thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người nghĩa

 

Ông Bình Nguyên Lộc, ông Sơn Nam, hai ông là hai tác giả nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam trước 1975. Cả hai đều viết nhiều và viết được nhiều loại: sáng tác có, biên khảo có. Bình Nguyên Lộc, ngoài các loại truyện ông còn lắm thành tích khảo cứu về lai lịch của dân tộc. Sơn Nam, ngoài truyện ngắn truyện dài, thỉnh thoảng lại cũng có những suy nghĩ tẩn mẩn về lai lịch của... chính ông.

Khi tôi quen ông, chỉ được biết ông Sơn Nam dân Sài Gòn. Do đó ông có viết về Sài Gòn, và được xem là một nhà "Sài-Gòn-học". Nhưng cái tôi chịu nhất là những phanh phui tiết lộ về cuộc sống ở quê quán đầu đời của ông thuộc vùng Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, v.v... Ở đó xưa kia có lắm cái thật lạ, thật ngộ nghĩnh.

Bây giờ hai ông kẻ mất người còn. Kẻ mất tất nhiên là cách biệt vĩnh viễn; người còn cũng không mong gì có cơ hội gặp mặt. Thỉnh thoảng loáng thoáng đọc được một bài viết, thấy quen, thấy ngộ: "A! Ông-già-đi-bộ!" Bà con quen biết vẫn gọi ông như thế.

Lần này Sơn Nam không nói chuyện đi. Mà nói về một chuyện ngồi. Ông đang ngồi ở chỗ Mũi Ông Cọp. Không nên giật mình sợ hãi: Sơn Nam không dại dột mà gần gũi chúa sơn lâm. Ðây chỉ là một mũi đất nhỏ, hiền lành, ở Hà Tiên. Ba mặt là biển. Biển vắng vẻ, căn nhà nhỏ có ông Sơn Nam ngồi cũng vắng vẻ, mặc dù nó là cái quán. Chủ quán tiếp tục việc bếp núc như không hề biết có ông khách Sài Gòn đang ngồi đấy. Khách không phân vân, nghi ngờ gì: Trước cửa có cái kệ nhỏ, trưng bày mấy chai nước ngọt, mấy hũ kẹo Thái Lan... Ðúng là quán. Ông khách ngồi, hút thuốc, tỉnh bơ. Lát sau, khách Sài Gòn thấy ngồi mãi không uống gì thì "hoá ra thiếu lịch sự", bèn gọi một chai Coca.

"Một chiếc bàn, đôi ba ghế nhỏ. Gió thổi nhẹ, trời biển xanh, vài chiếc xe đạp, xe gắn máy chạy qua". Thích thật.

Ðối cảnh sinh tình, Sơn Nam nhớ đến hai câu ca dao:

Dạo chơi, quán cũng như nhà

Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói cao.

Khách nhớ câu ca dao, rồi ca dao gợi nhớ tới giọng hát ru con của mẹ ngày xưa đã chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ của mình. Khách ứa lệ, kín đáo lau mắt. Bà chủ quán kín đáo ngạc nhiên.

Từ mẹ, liên tưởng tới cha. Cha có hồi gặp lúc sinh kế khó khăn, tính bỏ nhà đi tu, rồi thiếu nghị lực để tu hành, bèn lang thang rong chơi cho khuây khoả.

Gió thổi nhẹ nhàng. Trời xanh xanh, biển xanh xanh... Cha xưa từng thơ thẩn nơi nầy chăng? Ông Sơn Nam lại rơi lệ. Bà chủ quán tuổi độ tứ tuần lại kín đáo ái ngại.

"Quán cũng như nhà"! Khách thích thì đến, thì tự do ngồi chơi, muốn ngắm cảnh tha hồ ngắm cảnh, muốn hút thuốc tha hồ hút thuốc, muốn cho lịch sự cứ gọi Coca, muốn khóc cứ rỉ rả khóc không ai quấy rầy. Chủ quán lặng lẽ làm công việc nhà, trong bầu không khí tự do mà thân mật.

Ông Sơn Nam bảo mở quán như thế là theo lối mua bán nghiệp dư: Nông nghiệp là chính, thương nghiệp lai rai thôi. Tôi bâng khuâng nhớ: ở quê mình ngày nào quán nghiệp dư cũng là cái quen thuộc. Thuở nhỏ tôi từng theo mẹ, theo bà, đi đầu làng cuối xóm; lâu lâu có dịp ghé vào một cái nửa quán nửa nhà như thế. Người lớn cà kê trao đổi chuyện gần chuyện xa, trao đổi miếng trầu miếng cau; tôi "lịch sự" nhắc bà hay mẹ mua cái kẹo bạc hà. Cái mua cái bán ở quán nghiệp dư đâu đâu cũng phảng phất tình nghĩa.

 

*

 

Cái tình nghĩa ở quê xưa: cái đó lý thú.

Vùng tôi không có sông có biển, không có mũi Cọp gành Hùm gì, không có những điệu hát chèo đò, không có mái nhì mái nhất gì ráo... Chẳng qua có một lối hò giã gạo, tức điệu hát đối đáp giữa nam nữ trong những đêm cùng nhau hoặc giã gạo, hoặc đẩy cái máy "che", tức thứ "máy" cán mía để lấy nước mà nấu, làm ra đường... Trong những dịp hát hò như thế, nếu có được một vai nữ nổi tiếng về tham dự thì bà con đôi ba làng xúm nhau kéo tới, thức suốt đêm mà nghe hát. Hát đối đáp giữa nam nữ, tất nhiên là cái hát ân tình. Những đoạn lâm ly, xúc cảm nhất, bà con kẻ cố gắng nhớ chỗ này người học thuộc chỗ kia; về sau trao đổi, ráp nối, bổ túc, truyền tụng rộng rãi. Trong gia đình tôi cũng thấy có những nhặt nhạnh văn chương theo kiểu ấy.

Sau vài mươi năm sống ở các đô thị Việt Nam, lại ba mươi năm lưu lạc ở Mỹ, thỉnh thoảng trong đám người nhà có kẻ nhắc đến hoặc mấy câu hoặc vài đoạn. Nhân câu chuyện của Sơn Nam, nhớ một người nữ ở quê tôi ngày ấy từng có đoạn hát về chuyện bất ngờ bắt được lá thư tình. Cô ta mừng quýnh:

(...)
"Thấy đàn chim nhạn bay ngang
Nhạn ơi là nhạn, ai đưa đàng mầy tới đây?
Ai mà họa bức thơ nầy?
Hay là người nghĩa tới đây cà rà?
Em liền giở bức thơ ra
Mắt coi miệng đọc ngâm nga vài lời
Thương sao thương dữ vậy Trời!
Ðêm nằm không ngủ, ngủ thời chiêm bao
Lệ sa chảy xuống má đào"
(...)
 

Tôi sửng sốt. Gặp mấy câu thơ, tôi như người đã bỏ nhà đi làm ăn xa xứ, biệt tích lâu quá, đến nỗi lúc già trở về không nhìn ra bà con xóm giềng, trông ai nấy lạ hoắc. Cái ngôn ngữ của người nữ trong câu hát nghe không giống ngôn ngữ mình đang dùng: bức thư thì không viết mà phải "họa" ra, thư tình người ta gửi đến mà mình lại đem "ngâm nga". Người nữ ấy xài phương ngữ: "thương", thay vì "yêu". Lời ăn tiếng nói của nàng hồn nhiên, chất phác quá cỡ. Với con nhạn đưa thư, nàng kêu nhạn ơi nhạn hỡi, rồi xưng hô thân mật "tao, mầy". Với ông Trời, nàng còn thân mật hơn: Nàng vật vã kêu: "Thương sao thương dữ vậy hả ông Trời!"

Thi sĩ Yến Lan sinh ở Bình Ðịnh, chết ở Bình Ðịnh, làm thơ về Bình Ðịnh là chủ yếu. (Cái bến My Lăng của ông chắc ông cũng đặt nó đâu đó trong vùng An Nhơn, An Thái thôi!). Ông có bài thơ hay. Bài "Nhớ":

 
Một buổi trong rừng chim "hít-cô"
Dịu dàng buông nhẹ xuống hư vô
Những tràng ngọc tiếng lâng trong gió,
Theo những dòng mây chảy lặng lờ.
Tôi nhớ trên đường bao vảy lá,
Mà thu vàng rụng giữa ngày khô!
Ừ sao không nhớ người trai trẻ,
Trò chuyện cùng tôi dưới ánh trăng?
(Ðêm qua tan hội trong làng cuối
Khi đứng bên cầu buộc dải khăn).
 

Yến Lan sinh năm 1916, hơn tôi chưa tới mười tuổi. Vậy người bạn dừng lại bên cầu trò chuyện cùng ông là "người trai trẻ" thì ông bấy giờ cũng trai trẻ thôi. Và hai người cùng đi dự hội về thì cái hội thời buổi ấy chưa phải là hội cứu quốc cứu dân gì: e chẳng qua hội hát hội hò giữa trai trẻ với gái trẻ. Thế thì chuyện ông Yến Lan nghe hát ở làng và tôi nghe hát ở làng xảy ra cũng gần nhau: gần về thời gian và gần về địa điểm, loanh quanh cùng một tỉnh.

Vậy mà thi ca nọ với hò hát kia xa cách nhau quá chừng. Trong cái thứ thơ xuất hiện trên sách báo của Yến Lan con chim hít-cô nó buông (buông nhẹ nhàng thôi) xuống... hư vô (!) những tràng tiếng ngọc, trong lúc mây trời kéo nhau chảy thành dòng lững lờ. Trong cái buổi đẹp đẽ như thế thì tác giả nhớ... những chiếc vảy lá rụng bên đường giữa mùa thu. Và nhớ người trai trẻ cùng đi nghe hội hát hò...

Tôi lại sửng sốt nữa. Cùng một quê kiểng với nhau, trai gái nào mộc mạc, thật thà như đếm, trai gái nào lại bay bướm, cao xa thế kia? Trong tâm hồn, trong cốt cách, trong lời ăn tiếng nói đôi bên có sự cách biệt rộng lớn quá đỗi. Có thể như vầy chăng: Yến Lan thi sĩ, ông thuộc về cái văn chương của sách báo đô thị; còn người bạn cặp kè với ông đi xem hội, trên đường về dừng chân bên cầu buộc giải khăn, người trai trẻ ấy có lẽ là một chàng trai làng, sinh và trưởng ngay tại làng quê, không chừng chính chàng ta là một trong những kẻ có hát hò đối đáp với gái làng trong hội chăng? "Ừ sao không nhớ?" Chính ông Yến Lan trước tiên nhớ tới lũ vảy lá (là cái tứ thơ của ông), ông suýt quên chàng trai. Sau cùng, ông mới chợt để ý: "Ừ, sao không nhớ?" Chàng trai không thuộc vào cái thế giới văn chương đô thị, văn chương chuyên nghiệp của ông đâu.

— Ơ kìa! Vậy thơ chàng thuộc vào loại thơ nào? Thơ đối đáp ở đám hát kết chăng? Trong cái hội làng bên vừa rồi, chàng đến với cái khăn "đầu rìu" buộc trên đầu, tiện dịp chàng có thể có dăm câu trao đổi chứ. Thôi rồi! Rất có thể đây là một người nghĩa... Người nghĩa gặp dịp bèn có thơ: thơ nghiệp dư. Không chuyên như thơ Yến Lan. Thi sĩ Yến Lan làm gì có khăn quấn đầu mà sổ mà buộc? Hai người thơ cùng qua cầu; dạng ngoài khác, tình trong cũng khác thôi. Người nghĩa với người tình?!

Tất nhiên người nghĩa xưa hơn người tình; nhưng một yếu tố "xưa" chưa đủ. Xưa như Nguyễn Ðình Chiểu, như Nguyễn Khuyến, như Nguyễn Du, như Hồ Xuân Hương, xưa nữa như Nguyễn Trãi, trong thơ văn của họ đâu có ẩn tích một người nghĩa nào? Cái "nghĩa", chỉ bắt gặp nó trong ca dao lều tranh, trong thơ nghiệp dư của đám lao động: từ thuở tách rời cái tình, nó lẩn xuống từng lớp thấp. Ở chỗ thấp ấy mỗi sáng con chim không còn buông tiếng ngọc xuống hư vô, con người không còn người nghĩa ngồi cặm cụi họa từng bức thư, cũng không còn ngồi nhớ từng cái vảy lá bên đường, v.v.

Tình cờ gặp cái lều tranh có nghĩa ở quê ông Sơn Nam, lại gặp một người nghĩa trong câu hát cũ kỹ sót trong đầu mình, tôi ngẩn người: Xa xưa? Cái thời chính mình đã là đứa trẻ biết vểnh tai nghe hát là đời xưa? Tâm tình thuở ấy với xã hội thuở ấy, giờ mình thấy lạ hoắc!

 

*

 

Alberto Moravia là nhà văn lẫy lừng, ăn khách vào bậc nhất ở nước Ý trong thời ông. Khi ông cụ đang viết cuốn hồi ký cuối đời, một người đến phỏng vấn. Hỏi vì sao sách ông trước sau luôn luôn bán mạnh, vì sao ông được hâm mộ dài lâu vậy? Ông giải thích: "Trong vòng sáu chục năm qua, xã hội La-mã không có gì thay đổi. Vì thế mà thiên hạ vẫn cứ tiếp tục đọc sách tôi."

Moravia bắt đầu có sách xuất bản hồi hăm mốt tuổi. Sáu mươi năm sau, ông cụ đã bát tuần. Bài báo thuật lại sự việc này trên một số Los Angeles Times vào tháng 9 năm 1990. Moravia sinh trưởng ở La-mã. Như vậy trong vòng non một thế kỷ trước đây, cuộc sống xung quanh ông nhà văn nọ đâu đó ổn định cả.

Hơn nửa thế kỷ, trải qua cả một cuộc thế chiến, ở La-mã không có thay đổi.

Ở ta từ 1945 đến 1975, chỉ bằng nửa cuộc đời cầm bút của ông Moravia, mà bao nhiêu bể dâu. Trước Cách Mạng và sau Cách Mạng, trước Cải Cách và sau Cải Cách, trước Giải Phóng và sau Giải Phóng: toàn những đổi thay long trời.

Xã hội xáo trộn tận đáy, tiếng nói phát ra hôm nay không còn giữ được mấy chút cái nghĩa hôm qua. Ngôn ngữ ta trải qua các biến thiên lớn không còn mang theo hơi hướng cũ. Tàn y xếp lại, mở ra còn hơi quen thuộc; ngôn ngữ trong xã hội bị xáo trộn mạnh liên tiếp không còn giữ được hơi hướng gì nữa. Ngửi nghe kỳ cục.

Xếp tàn y ngôn ngữ mang đi tận cuối trời; lúc thong dong, trịnh trọng mở ra: Lảng nhách.

Ngơ ngác. Rồi bâng khuâng. "Người nghĩa", loại người ấy đâu rồi! Chàng ta núp trong túp lều tranh nào? Nhớ chàng quá. "Nhớ sao nhớ dữ vậy Trời!"

 

Tháng 10-2005

 

 

Những tuỳ bút và truyện ngắn của Võ Phiến đã đăng trên Tiền Vệ:

 
... Tôi không rành về rượu, cũng không rành về thơ phú gì, chẳng qua trong lúc không có ai bên cạnh để tán gẫu cho khuây khoả, chợt gặp hai tiếng "bạn hiền" sinh động lòng về cái tình bạn đậm đà của cổ nhân... (...)
 
... Phút ân tình của chim xảy ra trong chốc lát, mây trắng bay lặng lẽ, ơ hờ... Cái phù vân nó đâm ra là cái lâu dài. Mà chút hạnh phúc của một loài (cũng như mọi loài) sinh vật chẳng qua thoáng chốc. Bạn không nao lòng? Tốt. Bạn tha hồ tốt. Cái sinh cái diệt, nó đến nó đi hờ hững, thản nhiên. Như cái đuôi con chim mái, như mây trôi từng đám giữa trời... (...)
 
... Ðời sống tiến tới, biến cải. Sự đào thải cái cũ, xưa chậm nay nhanh. Kỹ thuật truyền thông tiến mạnh, cách viết cách xem văn thơ, cách thưởng thức mọi thể loại nghệ thuật đổi khác vùn vụt, quan niệm thẩm mỹ nhảy từng bước dài. Những cái mình đang hè hụi thực hiện lúc này, chúng nó sẽ chịu sự đối xử kiểu nào mai sau? "Mai sau" không phải là vài ba thế kỷ tới, e cũng không phải một thế kỷ tới đâu. Ngắn ngủi hơn thế nhiều... (...)
 
Trà Tàu để nhấp từng tí, là thứ trà của sự suy tưởng mơ màng. Còn chè Huế, không ai uống nó mà uống từng hớp rời. Đã tợp vào là cứ thế thừa thắng xông lên ào ào, cứ ráo riết dồn dập cho đến cùng... (...)
 
... Anh Năm Hà thấy một bàn chân đàn bà đang nằm, bàn chân của chị ấy. Trên mặt chiếu, bàn chân xuôi xuống, cố hết sức chúc mũi xuống, như kiễng chân nhón gót. Bốn ngón chân quắp xuống, còn ngón chân cái thì rướn cong lên. Nó rướn cong, ôi chao, quá sức nó, làm nổi cao một sợi gân. Trời, ngón chân cái, nó rướn cong như cái đuôi con chuột trong cơn hấp hối, bị kẹp nát đầu trong chiếc bẫy, cái đuôi oằn lên trước khi con vật chết hẳn... Anh Năm Hà cuống cuồng, run bấn. Cái gì vậy? Trước mặt anh, ngón chân cái oằn lên... Anh Năm Hà nghẹn cứng ngang cổ, không thở được nữa. Cuối cùng, cổ phát ra một tiếng hực, rồi nước mắt anh tuôn ra... (...)
 
... Trong chuyến đi Úc năm đó, tôi ghé thăm anh bạn ở Melbourne ở chơi ba hôm. Trước, Tần và tôi chơi thân; từ ngày anh ta vượt biển sang Úc, chúng tôi chưa gặp nhau... (...)
 
... Bốn Thôi không phải người có số đào hoa, có thói ong bướm, lả lơi. Người lúc nào cũng rầu rĩ và có vẻ nghiêm khắc, mặc dù là ngơ ngẩn. Không ai tin anh thích những mơn trớn của xác thịt đàn bà. Cũng không ai có thể tin là anh được hưởng cái thích thú tỉ tê, thủ thỉ tình tự bên cạnh đàn bà: anh ít lời lẽ quá. Vậy mà liên tiếp mười mấy năm trời, chỉ có mỗi một điều choán tất cả đầu óc anh, chiếm tất cả sự hoạt động của anh, thu hết tất cả tâm trí anh, khiến anh lao đao thất thểu: ấy là những người vợ. Anh hì hục vất vả với những người vợ, như là con người khổ não hì hục một cách tuyệt vọng trước định mệnh của mình... (...)
 
... Thực vậy, giọt cà-phê thường khi nhắc nhở những điều nhảm nhí... (...)
 
E ị!  
... một hôm Đỗ tự bắt gặp mình chờ đợi một tiếng kêu lớn. Chờ đợi mơ hồ, nếu không tình cờ để ý có lẽ không biết đến... (...)
 
... Mỗi tối, trong tiếng muỗi vo ve bên màn, chàng lắng nghe sự tàn tạ của cuộc đời. (...)
 
Khi tôi khép hai đùi lại, dùng dằng, ông ta không hấp tấp vội vàng. Ông đặt một bàn tay lên bắp đùi trần của tôi làm tôi rùng mình; ông ngừng lại một chút, rồi vỗ nhè nhẹ vào phía trong bắp vế, nói nho nhỏ: “Em! Em!” Giọng ông ta nửa như than phiền trách móc, nửa như dỗ dành nài nỉ. Ông ta lại đặt yên bàn tay, ngừng lại, và chờ đợi. Tôi dạo ấy mới hăm hai hăm ba tuổi... Vắng đàn ông lâu ngày... Đêm khuya vắng vẻ... Chậc!... (...)
 
Một buổi chiều cuối năm, nằm tưởng nhớ lan man về làng quê, tôi mấy lần tự bắt gặp mình nghĩ tới chị Bốn Chìa Vôi... (...)
 
...Hơi hướng một cuộc tình đã dai dẳng, ông nghĩ đến cái hơi hướng của cuộc đời. Của cả cuộc đời... (...)
 
...Bây giờ là ba mươi năm sau. Cuộc sống thường nhật càng đầy dẫy những cái vô danh mù mịt, lu lít, nối nhau kế tiếp lướt qua đời chàng, không một khua động. Một buổi sáng, bỗng nhiên chàng nhớ đến cô y tá đêm nọ ở phòng mạch một bác sĩ trực.... (...)
 
...Giã từ cái dạ con của mẹ để ra ngoài đời, con người vẫn luôn luôn mơ hồ nhớ về chỗ quê hương nguyên thủy của mình, nơi mình đã trải qua một thời cô đơn trong ấp ủ ấm áp... (...)
 
... Và chỉ trong yên lặng cô độc như thế người con gái mới tự thấy mình nở ra như hoa lan nở trong đêm khuya... (...)
 
Trong mấy năm cuối thế kỷ người Nhật bỗng nhiên tự tử dồn dập. Người Nhật vốn đã hay tự tử, tự tử nhiều hơn các dân tộc khác; đến lúc này lại tăng vọt: năm 1998 so với 1997 tăng 35%, riêng trong giới trẻ mức tăng lên tới 85%. Vào năm chót của thế kỷ, càng thêm rần rộ. Nhiều kẻ lo ngại, đòi cấm sách dạy tự tử. (...)
 
Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi chưa biết. (...)
 
Hồi xưa, khi vừa biết chữ võng (Hán tự) có nghĩa là cái lưới, tôi liền hoan hỉ thấy công việc tầm nguyên chữ nghĩa xem ra thoải mái quá. Cái võng do cái lưới mà ra: Đích rồi. Mặt võng khác gì mặt lưới? Giằng ra bắt chim bắt thú, gọi là lưới; còn treo nó lên để nằm đu đưa thì gọi là võng. Cũng nó thôi. (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021