thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ánh mắt Lê Thành Nhơn

Lần đầu tiên gặp Lê Thành Nhơn, tôi gặp giữa những tường tranh hực lửa, trên tầng hai của một phòng phòng triển lãm tư, đâu đó ở South Melbourne.

Đó cũng là ấn tượng đầu tiên của tôi về tranh của anh. Bên ngoài trời đang đổ lửa và bên trong những bức tranh cũng đang hực lên với lửa, hực lên với những sắc vàng, đỏ, trắng chói chang xoắn xuýt vào nhau. Tôi nghĩ: nếu Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng thì, hẳn là, tranh anh phải xếp vào "tượng" thứ tư, cái "tượng" thái dương có hai vạch dương xếp chồng lên nhau như một dấu bằng dài. Còn nếu Âm dương sinh tam tài, tam tài sinh ngũ hành, ngũ hành biến hoá thành vạn vật... thì, có lẽ, tranh anh, trong cuộc triển lãm hôm ấy, lại toát hơi thở của nhị "hành" kim, hoả.

Giữa những hỏa diệm sơn bằng canvas ấy lại thấy trắng toát một Chân dung mùa hạ, cái bức tượng cẩm thạch kê thâm thấp giữa phòng, trông rất thổ, rất mộc, như để vực lại mối cân bằng thủy/hoả, âm/dương. Cái bức tượng với cái cổ cao và làn tóc dài chảy ngược lên cao, bồng bềnh xoè ra như thể thân hình của một nhân ngư đang trườn mình xuống để tìm về đáy nước cô tịch sau khi đã chán chường cái lồng lộng của bề mặt bể khơi.[1]

Lễ khai mạc. Những thủ tục giới thiệu quan khách lòng vòng và đến phiên anh. Anh nói, cũng lòng vòng đây, kia, đó, nọ. Anh nói về cái bận lái xe trên con đường ở Dandenong, cái bận lạc giữa sương mù mà thấy mình như con chim nhỏ bay lạc trong sương, như chính lời anh: a little bird in the fog.

Nhảy lò cò từ ấn tượng này sang ấn tượng khác, cảm giác của tôi hôm ấy cứ là thay đổi từng tầng. Trên những khung vải chói chang tôi thấy một nguồn nội lực đang âm thầm chảy lửa: không cháy mà chảy, chảy sềnh sệch như một dòng nham thạch đang trào ra từ chốn sâu thẳm nhất của lòng đất hay chảy nhễ nhại như vừng trăng già trên cao đang từ từ hoá lỏng. Từ một hình khối ba chiều lặng lẽ một màu trắng tôi lại thấy trải ra một bề rộng mênh mông và hút xuống một bề sâu thăm thẳm: rộng thì bát ngát, bồng bềnh như ngàn trùng bể khơi mà sâu thì hun hút, mịt mù như thể một huyền thoại xa xăm và mơ hồ. Mơ hồ lãng đãng và tinh tế như thể đôi cánh mỏng manh của con chim nhỏ đang khẽ khàng chao động giữa mấy vạt sương sa.

Thú thật, hôm ấy tôi chỉ đến phòng tranh của anh theo một lời rủ rê khá là... phi nghệ thuật. Rằng, Lê Thành Nhơn đang triển lãm. Rằng, hứa hẹn sẽ đủ mặt "quái kiệt Melbourne". Vân vân... Và, trên cái sân thượng nối liền với phòng triển lãm bằng cánh cửa ra vào, có mấy tàng cây lúp xúp phủ quanh, có bóng dáng những tháp chuông nhà thờ thấp thoáng xa xa, mấy "quái kiệt" đất Melbourne ngồi lúp xúp bên những ly rượu vang sóng sánh màu bồ quân mà rôm rả nổ chuyện văn nghệ. Cái câu chuyện còn được nối dài ở một nơi xa hơn, khuya hơn và tại đó, giữa những quái kiệt đất Melbourne, "con chim nhỏ bay lạc trong sương" lại say sưa về một dự tưởng sáng tác mới, về cái hình khối đá/người vươn hai cánh tay, tay đục tay búa, tự tạc lấy mình để hoá thân thành người. Anh say sưa nói và mắt anh rực sáng, lấp lánh theo những đường nét, những góc cạnh chợt loé lên theo trí tưởng tượng. Thế nhưng, cho dù đôi mắt ấy lấp lánh đến bao nhiêu đi nữa, ấn tượng lưu lại trong tôi, lúc ra về, vẫn là cái gì đó buồn buồn. Buồn, không rõ là do hơi men, hay do ngái ngủ. Hay chỉ đơn giản là buồn như con chim nhỏ bay lạc trong sương.

Từ đó, thi thoảng tôi lại có dịp gặp anh, những cái dịp "xáo trộn văn chương với chả cá". Ở đó, những giọt rượu quặn màu bồ quân hay trong veo như hạt mưa rong rỏng chảy ra. Và ở đó, những câu chuyện văn nghệ cũng rong rỏng chảy ra, sôi nổi và say sưa. Và anh, anh cũng sôi nổi, say sưa. Anh sôi nổi về những điều mà mình chỉ có thể diễn tả trọn vẹn bằng búa, bằng đục, bằng bàn tay nhào nắn hay bằng sơn, bằng cọ. Anh say sưa về những hình khối và đường nét chưa ai biết được vì chỉ thoáng hiện trong trí tưởng tượng của mình. Như, những nét mới hơn cho cái khối đá hoá người, chẳng hạn. Như, một Phật tự hay một trung tâm Phật học với những bố cục cong vòng, tròn và sắc như một đoá sen, chẳng hạn. Anh say sưa và mắt anh lấp lánh, lấp lánh. Lấp lánh với nét gì đóù vừa man dại vừa hồn nhiên: man dại như thể mới vừa thoát thai từ đá để rồi, lần đầu tiên trong đời, say sưa chiêm ngưỡng cái đẹp, cái hoành tráng của "ba ngàn thế giới"; hồn nhiên như thể một đứa trẻ vừa hí hửng bắt được quà từ gánh hàng của mẹ, cái gánh hàng của bà-mẹ-sáng-tạo luôn luôn rộng mở cho những đứa con mê say sáng tạo. Thế nhưng, khi sự sôi nổi đã chùng xuống, khi mọi thanh âm đã chìm vào khoảng lặng, đôi mắt ấy cứ là dàu dàu man mác một nỗi buồn, cái nỗi buồn trong ánh mắt người tạc tượng dễ thường kéo dài tới hàng thế kỷ.

Tôi lan man nghĩ đến mắt tượng Phan Bội Châu, một Phan Bội Châu uy nghi và sừng sững ánh đồng của anh vốn đã trở thành một di sản, một dấu tích không thể tách rời của Huế. Ánh mắt của nhà cách mạng tranh đấu suốt một đời và ra đi giữa lúc tắt lịm ước mơ, qua bàn tay anh, cơ hồ toả ra sức nặng của cả non sông, cái non sông hùng vĩ mà anh đã dồn nén vào toàn thể hình khối. Từ hàng chân mày nhô ra như một gờ đá, gợi nhớ những vực đá cheo leo, đâu đó ở Việt Bắc heo hút mù sương hay ở Trường Sơn xanh thẳm. Từ vừng trán cao như là núi, rộng như là bình nguyên và vằng vặc như một vừng trăng. Từ những vết da nhăn cuồn cuộn, trườn mình như những triền sóng dưới hàng chân mày để rồi, với chòm râu rậm, toả ra và ào xuống như một thác nước, như là chòm rễ của một cội đa già hàng thế kỷ, cái chòm rễ rậm rì và dày đặc nối kết ngọn cành liền vào lòng đất.

Kể từ lúc hoàn tất vào năm 1974 bức tượng vẫn lẩn quẩn chôn chân trong những xó xỉnh tối tăm, từ phường đúc rồi vòng về khu vườn mà ngày xưa người Pháp đã giam lỏng cụ Phan. Hồi đó, "để làm cái gì đó cho Huế", một Huế điêu tàn đổ nát sau một xuân đỏ máu rồi một hè đỏ lửa, bức tượng cụ Phan đã ra đời sau nhiều công sức vận động. Hồi đó, "để làm gì cho Huế" và để tưởng niệm một nhà ái quốc vĩ đại, cả hai viện đại học Huế và Sài Gòn cùng nhật báo Sóng Thần đã xắn tay vào cuộc tiếp sức cùng anh, sôi nổi mấy năm liền. Hồi đó, để "làm gì cho Huế", một Trịnh Công Sơn phản chiến Đại bác đêm đêm dội về thành phố đã chạy đôn chạy đáo để tiếp sức cùng anh, đi xin những vỏ đạn đồng mang về làm tượng. Và bây giờ, cũng để làm cái gì đó cho Huế, và để ghi công một nhà ái quốc vĩ đại, nhiều nghệ sĩ trong nước đã vận động để đưa tác phẩm của anh ra một vị trí xứng đáng hơn với tầm vóc của nó và của nhà cách mạng, cái địa điểm bên bờ sông Hương như đã từng dự tính vào lúc mới vừa hoàn tất. Tuy nhiên tượng vẫn còn chôn chân tại khu vườn giam lỏng, đơn giản với một lý do, không nói ra mà chỉ được hiểu ngầm: lãnh tụ vẫn chưa có tác phẩm điêu khắc nào có cùng tầm cỡ. Tầm vóc lớn lao của một nhà cách mạng và tầm vóc nghệ thuật của một tác phẩm đầy nét hoành tráng của anh, như thế, đã bị đối xử bằng ánh mắt nhỏ nhen của những bậc hào lý đang rình rập tranh nhau mảnh chiếu trang trọng ở giữa đình làng.[2]

Mà không chỉ là tượng của nhà ái quốc: cả hai biểu tượng tôn giáo lớn, biểu tượng của sự chịu đựng và khoan thứ, qua bàn tay anh, cũng long đong lận đận như thế. Tượng Đức Phật và tượng Đức Mẹ Maria.

Với đa số người Việt Nam thì Đức Phật là một hình tượng quá ư gần gũi. Từ Ấn Độ, hình ảnh của Phật đã băng qua những con đường lòng vòng đâu đó rồi mới đặt chân đến đất tổ để rồi trở thành cái gì đó của người Việt, rất gần. Gần, để "Lạy Trời Phật" mỗi khi gặp tai ương. Gần, để đóng vai vị phúc thần mang tên "Bụt" sẵn sàng giáng thế cứu giúp người khi gặp điều oan trái, như đã giúp cô Cám đời lắm thiệt thòi hay giúp anh đầy tớ khờ nối liền cây tre trăm đốt. Gần, như những vị Bồ Tát nhoẻn miệng cười vui và ưỡn cái bụng no tròn như để nói lên ước mơ ngàn đời của con người về một đời sống no đủ và ăm ắp tiếng cười. Và gần với hình tượng Thích Ca Như Lai trên toà sen, một tay mở ra tĩnh lặng như sẵn sàng đón nhận và một tay dựng lên như mở lời giáo huấn cùng những đường nét cong tròn hài hoà uốn lượn như một tấm lòng bao dung. Hình tượng Phật, qua bàn tay anh, thì khác. Khác từ vạt áo sắc cạnh đến hai bàn tay hay hai bàn chân thong thả xếp vào nhau nhưng cũng rất sắc cạnh. Mắt Phật như nhắm lại, đầu hơi nghiêng, ngả về phía trước như đang miên man suy nghĩ, như đang trầm tư mặc tưởng, như đang nhìn vào chính mình để chiêm nghiệm và để chỉ ra một con đường lớn cho chúng sinh. Phật của anh không ngự trong lòng đoá sen mà, thay vào đấy, đôi chân, rồi vạt áo cà sa, xếp lại hay mở ra trong những đường nét vừa sắc vừa cong, mường tượng như một đài sen. Cái thần thái ở tượng Phật ấy, có lẽ, mang hơi hướng gì đó của Phật giáo nguyên thuỷ, của người thầy răn dạy ta "đã thành" và các con "sẽ thành". Đức Phật ấy, như thế, đã hơi khác với một Đức Phật trong những lời nguyện "Cầu Trời cầu Phật". Khác với một Đức Phật đã được Việt hoá thành Bụt để làm vị phúc thần đổi đời cô Cám. Và, khác để rồi chẳng cửa chùa nào dang tay rộng mở.[3]

Thay đổi một hình tượng lạ đã được truyền thống hoá anh bị từ khước đã đành. Việt hoá một hình tượng nhập cảng anh cũng bị từ khước nốt, như câu chuyện về bức tượng Đức Mẹ: nếu người Phi Châu đã mường tượng nên Chúa như một người da đen thì tại sao hình tượng mà người Việt gọi là "Đức Mẹ" không phảng phất bóng dáng của... mẹ? Tượng Đức Mẹ của anh, bởi thế, phảng phất nét gì đó của một người mẹ Việt Nam. Cái bà mẹ -- thay vì chắp tay cầu nguyện hay lần đếm tràng hạt -- lại nhẹ nhàng buông thả, hơi hơi xoè ra như sẵn sàng rộng mở để đón nhận những đứa con vào lòng, đó mới thực là mẹ: mẹï không cầu xin mà mẹ sẵn lòng cưu mang, đón nhận. Nhưng bà mẹ đó lạ quá và rồi, mẹ cũng lận đận, cũng còn nằm chờ con đâu đó tại một xưởng đúc ở Melbourne.[4]

Ba tác phẩm điêu khắc và ba câu chuyện buồn vui. Chuyện buồn vui, như một phần nhỏ trong sự nghiệp của một đời nghệ sĩ thế mà như muốn gói ghém trọn vẹn những chuyện buồn vui của non nước mình. Trong ánh mắt của nhà cách mạng Phan Bội Châu, qua bàn tay anh nhào nắn, tôi thấy chứa chan sức nặng của cả non sông hùng vĩ, của những làng mạc và thành quách,ø của tiếng núi đang hú gió và tiếng sông đang cuộn nước. Trong ánh mắt dàu dàu của anh, tôi thấy những núi sông ấy vỡ ra theo một chữ S đã bị băm vằm hàng trăm, ngàn mảnh. Khô khốc và ngưng đọng. Ty tiện và nhỏ nhen. Những mảnh nhỏ nhen chính trị việc làng và tôn giáo việc làng.

Lần cuối gặp Lê Thành Nhơn, tôi gặp trong bệnh viện. Cái giường nệm trắng tinh và một thân hình gầy gò, chằng chịt những sợi dây điện và những cái đồng hồ lạnh lùng đo lường sự sống. Đôi mắt ấy, đang nhắm nghiền, chợt mở ra, sáng lên, rạng rỡ những niềm vui. Quằn quại đau đớn với những tế bào ung thư đang lan nhanh trong cơ thể anh vẫn bật cười sảng khoái với những câu chuyện vui và cả những câu chuyện tục...

Thế đấy. Còn sống, còn hăm hở với bao nhiêu là dự tính lớn lao, anh để lại những ấn tượng man mác về một đôi mắt dàu dàu, đăm đắm nỗi buồn. Chuẩn bị đi vào giấc ngủ cuối cùng của cuộc đời, anh để lại một ấn tượng khó phai mờ về một ánh mắt bình thản, sáng rỡ với niềm vui.

Hẳn là, ra đi, anh ra đi nhẹ nhàng và thanh thản lắm, bất kể những đau đớn thịt xương...

Sydney 12.11.02

_________________________

[1]Ảnh của tượng này đã được sử dụng để minh họa trong tạp chí Việt, số 4, 1999, trang 5.

[2]Theo Lê Thành Nhơn thì khi bức tượng hoàn tất, chính phủ đã cử đại diện xuống tiếp tay với nhóm làm tượng, đề nghị cung cấp kinh phí để đưa về dựng tại một địa điểm bên bờ sông Hương, tuy nhiên biến cố 1975 đã làm đảo lộn tất cả. Riêng những chi tiết sau tôi đọc trên báo Lao Động, hiện không còn giữ, đành thuật lại theo trí nhớ.

[3]Nhiều người nhận xét rằng tượng này rất đẹp và rất lạ, nhưng vì lạ nên không một nhà chùa nào muốn đón nhận. Hiện bức tượng này -- còn ở dạng mẫu bằng thạch cao -- được một người bạn trẻ của anh là Võ Quốc Linh đưa từ Melbourne về nhà riêng tại Sydney.

[4]Tượng này đã đúc đồng nhưng các cộng đoàn Công giáo không chấp nhận vì không giống với hình tượng Đức Mẹ quen thuộc của họ. Hiện tượng này còn được giữ lại tại một xưởng đúc ở Melbourne.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021