp chẳng thuộc thêm từ mới nào nhưng ai cũng rõ cô Ngọc Hoa vừa về thăm gia đình, vẫn đếch biết một câu tiếng Anh nào nhưng bế theo một thằng cu vừa béo vừa trắng như trên hộp sữa Similac. Cô sốt ruột hỏi thầy bao giờ mới học hết Stream Line Một để Cô còn có bằng đi dậy, không chính qui thì ban đêm cũng được, không ngay quận Hoàn Kiếm như thầy thì cùng lắm là ngoại ô, chịu khó ra khỏi Hà Nội năm cây số thì Stream Line Một biến thành Stream Line Hai, đến thị xã Hà Tây thành Stream Line Bốn, hai mươi cây số còn hơn ngồi nhà ngắm mảnh bằng tiếng Nga, có lên đến Sơn La cũng chẳng ai muốn học. Thầy giáo tiếng Anh, tên Huy, cuối giờ rủ Cô đi giải khát. Ngồi xuống ghế, quăng túi sang một bên, cũng túi thổ cẩm, thầy gọi Cô là bạn xưng mình, lại hỏi bạn dùng líp tân hay cóp phi, cuối câu lên giọng như trong băng. Uống hết tách cà phê, thầy khuyên Cô cố theo ngành ngoại ngữ, không Anh thì Pháp, linh hoạt nhất là cả hai, tiếng Nga cũng không nên bỏ, cách đây dăm năm ai nghĩ đến tiếng Trung. Thầy tâm sự tuần trước vừa đăng kí học tiếng Pháp, ở Alliance Francaise, một tuần hai buổi, giờ tan tầm. Tiếng Pháp không khó hơn tiếng Anh nhưng cả buổi thon thót vì tên cúng cơm của thầy liên tục bị nhắc, cứ chê dân châu Á không biết nói non nhưng người Pháp thực ra nói oui trong mọi trường hợp. Thầy bảo Cô học tiếng Nga thì biết tên cúng cơm của thầy cũng từng có vấn đề với Nga ngữ. Trong năm năm liền thầy đau khổ vì chuyên gia Liên Xô cứ đọc đến nó là cười sằng sặc, cười xong còn bảo trước mặt cả lớp bố mẹ thầy không biết ngoại ngữ nên chọn cho thầy cái tên mỗi khi vang lên là nhắc đến chỗ kín của đàn ông. Đời đếch là cái đếch gì, thầy kết luận, nếu phe xã hội chủ nghĩa mà được phục hồi thì cùng lắm là thầy đổi tên, năm trăm nghìn một khai sinh mới, thậm chí họ Lê tên Nin cho linh hoạt cũng được. Đời đếch là cái đếch gì, chỉ một từ linh hoạt là đủ. Nhìn cốc chè ngồi buồn trong tay Cô, Lipton sản xuất ở Chợ Lớn, tinh dầu chanh cũng nhân tạo ở Chợ Lớn, thầy thương hại hứa sẽ cho Cô địa chỉ một cua cấp tốc, bảo đảm sáu tháng có bằng B, giáo viên mới thực tập ở Ấn Độ về, học sinh toàn nhân viên bộ Nội Vụ nên nghiêm chỉnh lắm, không nói ngọng cũng không đếch bao giờ.

Cô mang một cái bút mới, một quyển vở mới đến lớp mới, chọn chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ, cạnh một anh trẻ tuổi duy nhất không mặc quân phục. Cô đoán anh là nhân viên đánh máy của bộ thì anh quay sang tự giới thiệu. Hoá ra anh cũng tên Huy, cấp bậc trung úy, cũng gọi Cô là bạn xưng mình. Anh nói ngành mình trước hoàn cảnh mới, ai cũng được trả tiền đi học tiếng Anh, Bộ chọn giáo viên đi thực tập ở Ấn Độ về không phải vì tiếng Anh Ấn Độ chuẩn mà Ấn Độ là nước hiếm hoi trong khối nói tiếng Anh không có vấn đề. Cuối cùng anh hạ giọng : phải học ngôn ngữ của kẻ thù là nỗi đau của ngành. Mười lăm phút sau, khi nửa lớp nhất định từ chối chép vào vở you-anh, các anh, chị, các chị, bạn, các bạn, đồng chí, các đồng chí, mày, chúng mày, Cô lặng lẽ gập vở ra về, vừa leo lên xe vừa nghĩ may mà chưa đóng tiền học chứ một trăm nghìn khéo chỉ thi được vào trường Đảng cao cấp.

Ba mươi ngày tiếp theo, Cô còn kịp mang bút mới và vở mới đến ba lớp mới. Lớp nào cũng đang ở Lesson One, cũng có một cô tên Hồng Hoa, có một nửa lớp thích nói gút mo linh và một nửa lớp thích tâm sự. Kế hoạch đạp xe ra Hà Nội mở rộng dậy Stream Line cua cấp tốc buổi tối không biết bao giờ mới thực hiện được. Ngày thứ ba mươi mốt, Cô đến gặp ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính. Tại đây, người ta kể cho Cô câu chuyện sau :

Cách đây đúng sáu tuần, khi tờ báo được thành lập, ban giám đốc phân cho ban biên tập, ban bạn đọc, bộ phận sáng tác, chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, tổ cấp dưỡng, phòng hành chính, phòng tài chính, phòng tổ chức, phòng vật tư, phòng công đoàn, phòng kế toán tài vụ, mỗi bộ phận một phòng trong tòa nhà mười hai phòng của toà soạn. Khi các bộ phận đều đã mang bàn, ghế, tủ và ấm đun nước đến ngồi đàng hoàng trong dinh cơ của mình, ban biên tập mới phát hiện tờ báo thiếu một tay trang trí. Ba nhân viên có hoa tay nhất trong cơ quan đã được gọi lên để thử tay nghề. Ba tuần sau, cả ban giám đốc lẫn ban biên tập đều đi đến nhận định rằng trang trí một tờ báo, dù là báo ngành, cũng phức tạp hơn tô khẩu hiệu và vẽ bích báo sinh nhật đảng. Mười nhân vật chủ chốt của báo được tức tốc triệu tập. Một bức thư được đánh máy và gửi ngay trong ngày lên lãnh đạo Bộ, đúng tinh thần đổi mới tác phong làm việc :

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập-tự do-hạnh phúc

Đơn xin

Theo nghị định số 111 của bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 222 của chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 333 của bộ Văn Hoá và Thể Thao về xuất bản và báo chí,

Ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính đề nghị bộ Kinh tế-Tài chính cho phép thành lập tổ trang trí và giải quyết các điều khoản sau:

Nơi làm việc cho tổ,

Tổng số nhân sự của tổ,

Mức lương của từng nhân viên trong tổ.

                                                                                Đóng dấu. Kí tên.

Ba tuần sau, mười nhân vật chủ chốt của Bộ được tức tốc triệu tập. Một bức thư được đánh máy và gửi ngay trong ngày xuống giám đốc toà soạn, đúng theo tinh thần đổi mới tác phong làm việc:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập-tự do-hạnh phúc

Công hàm

Theo nghị định số 111 của bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 222 của chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về xuất bản và báo chí,

Theo nghị định số 333 của bộ Văn Hoá và Thể Thao về xuất bản và báo chí,

Bộ Kinh tế-Tài chính quyết định cho phép ban giám đốc toà soạn báo Kinh tế-Tài chính thành lập tổ trang trí và toàn quyền giải quyết các điều khoản sau:

Nơi làm việc cho tổ,

Tổng số nhân sự của tổ,

Mức lương của từng nhân viên trong tổ.

                                                                                Đóng dấu. Kí tên.

Bức thư được đọc đi đọc lại mười lần bởi giám đốc toà soạn, phó giám đốc tòa soạn, tổng biên tập, phó tổng biên tập, trưởng ban sáng tác, phó ban sáng tác, bí thư chị bộ, phó bí thư chi bộ, bí thư đoàn thanh niên và phó bí thư đoàn thanh niên. Đến cuối ngày thì tổ trang trí của báo Kinh tế-Tài chính được thành lập theo các điều khoản sau:

Nơi làm việc: tầng hầm

Tổng số nhân sự: một

Lương tháng: ba trăm nghìn

Cả hai bức thư đều được đưa cho Cô đọc còn các điều khoản trên thì được đích thân giám đốc toà soạn thông báo. Ngày hôm sau, năm tháng rưỡi kể từ ngày theo lớp cấp tốc tiếng Anh của trung tâm ngoại ngữ Tô Hiệu, Cô đã trở thành nhân viên chính thức vừa duy nhất vừa không chuyên của tổ trang trí tòa soạn báo Kinh tế-Tài chính, ngày tám tiếng có nhiệm vụ trực xưởng, khi có việc thì gọi các họa sĩ đến nhận, khi xong việc thì bàn giao lại cho ban biên tập. Ba quyển Stream Line, liên tục trong những năm sau đó, được để ngay ngắn trong túi xách tay, để mỗi ngày một lần mười lăm phút Cô mở ra tự học, đến bây giờ cũng không hiểu tại sao cứ mở chúng ra là rơi ngay phải hội thoại What do you like for your breakfast ?-Coffee and bread and butter.

Hôm nay Cô tự nhủ ngày mai, ngày kia, ngày kìa, tuần sau, tháng sau, mỗi khi nhắc lại hai câu này Cô sẽ nghĩ đến Sáng. Hôm nay sau điểm tâm, Cô quyết định chuyển sang bữa trưa và bữa tối, sau cà phê, bánh mì và bơ sẽ đến xúc xích ngựa, pa tê ngan, pho mát dê, gà Nhật non nhồi hạt dẻ bỏ lò, chim cút hấp lá nho, bánh rán nhỏ nhân hạnh đào, táo đỏ ngào đường phủ sô-cô-la, ức vịt xào bi-na vang trắng, bánh kít măng tây dăm bông chim trĩ, sò tươi nhét cá trồng kem săng-ti-ông, gà trống hầm rượu vang, lườn bê nướng với đậu vàng, xa lát cần tây cua bể quả bơ, đùi cừu cái ra-gu tỏi, cá sói súp rau cải xoong, thịt thỏ om dâu rừng, ga-tô mận kem tươi rom đỏ, lưỡi bò rô ti đậu ha-ri-cô, bưởi đào ca-ra-mel poóc-tô, hoẵng non quả ác-ti-sô sốt tiêu, đùi bê hun khói tẩm hột điều, trứng cá hồi muối ô-liu trắng. Cô học đến món thứ hai mươi hai vẫn chẳng có ai ở ban biên tập ghé xưởng để giao việc, để cho Cô có dịp gọi điện cho các họa sĩ tổ trang trí, nhân tiện hỏi xem có ai biết cá trồng, bánh kít, gà Nhật non là gì không. Bốn giờ rưỡi chiều, Cô bỗng thấy đói cồn cào, hộp cơm ban trưa ba nghìn, ba miếng đậu phụ rán, ba gắp rau muống xào, ba quả cà pháo muối không đủ sức cưỡng lại hai mươi hai món ăn tây, món nào cũng sang trọng lịch sự, có lẽ hơn cả coffee and bread and butter mà Cô học mười lăm phút các buổi sáng.

Xếp ba quyển Stream Line vào túi, kiểm tra lại ví tiền, Cô lặng lẽ ra góc nhà nơi có cái nắp sắt hình vuông. Nhìn từ dưới lên mới thấy những vẩy li ti màu nâu thẫm. Cô tiếc đã không bảo Sáng cho mượn chìa khóa xưởng để bây giờ phải bẩn hết tóc. Nhớ đến Sáng, Cô quay lại tìm chiếc ghế đẩu Sáng vẫn ngồi, mang nó ra kê bên dưới cái nắp sắt rồi trèo lên, vừa trèo vừa nghĩ hôm nay Sáng ở lại xưởng lâu hơn bình thường, thậm chí rất lâu, lâu đến độ Cô không xác định nổi, có thể Sáng đã đến, đã nhìn Cô ngủ, ngủ rất say, lần đầu tiên từ năm năm nay không có Thành càu nhàu bên cạnh.

Cô nghĩ đã bị thức dậy bởi mùi cà phê. Sáng đang ngồi trên chiếc ghế đẩu giữa phòng. Thấy Cô mở mắt Sáng không chào chỉ hỏi what do you like for your breakfast, cuối câu lên giọng y hệt trong băng. Nhìn vào tách cà phê và khúc bánh mì trên cái khay nhỏ bằng gỗ đặt sát tấm nệm, Cô ngồi dậy, mỉm cười, trả lời coffee and bread and butter, đinh ninh giữa khúc bánh mì không thể có gì khác ngoài một lát bơ mỏng, mỏng thế nào thì cả Sáng lẫn Cô đều không biết đích xác.

Hai người ngồi như thế rất lâu. Sáng im lặng quấy cà phê. Nhấm nháp bữa ăn tối, Cô tự nhủ Sáng đã đến, đã bước vào xưởng khi Cô nằm bất tỉnh trên sàn nhà, đã bế Cô đặt lên tấm nệm, cởi giầy cho Cô, đắp chăn lên người Cô, rồi không cần hỏi cũng biết Cô đói đến nỗi nhào từ ghế đẩu xuống đất.

Sáng uống xong tách cà phê rồi mà vẫn chẳng nói gì thêm. Năm phút sau, Cô muốn hỏi Sáng đến từ bao giờ thì đã thấy Sáng ngồi ngay bên cạnh, môi Sáng thơm mùi cà phê.

Cô mở mắt ra. Xưởng tối đen. Cô không nhớ ai đã tắt đèn. Cô cũng không nhớ ai đã bắt đầu. Hình như mấy tiếng vừa qua Cô và Sáng đã cùng nằm trên một tấm nệm, cùng chia nhau hai thân thể yên lặng.

Ngày mai Thành về. Cả gia đình lại tiếp tục ngủ chung một giường vì thằng Phong vẫn chỉ bốn tuổi, chưa thể nằm một mình dưới đất. Cô và Thành sẽ làm tình với nhau vào tối thứ bảy, sau khi xem xong chương trình phim truyện ở vô tuyến. Năm năm qua, Cô và Thành biết cách làm thế nào để không đánh thức thằng Phong dậy, không mất thời gian mặc lại quần áo, không làm phiền hàng xóm, không làm gẫy giát giường.

Ngày mai Sáng sẽ đến. Tám giờ. Không làm gì. Không nói gì. Ngồi mười lăm phút trên cái ghế đẩu rồi lại đi. Trước khi đi thế nào cũng sang quán giải khát bên cạnh mang về cà phê và bánh mì kẹp bơ. Nhưng Cô biết Sáng sẽ chẳng bao giờ còn hỏi What do you like for your breakfast để Cô còn có dịp trả lời Coffee and bread and butter.

Paris, tháng 3 năm 2003


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021