thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những lá cờ
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

NHỮNG LÁ CỜ

 

Một lá cờ được trao cho mỗi người chết. Một nghi thức đơn giản luôn luôn được cử hành theo cùng một cách tại nhà riêng, không có người ngoài qua lại ồn ào. Trước hết, hai viên sĩ quan đến báo tin buồn cho các thân nhân. Rồi họ bắt đầu chuẩn bị nghi thức trao cờ. Tưởng cũng nên nêu lên rằng sự hiện diện của các sĩ quan có một ảnh hưởng nào đó đến niềm đau của gia đình người chết — trong cảm giác vinh dự, các thân nhân kiềm chế những biểu lộ quá đau đớn. Những bộ đồng phục và lối diễn tả cảm xúc có chừng mực theo nghi thức tạo ra một giới hạn cho nỗi tuyệt vọng và khiến người ta than khóc một cách có chế ngự hơn.

Để trải lá cờ ra, nên có những mặt phẳng, chẳng hạn như những cái bàn trong phòng sinh hoạt. Trong sự im lặng hoàn toàn (ngoại trừ những tiếng thổn thức của các phụ nữ), và với vẻ nghiêm trang, một viên sĩ quan tiến hành việc trải cờ ra một cách cẩn trọng, lưu ý không làm nó nhăn nheo. Lá cờ được trải ra trên bàn, như một tấm khăn trên trang thờ. Khi lá cờ đã được trải phẳng phiu đúng mức, một viên sĩ quan khác phát biểu một vài lời tỉnh táo, có tiết chế, trước đám người tham dự. Ông ta nói về sự dũng cảm, sự vinh dự, và nghĩa vụ đối với tổ quốc. Khi ông ta dứt lời, có một phút im lặng. Rồi viên sĩ quan trải cờ khi nãy bây giờ xếp cờ lại. Có lẽ đây là phần cảm động nhất của nghi lễ, và nhiều gia đình không thể nén được tiếng khóc. Lá cờ được xếp như thế này: trước hết, một góc được gấp vào, tạo thành một hình tam giác nhỏ. Rồi hình tam giác ấy được gấp chồng lên chính nó, và cứ thế đến khi toàn lá cờ được xếp xong. Khi lá cờ được xếp thành một hình vuông (nhờ sự kết hợp của hai hình tam giác đối xứng), một viên sĩ quan (không phải là người xếp cờ) bưng nó và bước đến đặt nó trên đôi bàn tay của một người trong gia đình, và người này hết sức cảm động khi nhận nó. Nghi lễ kết thúc ngay sau đó, và hai viên sĩ quan chào theo qui định và ra đi.

Mặc dù khi đã được xếp lại theo cách ấy lá cờ không nặng gì mấy, cũng xin nhắc rằng nó hơi cồng kềnh chút ít. Nói chung, nhận lá cờ xong, ta không biết làm gì với nó. Kẹp lá cờ dưới nách bên phải hay bên trái, ta có thể tự do cử động cánh tay thoải mái, nhưng nó khiến ta cảm thấy nóng nực, đặc biệt vào mùa hè. Cầm nó bằng một tay thì những công việc khác bị cản trở, chẳng hạn, không thể quơ tay để diễn tả khi nói năng. Tương tự như thế, tìm một chỗ trong nhà thích hợp cho nó cũng là điều khó khăn. Thật là thiếu tôn kính nếu treo lá cờ như một vật trang trí trong phòng khách vì nó phải chen chỗ với những vật gia dụng khác, bởi lá cờ, trong một ý nghĩa nào đó, chính là người cha hay đứa con trai tử trận. Dùng nó làm chăn để đắp thì gặp phải vấn đề là nó không rộng đúng các cỡ giường thông thường và vì thế nó sẽ để hở cho không khí lạnh luồn vào hai bên. Cũng thế, chẳng ai cảm thấy thoải mái ăn uống trên một tấm khăn trải bàn mà các màu sắc của nó tượng trưng cho người tử sĩ cao quý. Vài bà mẹ đặt lá cờ lên trên bàn trang điểm, nhưng nó sẽ bị vấy bẩn và cám dỗ những con dán. Một cách hiển nhiên, tốt nhất là ta gói nó vào trong một bao nylon rồi đặt nó vào một hộc tủ đựng đầy những thứ quần áo cũ. Thậm chí như thế vẫn không chắc đã có chỗ trong hộc tủ, và đôi khi ta thấy có những người đàn ông đi trên đường phố, kẹp dưới nách một lá cờ cuộn lại như tờ báo buổi chiều.

Những lá cờ được sử dụng càng ngày càng nhiều và tạo nên một kỹ nghệ nở rộ. Nhiều phụ nữ trước đây thất nghiệp thì bây giờ lao động hăng say để làm ra những lá quốc kỳ nhằm đáp ứng yêu cầu của bộ binh, không quân, hải quân, các đơn vi lục quân, các đơn vị nhảy dù, các lữ đoàn đặc nhiệm, các đội quân sử dụng súng phun lửa, các lực lượng viễn chinh, và những đội không chiến đặc tuyển. Dân số của đất nước có thể được chia làm hai thành phần: những kẻ làm cờ và những kẻ sẽ nhận cờ. Nhưng hai thành phần này cũng không hoàn toàn rạch ròi cho lắm. Thông thường, một phụ nữ đang ngồi ở bàn máy may để nối các dải vải màu tạo nên lá cờ của chúng ta thì công việc của bà bị gián đoạn, vì có hai viên sĩ quan đến để làm cái nhiệm vụ đau buồn là trao cho bà một lá cờ không phải do bà sản xuất.

Bởi không có hai lá cờ nào hoàn toàn giống nhau (sự chênh lệch có thể tìm thấy ở độ dày mỏng của những sợi chỉ, khoảng cách giữa các dải màu, độ lớn nhỏ của những mũi kim, và cách vắt sổ ở các rìa vải), một thú tiêu khiển tân kỳ đã nẩy ra: sưu tập những lá cờ hiếm có. Nhiều gia đình thích nghiên cứu những lá cờ có điều gì khác thường và từ chối những lá cờ được sản xuất hàng loạt. Một chợ đen nho nhỏ chuyên về cờ đã mọc lên bên lề những khu kinh doanh cờ chính thức. Nhưng hầu hết các gia đình trong cả nước không hợp tác với lối buôn bán vô luân ấy, họ tiếp tục sản xuất những lá cờ một cách cẩn trọng. Tất cả những điều này diễn tả sâu sắc cái phẩm tính của chủ nghĩa ái quốc đương đại.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác “Banderas”, trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983).

 

 

Đã đăng:

Dấu chấm  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc chúng tôi đến với nhau, nàng đã nói, “Em sẽ cho anh một dấu chấm. Nó rất quý báu — đừng để mất nó. Hãy gìn giữ nó để dùng đúng lúc cần thiết. Đó là vật quan trọng nhất em có thể cho anh; em làm thế vì em tin tưởng vào anh — anh đừng làm em thất vọng.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giữa lưỡi gươm và bức tường  (truyện / tuỳ bút) 
Thật khó có kẽ hở nào để len lỏi giữa một lưỡi gươm và một bức tường. Nếu cố tránh lưỡi gươm, tôi phải lùi lại đến khi chạm bức tường, và cái lạnh của bức tường làm tôi đông cứng. Nếu tôi cố gắng lách ra khỏi bức tường để tiến tới, thì lưỡi gươm đâm vào cổ tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là “lưu đày” hay “lưu vong”) chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là “bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất”, được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021