thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mình đang ở đâu?

 

 

MÌNH ĐANG Ở ĐÂU?

 

Nhiều năm tôi sống một mình ở Việt Nam, rồi về Mỹ.

Ở Dallas, tôi có hai nơi để ngụ: nhà hai người em, nhà Hạnh và nhà Phương, mỗi nơi tôi có một phòng riêng, tôi có thể ở nơi nào tùy hứng, khi nơi này khi nơi kia. Muốn ăn ngon, tôi về nhà Hạnh, muốn yên tĩnh và tiện nghi, tôi qua nhà Phương.

Tuần qua, gia đình Phương đi vacation, tôi ở một mình trong ngôi nhà rộng, phòng ngủ của tôi là căn phòng lớn nhất trong ba phòng ở tầng lầu. Ở đây ban đêm thật yên, lặng phắt, không tiếng động. Giá mà nín thở, tôi tưởng chừng có thể nghe được tiếng tim mình đập nhảy lóc cóc và máu chảy phì phèo trong thân thể.

Tôi thường bị la?c trong trạng thái không ý thức được nơi chốn, không nhận biết được mình đang ở đâu, nhất là trong khi ngái ngủ mơ màng, chưa tỉnh hẳn. Nhiều khi đang ngủ, tôi cứ tưởng là mình vẫn còn đang ở trên căn apartment trên tầng thứ 14 ở chúng cư Bình Chánh, Sài Gòn chứ không phải đang ở Mỹ. Ngày xưa, gần 30 năm trước, khi vừa qua Mỹ, nhiều đêm nghe tiếng động khẽ đâu đó là tôi choàng dậy, lạnh toát người vì sợ, ngỡ rằng nghe tiếng công an gõ cửa xét hộ khẩu căn nhà ở cư xá Thanh Đa, cảm giác bất an đó kéo dài đến mấy năm sau mới hết.

Chiều nay, sau khi ra khỏi sở làm, tôi ghé về nhà cô em ăn tối rồi ngủ lại. Khuya, đang ngủ khá say, phòng tắt hết đèn, tối om, tôi chợt nghe tiếng động và loáng thoáng tiếng người nói chuyện ở bên ngoài. Tôi giật mình thức giấc trong bóng tối, nghĩ rằng nhà có trộm, vì cứ đinh ninh rằng mình vẫn đang nằm trong ngôi nhà vắng người. Lúc còn ở Việt Nam, tôi từng bị trộm vào nhà mấy lần khi ở Bình Triệu. Có lần chúng ném thuốc độc giết chết chó tôi nuôi để hai tháng sau chúng đột nhập vào nhà; lần đó chúng dùng dây kẽm cột hai móc khoá bên ngoài, làm tôi bị nhốt trong nhà cho đến sáng.

Cái cảm giác sợ hãi ngày xưa dấy lên. Ngay lập tức tôi tính đến việc phải làm thế nào để tự vệ.

Tôi nằm yên trong trạng thái căng thẳng, vừa lắng nghe động tịnh, vừa cố gắng nhớ xem mình đang ở đâu! Vậy mà tôi hoàn toàn không nhớ rằng mình đang ở nhà Hạnh, và trong nhà đang có người. Phải biết được mình đang ở đâu thì mới có thể quyết định nên làm gì. Nên đi xuông nhà dưới lấy súng nếu ở nhà Phương, hay vào góc tủ lấy cây gậy phòng thân mà tôi để sẵn ở đó nếu ở Bình Chánh.

Những mạch máu trong đầu giật bưng bưng, tôi cố nhớ lại, cố lần mò lại từng chi tiết.

Nếu ở Bình Chánh thì bước xuông giường, cánh cửa phòng sẽ nằm bên trái. Tôi nhớ ra được vậy, nhưng khi quay qua bên phải thì sao lạ quá: tôi không thấy khung cửa kính nhìn ra bầu trời bên ngoài!

Không phải Bình Chánh! Mình không đang ở Bình chánh!

Vậy thì chắc ở nhà Phương rồi! Nếu ở nhà Phương thì bước xuông giường, bên trái là lối vào phòng tắm. Nghĩ vậy, nhưng khi tôi lăn nhẹ qua trái thì tay đụng phải bức vách, lạnh ngắt!

Không phải ở Dallas! Mình cũng không đang ở Dallas!

Mình đang ở đâu? Mày đang ở đâu?

Ai đang ở ngoài kia?

Hẳn là bọn trộm cướp sắp xông vào rồi!

Mình phải làm gì để tự vệ đây?

Phải lấy súng lấy gậy, nhưng lấy ở đâu?

Mình đang ở đâu?

 

*

 

Bây giờ là 3:38AM. Lúc này Dallas sắp sáng. Lúc này Sài Gòn đang về chiều.

Tôi không cần tìm chỗ trốn. Tôi không cần lấy súng lấy gậy. Không có ai đập cửa xét hộ khẩu. Không có kẻ cướp nào xông vào nhà giữa khuya.

Tôi đã biết mình đang ở đâu và làm gì trong căn phòng này: Tôi đang rị mọ gõ từng chữ một trên màn hình iPhone, những dòng chữ cuối cùng của câu chuyện thuật lại cái kinh nghiệm kỳ dị, rồi bấm nút post lên Facebook. Tôi tắt máy.

Tôi tự nhủ, bây giờ hãy tạm yên tâm, hãy ngủ lại thêm hai giờ còn lại trước khi trời sáng. Tạm không băn khoăn nữa; vì, có loay hoay thế nào đi nữa thì mình mãi mãi là một thằng người mất phương hướng, day bên này trở bên kia, trên mặt địa cầu.

 

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021