thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xứ mộng

 

Nàng nói với tôi hãy trở dậy. Hãy trở dậy để nghe tiếng chim hót. Trong cơn mơ, tôi thấy mình ngủ mãi. Đầu gối lên một cái gối mây nhỏ. Và kéo chăn lên quá tai. Trời rất mưa và lạnh. Mà có ai cố ngồi dậy trong đêm khuya để nghe chim hót đâu.

Nàng nói hãy dậy đi anh dậy đi anh, đó là con chim đến hót trong đêm. Anh chỉ nghe thấy tiếng nó mười năm một lần. Nó đậu trên cành cây trước sân nhà và hót. Nếu ta im lặng và mở mắt sẽ nghe thấy tiếng chim. Nếu ta tỉnh giấc đúng vào lúc đó, sẽ nghe thấy tiếng chim...

Tôi vẫn ngủ, trong mơ tôi thì thầm với nàng rằng chẳng có gì hay để phải thức giấc giữa đêm khuya mà nghe chim hót. Rằng nàng có nhớ đêm trừ tịch không. Đêm trừ tịch đầu tiên tôi còn nhớ được, năm ấy tôi mới sáu tuổi. Mà cũng chỉ nhớ được mỗi một điều là trời lạnh quá, còn tôi bị đánh thức đột ngột giữa ban đêm, cho mặc một cái áo bông có in hình những quân cờ màu xanh. Áo bông ấm sực. Và rồi tiếng pháo nổ ran lên. Và rồi trong màn sương mờ của khói pháo, tôi lờ mờ lờ mờ nhận ra từng người một trong nhà tôi. Mẹ, bố, các anh, bà tôi. Ai cũng mặc áo bông mới, người thơm nức hương lá mùi già của lễ tắm chiều cuối năm. Ai cũng cười và tất cả quây quần ngồi chơi tam cúc. Hình như có cả ông tôi cũng ngồi chơi tam cúc. Mà khi đó ông đã chết rồi. Làm sao một người chết rồi có thể ngồi chơi tam cúc cả đêm thì tôi không sao biết được. Chỉ biết là bàn tam cúc ấy rất vui. Mặt anh tôi đỏ như mặt quân sĩ điều. Mẹ tôi vừa xuýt xoa vì lạnh vừa bóc bánh chưng cho cả nhà ăn.

Thế đấy em ạ. Đó là đêm trừ tịch. Tất cả mọi người sẽ thức dậy và sẽ đoàn tụ quanh cái bàn tam cúc ấy, trong cái lạnh lẽo ghê gớm của mùa đông níu kéo năm cũ ấy. Nhưng mà anh cũng chỉ thức dậy có một lần, một lần năm sáu tuổi. Còn lại anh vẫn ngủ. Ngủ li bì thế này mà cũng chẳng cần dậy nữa đâu. Nếu ta thức đúng vào cái khoảnh khắc chuyển mình ấy của trời đất hay ta thức dậy đúng vào khoảnh khắc của con chim nghiêng mình chợt đến mà em nói thì ta sẽ lại buồn. Nó vụt qua. Nó cũng bay nhanh như một con chim hay một làn sương.

Thế là nàng đành phải chịu để tôi chìm trong cơn ngủ mê mệt của tôi. Còn tôi thì cứ thế mơ tiếp giấc mơ của mình. Trong mơ nàng mở cửa. Mỗi khi cửa mở ra thì tôi thấy tiếng mưa lọt vào nhà. Mưa to ghê lắm. Nước cứ ào xuống như trút. Giờ này tốt nhất là ngồi trong phòng đốt nhang trầm và đọc bài “Thu ca” của Lý Bạch. Ôi cái ông già đời Đường này, ông vẫn ngồi trầm ngâm trên thuyền đi lặng lẽ trên sông để ngắm cái búi tóc của mình. Một dải tóc dài loang trên mặt nước và làm một dải viền cho nỗi sầu mênh mông của ông. Rồi thì sương khói bảng lảng bay lên từ mặt sông. Rồi thì sương khói nhấn cả râu lẫn tóc người thành màu trắng.

Rồi mưa im tiếng. Khi tiếng mưa tạm dứt tức là nàng đã khép cửa lại. Nàng sẽ ngồi lẳng lặng như thế để chờ khoảnh khắc chú chim nào đó bay đến. Người đàn bà mà tôi yêu sẽ chải đầu và búi tóc lên. Rất duyên dáng và tràn đầy vẻ nữ tính, nàng cài lên đầu một cái trâm cài bằng sơn mài, thứ trâm chẳng còn ai dùng. Mà có thể mái tóc dài của nàng cũng chẳng có mấy ai trên đời này còn để nữa. Rồi nàng sẽ thắp lên một ngọn nến nhỏ, đặt trong đĩa sứ và nhìn nến cháy.

Tôi bảo nàng rằng em đừng nhìn nến cháy nữa. Nếu không anh sẽ chẳng thể nào ngủ ngon được đâu. Vì ai lại có thể ngủ yên được khi người yêu của mình cứ ngồi nhìn nến cháy như thế.

Tôi biết nàng sẽ chờ các giọt nến chảy dài, chảy dài, loang trên mặt đĩa. Rồi thì nàng lấy sáp đã chảy và tạo ra cả một mặt biển đầy băng giá trên cái đĩa sứ bé tí ấy. Nàng sẽ nặn một cái nhẫn tròn, bằng sáp nóng. Nàng sẽ in trên cái nhẫn ấy những vân tay bé nhỏ của mình. Và rồi kiên nhẫn chờ nến cháy. Nàng cứ ngồi như thế hết đêm và nếu có ai bảo tôi rằng nàng có thể ngồi như thế từ giờ cho đến khi nàng già đi và trở thành một bà lão thì tôi cũng hoàn toàn tin đó là sự thật. Vì như nàng nói, chỉ cần thay nến thôi mà. Nghĩa là hết cây nến này, nàng sẽ thắp lên một cây nến khác. Sẽ có hàng trăm, hàng ngàn cây nến than khóc trước nàng, còn nàng điềm nhiên ngồi nặn sáp nóng thành những tảng băng nhỏ, những hình thù ngộ nghĩnh và cả những cái nhẫn.

Tôi nói: Anh chỉ sợ rằng những hoa tay của em sẽ mờ đi. Khi mình còn trẻ, hoa tay của mình sẽ in rất rõ lên nhẫn sáp. Còn mình già đi thì nó sẽ mờ dần, mờ dần. Thậm chí anh nghĩ rằng khi anh chết, chẳng còn ai nhìn thấy hoa tay của anh nữa. Vì thế mà em nên cất những cái nhẫn ấy đi. Nó có thể lưu giữ những dấu vân tay của em. Để thỉnh thoảng em lại ngắm cho vui. Đôi khi anh nghĩ không hiểu lúc anh đặt ngón tay lên má em thì vân tay của anh có in lại trên ấy lâu không? Làn da ở chỗ đó cũng mềm như là sáp mỏng ấy...

Nàng mỉm cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh đó của tôi. Nhưng nàng vẫn chờ con chim bay tới và cất tiếng hót trước khi trời sáng. Còn tôi vẫn ngủ mê mệt. Tôi chẳng thể nào rời khỏi giấc mơ của mình.

Có những giấc mộng mà ta chẳng muốn rời bước khỏi nó tí nào. Đại loại là ta chìm vào nó, sâu như rơi xuống một đáy nước. Tôi vẫn thường nhớ lại giấc mộng của tôi khi mới thức dậy. Đó là khoảnh khắc duy nhất mà giấc mộng được kéo ra khỏi tấm chăn dày mà nó vừa được đắp kín suốt cả đêm. Nó bắt đầu loang ra như sương phủ trên mặt sông trong bài “Thu ca” của Lý Bạch. Và nó sẽ tan dần, tan dần cho đến khi ta quên nó. Vào thời khắc ấy, có thể một giấc mộng đã chết.

Anh thích đi đi lại lại trong một vài giấc mộng. Tôi bảo nàng trong khi trở mình và ngáy rất to. Và rất hồn nhiên, tôi dừng lại ở giữa giấc mộng của tôi. Tôi ôm lấy nàng và lấy tay ấp vào vú nàng. Vú nàng nở như một đoá sen. Chúng thật là ấm.

Nhưng rồi tôi lại đi. Tôi thích giấc mộng mà tôi đang ở trong nó. Cứ vừa khít. Cái giấc mộng ấy như là được tạo ra để cho tôi lọt vào. Một khoảng thoáng đãng, y như ta ngồi trên bãi cỏ và nhìn ra vịnh biển mênh mông trước mặt. Khi đó, ta sẽ đánh mất mọi nỗi buồn đau. Và giấc mộng này chỉ có một mình tôi. Tôi chẳng gặp ai trong đó hết.

Anh thích các giấc mộng một mình. Vì như vậy anh thấy thoải mái và tự do hơn. Đôi khi anh nằm mộng và gặp nhiều người quá. Kể cả lũ bạn cũ ở đại học, rồi thì ông bà, và những người đã khuất núi, mình gặp lại tất cả. Vui thì vui thật đấy. Nhưng mà thức dậy sẽ mệt. Ngay cả khi mộng mà có một mình thì vẫn thú hơn. Vì khi tỉnh dậy cứ thấy mình lâng lâng, như vừa bay trên mây mới về. Những giấc mộng đông đúc làm anh mệt. Nó chứa nhiều ký ức quá.

Tôi nói với nàng và thành thực kể lại về những vết trượt trong giấc mộng của tôi. Đại loại như khi mình thấy phất phơ trong mộng, một nhành lau chẳng hạn. Thế là mình trượt dài trong một vết trượt sâu thẳm. Khi đó anh nhìn thấy nhành lau đầu tiên trong đời, vào năm anh 16 tuổi. Màu xám bạc và phất phơ trong gió, trên những vạt đồi nhỏ ở Hoà Bình. Nó bỗng hiện ra. Và sau lớp cửa kính xe anh ngồi, nó vụt qua. Thế mà mình lại thấy nó chứ. Mà anh cứ thấy nó phơ phất trước mặt anh hoài. Bất kể là anh đi bằng gì, anh đi bộ, đi xe hay có ở trên máy bay, nó cứ như tự nhiên buông mình ra, trước mắt anh. Cứ như là anh xem một bộ phim về lau...

Mà em nghĩ xem, tại sao một nhành lau lại cứ buông mình trước mặt anh cơ chứ, kể cả là trong một giấc mộng.

Vậy nó báo trước điều gì?

Nào anh biết được. Đôi khi mình lẩn thẩn cũng xem cả các sách đoán điềm trong mộng. Nhưng dường như sách toàn đoán những điềm tương ứng với may rủi, tiền tài là chính. Anh chẳng tìm đâu thấy nhành lau bạc của anh trong mộng tương ứng với điều gì.

Mỗi lần em đi núi và nhìn thấy lau là em muốn khóc đấy.

Ôi, em thì khi nào cũng như một cô bé sướt mướt, kể cả khi em già rồi...

Tôi chế giễu nàng. Nhưng thực ra tôi biết rằng tôi cũng có thể khóc vì một nhành lau.

Có ai chép mộng không anh?

Có đấy. Hình như anh thấy có vài nhà văn chép mộng ra thành nhật ký hay sách gì đó. Nhưng anh thấy tuyệt nhiên mình chẳng thể nào chép mộng ra được. Cứ như chép ra thì nó tan đi mất. Giấc mộng mình chép được thật quá vô duyên với mộng thật. Nó cứ như là giấc mộng bị đem ướp rồi ấy.

Nàng bật cười khanh khách, chắc nàng cười vì có ai trên đời này lại ướp một giấc mộng như ướp xác Pharaông bao giờ. Và có thể nàng nghĩ đến việc ai đó buồn tình xây cả Kim Tự Tháp để mà đưa các giấc mộng vào đó... Rồi thì cả Kim Tự Tháp cũng bị người ta khai quật. Ngay cả những giấc mộng ghê gớm nhất rồi cũng tan vỡ. Cần phải nhường chỗ cho những giấc mộng khác... Có thể mọi giấc mộng cũng đang chen chúc nhau. Y như cảnh kẹt xe ấy...

Tốt nhất là để mộng tan mất. Hễ mộng mà biến thành thật thì rất chán anh ạ. Thà đem thật mà biến thành mộng, có khi lại thú hơn.

Nàng cầm một miếng sáp đã đông cứng lại, đưa vào tim nến để cho nó chảy tan ra thành từng giọt trong suốt như nước mắt và nói với tôi. Trong vẻ yêu kiều và dịu dàng của nàng, tôi không thể tìm ra được bất cứ một gợn mệt mỏi. Thật kỳ lạ, từ trong giấc mộng, tôi thấy nàng đầy thư thả. Hình như tôi đã từng mong mỏi rất nhiều cho nàng sự bình an và mọi chuyện tốt đẹp sẽ tới. Hoá ra không phải tôi mộng thấy điều đó, mà từ cửa sổ của giấc mộng, tôi tình cờ nhìn thấy sự thư thả của nàng.

Thế thì có gì lạ không nhỉ? Hay là anh lầm.

Không đâu, anh yêu quý của em. Đó có thể là vì đây là lần đầu tiên anh nhìn em bằng đôi mắt trong mộng.

Tôi bèn mộng tiếp. Tôi không muốn tranh cãi với nàng nữa. Mà ai lại đi tranh cãi trong mộng làm gì. Tất nhiên tôi lại thích du ngoạn trong mộng một mình rồi. Vậy thôi tạm để nàng ở đó. Khi nào thích, nàng sẽ tự vào. Mà nàng sẽ tự nhiên đi vào thôi. Kể ra chỉ có gặp nàng trong mộng mới là tự nhiên nhất. Cứ như là đột ngột hiện ra ở đâu đó vậy. Mà cái hay là chẳng ai trong mộng lại lý giải tại sao có một người xuất hiện.

Nàng nói tỉnh dậy đi anh. Ngủ gì mà khiếp thế. Anh cứ nói mớ hoài. Mộng mị nhiều cũng không tốt đâu. Rồi nàng kê đầu tôi lại. Thả cho cái đầu của tôi nằm rơi xuống chiếu. Nàng hy vọng như vậy thì các giấc mộng mị của tôi sẽ trôi mau và tôi ngủ trong bình yên.

Ai cũng ở đó, rồi lại trở về.

Nàng bảo.

Tôi chẳng còn nghe tiếng nàng nói, không nghe mưa rơi, không còn thấy ngọn nến cháy lặng lẽ nữa. Có lẽ tôi quên mất cả việc nàng đã thức cả đêm và gọi tôi dậy chờ một con chim nào đó hót trong màn mưa. Chợt như vượt qua cả một khoảng không mênh mông, tôi đã đến nơi nào đó. Một giấc mộng lạ lùng...

 

Sài Gòn, 2 giờ sáng, ngày 17-10-2007.

 

 

Cùng một tác giả:

Một con chuột mù loà  (truyện / tuỳ bút) 
Một con chuột mù loà, cứ tưởng mình là chuột, có thể làm hiện hình một thi sĩ đã chết; và một người đàn ông, còn sống, lây lất sau vụ thảm sát, có thể là một hiện thân khác của Lorca, vẫn ngồi im bên những luống cỏ, để nhìn chim trời bay... (...)
 
Thày giáo cừu...  (truyện / tuỳ bút) 
... Thày bảo: ‘Này, hãy nhìn về thảm cỏ tươi non và ngon lành phía bên kia hàng rào của bãi chăn cừu. Đó mới là nơi mà cậu cần nghĩ đến chứ không phải cứ ngồi đếm cừu trong hàng rào...’ Và thày ra về... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021