thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tiếng Việt không biết cãi?

 

Năm mười mấy tuổi, lần đầu làm cuộc hành trình xuyên nửa nước, từ nam đèo Hải Vân xuôi nam, Sài Gòn, Cần Thơ rồi Rạch Giá v.v..., tôi đã ngạc nhiên khám phá sự hào sảng chữ nghĩa của những vùng đất hào sảng tài nguyên. Ngạc nhiên, pha lẫn chút gì đó... thất vọng, tôi cứ ngơ ngác hỏi mình: "Chỉ có ba cái ghế dựa và hai tấm gương thôi mà đã thành một cái... viện rồi ư?"

Như để thuận theo sự ưu đãi của thiên nhiên, chữ nghĩa mấy nơi này chợt rổn rảng hẳn lên và những "hiệu" hay "tiệm" ở vùng đất nam đèo Hải Vân, dù cũng cùng một tầm cỡ thế thôi, đã sang cả hoá thân thành "viện". Mấy cái "viện uốn tóc" lèo tèo mấy cô thợ chẳng quan tâm đến điều gì cao xa hơn là mấy mốt thời trang hay, cao lắm, là mấy chuyện đại loại Lệ Thủy ca hay hơn hay Thanh Kim Huệ ca hay hơn. Bất giác, tôi lại tự thắc mắc với mình là, liệu, theo cái đà này, mai đây những "viện cắt may", "viện đấm bóp tắm hơi", "viện bún bò Huế", "viện phở bò gà" thậm chí "viện bún mắm thịt quay", "viện xay bột lấy liền" có trùng trùng trăm hoa đua nở?

"Viện", hồi đó, trong thế giới quan của tôi, là cái gì đó ghê gớm. Như "viện hàn lâm", "viện bảo tàng", chẳng hạn. Hay như "viện nghiên cứu biển", thay tên từ "hải học viện", như "Học viện y khoa Huế", "Viện Pasteur", chẳng hạn. Và như, tưởng là dơ dáy từ cái âm nghe khó mà phân biệt được chữ cuối "c" hay "t":

Ô đài viện cức đề huề
Một mai áo gấm trở về cố hương

tức cái lò vinh hiển, nơi những thân trai khao khát "danh gì với núi sông" lều chõng lập thân.[1] Những "viện" ấy, như thế, chẳng thể nào vụn vặt như mấy cái "viện" chỉ lèo tèo ba cái ghế dựa và hai tấm gương soi. Mèng hơn, với những "viện" đứng sau như "thư viện" hay "bệnh viện", dù ở một xó tỉnh hay huyện lỵ khô cằn và nghèo nàn nào đó chứ chẳng thể nào bệ rạc như thế. Không những kệ gỗ ngồn ngộn sách vở thì cũng sang cả với dăm ba ông đốc tờ mặt mày trang nghiêm, áo khoác trắng trang nghiêm, miệng đọc vanh vách những tên thuốc hay tên bệnh bằng chữ tây, không như cái viện nơi chỉ nghe kiểu tóc, kiểu áo hay giọng ca chảy nước của mấy cô đào cải lương.

Nói là nói thế chứ, thực ra, trên giấy trắng mực đen, cũng chẳng biết vin vào đâu. Chữ "viện", như là một từ dùng để biểu đạt cái gì đó, không biết cãi và do đó, mặc tình thiên hạ ép buộc hay gán ghép những ý nghĩa mà nó phải... biểu đạt. "Viện", trong Hán - Việt Tự Điển của Đào Duy Anh là "Tường xây xung quanh-Trường sở-Quan sảnh". "Viện", trong Hán-Việt Tự Điển của Thiền Chửu là "Tường bao quanh, nhà ở có tường thấp bao quanh", là "chái nhà, nơi chỗ, như thư viện", là "toà quan, như Đại lý viện, tham nghị viện". Và "viện", trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, lại là "Sở, nhà có tính cách chung" với nào là "viện đại học, viện hàn lâm, nghị viện, ảnh viện, bảo tàng viện, học viện, mỹ viện, nghị viện, tu viện, thơ viện...". Thế thì có gì khác giữa "trường sở / quan sảnh" với "nhà có tường thấp bao quanh"? với "sở, nhà có tính cách chung"? có gì khác giữa "chái nhà, nơi chỗ, toà quan" với cái "sở, nhà có tính cách chung" đó?[2]

Tiếng Việt, như thế, trên phương diện văn bản và thể chế hoá, chưa đạt đến một mức độ chuẩn hoá rốt ráo và nhất quán. Những bộ tự điển thì, nhiều chỗ, cứ là trống xuôi kèn ngược. Những bộ sách ngữ pháp thì, lắm lúc, nửa vời cạn cợt. Với một con số hạn chế của những thí dụ gạn lọc quanh đi quẩn lại, cái gọi là "ngữ pháp tiếng Việt" đó chỉ là hiện thân của một thứ tiếng... lơ lớ Việt. Như một cuộc mạo hiểm nửa vời, nó không dám đi sâu vào những lối nói... đặc Việt ngữ mà chỉ lăm le thám hiểm khu rừng bằng cách mon men làm quen với vài ba thứ cây cỏ mọc ven cái bìa rừng. Trong một tình trạng nhập nhằng như thế, người ta sử dụng tiếng Việt mà như thể sử dụng một thứ tiếng riêng của mình, với cái thước đo của riêng cá nhân mình. Người ta "yêu" tiếng Việt mà như thể... khinh nhờn tiếng Việt, và, kết quả là, tiếng nói của chúng ta càng bị trượt dốc nhanh hơn trong cái sự nhập nhằng và phi chuẩn.

Hẳn nhiên, ngôn ngữ nào cũng hàm chứa những yếu tố vô lý hay mâu thuẫn, và do đó, khó mà chuẩn hoá một cách máy móc, một trăm phần trăm.[3] Là sản phẩm của nhiều thời đại, của một loạt những va chạm hay giao tiếp lịch sử, chủng tộc v.v.., những yếu tố bất hợp lý và mâu thuẫn của nó đã được hợp lý và khả dụng hoá theo những quy ước chung, thường được khái quát và thể chế hoá ở môn ngữ pháp. Một người Việt có thể chưa bao giờ học ngữ pháp tiếng Việt nhưng, qua những giao tiếp xã hội và mấy ngàn trang sách đã đọc -- từ Kiều, Lục Vân Tiên cho đến những tác phẩm, tác giả khác nhau, hết Tự lực văn đoàn thì hiện thực xã hội chủ nghĩa hay Sáng tạo v.v... -- những quy ước đặc tiếng Việt sẽ thẩm thấu vào sâu vô thức như một thứ bản năng, cái bản năng viết và nói đúng tiếng Việt. Một sinh viên Việt Nam có thể bài bản và khuôn phép với môn ngữ pháp của người Anh, không bao giờ dám đi chệch một dấu phẩy hay cách xuống hàng, thế nhưng nếu lười, không đọc những cái đáng đọc, thứ ngôn ngữ xây dựng theo những quy phạm máy móc ấy khó mà trở thành một ngôn ngữ... đặc chất Anh, cũng như món chả cá Lã Vọng chẳng thể nào đặc chất... Lã Vọng khi đem tàu vị yểu thay thế cho vị mắm tôm. Ngữ pháp là cái kim chỉ nam giúp người ta đi đúng hướng. Còn muốn nắm đúng cái "hồn", những quy tắc sâu kín hơn của bất cứ ngôn ngữ nào đó thì, hết sức đơn giản, phải đọc!

Thế nhưng sự đọc, đọc nghiêm túc, lại là cái gì đó lạc điệu và xa xỉ trong nhịp sống gấp gáp của thời đại Internet, thời đại của văn hoá thị ảnh và quảng cáo. Kẻ viết đã vội vàng gấp gáp mà người đọc cũng vội vàng gấp gáp, chẳng thể nào đủ cho sự thể hiện hay thẩm thấu những quy ước ngôn ngữ. Thì cũng còn có ngữ pháp, thế nhưng, như đã nói, đấy chỉ là thứ ngữ pháp lơ lớ Việt. Chỉ một ngữ pháp Âu châu với sự minh hoạ của những "thí dụ" gò ép trong tiếng Việt: mãi cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể khái quát hoá và trừu tượng hoá những quy ước trong cách sử dụng và những yếu tố đặc thù từ tiếng nói của mình.[4]

Nguyên nhân có lẽ là do nếp tư duy của chúng ta, cái tư duy duy kinh nghiệm, cụ thể và chỉ xoay chuyển chung quanh cái thế giới quan chật hẹp của mình.[5] Dù đã có người, như ông Trần Ngọc Thêm, quả quyết từ những bằng chứng mơ hồ và vá víu rằng những rằng những ý niệm trừu tượng như âm dương, tam tài, ngũ hành, rồi Lạc Thư, Hà Đồ v.v... đều xuất phát từ nguồn Việt;[6] thế nhưng, khó mà chối cãi, nếp tư duy Việt vẫn là một nếp tư duy cụ thể. Tiếng Việt thể hiện tinh thần cụ thể và cách chúng ta ứng xử với tiếng nói của mình cũng... cụ thể. Chúng ta đã quá... cụ thể khi máy móc áp dụng quy tắc ngữ pháp sẵn có từ Âu châu vào những thí dụ cụ thể, đã chọn lọc cẩn thận từ tiếng Việt. Cứ nghĩ, nếu đã có thể trừu tượng hoá các hiện tượng đối nhau kiểu trời/đất, nước/lửa, nam/nữ, nóng/lạnh v.v... thành ý niệm mang tính triết học là âm/dương để cho người Trung Hoa thừa hưởng; tại sao chúng ta vẫn chưa thể bắt tay cho cùng một việc với chính tiếng nói của chúng ta?

Đầu tiên, khi cuốn Văn phạm Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim ra đời, nó đã bị nhà phê bình Vũ Ngọc Phan chê ỉ, chê ôi. Sau đó thật lâu cuốn sách còn bị đả đảo ầm ĩ hơn mà lý do, phần nhiều, có lẽ là do yếu tố chính trị. Tôi còn nhớ, trong giờ học văn đầu tiên sau năm 1975, vị giáo viên văn đầy tinh thần tiếp thu cách mạng đã lớn tiếng mạt sát cuốn sách như là một thứ đồ bỏ để rồi hồ hởi tán dương cho môn học mới, cái môn học gọi là "ngữ pháp chứ không phải văn phạm", môn học với những thuật ngữ mới mà "các em chưa bao giờ nghe", nào là "liên từ", "phó từ", "số từ", "loại từ" v.v... Thế nhưng, nói như nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, thứ "ngữ pháp" ấy cũng chỉ là những quan niệm ngôn ngữ ấu trĩ và có lẽ chưa một nhà ngôn ngữ học hay giáo viên văn nào ở Việt Nam có đủ can đảm mang một câu thơ Kiều, một đoạn văn của Nam Cao hay Nguyễn Đình Thi ra để phân tích về mặt ngữ pháp. Những cách viết... đặc tiếng Việt như thế đã thực sự quá tải đối với cái ngữ pháp lơ lớ Việt, đã đi quá xa so với những thí dụ gượng ép mà những nhà ngữ pháp học hằng chắt chiu dành dụm trong cái kho tàng "mẫu câu tiếng Việt" nghèo nàn và vô vị của mình.

Thậm chí, ngay ở những điều tưởng là đơn giản nhất như cách viết hoa, tiếng Việt vẫn chưa được thể chế hoá một cách đàng hoàng, đâu ra đó. Nên viết Tổng thống Chirac, tổng thống Chirac hay Tổng Thống Chirac? Nên viết Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Cửu Long, hay đồng bằng sông Cửu Long? Viết miền Nam hay miền Nam? Viết Đạo Hồi hay đạo Hồi? Viết Thiên Chúa Giáo, Thiên Chuá giáo hay Thiên chúa giáo? Kiểu nào, xem ra, cũng được cả miễn là hiểu ý. Hơn hai mươi năm trước, sắc lệnh về "các vấn đề chính tả và thuật ngữ tiếng Việt" của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã quy định một lối viết hoa đơn giản hoá, kiểu "Đảng cộng sản Việt Nam" hay "Trường đại học bách khoa Hà Nội"; thế nhưng trong chính sắc lệnh và quyết định đính kèm theo ấy, chính kẻ ký và soạn sắc lệnh trên đã, những hai lần, mâu thuẫn với chính mình khi viết "Bộ Giáo dục" thay vì "Bộ giáo dục".[7] Họ đã thể chế hoá một cách rất là... phi thể chế nên, sau hơn 20 năm, tình trạng vẫn đâu hoàn đó và cách viết hoa của chúng ta vẫn cứ là... đa nguyên, mỗi người mỗi vẻ.

Đó, có lẽ, là hệ quả của thói xem thường văn bản và, hơn thế nữa, xem thường tiếng Việt. Viết thế nào cũng được: miễn là đúng ý. Viết sao cũng tốt: miễn là không sai nội dung. Thì "Bộ Giáo dục" hay "Bộ giáo dục" có gì khác nhau đâu, bởi, viết kiểu nào cũng diễn tả đúng cái bộ chuyên lo việc... giáo dục. Tập quán này, có lẽ, đã hình thành rồi tồn tại theo những lý do chính trị và lịch sử, và, ngay từ những khoa thi đầu tiên, những bậc khoa bảng hay trí thức Việt Nam đã được đào luyện để làm quen với cái tập quán đó rồi.

Thì, ai cũng bảo người xưa sùng kính chữ nghĩa, thế nhưng họ chỉ là sùng kính cái gì đó khác, liên quan đến chữ chứ không phải tự thân cái chữ. Sùng bái chữ, người ta sùng bái một phương tiện lập thân và lập danh, một ngả đường đưa đến những địa vị hằng mong ước. Sùng bái chữ, người ta còn sùng bái như một kẻ mê tín và nô lệ, xem "chữ nghĩa thánh hiền" là những gì mà mấy ông thánh họ Khổng hay họ Mạnh v.v... đã phun châu nhả ngọc. Trọng chữ, họ trọng cái mà chữ đang biểu đạt chứ không tôn trọng nó như một phương tiện biểu đạt vốn hướng tới tiêu chí chính xác và nhất quán. Và như thế, ngay từ các khoa thi đầu tiên, giới khoa bảng hay trí thức Việt Nam đã được nhồi luyện và răn đe để, với chính mình, thì tuỳ tiện và xem thường chữ nghĩa; còn với mấy ông "thánh hiền" ở bên Tàu thì, mê tín và khiếp nhược. Một mặt, với "chữ nghĩa thánh hiền", họ khuôn phép và mực thước trong từng ly, từng tý. Một mặt, với chữ nghĩa nặn từ tim óc của mình, họ tùy tiện nhảy ngang nhảy dọc, tùy tiện bóp méo để tránh né những điều húy kỵ vốn nằm rất xa, nằm đằng sau trang giấy và hoàn toàn không thuộc về phạm vi ngôn ngữ học. Muốn diễn tả cái hoa mà hoàng thân quốc thích có ai đó tên Hoa thì phải tránh cái chữ đó đi, như viết thành "huê", bởi, nếu phạm húy, tương lai coi như đi đứt.

Khi hình thành một luật lệ và một tập quán như thế các định chế xã hội - quyền lực thời đó đã để lại những hậu quả không thể cứu vãn và mở ra những tiền lệ nguy hiểm. Xem thường văn bản, dân tộc Việt Nam là một dân tộc "không văn tự" và nếu muốn nhìn về lịch sử của mình, chúng ta phải khổ sở nhìn bằng những ánh mắt đầy thiên kiến của người ngoàiï: nhìn về thời Hùng vương hay Bắc thuộc phải đọc sử Tàu đã đành, nhưng muốn tìm hiểu về thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh hay Tây Sơn thì cũng phải sục sạo trong các văn khố Pháp để chắt mót chút thông tin nào đó từ trong mấy trang thư hay trang hồi ký của những nhà truyền giáo. Cho đến bây giờ, trong khi cúc cung tận tụy như thể những tên nô lệ đối với những tư tưởng và ngôn ngữ vay mượn bên ngoài, chúng ta lại du di, tùy tiện và nhếch nhác với ngôn ngữ hay những di sản văn hoá-lịch sử của mình.

Thực thế. Trên phương diện ngôn ngữ, nếu lỡ viết sai một câu tiếng Anh hay tiếng Pháp, rất nhiều người trong chúng ta sẽ bức rức, sẽ tự dày vò mình với những mặc cảm dốt nát. Trong khi đó, nếu viết sai tiếng Việt, và sai một cách trầm trọng, họ khoát tay xem đó như thể sự thường, thậm chí, có khi còn cãi chày cãi cối bằng những điều gọi là "phong cách" hay "sáng tạo". Hơn thế nữa, cái thói quen khinh thường văn bản còn dẫn đến tâm lý trọng ý hơn lời, xem nội dung -- cái nội dung đại khái chung chung -- quan trọng hơn cách trình bày: ngôn ngữ có thể sai, có thể không chính xác, chỉ cần diễn đạt đại khái ý chính; cách trình bày có thể sai, có thể bất nhất và phi chuẩn, nhưng điều tối cần thiết là tránh xa những điều húy kỵ. Trong nước, một tác giả có thể sai trầm trọng về ngôn ngữ, kiến thức hay lý luận nhưng, dẫu sao, điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là anh ta không sai lập trường, không xâm phạm vào những quan điểm chính thống. Tương tự, tại một hạt nào đó ở California hay ở thành phố nào đó của Australia, một tác giả lưu vong có thể viết sai tiếng Việt cách mấy đi nữa nhưng vấn đề chẳng có gì là lớn chuyện. Chuyện chỉ ồn lên khi anh ta dám chen vào dăm ba từ xem là... " từ Việt Cộng", những từ ngữ kiểu "nhất thống", "đảm bảo", "thủ trưởng", hay, khá cười, những từ ngữ như "phản ánh" hoặc "quá độ" mà Nguyễn Văn Vĩnh hay Phan Khôi đã từng sử dụng, rất lâu trước khi ý niệm "Việt Cộng" ra đời. Và chuyện chỉ lớn lên khi anh ta động vào những điều được xem là chính thống.

Khi hành xử như thế chúng ta đã đặt tiêu chí chính trị lên trên tiêu chí ngôn ngữ và bắt ngôn ngữ hy sinh cho chính trị. Trong cái nấc thang tiêu chí đó bất cứ tình trạng lạm ngôn nào -- hoặc có mục đích như ngôn ngữ tuyên truyền hoặc vô mục đích vì... kém -- cũng trở nên khả chấp miễn là phải đạo về chính trị. Và như thế -- theo sự phân hoá của chính trị hay tình trạng chia cắt, đối nghịch v.v... -- ngôn ngữ càng trở nên nhập nhằng và phi tiêu chuẩn.

Sâu hơn, sự phi chuẩn đó cũng còn có gốc gác từ nếp tư duy nữa, cái tư duy tiểu nông, tư duy của một thế giới quan chật hẹp và do đó có khuynh hướng lấy mình làm chuẩn. Như sự phi chuẩn của "trong"/"ngoài", như: "vào trỏng/trong" và "ra ngoải/ngoài" rồi "vào trong Sài Gòn" và "ra ngoài Hà Nội", chẳng hạn. Sự phi chuẩn mà, mới nhìn, dễ nghĩ là hệ quả lịch sử của tình trạng chia cắt khi đất nước nằm trong bàn tay hai họ Trịnh-Nguyễn. Từ bắc đi vào nam, chúng ta nói "vào trong Nam". Từ nam ra bắc, chúng ta nói "ra ngoài Bắc". Thế nhưng, dù ở Hà Nội, chẳng ai ra khỏi biên giới thủ đô mà ở Sài Gòn, cũng có thể băng xa tới các miền đất lân cận.

"Vào trong và "ra ngoài, đó có phải là hệ quả của sự chia cắt "Đàng Trong" và "Đàng Ngoài" từ tận thế kỷ 15 hay không? Không cần phải cách chia lãnh thổ, "trong" và "ngoài" cũng lâm vào tình trạng trái khoáy như thế với một không gian nhỏ hơn, như "trong nhà" và "ngoài vườn". Nếu "trong nhà" là bên trong bốn bức tường phân định căn nhà thì "ngoài vườn", chẳng khác gì hơn về bản chất, cũng là bên trong mấy dậu rào phân định khu vườn. Tương tự, "vào trong nhà" và "ra ngoài vườn" thể hiện một tư duy, một thế giới quan chật hẹp, rất là... ta về ta tắm ao ta: chỉ trông cậy và tin tưởng cái gì gần với mình nhất, thân thuộc với mình nhất và, do đó, đầy những quy ước hiểu ngầm. Trong một không gian nho nhỏ của cái nhà và cái vườn mà đã thế rồi thì, vấn đề, có lẽ thuộc về nếp tư duy và thế giới quan của con người. Chính nếp tư duy tiểu nông này đã đẻ ra ngôn ngữ xưng hô đầy rắc rối, đầy quy ước hiểu ngầm và dễ làm... mích lòng người. Vừa câu nệ, vừa du di, những anh, em, cô, dì, chú, bác, cậu thể hiện sự khó tính, đâu ra đó, em của mẹ khác với em của bố, không như người Anh sàn sàn uncle hay aunt một loại. Thế nhưng cũng ngần ấy từ chúng ta lại xoay chuyển cho đủ ba ngôi, với một tiêu chí đầy tính chủ quan: lớn tuổi gọi kẻ khác là chú, ấy là chú em; còn khi tự xưng là chú, thì ấy là cha chú v.v...

Trong sự nhập nhằng và trong cái thế giới quan chật hẹp kiểu ếch ngồi đáy giếng đó những danh xưng như "viện", cho một cái tiệm uốn tóc chỉ có ba cái ghế và hai tấm gương, lại ra đời: "viện uốn tóc" thì nghe sang hơn, lớn hơn, trang trọng hơn "tiệm uốn tóc". Không thể chối cãi, chính cái tâm lý sang cả hoá này đã khai sinh nhiều nhiều từ ngữ mới, làm cho tiếng Việt thêm phần phong phú. Như "cầy", "cờ tây" rồi "mộc tồn", chẳng hạn: chúng cho phép người trong cuộc cảm thấy mình sang trọng hẳn ra, tránh được cái chữ "chó" gắn liền với cái gì đó thật dơ, thật là... chó má, xuất hiện triền miên trong những lời chưởi nhau chẳng lấy gì làm thơm tho sạch sẽ. Thế nhưng nếu đấy là những sáng tạo làm giàu thêm thêm tiếng Việt thì cái trò sang cả hoá kiểu "viện" chỉ là một sự lạm dụng ngu dốt đối với tình trạng nhập nhằng của ngôn ngữ, đã làm cho ngôn ngữ càng trượt dốc nhanh hơn trong cái sự nhập nhằng. Một tình trạng siêu lạm phát.

Lạm phát đến độ, như đã thấy, chỉ lèo tèo dăm ba cái ghế và mấy cái gương mà đã vươn mình thành viện. Lạm phát đến độ, nếu chỉ biết đọc tiếng Việt thôi, không ai biết được vị "bác sĩ nhãn khoa" chủ nhân của tấm danh thiếp mới xùy ra trước mặt, thực ra, là bác sĩ chuyên khoa về mắt, tức ophthalmologist, hay là một chuyên viên đo mắt - gọt kính, tức optometrist?[8] Và lạm phát đến độ, nghe lời giới thiệu về một "giám đốc đài phát thanh", chúng ta sẽ ngỡ ngàng không rõ hình tướng của cái "đài" mà kẻ đó đang làm "giám đốc": đó là một cái "đài" độc lập về chuyên môn với đủ ban bệ biên tập và tài sản như thể BBC, VOA hay, thậm chí, Tiếng nói Việt Nam? Hay cái "đài" mà họ đang làm "giám đốc" chỉ là một thứ "đài" virtuality, thứ "đài" của hiện thực ảo, cái "đài" ở đó họ làm "giám đốc" bằng cách rao bán giọng nói của mình qua những lời sách động chính trị nhảm nhí, qua những câu chuyện tầm phào, nhí nha nhí nhách gọi là... văn nghệ, mỗi tuần chừng một hay hai tiếng đồng hồ là cùng, trên một làn sóng thuê mướn, và qua những thiết bị thuê mướn, từ một cái... đài nào đó. Hẳn nhiên họ thừa biết thế nhưng, cũng như những "viện trưởng" của mấy cái viện chỉ có ba cái ghế dựa và hai tấm gương soi, ai cũng khao khát cái gì đó sang trọng và danh giá. Bác sĩ hay y sĩ nhãn khoa thì "trí thức" hơn chuyên viên đo mắt. "Đài phát thanh" thì danh giá hơn "chương trình phát thanh". "Giám đốc" thì oai hơn "người phụ trách", rất nhiều.

Ở đâu mà con người không thích làm sang? Thế nhưng trên phương diện ngôn ngữ, trong khi những dân tộc khác kiềm giữ thói làm sang của mình trong quy phạm thì chúng ta lại hết sức phóng túng. Chúng ta phóng túng với cái nhìn chật hẹp của con ếch ngồi trong đáy giếng, nghĩ rằng cái gì thuận tai và thuận tay mình đều là... tiếng Việt. Chúng ta phóng túng vì thói xem thường văn bản, cho rằng cái được biểu đạt quan trọng hơn cái biểu đạt, rằng ý nặng hơn lời, nội dung nặng hơn mặt chữ, miễn là phải đạo về chính trị là được. Và chúng ta còn phóng túng vì tiếng Việt không biết cãi, chẳng thể nào cãi được với cái thước đo nhập nhằng và nông cạn của môn ngữ pháp lơ lớ Việt.

Trong khung cảnh ấy thì, đó đây, lại chớm hiện cái trò "cải cách tiếng Việt", của dăm ba "nhà ngôn ngữ học" muốn gây chuyện có đình có đám với trò rập khuôn một vài thứ tiếng Âu châu khi viết dính những từ ghép vào nhau. Thì cũng được đi, thế nhưng, trong cái quy phạm lộn xộn và vô lý của "ngữ pháp tiếng Việt" hiện tại, biết đâu là từ đơn đâu là từ ghép để... ghép hay không ghép? Cải cách là để trong sáng hoá, giản tiện hoá và nhất quán hoá nhưng cái trò này, xem ra, chỉ có thể làm tiếng Việt thêm phần rắc rối, bầy hầy. Nếu "quốc ca" là từ đơn mà "dân ca" là từ ghép thì, trong việc "cải cách" này, phải viết ghép là "dânca" trong khi "quốc ca" thì vẫn nguyên là... "quốc ca"? phải viết "gianhân" trong khi giữ nguyên "gia đình"? phải viết "súngngắn" trong khi giữ nguyên "súng trường"? Với những đặc điểm dị thường như thế, trò "cải cách" dị hợm kia chỉ có công dụng duy nhất là làm tiếng Việt thêm phần bát nháo. Thay vì tập trung vào những quy tắc khó hiểu và vô lý của lối phân biệt từ đơn và từ kép, thay vì tập trung vào nỗ lực phân tích và khái quát hoá những quy ước của tiếng Việt, họ chỉ viển vông bàn đến việc xây một lâu đài thật cao trên một cái nền chưa ổn định, chưa hề được chuẩn hoá. Cái nền mà, trong cái thời đại Internet và văn hoá thị ảnh - quảng cáo, khi người viết lẫn người đọc đều vội vàng gấp gáp, càng cần phải ổn định và chuẩn hoá.

Để có một cái nền ổn định như thế thì, ít ra, ở từng người, chúng ta cũng phải biết sợ. Ít nhất là sợ viết sai tiếng Việt như khi hạ bút viết một câu bằng thứ ngoại ngữ nào đó, tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, tiếng Nga chẳng hạn.

Sydney 18.11.2003

 

_________________________

[1]"Cức" là tên một lại cây gai, vì trường thi ngày xưa thường trồng các loại cây gai chung quanh nên được gọi là "cức viện", "cức viện tường gai". Theo Thiền Chửu (xem chú thích số 2) thì "vào đời ngũ đại học trò vào thi hay làm rầm, quan tràng bắt trông gai kín cả xung quanh tràng thi, cấm ra vào ồn ào nên cuộc thi hương thi hội gọi là cức vi." Cũng theo Thiền Chửu, cây gai này hay móc vào áo nên người đi đường rất sợ, do đó đường sá hiểm trở gọi là "kinh cức", rồi các thuật ngữ như "kinh thiên cức địa", người có tang gọi là "cức nhân" v.v...

[2]Xem: Đào Duy Anh, Hán-Việt Tự Điển - soạn năm 1931 (NXBTPHCM tái bản năm 1994); Thiền Chửu, Hán-Việt Tự Điển, NXBTPHCM 1993; và Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Tự Điển, NXB Khai Trí 1970.

[3]Tôi vừa mới trình bày điều này trong bài "Ngôn ngữ điên... hay là", trên talawas [http://talawas.org/nn/n1.html]

[4]Xem: Cao Xuân Hạo, "Về quy tắc ngữ pháp" [www.nhandan.org.vn/vietnamese/today/vai-vh5.html]

[5]Xem: Nguyễn Hoàng Văn,"Tinh thần tiểu nông của văn học Việt Nam", Việt số 6, 2000.

[6]Xem: Trần Ngọc Thêm (1993), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXBTPHCM, từ trang 111.

[7]Quyết định 240/QD, do Bộ trường Nguyễn Thị Bình ký ngày 5.3.1984, kèm theo "Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt". Nguyên văn quyết định này được in trong cuốn Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục 2000, do Bùi Minh Toán chủ biên. Dẫn theo Phúc Đường, "Viết hoa - chuyện không đơn giản" trên tạp chí Tài hoa trẻ, báo Nhân Dân trích đăng [www.nhandan.org.vn/vietnamese/giugintiengviet/080601.html]

[8]Có nên gọi đó là "trắc nhãn viên" hay không?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021