thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quê
 
hãy tha lỗi cho em!
em luôn nhớ da diết một cách hiện thực
 
Em đã từng đi đến nơi xa nhất thế mà ngay trên xứ sở của mình em cũng chưa bao giờ đi hết, chưa bao giờ thôi ấp ủ dự định những chuyến đi dù đến một địa danh nơi gần hay một nơi xa hơn quanh đâu đây.
 
Con người em phải chăng là quá kém cỏi và hèn nhát. Đúng rồi. Em còn rất nhiều kém cỏi và hèn nhát vì còn lo sợ điều gì đó và sợ phải đi xa một mình nên cứ quanh quẩn quanh đây Em luôn tự nhủ, mơ rằng giá như những chuyến đi có anh bên cạnh dù chỉ một lần thôi, nhưng thậm chí điều này chưa bao giờ xảy ra với người đàn ông em mong. Em đang nghe bản nhạc love story không lời bản này em đã nghe không biết bao lần trong góc nhỏ nơi em nương náu mà vẫn chưa đi hết giai điệu của nó. Từ đấy em luôn chấp nhận những chuyến đi một mình và em biết người có thể đi cùng em đến bất cứ đâu trên thế gian này là đứa con trai nhỏ của em. Điều này thật hạnh phúc và tuyệt diệu nhưng đấy lại là câu chuyện khác.
 
Nói đúng ra có lần em cũng có cơ hội, nếu, nếu liều lĩnh thì chỉ một giờ đi máy bay là có thể đến chỗ anh... nhưng khi đó em ở trong tình thế không thể liều lĩnh mà đi được. Nếu đi được thì câu chuyện này đã có những bước ngoặt khác. Sau đó thì mọi thứ trở lại bình thường và em biết rằng phải rất lâu sau và phải là phép màu mới có thể làm nên kỳ tích khác trong câu chuyện và phiêu lưu của chúng ta. Dù thế, chưa bao giờ em cảm thấy nuối tiếc những năm tháng này, và chưa bao giờ trách cứ gì những người đàn ông đã để em đi những chuyến đi một mình, và giấc mơ về những chuyến đi như thế chưa bao giờ ngưng lại, và mỗi khi đi được một mình dù chỉ một quãng ngắn thì sự trống trải, nỗi buồn trở nên mênh mông hơn. Cảm giác hùng vĩ đến vô tận...
 
Và những chuyến đi xa của em nhiều khi chỉ là về quê. Nói thật nhé. Quê chính là nơi em luôn cảm thấy lạ lùng hơn tất cả. Về quê. Thế mà chưa bao giờ em nhìn ngắm và hiểu hết về nó dù em sinh ra và lớn lên ở đó và đã đi về không biết bao lần. Cho đến một hôm.
 
Anh biết không. Cái sân ga những chuyến tàu đi một hôm bỗng làm em buồn và hoảng sợ. Bởi biết bao kỷ niệm và ký ức riêng tư của đời mình một hôm, và em hiểu rằng phải có thật nhiều can đảm mới có thể đi qua, yêu dấu lấy chúng. Tất cả. Để em nói với riêng anh thôi rằng có nhiều chuyện khác nhau nhưng có một chuyện của em với hắn, tức là chồng em ấy. Chuyện này nhỏ thôi nhưng có thể bởi tại em hay cả nghĩ và đa cảm “xúc” quá chăng. Vấn đề là bọn em đã chấp thuận thành vợ thành chồng và chung sống với nhau và có con với nhau. Những điều này bao giờ cũng hệ trọng và thiêng liêng, dù sao đi nữa. Có điều bọn em là của nhau nhưng mãi mãi là hai thế giới chưa bao giờ đến được với nhau và vẫn đang trên đường tìm kiếm thì hắn một ngày đã ra đi rất nhanh đến thế giới khác trong cao thượng, bí ẩn và im lặng.
 
Bọn em có rất ít kỷ niệm lãng mạn, những chuyến đi cùng nhau hay những món quà xa xỉ thông thường của tình yêu, như những cặp đôi khác thường đòi hỏi ở nhau, chiều nhau, dệt thêu nên hạnh phúc. Thậm chí lấy em rồi nhưng hắn mãi mãi xa cách với nhà vợ. Mỗi năm hắn chỉ về quê vợ có một lần vào mỗi dịp tết. Mỗi lần về quê vợ hắn chỉ ở lại trọn một ngày và một đêm rưỡi, uống rượu uống trà với bố, với các em trai vợ như những người đàn ông, ăn mấy bữa cơm của mẹ vợ có những món mẹ em biết hắn thích mỗi lần hắn về đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu. Mẹ để hắn được vào bếp tự tay chế biến nấu nướng những món đó theo ý hắn, và sau đó cả nhà vui ngắm hắn thích thú thưởng thức món đó một cách tập trung và tự hào. Trong khi ở nhà em thì món đó lại quá bình thường, chẳng hạn như món tôm biển tươi bóc nõn rim với tiêu đen thì có gì lạ đâu phải không. Thế mà khi ở nhà mình hắn chẳng bao giờ thổ lộ là hắn thích món này món nọ và chẳng bao giờ hắn bén mảng đến gần bếp chứ đừng nói là nấu nướng cho dù chỉ đun một ấm nước pha trà. Thế nhưng, đấy, ở nhà bố mẹ vợ hắn lại tự vào bếp nấu nướng như ai. Chẳng hạn cái món tôm biển rim đó mỗi lần về quê vợ hắn không để mẹ và em làm cho hắn ăn như ở nhà mình, ở đây hắn thích tự làm, hắn nói món đó ngon với hắn phải rim thật khô và cho nhiều hạt tiêu và phải đủ đậm ăn với cơm mới thấy ngon hết mức. Ai biết được đủ đậm và ngon hết mức của hắn thực sự thế nào. Nếu mẹ và em nấu món đó thế nào hắn cũng bảo vẫn chưa đủ đậm, thế là từ đó ở nhà mẹ em hắn được vào bếp nấu như là hắn thích.
 
Nhưng một kẻ chẳng bao giờ màng chuyện bếp núc như hắn, ở nhà bố mẹ các chị gái hầu, cung phụng từ bé cho đến cả khi đã lấy vợ, lấy em. Điểm này hắn luôn ở vị trí cũng không khác mấy một ông hoàng. Nên khi ngắm hắn còn nguyên áo sơ mi, cà vạt, xắn tay, tay cầm quai chảo tay cầm đũa đảo liến thoắng trên bếp xèo xèo thơm nức, mẹ em khi đó càng ngưỡng mộ con rể ra mặt còn em thì buồn cười đến chết. Mẹ chỉ nhìn qua điệu bộ ông hoàng con rể của mình rõ là 100% công tử con nhà thành phố ngời ngời ngoài xã hội cũng đã có tiếng làm quan chỉ dưới một người thế mà về nhà mẹ vợ vào bếp nấu nướng có vẻ chuyên gia thành thạo, thực ra là hắn đang lóng ngóng để control món tôm đó cho đến khi trút ra đĩa thành công. Và không biết hắn có biết tâm trạng tự hào này của mẹ em khi đó không nhỉ. Dù thế nào thì trong mắt bà hình ảnh con rể danh giá của bà vào bếp tự nấu nướng như thế càng thêm đặc biệt uy tín, và bà hoàn toàn yên lòng và có cảm xúc rằng con gái bà lấy được đứa con rể của bà như thế thật quá là có nhiều khía cạnh mãn nguyện, còn đòi hỏi gì hơn. Sau một ngày và một đêm rưỡi cũng vừa hết tết hắn chào bố mẹ vợ và đón mẹ con em ra tàu trở về nhà mình. Và cả năm hầu như hắn chẳng bao giờ tự động gọi điện thoại hay tăm hơi hỏi thăm bố mẹ vợ ra sao cho đến tết năm sau. Cứ thế. Từ nhà mình đến nhà vợ cho dù là cách hơn trăm cây số hay cách vài con phố thì hắn cũng vẫn thế thôi.
 
Có lần em đã xung đột gay gắt với hắn một trận kinh hoàng khi em và con đang chuẩn bị hành lý về quê ngoại ăn tết, em bảo: Anh về sau nhé, thì hắn ầm ừ, vô tư, thản nhiên nói thẳng: Năm nay anh bận trực ở nhà máy nên không thể về quê ngoại ăn tết được, em và con về thôi nhé, dịp khác anh về bù. Thế ai đón mẹ con em về, hắn bảo: Thì tự đi về. Đó là cái tết năm thứ hai hồi hai đứa mới lấy nhau. Sau trận đó là một bước ngoặt. Những cái tết sau này em đã chấp thuận thế nào cũng được không gay gắt nữa. Em và con thường xin phép về quê ngoại ăn tết từ trước ngày 30. Hồi đó các em trai em còn đi học và chưa cậu nào lấy vợ. Em là con gái duy nhất của bố mẹ và là chị cả trong gia đình.
 
Hắn được cái vẫn chu đáo gửi đồ sêu bố mẹ vợ để em và con đem về tết ông bà trước. Nhất nhất là phải có chai rượu tây loại xịn và trà mạn ngon, loại đặc biệt, còn những thứ khác đều không đáng kể, vì có lần em kể với hắn hồi em còn nhỏ bố cứ nói đi nói lại mấy câu đến bực mình và gây tự ái chỉ là cốt để em nghe giữa trước mặt cả nhà họ hàng làng nước thế này: Đẻ con gái ra không biết mai kia bố vợ này có được rượu thơm chè ngon tử tế mà uống không hay lại chỉ rượu hẩm chè bồm cũng không có mà có khi bố vợ lại còn phải đấm. Rồi bố cười. (“Chè bồm” hình như là thứ chè nát, rẻ tiền, nước không xanh, nghĩa là tệ).
 
Về quê ăn tết, em lại đi chợ và sở cơm nước mọi thứ đỡ mẹ, và bố mẹ rất vui khi em trở về vào ngày tết như hồi em chưa lấy chồng mặc dù giờ em đã là con nhà người ta, và năm nào cũng thế hắn để vợ con về ngoại trước 30 tết và ở lại nhà mình với bố mẹ, hết mùng một tết sẽ đi tàu đêm về quê vợ, đến nơi khoảng 2 giờ sáng. Từ cổng nhà ga cứ đi thẳng con đường trước mặt không cần rẽ vào đâu cả khoảng hơn 2 cây số là về đến nhà. Trên đường hắn sẽ đi qua một rạp chiếu phim và những căn nhà kéo dài của thị xã đã lên cấp thành phố từ trước khi hắn lấy em nhưng khi đó thành phố chủ yếu vẫn là những ngôi nhà cấp bốn lít nhít, hai bên đường là hai hàng cây um tùm che kín.
 
Xuống tàu hắn không thuê phương tiện gì cũng không gọi điện bảo các em vợ ra đón dù các cậu em vợ dặn thế nào. Hắn cứ thế, người không, đi bộ một mình về đến nhà. Khi về, hắn thường mặc complet thắt cà vạt lịch sự nếu thời tiết tết năm đó nắng ấm. Nếu thời tiết tết có mưa rét thì hắn mặc quần jeans và áo da đen mềm, mặc trong áo len và quàng khăn len em vẫn mua cho mỗi dịp sinh nhật hắn vào tháng 12. Hắn cao 1m71m dáng đi nhẹ nhàng, khoan thai, đủng đỉnh, bước chân hắn lạ lắmm có thể nói là uyển chuyển, ngược với vẻ ngoài thoạt nhìn thấy hắn đàn ông, cao lớn, vững vàng, cằm vuông, tóc cứng, mày rậm, nước da ngăm đen, khỏe, ổn định. Thoạt nhìn khó biết hắn sạch sẽ và em thường hít hà đùa hỏi hắn. Em có thể cảm giác đàn ông bẩn mức độ nào mà không cần phải đến gần. Em chuộng sự sạch sẽ cũng theo cảm giác. Hắn của em sạch sẽ đó là điểm quý giá được em mãi mãi nâng niu như vật báu, nhưng em hay đùa, thắc mắc hỏi hắn. Hắn rất chịu khó tắm như một quân nhân tuân thủ kỷ luật kể cả giữa mùa đông lạnh giá. Bao giờ hắn cũng không bỏ, tắm rửa sạch sẽ cuối một ngày làm việc khi trở về nhà, rồi mới ăn tối , v.v., rồi đi ngủ sớm. Hắn đặc biệt quý giấc ngủ của mình. Em thì hay tắm vào buổi sáng khi hắn đã đi làm nên hắn rất ít khi chứng kiến. Em ít khi đi tắm vào tầm với hắn nên hắn hay đùa trêu lại: còn em thì lười tắm, là vua bẩn. Và cười chọc, em trêu đùa lại: em là vua bẩn nên mới lấy phải chúa sạch. Và cười. Hắn sạch sẽ theo đánh giá chung trong gia đình, được bố mẹ anh chị đề cao, được noi gương, được quảng bá, được hãnh diện tự hào coi là truyền thống dạy dỗ của gia đình như một nét ưu việt một hành động tốt, đó chỉ lại là kỷ luật tắm cuối ngày làm việc. Với em lại không phải thế, sạch sẽ của hắn với em không phải là kỷ luật tắm mà vì em phát hiện ra là khi nào vì lý do đặc biệt khiến hắn bị chậm tắm hay không được tắm vài hôm. Trong khi điều đó khiến bố mẹ chị gái hắn, cả nhà sẽ than thở ái ngại cho hắn vì không được tắm người sẽ bẩn, hôi hám... và bản thân hắn cũng nhăn nhó khó chịu vì không được tắm thì em lại phát hiện ra khi hắn không được tắm mấy hôm chỉ làm cho quần áo hắn mặc có mùi thơm ngào ngạt. Khi đó hắn chưa dùng nước hoa. Điều này em tình cờ biết được trong một lần hiếm hoi hắn đi công tác xa về. Để khẳng định đó chỉ là mùi mồ hôi của hắn thấm vào quần áo lên men thành mùi thơm như thế, em đã không giặt các đồ lót đó, thử cất đi nhiều ngày và mang ra chúng không hề phai mùi mà còn thơm hơn. Bình thường cơ thể hắn kể cả toát mồ hôi đầm đìa cũng không có mùi gì cả và đặc biệt ấm về mùa Đông. Em thích và hắn thường sẵn sàng ủ chân và tay giá lạnh của em mỗi khi ra ngoài về khuya hay chui vào chăn muộn. Khi đã nằm bên nhau chỉ cần bất cứ khi nào em nâng khẽ đầu mình lên là hắn tự động luồn tay xuống thay gối kéo em sát người hắn cho ôm gác thỏa thích đến khi em mỏi cổ thì thôi mới rút tay ra cho em ngủ và hắn cũng ngủ hoặc có làm gì thì cũng chẳng bao giờ nói chuyện gì xa hơn.
 
Cứ thế, năm nào cũng như năm nào, suốt những năm chung sống, ngày đó con đường từ cổng ga về nhà bố mẹ em về đêm có đoạn không có đèn đường gì cả, rất tối và còn chật hẹp. Không cần chờ đợi, cứ mùng hai tết đúng giờ đó hắn sẽ về đến nơi như một chiếc đồng hồ đúng giờ, gõ cửa và bố sẽ mở cửa cho hắn vào, em cũng thức dậy ngay sau đó, chờ hắn chào và nói chuyện mấy câu ngắn với bố, mẹ và các em trai của em khi đó cũng thức dậy ra đón hắn tíu tít quý mong lắm mặc dù hắn là con rể xa lạ nhất đời, như đã nói, cả năm mới đến nhà một ngày và chẳng làm gì cho nhà bố mẹ vợ ngoài lấy em và mang em đi thẳng và chẳng bao giờ phàn nàn gì cái tốt cũng như cái xấu của em với bố mẹ. Riêng mẹ em thì còn phục hắn và có phần biết ơn hắn đã lấy em và chịu được em, đứa con gái có những tính nết, sở thích, nói năng, hành động không giống ai. Theo mẹ, ngoài hắn ra sẽ khó có người đàn ông nào chịu được tính em mà hắn lại cho mẹ em thấy là hắn yêu vợ một cách bao dung không chấp và mẹ quý hắn ở chỗ mang tiếng là con trai Hà Nội gốc chưa bao giờ đi đâu xa, coi ra ngoài tướng mạo thì uy nghi nhưng về quê nhà mẹ tính tình sinh hoạt lại chất phác giản dị hiền lành như nông dân dễ hòa nhập chứ không tỏ vẻ gì ta đây quan cách như mẹ thấy ở nhiều người dân thành phố khác.
 
Xong phần chào đón của gia đình, em sẽ lôi ngay hắn vào góc tối ôm riết cổ hắn và hôn lấy hôn để cảm giác như xa lâu lắm và cảm giác sương đêm hay là mưa bụi còn đọng trên tóc, vai áo và má hắn, cằm hắn râu dày cứng đã cạo nhẵn vừa mọc lên cọ vào trán vào má nhồn nhột và hắn cười hiền khô như nông dân lúc đó hắn chẳng bao giờ thể hiện sự vồ vập bao giờ cũng chẳng nói năng gì vui thích thái quá, lúc đó không hiểu sao em lại cảm thấy yêu thương hắn mà chẳng cần phải đồng cảm đồng kiếc gì cả. Hắn lầm lì và ít nói như vậy, tính hắn như vậy, đến rồi đi như vậy làm hắn mãi mãi bí ẩn.
 
Khi hắn ra đi không bao giờ quay lại thế gian này nữa, ban đầu em rất sợ mỗi lần về quê một mình hai mẹ con. Nhất là phải đi những chuyến tàu đêm, nhất là em không thể tưởng tượng một người khác không phải là hắn đi trên con đường cũ về quê đón mẹ con em như hắn trước kia. Chẳng lẽ giờ đây hắn mới thực sự hiện hữu trong em và trở nên quan trọng thế sao... Nhưng rồi em tự hỏi chẳng lẽ điều đó sẽ làm em sợ buồn thương mãi sao. Chẳng lẽ em cứ phải trốn tránh tâm trạng này mãi sao. Và vì thế em nói với anh, em vừa đi xa về nhưng nhiều khi chỉ là về lại quê. Hai mẹ con em sẽ vẫn đi những chuyến tàu đêm hệt như trước kia, sẽ đi xuyên qua nỗi sợ hãi này và sẽ phải tập quen với sự vắng mặt của hắn đã đi vào trong ký ức. Có lẽ giờ đây em nên tin hắn đã đến ở một nơi rất xa của riêng mình với thật nhiều hạnh phúc mà nơi ấy nhiều người chưa từng biết đến. Đêm hắn ra đi, gió thổi rất nhiều và em cảm thấy dường như đó là những cỗ xe gió thênh thang bất tận với những nước thắng kiệu tưng bừng rộn rã, và nhanh nhất đến đón hắn trở về như đón một vị thần đặc nhiệm đã làm xong xứ mệnh trở về trong ngôi nhà khác ở tận nơi những chân trời xanh ngắt rộng lớn và mây xa. Ở đấy chắc chắn không còn điều gì phải vướng bận.
 
Bây giờ mỗi lần về quê em thường đứng nán lại ở cổng nhà ga thêm một lúc. Ngoái nhìn con đường thẳng từ ga dẫn về nhà. Hình dung bóng hình hắn xuống tàu đêm và đang đi bộ về nhà mỗi dịp tết. Rồi em mới cùng với con trai của em xách hành lý quay đi. Con đường dẫn về nhà giờ đây đã trở thành đại lộ và cả một quảng trường rộng lớn thênh thang đẹp nhất thành phố. Có bao nhiêu loại đèn, đài phun nước và con đường thắp sáng cả đêm về đến tận nhà. Rạp hát chiếu phim hắn thường đi qua mỗi lần về nhà bố mẹ em quê vợ giờ không còn ở đó nữa mà đã chuyển đi nơi khác và dãy nhà cấp bốn kéo dài hai bên đường lít nhít đã xây mới thêm nhiều tầng mới đẹp hơn. Nhưng sự thật là chẳng bao giờ hắn đi qua nơi này nữa. Và em tự nhủ tất cả đã qua rồi. Mình đã sống là không bao giờ phải nuối tiếc gì. Và em bắt đầu cố gắng hiểu về quê, thành phố nơi chốn của mình kể từ ngày hắn đến. Và em cũng nhận ra để hiểu chính quê hương của mình với một tình yêu thương thực sự chưa bao giờ là dễ dàng.
 
Bố mẹ em giờ đã đến thành phố khác ở gần gia đình các em trai em để tiện việc chăm sóc. Bố mẹ mỗi ngày một già yếu đi. Ước mơ của người già là ở gần con cái. Nhưng các em trai của em còn trẻ và khi trẻ thì người ta luôn nhất định phải mơ mộng. Nhất định phải đi đến những nơi xa hơn. Nhất định phải đến những trung tâm những thành phố lớn hơn. Nhất định với biết bao nhiêu là khát vọng cần biến thành hiện thực, với biết bao gian khó, với thật nhiều quyết tâm, thật nhiều... Làm sao trách được họ về tất cả những điều đó. Ngôi nhà của bố mẹ ở thành phố nhỏ bây giờ đã cho người khác thuê.
 
Có gì lạ không nếu em thường nghĩ hắn giờ đã bình yên rồi. Nỗi nhớ hắn bây giờ còn tuyệt vời hơn trước kia. Khi hai đứa còn ở bên nhau. Và, còn có thêm điều này không biết có nên nói ra lần nữa ở đây không.
 
Hắn (của em) ra đi ở tuổi của Rimbaud.
 
.........................
Cảm ơn 12 năm đã qua!
 
Tưởng niệm ngày 30/8/2008
 
 
--------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021