thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những kẻ khó thích nghi

 

Tôi là một kẻ khó thích nghi?

Thật khó tin, và tôi luôn nghi ngờ điều này. Nhưng vợ tôi thì không, cô ấy luôn nhận xét như vậy về chồng mình. Trong những cuộc tranh cãi triền miên về hàng tá chuyện lặt vặt trong cuộc sống thường nhật, tôi luôn là người chiến thắng. Hay nói cho chính xác: cái lý của tôi luôn chiến thắng. Tôi luôn là người hữu lý, vì thế, có lẽ, tôi thông thái hơn. Nhưng dù thế nào, tôi cũng không khỏi băn khoăn về nhận xét mà cô ấy đã nói hàng trăm lần, về tôi, sau khi thua cuộc...

Mặc nhiên, tôi là kẻ rất ít tin vào quảng cáo. Tôi cho rằng, có nhiều thứ khác biệt giữa đàn ông với đàn bà, nhưng chắc chắn trong đó không có dầu gội đầu. Đó là lý luận tôi đưa ra khi vợ mua loại dầu gội “dành cho quí ông” cho tôi dùng. Nhưng đó là ví dụ để nói rằng cô ấy vẫn còn có chút ít hữu lý. Còn khi cô ấy mua một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có tác dụng “cải lão hoàn đồng” với giá trên trời thì tôi đã hết chịu nỗi. Tôi kiên quyết không chịu uống một viên vào mỗi buổi sáng dù cô ấy cố năn nỉ.

“Giá một viên còn hơn tô phở, hay là để anh ăn tô phở?”

Vợ tôi giận dỗi:

“Không được, ăn thì khác, đây là thuốc, anh phải uống, vả lại em lỡ mua rồi...”

Thế đấy, tôi đã bắt đầu ý thức được mình là kẻ khó thích nghi từ khi chung sống với cô ấy...

Một lần, tôi đọc thấy trên mục “Bạn là ai” có cuộc điều tra xã hội học để phân loại cá tính. Tôi đã tự thực hiện việc đánh giá mình qua bài kiểm tra này. Và cũng không ngoài dự đoán — như vợ tôi đã nhận xét — tôi thuộc nhóm dưới một phần trăm, hay là những kẻ khó thích nghi với xã hội.

Như vậy là chắc ăn một trăm phần trăm rồi, tôi thuộc nhóm ấy, cái nhóm ít ỏi và chưa khi nào được các nhà kinh doanh để ý đến.

Một buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi nói với vợ là tôi thuộc nhóm một phần trăm. Cô ấy tròn xoe mắt ngạc nhiên, nhưng lại hỏi:

“Nghĩa là sao? Là nhóm các thiên tài hay nhóm các tỉ phú?”

“Không, là ‘những kẻ khó thích nghi với xã hội’.”

Vợ tôi cười lớn:

“Thế thì em biết từ lâu rồi.”

“Nhưng, em chỉ đoán mò thôi. Còn đây là kiểm tra khoa học hẳn hoi.”

Tôi đưa cho vợ xem bài kiểm tra cắt ra từ tờ báo.

Cô ấy chỉ đọc sơ sài rồi trề môi chê bai:

“Báo với chí, toàn ba xạo thôi, anh tin làm gì.”

Thế đấy, cô ấy có thể tin vào sự “cải lão hoàn đồng” của một loại thuốc vớ vẩn nào đó, nhưng lại chẳng khi nào tin vào khoa học. Thật sự cô ấy đã làm tôi thất vọng...

Nhưng từ đó, cảm thức mình là một kẻ khó thích nghi cứ đeo đuổi tôi. Tôi thấy hình như một vài đồng nghiệp nhìn tôi với con mắt khác, có vẻ như dò hỏi; và hình như anh chàng hàng xóm đã ít mời tôi sang nhà mỗi khi có tiệc tùng.

Rõ ràng, tôi đã rất trung thực khi thực hiện bài kiểm tra. Chẳng hạn, tôi không thể nghe nổi (chứ nói gì đến thích) cái thứ nhạc nhảm nhí đang hát tràn lan ngoài phố kia; hay, sự thật, tôi chẳng yêu gì thành phố này...

Nhưng rồi tôi cũng quyết định giữ nguyên kết quả bài kiểm tra của mình để gửi lại cho tờ báo.

Vài tuần sau tôi nhận được một lá thư — cũng từ tờ báo đó — mời tham dự câu lạc bộ “nhóm một phần trăm”.

Trong thư có đoạn viết:

“Nếu bạn thuộc nhóm một phần trăm, bạn có thể cảm thấy lẻ loi, cô độc. Đôi khi còn như bị bỏ rơi. Nhưng không, bạn không bao giờ lẻ loi, bạn vẫn là một phần tất yếu của xã hội này.
Hãy đến cùng chúng tôi để tạo ưu thế cho mình.
Hãy tham gia câu lạc bộ ‘Nhóm một phần trăm’, nơi, bạn sẽ được tôn trọng, được cảm thấy như ở nhà mính...”

Tôi đem lá thư bàn với vợ. Vợ tôi cứ băn khoăn:

“Không biết nó có khác gì mấy câu lạc bộ những người nuôi chó hay cá cảnh không?”

“Anh không biết, dù sao thì nó cũng rất đặc biệt.”

Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định đến dự cuộc họp mặt đó.

Đón chúng tôi tại nhà hàng là một gã béo ị, mặt như thoa mỡ nhưng miệng luôn tươi cười. Gã béo đưa vợ chồng tôi vào thang máy:

“Câu lạc bộ ở lầu 5.” Gã giải thích.

Ở hành lang, chúng tôi gặp rất nhiều người, họ đứng thành từng nhóm nhỏ dọc hai bên lối đi. Gã béo giải thích tiếp:

“Họ đấy, những kẻ một phần trăm, họ đang trò chuyện với nhau để kết bạn...”

Chúng tôi bước vào đại sảnh, nơi đây thật rộng lớn nhưng cũng không biết cơ man nào là người.

“Sao mà đông vậy?” Tôi buột miệng hỏi

“Ừ, tất cả đều là những kẻ khó thích nghi...” Gã béo lại ậm ừ.

Tôi nghĩ thầm “thành phố này đông đúc thật, chỉ là nhóm một phần trăm mà đã đông thế này...”

Chúng tôi ngồi tại một bàn nhỏ và im lặng chờ đợi người phục vụ. Hồi lâu, có một cô còn trẻ, tay cầm thực đơn, bước tới:

“Xin lỗi vì đã để anh chị chờ lâu. Anh chị muốn dùng bữa ngay hay tìm bạn?”

“Vâng, dùng ngay, tôi đói lắm rồi, chẳng cần bạn biếc gì cả.” Vợ tôi hơi cáu.

Cô phục vụ cười hơi ngượng rồi đưa thực đơn cho tôi chọn món...

Bữa tối được dọn ra, chúng tôi ăn ngấu nghiến vì quá đói. Hình như xung quanh tôi mọi người — những kẻ cùng sở nguyện — vẫn còn đang bận tán chuyện.

Khi đã uống xong ly nước, tôi biết là chẳng còn lý do gì để ở lại đây nữa. Tôi gọi tính tiền. Và khi hoá đơn đem tới, vợ tôi đã thét lên:

“Trời đất! Có tính lộn không?”

Tôi đọc vội tờ hoá đơn và cũng bàng hoàng không kém. Một bữa ăn tối bình thường mà sao lên đến bạc triệu?

Cô gái phục vụ im lặng quay đi. Lát sau gã mập ị lại tới. Nhưng lần này gương mặt gã chẳng còn nụ cười.

“Hoá đơn đã tính đúng.” Gã gằn từng tiếng.

Bây giờ tôi mới đọc kỹ và hỏi gã:

“Sao món gà lại đến gần năm trăm ngàn?”

“Đây là gà nuôi theo kiểu truyền thống ở quê, không phải gà công nghiệp, dùng thức ăn tự nhiên nên rất ngon và an toàn.”

“Thế sao món tráng miệng lại mắc vậy?”

“Đây là trái cây sạch, vì không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu.”

Tôi ngừng lại để lấy hơi và ngước lên nhìn gã.

“Và... còn cái này nữa...” Tôi như nghẹn lời. “Sao cây tăm tre xỉa răng có giá đến mười ngàn?”

Lần này gã béo nhoẻn miệng cười rồi giải thích:

“Anh không biết sao, tăm này được làm từ loại tre khai thác trên núi cao nên ...rất... tinh khiết. Khi đem về, nó được chẻ ra làm tăm, sau đó tiệt trùng bằng hơi nước, không dùng một chút hoá chất nào. Sau cùng nó còn được đóng gói chân không nữa. Giá mười ngàn là còn rẻ đó...”

Chúng tôi đành vét túi để thanh toán cho gã béo. Tôi chẳng dám nhìn mặt vợ mình.

Có lẽ, lỗi tất cả là tại tôi...

Cho tới khi về đến nhà, vợ tôi cũng chẳng nói câu nào. Lúc chuẩn bị đi ngủ, cô ấy chỉ nói một câu:

“Có lẽ anh nên quay lại nhóm ‘gần một trăm phần trăm’ đi...”

“Ừ...”

Đây là lần đầu tiên tôi thừa nhận vợ mình hữu lý.

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021