|
Vài trao đổi nhỏ về thời gian & ngôn ngữ trong thơ Trần Dần
|
|
Trước hết, tôi phải cám ơn Tiền Vệ đã tổ chức được một chuyên đề về thơ Trần Dần. Một nhà thơ mà nói như nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh là “một con cọp banh trần” khi số phận ông còn gắn với bao câu hỏi thăng trầm về số phận văn nghệ của một giai đoạn lịch sử. Theo chủ quan của tôi, đây là lần đầu tiên tôi được thấy và được đọc gần đầy đủ các tác phẩm chính của nhà thơ Trần Dần trên mạng Tiền Vệ do Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đảm trách. Tôi nhớ không lầm thì trước đây khi còn chủ trương tờ tạp chí Việt, các anh cũng từng cho đăng trở lại hồi kí Ghi của Trần Dần do nhà văn Phạm Thị Hoài biên soạn. Việc tổ chức một chuyên đề và sau đó là một diễn đàn phê bình công khai và dân chủ như thế này là một cố gắng rất lớn của các anh. Qua đó, bạn đọc thấy rõ nét chân dung của nhà thơ, một người mà trước đây được biết qua nhiều huyền thoại và giai thoại. Một thủ lĩnh trong bóng tối (*) trong chừng mực một nghĩa đen nào đó. Tôi không ngạc nhiên khi phải đọc các bài của các tác giả Nguyễn Ly, Lê Dã Thảo... Đó là những bài mang “quan điểm nghịch” rất thú vị trong cuộc tranh luận. Bởi lẽ, tranh luận dân chủ cần có nhiều hướng tiếp cận như thế. Thử nghĩ, một hội thảo thơ toàn những bài khen “chủ tọa” thì ai cần đọc làm gì. Hơn nữa, Trần Dần ở quá lâu trong bóng tối. Có ai biết sự thật hình bóng (ở đây là tác phẩm) của nhà thơ như thế nào đâu? Vì thế khi Tiền Vệ “tung ra” những tác phẩm của ông thì cả người khen và kẻ ghét ông đều... bỡ ngỡ và kinh ngạc. Muốn hiểu được Trần Dần, theo tôi, nhận xét của nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh “ông (chỉ nhà thơ Trần Dần) đã từng bị thời đại xẻ thịt lột da” (**) là rất quan trọng. Bởi lẽ, không chỉ nên tìm hiểu Trần Dần qua tác phẩm ông mà còn phải tìm hiểu xuyên suốt cả một giai đoạn lịch sử. Tôi rất chú ý về vấn đề thi pháp của giai đoạn này. Theo các nhà phê bình, Trần Dần và các nhà thơ thế hệ ông như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung, Phùng Quán... muốn xóa sổ thơ Mới hay đúng hơn là cách tân thơ Việt lên một bước khác. Thế nào là cách tân thơ Mới? Theo tôi, trước hết là phá bỏ niêm luật và hướng thơ vào nhiều chủ đề khác nhau chứ không chỉ lãng mạn hay cách mạng. Nhưng cuộc cách tân vừa nhóm lên đã bị “triệt tiêu” hay “giết chết” trong lòng trứng nước và số phận của thủ lĩnh thơ Trần Dần ra sao qua giới thiệu của chuyên đề thơ này ai cũng đã rõ. Vì thế, không thể xét Trần Dần như vai trò và số phận của một nhà thơ đã thành công, đã đi hết và thỏa mãn con đường thơ mình đã chọn. Mà phải xem ông như biểu tượng của một cái Mới Dang Dở. Đó là lí do vì sao thơ Trần Dần đọc lên vẫn nghe âm hưởng của thơ Mới nhưng về cấu trúc thơ, độ dài ngắn và tinh thần hiện đại của câu thơ đã khác. Ví dụ: “Tôi là con tàu phải lòng muôn hải lí / Bỏ lại sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn”. Không chỉ Trần Dần mà đọc các tác phẩm Ô Mai, Bến Lạ của Đặng Đình Hưng, Xem Đêm của Phùng Cung, và thơ Phùng Quán, Lê Đạt... chúng ta đều dễ dàng nhận ra một lối viết dấp dính và ngấp ngứ như vậy. Những câu thơ biến thái chính trị và nỗi ám ảnh khốc liệt của sự theo dõi, kiềm tỏa. Trần Dần trong thơ ngột ngạt những cơn điên không dễ dàng phân tích được. Chẳng hạn theo cách đọc của tôi, Cổng Tỉnh chính là Cảnh tỉnh nói ngược đi. Mùa Sạch chính là thái độ phản ứng và mơ ước của nhà thơ trước một xã hội đảo điên, bần tiện và bùn lầy từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Những câu thơ với chữ “sạch” đổ tràn xuống như sự phẫn nộ. Còn Zờ Zoạcx bắt đầu từ hai chữ “Rình rập” một tâm thế mà các nhà thơ bị treo án Nhân Văn giai phẩm thời bấy giờ phải khủng hoảng thường trực. Chính nhà thơ đã cảm nghiệm được thời gian bị “giam lỏng”, theo dõi, đã chết một cách vô lí ấy: “Tôi không thể làm gì nổi cái kim đồng hồ...”. Ông đã từng ước mơ có một tiếng nói thật trong sạch, thật tự do như “Những ngón tay mưa / Dương cầm trên mái”. Nói chung, Từ của Trần Dần là Từ Kín và Từ Gợi. Chỉ đọc một chiều và trung thành với văn bản là cách đọc chết. Đáng tiếc, trên diễn đàn này chưa xuất hiện một bài viết nào đủ tầm để giải quyết những vấn đề của Trần Dần. Chỉ là sự moi móc và ẩu đả nhau về sự thích hay không thích của mỗi người. Bỏ quên tính lịch sử là một yếu tố quan trọng để phát sinh và dẫn đến phong cách thơ như Trần Dần.
(Mỹ Tho, 2.8.2003)
Chú thích: (*) "Thủ lĩnh trong bóng tối" bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài. (**) "Với một nhà thơ" bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. |