thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bậc thềm thiếu hụt | Bình đẳng | Tiếng nói không nghe thấy của người giàu | Giờ phút muộn màng | Kỷ niệm 1 và 2 | Mãi mãi Honduras mãi mãi
(Diễm Châu dịch)
 
Những bậc thềm thiếu hụt
 
Con cái chúng ta
nhìn thấy
các đô thị sụp đổ chồng chất
 
Chạm tới tấm màn tang trải rộng trên các khu phố.
 
Ngẫm nghĩ
về những bức xúc mà bầy én rơi rụng gây nên
những con én
không còn phân biệt được những đường dây điện báo.
Soi mình trong tấm gương hằng ngày dơ bẩn
mà không ai nhìn thấy.
 
Với những kẻ gần chết chúng học biết
đếm những bậc thềm mà cuộc đời thiếu hụt.
 
Và lớn lên không chút ngạc nhiên.
 
 
Bình đẳng
 
Tôi vẫn thường tới các nghĩa địa.
 
Tôi đã đưa ngón tay chạm tới các vị thiên thần
đang trông coi các nhà thơ đã gục ngã.
 
Tôi đã đọc
những hàng chữ ghi khắc trên những tấm biển nạm vàng, vàng vô dụng.
 
Tôi đã quan sát thật lâu
những nguyện đường cầu kỳ
của những gia đình Tầu.
 
Tôi đã dừng lại trước những nấm mộ vô danh
đầy côn trùng và cỏ dại
nhắc nhở chúng ta những chuyện tự nhiên, giản dị.
 
Có lẽ -- tôi tự nhủ --
những phiến đá của những kẻ phù phiếm
không có được cái duyên dáng của một nhành lá một bông hoa.
 
Các nghĩa địa mở ra như biển
đón nhận chúng ta
 
Thật dứt khoát
người sống không thể nào hủy diệt
sự hoàn toàn bình đẳng của người chết.
 
 
Tiếng nói không nghe thấy của người giàu
 
Chúng ta đã từng là chúng ta hiện chỉ là một.
 
Chúng ta không bao giờ biết
cái gì của thế giới này chúng ta cần,
thế nhưng
chúng ta khát -- biển với những cõi xa xăm vàng ánh -- nước
chẳng là gì khác hơn
một đám đông lơ láo
trong trò vận dụng những tấm gương.
 
Chúng ta đã đập nát bọn người mạnh nhất.
 
Chúng ta đã vùi lấp những kẻ yếu ớt trong mây.
 
Chúng ta đã khiến cán cân nghiêng về phía đêm tối
và bất chấp những nhát roi nhận được
chúng ta vẫn ở lại trong đền thờ.
 
Rất ít người
hiểu được
giấc mơ như mê lộ quanh co của chúng ta.
 
Và chúng ta chỉ là một.
 
 
Giờ phút muộn màng
 
Đó là những năm tháng đầu tiên.
 
Chúng tôi đã băng ngang cuộc đời lúc đó
giữa
những tiếng thì thầm nho nhỏ dài dặc,
những người quá cố bị vu khống
và những dòng sông với đôi bờ bí ẩn. Chúng tôi đã là
những người anh em lang bạt
của lũ chó không chủ
những kẻ săn bắt côn trùng
kẻ thù không đội trời chung
của những tên công an
ngu ngốc và tàn nhẫn
là những chiến binh bất tử
của huyền thoại chúng tôi đã không phân biệt một chiếc cánh
với thân xác một em bé gái.
 
Quay cuồng và thay đổi chúng tôi lớn lên thật cực nhọc.
 
Giữa chúng tôi
đã trỗi dậy
những ông toà hai mặt, những kẻ sách nhiễu
với trăm con mắt, mau lẹ trong sương mù và vui vẻ
ngốn ngấu những khoảng đường xa, những tên cáo giác dễ dàng,
những đao phủ thèm khát sang giàu chức vị; những chứng nhân giả
những kẻ ‘sáng tạo’ một lối viết hư ảo; những tay kiên trì
mài dao bén về đêm.
 
Có những người nói: ấy là định mệnh
dành cho chúng ta và họ đã đào thoát
bỏ lại đêm trên đất. Những kẻ khác
ưa giam mình trong bốn bức vách không khởi sự cũng chẳng kết thúc.
 
Nhưng chúng tôi hết thảy -- vào một giờ nào đó -- chúng tôi rảo qua
con hẻm của quá khứ chúng tôi
nơi từ đó
chúng tôi trở lại
tóc tai đầy máu.
 
 
Kỷ niệm 1 và 2
 
                                       Tặng Roberto Armijo và Alfonso Quijada Urías
 
Kỷ niệm đầu tiên của tôi
khởi sự từ một ngọn đèn đường trong tăm tối và dừng lại
trước một bể nước công cộng rỉ rả trong một con hẻm chết.
 
Từ kỷ niệm thứ nhì của tôi
tràn ra một người chết,
cả một hàng dài những người chết, chết hung bạo.
 
 
Mãi mãi Honduras mãi mãi
 
                                                         Tặng Ezequiel Padilla Ayestas, Anibal Cruz và Obed Valladares
 
Ngày và đêm
người bản xứ và người nước ngoài lặp đi lặp lại không mỏi mệt: đây
không phải là một nước, đây là một cảnh trí đang dứt khoát chìm xuống
Và thêm
như kẻ tin rằng mình vừa ra khỏi
đầu mút một mê lộ: làm sao họ lại có thể chấp nhận được nó như thế?
Chính vì thế đấy, chúng tôi nói với họ, bởi xứ này là một đứa trẻ nhỏ,
nhỏ đến nỗi cả đến người nghèo khó cũng chưa học biết
làm mưa.
 
 
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ROBERTO SOSA sinh năm 1930 tại Yoro, Honduras, cha ông là một người Salvador, mẹ ông là người Honduras nhưng cả hai ông bà đều là người nghèo. Honduras là một nước nhỏ ở Trung Mỹ (hơn 112 ngàn cây số vuông) với cư dân: 6,6 triệu người, nằm giữa Nicaragua, Salvador, Guatemala và biển Caraib. Sosa sinh vào thời nhà độc tài Tiburcio Carías Andino, một thời đàn áp dữ dội về chính trị. Và ngay từ nhỏ, Sosa đã phải đi làm để kiếm miếng ăn, mãi tới gần ba chục tuổi mới cho xuất bản cuốn sách đầu tiên. Tập thơ Người nghèo (1969) của Sosa đoạt Giải Adonais ở Tây-ban-nha, rồi tập Một thế giới phân chia cho tất cả (1971) đã đem lại cho ông Giải Casa de las Americas ở Cuba. Mỹ châu la-tinh bắt đầu nhìn nhận Sosa như một tài năng thơ rất lớn. Tác phẩm của Sosa có đặc điểm là sự trong sáng và phong phú về ngôn ngữ phối hợp với một nội dung chống đặc quyền và áp bức, nhất là tập Bí mật quân sự (1985). Các tập thơ sau đó (1984-1989) thường được nhắc tới của Sosa là Nước mắt các sự vậtLột mặt nạ. Vào năm 1990, ông đã cho xuất bản sáu tập thơ, ba tập văn xuôi cũng như hai tuyển tập văn chương Honduras. Tác phẩm toàn tập của Sosa được xuất bản ở Honduras cùng năm đó. Sosa hiện là tổng biên tập của tạp chí văn chương nghệ thuật Presente xuất bản ở Tegucigalpa; chủ tịch hội nhà báo Honduras; và giảng dạy văn chương tại Đại học Quốc gia Tự trị Honduras. Thơ ông đã được dịch sang các thứ tiếng: Pháp, Đức, Nga và Anh. Ông cư ngụ tại Tegucigalpa, thủ đô Honduras.
 
Các bài trên dịch theo các bản Pháp văn của Pierre Lartigue trong tuyển tập L’épreuve des mots (Stock, 1996) và của Claude Couffon trong Les larmes des choses... (Orphée, La Différence, 1990).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021